Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Nguyễn Ái Quốc và vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX.

Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng ở tạp chí Khoa học về Phụ nữ số 2 năm 2006 ( từ tr20 đến tr27)
Đầu thế kỷ XX, dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi, đặc biệt là đời sống xã hội của phụ nữ. Một vấn đề được xã hội quan tâm thảo luận trong thời gian này là đánh giá vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũng như vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Cuộc thảo luận này đã làm hình thành vấn đề phụ nữ trên báo chí công khai và thu hút sự quan tâm của nhiều người có tên tuổi trong giới trí thức việt Nam. Bài viết này tập trung tìm hiểu quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ qua một số tờ báo xuất bản ở nước ngoài như Người cùng khổ ( Le Paria) Thanh niên ( xuất bản ở Quảng Châu năm 1925-1930), Thân Ái ( xuất bản ở Thái Lan năm 1928) và một số báo khác. Mặc dù số báo còn lưu giữ được của những tờ báo này không nhiều, nhưng cũng đã cho thấy quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ. Đó là vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lao động; khẳng định vai trò của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong đấu tranh giải phóng giai cấp và đấu tranh giải phóng chính mình.


Đầu thế kỷ XX, phụ nữ trở thành một lực lượng lao động quan trọng trong nền kinh tế thuộc địa. Năm 1912, nữ công nhân chiếm 45%. Họ có mặt trong các nhà máy, như nhà máy dệt Nam Định, năm 1937 có 10.000 công nhân nữ chiếm 71%; trong các hầm mỏ, như mỏ than Hồng Gai, năm 1940, nữ công nhân chiếm 20,2% ( Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, tr171), và trong các đồn điền ... Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ được đến trường, nhiều người trở thành giáo viên, nhà báo, nhà thơ... Thực trạng đời sống của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa cùng với ảnh hưởng của phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới đã được phản ánh thông qua các cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ trên báo chí công khai ở Việt Nam. Cùng với sự hình thành một dòng báo chuyên biệt dành cho phụ nữ trên khắp cả nước như Nữ Giới chung (1918 ở Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (1929-1935 ở Sài Gòn), Phụ nữ Tân tiến ( 1032-1934 ở Huế), Phụ nữ thời đàm (1930-1934 ở Hà Nội), Đàn bà mới (1934-1937 ở Sài Gòn), Tân nữ lưu (1935-1936 ở Hà Nội), Việt nữ (1937, Hà Nội), Phụ nữ (1938-1939 ở Hà Nội), Đàn bà ( 1939-1945 ở Hà Nội), Bạn gái ( 1941 ở Hà Nội ); các báo lớn như Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Đông Pháp, An Nam tạp chí, Trung Bắc tân văn, Tiếng dân... cũng đều có nhiều bài thảo luận về vấn đề phụ nữ. Nội dung của các cuộc thảo luận đều tập trung vào các vấn đề như: Vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ... Nhiều trí thức có tên tuổi thời kì này đã tham gia các cuộc thảo luận như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Bùi Quang Chiêu... ( Đặng Thị Vân Chi, 1997, tr26-33). Tuy nhiên ngoài Phan Bội Châu là người duy nhất đặt vấn đề vận động phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ( Đặng Thị Vân Chi, 1998, tr303-317) thì hầu như các tác giả khác không ai đề cập đến vai trò của của phụ nữ trong cuộc đấu tranh này, cũng như không ai vạch ra được như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là: Muốn giải phóng phụ nữ thực sự, muốn đem lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ, trước hết phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ở phần viết sau, chúng tôi trình bày quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc về vấn đề phụ nữ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam qua một số bài báo của Người được đăng tải trên các báo nước ngoài.
1.Tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân ở các nước thuộc địa, đặc biệt là thực trạng đời sống của phụ nữ lao động
