Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Đi coi phụ nữ đá banh

Đây là bài báo tường thuật của nữ phóng viên Nguyễn Thị Kiêm về trận thi đấu bóng đá nữ đầu tiên ở Việt Nam đăng trên báo Phụ nữ tân văn năm 1933. Đội bóng đá nữ đầu tiên ở Việt Nam là đội Cái Vồn do Kỹ sư Phan Văn Sửu thành lập. Theo ông Phan Văn Sửu lý do thành lập đội bóng đá nữ là để giúp phụ nữ rèn luyện thể lực, đặc biệt là giúp phụ nữ trở nên dạn dĩ, sau có thể tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động từ thiện. Điều đặc biệt của trận thi đấu này là đội bóng đá nữ Cái Vồn thi đấu với đội bóng đá nam!:)
"Ngày Chúa Nhật 30 Juillet, ai ai cũng trông cho tới 3 giờ chiều đặng đi coi hội phụ nữ đấu cầu với hội Paul Bert. Song từ 11 giờ trưa, trời xân một đám mưa lớn riết tới 3 giờ mấy. Đến 4 giờ mới dứt hột. Tiếng mưa vừa bặt thì ngoài đường tiếng kèn xe máy, xe hơi xe ngựa inh ỏi. Người ta, kẻ dù, người áo mưa đi đông như hôm Hội chợ Pháp-Việt. Trên mấy con đường tấp nập tiếng người xôn xao bàn luận: " Lần thứ nhất có phụ nữ đá banh tại Sài gòn mình không đi coi thì dại lắm... đàn bà mấy làm hơi mà đá banh ta!...cha... dạn dữ! Quá bộ dưới Cái Vồn lên đây,", để coi ăn  mấycái  Goll cho biết.Tới cửa sân banh không biết bao nhiêu người ta. Có người vô được nói rằng: " Thiệt là vô cửa " sanh tử" lắm phải chơi sao!"
Tôi vô được leo lên Tribune thấy đàn bà vô coi đông lắm, có nhiều ông lão , bà lão cũng đi coi, người Pháp cũng bộn.
Ban đầu hai đội banh Marine và đội Port Commerce  đấu chiến với nhau. Rốt cuộc Marine thua một bàn ( Port Commerce 3- Marine" 2).
Kế đó Hội phụ nữ Cái Vồn sấp hàng ra sân. Được 11 người  mà 2 phần là các bạn gái lối 14-15 tuổi. Chị em mặc đàng hoàng chứ không có gì là "Lỗi" như  nhiều người  nói. Đầu có trùm  Béret xanh dợt, áo tráng Col Danton, cổ cũng giềng màu xanh dợt. Trôn áo  nhét vô quần. Quần thì vải đen cụt ống. Chơn mang vớ cụt giày bố trắng. Công chúng thấy phụ nữ thì vỗ tay, người khen, người chộ.
Hội Paul Bert ra sân công chúng thấy vóc rạc hai bên thì cười rùm: Đá banh gì nít nhỏ quá!" Hai Hội Nam nữ lớp quỳ, lớp đứng cho 5-6 máy chụp hình lấy ảnh. Xong Atbit ( Artbitre) thổi dấu hiệu, hai đội banh về thành sấp ra chiến. Hội phụ nữ Cái Vồn đã còn yếu lắm banh chẳng đặng  đưa bổng chỉ chạy gần gần rồi ngừng, nhưng chị em chạy cũng khá lắm, biết cách lừa giao banh. bên hậu tập đà hay hơn hết. Cô Merithe thủ quân cũng giỏi. Chị em lừa banh trật hay là đá hụt thì vẫn cười coi dạn dĩ chớ chẳng vì tiếng cười, tiếng la lối của công chúng mà khiếp, cách chạy, cách đá cũng tự nhiên không gì là coi kỳ. Hội Paul Bert thì nhường cho Phụ nữ đá tới hãm thành kẻ nghịch và thủ thành cũng kịch liệt. Người đi coi hay la lớn: " đá tới chị Hai, chạy mau nó chị Ba" làm công chúng vui cười mà chị em cũng cười. Rốt cuộc Paul Bert thắng Phụ nữ 1 bàn ( 2 à). Ra về công chúng rần rần, rộ rộ, chê đá dở cũng có mà khen phụ nữ dạn dĩ, chạy khá. Tuần tới 6 Aout, hai Hội phụ nữ đấu chiến ắt xen rõ tài chị em hơn vì đồng sức nhau. Chị em, anh em nên tới xem đặng Chúa Nhựt tuần tới
 Nguyễn Thị Kiêm"

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Hội thảo Đô thị Quảng Yên: truyền thống và định hướng phát triển

Ngày 18/1/2011, tại thị trấn Quảng Yên (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo khoa học  "Đô thị Quảng Yên: truyền thống và định hướng phát triển". Đây là cuộc hội thảo do Ủy ban nhân dân Tỉnh Quảng Ninh, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đồng tổ chức. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 27 báo cáo khoa học của 35 tác giả trong nước và 1 tác giả quốc tế là các vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kiến trúc, Viện Khảo cổ học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, Huyện Yên Hưng và Trường Đại học Quốc gia Hiroshima (Nhật Bản).  

