Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII, XIX: TƯ LIỆU VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ


Nguồn: Báo Giác Ngộ ( VietNam net)

Nguyễn Quang Ngọc
( Bài  gửi đăng trên Tạp chí Xưa & Nay)                                              
          Việt Nam có bờ biển dài, với vùng biển rộng. Biển và đảo suốt tiến trình lịch sử luôn luôn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
         Từ thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ  các thời Lý - Trần - Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để trong bối cảnh lịch sử mới, các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
1. TỔ CHỨC CÁC ĐỘI HOÀNG SA VÀ BẮC HẢI, HÌNH THỨC ĐỘC ĐÁO DUY NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC VÙNG QUẦN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC THẾ KỶ XVII-XVIII
          Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lụccủa nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách chép: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... . Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...
       Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...
…  Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Cát Vàng?) huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời” [1].
         Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn đã giớí thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải.
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa củaĐại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.
          Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khácPhủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên
            Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sau khi sang Đàng Trong, trên đường trở về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: “các Quốc vương [Chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”[2].
            Thật ra từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hằng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa)[3] và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa)[4]. Như thế từ rất lâu đời các nhà hằng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong. Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”[5].
            Như thế các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa.
            Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ trong thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa được đề cập đến sớm nhất vào thời điểm nào và trong nguồn sử liệu nào?
            Sử sách nhà Nguyễn đều chép thống nhất đội Hoàng Sa được tổ chức ngay từ thuở quốc sơ,tức là từ thời các Chúa Nguyễn đầu tiên. Tuy nhiên sách cũng không xác định rõ là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Nguyên hoặc Nguyễn Phúc Lan…?
          Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15/Giêng/1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...”. Tư liệu cho phép suy đoán lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa.
         Năm 1636, ng­uời Hà Lan đã đu­ợc phép mở một th­uơng điếm ở Hội An, d­ưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6-3, tại Hội An chúa Thư­ợng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc “chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã đ­ược các ng­ười Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nh­ưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux”. Ông có nhiệm vụ xin đ­ược bồi hoàn số tiền đó. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng “những việc đó đã đ­ược xảy ra từ thời chúa tr­ước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ng­ược lại, ng­ười Hà Lan từ nay sẽ đ­ược hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, đ­ược miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá đ­ược cứu hộ nữa". Phải chăng những người Việt cứu giúp tầu Grootenbroeck bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, và như vậy càng có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). 
            Bước sang thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa biển Đông càng trở nên nhộn nhịp thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong ngoài và nước.
            Cũng đúng vào năm 1776 khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa, thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: “Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp...”[6].
            Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Hoàng Sa đi có về không; Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”.
2. TRIỂN KHAI HÀNG LOẠT CÁC HÌNH THỨC THỰC THI CHỦ QUYỀN Ở CẢ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG GẦN TRỌN THẾ KỶ XIX
         Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả.
Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục Chính biên. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đôi Hoàng Sa” năm 1803; “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817...
          Nhưng hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...
         Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soan bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836 thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua “sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn…”. Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của vùng biển đảo  này.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật.... được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851. Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục Chính biên.
          Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục Chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tầu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định.
           Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống nhưPhủ biên tạp lục.
         Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa...
         Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục. Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: “Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân”.
           Nhiều công trình chuyên khảo hay những ghi chép khách quan của các quan chức, học giả đương thời khác cũng cung cấp thêm những thông tin có giá trị.
Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép “đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm).”
           Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn. Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hằng hải các nước phương Tây đương đại.
Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được...
           Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Thật ra vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.
        Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp tryền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục... Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng lại xác nhận một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất.
           Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục công cuộc thám sát và phòng thủ biển nhằm củng cố chính quyền. Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: "Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này".
           Các tác giả phương Tây lúc đó, trong các tác phẩm của mình, cũng đều công nhận chủ quyền pháp lý của các vua nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.
Giám mục Jean Louis Taberd người Pháp, người nhiều năm truyền giáo ở Đàng Trong cho rằng: "Quần đảo Pracel… Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta". Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ, trong đó ở khoảng vĩ tuyến 170 bắc và kinh tuyến 1100 đông, bản đồ có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng.
          Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography of the Cochinchinese Empire cho biết: "Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ".
           Năm 1850, M. A Dubois de Jancigny, cựu đại uý, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã viết sách nói rõ: "Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó".
           Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình Tự Đức không còn đủ sức chống lại đã lần lượt để mất chủ quyền về tay Thực dân Pháp, trong đó có cả chủ quyền các vùng biển đảo. Tuy nhiên vùng đất máu thịt của tổ tông vẫn là niềm thôi thúc các thế hệ con dân đất Việt đấu tranh đến cùng để giành lại chủ quyền bằng mọi giá.
                                                                                  *
                                                                        *                *
            Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải (trong đó đặc biệt là đội Hoàng Sa) càng ngày càng được tập hợp phong phú hơn, đa dạng hơn. Chúng ta không chỉ biết về các đội Hoàng Sa Bắc Hải trong chủ trương thành lập và chỉ đạo hoạt động của các chúa Nguyễn, của vương triều Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, mà còn biết khá cụ thể các chủ trương ấy đã được chính quyền và nhân dân các địa phương tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ và hết sức nghiêm chỉnh. Đây không chỉ dừng lại ở những văn bản chính thức của Nhà nước và những hoạt động phong phú đa dạng ở các địa phương, mà còn được tập hợp trong những ghi chép của các học giả, các nhà chức trách Việt Nam, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây, thậm chí đến cả nhà sư Trung Quốc đương đại, những người đã thông qua quan sát trực tiếp hay khảo cứu công phu từ những văn bản gốc về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà ghi chép lại một cách khách quan, trung thực.
             Tất nhiên các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân. Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đôi Thuỷ quân. Chúng ta từng biết có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập trở lại... Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dù hoạt động độc lập hay phụ thuộc vào đội Thuỷ quân, thậm chí có là hoạt động dưới danh nghĩa của đội Thuỷ quân đi nữa, thì cứ vẫn là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có được.
             Đến giữa thế kỷ XIX trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, mặc dù dân các đảo Lý Sơn, Phú Quý, các xã An Vĩnh, An Hải, Bình An... vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hoá vật, hải sản dâng nộp cho triều đình Huế - nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa, nhưng chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân. Đến khi triều đình Huế thất thủ, không còn khả năng tổ chức lại quân đội, củng cố các đội Thuỷ quân để bảo vệ trực tiếp kinh thành Huế, thì đương nhiên họ cũng không còn khả năng khôi phục hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải nữa. Sự chấm dứt hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyệt nhiên không phải là do Nhà nước phong kiến Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông.
            Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận. Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi  người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là lẽ sống của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế.
           Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau.