Năm 1917, sau một thời gian đi khắp thế giới với mong muốn tìm đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Pháp và nhanh chóng tham gia vào các hoạt động của đảng Xã hội Pháp. Năm 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp, Người đã dần dần ý thức được vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận là yêu cầu bức thiết của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy năm 1919, tại hội nghị Versailles, Người đã thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đưa bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam gồm tám điểm: đòi tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam mà nội dung quan trọng là quyền tự do báo chí , tự do ngôn luận. Năm 1920, Người được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo ( L'Humanite')- cơ quan Trung ương của Đảng xã hội Pháp. Bản Luận cương của Lê-nin đã mở ra một giai đoạn nhận thức mới trong quá trình đi tìm đường cứu nước của Người. Tháng 12/1920, tại Đại hội Tua (Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp), Người biểu quyết tán thành việc thành lập Đảng cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp, đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Năm 1923, Người rời nước Pháp sang Nga dự Đại hội quốc tế nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội 5 Quốc tế cộng sản. Có thể nói, năm 1924 đã chấm dứt chặng đường đầy gian khổ của Nguyễn Ái Quốc. Từ một người yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một người Xã hội chủ nghĩa và những tư tưởng chính trị mà Người tiếp thu được và tích cực truyền bá vào Việt Nam đã là sự chuẩn bị tích cực đầu tiên rất cơ bản cho sự hình thành khuynh hướng cộng sản ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới I.
Trong thời gian ở Pháp từ 1919-1923, Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí cách mạng, một phương tiện tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình. Và cũng ngay trong thời gian này Người thể hiện rõ quan điểm của mình đối với vấn đề phụ nữ.
Trên tờ báo Người cùng khổ (Le Paria)- cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa - Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài báo với mục đích tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đồng thời vạch rõ tình cảnh bị áp bức, bị bóc lột và đàn áp thậm tệ của nhân dân các nước thuộc địa. Những nỗi khổ nhục do chủ nghĩa thực dân gây ra đến với tất cả mọi người dân thuộc địa nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng ở các nước thuộc địa phụ nữ chính là những người bị bóc lột tàn bạo và áp bức dã man nhất. Nguyễn Ái Quốc viết về những người phụ nữ ở Tây Phi, những “cụ già ngã xuống ngất đi vì đói lả” những “em gái vì bị khủng bố bằng những hành vi tàn ác đó nên đã bật hành kinh tuy chưa đến tuổi” những “người đàn bà bị truỵ thai con chết ngay khi sinh” [Nguyễn Ái Quốc, 1960, tr12] và về những người phụ nữ ở tất cả các nước thuộc địa. Nhưng trên tất cả là những bài viết về tình cảnh của những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là về những người phụ nữ cùng khổ chiếm số đông trong dân chúng Việt Nam. Đây chính là điểm khác căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc với những nhà báo đang được chính quyền thực dân Pháp cho phép hành nghề chính thức tại Việt Nam [Đặng Thị Vân Chi, 1997].
Trong bài Những kẻ đi khai hoá [Le Paria-1.7.1922] và bài Phụ nữ Việt Nam và chế độ thực dân Pháp [Le Paria-1.8.1922] Nguyễn Ái Quốc đã cho người đọc thấy một bức tranh chân thực về tình cảnh của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ lao động nghèo khổ làm nghề gánh muối có thể bị giết chêt, bị đánh đập dã man không cần bất kỳ lí do nào hoặc chỉ là những lí do rất nhỏ như làm mất giấc ngủ của một viên nhà Đoan hay vì dám bày tỏ sự bất công của mình vói chủ. Đó là việc những người phụ nữ bất kể bà già, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú đều có thể bị hãm hiếp và và tra tấn một cách man rợ mà không một người có lương tri nào có thể hình dung nổi. Ví dụ như trên Le Libertaire ngày 7-14 tháng 10/1921, Người viết: "một tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam hiến thân cho chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng" [ Hồ Chí Minh toàn tập, T1, tr 54].
Trong khi các báo trong nước đăng những bài báo như:" Có mua hột xoàn ( kim cương) lúc này" [Phụ nữ tân văn ngày 5/11/1931), " Cái hại ăn dưng ngồi rồi của chị em", Phụ nữ không nên phó mặc việc nhà cho những người giúp việc", " Phụ nữ đánh bài giờ"...thì những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trong thời kì này đã cho thấy một bức tranh khác hẳn về tình trạng chung của phần lớn phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. Đó là tình trạng phụ nữ bị bóc lột, bị áp bức và chà đạp nhân phẩm. Và nguyên nhân của tất cả tình trạng này đó là chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.
