Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Văn hóa họ tộc

GS.TS Trần Ngọc Vương


Văn hóa họ tộc – một vấn đề văn hóa có tầm quan trọng chiến lược chưa được đánh giá và quan tâm tới mức cần thiết
1. Đổi mới hay phục hồi, và phục hồi như thế nào?
Lo lắng trước xu thế mới bắt buộc là phải hộp nhập, mà một khi “ mong muốn là bạn của tất cả các nước, các dân tộc” thì sẽ xuất hiện nguy cơ trả giá bằng việc đánh mất bản sắc, đánh mất đặc trưng của “ văn hóa dân tộc”, vài chục năm nay hàng loạt những hình thức quan hệ và sinh hoạt văn hóa – mà trước đó từng được chỉ định đích danh là những thứ cần “ đào sâu chôn chặt”, bởi đã bị xếp vào hàng những tàn dư độc hại của một quá khứ “ phong kiến đế quốc thực dân” – đã từ dần dà đến ồ ạt được phục hồi.Khắp nơi và trên mọi phạm vi, những thứ được làm sống lại ấy gây ra ở người quan sát văn hóa ấn tượng không phải chỉ về một cuộc phục hưng, phục sinh những giá trị, mà còn là việc đang chứng kiến một cảnh tượng làm lấy được, thiếu những lý lẽ tối thiểu nên thành xô bồ, đầy tính hài kịch.
Vẫn biết rằng văn hóa rốt cuộc sẽ phải là cái còn lại sau tất cả những gì lâm thời, quá độ đã bị vượt qua, nhưng việc do hoàn cảnh xô đẩy sau đó mà buộc phải sống mãi, sống quá lâu trong những trạng thái quá độ không khỏi khiến người ta, bởi mỏi mệt, bởi bản năng không chỉ tự tồn mà còn bản năng tự ái, coi chính trạng thái quá độ ấy là mục tiêu đã đạt tới. Nghĩa là, trong trường hợp ấy, cái quá độ bị vĩnh cửu hóa, thành cái ổn định lâu dài thậm chí thành cái bất biến, thành một thứ giá trị dường như vĩnh hằng,
Hãy khoan bàn chuyện đúng sai, mà trước hết cần ghi nhận sự kiện: trong vài chục năm vừa qua, họ tộc là một trong những thực thể tự nhiên – văn hóa được ưu ái phục hồi nhiều nhất, dưới rất nhiều dạng thức, nhiều tới mức người ta cứ nghĩ rằng cái đang được phục hồi này chẳng liên quan gì đến chuyện họ tộc đang nói đến kia, tuy thực chất nó chính là cái đó. Sự phục hồi ấy đã đạt đến tầm quốc gia, mà không hề có một sự minh bạch hóa về lý lẽ nào đi kèm! Thậm chí, đúng hơn là người ta sợ bàn về lý lẽ. “ Quyết” cứ “quyết”, làm cứ làm, không cần quan tâm tới chuyện “tại sao lại thế, tại sao phải thế”. E rằng cứ theo đà ấy, thì những người mắc bệnh “lý sự” sẽ gia tăng rất nhanh về số lượng và “bệnh lý” sẽ nghiêm trọng lên tới mức trầm kha.
Ta gặp những câu hỏi về văn hóa họ tộc ở khắp nơi, Ở nông thôn, nơi mà tốc độ thu hẹp không gian sinh tồn trớ trêu thay giờ đây lại trở nên cấp bách hơn, gay gặt hơn, nhất là về mặt tâm lý, so với chính ngay đô thị - nơi con người chật chội quen rồi nên đã đạt tới cảnh giới vô cảm thượng thừa trước sự chen chúc, sau khi ruộng đất giải tập thể hóa nhưng lại chưa được tư hữu hay quốc hữu hóa cho rành rẽ, tình trạng dựa thế lẫn nhau giữa các thành viên trong các dòng tộc có người làm lãnh đạo chủ chốt đã và đang trở thành một trong những cách thức ứng xử then chốt quen thuộc và phổ biến để thanh thủ, thủ đắc lấy những mảnh trời riêng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng ở nông thôn ngày nay không ai tìm đâu ra được sự giản dị trắng trợn của công thức “ Một người làm quan cả họ được cậy”, bởi chí ít, về hình thức, cái công thức này cũng phải được thể hiện qua sự khúc xạ rắc rối hóa của chủ thể lãnh đạo “tất yếu” là cơ sở đảng, chính thể và đoàn thể. Đọc tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, một tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà Văn vào thời kỳ những năm đổi mới bồng bột, không ai không rùng mình về sự biến chất, biến tướng của những thực thể quyền lực cách mạng hàng đầu ở nông thôn sau gần nửa thế kỷ nông dân theo Đảng như ủy ban xã, đảng ủy, ban chủ nhiệm hợp tác xã, chi bộ… trở thành đại lý của các dòng họ, nơi thực thi những kế hoạch tranh quyền đoạt lợi và chèn ép lẫn nhau của các vị tôn trưởng – những người thực sự chi phối mọi việc diễn ra trong thôn làng. Không phải chỉ ở một ngôi làng phiếm chỉ trong tiểu thuyết kia mới lắm người nhiều ma, mà bóng ma kiểu đó hiển hiện khắp mọi làng xóm Việt Nam, ở bất cứ nơi nào những mặt trái của quan hệ họ tộc chưa được ý thức tự giác cao độ để không chỉ bài trừ mà còn phòng chống sự tái sinh, như lời cảnh báo sang suốt thể hiện tầm viễn kiến của cố học giả Trần Đình Hượu.
Những câu hỏi day dứt chưa có lời đáp về văn hóa họ tộc ở Việt Nam có mặt ở cả thành phố, trong môi trường phi cổ truyền của kết cấu cư dân theo đơn vị huyết thống. Điều đáng ngạc nhiên là về bản chất, những cảm nhận day dứt của một nhà văn chuyên canh một cách thành thành công về nông thôn như Nguyễn Khắc Trường cũng không khác là bao những lao tâm khổ tứ của một nhà văn mang một bút danh của một người có vẻ như nguồn gốc thiếu số nhưng thực chất sinh ra ngay cạnh Bờ Hồ và vài chục năm trở lại đây lại tập trung viết về thị dân và người trí thức, đó là Ma Văn Kháng. Cả hai nhà văn này đều thao thức với những suy vấn đối diện với vấn đề họ tộc thời hiện đại.
Văn hóa họ tộc không chỉ là vấn đề của miền xuôi. Nó cũng là vấn đề nóng bỏng, cấp bách ở miền núi. Đó không chỉ là vấn đề của người Việt, tộc người đa số, chủ thể ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề của các tộc người thiểu số, Một khi sự quản lý, điều hành các cộng đồng cư dân ở vùng sâu vùng xa được trả lại phần nào cho các “già làng trường bản” thì việc sống lại các tập tuc, các luật lệ đặc thù ở các tộc người thiểu số phải được xem là chuyện tự nhiên, nhưng nếu không có sự theo dõi, điều chỉnh và chế ước nữa, không ai bảo đảm rằng cùng với các thuần phong mỹ tục (mà nếu đã là thuần phong mỹ tục thì trước nay ít khi bị hạn chế cấm đoán ngặt nghèo nên việc phục sinh là hy hữu) các tệ nạn nhân danh phong tục tập quán lại không sống lại một cách mãnh liệt! Chỉ cần theo dõi báo chí công khai cũng đã biết cơ man chuyện đau buồn, thậm chí cả chuyện mạng sống con người bị tổn thất, có quan hệ trực tiếp tới những vấn đề phức tạp của các mối quan hệ họ tộc trong quá khứ.
Văn hóa họ tộc là vấn đề đáng được suy nghĩ nghiêm túc ở tầm quốc sách, một khi người ta cạy cục để tạo ra cho bằng được ngày giỗ quốc tổ. Và không ít người, ở phương diện quốc gia, lên tiếng tự hào rằng trên thế giới chỉ Việt Nam có ngày quốc lễ đặc biệt như thế, Điều mà suốt hàng nghìn năm lịch sử, các triều đại đế vương xưa, những chủ thể quyền lực về nguyên tắc dựa trên những nguyên lý của tinh thần huyết thống và là nhà nước thần quyền (tôi nhấn mạnh – TNV) không đủ can đảm hoạc không đủ trơ trẽn để đẩy quy mô huyết thống hóa giả lên tới đó, thì bây giờ, dưới thời của những người quốc tế chủ nghĩa, vô thần chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh điểm. Cái lý của mọi chuyện là thế nào, thì không thấy ai đứng ra làm nhà lý luận để giải trình, chí ít ra là để thuyết phục những người đóng thuế yên tâm được rằng đồng tiền của họ góp vào phụng sự quốc gia đã không bị hóa một cách oan uổng trong khói hương mờ ảo, nhưng đã kịp có những quy định cụ thể hóa, định thành niên lịch cho tất cả các tỉnh thành trong nước.
Văn hóa họ tộc nhất định phải là một chủ đề trọng đại của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chí ít ra, là vì tuyệt đại đa sô người đi học các cấp, cả trong nước lẫn du học sinh, đều ăn học bằng tiền hẹp thì của bố mẹ, rộng thì của họ hàng. Cái ao nước lã cấu thành nên cái ao nhà ấy liệu có lúc nào bị nguy cơ biến thành ao tiết canh của những dòng tộc không chịu hòa huyết? Không ai dám cả quyết trả lời phủ định, bởi lối tư duy ăn một quả trả cục vàng hoàn toàn phi kinh tế học lại dễ dàng tìm thấy đất đứng trong sự liên thủ của những cơ chế con dại cái mang, mất cha còn chú, sảy mẹ bú dì, đặng một khi cái đứa trẻ được ấp iu kia không thèm nở ra dòng liu điu mà vươn vai thành ông nọ bà kia, thì dễ cũng cảm thấy trái đất này là của chúng mình (xin lỗi nhạc sĩ!) lắm chứ!
Chuyện họ tộc, giờ đây là chuyện của mọi nhà. Không chỉ bởi từ đường là một địa chỉ tâm linh gây xúc động sâu xa sau bao tháng ngày quên lãng đã được thi đua xây dựng suốt trong Nam ngoài Bắc, tộc ước một số nơi đã có sức mạnh hơn hương ước, dù tộc ước hay hương ước đều đáng phải nép mình theo pháp luật, mà còn bởi người ta đang khuyến khích, hô hào chuyện tầm nguyên thám bản, lập lại “gia phả”, kết nối những vòng tay lớn giữa những người có quan hệ thân tộc dăm bẩy mươi đời. Có không ít người tự hào về nỗi mình có bà vợ gốc gác đời thứ mười lăm mười bẩy của chúa này vua nọ nên sẵn sàng mở rộng hầu bao để rồi tên người rể trong họ sẽ chỉnh chện trên bia công đức, lại có người bâng khuâng không biết xưng thế nào cho phải trước một người đồng tộc kém tuổi nhưng chức sắc kha khá mà tính toán theo khoa học xác suất thống kê thì có chung một ông viễn tổ từ giữa thế kỷ thứ VIII, cho tới nay là khoảng trên dưới sáu mươi thế hệ, giờ đây mới được gặp nhau tay bắt bắt mặt mừng trong một chuyến hành hương về lại cội nguồn (Ôi cụ Nguyễn Tiên Điền, lại phải mạn phép cụ mà lẩm nhẩm rằng Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai). Trên thực tế, không chỉ ở bên Tây, bố mẹ già yếu phải vào viện dưỡng lão để khỏi làm bận lòng con cháu, mà ở bên ta, không ít những người thiết thực đã tính thầm cho bố mẹ một nơi an nghỉ cuối cùng nhất thiết phải là Hóa thân Hoàn Vũ cho chính mình đỡ áy náy về nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi vừa được bố mẹ chia cho những khoản hương hỏa cuối cùng. Ấy vậy nhưng trước những đòi hỏi trong đại thiêng liêng rằng chim có tổ người có tông, những người ấy sẽ tỏ ra chí hiếu với liệt tổ liệt tông. Tôi có hoạt kê hóa những tình huống này hay không, cúi xin quý vị minh xét, những cam đoan rằng đó là những chuyện người thật việc thật và không hề thuộc mục chuyện lạ đó đây, mà là chuyện của cuộc sống quanh ta!