 Báo cáo đề dẫn của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sau khi điểm  lại các chặng đường lịch sử của đô thị Quảng Yên, đã rút ra mấy nhận xét sau:
"- Thứ nhất: Đô thị Quảng Yên hình thành và phát triển ở vùng cửa ngõ sông nước trọng yếu nhất của đất nước, nó vừa là quan ải che chắn, bảo vệ cho Kinh đô Thăng Long ở phía sau, vừa là nơi các vương triều đóng đô ở Thăng Long đặt làm cơ sở triển khai các chiến lược vươn ra đại dương, trấn giữ các vùng biển đảo.
- Thứ hai: Đô thị Quảng Yên có quá trình hình thành và phát triển lâu dài gắn liền với các lỵ sở của chính quyền địa phương (cấp phủ, lộ, trấn, tỉnh). Xung quanh Quảng Yên là những địa phương có cơ sở kinh tế hàng hóa mạnh, có quan hệ giao thương rộng với các thị trường trong nước quốc tế, làm nên sức sống của đô thị trong trường kỳ lịch sử.
- Thứ ba: Đô thị Quảng Yên là trung tâm của vùng chiến trường Bạch Đằng năm 1288, nơi hình thành và ghi dấu sâu đậm của truyền thống Bạch Đằng, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống khai thác và bảo vệ biển đảo, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
- Thứ tư: Đô thị Quảng Yên là một đô thị có lịch sử lâu dài (chỉ đứng sau đô thị Thăng Long-Hà Nội) và đã đạt đến hình thái phát triển đặc trưng của các loại hình đô thị trung đại, cận đại Việt Nam.
- Thứ năm: Tuy từ năm 1964 cho đến nay, đã gần một nửa thế kỷ chỉ còn là một thị trấn, nhưng Quảng Yên vẫn luôn phát huy vai trò của một đô thị trung tâm, có những đóng góp to lớn vào quá trình phát triển của huyện Yên Hưng, của tỉnh Quảng Ninh và của cả vùng Đông Bắc".
Căn cứ vào nội dung các báo cáo, hội thảo đã lắng nghe và tập trung thảo luận theo 3 nhóm vấn đề như sau:
 1 . Đô thị Quảng Yên: Nguồn gốc, chức năng, quá trình hình thành, phát triển 
 2.  Không gian văn hóa đô thị Quảng Yên 
 3.  Điều kiện và nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội cho phát triển đô thị
Nhóm vấn đề thứ nhất: Đô thị Quảng Yên: Nguồn gốc, chức năng, quá trình hình thành, phát triển gồm có 8 báo cáo. 
Báo cáo của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trình bày về quá trình xây dựng và thực thi chiến lược  đối với vùng biển đảo miền Đông Bắc của Tổ quốc của các triều đại phong kiến Việt Nam mà vị vua đầu tiên là Lý Anh Tông (1138-1175) với việc xây dựng hành dinh trại Yên Hưng.
 Các báo cáo của TS. Lê Thị Liên ( Viện Khảo cổ học) và TS. Nguyễn Việt ( Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) và các cộng sự đã công bố các kết quả khai quật Khảo cổ học vùng đất này nhằm nhận diện chiến trường Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo trong cuộc kháng chiến chống Nguyên -Mông lần thứ ba năm 1288. 

Đặc biệt báo cáo của TS. Nguyễn Việt đã cho biết thêm những phát hiện mới nhất về các hiện vật gốm sứ và di cốt người tại vùng bãi cọc Bạch Đằng hứa hẹn sẽ mang lại những nhận thức mới về những người lính của một thời kỳ  hừng hực hào khí Đông A.

Có 1 báo cáo của GS.TS Yao Takao thông qua việc giới thiệu về hai tấm bia có niên đại Hồng Đức: 1470 và 1479 đã cố gắng trả lời câu hỏi: "Tại sao các chính quyền trung ương lại phải xếp đặt chế độ hành chính? Mục đích chủ yếu là nhằm để thiết lập một sự quản chế mạnh của chính quyền trung ương lên các địa phương. Nội dung của hai tấm bia này cho thấy công cuộc khai hoang của các làng mới lập và chúng cũng cho chúng ta thấy hoạt động của các quan chức cao cấp từ trung ương và những người đứng đầu địa phương đã xử sự với các làng này thế nào, đồng thời hai tấm bia đó cũng cho thấy sự tương phản giữa các ý tưởng của trung ương và tình hình thực tế ở địa phương" . 
TS. Hoàng Anh Tuấn báo cáo về vùng Quảng Yên trong chiến lược thương mại của Công ty Đông Ấn Hà Lan 
Bằng cách tiếp cận lịch sử và khu vực học, báo cáo của Ths.Vũ Đường Luân về "Hệ thống cửa sông vùng ven biển Đông Bắc và việc lựa chọn địa điểm xây dựng cảng lớn ở Bắc Kỳ nửa cuối thế kỷ 19" muốn nhìn lại quá trình lựa chọn và những tác nhân của quá trình hình thành đô thị cảng ở vùng duyên hải đông bắc Bắc Bộ trong khoảng ba thập niên nửa cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, các tác giả cũng chỉ ra những hệ quả của nó đối với sự phát triển các hải cảng sau này. Điều này không chỉ góp phần làm rõ những đặc trưng cơ bản của các đô thị cảng ở vùng duyên hải Đông Bắc mà chắc hẳn những kinh nghiệm lịch sử sẽ có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này hiện nay".  
Đại tá TS. Cao Thanh Tân, Ths. Tống Văn Lợi, TS. Phạm Văn Lợi và Đặng Ngọc Hà làm rõ hơn quá trình phát triển của huyện Yên Hưng từ cuối thế kỷ 19  cho tới ngày nay.
PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Phó chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam chủ trì tiểu ban


Nhóm vấn đề thứ hai là Không gian văn hóa đô thị Quảng Yên gồm 8 báo cáo, trong đó có 2 báo cáo bắt đầu từ văn hóa Bạch Đằng và khảo tả khu vực này như là trung tâm văn hóa của vùng Đông Bắc, ( của TS Nguyễn Việt, Lê Đồng Sơn) 3 báo cáo đi sâu vào di tích thành, phố và kiến trúc đô thị ( PGS.KTS Tôn Đại về " Một số ý kiến về Kiến trúc Pháp tại Quảng yên", TS Nguyễn Việt về " Khảo cổ học biệt thự Pháp tại Quảng Yên), 1 báo cáo khảo tả về Tri thức dân gian về nghề vận tải biển ( Đặng Ngọc Hà) và 2 báo cáo bàn về vấn đề quy hoạch và bảo tồn di tích chiến trường Bạch Đằng, di tích văn hóa huyện Yên Hưng phục vụ phát triển bền vững đô thị( PGS.TS Đặng Văn Bài và Trịnh Công Lộc).