2. Những tư tưởng cơ bản về vai trò của phụ nữ và đường lối vận động phụ nữ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người đã nghiên cứu và tìm cách cải tổ Tâm tâm xã thành một tổ chức cách mạng có tên là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (HVNCMTN). Để tuyên truyền và đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của HVNCMTN. Theo luận án tiến sĩ của Huỳnh Kim Khánh thì trong thời gian khoảng gần 5 năm báo Thanh niên ra tất cả 208 số [Nguyễn Thành. 1984, tr58-59]. Trong 88 số đầu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tự tay soạn thảo bài vở và sửa chữa. Nội dung chính của báo là tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chống chủ nghĩa thực dân, giới thiệu cách mạng các nước và đặt vấn đề về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam, nêu lên sự cần thiết thành lập một chính đảng cộng sản cũng như vạch rõ con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn này báo Thanh niên cùng với một số báo khác và cuốn Đường Kach Mạng là những tài liệu quan trọng được sử dụng trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu. Các tờ báo này cũng được chuyển về Việt Nam góp phần vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin ở trong nước.
Mặc dù đến nay chỉ có 10 số báo Thanh niên (từ số 63 đến số 73) còn khá nguyên vẹn, nhưng qua 10 số này và một số bài về phụ nữ được giới thiệu trong Hồ chí Minh toàn tập, người đọc vẫn có thể hình dung ra nội dung, mục đích và bút pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trong các số báo Thanh niên Người đã dành hẳn một mục là Phụ nữ đàn để tuyên truyền, giáo dục và vận động phụ nữ. Người vạch rõ tình trạng áp bức, coi thường phụ nữ trong xã hội cũ. Báo số 40 ra ngày 4/4/1926 đã đăng bài lên án sự đối xử bất công đối với phụ nữ thời trước điểm từ Khổng Tử: phụ nữ lấy chồng phải theo chồng: đến Mạnh Tử: Phụ nữ và trẻ em bị coi là khó giáo dục. Người Trung Quốc so sánh phụ nữ với con gà mái, nếu gà mái gáy sáng là điềm gở cho cả nhà. Còn người Việt Nam nói: đàn bà chỉ ngồi xó bếp [Hồ Chí Minh toàn tập, t1].
Nguyễn Ái Quốc cũng vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt là đối với phụ nữ trong nhiều bài viết khác. Báo Thanh niên số 67 ngày 31/10/1926 đăng tin “Tháng 6 vừa rồi, thằng Tây thương chánh ở Nghệ An nghi một người đàn bà An Nam ăn cắp muối, mà nó trói người đó vào đuôi ngựa, đập ngựa chạy. Người ấy đương có thai, bị ngựa kéo rồi truỵ thai mà chết ngất đi. Sau kiện đến toà án, thì toà lại xử cho thằng Tây thương chánh được kiện mà người đàn bà thua.” Qua sự kiện trên Người đã không chỉ nêu lên cho người đọc thấy phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của Pháp bị áp bức dã man mà còn vạch rõ sự bất công- không có công lý dưới chế độ thuộc địa. Người chỉ ra rằng nếu nước nhà được độc lập thì nhân dân mới được tự do,trong đó có cả phụ nữ : "... đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do“ [ báo Thanh niên số 13- trích theo Hồ Chí Minh toàn tập, T2, tr443] Đồng thời, Người cũng phân tích rằng: "là người tự do, người ta làm có thì, nghỉ có tiết... người ta có thì giờ mà học cho thành tài đức, có thì giờ mà tập cho mạnh chân tay” và cũng chỉ ra thực tại là :“ mắt chỉ thấy những điều thống khổ, tai chỉ nghe những tiếng bi ai. Đồng bào nước mắt bồ hôi, mình giàu chung đỉnh ăn ngồi sao yên".” [TN số 64 -10.10.1926].
Từ đó Người cổ vũ phụ nữ tham gia làm cách mạng, giành độc lập cho dân tộc. Đất nước có được độc lập, nhân dân có được tự do thì phụ nữ mới có cơ hội được giải phóng, được bình đẳng. "Vậy cho nên chị em ta trước hết lòng giúp với các đồng chí đàn ông làm cách mạng. Bao giờ cách mạng thành công rồi sẽ muốn gì thì muốn " [TN số 64 -10.10.1926] . Và " Vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng" [TN số 13]
Trong số báo khác, sau khi giới thiệu người anh hùng Trưng Trắc, Người kêu gọi phụ nữ đoàn kết lại: “ Can đảm thay! phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc hú vía! Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà con gái còn biết cách mạng. Huống chi bây giờ hai chữ nữ quyền đã rầm rầm khắp thế giới chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được. Chị em ơi, mau mau đoàn kết lại” [TN-12.12.1926].