[1] Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp  lục), T.1, Bản dịch Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr 116.

[2] Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế tr.125.

[3] Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) 1606, in lại trong cuốn Asia in Maps from Ancient time to the Mid-19th Century, Lepzig, 1989.  

[4] Bản đồ Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin, Paris, 1972; Bản đồ Van Langren 1598, in trong cuốnIconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và  A.Masson, Paris, 1931.

[5] Jean.Yves Clayes: Journal de Voyage aux Paracels (Indochine No 45, 1941, tr.7).

[6] Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15 tháng Giêng năm 1776 (lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Xem thêm: http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2004/02/47501/

14 nhận xét:

  1. Xin được kể công tý:
    Ít nhất đã có thêm "Tuần Việt Nam" (http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Bang-chung-lich-su-chu-quyen-cua-Viet-Nam-o-Hoang-Sa-Truong-Sa/6469381.epi ) rồi báo "An Ninh Thủ đô" (http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-la-cua-Viet-Nam/403188.antd ) đã đăng lại bài này sau khi nhà cháu điểm tin trên blog Ba Sàm (Tin thứ Sáu, 17-6-2011 - http://basam1.wordpress.com/2011/06/17/tin-th%E1%BB%A9-sau-17-6-2011/ ).

    Bác có thể đòi họ trả tiền. Ít nhất là tiền gõ lại bài, vì họ copy/past cả chỗ bác gõ có lỗi bàn phím.
    Đảm bảo đã có nhiều người đọc bài này hơn khi nó được đăng trên tạp chí X&N (bác không ghi rõ là số nào cả là thiếu xót khi dẫn nguồn)
    .

    Trả lờiXóa
  2. Hóa ra là bác Gốc Sậy điểm tin, thảo nào tui cứ thắc mắc ông Ba Sàm là ông nào mà giới thiệu " chuẩn không cần chỉnh " thế?
    Cám ơn bác Gốc Sậy
    hihi, Tạp chí Xưa- Nay số mới nhất:)). Đảm bảo tính "nóng sốt" nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Khe khe, làm gì có kiểu dẫn nguồn:
    Tạp chí Xưa- Nay số... mới nhất.
    Mà tên tạp chí này là Xưa&Nay chứ ạ?
    Bác Dương Tàu đang rủ nhà cháu về nên phải bảo vệ thương hiệu dần đi.

    Trả lờiXóa
  4. Nói thật là buổi sáng tác giả gửi bài cho tạp chí, buổi tối tui post lên, nên bi giờ vẫn chưa biết nó là số mấy.:) Câu chú thích trên của tui thiếu chữ "gửi". Lẽ ra chính xác phải đề" bài gửi đăng tạp chí Xưa & Nay". Mà may cho tui, hình như tạp chí có đăng rồi nên chỉ mắc lỗi thiếu sót khi dẫn nguồn, chứ không lỗi còn nặng hơn:)
    Chúc mừng bác về tạp chí Xưa &Nay ( không phải Xưa-Nay):)

    Trả lờiXóa
  5. "Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa củaĐại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia".
    Tài liệu được sử dụng trích dẫn như vậy rồi mà bây giờ các bác bên Hán Nôm mới lại " Phát hiện" ra là mới. Buồn.

    Trả lờiXóa
  6. Trước đó trong bài viết" Giá trị của các trang sử liệu viết về Hoàng Sa-Trường Sa trong sách Phủ Biên tạp lục" trong cuốn "20 năm Việt nam học theo định hướng liên ngành" NXB Thế giới năm 2008, Nguyễn Quang Ngọc đã viết: " Bộ sách được hoàn thành chỉ sau Phủ Biên tạp lục một thời gian ngắn là ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN ( (I676-I789)- bộ sử do Quốc sử viện thời Lê -Trịnh tổ chức biên soạn nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư. trong sách, đoạn ghi chépvề Hoàng Sa- trường sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn.Nói một cách khác, các nhà chép sử thời Lê Trịnh sau khi xác định ghi chép của Lê quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục là hoàn toàn đúng sự thật, đã đưa gần như nguyên vẹn nội dung này vào chính sử của triều đại mình. ý nghĩa của ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN chính là nó đã biến ghi chép khoa học khách quan của Lê quý Đôn thành nội dung của bộ quốc sử"
    Phần ghi chú có viết: Tham khảo ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN ( (I676-I789), bản dịch, NXB KHXH, H I99I, tr 243-244. Theo những người dịch, khảo chứng và hiệu đính sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TỤC BIÊN thì có đến 9 bản cuốn sách này, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa- trường Sa lại nằm trong Hậu lê Thi sử ký lược do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm tại gia đình Lê Trọng Hàm, lưu trữ tại Viện sử học, hà Nội, Kí hiệu HV II9." (tr 359)

    Trả lờiXóa
  7. Rất hay cô ạ. Em cũng có quan tâm và khảo cứu về Hoàng Sa trong giai đoạn XVI - XVIII. Chi tiết, tỉ mỉ nhất có lẽ là tác phẩm của Lê QUý ĐÔn. Trong cuốn sách Người Việt với Biển mới xuất bản ấy Cô ạ. có 2 bài viết của GS. Nguyễn Thừa Hỷ, cũng cung cấp nhiều tư liệu quý báu về Hoàng Sa và Trường Sa qua nguồn tư liệu Phương Tây (đặc biệt là của người Pháp).