Các họ tộc đang được khuyến khích phục hồi và trên thực tế là đang được phục hồi mạnh mẽ, đó là chuyện không càn chối cái, nhưng phục hồi như thế nòa cho phải thì vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.
2. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” hay là câu chuyện đặc trưng văn hóa vùng
Trong các khoa học xã hội và nhân văn, chỉ một số các ngành chuyên môn hẹp có những công trình nghiên cứu sâu về các quan hệ huyết tộc và những đặc điểm của các nên văn hóa tồn tại và phát triển dưới sự chi phối đậm nét của các quan hệ huyết thống ấy. Cụ thể, các công trình như vậy thường thuộc phạm vi của dân tộc học, muộn hơn là nhân chủng học (ngành học mà ngày nay có xu hướng “thôn tính” cả dân tộc học vào trong nội hàm của mình) và phần nào đó, là văn hóa học. Lại cũng cần nhận xét thêm rằng các công trình nghiên cứu có dáng dấp của những công trình điển phạm (canons) về đề tài đã nói thường lại chỉ dành cho các xã hội nguyên thủy, bán khai hoặc nói chung là các tộc người “chưa phát triển” theo cách nhìn tiến hóa luận của lịch sử. Có ấn tượng rằng các công trình như vậy thường giúp cho con người hiện đại hoặc hiểu sâu hơn về lịch sử của mình, hoặc hiểu hơn về các cộng đồng tộc người chưa phát triển ở các châu lục như châu Phi, phần nào ở châu Á và Mỹ latin, chứ ít giúp ích cho việc nắm bắt và lý giải sự tồn tại và vận động của các quốc gia – xã hội phát triển cao, các “xã hội công nghiệp” và “hậu công nghiệp”.Tuy nhiên, nhìn sau vào các quốc gia công nghiệp mới (NICS), những “đại long, tiểu long” những con hổ lớn bé ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì vấn đề họ tộc nhanh chóng được thừa nhận là vấn đề văn hóa đặc thù nhưng có tầm quan trọng to lớn chi phối những đặc điểm phát triển của quốc gia đó, cả từ xa xưa, cả trong thời đại ngày nay. Và nếu khảo sát sự tác động của văn hóa họ tộc trong lịch sử - tự cổ chí kim - ở các quốc gia này, thì không mấy người còn đủ can đảm khẳng định rằng đó chỉ là vấn đề của quá khứ lịch sử, mà không phải là những vấn đề nóng bỏng tính thời sự, là một trong những chủ đề hàng đầu của dự báo xã hội, của một môn khoa học có tên là tương lai học.
Tôi đã và đang triền khai những công trình nghiên cứu của mình trên đường hướng nhận thức này, trong đó một số bài báo, một số công trình nghiên cứu kết hợp đã được công bố cả trong và ngoài nước. Ở một cuộc hội thảo mang tính chất “đường lối và phương pháp luận” như thế này, với tư cách là một thành viên nhỏ bé “ngoại ngạch”, tôi không dám coi là có thầm quyền để trình ra những gì “cao xa diệu vợi”, chỉ xin tỏ bày những suy nghĩ, thú thực là bức xúc, và nêu lên những sự lưu ý trên những chứng cứ thực tế mà mình coi là có tầm quan trọng hiển nhiên đối với nhiệm vụ hiểu và định hướng đúng nền văn hóa của quốc gia – dân tộc nhưng theo thiển ý là chưa được giới nghiên cứu và lãnh đạo văn hóa quan tâm đúng mức, mà thôi.
Xin được nói ngay rằng trong sự quan sát và nhận xét của tôi, các cấu trúc và quan hệ huyết tộc có ý nghĩa nền tảng đối với việc nhận thức bản chất sâu xa của các xã hội thuộc phạm vi của cái thực thể mà K.Marx đã định danh một cách trực giác, nhưng cũng vì vậy mà một cách tạm thời, là thuộc phương thức sản xuất châu Á( mode de production asiatique – MPA). Có thể nói đó là một vấn đề đặc thù khu vực, nhưng cũng có tầm quan trọng cốt tử đối với lịch sử nhân loại, bởi như ai cũng biết, châu Á ngày nay chiếm tới ba phần năm dân số của loài người. Nếu kể riêng các nước Dông Á, Nam Á và Đông Nam Á thì cũng ngót nghét một nửa nhân loại. Cỏn nếu tính riêng các nước Đông Á (mà Việt Nam do vị trí địa lý và do các mối quan hệ chủng tộc – văn hóa – lịch sử cũng hoàn toàn được coi là đương nhiên được xếp vào khu vực này, dù cũng đương nhiên Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á và hiện thời là thành viên quan trọng của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) thì tỷ lệ đó cũng đã xấp xỉ một phần tư. Nhưng điều tôi sắp đề cập đến sau đây là về các cấu trúc và quan hệ huyết thống trước hết ứng với lịch sử của các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Xét về mặt kết cấu của thượng tầng kiến trúc xã hội, thì Trung Quốc là quốc gia cung cấp cho các nhà nghiên cứu khuôn mẫu điển hình nhất của loại chế độ mà K.Marx gọi là chế độ chuyên chế Đông phương (absolutism orientale). Ít nhất thì điều đó cũng đúng cho tới tận cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911). Sớm muộn có khác nhau, nhưng các quốc gia khác trong khu vực là Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều phỏng tác chế độ chính trị cho mình theo khuôn mẫu của chế độ chuyện chế ở Trung Quốc. Ai cũng biết, ở tất cả các quốc gia vừa được đề cập, Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) đều có mặt đều đồng tồn tại (tịnh hành), thậm chí được coi là hỗn dung, nhưng đều lấy Nho giáo làm trục xoay, làm nòng cốt. Hầu như các nhà Đông phương học trên thế giới khi bàn đến “thế giới Hán hóa” (le monde sinisé), đến vành khuyên văn hóa chữ Hán (Hán tự văn hóa quyển) cũng đều ngầm định rằng đó cũng là thế giới văn hóa Nho giáo, cụ thể hơn, thế giới văn hóa Khổng giáo (Khổng giáo văn hóa quyển). Vậy nên chỉ nhìn thật sâu vào thực chất của học thuyết này, cũng đã có thể nhận ra một số trong những đường nét cơ bản làm nên tính đặc thù của lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực. Từ sự biện luận để lựa chọn đối tượng quan sát và trình bày như vậy, tiếp theo đây chúng tôi chỉ tập trung vào bàn tới vấn đề họ tộc trong tư tưởng Nho giáo và các biến tướng, biến tích của nó trong các xã hội đi từ truyền thống Nho giáo đến hiện đại, trong đó có Việt Nam. Đương nhiên, từ góc độ nhìn khác, vấn đề văn hóa họ tộc ở các nước Đông Á và Đông Nam Á không chỉ đóng khung trong chỉ những chuẩn mực mà Nho giáo đề nghị và tổ chức thực thi trong lịch sử các quốc gia mà nó từng đóng vai trò học thuyết ý thức hệ. Đó cũng chính là những nội dung cần tìm hiểu ở các chuyên gia khác, các chuyên ngành và các khu vực, các khối dân cư khác, đặng đi tới một cái nhìn toàn cảnh hơn mà cũng chi tiết hơn, đạt tới tính cụ thể - lịch sử của tri thức về đối tượng.
Điểm đặc thù đầu tiên của quá trình hình thành xã hội “kiểu Trung Quốc” trên cơ sở đó mà xác lập chế độ chuyên chế Đông phương truyền thống là việc trên tiến trình lịch sử, do nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cư dân nông nghiệp trồng trọt định cư lâu dài trên một địa bàn không có sự xáo trộn đáng kể, đã không những không giải thể, không làm giảm nhẹ sự chi phối mà còn mở rộng và tăng cường những cấu trúc quan hệ huyết tộc và xã hội hóa, nhà nước hóa chúng. Xét từ điểm xuất phát, Nho giáo là học thuyết lấy gia đình để hình dung thế giới, nhìn thế giới và các quan hệ xã hội – hành chính qua lăng kính của mô hình gia đình phụ hệ gia trưởng mở rộng. Nho giáo, trước hết là học thuyết đạo đức, và đức hạnh khởi đầu của con người theo Nho giáo chính là Hiếu (“Hiếu giả, bản dã, nhân giả, mạt dã”- Hiếu là gốc, nhân là ngọn vậy. Trung dung). Hiếu trước hết được xác định là phẩm chất cần có ở con cái đối với cha mẹ. Đức mục hàng đầu này sẽ được cụ thế hóa, chi tiết hóa cặn kẽ thành Hiếu kinh, một trong thập tam kinh của Nho giáo vào đời Hán.
Từ thời Ân – Thương, tầng lớp cầm quyền đã “siêu nhiên hóa” nguồn gốc của mình, đồng nhất tín ngưỡng thờ tổ tiên với tôn giáo thờ Thượng đế, thông qua đó nhận Thượng đế là tổ tiên trực tiếp của mình. Đến thời Chu thì xã hội đã được hình dung theo quan hệ tông tộc, phân biệt đại tông, ra đời “tông pháp chế độ”như là mô hình mang tính lý thuyết quan trọng đầu tiên trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại. Ngay từ những bước đầu tiên của mô hình chế độ chuyên chế ở Trung Quốc, các cấu trúc và quan hệ huyết tộc đã được chọn làm nền tảng.Không đi sâu vào những tri thức chuyên ngành hẹp của lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng, tôi chỉ khẳng định ở đây rằng việc không thay đổi vai trò của các cấu trúc và quan hệ huyết tộc mà biến nó thành trục chính của các quan hệ xã hội và nhà nước trong tương lai, đó chính là bí mật cơ bản đầu tiên của loại hình xã hội thuộc phạm vi tác động của cái gọi là “ phương thức sản xuất châu Á”. Chính điều đó làm nên sự khác biệt quan trọng đầu tiên khi so sánh các tiến trình lịch sử diễn ra giữa các xã hội Âu – Mỹ khởi đi từ mô hình nhà nước, chế độ xã hội lấy xuất phát điểm từ xã hội Hy – La cổ đại – loại mô hình nhà nước mà từ trước tới nay vẫn được các ngành khoa học lịch sử coi là mô hình chính thường của lịch sử loài người.