Cũng trong mục Phụ nữ đàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lần lượt giới thiệu phong trào phụ nữ các nước Anh, Nga, Pháp , Trung Quốc... Khi giới thiệu phụ nữ Nga có tới “hàng trăm nghìn làm nghị viên” Người viết “đàn bà các nước oanh liệt như thế vì người ta có học vấn, có tư tưởng và được tự do.

Sao đàn bà nước Nga giỏi như thế? 

Vì nước Nga cách mạng thành công rồi.
Sao đàn bà ta không được học vấn tư tưởng?
Vì không được tự do.
Sao mà không được tự do?
Vì nước ta bị Pháp cướp
Nay muốn có tư tưởng, học vấn được tự do thì nhất định trước phải cách mạng. Nếu chưa cách mạng cho được cả nước, thì mình cũng phải gắng mà cách mạng tự mình nghĩa là bỏ phần nết xẩu, học thêm thói tốt vào.” [TN-3.10.1926].

Viết giới thiệu về phụ nữ Anh, Người lại nêu gương những người phụ nữ là Đảng viên Đảng Lao động Anh đã giúp đỡ những người thợ mỏ than bãi công đấu tranh với bọn tư bản.
Viết về phong trào phụ nữ Trung Quốc, Người đã trình bày lich sử phát triển của phong trào phụ nữ, những điểm tiến bộ đồng thời những khiếm khuyết của từng thời kì, qua đó Người đã thể hiện một cách gián tiếp quan điểm của mình đối với phong trào phụ nữ. Đó là phong trào phụ nữ cần phải xác định rõ kẻ thù của cách mạng, của phụ nữ chính là chủ nghĩa đế quốc(“ địch nhân là đế quốc chủ nghĩa”). Phụ nữ phải được tổ chức chặt chẽ và nòng cốt phải là phụ nữ lao động(“ chủ lực là ở dân chúng” [TN-21.11.1926]“chú trọng về việc tổ chức công nông phụ nữ”, “thống nhất tổ chức lại, khoách trương sự tổ chức phụ nữ công nông ra, và ủng hộ quyền lợi cho bọn lao động” [TN-5.12.1926]. Phải thấy rõ mối quan hệ giữa phong trào phụ nữ với phong trào cách mạng của dân tộc. “Nếu cho nam nữ được bình quyền thì là phải cho phụ nữ tham chính mới được”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý người tham gia cách mạng phải có mục đích rõ ràng, lâu dài, phải có “nhãn quan làm việc” , không nên thấy người ta tham chính thì mình cũng đòi tham chính mà không có mục tiêu cụ thể.[TN-28.11.1926]...Người cũng chỉ ra rằng muốn có hạnh phúc “Chữ tự do bình đẳng có phải dễ đâu”[TN-5.12.1926] Vì “quyền lợi tương đương thì phải giả thêm một cái giá tương đương, nếu không gia sức vào mà muốn giành lấy mà cứ xin thì ai cho” [TN-28.11.1926].
Năm 1928 Người hoạt động ở Thái Lan, tại đây Người đã ra báo Thân ái để tuyên truyền tư tưởng Mac Lê nin và vận động cách mạng trong kiều bào ở Thái Lan. Các tờ báo này cũng được bí mật đưa về Việt Nam. Trong báo Thân ái Người vẫn luôn giành riêng một mục là Phụ nữ đàn để tuyên truyền và vận động phụ nữ. Trong mục này người thường dùng hình thức những bức thư hỏi và trả lời để giải đáp các vấn đề về cách mạng, về giải phóng phụ nữ và kích động lòng tự tôn dân tộc, kêu gọi phụ nữ tham gia cách mạng.

Tại số 4 báo Thân ái, ngày 15.1.1928, Người đã khéo léo phân tích về thực trạng của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến , cũng như nêu lên vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội bằng hình thưc trả lời bức thư hỏi về quan niệm tứ đức. Người viêt: “muốn biết “tứ đức” có phải là bó buộc không thì phải nghiên cứu mấy điều sau này:

1. Đã là 1 người trong xã hội thì không phân trai gái đều có cái chức trách phải lo gánh vác công việc trong xã hội. Chúng ta đã là một phần tử của xã hội thì xã hội thịnh hay suy chị em ta cũng phải gánh một phần trách nhiệm, nếu không thì thiệt vô ích cho xã hội, có ta cũng như không..