- Nhóm vấn đề thứ ba là Điều kiện và nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội cho phát triển đô thị gồm 10 báo cáo  của các nhà khoa học  tập trung vào lịch sử hình thành, biến đổi và những đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên vùng cửa sông Bạch Đằng và huyện Yên Hưng, thực trạng kinh tế xã hội, những tiềm năng và thách thức, dự báo những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến khu vực đất thấp ven biển và gợi mở hướng phát triển đô thị bền vững ở khu vực Quảng Yên - Yên Hưng.
 PGS.TS Vũ Văn Phái trình bày về " Một số đặc điểm tự nhiên huyện Yên Hưng và sự biến đổi của chúng trong thời gian gần đây"
TS. Nguyễn An Thịnh thay mặt cho nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Cao Huần, Ths. Trần Văn Trường, PGS.TS Đặng Văn Bào, GS.TS Trương Quang Hải, Ths Dư Vũ Việt Quân trình bày báo cáo về" Đánh giá biến đổi của điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường khu vực đất thấp ven biển Hà Nam, huyện Yên hưng, tỉnh Quảng Nam dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu"
GS. TS Trương Quang Hải trình bày báo cáo về" Phân tích lợi thế và hạn chế trong phát triển kinh tế của huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh"
Ngoài ra còn một số báo cáo về " Kinh tế Yên Hưng từ góc nhìn sinh thái- Nhân văn" của TS.Phạm Văn Lợi, " Định hướng hoạch định không gian sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng đất thấp Hà Nam, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh" của các GS.TS Trương Quang Hải, Nguyễn Cao Huần, Đặng Văn Bào, Phạm Quang Anh...
Một số hình ảnh về Hội thảo


GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó giám đốc Đại học Quốc gia tổng kết hội thảo

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Hoạt động của công ty Đông Ấn Hà Lan tại Việt Nam


Tại sao? ( Nhị Linh Phỏng vấn TS. Hoàng Anh Tuấn- tác giả của cuốn sách: "Silver and silk")
TS.Hoàng Anh Tuấn và Ths. Lê Thùy Linh tại Hội thảo Hà Nội tháng 10 năm 2010


Tại sao lại là các Công ty Đông Ấn?
Tôi xin trả lời dài dòng một chút. Công việc nghiên cứu của tôi khởi đầu bằng đề tài nghiên cứu ở bậc đại học và cao học về hoạt động thương mại biển của Vương quốc Chămpa thế kỷ VII-X trong bối cảnh quan hệ thương mại và giao lưu văn hóa khu vực. Tiếp sau đó là một cơ duyên: năm 1998, Chính phủ Hà Lan dự định tổ chức đại lễ kỷ niệm 400 năm thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào năm 2002. Họ muốn hoạt động này thực sự có chiều sâu, gắn liền với khoa học và đào tạo, nên đã lập Chương trình TANAP và giao cho Đại hoc Leiden tổ chức đào tạo tiến sĩ cho khoảng 20 nhà nghiên cứu trẻ của các nước phương Đông (nơi VOC từng có quan hệ buôn bán). Tôi may mắn là một trong số những người đó, sang Leiden từ năm 2002 và đến năm 2006 tôi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Vì vậy, có thể nói rằng tôi đã mở rộng hướng nghiên cứu hải thương của mình từ người Chăm sang người Việt nói chung, trong mối quan hệ với nước ngoài.
Tại Đàng Ngoài, Hà Lan thành công hơn Anh

Các Công ty Đông Ấn (ngoài Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, tồn tại cho tới năm 1799 còn có Công ty Đông Ấn Anh - EIC - xuất hiện cùng khoảng thời gian) có thể coi là những huyền thoại trong lịch sử châu Âu, nhưng rõ ràng đây là đề tài rất mới đối với giới sử học Việt Nam.

Thành tựu nghiên cứu gắn liền với các Công ty Đông Ấn ở các nước phương Tây rất nổi bật, nhưng đây quả là một hướng đi tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Nói tương đối mới mẻ là vì việc đặt nền móng cho hướng nghiên cứu này đã được tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngay sau Hội thảo quốc tế về Hội An, vào những năm 1990, GS. Phan Huy Lê và GS. Nguyễn Quang Ngọc đã được Đại học Leiden mời sang nghiên cứu để khảo sát kho tư liệu Hà Lan về Việt Nam. Trong dịp này, hai giáo sư đã thu thập và mang về nước được một số phim chụp về tư liệu VOC, bản đồ cổ… Đặc biệt, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã sang tận Thư viện Quốc gia Anh để trao đổi với cố TS. Anthony Farrington về khối tư liệu EIC về Việt Nam. Trên cơ sở những quan hệ hữu hảo đó, vào năm 2002, hai Giáo sư đã giới thiệu để tôi sang Đại học Leiden học tập và nghiên cứu. Đến thời điểm đó, bên cạnh một số bài viết, đã có ít nhất hai công trình nghiên cứu quan trọng liên quan đến VOC-Đại Việt: luận án tiến sĩ Công ty Đông Ấn Hà Lan và Đàng Trong: Mối quan hệ giữa Hà Lan và Annam trong thế kỷ XVII của Wilhelm Buch (1929) và chuyên khảo Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đông Dương cũng do Buch công bố trên tạp chí của Trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO, 1936/7).
GS Trần Quốc Vượng và TS Nguyễn Quang Ngọc thảo luận với  TS. Anthony Farrington về hoạt động của các Công ty Đông Ấn tại Hội thảo về Phố Hiến năm I992

Thế nhưng, nếu đọc cuốn sách Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII do anh biên soạn vừa được ấn hành (NXB Hà Nội), thì Công ty Đông Ấn Hà Lan có quan hệ chủ yếu với Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong…

Đúng vậy, cũng không rõ tại sao Buch lại chọn hướng nghiên cứu đó, vì xét về mặt thống kê, tài liệu của VOC liên quan đến Đàng Trong ít hơn nhiều, lại không được liên tục về mặt thời gian. Chúng ta cũng chỉ có thể phỏng đoán về lý do lựa chọn của Buch. Tuy nhiên, như đã nói, trong chuyên luận trên BEFEO, Buch có đề cập đến cả Đàng Ngoài, dù chủ yếu là điểm lại dưới dạng biên niên hoạt động của VOC ở Kẻ Chợ chứ chưa khảo tả và phân tích chi tiết về mặt định lượng. Cuốn sách của Buch cũng từng được các nhà nghiên cứu Việt Nam tham khảo, như trong công trình Về ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX (1961) của Thành Thế Vỹ.

Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn Anh đều hoạt động ở Việt Nam trong thế kỷ XVII nhưng người Hà Lan thành công hơn nhiều so với người Anh, tại sao? (Chúng ta biết rằng người Anh lập Công ty Đông Ấn trước người Hà Lan).

Theo tôi, nguyên nhân cần được nhìn rộng hơn mức độ các sự kiện đơn thuần diễn ra trong phạm vi Đại Việt. Khởi đầu của người Hà Lan tại Việt Nam không hề thuận lợi: ở Đàng Trong người Hà Lan thiệt hại cả trăm người và hàng vạn ghin-đơ trong khi ở Đàng Ngoài khó khăn và tổn thất cũng luôn luôn thử thách họ. Thế nhưng họ lại nhanh chóng thiết lập được thương điếm, duy trì quan hệ với Đàng Ngoài suốt 64 năm và có được những thành công không nhỏ, mặc dù Đàng Ngoài là một trong những xứ khó buôn bán bậc nhất ở phương Đông, do đặc điểm của hệ thống quan liêu, cũng như tổ chức xã hội có nhiều đặc thù phức tạp. Tất nhiên, nhu cầu của Phủ Chúa về tiền bạc và vũ khí trong thời gian nội chiến đóng một vai trò quan trọng nhưng trong nghiên cứu lịch sử thương mại, rất nhiều yếu tố cần phải tính đến. Người Hà Lan biết tổ chức một mạng lưới buôn bán liên hoàn. Người Hà Lan lại rất chặt chẽ, kỷ luật, kiên nhẫn và khôn ngoan, trong khi người Anh tổ chức công việc buôn bán ở phương Đông tương đối lỏng lẻo. Hơn nữa, chiến lược thương mại của mỗi bên cũng khác nhau; ở quãng thời gian đó, tiềm lực của Anh tại khu vực Đông Nam Á nhỏ hơn so với Hà Lan.

Người Hà Lan thậm chí còn thành công đến mức Carel Hartsinck (giám đốc thương điếm Đàng Ngoài từ 1637 đến 1641) còn được chúa Trịnh Tráng nhận làm con nuôi, một câu chuyện hiếm thấy.

Đây tất nhiên là một câu chuyện thú vị, cho thấy sự cởi mở nhất định của họ Trịnh (các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn cởi mở hơn thế). Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ nên được coi là một cử chỉ ngoại giao, bằng chứng là mối quan hệ giữa ông con nuôi và ông bố nuôi chẳng mấy suôn sẻ. Điều đáng để suy nghĩ ở đây là: các nghiên cứu theo hướng này khiến chúng ta cần nhìn lại định kiến về sự “co cụm”, “đóng cửa”, “yếm thế”… của Việt Nam trong lịch sử thương mại và bang giao khu vực. Thêm nữa, vị trí và vai trò của Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực và quốc tế hồi đó không đơn thuần là một sự may mắn, mà có sự chủ động nhất định từ phía chính quyền. Cấu trúc thương mại về cung-cầu ở khu vực cũng luôn luôn cần được tính tới: chẳng hạn như Nhật Bản có nhu cầu lớn về lụa trong khi sản lượng tơ lụa Trung Quốc lại sụt giảm do thay đổi triều chính Minh-Thanh nên Việt Nam có điều kiện trở thành nhà cung cấp tơ lụa lớn. Việt Nam cần được đặt vào bức tranh chung: muốn nghiên cứu thương mại của nước ta gắn liền với VOC thì nhất thiết phải đồng thời nghiên cứu hoạt động của VOC tại đại bản doanh Batavia, Nhật Bản, Đài Loan, xa hơn là biến động chính trị tại Trung Quốc, thay đổi thương phẩm tại Bengal (Ấn Độ), thay đổi sở thích của người Anh ở London và người Hà Lan ở Amsterdam… và rộng hơn là đặt Đại Việt trong cấu trúc thương mại toàn cầu ở thời kỳ này.

Nghiên cứu lịch sử thuộc địa không thể bỏ qua lĩnh vực thương mại

Rõ ràng các nguồn tư liệu mới đã đánh động nhận thức của chúng ta về lịch sử thuộc địa: khi thành tố thương mại được thêm vào bên cạnh những thành tố đã được nghiên cứu rất nhiều như chính trị, quân sự, tôn giáo, ngôn ngữ, mối quan hệ thực dân-thuộc địa đã không còn thuần túy là những cuộc xâm chiếm, mà phức tạp và tế nhị hơn thế. Rồi thương mại lại dẫn tới chính trị và quân sự, như chúng ta đã thấy Phủ Chúa rất muốn xây dựng một liên minh quân sự với VOC…

Ở đây có lẽ nên nhắc tới những quan điểm tương đối đa chiều trong giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Không ít người cho rằng khi tới phương Đông, người phương Tây đã sẵn có trong đầu mưu đồ thực dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử thương mại gắn liền với các Công ty Đông Ấn, thì có thể chắc chắn rằng ít nhất cho tới nửa đầu thế kỷ XVIII khó có thể nói đến mưu đồ thực dân như cách hiểu hiện đại sau này. Mối quan hệ thương mại có thể đi trước mọi thứ khác. Giới nghiên cứu gần đây cũng tranh luận nhiều về cách hiểu từ “soldat” (lính) trong cách dùng của Cố Alexandre de Rhodes: các nhà truyền giáo tới Việt Nam tự coi mình là những “người lính” theo nghĩa đen hay thực chất cần phải hiểu từ này theo nghĩa ẩn dụ? Tôi thiên về cách hiểu thứ hai hơn. Điều nên tránh là để cho mối quan hệ thương mại-thực dân bị chi phối bởi “tình cảm dân tộc”.