Quan hệ huyết thống vốn là quan hệ thuộc về tự nhiên, mang tính tự nhiên. Đặc điểm hàng đầu của các loại quan hệ mang tính tự nhiên là chúng không bao hàm khả năng can thiệp của các sức mạnh thuộc tinh thần xã hội như ý chí, lý trí, sự quyết định và lựa chọn duy lý, chúng không có tự do và không áp dụng được cho chúng khái niệm tự do. Hôn nhân là một trong những cơ chế cho phép xuất hiện tính tự do đầu tiên trong đời sống nhân loại. Tuy nhiên, với các bậc thánh nhân Nho giáo, do sáng suốt nhìn thấu viễn tượng của phương trời mà cánh cửa này đã mở ra, đã nỗ lực cực độ để hướng hôn nhân tới chỗ bảo vệ và củng cố các cấu trúc và quan hệ huyết tộc bằng những quy phạm phức tạp, biến nó thành nỗi bất hạnh đầu tiên đối với con người ở điểm khởi đầu của tuổi trưởng thành và có khả năng tham gia thực thụ vào đời sống và tạo ra những quyết định mang tính xã hội. Hôn nhân trong xã hội Nho giáo vì thế không giải huyết thống hóa, mà ngược lại, củng cố thêm, mở rộng các quan hệ đó bằng việc mở rộng cấu trúc: các thành viên của gia đình, gia tộc có người tham gia hôn nhân trở thành bà con, thông qua qua khái niệm đặc thù: thông gia. Dĩ nhiên, thông gia là bước khởi đâu của một quá trình huyết thống hóa giả tạo. Chính ở điều này mở ra hai lối ứng xử hôn nhân đều có liên quan đến nhu cầu bảo lưu quan hệ huyết tộc nhưng chuyển động trái chiều nhau: hôn nhân hướng ngoại ( quy chiếu với cộng đồng thân tộc đã có) và hôn nhân hướng nội. Ở những thời kỳ lịch sử nhất định và những thế lực có đặc quyền nhất định (chứ không phải với mọi / bất cứ thành viên cộng đồng nào nói chung), khi đặc quyền tông tộc được bảo vệ không phải bằng những lý thuyết tổ chức chính trị xã hội phức tạp mà bằng sức mạnh trực tiếp hay bằng kinh nghiệm thực tế, hôn nhân hướng nội thường là giải pháp được lựa chọn (do độ an toàn tự nhiên của nó đối với việc bảo vệ các đặc quyền đã có). Hôn nhân hướng nội của các vua và hoàng tộc thời Hán sơ ở Trung Quốc hay hôn nhân của nửa đầu triều nhà Trần ở Việt Nam phản ánh đường hướng ấy. Tuy nhiên, cũng bằng kinh nghiệm về các mối hiểm họa do hôn nhân hướng nội đưa tới (suy thoái nòi giống, quái thai dị dạng,..) mà hôn nhân hướng ngoại là đường hướng chủ đạo mà thực tế cũng như lý thuyết Nho giáo ủng hộ, và như đã biết, độ an toàn qua hôn nhân sẽ được Nho giáo bảo vệ và củng cố bằng cách thân thuộc hóa các quan hệ hậu hôn nhân như đã nói.
Nho giáo luôn luôn tìm cách mở rộng và củng cố các quan hệ huyết tộc bởi theo tiến trình vận động thuộc lịch sử tự nhiên, thì sau một thế hệ nhất định (thường là năm đời) các thành viên cùng một thế hệ càng xa với các thành viên quy chiếu mà cũng càng xa lạ với nhau về mặt huyết thống (phẩm tước của triều đình theo lệ thế tập cũng vì thế tuân thủ “lẽ tự nhiên” này, và thường sau năm đời, một hậu duệ bất kỳ nào đó của một đế vương nếu không may mắn sinh ra trong chi “đích” sẽ có thể trở thành bạch đinh, thành thứ dân). Để “bù đắp” phần nào cho thực tế mà tôi gọi vui là thực tế “nước lã hóa” về huyết thống như vậy, người ta đã cố “níu kéo” bằng việc mở dòng họ ra đến “ cửu tộc” (chín, mà thực chất cũng là năm thế hệ): cao, tằng, tổ, phụ, (thân), tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn. Trên thực tế ở các cộng đồng cư dân thuộc khu vực này, những quan hệ họ hàng có thật dù rất xa vẫn được trân trọng. Ta cứ đọc Tam quốc diễn nghĩa, suy nghĩ về thực chất quan hệ giữa người được gọi là Lưu hoàng thúc (Lưu Bị) với hoàng đế nhà Hán đương thời, thì cũng đủ thấy ý nghĩa của việc xác lập quan hệ thân tộc trong lịch sử Trung Quốc có tầm quan trọng thế nào!
Chính bởi ý nghĩa và sức mạnh của các quan hệ mang tính huyết tộc chi phối quyết liệt đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của cư dân các nước trong khu vực, nên mới nảy sinh hàng loạt hình thức và biện pháp huyết thống hóa giả tạo. Thuộc loại cơ chế huyết thống hóa giả tạo này ta dễ dàng quan sát thấy các nghi thức kết nghĩa. Hầu như không có loại quan hệ thân tộc nào mà các quan hệ huyết thống hóa giả tạo này không mô phỏng theo (có lẽ vì thế mà chỉ trừ loại quan hệ chỉ được xác lập qua hôn nhân mà không có danh xưng, bởi ta không thấy có danh xưng vợ nuôi hay chồng nuôi). Để cảm nhận được tính thực tế của cơ chế huyết thống hóa giả tạo này, hãy nhìn vào mối quan hệ của 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, hay sự tích nổi tiếng Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào.
Phương thức huyết thống hóa giả tạo để tạo ra những sức mạnh và ràng buộc thực không chỉ dừng lại ở cách thức kết nghĩa, mà còn phủ lên toàn bộ các cơ chế của các loại hình quan hệ mà về thực chất phải là các quan hệ xã hội hay hành chính. Chính vì cư dân cư trú chủ yếu theo quan hệ thành các cộng đồng thân tộc, nên từ ngữ mang tính khái quát nhất để định danh họ cũng phản ánh tính chất đó: trăm họ (bách tính). Phổ biến trong quan niệm của nhà Nho, khi làm quan là làm các việc “chăn dắt muôn dân”, bởi họ không chỉ là “lê dân” (dân đen), mà họ cũng là “xích tử” (con đỏ). Là “lê dân” thì họ chỉ đáng bị sai, sử, quan lại có thể lạnh lùng mà cai trị, nheo mắt “mục hạ vô nhân”, nhưng là con đỏ thì họ có “quyền” được quan lại che chở, quan tâm, thương xót. Có điều, là “con đỏ”, họ vĩnh viễn là những cá thể “vị thành niên chung thân” nên vĩnh viễn họ cần được quản lý, được chăn dắt, được tuyên hóa, giáo dục. “Dân vì bang bản”, (“nước lấy dân làm gốc”) vì thế cũng vĩnh viễn là tư tưởng thân dân khôn ngoan của nhà nước chuyên chế chứ không bao giờ được hiểu rằng đó là tư tưởng dân chủ. Cách hiểu “lấy dân làm gốc” là tư tưởng dân chủ là một sự hiểu lầm tai hại! Bởi trong hệ thống của những quan niệm ấy, quan lại là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Mà đã là cha mẹ, thì con cái trước khi bàn đến quyền lợi, cần thực hiện nghĩa vụ, trước mọi sai lầm có thể có của cha mẹ, quyền con cái chỉ có thể cao nhất là quyền can ngăn, nhược bằng không thể can ngăn, thì chỉ còn cách làm theo lời chỉ dạy của Đức Thánh, “khóc mà vâng lời” (Luận ngữ) chứ không chống đối mãi, nói gì đến chuyện làm hại đến cha mẹ.
Trong cái trật tự gia đình hóa ấy, quan lại có quan hệ với nhau theo thứ bậc mà cũng được “chuyển ngữ” thành trật tự gia đình. Quan trên là “trưởng quan”, cũng là “đại quan” (theo nghĩa gốc ban đầu là “người lớn hơn”. Quan hệ giữa các quan và vua được “song ngữ hóa” mà thành “thần tử chỉ đạo” (đạo tôi con) – làm bề tôi, tức cũng là làm con đó vậy. Đã “tôi con”, thì về đối ứng đương nhiên là “vua cha”. Rồi đến lượt mình, vua sẽ coi trời làm cha, bèn tự nhận mình là thiên tử.
3. Thay lời kết
Trở lên, tôi đã trình ra một “mặt cắt” hoàn toàn có thật trong lịch sử tư tưởng và lịch sử chính trị của Nho giáo. Ở tất cả các nước từng sử dụng Nho giáo làm công cụ ý thức hệ, từng thấm đẫm tinh thần văn hóa Nho giáo, thì những đặc trưng quan hệ huyết tộc bảo lưu trong xã hội như thế đã thành những hằng số. Dĩ nhiên, ở mỗi nước, mỗi triều đại và thời kỳ cụ thể, tương tác giữa các cấu trúc và quan hệ huyết tộc ấy với những thành tố chính trị, kinh tế, văn hóa khác sẽ tạo nên những bức tranh toàn cảnh không thể hoàn toàn giống nhau.
Hệ quả của việc bảo lưu, mở rộng, củng cố và duy trì những cấu trúc và quan hệ huyết tộc trong lòng các xã hội hậu kỳ thật phức tạp và to lớn. Điều kỳ lạ là cho đến nay chưa thấy nhiều nhà khoa học hay nhà chính trị công khai quan tâm đến những hệ quả - cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng tôi nhấn mạnh lại là đặc biệt to lớn và phức tạp ấy. Nho giáo là một học thuyết điển hình cho việc lý luận hóa các quan hệ thân tộc,nhưng không chỉ Nho giáo mà nhiều học thuyết hay tôn giáo khác cả trong khu vực, cả trên thế giới đều đưa ra những cách thức ứng xử khác nhau, những đáp án lịch sử khác nhau cho những cấu trúc và những mối quan hệ vốn tự nó nằm ngay trong bản thể của tồn tại người này. Vậy thì còn chờ gì mà không khởi động một chương trình nghiên cứu chắc chắn là có dung lượng vĩ mô này?
Hà Nôi, tháng 12/2005

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Barack Obama, Tổng thống Mỹ thứ 44 bàn về nữ quyền

Có nhiều khó khăn khi làm Tổng thống. Nhưng cũng có vài điều thú vị. Được gặp những con người kiệt xuất. Được làm việc trong một văn phòng nơi mỗi quyết định đều có tầm ảnh hưởng tới vận mệnh một quốc gia. Được ngồi trên chuyên cơ Air Force One.
Nhưng điều tuyệt nhất khi làm công việc này chính là được sống một cách nhiệt huyết nhất. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành vai trò của người chồng, người cha tốt trong gia đình, bên cạnh công việc.
Bù lại, trong 7 năm rưỡi qua, tôi chỉ mất có 45 giây để đi từ phòng làm việc sang phòng khách nhà mình. Nhờ vậy, tôi có thể dành nhiều thời gian để quan sát con gái mình trưởng thành, trở thành những phụ nữ trẻ tuyệt vời, thông minh, hài hước và nhân hậu.
