Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945


" Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945" là công trình do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2008 trên cơ sở Luận án TS Sử học của Đặng Thị Vân Chi .Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Đỗ Quang Hưng.

Tổng quan về luận án:
    Quyết định chọn đề tài Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt đến với tôi một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Đó là trong khi xem xét một số trang báo Nam PhongĐông Dương tạp chí với ý định tìm hiểu về việc phổ biến chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX cho luận văn thạc sỹ của mình, tôi bắt gặp mục Nhời đàn bà trên Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương dưới tên phụ nữ Đào Thị Loan. Một nhận xét chợt đến với tôi, đó là Phụ nữ chiếm một nửa xã hội, những thay đổi trong xã hội Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa dưới tác động của chủ nghĩa thực dân Pháp, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây những năm đầu thế kỷ XX chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ, đặc biệt trong một xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như Việt Nam. Và tôi đã quyết định chọn đề tài " Vấn đề phụ nữ trên báo chí đầu thế kỷ XX" cho luận văn Thạc sỹ của mình. Lúc đó tôi hoàn toàn chưa có hình dung gì về vấn đề này. Do điều kiện thời gian cũng như yêu cầu của một luận văn thạc sỹ, tôi đã giới hạn việc tìm hiểu qua việc khảo sát một số tờ báo tiêu biểu như : Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Nữ giới chungPhụ nữ tân văn.
    Đăng cổ tùng báo là một trong những tờ báo hiếm hoi được xuất bản bằng tiếng Việt từ khá sớm,   Đông Dương tạp chí cũng là tờ báo khá điển hình đề cập đến nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, điều  đặc biệt là cả hai tờ Đăng cổ tùng báoĐông Dương tạp chí đều có mục "Nhời đàn bà" dành cho phụ nữ và bàn về các vấn đề của phụ nữ, Nam Phong là tờ tạp chí nổi tiếng xuất bản sau chiến tranh thế giới I. Và cuối cùng là hai tờ báo phụ nữ: Nữ giới chung- tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam và Phụ nữ tân văn, tờ báo Phụ nữ được đánh giá là thành công nhất trong số các tờ báo phụ nữ trước 1945. Quan trọng hơn, đây là những tờ báo còn được lưu trữ khá đầy đủ tại các thư viện và điều này đảm bảo  tính khoa học cho luận văn khi xem xét các tờ báo như những nghiên cứu trường hợp.  Sau khi hoàn thành luận văn thạc sỹ, tôi có một hình dung chung về vấn đề. Đó là trong thời kỳ cận đại, ảnh hưởng của tiếp xúc văn hóa Đông -Tây, nhận thức về vai trò và địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ là những vấn đề được thảo luận nhiều trên báo chí. Và rõ ràng vấn đề phụ nữ đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Kết quả của luận văn cũng gợi ra cho tôi một hướng nghiên cứu mới đó là tìm hiểu vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trong cả một giai đoạn dài từ đầu thế kỷ XX- là thời điểm hình thành nền báo chí tiếng Việt- cho tới  cách mạng tháng Tám năm 1945- mà thành công của cuộc cách mạng này với bản Hiến pháp năm 1946 công nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ trên mọi phương diện đã đặt những nền móng đầu tiên cho việc thực hiện quyền phụ nữ ở Việt Nam.
     Tôi nhận thấy việc nghiên cứu “Vấn đề phụ nữ trên báo chí trước Cách mạng tháng Tám năm 1945” không chỉ có ý nghĩa góp phần nghiên cứu lịch sử phụ nữ - một bộ phận của lịch sử dân tộc, mà còn làm sáng tỏ sự phát triển của quá trình nhận thức về vai trò và vị trí phụ nữ trong xã hội nói chung, cũng như sự tự nhận thức của chính bản thân phụ nữ về các vấn đề của giới mình. Qua đó, nghiên cứu vấn đề phụ nữ trên báo chí còn góp phần làm phong phú thêm mảng lịch sử tư tưởng Việt Nam thời kì cận đại.
     Từ nhận thức rằng phụ nữ muốn được giải phóng trước hết họ phải tự giải phóng mình, cuộc đấu tranh đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ phải xuất phát từ nhận thức của bản thân phụ nữ. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi nhằm:
    + Tìm hiểu quá trình nhận thức của phụ nữ về các vấn đề của mình qua báo chí tiếng Việt xuất bản ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và vấn đề phụ nữ ở Việt Nam đã hình thành như thế nào trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến?
    + Tìm hiểu những thay đổi trong đời sống của phụ nữ, phong trào phụ nữ và bước đầu tìm hiểu những đóng góp của phụ nữ đối với cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc
    + Tìm hiểu vai trò của Đảng Cộng sản trong việc thúc đẩy quá trình nhận thức của phụ nữ và xã hội đối với vấn đề phụ nữ, cũng như việc giải quyết vấn đề phụ nữ ở Việt Nam thời kì cận đại.