Nghiên cứu lịch sử theo hướng thương mại có bị “chán” không, khi mà ở mảng này hình như vai trò của các cá nhân khá là mờ nhạt, ta hiếm khi thấy những nhân vật nổi bật như ở lĩnh vực chính trị hoặc quân sự?

Cũng có những nhân vật hấp dẫn đấy. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp nhân vật Hoàng Nhân Dũng (người Hà Lan gọi làOngiatule: Ông già Tư Lễ), một hoạn quan hồi thế kỷ XVII, đã tìm cách “lobby” Phủ Chúa hòng thâu tóm, lũng đoạn toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu của người Hà Lan ở Kẻ Chợ. Thậm chí ông ta còn dựa vào thế lực của thế tử và phối hợp với thương nhân Nhật Bản Resimon để thực hiện mưu đồ của mình.

“Hết tơ lụa thì chuyển sang gốm sứ, hết gốm sứ thì chuyển sang xạ hương…”

Dù sao thì ngành nghiên cứu của anh cũng rất mới mẻ và hứa hẹn.

Tôi đã thực hiện thống kê và nhận thấy rằng trong 50 năm (1954-2004), tạp chí Nghiên cứu Lịch sử rất mỏng ở lĩnh vực thương mại, bang giao ở giai đoạn người châu Âu bắt đầu xuất hiện. Tôi gọi đây là một khoảng lặng, tạo nên một sự mất cân đối khá nghiêm trọng nếu so với mảng nghiên cứu về ruộng đất, thể chế, quân sự… Nguyên do chính là thiếu tài liệu nước ngoài, bởi các bộ thông sử ghi chép rất ít về thương mại, nhất là ngoại thương, trong khi việc tiếp cận tư liệu phương Tây lại hết sức khó khăn trong thời điểm đó. Nguồn tài liệu từ nước ngoài, đặc biệt là tư liệu phương Tây, vì vậy trở nên đặc biệt quan trọng và cần được khai thác triệt để hơn nữa.

Nhưng làm thế nào để hợp tác có hiệu quả với nước ngoài trong nghiên cứu lịch sử?

Các đơn vị nghiên cứu nước ngoài đã hỗ trợ rất lớn cho công việc đào tạo và tiếp cận tư liệu trong khoảng mười năm qua. Hiện nay, Khoa chúng tôi vẫn còn ba cán bộ đang học tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Leiden (Hà Lan) và hứa hẹn sẽ bổ trợ cho hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, phải nói một cách khách quan rằng không thể chỉ dựa vào hỗ trợ của nước ngoài. Phía bạn có thể hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu ngắn hạn. Các nghiên cứu mang tính trường quy và quy mô lớn dựa trên việc khai thác tư liệu phương Tây vẫn rất cần có sự đầu tư kinh phí tương xứng từ trong nước. Có như vậy chúng ta mới có thể khai thác được triệt để nguồn tư liệu quý đó để soi sáng nhiều khía cạnh của lịch sử dân tộc thời kỳ này.

Nhìn vào con đường nghiên cứu khoa học của anh, có thể thấy rất rõ là anh đi chuyên sâu hoàn toàn vào một chủ đề. Ngay cả khi dịch sách, anh cũng chọn các tác phẩm của William Dampier (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, NXB Thế giới, 2007) và Samuel Baron (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, 1683, NXB Hà Nội, 2010) là những nhân vật có liên quan nhiều đến các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan.

Có lẽ cá nhân tôi phần nào chịu ảnh hưởng của “trường phái Leiden” vốn đề cao việc khai thác các nguồn sử liệu gốc để tập trung tìm hiểu sâu một lĩnh vực cụ thể, sau đó mới bắt đầu nhìn rộng ra một chút để tìm hiểu các mối liên hệ đa chiều ở phạm vi khu vực hoặc rộng hơn nữa là hệ thống toàn cầu.

Đã đi một chặng đường dài với các Công ty Đông Ấn, anh có nghĩ đến việc quay trở lại với Chămpa thế kỷ VII-X, đề tài nghiên cứu ban đầu của anh không?

Chắc là không thể, cho dù tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến Chămpa nhưng ở giai đoạn muộn hơn (thế kỷ XVI-XVIII) vì tài liệu của Anh và Hà Lan cũng có đề cập không ít tới Chămpa trong bối cảnh của các mối quan hệ chính trị và thương mại đa chiều khu vực Đông Nam Á lục địa. Con đường đi của tôi sẽ nhất quán như vậy: hết tơ lụa thì chuyển sang gốm sứ, hết gốm sứ thì chuyển sang xạ hương hoặc quế… Tôi quan niệm rằng sự chuyên sâu không loại trừ khả năng nhìn rộng bởi những nghiên cứu cụ thể luôn cần được đặt trong quan điểm so sánh khu vực và thế giới, chừng nào chúng ta còn có thể sử dụng các nguồn sử liệu gốc phong phú và cập nhật được các thành tựu nghiên cứu của sử học khu vực và quốc tế.
TS. Hoàng Anh Tuấn đang trình bày báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế!







Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Osaka tháng 6 năm 2009


Hôm nay tình cờ gặp mấy cái ảnh về Hội thảo ở Osaka năm 2009 em Giang đăng trên FB của em nên tôi viết bài  này, trước hết là để lưu lại mấy cái ảnh đã, vì tôi nhận thấy đăng ảnh ở đây là nhanh và tiện nhất ( hiện FB không thể post ảnh được và thứ hai là mạng là nơi lưu giữ ảnh tốt nhất. Tôi đã mất nhiều ảnh khi cất ở USB và máy tính:))
Cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2009, tôi đã đến Osaka để dự Hội thảo  có chủ đề " Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thế giới " trong khuôn khổ của Đại hội lần thứ nhất Hội nghiên cứu châu Á của các nhà sử học thế giới ( AAWH). 
Đây là bài giới thiệu về Hội thảo đăng trên mạng ngày12/6/2009 của GS Patrick Manning từ đại học  Pittsburgh, Hoa Kỳ, một trong những người của Ban điều hành  AAWH mà tôi vô tình bắt gặp khi lên mạng:
"First Congress: Asian Association of World Historians (AAWH) 


Patrick Manning, University of Pittsburgh 

E-Mail: <pmanning@pitt.edu>
At the opening General Assembly, over 70 members adopted the statutes of the organization and elected officers, after reports from the international committee that founded the organization in Tianjin in May 2008. By all accounts the congress was a rousing success: more than 150 registrants from 11 countries attended 14 sessions including over 100 individual presentations.
Outstanding presentations from the opening plenary included Yoichi Kibata (Seijo University) on world history from a Japanese Perspective and Anthony Reid (National University of Singapore) on the historian’s contemporary responsibility.
Among the many individual presentations at the conference, Bin Yang explored the long-term history of cowrie shells as currency in Eastern Eurasia, Thi Van Chi Dang presented on women’s newspapers in colonial Vietnam, Lucio Silva on Europeans and slavery in sixteenth-century Asia, Momoka Maki analyzed Ethiopia in World War II, Giorgio Riello spoke on cotton textiles as a global commodity, and Alejandra Irigoin presented on American intermediation in China’s silver trade. In other panels, Shinobu Ikeda led a session on representing women and the memory of Japanese imperial rule; Jie-hyun Lim organized a wide –ranging panel on science, technology, and the nation; and three high school teachers presented on the Meiji Restoration in world history.
At the concluding plenary session on teaching, outstanding presentations included that by Yang Biao (East China Normal University) on teaching a new world history curriculum in Shanghai; and Shiro Momoki on the Osaka University collaboration of teachers and professors for teaching world history.
Officers elected were Shingo Minamizuka (Hosei University), president; and board members Ahmed Abushouk (International Islamic University, Malaysia), Adapa Satyarayana (Osmania University), Ji-Hyung Cho (Ewha Woman’s University), Patrick Manning (University of Pittsburgh), Anthony Reid (now moving to Australian National University), and Zhang Weiwei (Nankai University). Shigeru Akita (Oska University) was reappointed as executive secretary by the board.
The Japan-based organizing committee and conference staff, including faculty, postdocs, and graduate students, gained appreciation from all for the smoothness of Congress procedures. The next Congress will be in 2012 at Ewha Women’s University, Seoul. Ji-Hyung Cho will become executive secretary and director of the next congress".
Kontakt:
The Asian Association of World Historians
Department of World History
Graduate School of Letters
Osaka University
1-5, Machikaneyama-cho,
Toyonaka-city, Osaka
560-8532, JAPAN
URL:http://www.let.osaka-u.ac.jp/seiyousi/


Nguồn:http:http://hsozkult.geschichte.hu-berlin.de/tagungsberichte/id=2657
Đoàn Việt Nam tham gia Hội thảo có 3 người: PGS.TS Nguyễn Văn Kim hiện là Hiệu phó Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, lúc đó đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Inha Hàn Quốc từ Hàn Quốc sang, em Đỗ Trường Giang cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, hiện đang là NCS tại Đại học quốc gia Singapo và tôi. 
Ngày 28/5, tôi và PGS.TS Nguyễn Văn Kim từ Hàn Quốc bay sang Nhật Bản, em Giang từ Singapo đã đến đó trước 1 tiếng. Sau khi đi ăn trưa, chúng tôi đi thăm Bảo tàng Osaka và thành cổ Osaka
Chụp trước thành cổ Osaka

Sau khi thăm Bảo tàng, buổi tối các bạn Việt Nam học Nhật Bản chiêu đãi đoàn Việt Nam tại nhà hàng Việt Nam. Thực ra các bạn Nhật Bản đều là những người thân quen với chúng tôi
Trước cửa nhà hàng


Còn đây là ảnh chụp trong phiên toàn thể kết thúc hội thảo. Đoàn Việt Nam chụp vơi chụp với  anh thư ký của Hội thảo


Còn đây là ảnh của tôi, chụp cùng với những người quan tâm đến báo cáo của tôi trong tiểu ban

Đây là tấm ảnh ở hành lang HT quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 tháng I2/2008 lấy trên BBC,đưa tạm vào đây


Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Di cư cưỡng bức: Người lao động Đông Dương tại Pháp ( 1939-1952)

(Bài này đăng đã lâu trên một trang cá nhân của tôi, nay đăng lại ở đây để các em sinh viên có thể tham khảo trong quá trình học tập của mình)
14 giờ 30 ngày 23/6/2010, tại phòng Multimedia, nhà D, 336 Nguyễn Trãi, Pierre Daum nhà báo Pháp, cộng tác viên của tờ Monde diplomatique (Thế giới ngoại giao) đã giới thiệu công trình nghiên cứu của mình- cuốn sách Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939 – 1952) / Di cư cưỡng bức: Những người lao động Đông Dương tại Pháp ( 1939-1952) được ấn hành bởi Nhà xuất bản Actes Sud năm 2009 (Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã mua bản quyền để in bằng tiếng Việt trong năm 2010.). Người dịch buổi hôm nay là nhà báo Đào Hùng- tạp chí Xưa – Nay
Là người chuyên tâm tìm hiểu các vấn đề lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, ông thấy phải nhanh chóng tìm hiểu về đời sống của những người lao động thuộc địa đã đóng góp cho lịch sử nước Pháp trước khi quá muộn và ông bắt đầu tìm lại những nhân chứng sống, cả ở Pháp và Việt Nam, nghe họ kể về cuộc đời của họ, đồng thời khổ công tìm kiếm trong các kho văn khố của chính quyền thuộc địa Pháp, Pierre Daum đã lật lại một trang sử bị lãng quên trong suốt 60 năm qua: việc cưỡng bức di cư sang Pháp, điều kiện sống và làm việc gần như nô lệ của 20.000 lính thợ Đông Dương ngay tại các vùng khác nhau của nước Pháp trong giai đoạn 1939 - 1952…
Câu chuyện của ông bắt đầu từ 1/9/1939, khi Pháp  tuyên chiến với nươc Đức, nhu cầu về lao động đã khiến Pháp phải huy động nhân lực từ các nước thuộc địa ở châu Phi, Madagasca, Đông Dương...
Hầu hết những người này (90%) bị cưỡng bức sang Pháp, chỉ có 10% là tự nguyện. Họ là những người nông dân nghèo từ nhiều vùng đất nước với hi vọng sự ra đi của họ sẽ giúp gia đình họ bớt đi một miệng ăn trong thời buổi khó khăn. Cũng có những người thuộc gia đình khá giả, được học hành, ra đi vì hi vọng sẽ có được địa vị như người Pháp và nhờ đó họ thoát khỏi những trói buộc trong tương lai. Công việc của họ là làm phiên dịch- cầu nối giữa những người lao động và chính quyền thực dân.