Dù vậy, làm cha không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi thấy các con mình đã chuẩn bị để sẵn sàng “rời tổ”. Nhưng có một điều khiến tôi lạc quan về hai cô con gái của mình, đó là bọn trẻ đang được sống trong một thời đại phi thường.
Ông Obama và hai cô con gái cùng “gặp” chú gà tây mà họ sắp làm phước trước nghi lễ Tạ ơn diễn ra thường niên tại Nhà Trắng.
Ông Obama và hai cô con gái cùng “gặp” chú gà tây mà họ sắp làm phước trước nghi lễ Tạ ơn diễn ra thường niên tại Nhà Trắng.
Những tiến bộ chúng ta đã được được trong 100 năm, 50 năm, vâng, và thậm chí cả 8 năm qua, đã khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều cho những bé gái, so với những thế hệ phụ nữ trước đó. Tôi nói ra điều này không chỉ với tư cách Tổng thống mà còn với tư cách của một người ủng hộ nữ quyền.
Trong cuộc đời mình, tôi đã từng đến những khu chợ lao động, nơi phụ nữ chỉ được giao làm một vài công việc trả lương rẻ mạt, cho tới hôm nay, khi phụ nữ không chỉ chiếm một nửa lực lượng lao động mà còn đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong mỗi ngành nghề.
Tôi đã thấy phụ nữ tự do đưa ra những quyết định đối với cuộc đời mình, từ cách ăn vận, cách theo đuổi con đường học vấn, cho tới lựa chọn nghề nghiệp, tự chủ quản lý tiền bạc của riêng mình. Đã qua rồi cái thời phụ nữ cần một tấm chồng để đảm bảo cuộc sống ổn định. Chưa bao giờ, phụ nữ dù kết hôn hay độc thân lại có thể độc lập về tài chính như hiện nay.
Vì vậy, đừng đánh giá thấp những tiến bộ chúng ta đã đạt được, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới này. Và trong khi tôi vẫn đang tiếp tục thúc đẩy những chính sách tích cực hướng đến quyền lợi phụ nữ, chúng ta cần hiểu rằng có những thay đổi không thể thực hiện được nhờ luật pháp.
Thay đổi quan trọng nhất và khó nhất, đó là thay đổi chính mình.
Gia đình ông Obama trong nghi thức đón tiếp tân Thủ tướng Canada tại Nhà Trắng.
Gia đình ông Obama trong nghi thức đón tiếp tân Thủ tướng Canada tại Nhà Trắng.
Dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng chúng ta vẫn còn bó hẹp mình trong những định kiến về việc đàn ông phải thế này, phụ nữ phải thế kia. Một trong những phụ nữ mà tôi rất ngưỡng mộ từng nói với tôi rằng: “Định kiến đối với phụ nữ bắt đầu từ khoảnh khắc bác sĩ siêu âm nói với người mẹ rằng: Đó là con gái”.
Định kiến về giới đã ảnh hưởng tới cách các bé gái tự nhìn nhận bản thân ngay từ khi còn nhỏ, khiến các bé tin rằng nếu mình không có diện mạo hoặc cách hành xử theo chuẩn mực nào đó, các bé sẽ bị thua kém. Thực tế, định kiến về giới ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.
Những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đều là phụ nữ. Tôi được nuôi lớn bởi một bà mẹ đơn thân. Tôi được chăm sóc bởi bà ngoại. Tôi đã chứng kiến vợ mình - Michelle - cân bằng giữa trách nhiệm công việc và trách nhiệm gia đình.
Như tất cả những phụ nữ khác, Michelle cũng hay lo lắng về việc mình đã làm tốt mọi việc chưa, và tôi biết, ít người sẽ phán xét tôi giống như cách họ phán xét về Michelle. Thực tế, từ trước khi trở thành Tổng thống, tôi đã hay vắng nhà vì đi công tác.
Tôi nhìn lại và thấy rằng, dù những chuyến đi đó có ích, nhưng đó là có ích cho sự nghiệp của riêng tôi. Gánh nặng lớn đã đặt lên vai Michelle một cách không công bằng. Tôi cho rằng mình hiểu khá rõ về những thách thức của phụ nữ, đó chính là nền tảng để tôi ủng hộ nữ quyền.
Nhưng tôi cũng muốn thành thật rằng, khi bạn là cha của hai cô con gái, bạn sẽ càng ý thức rõ ràng hơn về những định kiến đầy rẫy trong xã hội, có những định kiến rõ ràng và có những định kiến mập mờ, mơ hồ. Bạn sẽ nhận thấy những định kiến mà các cô gái phải đương đầu, từ diện mạo, cách hành xử, cho tới cách tư duy…
Ảnh gia đình ông Obama chụp tại Nhà Trắng.
Ảnh gia đình ông Obama chụp tại Nhà Trắng.
Những định kiến về giới cũng ảnh hưởng tới ý thức của tôi khi còn là một thanh niên trẻ. Lớn lên mà không có cha, tôi dành nhiều thời gian để hiểu mình là ai, mình tìm kiếm gì ở thế giới này, mình muốn trở thành người đàn ông như thế nào. Thật dễ để tiếp nhận những thông điệp từ xã hội về hình ảnh một người đàn ông lý tưởng.
Nhưng khi tôi trưởng thành hơn, tôi nhận thấy rằng những định kiến rập khuôn của xã hội về một người đàn ông lý tưởng không phù hợp với mình. Những tiêu chuẩn đó đã từng thống trị tuổi trẻ của tôi và khiến tôi cảm thấy bất an. Cuộc sống bắt đầu trở nên dễ chịu hơn khi tôi hiểu rằng mình cứ đơn giản là chính mình thôi.
Chúng ta cần phá vỡ những định kiến về giới. Chúng ta cần thay đổi thái độ khi nuôi dạy con cái, đừng đòi hỏi các bé gái phải dịu dàng, nữ tính, và các bé trai phải mạnh mẽ, kiên cường; đừng mắng con gái khi bé tỏ ra cứng đầu và trách con trai khi bé dễ khóc.
Chúng ta cần thay đổi thái độ thiên vị của mình, chúng ta khen ngợi một người cha biết thay tã cho con, nhưng lại chỉ trích người mẹ đang phải vật lộn làm thêm giờ để có vị trí tốt hơn nơi công sở.
Chúng ta cần thay đổi thái độ khi ngưỡng mộ những nhân viên nam tỏ ra tự tin, thích cạnh tranh và đầy tham vọng, nhưng lại âm thầm quay lưng với những phụ nữ đặt mục tiêu thăng tiến trong công việc.
Chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn không độ lượng đối với phụ nữ da màu. Vợ tôi - Michelle - dù đã đạt được những thành công nhất định của riêng mình, nhưng cô ấy vẫn phải đối diện với những nghi ngờ, chỉ trích, cô ấy vẫn thường xuyên lo lắng về diện mạo và cách hành xử của bản thân, luôn hỏi rằng mình có cứng rắn, hiếu thắng quá so với hình ảnh một phu nhân không.
Làm cha, giúp con mình vượt lên khỏi những giới hạn, định kiến, là một quá trình khiến tôi phải học hỏi không ngừng. Vợ chồng tôi đã dạy con gái mình rằng hãy nói thẳng ra điều con nghĩ nếu con chứng kiến những điều bất công, những sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính.
Cần để bọn trẻ thấy những hình mẫu lý tưởng trong thế giới hôm nay, thấy những người phụ nữ đặt chân tới những nấc thang cao nhất trong lĩnh vực mà họ lựa chọn. Vâng, cần để bọn trẻ thấy cha của chúng là người ủng hộ nữ quyền, bởi đó là điều mà các cô gái hiện đại chờ đợi ở những người đàn ông hiện đại.
Nam giới cũng có trách nhiệm chiến đấu chống lại bất bình đẳng giới. Là chồng, là bạn trai, những người đàn ông cần phải nỗ lực để tạo nên những mối quan hệ thực sự bình đẳng.
Tin tốt là ở khắp mọi nơi mà tôi từng đi tới, trong đất nước này, trên thế giới này, tôi thấy nhân loại đều đang đẩy lùi những định kiến lỗi thời về giới. Thời đại của chúng ta hôm nay không thể bị kiềm tỏa bởi những lối tư duy bảo thủ, cũ mòn.
Mùa thu này chúng ta chứng kiến một sự kiện lịch sử. Sau 240 năm lập nước, và gần một thế kỷ sau khi phụ nữ Mỹ giành được quyền đi bầu cử, lần đầu tiên, một phụ nữ trở thành ứng viên Tổng thống.
Không cần biết quan điểm chính trị của bạn thế nào, sự kiện này chắc chắn là một dấu mốc lịch sử của nước Mỹ. Đó là một ví dụ nữa về việc phụ nữ có thể tiến xa như thế nào trên con đường tiến tới bình đẳng giới.
Tôi muốn tất cả con cháu chúng ta hiểu rằng thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm trong việc tiếp nối và bảo đảm rằng rồi đây, mỗi bé gái sinh ra đều có thể toàn quyền định đoạt cuộc sống của mình theo cách mà cô ấy mong muốn.
Và đó chính là nữ quyền của thế kỷ 21: khi mỗi người đều bình đẳng, mỗi người đều tự do hơn.
Barack Obama, Tổng thống Mỹ thứ 44
Bích Ngọc
Theo Glamour
Nguồn :http://dantri.com.vn/van-hoa/bai-bao-gay-sot-cua-ong-obama-tren-tap-chi-phu-nu-20160805163933718.htm

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

MỘT VÀI NÉT VỀ BÁO CHÍ VIỆT NAM THỜI THUỘC ĐỊA (1865-1945)

Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng trong Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và Tiếng Việt- Những vấn đề Lý luận và Thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ISBN 978-604-73-3750-7, từ tr 50-67



Tóm tắt: Ra đời cùng với quá trình thực dân hóa của đế quốc Pháp ở Việt Nam, báo chí tiếng Việt đã nhanh chóng phát triển từ vị trí là công cụ của chính quyền thực dân sang vai trò của một kênh thông tin, truyền bá văn hóa. Trong điều kiện  Việt Nam đang chịu ách đô hộ của thực dân Pháp sự phát triển của báo chí đã tạo nên một không gian văn hóa tư tưởng giúp người dân thảo luận về các vấn đề của đất nước, của dân tộc… Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, báo chí đã nhanh chóng trở thành phương tiện tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong  những năm nửa đầu thế kỷ 20
( Từ khóa: báo chí, dòng báo chuyên biệt, giải phóng dân tộc, văn hóa, tư tưởng)

Báo chí tiếng Việt ở Việt Nam mặc dù ra đời và phát triển cùng với quá trình thực dân hóa của chủ nghĩa tư bản Pháp, nhưng đã nhanh chóng trở thành phương tiện thông tin, truyền bá văn hóa, tư tưởng… Đặc biệt, báo chí tiếng Việt đã tạo ra những diễn đàn bước đầu có tính dân chủ cho những cuộc thảo luận về các vấn đề chính trị, tư tưởng, văn hóa và xã hội…của các trí thức Việt Nam yêu nước, góp phần tạo nên những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập với thế giởi hiện đại. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu sơ lược các giai đoạn phát triển và những nét nổi bật của báo chí tiếng Việt từ khi hình thành tới Cách mạng tháng Tám năm 1945, với hy vọng đem lại cái nhìn toàn cảnh về báo chí Việt Nam thời thuộc địa.