      Mặc dù những công trình nghiên cứu về lịch sử phụ nữ và những đóng góp của phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thì có nhiều, nhưng những nghiên cứu về quá trình nhận thức của phụ nữ về vai trò và địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội thì  hầu như chưa có ai nghiên cứu ngoài công trình của David Marr cuốn Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945 (Truyền thống Việt Nam trong thử thách 1920-1945. Trong cuốn sách này có chương 5 - Women questions (Những vấn đề phụ nữ) được đánh giá là có nhiều nhận xét độc đáo. David Marr đánh giá cao tầm quan trọng của những thay đổi trong xã hội và trong ý thức chính trị của một bộ phận dân cư ở Việt Nam những năm 1920-1945. Đặt trong bối cảnh của những thay đổi đó, tác giả đã nhận thấy nổi bật lên “vấn đề phụ nữ”. Theo ông, ngay từ những năm 1920, vấn đề phụ nữ đã nhanh chóng trở thành “trung tâm điểm mà các cuộc thảo luận khác thường xoay quanh nó”. Cũng trong chương này, tác giả đã chú ý đến các quan niệm truyền thống về vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Ông cho rằng: mặc dù sự áp bức đối với phụ nữ “khác nhau tuỳ theo từng giai cấp, nhưng tất cả phụ nữ đều chịu ảnh hưởng ở mức độ nào đó” [tr199] và đó là lý do đầu thế kỷ XX, phụ nữ bắt đầu lên tiếng phản kháng. Ông cũng quan tâm tới sự ra đời của các tờ báo Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn, Hội nữ công của bà Đạm Phương ở Huế, chủ nghĩa Mác và vấn đề phụ nữ, cũng như sự bùng nổ của các cuốn sách và cẩm nang cho phụ nữ... Năm 1995, chương trình Đông Nam á của Đại học Cornell của Mỹ xuất bản tập Essays into Vietnamese pasts (“Những bài tiểu luận về Việt Nam xưa) trong đó có bài: “Printing and power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934” (ấn phẩm và quyền lực: Các cuộc thảo luận ở Việt Nam xung quanh vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội 1918-1934) của Shawn Mc Hale. Bài báo đã phân tích ảnh hưởng của báo chí và sách trong thời gian đầu thế kỷ XX đối với nhận thức của phụ nữ về vấn đề nam nữ bình quyền, cũng như ý nghĩa của cuộc thảo luận trên hai tờ báo Nữ giới chungPhụ nữ tân văn về vị trí của người phụ nữ trong xã hội.
     Đây là hai công trình nghiên cứu hiếm hoi của học giả nước ngoài có liên quan trực tiếp đến đề tài của luận án. Là những người đầu tiên đặt “vấn đề phụ nữ” trong bối cảnh những thay đổi về kinh tế, xã hội và văn hoá ở Việt Nam thời kì cận đại, các tác giả chủ yếu mới khảo sát hai tờ báo phụ nữ là báo Nữ giới chungPhụ nữ tân văn, mà chưa có điều kiện khai thác các tờ báo khác xuất bản ở Việt Nam thời kì này, trong khi hầu hết các báo xuất bản thời kì này đều có nhiều bài viết về phụ nữ. Đặc biệt là sự xuất hiện của dòng báo phụ nữ, cũng như ảnh hưởng của đường lối vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam tới cuộc thảo luận trên báo chí thì chưa được khai thác bao nhiêu. Do đó, việc nghiên cứu “Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước Cách mạng tháng Tám năm 1945” là một việc làm cần thiết và đòi hỏi người nghiên cứu phải biết giải quyết vấn đề một cách độc lập.
     Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung khảo sát báo chí, chủ yếu những bài báo có tính chính luận đề cập tới quan niệm, nhận thức về vấn đề phụ nữ và một số tin tức có liên quan tới đời sống phụ nữ...
    Với các sáng tác văn học trên báo, chúng tôi chỉ khảo sát một số tác phẩm được coi là những sáng tác tiêu biểu cho khuynh hướng vận động giải phóng phụ nữ của nhóm Tự lực văn đoàn.
    Vì báo chí tiếng Việt chủ yếu mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX nên giới hạn về thời gian khảo sát của chúng tôi là báo chí tiếng Việt từ đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
      Nguồn tư liệu chủ yếu mà chúng tôi khai thác là 92 tờ báo tiếng Việt tiêu biểu xuất bản từ những năm đầu thế kỷ XX đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với đầy đủ các loại báo: nhật báo, tuần báo, báo đăng tin thời sự, báo chuyên mục với hàng ngàn trang báo về phụ nữ và 10 tờ báo phụ nữ xuất bản trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
     Bên cạnh tư liệu báo chí, chúng tôi cũng quan tâm đến các loại sách lý luận của chủ nghĩa Mac- Lênin về vấn đề phụ nữ, các loại sách chuyên khảo về lý thuyết nữ quyền, tác giả, tác phẩm, lịch sử báo chí, đặc biệt các hồi ký của các nhà văn, nhà báo, các nữ chiến sĩ cách mạng...
     Phương pháp được sử dụng chủ yếu trong luận án là phương pháp phân tích, mô tả và so sánh các quan điểm phản ánh nội dung của vấn đề dưới các dạng thông tin khác nhau của báo chí như xã luận, tin tức hay cả các mục như tạp trở, văn uyển, chuyện cười...
      Trong quá trình khai thác tư liệu báo chí, chúng tôi luôn đặt nó trong mối quan hệ lịch đại và đồng đại để có thể rút ra những nhận xét khách quan, sát với thực tế lịch sử.
     Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp thống kê để nhận rõ khuynh hướng tư tưởng của tờ báo trong một thời kì lịch sử trong trường hợp tờ báo còn được lưu trữ đầy đủ trong một thời gian nhất định.
     Với nguồn tư liệu báo chí, chúng tôi cũng chú ý đến những thông tin về hoàn cảnh của tác giả, điều kiện chính trị, xã hội mà tờ báo phụ thuộc vào.