Là những người nông dân nghèo khổ, chưa một lần ra khỏi làng quê của mình, họ phải chịu một áp lực rất lớn khi đến nước Pháp. Thực ra, ngay từ khi còn trên tàu, nhiều người đã có ý định tự tử...
Đến Pháp, họ được đưa vào những trại lớn, phân thành những nhóm 250 người một, phụ trách trại thường là một cựu sĩ quan quân đội thuộc địa, những người đã quen với việc đối xử với người dân bản xứ. Bên dưới người quản lý chính còn có khoảng 10 người giúp việc thường là những người lai Pháp. Quan hệ giữa những người Việt với những người trung gian này rất khó khăn.
Đây là chân dung một cựu sĩ quan quản lý trại
Họ bị hạn chế đi lại, và trong thực tế,  cuộc sống của họ giống như sống trong  nhà tù. Họ được cung cấp thực phẩm, nhưng thường xuyên bị những người quản lý ăn chặn để đem bán ra chợ đen. Đói là nỗi ám ảnh xuyên của họ. Sau nhiều ngày bị đói, họ đã đấu tranh, gặp những người quản lý để đề đạt ý kiến. Đây là hình ảnh của một cuộc gặp gỡ giữa những người lao động và những người phụ trách trại. Một người phiên dịch can đảm đã thay mặt những người lao động kiến nghị.
Mỗi người được cấp một sổ Lao động. Sổ có ghi tên, tuổi, số hiệu gồm  ký hiệu  chữ cái chỉ khu vực ?quê hương và số lính, những thứ được cấp phát... Sau 70 năm, nhiều người không còn nhớ được gì nhiều, nhưng số của họ thì họ vẫn nhớ. Pierre Daum đang giới thiệu ảnh một người lao động Đông Dương với mã số ghi xuất thân của anh ấy là Bắc Kỳ.
Họ phải làm việc trong các xưởng thuốc súng, dễ gặp tai nạn và mắc bệnh ngoài da. Lương của họ rất thấp: 1Fr /1 ngày làm việc, trong khi lương hạng bét của một công nhân Pháp là từ 40-50Fr một ngày.

Tháng 6 năm 1940, nước Pháp từ bỏ cuộc chiến ( Thực ra là Pháp đầu hàng Đức, chính phủ kháng chiến được thành lập, nhưng phải lưu vong ở Anh), vì vậy lẽ ra những người Đông Dương phải được hồi hương, tuy nhiên do đường biển bị cắt do điều kiện chiến tranh, còn 15.000 người mắc kẹt tại nước Pháp. Họ được đưa đi lao động ở các nơi, trong đó có vùng Carmagne, miền Nam nước Pháp. Những người nông dân quen trồng lúa Đông Dương đã biến vùng hoang vu Carmagne của nước Pháp thành một vùng trồng lúa. Và cho đến bây giờ, nơi đây vẫn là vùng trồng lúa và là trung tâm nghiên cứu giống lúa của nước Pháp.

Năm 1945, Việt Nam tuyên bố độc lập, nhưng Pháp không công nhận nền cộng hòa non trẻ của Việt Nam, và từ tháng 6-9/1946, Hồ chí Minh và phái đoàn của chính phủ VN DCCH sang Pháp để dự Hội nghị Phongtenblo. Những người lao động Đông Dương đã tổ chức nhiều cuộc mit tinh để đòi Việt Nam độc lập, tạo nên cuộc đấu tranh phản đối chính phủ Pháp ngay trong lòng nước Pháp. Vì vậy những người lao động Đông Dương trở thành đối tượng bị theo dõi và đàn áp của cảnh sát Pháp. Có những cuộc xung đột đã nổ ra và một số người bị giết, 20 người bị bắt giam... Những người lao động trong trại đã tổ chức ra đội tự vệ. Cũng xuất hiện khuynh hướng Trotkit trong những người này.

Từ năm 1948, Chính phủ Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch hồi hương những người lao động Đông Dương. Chương trình hồi hương những người Việt nam diễn ra chậm chạp và đến năm 1952 mới hoàn thành. Trong số 20.000 người Đông Dương sang Pháp vào năm 1939, có khoảng 1000 người đã bị thiệt mạng, 1000 người ở lại định cư tại Pháp, 18.000 người đã trở về Việt Nam. Lúc này ở VN cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn đang tiếp diễn, vì vậy họ trở thành đối tượng bị nghi ngờ và nhiều người đã buộc phải che giấu quá khứ của họ...

Ngày 10/12/2007, Lễ vinh danh những người Lao động Đông Dương đã được tổ chức vì những đóng góp của họ cho nước Pháp.

Trong cuốn sách này, tác giả cũng đã đề cập tới những người trotkit. Bản thân tôi cho rằng đã đến lúc giới sử học VN xem xét lại vị trí của những người Trotkit trong lịch sử dân tộc. Tác giả đã đồng ý với ý kiến của tôi với lý do không phải vì anh ấy là người trotkit mà vì cần phải nghiên cứu lịch sử một cách toàn diện.