1.     Từ vai trò là công cụ cai trị của chính quyền thực dân tới vai trò là  phương tiện truyền bá tư tưởng và văn hóa mới của báo chí Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
         Trước khi bị Pháp xâm lược, Việt Nam hoàn toàn chưa có báo chí. Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, và trong thời kỳ đầu của cuộc chinh phục này, thực dân Pháp đã sử dụng báo chí như một công cụ phục vụ quá trình xâm lược của chúng. Lịch sử cũng như nội dung các tờ báo thời kì này phản ánh rõ quá trình xâm lược của thực dân Pháp cũng như vai trò phục vụ công cuộc xâm lược và cai trị của những tờ báo tiếng Pháp thời kỳ này. Ví dụ ngay trong quá trình xâm lược Nam Kỳ, Pháp đã ra tờ Le Bulletin Officiel de L’Expe’dition de la Cochinchine (Tập kỷ yếu công vụ cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ ) năm 1861. Đến năm 1865, sau khi ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ bị thôn tính thì tên báo được đổi là Bulletin Officiel de la Cochinchine FranCaise (Tập kỷ yếu công vụ xứ Nam Kỳ thuộc Pháp) và đến năm 1889, khi nền thống trị của Pháp được xác lập trên toàn cõi Việt Nam thì báo lại được đổi tên thành Bulletin Officiel de L’Indochine FranCaise (Tập kỷ yếu công vụ xứ Đông Dương thuộc Pháp) (Đỗ Quang Hưng (CB), 2000): 23) …
          Những tờ công báo này thường đăng tải các  nghị định, công văn, đạo luật, các chỉ thị của bộ máy thực dân, các bài diễn văn của thống đốc Nam Kỳ… và được lưu hành chủ yếu trong giới sĩ quan và viên chức thực dân. Vì vậy, tất cả các báo đều được in bằng tiếng Pháp.        
         Bên cạnh tờ công báo đầu tiên bằng tiếng Pháp, năm 1862 Pháp còn cho ra tờ báo chữ Hán, (được ghi lại trong các tài liệu tiếng Pháp là Le Bulltin Des Communes (Kỷ yếu Làng xã) để phổ biến những quyết định, những mệnh lệnh của đội quân xâm lược tới các chức sắc bản xứ cộng tác với Pháp trong tất cả các làng xã ở Nam Kỳ. Ngoài ra, Pháp còn cho xuất bản những tờ báo phục vụ mục tiêu khai thác kinh tế, như tờ Le Bulletin du Comite’ Agricole et industriel de la Cochinchine (Kỷ yếu của ủy ban canh nông và kỹ nghệ xứ Nam Kỳ) năm 1869Le buuletin du Commit Le’tudes Agricoles Industrelles et Commercialles de L’Annam et du Tonkin (Tập kỷ yếu của Uỷ ban nghiên cứu nông, công, thương Trung Kỳ và Bắc Kỳ) ra đời muộn hơn, vào năm 1886  (Đỗ Quang Hưng (CB), 2000: 23),  Avernir de Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) năm 1884
        Theo bài báo “Thử tìm long mạch của tờ báo ta” do tác giả Quán Chi khảo cứu đăng trên Trung Bắc chủ nhật từ số 101(3/3/1942) đến số 104 (29/3/1942) thì trước khi tờ báo Tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên ngày 15/4/1865) ra đời, chữ quốc ngữ đã được dùng khá phổ biến ở Nam Kỳ. Gia định  báo lúc đầu chỉ là một tờ tuần báo, chủ yếu đăng tải những thông tư, chính luận của chính quyền thực dân, một số bài thơ, vài câu chuyện hài đàm, chuyện cổ tích... chưa phải là một tờ báo có tính chất thông tin và truyền bá tư tưởng. Sau Gia định báo, tờ báo tiếng Việt thứ hai là tờ Phan Yên báo xuất bản năm 1868 và Nam Kỳ địa phận xuất bản  năm 1883 cũng có nội dung tương tự.
          Về thực chất những tờ báo thời kỳ này chỉ là công cụ của Pháp trong quá trình xâm lược. Nội dung của các tờ báo chỉ đơn giản là dịch đăng những bài viết từ công báo tiếng Pháp sang tiếng Việt cho người Việt đọc, như các công văn, giấy tờ, các văn kiện của chính quyền thực dân hoặc những tờ thông báo, cáo thị, tình hình giá cả, thuế khoá của Sở thuế, Phòng Thương chánh, Toà Thị chánh, quyết định thuyên chuyển công tác của giới sĩ quan... Shawn.F.Mc. Hale trong công trình nghiên cứu “n phẩm và quyền lực” của mình đã nhận xét: “Chính quyền thuộc địa Pháp cần rất nhiều tài liệu in ấn (mẫu đơn từ, hoá đơn, baó cáo...) để hoạt động một cách trôi chảy (có người đã cho rằng chính phủ thực dân cần giấy nhiều như vũ khí để giữ người dân dưới sự kiểm soát của họ)” (McHale.Shawn Frederick 1995: 13) .
        Những người Việt tham gia viết báo thời kỳ này hầu hết là những viên chức của chính quyền thực dân thông thạo chữ Hán, chữ Pháp, chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Lương Khắc Ninh...
       Cùng với việc xuất bản báo chí, chính quyền thuộc địạ đã sớm ban hành những đạo luật, sắc lệnh về báo chí ở Đông Dương. Sắc lệnh ngày 30/12/1898 đã đình chỉ việc thi hành luật tự do báo chí ngày 29/7/1881 của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Theo sắc lệnh này, quan Toàn quyền có thể  đình chỉ việc phát hành một tờ báo  hay xuất bản một ấn phẩm định kì bằng bất cứ thứ tiếng nào chỉ bằng một nghị định, cũng như không một tờ báo tiếng Việt nào có thể xuất bản nếu không được phép của quan Toàn quyền. Giấy phép xuất bản chỉ được cấp với điều kiện là văn bản các bài sẽ đăng báo phải được quan Toàn quyền Đông Dương duyệt y và giấy phép này có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Việc cấp giấy phép cũng rất hạn chế. Ví dụ ở Nam Kỳ từ năm 1927 đến năm 1933 có hơn 77 đơn xin xuất bản báo, nhưng chỉ có 13 tờ báo được cấp phép xuất bản (Cao Huy Thuần,, 2005: 90) Các bài báo đều bị sở báo chí của chính quyền địa phương kiểm duyệt trước [1].  “Khi báo lên khuôn, thanh tra nhà in đến nhà in đọc từng dòng những bài bình luận, phần tin tức quốc tế và cả những bài tường thuật các cuộc du hành quan phương” (Cao Huy Thuần,  2005: 88) . Cho đến năm 1914, ở Đông Dương có tới 16 sắc lệnh của Tổng thống Pháp và 20 nghị định của Toàn quyền và Thống sứ có liên quan tới báo chí đã được ban hành. Như vậy, thực tế là không có tự do báo chí mà chỉ có lưỡi kéo của chế độ kiểm duyệt.
        Tình trạng này được duy trì và khẳng định lại một lần nữa bằng luật báo chí ngày 4/10/1927 và hiệu lực của bộ luật này còn kéo dài cho đến năm 1938. Nó chỉ được bãi bỏ nhờ phong trào Mặt trận bình dân những năm 1936-1939. Có thể nói, chính sách kiểm duyệt báo chí của chính quyền thuộc địa đã quy định nội dung của báo chí cũng như quyết định sự tồn tại và phát triển của nền báo chí Việt Nam lúc bấy giờ.
         Sang đầu thế kỷ XX, quá trình đô thị hoá cũng như sự phát triển của tầng lớp thị dân, lối sống thị dân, những hoạt động công thương nghiệp của giới doanh nghiệp Việt Nam, và ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ mới… đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển phong phú hơn. Báo chí thời kỳ này không còn là của riêng chính quyền thực dân nữa mà đã xuất hiện những tờ báo tư nhân. Về nội dung, các báo cũng không đơn thuần là những tờ công báo nữa mà bước đầu phản ánh quyền lợi của giới kinh doanh công thương nghiệp cũng như phản ánh những chuyển biến trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của Việt Nam lúc bấy giờ. Đáng chú ý là có một số tờ như Nông cổ mín đàm (1901- 1924), Đại Việt tân báo (xuất bản số đầu năm 1905), Đại Nam Đăng cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1907-1921) đã bàn nhiều về vấn đề văn hoá, xã hội như tuyên truyền cho xu hướng canh tân hoặc đả phá chế độ khoa cử lỗi thời, những hủ tục trong lối sống... Nông cỏ mín đàm là tờ báo kinh tế có mục Thương cổ luận chuyên đăng bài về việc sản xuất, và kinh doanh… Tờ Đại Việt tân báo do E. Babut sáng lập và Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Theo Quán Chi thì Đào Nguyên Phổ là người có công đầu trong việc dịch các học thuyết chính trị mới, các sách Tân thư … và phổ biến chúng trên báo chí, kể cả tác phẩm triết học nổi tiếng “Bàn về tự do” [2] của John Stuart Mill, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội người Anh cuối thế kỷ XIX cũng được dịch đăng từ sớm.
        Đại Nam Đăng cổ tùng báo được coi là tiếng nói của trường Đông Kinh Nghĩa thục, cổ vũ học chữ quốc ngữ, duy tân, phê phán các hủ tục trong tập quán sinh hoạt của người dân như đa thê, tảo hôn, đánh bạc, những thói quen sinh hoạt mất vệ sinh... Tuy nhiên tờ báo này chỉ tồn tại khoảng 10 tháng trong năm 1907. Sau khi  Đại Nam Đăng cổ tùng báo đóng cửa, trong suốt 6 năm từ 1907 tới 1913 ở Việt Nam chỉ còn lại hai tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Nam Kì là tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Ngay từ khi mới ra đời, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn đã có hàng loạt bài về thực nghiệp, khuyến khích và cổ vũ hoạt động kinh doanh…
        Năm 1913, Đông Dương tạp chí được xuất bản, ra số đầu tiên ngày 15/5 tại Hà Nội. Người sáng lập và chủ nhiệm báo là Schneinder, người đã từng ở Việt Nam từ năm 1882 và cũng là người đã xuất bản tờ Lục tỉnh tân văn và Đại nam đồng văn nhật báo. Vì vậy, lúc đầu Đông Dương tạp chí được coi là một chi nhánh của Lục tỉnh tân văn ở Bắc và Trung Kỳ. Chủ bút của tờ báo này là Nguyễn Văn Vĩnh với sự cộng tác của các tác giả Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Hiếu...