      Ngoài phần mở đầu, nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
    Chương 1 chúng tôi trình bày về Bối cảnh Xuất hiện “vấn đề phụ nữ” trong xã hội Việt Nam
     Sau khi khảo sát những điều kiện tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và ảnh hưởng của Nho giáo đối với địa vị phụ nữ, chúng tôi đi vào tìm hiểu những điều kiện mới của “vấn đề phụ nữ" ở Việt Nam dưới tác động của các chương trình khai thác thuộc địa, chính sách cai trị của Pháp, và ảnh hưởng của tình hình thế giới, sự xuất hiện của tư tưởng dân chủ phương Tây ở Việt Nam, cũng như ảnh hưởng của phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới. Đặc biệt tìm hiểu tình hình phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa và  phụ nữ đã trở thành một "vấn đề" đòi hỏi cần phải giải quyết ngay trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX như thế nào, cũng như nội hàm của vấn đề phụ nữ ở Việt Nam thời cận đại.

     Chương 2 chúng tôi đi sâu tìm hiểu "vấn đề phụ nữ" trên báo chí Tiếng Việt từ đầu thế kỷ XX đến năm 1929. Trong chương này, chúng tôi khảo sát vấn đề phụ nữ được đề cập đến trong những tờ báo tiếng Việt hiếm hoi được xuất bản từ những năm đầu triên của thế kỷ XX như tờ Nông cổ mín đàm (I900),  Đăng cổ tùng báo( I907) và Đông Dương tạp chí ( I9I3)... Đặc biệt chú ý tới những vấn đề phụ nữ được đề cập trong tờ báo phụ nữ bằng tiếng Việt đầu tiên ở Việt Nam- báo Nữ giới chung năm 1918 và bối cảnh bùng nổ các “Diễn đàn phụ nữ” trên báo chí sau chiến tranh Thế giới thứ nhất. Trong chương này chúng tôi cũng  khảo sát sự phát triển của báo chí và vấn đề phụ nữ được thảo luận trên các diễn đàn phụ nữ.
      Có thể thấy các cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ giai đoạn này phản ánh ảnh hưởng của phong trào nữ quyền thế giới ở Việt Nam, đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh giữa tư tưởng cũ và tư tưởng mới trong bối cảnh của tiếp xúc văn hoá Đông- Tây. Có thể phân thành hai loại quan điểm: quan điểm thủ cựu và quan điểm cấp tiến.
      Những người thủ cựu quan niệm vị trí của phụ nữ là trong gia đình, do đó việc giáo dục dành cho phụ nữ là nhằm giúp họ làm tròn trách nhiệm của người mẹ hiền, vợ thảo và cũng vì thế họ phê phán phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ, coi đó là nguyên nhân làm phong hoá suy đồi, gia đình tan nát...Họ cực lực phê phán các“cô gái mới”, coi các cô là kết quả của phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Bên cạnh đó những người cấp tiến- những trí thức yêu nước, tiến bộ, thấy được vai trò và trách nhiệm của phụ nữ đối với việc xây dựng xã hội nên họ ủng hộ phong trào nữ quyền và bình đẳng nam nữ. Họ quan niệm nam cũng như nữ đều phải có trách nhiệm đối với đất nước.
    Trong điều kiện bị kiểm duyệt một cách chặt chẽ, mục phụ nữ, tiếng nói của phụ nữ trở thành nơi những trí thức yêu nước khích lệ lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của nhân dân, trong đó có phụ nữ đối với dân tộc đang chịu đè nén dưới ách thực dân. Trên Đông Pháp thời báo, báo Thần Chung, báo Công luận... các tác giả thường mượn lời phụ nữ để kêu gọi trách nhiệm của nhân dân đối với đất nước. Cuộc thảo luận này một mặt phản ánh những đòi hỏi của thực tế cuộc sống phụ nữ trước những thay đổi trong xã hội, mặt khác phản ánh sự hoà nhập của xã hội Việt Nam với thế giới hiện đại.
    Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm tới quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ trên báo Thanh niên và báo Thân ái. Đó là quan điểm hướng tới phụ nữ lao động. Người đã vạch ra dưới chế độ thuộc địa, phụ nữ là những người phải chịu nhiều bất công và bị áp bức nặng nề nhất. Vì vậy phụ nữ muốn được bình quyền, muốn được tự do và hạnh phúc trước hết phải làm cách mạng giải phóng dân tộc. Những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề này đã trở thành những luận điểm cơ bản của đường lối vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