    Trả lờiXóa
  8. Em Xuyến Vũ: Thầy Ngọc là chủ trì đề tài Lịch sử chủ quyền của VN ở HS-TS từ những năm 90, trong đó có đề tài nhánh"... qua các tài liệu phương Tây" do thầy Hỷ chủ trì. Chắc hai bài của thầy Hỷ chỉ là một phần kết quả của đề tài nhánh mà thầy đã tham gia từ những năm 90 thôi em ạ, rất tiếc là các kết quả nghiên cứu không được công bố dưới dạng cuốn sách, mà chỉ là những bài viết lẻ tẻ:((
    Trên FB của cô có bài thầy Ngọc trả lới phỏng vấn ViệtNamnet có nói về hai 2 bản thảo cuốn sách trong khuôn khổ đề tài này. Theo như trả lời phỏng vấn trên các báo của GS Phan Huy Lê gần đây nhất, sắp tới Hội sử học sẽ xuất bản cuốn sách về tư liệu về chủ quyền của VN ở HS-TS đấy em ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Dạ vâng! em cũng có đọc bài trả lời phỏng vấn của Thầy Ngọc về truyền thống hướng biển Cô ạ. rất hấp dẫn Cô ạ. Khi nào Hội sử học xuất bản cuốn sách về Trường Sa và Hoàng Sa thì Cô thông tin trên Blog cho em biết với Cô nhé.

    Trả lờiXóa
  10. Không phải bài về truyền thống hướng biển đâu em Xuyến ạ, bài trên VN net từ 2004. bây giờ không thấy trên trang của VNnet nữa, nhưng vẫn còn trên các trang cá nhân.

    Trả lờiXóa
  11. Dạ! bài viết của GS. Ngọc mà em đọc là "nói người Việt Nam không hướng biển là không hiểu lịch sử Việt Nam" cô ạ. Em đọc trên Blog của Cô đây ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Không phải là bài "nói người Việt Nam không hướng biển là không hiểu lịch sử Việt Nam" mà là bài trả lời phỏng vấn VNnet năm 2004:

    Sẽ công bố những tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa
    08:25' 08/02/2004 (GMT+7) GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.
    (VietNamNet) - Cùng với các triển lãm tư liệu về chủ quyền VN ở Hoàng Sa và Trường Sa, sắp tới, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH QG Hà Nội),sẽ công bố lần đầu tiên một số tư liệu và bản đồ do ông tìm thấy, trong đó có nhiều tấm bản đồ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.
    Đó là bản đồ (nguyên bản của công ty Đông Ấn Hà Lan) với dòng đánh dấu vùng quần đảo giữa Biển Đông ghi rõ "Baixos de Chapar" (tức là bãi cát của Cham pa). Hay tấm bản đồ đánh dấu vùng bờ biển tương đương với khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi là "Costa de Paracel" (có nghĩa là "bờ biển Paracel", tức bờ biển Hoàng Sa). Điều này khẳng định Paracel (Hoàng Sa) là thuộc VN.
    Những tư liệu quý đó là tập hợp quá trình 10 năm ròng rã nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa của TS. Ngọc. Ông giãi bày với VietNamNet những điều tâm huyết nhất xung quanh vấn đề này và hành trình tìm chân lý của ông.
    "Năm 1993, khi tôi là chủ nhiệm bộ môn Lịch sử VN cổ trung đại của Trường Đại học Tổng Hợp, Nhà nước giao cho trường một đề tài độc lập, là "Cơ sở địa lý và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Trường phân công tôi chủ trì đề tài "Lịch sử chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa".
    Lâu nay các học giả VN ít có điều kiện nghiên cứu vấn đề này, mà thường vấn đề này thuộc Bộ ngoại giao, Ban biên giới, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, Biên phòng và một phần nào đó là bên Bộ Tư lệnh Hải quân. Họ đã cử một số chuyên gia đi các nước nghiên cứu, nhưng có lẽ họ chủ yếu tìm các nguồn tư liệu mà theo tôi hiểu phần nhiều là những tư liệu gần đây, còn tôi quan tâm nhiều hơn đến nguồn tư liệu trong các pho sách cổ, chủ yếu từ thế kỷ XIX trở về trước, nghĩa là trước khi xảy ra tranh chấp, tranh biện về quần đảo Hoàng Sa. Chúng có thể cung cấp những chứng cớ khách quan và xác thực hơn về lịch sử chủ quyền".
    - Nhân đây, tôi muốn công bố một cách hệ thống các tư liệu mà chúng ta đã có được, ít ra là cho đến thời điểm này, về chủ quyền của VN ở hai quần đảo, đó là việc mà chúng ta chưa khi nào làm được. Ví dụ, các tư liệu của TQ xác định rằng ranh giới cực nam TQ chỉ đến đảo Hải Nam, tư liệu TQ nói người VN đã ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hoá vật, sống, khẳng định chủ quyền ở ngoài đó... Các tư liệu này cần đem đặt cạnh các tư liệu của VN và phương Tây và nhìn chúng trong một tổng thể, như thế mới có thể tạo nên một sức mạnh cho sự khẳng định đầy đủ rõ ràng chủ quyền của VN.
    Thực tế, nếu muốn bàn về chủ quyền một cách nghiêm túc thì chúng ta phải đặt tất cả tư liệu lên bàn xem xét, để thấy các mối quan hệ của chúng, để các tư liệu tự bổ sung, hỗ trợ cho nhau, kiểm chứng lẫn nhau.
    Đi tìm tư liệu bốn phương trời
    -Nghe nói giáo sư đã nhiều lần ra nước ngoài để tìm tìm các tư liệu cho đề tài nghiên cứu của mình?
    - Để làm đề tài này tôi không hề nhận được kinh phí để xuất ngoại, nhưng vì thỉnh thoảng tôi cũng có những đợt công tác nước ngoài nên kết hợp khai thác những nguồn tư liệu ở đó. Lần đi Australia tôi đã tập hợp được một số tư liệu, bản đồ rất hay. Thật ra đó là tư liệu của TQ nhưng do người Australia lưu giữ. Những bản đồ này chứng minh rằng cho đến 1909, địa danh Tây Sa (Tức Hoàng Sa và Trường Sa) mới lần đầu tiên xuất hiện trong bản đồ tỉnh Quảng Đông TQ. Australia có một kho tư liệu rất lớn về Trung Quốc ở Thư viện quốc gia và Đại học quốc gia Australia. Năm 1995 tôi có điều kiện sang đó làm việc nửa năm, đi tìm, thấy một kho sách lớn. Thư viện của họ hết sức hiện đại, tôi tìm thấy một kho bản đồ được giới thiệu trên mạng. Tôi thấy cả những sách quý hiếm người ta không cho coppy, nhưng tôi đã tìm cách đem về được (!?). Ví dụ tấm bản đồ có dòng chú "Baixos de Chapar" tìm được ở Hà Lan, vốn không được phép sao chép, nên tôi đã phải dùng rất nhiều tiền để nhờ người chụp cho...