Cuối buổi, đại diện nhà trường cảm ơn tác giả, tặng hoa và quà lưu niệm. 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Tôi làm nghề cách mạng chuyên môn

 (Đây là một bài báo đăng trên báo Đàn bà mới mục Chung quanh vấn đề thanh niên ( trang 12 ) xin được giới thiệu ở đây để các bạn tham khảo, để hiểu thêm về GS Trần Văn Giàu cũng như một thời kỳ lịch sử của VN cách đây gần 100 năm)

Ai đã nói câu đó? Không sợ tù tội, không sợ đi ra Côn Đảo hứng gió sao?
Câu đó đã thốt ra nơi cửa miệng Trần Văn Giầu, một thanh niên bị can vào vụ cộng sản đem ra xử tại tòa trừng trị hôm 24/6  vừa rồi
Suốt khi tòa hỏi cung, Giàu hoàn toàn tỏ ra một người tin tưởng vào CNCS, Giàu muốn dùng tòa án để hô hào tư tưởng cực đoan của mình...
Vấn đề thanh niên bây giờ là một vấn đề quan trọng đáng để chính phủ chú ý tới. Thanh niên nước ta cũng như các nước trên thế giới bị trào lưu xô đẩy, bị những việc xảy ra trên mặt đia cầu làm sôi nổi trái tim. Khác với 10 năm trước, thanh niên nước ta bây giờ muốn tìm một cái quan niệm để mà thờ. Đang khi họ khát cái quan niệm ấy nếu chính phủ chỉ nghĩ cách  đàn áp, trừng trị thật là không đủ
 Chính phủ nên nghĩ cách gì giắt các thanh niên hang hái kia vào một con đường ngay thẳng, xoay xu hướng của họ về một cái quan niệm chính đáng. Còn cách gì hơn cho họ lập một chánh đảng như hồi quan toàn quyền Varenne ở đây người ta đã bàn luận một hồi.
Như vậy chánh phủ sẽ có thể giắt những thanh niên lạc lối kia quay về con đường có ánh sang, cho cao vọng của họ được tự do phát triển trong phạm vi  trật tự, dưới sự kiểm soát của chánh phủ. Những trái tim hăng hái kia, những khối óc thông thái kia nếu có ngày đươc đem ra mà dùng vào việc nước một cách chánh đại quang minh, thì thật là một điều rất đáng mừng vậy.
Còn như sự đối phó với các chính đảng có tính chất bạo động thì luật pháp trong tay chính phủ xem ra không phải là một điều khó.
Nếu đè nén tư tưởng của một bọn thanh niên thì  không khác gì đè nén  trên một thùng thuốc nổ. Nó có thể bung ra lúc nào không biết. Mà nó đã bung ra nhiều lần rồi.
 Chánh phủ phải nên trông ở bọn thanh niên này thay thế cho bọn Lão đại để giúp chính phủ một cách đắc lực
Dưới đây là vài lời khai của Trần Văn Giàu tại phiên tòa 24/6
“Giàu xin tòa cho phép mình nói tiếng An nam.
Quan biện lý  cười ngó Giàu  mà rằng:
-         Anh nói tiếng Pháp giỏi lắm sao không nói mà lại xin nói tiếng An Nam?
-         Vì tôi muốn nói tiếng mẹ đẻ của tôi
-         Anh làm nghề gì?
-         Tôi làm nghề cách mạng chuyên môn
-         Anh có vợ con gì không?
-         Tôi làm nghề cách mạng chuyên môn thì cần gì  vợ con chớ?
-         Anh về nước để thăm nhà và vợ con phải không?
-         Tôi về nước để làm cách mạng chứ dư công đâu mà nghĩ tới vợ con
-         Anh có từng học ở Pháp và Nga phải không?
-         Có! Trong lúc tôi từng học ở Pháp, tôi nghe nói  nước Nga là xấu, gây dựng chủ nghĩa cộng sản là bậy nên tôi quyết qua Nga coi cho biết!
-         Anh có học ở trường Stalin không?
-         Có, tôi học được 1 năm thì trở về Pháp
-         Trong lúc anh đi, anh làm cách nào qua được Nga
-         Có khó gì. Tôi trốn dưới  tàu Hà Lan
-         Vì sao anh trốn?
-         Cái thân ra làm cách mạng như tôi dâù phải chịu khổ tới đâu cũng vui lòng, chỉ đạt được mục đích là toại chí mà thôi. Năm 1930đến năm 1932, đoàn thể của Đảng tôi bị đánh đổ nên chúng tôi định lập lại
-         Anh làm như vậy chắc được kết quả gì chăng?
-         Có chớ, hễ không làm thì thôi, chứ làm chắc được
-         Anh làm có ai giúp tiền cho anh?
-         Tiền của giai cấp vô sản giúp
-         Trong lúc anh ở Pháp về có ai giúp tiền không?
-         Không có cũng như có.
-         Năm 1932-1933, anh có được  600đ. Tiền đó do ai giúp vậy?
-         Tôi đã nói tiền của giai cấp vô sản giúp vậy.
-         Giai cấp vô sản không có quốc gia không có chủng tộc, không có địa vực, cứ đi tới, đi mãi, hễ chúng tôi thất bại chuyến này, thì chúng tôi chung tiền lại lập chuyến khác”
( Theo bài tường thuật của Sài Gòn)
Đó là một đoạn trong phiên tòa hỏi cung Giàu công khai
Chúng tôi chỉ trích có một đoạn ấy để tỏ rằng Giàu là một khối óc sôi nổi, khao khát cao vọng. Nếu Giàu được đi vào con đường thẳng thì  đâu đến nỗi thành ra người phản đối chính phủ mà biết đâu rằng tâm huyết của Giàu đã đem ra dung vào việc có ích cho đồng bào, mà không bất tín cho chính phủ.


PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...