     Trong chương 3 chúng tôi tiếp tục làm rõ "Vấn đề phụ nữ" trên báo chí tiếng Việt từ 1929 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới ảnh hưởng sâu sắc phong trào nữ quyền thế giới và quan điểm nữ quyền macxit, đặc biệt vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam và báo chí cách mạng trong việc định hướng nhận thức của phụ nữ cũng như xã hội về vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội và các vấn đề như vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ, phụ nữ có vai trò gì trong cuộc vận động giải phóng dân tộc?
    Có thể nói với sự ra đời của tờ Phụ nữ tân văn, báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, đồng thời đánh dấu sự ra đời và phát triển của dòng báo phụ nữ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ 1930, phụ nữ đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ hầu hết các báo phát hành thời kì này đều có mục dành cho phụ nữ, mà từ năm 1930 đến năm 1945, ở Việt Nam đã hình thành nên dòng báo chuyên biệt dành cho phụ nữ, của phụ nữ và vì phụ nữ. Vào thời kì phát triển 1930 -1935, ở cả ba kỳ đều xuất hiện báo phụ nữ. Sau đó có thể nói ở Việt Nam thời kì nào cũng có một tờ báo phụ nữ lưu hành, tờ này đình bản thì tờ khác ra đời.
     Nội dung của các tờ nữ báo phản ánh quá trình nhận thức của phụ nữ về vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ, phản ánh đời sống của các tầng lớp phụ nữ dưới chế độ thuộc địa, phản ánh phong trào phụ nữ tư sản... Đặc biệt, với tư cách là những tờ báo cho phụ nữ, của phụ nữ, và vì phụ nữ, các tờ nữ báo quan tâm tới những vấn đề thuộc tâm tư tình cảm của phụ nữ, cũng như việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng của thời đại. Các nhà báo nữ đã đưa được những vấn đề của phụ nữ lên một diễn đàn công khai để thảo luận, làm nên một diện mạo riêng, một sắc thái riêng cho những tờ báo nữ. Với các tờ nữ báo và các tác giả nữ, vấn đề phụ nữ được nhận diện một cách chân thực hơn, sâu sắc hơn và phản ánh được nguyện vọng cũng như tâm tư, tình cảm của phụ nữ chính xác hơn.
     Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ngay từ khi mới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ và quan tâm tới việc vận động phụ nữ tham gia vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng lãnh đạo. Đảng cộng sản cũng chủ trương sử dụng báo chí như một phương tiện hiệu quả để vận động, tổ chức và hướng dẫn phụ nữ trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc- tiền đề thực hiện nữ quyền và giải phóng phụ nữ.