       Trong 2 năm đầu, 1913-1914, Đông Dương tạp chí (ĐDTC) mang tính chất là một tờ báo ngôn luận thông thường: tổng hợp, đăng tải các bài về tin tức thời sự chính trị xã hội lẫn văn chương, học thuật. Tháng 1/1915 báo Trung bắc tân văn (TBTV) được xuất bản ở Hà Nội, chủ nhiệm báo vẫn là Schneider và Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút với các cộng tác viên như của ĐDTC. Lúc đó báo TBTV chuyên “nghị luận về những việc thời vụ” còn ĐDTC sẽ chuyển thành tờ báo mang tính văn học, chuyên giới thiệu và dịch các tác phẩm văn học nước ngoài và các bài về khoa sư phạm; đặc biệt, củng cố và hoàn thiện chữ quốc ngữ. Cũng như ĐDTC, TBTV lúc đầu là tờ tuần báo, đến năm 1916 thì 3 ngày ra một số và đến năm 1919, khi Nguyễn  Văn Vĩnh mua lại tờ báo và nhà in từ Schneider, thì báo ra hàng ngày.
           Nhìn chung, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các tờ báo đã chuyển dần từ vai trò là công cụ cai trị của chính quyền thực dân, thông báo các mệnh lệnh của chính quyền tới dân chúng sang vai trò là một kênh truyền bá tư tưởng học thuật, tạo nên  một không gian văn hóa tư tưởng, nơi mọi người có thể thảo luận các vấn đề về văn hóa và lối sống, vận động Duy tân, phê phán những hủ tục, chế độ tảo hôn, chế độ đa thê, vận động học chữ quốc ngữ ( Đăng Cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí),  phê phán tâm lý “trọng nông, ức thương”, tuyên truyền, cổ vũ, đề cao tư tưởng thực nghiệp, phát triển kinh doanh công thương nghiêp, coi chấn hưng thực nghiệp như một giải pháp cho tình trạng yếu kém của Việt Nam… Có một hiện tượng đáng chú ý là ngay từ rất sớm vấn đề phụ nữ đã được đưa lên mặt báo, vừa là bàn về vấn đề của phụ nữ vừa mượn lời phụ nữ để bàn về những vấn đề chung của xã hội như các mục Nhời đàn bà trên Đăng cổ tùng báoĐông Dương tạp chí.
2.         Sự phát triển của báo chí tiếng Việt và sự mở rộng vai trò của báo chí  như một kênh giao lưu, tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam  từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1930
        Từ sau chiến tranh thế giới I, Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai đã chuyển mạnh nền kinh tế Việt Nam sang hướng tư bản chủ nghĩa. Về mặt xã hội, nó làm vững mạnh thêm các giai tầng xã hội mới như công nhân, tư sản và tiểu tư sản, đặc biệt là tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Thời kỳ này, báo chí cũng phát triển mạnh hơn do Pháp không giữ độc quyền báo chí như trước nữa. Do đó, nhiều người Việt Nam đã được phép xuất bản báo chí. Đặc biệt có một số chủ doanh nghiệp đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh công thương nghiệp sang lĩnh vực xuất bản báo chí.
           Bất chấp chế độ kiểm duyệt hà khắc của chính quyền thuộc địa, từ sau chiến tranh thế giới I  cho tới những năm đầu thập niên 1930, báo chí tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và nội dung. Năm 1922, cả nước chỉ mới có 19 tờ báo tiếng Việt thì đến năm 1925 đã có 25 tờ, năm 1927 có 36 tờ và năm 1929 lên tới 47 tờ. Các tờ báo tiêu biểu thời kì này là: Đông Dương tạp chí (1913-1918), Trung Bắc tân văn (1915-1945), Nam Phong (1917-1935), Nữ giới chung (1918), Thực nghiệp dân báo (1920-1933), Khai hoá nhật báo (1921-1927), Hữu thanh tạp chí (1921-1924), Đông Pháp thời báo (1923- 1928), An Nam tạp chí (1926-1930), Thần chung (1929-1930), Trung lập báo (1924-1933), Tân dân báo (1924-1925) Pháp Việt nhất gia (1927), Tiếng dân (1927-1943), Hà thành ngọ báo (1927-1929), Báo Đông -Tây (1929-1932), Phụ nữ tân văn (1929-1935), Kì lân báo (1928-1929), Văn minh (1926-1931)...
               Đánh giá chung về báo chí thời kỳ này, có thể thấy nổi bật lên 2 đặc điểm chính: Đó là thời kỳ báo chí do người Việt chủ trương (Nguyễn Việt Chước 1974:,10) và là thời kỳ của xu thế dung hòa văn hóa Đông-Tây (Nguyễn Việt Chước 1974: 17,). Sự phát triển của báo chí tiếng Việt đã tạo nên những không gian tương đối dân chủ cho sự giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng mới, cũng như diễn đàn trao đổi về các vấn đề liên quan tới đời sống văn hóa, chính trị và tư tưởng ở Việt Nam, nơi phổ biến thông tin, liên kết cộng đồng trong những mối quan tâm chung. Có thể nhận rõ một số khuynh hướng thể hiện trên báo chí thời kỳ này:
·          Giới thiệu và truyền bá tư tưởng, văn hóa, văn minh thế giới.
               Điển hình theo khuynh hướng này là Tạp chí Nam Phong. Ra đời vào thời gian trước khi chiến tranh thế giới I kết thúc, năm 1917, trong bối cảnh chính quyền thuộc địa có chủ trương đẩy mạnh truyền bá văn hóa, văn minh Pháp, Nam Phong dưới sự dẫn dắt của Phạm Quỳnh đã không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho văn hóa văn minh Phương Tây mà còn dùng báo chí để giới thiệu, phổ biến di sản văn hóa, văn học phương Đông và Việt Nam. Từ các bài khảo cứu về triết học, lịch sử, khoa học, văn hóa và văn chương của cả phương Đông và phương Tây; dịch các tác phẩm triết học, văn học từ tiếng Pháp và chữ Hán ra tiếng Việt; sưu tầm và giới thiệu văn học cổ của Việt Nam…qua Nam Phong, người Việt Nam có thể tiếp cận với những học thuyết chính trị, những tư tưởng về dân chủ, tư tưởng nữ quyền, các tác phẩm văn chương… không chỉ của nhân loại mà cả di sản của ông cha để lại,… Cơ cấu vận hành, bộ máy quản lý xã thôn cổ truyền của Việt Nam cũng được giới thiệu và phân tích…Không phải không có lý do khi Nam Phong được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao về phương diện truyền bá kiến thức, văn hóa, văn học Thiếu Sơn đã nhận xét về đóng góp và ảnh hưởng của Nam Phong trong cuốn Phê bình và Cảo Luận như sau: “có nhiều người không biết đọc văn Tây, văn Tầu, chỉ nhờ Nam Phong hun đúc mà cũng có được cái tri thức phổ thông, tạm đủ sinh hoạt ở đời” (Thiếu Sơn, 1933: 19)
          Bên cạnh Nam Phong, một số tờ báo khác cũng góp phần vào công cuộc truyền bá tư tưởng, văn hóa, văn minh như Đông Dương tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Trung Lập, Hà Thành Ngọ báo
·       Vận động và cổ vũ Chấn hưng thực nghiệp.
          Từ cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân đã đặt Việt Nam đứng trước một thử thách lớn, thay đổi để tồn tại và hội nhập với thế giới hay chấp nhận là người dân một nước thuộc địa ? Đứng trước sự tồn vong của quốc gia dân tộc, nhiều trí thức yêu nước đã đưa ra những đề nghị cải cách nhằm phát triển đất nước theo hướng hiện đại, chấn hưng kinh tế, với mong muốn nước nhà đủ mạnh để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, những cố gắng cải cách, chấn hưng thực nghiệp đó cuối cùng đều thất bại.
        Đầu thế kỷ XX, bên cạnh khuynh hướng yêu nước chủ trương bạo động chống Pháp giành độc lập, đã xuất hiện khuynh hướng duy tân, chủ trương khai sáng dân trí, chấn hưng dân khí, phục hưng đất nước bằng con đường chấn hưng thực nghiệp. Các trí thức yêu nước thuộc khuynh hướng này đã nhanh chóng nắm lấy báo chí như một công cụ truyền bá tư tưởng duy tân, hô hào đổi mới và cổ động chấn hưng nền kinh tế bằng các hoạt động kinh doanh và sản xuất. Những tờ báo tiêu biểu cho khuynh hướng cổ động thực nghiệp này có thể kể đến là Thực nghiệp dân báo, Khai Hóa, Hữu Thanh tạp chí… Mặc dù chỉ có tờ Hữu Thanh là tiếng nói của Hội tương tế thương mại và kỹ nghệ Bắc Kỳ còn những tờ báo lớn vận động thực nghiệp đều là của các chủ doanh nghiệp như tờ Thực nghiệp dân báo là của Nguyễn Hữu Thu, một nhà tư sản dân tộc, chủ hãng tầu lớn ở Hải Phòng, tờ Khai Hóa nhật báo là của Bạch Thái Bưởi… Nhưng các tờ báo luôn khẳng định, tờ bâo là tiếng nói cổ động cho phong trào thực nghiệp của đất nước.  Ví dụ, trong số đầu tiên, chủ trương của tờ Thực nghiệp dân báo được ghi rõ: “Bản báo không phải là cơ quan cổ động riêng cho một hạng người nào, chính là cơ quan chung cho nền thực nghiệp của khắp quốc dân….” [Thực nghiệp dân báo 8/7/1920]. Nội dung của các tờ báo là cổ động cho phong trào thực nghiệp, phản ánh yêu cầu của tư sản Việt Nam, đồng thời đấu tranh với chính quyền vì quyền lợi của người Việt.
          *Tuyên truyền vận động yêu nước, phê phán chính quyền thuộc địa
        Một khuynh hướng nổi bật của báo chí thời kỳ nay đó là vận động và tuyên truyền yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phê phán chính quyền thuộc địa. Báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, báo Đông Pháp thời báo của nhóm thanh niên yêu nước, có tư tưởng cấp tiến như Nguyễn Kim Đính, Trần Huy Liệu, báo Đuốc Nhà Nam của Dương Văn Giáo, báo Thần Chung của Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá, báo Công luận… đã đăng tải nhiều bài báo về tình cảnh của dân chúng, phê phán chế độ thực dân, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của người dân trước vận mệnh đất nước. Có một điểm đáng lưu ý, là do chế độ kiểm duyệt hà khắc của chính quyền thực dân, nhiều bài báo thường lấy danh nghĩa tiếng nói của phụ nữ. Ví dụ Nam Kiều (Trần Huy Liệu) trên Đông Pháp thời báo ( ĐPTB), qua việc phê phán quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ cần lo công việc gia đình mà quên mất trách nhiệm đối với xã hội, đã nhắc nhở người đọc về thực trạng nô lệ và truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Ông nói: “ Kìa như hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc, bà Triệu Ẩu một mình đánh với quân Ngô, nếu cứ theo như cái thuyết “ thành đổ chúa xây” thì sáu mươi lăm thành Linh biểu can chi phải đến Hai bà Trưng gánh vác, quân Ngô tàn bạo can chi phải đến Bà Triệu liều mình...Buồn thay cho xã hội ta ngày nay, việc công ích không ai tán thành, việc công phẫn không ai phấn khích...[ĐPTB- 13/3/1929]. Hoặc như báo Công luận ngày 19/4/1927 đã phân tích: Hiện nay “quốc gia đang khó khăn” “xã hội đang điên đảo” bởi “phường tham quan ô lại”. Vậy “chị em phải ráng học hành chữ nghĩa, phải ráng rèn tập tánh nết... mà giúp cho xã hội đương lúc khốn nguy, dân tộc đương lúc khó khăn thì mới không hổ với đồng loại”.