2. Thế mà nguyên tắc tứ đức thì chỉ dạy cho đàn bà đủ biết bổn phận làm vợ. Làm mẹ. Suốt đời chỉ quanh quẩn trong buồng, trong bếp, việc xã hội, nước nhà không ai thèm kể đến. Chẳng những thế mà thôi sau lưng cái lễ giáo ấy lại còn một thứ pháp luật dã man kiềm chế nữa. Cảnh tình như thế có phải là bắt buộc không? Có đáng bất bình không?
Than ôi chúng ta sinh vào buổi 5 châu liền xóm bốn bể một nhà, phong trào nữ quyền vận động bồng bồng bột bột mãi mà chị em ta vẫn chìm đắm trong vòng gia đình áp bức, nghĩ mà đau đớn thay!


Trong báo Thân Ái số 38 người nêu tình cảnh của vua Duy Tân vì phản đối Pháp mà bị Pháp bắt đi đày ở Châu Phi phải đi kéo đàn thuê ở hiệu ăn để kiếm sống. Và Người bình luận: “Chị thử nghị xem: Sang chi bằng làm vua, giàu chi bằng có cả nước, thế mà lâm vào cảnh mất nước mất quyền còn cực như thế!

Trông người lại ngẫm đến ta! Vua chúa còn chẳng ra chi huống chị em chúng mình”. Trong giai đoạn này có nhiều người bị tuyên truyền rằng tham gia cách mạng là phải đem tài sản riêng đóng góp thành của chung, do vậy, một số người có nhà cao cửa rộng, chồng giỏi con khôn thì ngần ngại, chần chừ chưa muốn tham gí phong trào Hiểu được tâm lý đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết “cách mạng thành công thực hành cộng sản thì rồi có 3 gian nhà gỗ mấy sào ruộng sâu, dăm ổ gà tơ, vài con lợn nái sẽ bị người ta “công” đi mất chăng. Như thế là lầm” . Và người kêu gọi “Non sông gấm vóc, biển bạc rừng tiền, chức trọng quyền cao, ngai vàng kiệu ngọc như ai kia mà bị mất nước cũng chỉ phận hai bàn tay trắng như mình thì chắc chi, tiếc chi nữa mà không hi sinh phấn đấu”.

3. Kết luận
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng Nguyễn Ái Quốc khác hẳn với các tác giả trên báo chí công khai ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Người đã thể hiện một quan điểm mới trong việc nhìn nhận vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đó là quan điểm mới trong việc nhận thức vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đó là quan điểm hướng tới phụ nữ lao động và gắn vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Hơn thế nữa, Người đã bước đầu vạch ra những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm vận động phụ nữ và tổ chức phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.- đó là những tiền đề quan trọng để thực hiện nữ quyền và giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ đã trở thành những luận điểm cơ bản về giải phóng phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Chú thích:
1.Hiện nay báo Thân ái chỉ còn một số tờ lưu giữ được trong Bảo tàng cách mạng Việt nam. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và báo chí thì báo Thân Ái cũng là tờ báo do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp làm. Dấu ấn của Người thể hiện rõ nét nhất là việc dùng chữ K thay cho chữ C ( Ví dụ như từ Kách mạng, có viết là Kó... chữ z thay cho chữ D, Gi trong văn bản... Đặc biệt là văn phong của Người: giản dị, dễ hiểu... Các tờ báo này cũng được bí mật đưa về Việt Nam
2. Số 38 báo Thân ái còn lưu Tài liệu tham khảo tại Bảo tàng Cách mạng mất phần ghi ngày tháng
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thị Vân Chi(1997)" Vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên báo chí đầu thế kỷ XX", TC Khoa học về Phụ nữ, số 4
2. Đặng Thị Vân Chi, 1998, " Phân Bội Châu và vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX" trong Phan Bội Châu con người và sự nghiệp, H NXB Đại học Quốc gia
3. Nguyễn Ái Quốc, 1960, Bản án chế độ thực dân Pháp, H, NXB Sự thật
4.Hồ chí Minh toàn tập t1, tr54, Đĩa CD
5.Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam,t1, H, NXB Phụ nữ.
6.Nguyễn Thành, 1984, Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-1945, H, NXB KHXH
7.Nguyễn Thành, 1995, Sự nghiệp báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin
Báo Thanh niên, báo Thân Ái, Phụ nữ tân văn và một số tờ báo tiếng Việt xuất bản trước 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...