Kết luận
      1.Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong xã hội Việt Nam đã hình thành “vấn đề phụ nữ”. Có thể nói đây là một vấn đề của lịch sử Việt Nam cận hiện đại, là vấn đề của cuộc vận động xã hội, vận động giải phóng dân tộc. Trong trào lưu vận động nữ quyền trên thế giới của những năm đầu thế kỷ XX, vấn đề phụ nữ ở Việt Nam không chỉ mang yếu tố nội tại mà còn là vấn đề mang tính thời đại. Từ những thay đổi trong nhận thức về vai trò và địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội, phụ nữ bắt đầu nhận thức về quyền lợi chính trị của họ. Họ lên tiếng đòi quyền được bầu cử và ứng cử, quyền có tiếng nói đại diện trong các cơ quan quyền lực và từ đó họ ý thức được sứ mệnh của họ trong việc cải tạo xã hội- Họ tham gia vào các cuộc đấu tranh cách mạng nhằm thay đổi xã hội đồng thời thay đổi thân phận của chính họ. Đó là quyền bình đẳng nam nữ.
      2. Trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, vấn đề phụ nữ được phản ánh trên nhiều lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật và nhanh chóng trở thành đối tượng phản ánh của báo chí.
      Từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX, trên báo chí đã xuất hiện vấn đề phụ nữ. Tuy nhiên, thời kì này, vấn đề phụ nữ được đề cập trên báo chí mới phản ánh nhận thức của một số trí thức Tây học và Nho học thức thời trước ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Họ quan tâm hơn tới việc cải thiện việc giáo dục cho phụ nữ, nâng cao dân trí và chuẩn mực đạo đức của xã hội trong khuôn khổ của phong trào vận động Duy tân và trong bối cảnh của sự hợp tác Việt- Pháp hay dung hoà văn hoá Đông-Tây. Quan niệm Nho giáo vẫn giữ vai trò nền tảng trong việc tiếp thu và truyền bá các tư tưởng mới. Những bài viết của họ có thể coi là sự dạo đầu cho các cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ, cũng như đặt cơ sở cho sự ra đời của tờ nữ báo đầu tiên - báo Nữ giới chung vào năm 1918. Báo Nữ giới chung với chủ bút báo là bà Sương Nguyệt Anh và đội ngũ tác giả nữ, đã mở đầu cho thời kì tự nhận thức của bản thân phụ nữ về những vấn đề của mình.
      Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, cùng với sự phát triển của báo chí, sự bùng nổ các “diễn đàn phụ nữ” trên các tờ báo, vấn đề phụ nữ trở thành mối quan tâm chung của xã hội. Đặc biệt từ năm 1930, sau sự ra đời của báo Phụ nữ tân văn năm 1929, sự phát triển của dòng báo phụ nữ với sự tham gia của các cây bút nữ, vấn đề phụ nữ trên báo chí đã trở thành sự tự nhận thức của phụ nữ về các vấn đề của mình cũng như trách nhiệm của họ đối với xã hội, đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của phụ nữ cũng như của xã hội về vai trò của phụ nữ, nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Cùng với sự phát triển của báo chí, mối liên hệ cộng đồng cũng như ý thức cộng đồng phát triển. Báo chí đã làm cho phụ nữ Việt Nam xích lại gần nhau hơn trong mối quan tâm chung về các vấn đề của giới mình.
       3. Dưới chế độ phong kiến, quan niệm “nam tôn, nữ ty”, “nam ngoại, nữ nội” đã kìm giữ phụ nữ trong gia đình. Mặc dù phụ nữ Việt Nam luôn được thừa nhận là có đóng góp quan trọng cho kinh tế gia đình và nền sản xuất xã hội, nhưng phụ nữ chưa bao giờ có tiếng nói trong đời sống chính trị của đất nước. Phụ nữ không được đi học, không được tham gia vào bộ máy quyền lực ở bất cứ cấp nào từ địa phương cho tới trung ương.
      Đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của tiếp xúc văn hoá Đông - Tây và sự ra đời của nền của báo chí tiếng Việt, lần đầu tiên phụ nữ được dành cho một diễn đàn của riêng mình. Nhưng ở thời điểm này, phụ nữ chưa sẵn sàng cho việc tham gia vào trường ngôn luận.
      Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, trên báo chí bắt đầu xuất hiện tiếng nói của tầng lớp phụ nữ trí thức trong xã hội. Cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ trên báo chí đã thúc đẩy xã hội quan tâm hơn tới phụ nữ. Mục Phụ nữ trên các tờ báo đã trở thành phương tiện giúp phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt. Sự phát triển của dòng báo phụ nữ- mà sự có mặt ngày càng đông của phụ nữ trong các vai trò từ chủ nhiệm báo đến chủ bút báo, đặc biệt là đội ngũ nữ phóng viên đã thể hiện sự trưởng thành của nữ giới trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, trong ý thức trách nhiệm đối với xã hội, đối với bản thân cũng như sự trưởng thành về mặt chính trị, về ý thức công dân của phụ nữ.
      4. Vấn đề phụ nữ trên báo chí kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trên Nông cổ mín đàm năm 1902 đến những vấn đề được đề cập trên báo chí trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước hết đã phản ánh ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng dân chủ trên thế giới về vấn đề phụ nữ. Đó là ảnh hưởng rất rõ nét của phong trào nữ quyền tư sản trên dòng báo chí hợp pháp. Những vấn đề phụ nữ trên báo chí hợp pháp và phong trào phụ nữ đô thị đã đi những bước đi của các nhà nữ quyền thế giới. Đó là những phụ nữ trí thức tổ chức ra báo, viết bài, diễn thuyết về vấn đề phụ nữ chức nghiệp, giáo dục phụ nữ, phụ nữ với thể thao, quyền bầu cử, ứng cử; tổ chức Hội chợ phụ nữ để khuếch trương công nghệ phụ nữ, tổ chức các hoạt động từ thiện...
     Là một nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, vấn đề phụ nữ trên báo chí ở Việt Nam còn tập trung vào việc vận động giải phóng phụ nữ: phê phán các nguyên tắc đạo đức Nho giáo, phê phán chế độ đại gia đình, các nguyên tắc tam tòng, quan niệm về trinh tiết... Báo chí đã có vai trò định hướng nhận thức của xã hội về các vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ; đề ra giải pháp cho vấn đề mãi dâm; thế nào là người phụ nữ lý tưởng?...
     Quá trình nhận thức vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên báo chí trước năm 1945 đi từ lĩnh vực kinh tế, xã hội sang lĩnh vực chính trị xã hội, gắn giải phóng phụ nữ với giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
     Cuộc thảo luận khẳng định vai trò của phụ nữ là tiền đề quan trọng hình thành nên nhận thức về trách nhiệm của phụ nữ đối với vận mệnh dân tộc, làm dấy lên phong trào phụ nữ giải phóng, giúp cho phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ của mình đối với gia đình và xã hội. Nhận thức này là sự chuẩn bị quan trọng cho phụ nữ dấn thân vào các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo sau này.