   Báo chí cũng là nơi tổ chức, tập hợp quần chúng tham gia các hoạt động yêu nước như đòi ân xá cho Phan Bội Châu, đưa tang Phan Chu Trinh, đòi thả Nguyễn An Ninh, đón tiếp Bùi Quang Chiêu, … Báo Đông Pháp thời báo bình luận về sự tham gia của phụ nữ trong các phong trào này nhưng qua đó lại nhắc nhở người dân về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam: … “Tuy các bà, các cô không đủ sức mà cầm cương lên ngựa đặng như bọn nam nhi mặc dầu chớ cái lòng nhiệt thành của hạng nữ lưu chỉ thiệt ngọn lửa rất nồng nàn để ung đốt lòng ái quốc của bọn nam nhi cho khỏi lụi khỏi tắt. Gương bà Trưng, bà Triệu còn làu làu trong thanh sử Việt Nam.”[ĐPTB-10/3/1926]
·         Hình thành diễn đàn  phụ nữ
Trong lịch sử Việt Nam, do ảnh hưởng của Nho giáo, phụ nữ chưa bao giờ có tiếng nói trong đời sống cộng đồng làng xã, cũng như đời sống chính trị của đất nước. Từ sau chiến tranh thế giới thứ I, phong trào phụ nữ thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội Việt Nam, ở Việt Nam đã xuất hiện vấn đề phụ nữ được báo chí và cả xã hội quan tâm. Rất nhiều tờ báo đã dành một số trang để bàn về vấn đề phụ nữ, hoặc có mục dành riêng cho phụ nữ [3]. Các mục như Văn Nữ giới hoặc Tiếng Oanh được coi như một diễn đàn để phụ nữ trao đổi ý kiến về các vấn đề của mình hoặc là nơi để phụ nữ tập viết các bài báo...  Các cuộc thảo luận trên báo chí về vấn đề phụ nữ thời kỳ đó tập trung phân tích vai trò, địa vị của phụ nữ trong  gia đình và xã hội, vấn đề trách nhiệm của phụ nữ đối với vận mệnh quốc gia dân tộc cũng như vấn đề bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ….
3.    Sự phát triển của báo chí và việc hình thành các dòng báo chí chuyên biệt cũng như sự tham gia của báo chí vào công cuộc vận động giải phóng dân tộc  từ năm 1930 đến 1945
        Sang những năm 1930, tình hình chính trị và xã hội Việt Nam có nhiều biến động. Ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa tư tưởng thế giới đã dẫn đến nhiều nét mới trong báo chí tiếng Việt. Trước hết, là sự phát triển mạnh mẽ của báo chí. Từ năm 1930 tới năm 1936 có 180 tờ báo mới ra đời. Cùng với khoảng 30 tờ báo có từ trước tiếp tục xuất bản thì trong năm 1936 có tất cả 210 tờ báo  [4].
         Từ năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí, Pháp đã phải thừa nhận hiệu lực của Luật tự do báo chí ban hành năm 1881 được áp dụng ở Đông Dương. Đó là bộ luật quy định báo chí phát hành chỉ cần báo trước 24 giờ. Chính thắng lợi này đã làm báo chí giai đoạn 1936-1939 phát triển mạnh mẽ [5].  Nhiều tờ báo cách mạng được phát hành công khai.[6] Theo Daniel Hemery, Sở An ninh Đông Dương, ước tính vào tháng 11/1938, chỉ riêng Nam Kỳ có tới 18 tờ báo cộng sản, trốtkit, hoặc thân cộng. Số in của báo tiếng Pháp giảm chỉ còn 30.580 bản trong khi số in của báo tiếng Việt là 153.000 bản. Tính đến ngày 1/1/1939 trên toàn cõi Đông Dương số báo tiếng Việt và song ngữ Pháp Việt có 120 tờ trong khi số báo tiếng Pháp chỉ còn 69 tờ.( Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng….. CB) (2005), 88) [7]
        Thời kì từ năm 1939-1945, do điều kiện chiến tranh, kinh tế suy thoái, mực và giấy là hai nguồn vật liệu phục vụ cho ngành in ấn trở nên khan hiếm và đắt đỏ, đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất bản, trong đó có báo chí. Nhiều tờ báo phải đóng cửa hoặc giảm trang, in trên giấy xấu. Mặc dù vậy, do nhu cầu tìm hiểu tình hình trong nước và quốc tế tăng, độc giả ngày càng nhiều, tình hình phát hành báo chí vẫn được duy trì và được phát hành với số lượng khá lớn.
        Từ tháng 7/1939, để chuẩn bị cho tình trạng chiến tranh, ở Đông Dương, chức vụ Toàn quyền Đông Dương cũng thay đổi từ một quan toàn quyền dân sự là Brevie chuyển sang cho một quan toàn quyền quân sự, tướng Catroux và sau đó là Đô đốc Jean Decoux. Hành động đầu tiên của chính quyền thuộc địa là ra sức đàn áp Đảng Cộng sản. Sắc lệnh ngày 28/9/1939 cấm ngặt tất cả hành vi tuyên truyền về Quốc tế III và các tổ chức có liên quan. Đảng Cộng sản, các đoàn thể và các nhóm liên quan đều bị giải tán. Thực dân Pháp đã quy định kiểm duyệt toàn bộ báo chí nước ngoài trong các khu vực thuộc địa của Pháp. Trong vòng 4 tháng cuối năm 1939, Pháp đã ký tới 10 Sắc lệnh và Nghị định về báo chí và liên quan đến báo chí. Giấy và mực in cũng được chính quyền quản lý chặt chẽ thông qua phòng kiểm duyệt Liên đoàn giấy. Năm 1943, Toàn quyền Đông Dương ra một nghị định mới về việc phát hành báo chí. Nghị định này quy định: khuôn khổ báo sẽ bị hạn chế để tiết kiệm giấy. Nếu báo xuất bản hàng ngày thì phải nghỉ ngày chủ nhật. Nếu phát hành ngày chủ nhật thì không được phát hành các ngày khác trong tuần, không được in báo trên giấy khổ 23 x 2000 cm2, nên dùng khổ báo không cần phải cắt giấy để tiết kiệm... [Đông Pháp-1/5/1943]
         Ngay từ trước khi có sắc lệnh trên, một loạt tờ báo đã bị khám xét, bắt bớ và đóng cửa. Tờ Ngày mới bị đóng cửa ngày 26.8.1939, Dân chúng ngày 30/8/1939, Người mới ngày 5/9/1939, Thế giới ngày 13/9/1939, Đời nay ngày 29/9/1939. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, ra chỉ thị cho những người làm báo và các tờ báo Đảng rút vào bí mật.
         Ngày 23/9/1940, Nhật vào Đông Dương, đặt thêm ách thống trị mới đối với xã hội Việt Nam và từng bước ép Pháp phải nhường cho Nhật một số quyền lợi về kinh tế chính trị, quân sự. Đồng thời, Nhật cũng ráo riết tuyên truyền chính sách Đại Đông Á, văn hoá Nhật... nhằm gây ảnh hưởng trong dân chúng. Nhật cũng thành lập văn phòng kiểm duyệt báo chí, ra thông báo về việc kiểm duyệt toàn bộ báo chí, xuất bản phẩm và các phương tiện tuyên truyền kể cả áp phích quảng cáo và các kịch bản... Dựa vào Nhật, một số đảng phái mới ra đời như Đại Việt dân chính, Đại Việt quốc xã, Phục quốc... và đều ra báo để gây ảnh hưởng. Tháng 5/1941 quyết nghị thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh)
       Phong trào Việt Minh phát triển, ở các vùng căn cứ địa cách mạng, báo chí cách mạng cũng được xuất bản, góp phần tuyên truyền và vận động nhân dân như tờ: Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng... ở các địa phương cũng có báo cách mạng để vận động tuyên truyền trong nhân dân, như: Báo Đuổi giặc nước của cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Minh Thanh Hoá, báo Hiệp lực của cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Ninh ...
Có thể thấy, thời kỳ từ 1930 đến1945, tình hình chính trị ở Việt Nam có rất nhiều biến động, nhưng báo chí đã có sự phát triển vượt bậc, bất chấp tình trạng khó khăn trong chiến tranh. Sự phát triển của báo chí còn thể hiện ở sự phân hóa và hình thành những dòng báo chí chuyên biệt, đại diện cho tiếng nói của các giai tầng  xã hội và các khuynh hướng tư tưởng khác nhau: dòng báo chí cách mạng, dòng báo phụ nữ và dòng báo chí tôn giáo, báo thể thao, báo văn học, báo cho thiếu nhi…Sự phân hóa và sự tồn tại của  các dòng báo chí chuyên biệt này đã phản ánh sự trưởng thành về ý thức công dân, cũng như sự phát triển về nhận thức của các giai tầng trong xã hội
·         Báo chí cách mạng và các cuộc đấu tranh về tư tưởng trên báo chí.
            Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 với vai trò là người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã làm xuất hiện dòng báo cách mạng lúc bí mật, lúc ra công khai của Đảng Cộng sản Việt Nam và dòng báo lưu hành trong các nhà tù của thực dân. Cùng với sự ra đời của Đảng cộng sản là quá trình truyền bá các quan điểm của chủ nghĩa Mac- lê nin vào Việt Nam, điều đó đã làm phong phú thêm nội dung của báo chí công khai, các đảng viên cộng sản đã tham gia vào các cuộc tranh luận học thuật, tư tưởng và có tiếng nói phản biện, thể hiện quan điểm đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động.
            Có thể thấy, bên cạnh việc phản ánh trào lưu Âu hoá và lối sống tư sản trong các đô thị đang là xu hướng chủ đạo, báo chí còn đưa tin về hoạt động cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. .Ảnh hưởng của Đảng cộng sản cũng thể hiện rõ trong các cuộc thảo luận trên lĩnh vực tư tưởng như cuộc thảo luận của Hải Triều và Thiếu Sơn về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” [ Đời Mới-24/3-27/3/1933],  cuộc thảo luận của Hải Triều và Phan Khôi về “Duy vật và duy tâm” [ Phụ nữ thời đàm- 8 và 29/I0/ 1933]; cuộc thảo luận của Phan Khôi và Nguyễn Thị Chính  về “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan” [ Phụ nữ tân văn- 7 và 14/7 và  4/8/1932], cuộc tranh luận về “Phổ thông đầu phiếu” trên báo Công luận năm 1932 và các bài về quyền bầu cử: phổ thông đầu phiểu  và quyền bầu cử của phụ nữ...
Trong thời kỳ vận động dân chủ năm 1936-1939, báo chí cách mạng chuyển ra hoạt động công khai, các  tờ La Lute 1933-1939), Hồn trẻ (1936) Dân chúng (1938-1939),  Tin tức (1938) … trở thành nơi khởi xướng, tổ chức, và lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân trong phong trào vận động đòi dân chủ, cải thiện dân sinh.
Từ năm 1939, do tình hình chiến tranh, Đảng cộng sản bị khủng bố, tất cả báo chí cách mạng phải phát hành bí mật song cũng không vì thế mà báo chí cách mạng không phát triển. Tiêu biểu cho báo chí cách mạng thời kì này là các tờ Tạp chí Cộng sản, Cờ giải ghóng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính, Mê Linh, Phá ngục, Kháng địch, Cởi ách, Chiến đấu, Tiên phong, Dân tộc, Tiếng súng khởi nghĩa…Thời kỳ vận động Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, các tờ báo này đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng, đứng lên giành độc lập dân tộc.