    Trả lờiXóa
  13. Tiếp:
    - Có nghĩa là GS phải tự bỏ tiền túi?
    Bản đồ của Công ty Đông Ấn Hà Lan, đánh dấu quần đảo ở giữa Biển Đông là Baixos de Chapar.
    - Phải. Mình nộp tiền cho họ rồi họ gửi bưu điện cho mình. Có lần tôi bỏ ra một ngàn đô cho một thư viện ở Nga để họ hợp tác khai thác tư liệu cho mình. Những khoản này không ai thanh toán cho mình. Vợ đương nhiên là kêu, nhưng đành phải chịu thôi, vì mình thích làm. Mà đấy là nhờ người quen làm, chứ nếu làm chính thức thì đắt lắm, mà chính vì không chính thức nên chả ai trả cho mình.
    -Ông nhìn nhận như thế nào về giá trị các tư liệu ông tìm thấy ở nước ngoài?
    -Bên cạnh những tấm bản đồ là nhiều ghi chép của các thương nhân và người đương thời cùng một số cuốn sách nghiên cứu có giá trị khoa học cao. Tuy nhiên, những chứng cứ đầy đủ nhất, khách quan nhất và có sức thuyết phục nhất vẫn là những tư liệu lịch sử của nhà nước VN, do nhà nước và bởi nhà nước trước khi xảy ra tranh chấp. Đương nhiên tư liệu Nhà nước là nguồn tư liệu mà tôi tâm đắc nhất.
    Lần theo dấu tích đội Hoàng Sa
    - Nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa không thể nào không tới Lý Sơn - nơi được biết là nguồn cung cấp chủ yếu dân binh cho các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, những đội được cử ra hai quần đảo này. Ông đã đến Lý Sơn cả thảy mấy lần?
    -Tôi ra Lý Sơn hai lần. Lần thứ nhất vào năm1995 và đã khảo sát kỹ càng. Năm 2001 trở lại lần nữa . Dù có ra nước ngoài nhiều lần vì vấn đề này nhưng phải nói rằng những chuyến đi Lý Sơn mới là những chuyến đi quan trọng nhất. Nó quan trọng vì tư liệu về lịch sử chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các văn bản của nhà nước hay là được triển khai bởi các nhà nước VN trước đây (được ghi chú trong các sách và lưu trữ trong các kho lữu trữ trung ương) về những chuyến đi Hoàng Sa do nhà vua trực tiếp chỉ đạo. Tức là người đứng đầu cao nhất của nhà nước giao trách nhiệm, thế là thể hiện chủ quyền chứ còn gì nữa! Nhưng sinh động hơn và hết sức quý giá là những quyết định của vua, của Nhà nước đã được thực hiện một cách đầy đủ, triệt để và hết sức tự giác bởi chính những người dân thường đảo Lý Sơn.
    -Thực địa bao giờ cũng có thể cho những thông tin sống động và thuyết phục nhất. Tại Lý Sơn, những cái ông tìm thấy là gì?