       5. Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã khẳng định giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, tiền đề quan trọng để giải phóng phụ nữ. Đảng cũng đề cao công tác vận động phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lao động và coi báo chí là cơ quan tuyên truyền giáo dục và tập hợp phụ nữ. Trong các tờ báo cách mạng, dù phát hành công khai hay bí mật, vấn đề phụ nữ luôn được quan tâm đúng mức với những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ.
       Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong các cuộc đấu tranh, các khẩu hiệu đòi quyền lợi cho phụ nữ luôn gắn liền với các khẩu hiệu đấu tranh cách mạng của quần chúng đã động viên được đông đảo phụ nữ tham gia đấu tranh trong cao trào 1930-1931. ảnh hưởng của cuộc vận động phụ nữ do Đảng lãnh đạo đã làm xuất hiện trên báo chí những bài viết về thực trạng đời sống và làm việc của hầu hết phụ nữ lao động Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng giữa khuynh hướng nữ quyền tư sản và nữ quyền mác xit.
     Thời kì vận động dân chủ 1936-1939, trên các tờ báo của Đảng, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vận động phụ nữ được phổ biến rộng rãi hơn. Qua sách báo, phụ nữ không chỉ nhận thức rõ về vấn đề giải phóng phụ nữ theo quan điểm mác xít, mà còn được giác ngộ về đấu tranh giai cấp. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ công khai bàn về quyền lợi chính trị của mình, cũng như tham gia một cách có tổ chức và hiệu quả vào cuộc đấu tranh của dân tộc, đòi quyền lợi về kinh tế, văn hoá, đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi chính trị...
      Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, báo chí cách mạng đã có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đấu tranh chống chiến tranh, hướng dẫn quần chúng phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng, động viên phụ nữ tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
     Cách mạng tháng Tám thắng lợi là một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 khẳng định: “Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực” là một thắng lợi quan trọng của phụ nữ trên con đường đấu tranh vì quyền con người và quyền phụ nữ, là kết quả của cuộc đấu tranh gần nửa thế kỷ của phụ nữ Việt Nam. Trong thành tựu hết sức vẻ vang này báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tạp chí Đông Nam Á số 3+4 năm 2008 có bài của Hương Phố/ GS Sử học Đinh Xuân Lâm giới thiệu về công trình đã đánh giá:
" 1. Vấn đề vai trò của phụ nữ có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam, xét cả về mặt dựng nước và giữ nước xuyên qua các thời kỳ lịch sử.
Dưới thời kỳ thống trị của thực dân Pháp, vấn đề phụ nữ càng trở nên cấp bách, mang tính thời đại gắn liền với giải phóng dân tộc. Giải quyết tốt đề tài này sẽ góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ một số vấn đề của lịch sử Việt Nam thời kỳ này, như quyền lợi và vai trò cùng vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thuộc địa, sự trưởng thành của người phụ Việt Nam dưới ảnh hưởng của tiếp xúc văn hóa phương Tây và du nhập những tư tưởng dân chủ tư sản để tiến tới sự tự nhận thức về vai trò và vị trí của mình trong xã hội, thông qua một hoạt động tiêu biểu và sôi nổi là hoạt động báo chí. Từ những hiểu biết đó sẽ dẫn tới một nhận thức về yêu cầu quan trọng của công tác phụ nữ hiện nay, trong công tác này có vai trò lãnh dạo của Đảng là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát triển về các mặt một cách mạnh mẽ toàn diện để cùng góp phần tích cực vào công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Do đó nghiên cứu về phụ nữ trên báo chí như đề tài luận án xác định không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giái trị về mặt thực tiễn góp phần đẩy mạnh tiến trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam
2. Tác giả Luận án đã khai thác một nguồn tư liệu gốc rất phong phú- gồm các bài đăng trên 100 tờ báo tiếng Việt- một công phu sưu tập trước đây chưa ai thực hiện được, có sự kết hợp cần thiết với nghiên cứu các sách lý luận của chủ nghĩa Mac- Lenin về vấn đề phụ nữ, các sách chuyên khảo về lý thuyết nữ quyền..., có liên hệ tham khảo cả một số tác phẩm văn học đương thời, trên cơ sở đó đã hoàn thành được một công trình tổng kết vấn đề một cách toàn diện, tương đối hoàn chỉnh.
Độ tin cậy và tính hiện đại của phương pháp nghiên cứu vận dụng trong triển khai và hoàn thành luận án cũng cần được khẳng định. Đó là sự kết hợp khá chặt chẽ việc vận dụng các phương pháp phân tích mô tả và so sánh các loại hình thông tin trên báo chí để rút ra những quan điểm phản ánh nội dung vấn đề- đó là công việc rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi tác giả có sự thận trọng và tỉnh táo cần thiết- với các phương pháp lịch sử trong mối quan hệ lịch đại và đồng đại của các sự kiện, với phương pháp thống kê để qua đó nhận rõ khuynh hướng tư tưởng của tờ báo trong từng thời kỳ lịch sử trước khi đi tới một nhận định đánh giá sát hợp.
3. Với các ưu điểm trên, luận án của Đặng Thị Vân Chi đã làm rõ quá trình hình thành, cũng như thực chất của vấn đề phụ nữ trong xã hội Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp trước cách mạng tháng Tám năm 1945, những thay đổi của xã hội Việt Nam trong đời sống gia đình, sinh hoạt văn hóa ngoài đời dưới ảnh hưởng của chính sách cai trị của Pháp và của tiếp xúc văn hóa Đông -Tây; quan trọng hơn mà cũng lý thú hơn là đã vạch được quá trình nhận thức của phụ nữ nói riêng riêng và của xã hội nói chung về vai trò, địa vị của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. một quá trình từ thấp đến cao về những khái niệm dân chủ tư sản về nữ quyền và giải phóng phụ nữ; cũng là lần đầu tiên giới thiệu cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng nữ quyền mac xít với khuynh hướng nữ quyền tư sản, từ đó làm rõ vai trò của Đảng cộng sản Đông Dương trong cuộc vận động phụ nữ tham gia cách mạng giải phóng dân tộc vì hạnh phúc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam , từ đó trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng phụ nữ đi vào công tác xã hội và đời sống, đóng góp cho sự nghiêp cách mạng trước mắt, thông qua đó vai trò của báo chí trong cuộc vận động phụ nói riêng, trong vận động cách mạng nói chung đã được làm rõ. Luận án này đã góp thêm một nguồn sử liệu phong phú, một nguồn sử liệu sống động cực kì quý cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn."
(Tr 15)