·         Sự phân hóa của báo chí và sự hình thành các dòng báo chuyên biệt.
   Sự phát triển về mặt nhận thức của tầng lớp trí thức đã dẫn đến việc báo chí công khai bị phân hoá thành nhiều khuynh hướng: báo chí thân Pháp như các tờ: Đông Pháp (ĐP), Tin mới, Đàn bà (ĐB), Tân Việt Nam, Nỗ lực; báo chí cấp tiến như các tờ Ngày nay, Thanh nghị, Tri tân... Ngoài ra còn có một số tờ báo của nhóm Trốtkít như tờ Văn mới, Tân thời...,các loại báo văn học, tôn giáo và các loại báo chuyên biệt khác như báo thể thao, báo kinh tế, báo trẻ em...
  Đặc biệt là thời kỳ này đã hình thành dòng báo phụ nữ với sự xuất hiện và tồn tại của hơn 10 tờ báo phụ nữ được xuất bản khắp ba miền[8]. Hầu hết các báo xuất bản thời kì này đều dành riêng một mục cho phụ nữ hoặc có các trang phụ nữ như Công luận, Đông Pháp, Tân thời tuần báo (TT), Dân hiệp (DH), Nam Kỳ tuần báo (NKTB)... Có thể nói, các tờ báo phụ nữ và các diễn đàn dành cho phụ nữ trên các tờ báo đã tạo nên một không gian cho mọi người thảo luận về các vấn đề phụ nữ, như quyền được học tạp, quyền được trả lương ngang bằng, chế độ bảo hiểm, chế độ thai sản, quyền bầu cử của phụ nữ, vấn đề giải phóng phụ nữ khỏi các ràng buộc của lễ giáo phong kiến, phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như thế nào?...Đây cũng chính là một kênh thông tin để phụ nữ nói lên tiếng nói của mình, về quyền phụ nữ, cũng như đấu tranh cho các quyền đó…
Cũng từ những năm 1930, báo chí tôn giáo khá phát triển, đặc biệt là báo chí Phật giáo ra đời gắn liền với phong trào Chấn hung Phật giáo diễn ra mạnh mẽ khắp 3 kỳ. Chịu ảnh hưởng từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới, đặc biệt từ Trung Quốc, báo chí Phật giáo Việt Nam đã có mặt từ cuối thập niên 1920 là một trong những phương tiện quan trọng, công cụ sắc bén, góp phần vào sự phát triển của phong trào Chấn hung Phật giáo. Có thể kể một số tờ báo Phật giáo tiêu biểu như: Nguyệt san Pháp Âm, Phật hóa Tân thanh niên Tạp chí Từ Bi Âm Nguyệt san Viên Âm , Tạp chí Đuốc Tuệ , Tạp chí Tiếng Chuông Sớm, Tạp chí Tiến Hóa , Tam Bảo tạp chí, Tạp chí Bát Nhã Âm… Nội dung của báo chí Phật giáo chủ yếu đi vào các trọng tâm hoằng dương Phật pháp, chấn hưng Phật giáo và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học chữ quốc ngữ, bảo tồn di sản văn hóa cổ Việt Nam, báo chí Phật giáo cũng đã bước đầu quan  tâm tới vấn đề bình đẳng giới, nhất là vấn đề phụ nữ.[9]
Kết luận.
 Tocqueville trong cuốn Nền dân trị Mỹ nổi tiếng của mình đã viết về vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại: “ Khi con người không còn gắn bó với nhau một cách vững chắc và lâu bền, thì khó có thể làm cho đa số họ cùng hành động chung, song ít ra cũng phải thuyết phục từng người mà sự tham gia của người đó là cần thiết rằng lợi ích riêng của anh ta bắt buộc anh ta tự nguyện góp các nỗ lực của anh vào với nỗ lực của mọi người. Điều đó chỉ có thể tiến hành một cách bình thường và thuận lợi nhờ một tờ báo. Chỉ có một tờ báo là có khả năng trong cùng một lần đem cùng một ý tưởng đặt vào trong cả ngàn cái đầu” (Tocqueville 2007: 170 )
   Lịch sử báo chí Việt Nam từ 1862-1945, đã cho thấy mặc dù thời kỳ đầu báo chí là công cụ phục vụ quá trình xâm lược và cai trị của chính quyền thực dân với chức năng truyền đạt thông tin, những trí thức Việt Nam khi nhận ra lợi thế của báo chí trong việc truyền bá tư tưởng, tập hợp lực lượng, định hướng và dẫn dắt cộng đồng đã nhanh chóng sử dụng báo chí như một phương tiện hiệu quả để đạt được các mục tiêu của mình.
 Báo chí đã giúp người dân Việt Nam hiểu biết về một thế giới rộng lớn bên ngoài lũy tre xanh của các làng xã Việt Nam truyền thống. Báo chí cũng giúp họ tiếp cận với các tư tưởng mới, các nền văn hóa mới, các thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật của nhân loại, báo chí giúp người Việt học hỏi để thay đổi và hội nhập.
Báo chí cũng giúp người Việt Nam được nói lên nguyện vọng và  ý chí của mình trước các vấn đề của cuộc sống, từ quyền được học tập, được lao động, quyền bầu cử và quyền được kết hôn với người mình yêu, quyền tự định đoạt số phận mình. Báo chí cũng liên kết mọi người trong một mối quan tâm chung.
Cách mạng thàng Tám năm 1945 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong sự trưởng thành đó của dân tộc, có phần đóng góp quan trọng của nền báo chí tiếng Việt.trong vai trò là phương tiện truyền bá tư tưởng, vận động, tập hợp, tổ chức và định hướng cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
1.      Đặng Thị Vân Chi (2006),” Dòng báo phụ nữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”, T/c NCLS  tháng 11 ( 367)
2.      Nguyễn Việt Chước,(1974), Lược sử báo chí Việt Nam, Nam Sơn, Sài Gòn
3.      McHale.Shawn Frederick (1995), Printing, power, and the transformation of Vietnamese cultture, 1920-1945, dissertation, Cornell University 
4.      Đỗ Quang Hưng ( CB),(2000), Lịch sử báo chí Việt Nam, H, NXB Chính trị Quốc gia,
5.      Tạ Thị Bích Liên ( 2015), Báo chí Phật giáo với vấn đề phụ nữ trước năm 1945, Luận văn thạc sĩ , khoa học Lịch sử, Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
6.      TS. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Thành phố Hồ Chí Minh
7.      Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính, (2005) Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng
8.      Tocqueville (2007),Nền dân trị Mỹ, NXB Tri thức, T2,
9.      Thiếu Sơn, ( 1933), Phê bình và Cảo luận, H.
Các tờ báo được  phát hành từ 1862-1945: Gia định báo, Đăng cổ tùng báo, Nông cổ mín đàm, Đông Dương Tạp chí, Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Khai hóa, Hữu Thanh, Công Luận, Trung Lập,  Đông Pháp thời báo, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới, Nữ giới chung, Dân chúng, Ngày mới, Ngày nay, Đàn bà, Tân xã hội, …



[1] Các bài báo được Sở mật thám Pháp dịch sang tiếng Pháp rồi đưa sang sở báo chí kiểm duyệt
[2] Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm ” Bàn về tự do” của John Stuart Mill là : tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do thảo luận ; tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống theo sự xét đoán của mình; và tự do hội họp.. Mỗi người cần được tự do mưu cầu hạnh phúc riêng của mình "trong chừng mực ta không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác đạt được hạnh phúc. Mỗi người là người bảo vệ chính đáng nhất cho sự lành mạnh của anh ta, dù là sự lành mạnh thân thể, tinh thần hay tâm linh". Tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân.J ohn Stuart Mill bảo vệ quyền của các cá nhân để họ được "sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh".

[3] Nhời đàn bà (Trung bắc tân văn, Đông Pháp thời báo), Văn nữ giới (Khai hoá nhật báo, Đông Pháp thời báo), Phụ nữ diễn đàn ( Thần Chung, Công luận), Tiếng oanh (Hà thành Ngọ báo) Phụ nữ diễn đàn (Văn minh )…

[4] Theo thống kê tên các tờ báo được xuất bản từ năm 1930 đến 1936 trong sách “ Báo chí Việt Nam từ khởi thủy dến 1945 “ của TS Huỳnh Văn Tòng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000, tr 443-475.
[5]. Ngày 20/6/1935,  Báo Dân quyền phát hành số 1 không được phép của Toàn quyền Đông Dương nên đã bị đình bản. Nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân và báo giới, dựa vào điều luật 5,6,7 của Luật Báo chí được ban hành ngày 29/7/1881 quy định báo chí dù xuất bản bằng tiếng Pháp hay tiếng bản xứ đều tự do, ( không cần xin phép trước, không phải nộp tiền kí quỹ) ngoài việc viên quản lý báo có quốc tịch Pháp và đã thành niên và Điều 10 của đạo luật này cũng cho phép áp dụng đạo luật này tại chính quốc và các xứ thuộc địa như Angieri và Nam kì… báo Dân quyền đã thắng trong vụ kiện chính quyền thuộc địa ở Đông Dương. Việc báo Dân quyền thắng kiện đã vô hiệu hóa sắc lệnh ngày 30/12/1898 của Toàn quyền Đông Dương  về việc kiểm duyệt bao chí ở thuộc địa. Sau  sự kiện này, nhiều tờ báo đã được xuất bản không cần xin phép, tạo điều kiện cho báo chí cách mạng phát hành công khai.
[6] Dựa vào thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thực hiện Luật báo chí ban hành ngày 29/7/1881 của Pháp, nhiều tờ báo Cách mạng đã phát hành công khai. Tuy các tòa báo không bị bắt phạt , nhưng Pháp vẫn đình chỉ việc phát hành. Để đối phó lại, các Đảng viên cộng sản vẫn tiếp tục ra báo, tờ báo này bị đình chỉ thì tờ báo khác lại ra đời. Chính vì vậy, nhiều tờ báo chỉ được phát hành  1 vài số,. có tờ báo chỉ ra được duy nhất số đầu tiên như: Báo Dân quyền 2 số, báo Tân Xã hội 2 số, báo Nước Nam chỉ có số ra mắt…
[7] Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng….. CB) (2005), Từ Đông sang Tây, sdd, tr88….
[8] Phụ nữ tân văn ( 1929-1935) Phụ nữ thời đàm 9 (1930 -1931) Phụ nữ thời đàm (tập mới 1933-1934), Phụ nữ tân tiến ( 1932-1933) Phụ nữ tân tiến ( bộ mới 1934) Đàn bà mới (1934-1936) Nữ lưu (1936-1937) Việt nữ ( 1937) Phụ nữ ( 1938-1939) Đàn bà( 1939-1945), Bạn gái (1945), Việt nữ ( 1945-1946).
[9] Tạ Thị Bích liên ( 2015), Báo chí Phật giáo với vấn đề phụ nữ trước năm 1945, Luận văn thạc sĩ , khoa học Lịch sử, Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...