    Tấm bản đồ đánh dấu vùng bờ biển tương đương với khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi là "Costa de Paracel"
    - Nhà nước thành lập đội Hoàng Sa với nhiệm vụ đặc biệt là khai thác các hoá vật, sản vật; bảo vệ chủ quyền của Nhà nước tại đây, kiểm tra kiểm soát tàu ra tàu vào, thu thuế. Tháng 2 đi tháng 8 về, đội Hoàng Sa đã sống thực sự trên đảo; hết thời hạn, họ trở về nộp các hoá vật, hải vật và được nhà nước cấp bằng chứng nhận đã hoàn thành công việc. Chúng tôi hết sức xúc động khi thấy tư liệu về những người dân đã ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nó được ghi lại trong gia phả các dòng họ, các tờ sai người ra đảo, các văn tế, văn cúng. Thậm chí cả những văn bản bán đất, phục vụ cho việc đưa người ra Hoàng Sa, Trường Sa. Tất cả những cái đó đều ở trong dân, lưu trong một số nhà thờ họ. Ra Hoàng Sa hay Trường Sa, biết là gian khổ, nhưng vẫn đi. Ca dao Lý Sơn có câu:
    "Hoàng Sa đi có về không
    Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi
    Vì ra đi như thế nên ở đây mới có cái lệ "thế lính Trường Sa", làm hình nhân thả xuống biển làm lễ tế sống người đi. Hoặc nặn hình người bằng đất sét rồi làm lễ tang chôn những hình người đó để người đi nghĩ rằng giả sử mình có chết thì đã có mồ yên mả đẹp ở quê hương. Tất cả những chuyện đó được kể trong dân gian và lưu truyền trong tục ngữ dân ca địa phương. Người dân còn chỉ khu nghĩa địa ở chỗ nào. Hội thề thế lính hiện nay vẫn còn được tổ chức hằng năm. Các chủ trương của Nhà nước, vẫn biết là có, nhưng phải ra tận nơi thì mới thấy nó được biểu hiện sinh động như thế nào. Khoảng những năm 60 của thế kỷ 19 các đội Hoàng Sa đã hết, khi người Pháp vào VN thì không tổ chức được nữa. Tuy thế, những người ra đó làm công việc tương tự thì vẫn còn mãi về sau này.

    Trả lờiXóa
  14. Tiếp:

    Đấu tranh trên trường chữ nghĩa
    Ảnh TS Ngọc tại buổi nghiệm thu đề tài, tháng 6/1998.
    - Trước hoặc cùng thời với giáo sư có công trình nghiên cứu nào về vấn đề này mà ông thấy tâm đắc?
    --Mới đây tôi có được giao phản biện một luận án tiến sỹ, đó là luận án của ông Nguyễn Nhã. Đây cũng là một công trình khá công phu. Nhưng nhân đây tôi muốn nói đến một cuốn sách chưa được xuất bản của một người quá cố, một chuyên gia về Hoàng Sa- Trường Sa. Đó là công trình nghiên cứu của ông Phạm Kim Hùng, nguyên chuyên viên Bộ Ngoại giao.
    -Công trình của ông Phạm Kim Hùng có gì đặc biệt?
    - TQ có một học giả lớn tiếng nhất về việc khẳng định chủ quyền quốc gia của họ ở Hoàng Sa, đó là ông Hàn Chấn Hoa. Ông ta có một cuốn sách gọi làNgã quốcNam hải chư đảo(tổng hợp các nguồn sử liệu về các đảo ở biển Nam). Thực ra TQ đã làm việc này từ lâu, nhưng có thể nói, đến Hàn Chấn Hoa mới tổng kết lại một cách có hệ thống, cho nên nguy hiểm ở chỗ là sau khi "cái được gọi là công trình nghiên cứu" của Hàn Trấn Hoa ra đời thì rất nhiều người tin là chủ quyền của TQ là hiển nhiên. Trong đấu tranh khẳng định chủ quyền của ta thì đấu tranh phản bác cuốn sách của Hàn Chấn Hoa là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Phạm Kim Hùng là một chuyên gia mấy chục năm nghiên cứu về Hoàng Sa, đã viết một cuốn sách để phản bác lại Hàn Chấn Hoa, bóc trần những luận điểm sai trái, để mọi người biết rằng Hàn Chấn Hoa chỉ lợi dụng danh nghĩa khoa học để che đậy, xuyên tạc sự thật. Tiếc rằng cuốn sách chưa kịp in ông đã qua đời.
    Tôi hiện giữ bản thảo cuốn sách, nhưng cũng chưa có điều kiện để xuất bản. Tôi nghĩ nếu cho ra mắt độc giả, đây cũng sẽ là một trong những tài liệu rất hữu ích.
    -Xin cảm ơn giáo sư.
    Đỗ Diễm Huyền (thực hiện)

    Nguồn: http://www.vnn.vn/chinhtri/2004/02/47501/

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...