Ghi chú: Ai có nhu cầu đọc toàn văn, có thể mua sách ở hiệu sách trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tầng 1 nhà H ( 8 tầng), 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, hoặc liên hệ qua email: vanchi.dang106@gmail.com. Xin cám ơn. 

26 nhận xét:

  1. Cô Chi ơi! Hiện nay em cũng đang tìm hiểu về vấn đề nữ quyền trong văn hóa Việt Nam. Em muốn tìm mua cuốn sách này của cô nhưng không biết bán ở đâu. Cô có thể cho con địa chỉ nhà sách (ở Sài Gòn) hoặc cách thức mua được cuốn sách này không ạ. Em xin cảm ơn cô!

    Trả lờiXóa
  2. Em có thể đến Bảo tàng Thành phố ( Trước là Bảo tàng cách mạng, gần Thư Viện Khoa học) Hồ Chí Minh, tìm cô Nguyễn Trường An, trưởng phòng sưu tầm và trưng bày để hỏi. Nếu không còn thì em có thể nhờ bạn ở Hà Nội đến Đại học KHXH & NV để mua vậy. Cám ơn em đã quan tâm:)

    Trả lờiXóa
  3. Hoặc em có thể liên hệ với cô qua Mail.

    Trả lờiXóa
  4. Dạ, em xin cảm ơn cô. Em đọc mấy bài nghiên cứu của cô về vấn đề phụ nữ thấy công phu và ngưỡng mộ cô quá. Em cũng đang làm về vấn đề nữ quyền nhưng dưới góc độ văn hóa - ôm đề tài cả năm trời đến ám ảnh luôn. Nhưng nhờ những bài viết của cô mà em biết giữ mình không đi...trật đường ray, hihi. Một lần nữa em xin cảm ơn cô ạ!

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn em, cô thấy rất vui vì đã quyết định đúng khi lập blog này để chia sẻ với các bạn kết quả nghiên cứu của mình.:)

    Trả lờiXóa
  6. Tin mới nhận: Sách ở thành phố Hồ Chí Minh đã hết lâu rồi, bạn nào cần chắc phải gửi mua ở Hà Nội thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Em cảm ơn cô đã gửi tin mới này, dù đến giờ em mới vào đọc được. Ở Hà Nội thì mình mua ở đâu được hả cô? Cô có thể cho em xin địa chỉ cụ thể được không ạ? Em xin cảm ơn cô!

    Trả lờiXóa
  8. Ở Hà Nội thì em đến hiệu sách nhỏ ( dưới sảnh của thư viện tại tầng một nhà E ( nhà 8 tầng) trong khuôn viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, 336 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Đường Nguyễn Trãi là đường từ Ngã tư sở vào Hà Đông.

    Trả lờiXóa
  9. Em chào cô! Hiện em đang là học viên cao học Lịch sử Việt Nam tại trường KHXH&NV khóa 2010. Em đang chọn đề tài luận văn. Hướng đi của em là nghiên cứu về các trí thức Phật học! Tuy nhiên, trong quá trình đọc tài liệu, được tìm hiểu một số nghiên cứu của cô, em quyết định chọn "Vấn đề nữ quyền trên báo chí Phật giáo đầu thế kỷ XX". Cô có thể cho em một vài nhận xét về đề tài này không? Vì đây mới chỉ là ý nghĩ chủ quan của cá nhân em, không biết với vấn đề, giới hạn như vậy có thể làm luận văn Thạc sỹ được không ạ? Em cảm ơn cô rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  10. Em cảm ơn cô. Hiện em đang ở Sài Gòn nên đành nhờ bạn ở Hà Nội mua dùm. Một lần nữa em cảm ơn cô! Chúc cô nhiều sức khỏe và hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  11. Bích Liên: Theo cô đề tài này hay, rõ ràng và khoa học. Tuy nhiên, em nên có khung thời gian cụ thể. Cô cũng đã đọc một số báo chí tôn giáo,( Thiên chúa giáo và Phật giáo) họ cũng đề cập đến vấn đề phụ, sẽ đủ tư liệu để em triển khai và hoàn thành luận văn.
    Sẻ: Cám ơn em, chúc em thành công.

    Trả lờiXóa
  12. Em cảm ơn cô!Em sẽ suy nghĩ thêm về khung thời gian cụ thể. Em rất mong sẽ báo được tin vui cho cô một ngày sớm nhất khi bảo vệ đề cương. Nếu có thể, cô xem qua đề cương cho em được không ạ?
    Em tốt nghiệp ĐH SPHN nên cũng không biết rõ sự quan tâm của các thầy cô trong khoa, trong trường. Cô có thể tư vấn cho em có thể nhờ thầy cô nào hướng dẫn được không ạ? Em vẫn chưa biết nhờ ai cả!
    Em mong nhận được hồi âm của cô! Em cảm ơn cô!

    Trả lờiXóa
  13. Em cứ gửi đề cương cho cô. Còn giáo viên hướng dẫn thì khoa Sử cũng có nhiều thầy cô mà em. Về nguyên tắc thì các thầy cô có bằng TS là đủ điều kiện hướng dẫn thạc sỹ rồi.

    Trả lờiXóa
  14. Em chào cô! Em có chút việc riêng nên chưa vào để trả lời cô ạ! Em đang hoàn thành đề cương, tuy nhiên nguồn tài liệu của em còn khá hạn chế cô ạ! Em có khai thác tại TVQG, TV KHXHNV nhưng nhìn chung là chưa có nhiều. Em may mắn là tìm mua được cuốn sách của cô làm định hướng nên quan trọng cuối cùng là tìm được tài liệu! Cô có thể cho em gợi ý về nguồn tài liệu không ạ?

    Trả lờiXóa
  15. Cô có một số bài về quan niệm của Phật giáo đối với phụ nữ, báo chí Phật giáo viết cũng không ít. Nhưng theo cô nhiều ít không quan trọng , mà quan trọng là thao tác khảo sát tư liệu. Tư liệu đến đâu nhận xét và trình bày đến đây. Khảo sát nghiêm túc, nhận xét khách quan và trình bày khoa học là đóng góp rồi. Mình phải đặt vấn đề, đây là giai đoạn lịch sử có phong trào Chấn hưng Phật giáo, sách báo Phật giáo xuất bản rất nhiều, cũng đồng thời là thời kỳ phong trào nữ quyền phát triển có ảnh hưởng tới xã hội và báo chí VN. Đặt trong khung cảnh ấy để khảo sát báo chí Phật giáo với vấn đề nữ quyền thì dù ít hay nhiều tư liệu đều có thể đưa tới những đóng góp về mặt nhận thức. Em đã đọc nhiều báo chí Phật giáo trh[ì kỳ này chưa?

    Trả lờiXóa
  16. Chào cô, em tên Quyên, em hiện đang học khoa Đông Phương ngành Hàn Quốc học ở Seoul. Em rất vui được gặp cô. Hiện em đang viết đề tài luận văn thạc sĩ về ảnh hưởng của nền giáo dục lên sự hình thành "Phụ nữ mới" ở xã hội Hàn Quốc và Việt Nam thời kỳ cận đại. Về nguồn tài liệu Hàn Quốc thì em có nhiều nhưng về tài liệu bên Việt Nam thì em có rất hạn chế! Em có đọc một số bài cô viết về vấn đề phụ nữ trong xã hội Việt Nam và em rất thích. Em xin hỏi cô là nếu tìm tài liệu về đề tài này thì em nên tìm ở nguồn nào đáng tin cậy ạ? Em cảm ơn cô rất nhiều! Em đi vòng vòng trên mạng để tìm hiểu về đề tài này ở Việt Nam và em rất vui khi vào đọc blog của cô!!! ^^ Mừng quá đi mất!!!
    Em mong nhận được hồi âm từ cô~~~

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn em đã để lại nhận xét. Đề tài của em rất hay và cũng là vấn đề cô quan tâm mà cô chưa có điều kiện tìm hiểu. Khi nào em hoàn thành công trình nghiên cứu của mình, cô rất muốn được em chia sẻ những kết quả nghiên cứu của em.
    Em hỏi cô về nguồn tài liệu nào đáng tin cậy? Theo cô, tài liệu đáng tin cậy nhất là nguồn tài liệu gốc do chính bản thân người nghiên cứu khảo sát.Em có thể sử dụng qua nghiên cứu của người khác, nhưng khi đó thì nó đã ít tin cậy hơn nhiều vì các tài liệu đó đã được nhận thức qua lăng kính của người khác và tùy theo đề tài của họ mà các tư liệu được sử dụng chọn lựa phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của họ, do đó, có thể họ đã bỏ qua những tư liệu mà em cần.
    Về đề tài của em, em có thể khai thác từ tư liệu báo chí thời kỳ đó, qua hồi ký của những người phụ nữ tiêu biểu, qua các tác phẩm văn học và qua những hoạt động của họ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong các bài viết của cô, đây đó, chỗ này, chỗ khác, cô cũng đã đề cập đến vấn đề này, nhưng còn sơ lược. Hi vọng nó có thể gợi ý cho em ít nhiều. Chúc em thành công.

    Trả lờiXóa
  18. Xin chào người bà con họ Đặng. Tác phẩm của chị thật tuyệt vời cho dù tôi mới chỉ được đọc qua bản tóm tắt. Nếu có được một bản để nghiền ngẫm thì thật thú vị. Tôi sẽ cố gắng nhờ mua.

    Trả lờiXóa
  19. Cám ơn anh Tiến Đặng. Vâng hi vọng nghiên cứu của tôi giúp anh một cách tiếp cận khác về phụ nữ.:)

    Trả lờiXóa
  20. em thưa cô, em là Khánh Chi, hiện em đang là sinh viên trường đại học sư phạm Hà Nội. em muốn nghiên cứu về nữ quyền trong "nữ giới chung" mà tìm khắp các thư viện ở HN không đâu có bản chụp hoặc bản chính xác những bài viết có trong tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam "Nữ giới chung", các thầy giáo em bảo rẳng bà Suơng Nguyệt Anh chỉ có tầm ảnh hưởng khu vực miền Nam, may ra vào trong đó mới có tài liệu, mà điều kiện sinh viên nghiên cứu khoa học không cho phép như vậy ạ. Em tìm kiếm thông tin trên mạng thấy cô là người có những nghiên cứu sâu sắc nhất về vấn đề nữ quyền từ trước đến nay, nên muốn hỏi cô có bản chụp hay bản sao chép nào liên quan đến tờ báo cổ này không ạ? Nếu cô giáo có thì cô chia sẻ cho em với ạ, em rất mong muốn được nghiên cứu về tờ báo này cũng như vấn đề nữ quyền được thể hiện ra sao trong tờ báo?!
    Em cám ơn cô ạ!
    Mong cô giáo hồi đáp ạ!!!

    Trả lờiXóa
  21. 1. Ở Việt Nam có một bản chụp microfilm tờ báo Nữ giới chung do Pháp gửi tặng. Em có thể tìm đọc ở Thư viện quốc gia
    2. Cách đây gần chục năm đã có một luận văn thạc sĩ sử học làm về tờ báo này rồi. Em có thể tìm đọc tại thư viện của trường ĐHKHXH&NV em nhé!

    Trả lờiXóa
  22. em chào cô, em là sinh viên trường Nhân văn, em đang làm luận án có liên quan tới vấn đề quan niệm về "Cô gái mới" và hình tượng về một người phụ nữ lý tưởng dưới sự ảnh hưởng của phong trào Nữ quyền trước thế kỉ XX. Ngoài nguồn tư liệu là báo chí, không biết em có thể tìm thêm tài liệu khác ở đâu được ạ? Đọc các bài nghiên cứu của cô, em thấy ngưỡng mộ quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo cô, ngoài nguồn tư liệu báo chí, em có thể tham khảo thêm các cuốn hồi ký, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn cũng như các tác phẩm văn học khác xuất bản trong giai đoạn này.

      Xóa
  23. Báo phụ nữ trong giai đoạn này chắc không được nhắc tới nhiều. Cô có tài liệu nào nữa không share em với ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. em xem thêm ở đây nhé!
      http://chuyencuachi.blogspot.com/2010/06/dong-bao-phu-nu-truoc-cach-mang-thang.html

      Xóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...