Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Từ nạn nhân thành thủ phạm "thực dân" văn hóa



Thực Hành Văn Hóa | 
Phương Quỳnh
Trong một cuốn sách khá nổi tiếng gần đây «Nạn nhân của tiến bộ» (Victim of Progress) (2008), Bodley đã tranh luận rằng những tộc người bản địa là nạn nhân của công cuộc văn minh hóa trên toàn cầu. Sự tấn công vào thế giới bản địa này được hậu thuẫn bởi lý thuyết tiến hóa văn hóa đơn tuyến, trong đó giải thích sự tiến hóa của tất cả các khía cạnh của xã hội theo các thang bậc của phát triển từ thấp đến cao, và các xã hội bản địa này bị xem là cần được khai hóa văn minh để bước lên một nấc thang mới.


Tiến hóa luận văn hóa là một quan điểm lý thuyết được sử dụng sớm nhất và cũng có ảnh hưởng nhất trong ngành Nhân học từ thế kỷ 19, bắt nguồn từ lý thuyết tiến hóa của Darwin về nguồn gốc các loài và sự chọn lọc tự nhiên. Quan điểm của Darwin không chỉ có ảnh hưởng to lớn trong ngành sinh học, mà còn thâm nhập sâu sắc vào các ngành khoa học xã hội như triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử nghệ thuật, nhân học…Các nhà lý thuyết xã hội nổi tiếng theo trường phái tiến hóa luận ở thế kỷ 19 như Henry Morgan, Edward Tylor, Herbert Spencer, Jamez Frazer, Emile Durkheim, Karl Marx… đã khẳng định quan điểm rằng tất cả loài người, xã hội và thể chế đều có thể xếp vào cùng một loại thang đo, từ đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn như về xã hội, lý thuyết của Henry Morgan (1818–1881) khẳng định xã hội phát triển từ giai đoạn mông muội (savagery) sang dã man (babarism) đến văn minh (civilization); về tôn giáo, Edward Tylor (1832–1917) cho rằng các hình thức tôn giáo phát triển từ vật linh giáo (animism) đến đa thần giáo (polytheism) rồi đến hình thức cao nhất là nhất thần giáo (monotheism); hay trong tác phẩm nổi tiếng  Cành vàng (The Golden Bough), James Frazer (1854-1941) nói đến các giai đoạn phát triển từ ma thuật (magic) đến tôn giáo (religion) rồi đến khoa học (science); Johann Bachofen (1815 – 1887) phát triển lý thuyết của sự tiến hóa văn hóa qua sự phát triển của tổ chức hôn nhân từ tạp hôn (promiscuity) sang mẫu hệ (matriachy) rồi đến phụ hệ (patriachy).

Có thể nói, quan điểm tiến hóa luận của các nhà lý thuyết “ghế bành” (không khảo cứu thực địa) đã có ảnh hưởng trên toàn thế giới, đặc biệt ở những nơi có bàn chân đi “khai hóa văn minh” của phương Tây. Lý thuyết tiến hóa văn hóa đơn tuyến đã cung cấp một sự giải thích “hợp lý” cho tính đa dạng văn hóa ở những nơi mà người phương Tây đặt chân đến. Với việc phân loại các hình thái xã hội, tiến hóa luận giải thích rằng các xã hội không phải ngẫu nhiên mà khác nhau ở thời điểm hiện tại, mà đều đã hoặc sẽ trải qua các giai đoạn giống nhau, và trong đó, xã hội phương Tây là đỉnh cao. Thuyết tiến hóa xã hội này thậm chí đã được sử dụng để biện minh cho định kiến kỳ thị, cho sự phân biệt đối xử và cả chiến tranh.

Cùng với sự phổ biến của quan điểm tiến hóa luận, lý thuyết hiện đại hóa, cũng có gốc rễ từ những quan điểm về “tiến bộ” từ thời đại Ánh Sáng (thế kỷ 18), đã trở thành hậu thuẫn cho những tư tưởng “phát triển” theo kiểu phương Tây. Nó cũng trở thành cơ sở lý luận cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism), cũng như thái độ “lấy tộc người mình là trung tâm” – chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) - và dẫn đến bài xích các xã hội bị coi là thấp kém hơn mình. Việc đặt văn hóa và hệ giá trị của tộc người mình là tiêu chuẩn, từ đó kỳ thị văn hóa, hệ giá trị của nhóm khác, cũng như buộc các tộc người khác phải so sánh và tự xem là thấp kém hơn nhóm của mình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Lịch sử đã chứng kiến phong trào tử vì đạo của Cơ đốc giáo, sự tàn sát dân Do Thái của Hít-le, hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Khơ-me Đỏ là tàn sát hàng triệu người, cũng vì thái độ vị chủng này. 

Cùng với việc chú trọng vào khảo cứu thực địa, các nhà nhân học ở thế kỷ 20 đã bác bỏ thuyết tiến hóa bởi những bằng chứng cho thấy các nền văn hóa có thể vay mượn nhau và do đó, bỏ qua các giai đoạn phát triển tuần tự. Quan điểm mang tính tiến hóa ngày càng gặp phải sự phê phán kịch liệt của các nhà nhân học chủ trương đề cao sự đa dạng văn hóa và tính giá trị của quan điểm tương đối văn hóa. Thậm chí một số trường đại học ở Mỹ còn cấm dạy về thuyết tiến hóa. 

Điều đáng nói là trong khi quan điểm tiến hóa đã trở nên lỗi thời với phương Tây là nơi sản sinh ra nó, lại có ảnh hưởng sâu rộng, nhiệt thành và bền bỉ trong xã hội của chính các nước bị xem là ở trình độ phát triển thấp hơn so với phương Tây, bởi nó giúp cung cấp một công cụ lý luận để phân loại một cách dễ dàng các xã hội đang tồn tại. 

Cũng giống như nhiều nước Đông Nam Á khác, quan điểm tiến hóa luận đơn tuyến có những ảnh hưởng nhất định trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu tộc người nói riêng ở Việt Nam. Quan điểm ấy được thấm sâu đến mức đôi khi trở thành vô thức, “tiến bộ” và “phát triển” (theo kiểu phương Tây) trở thành những cái đích tất yếu mà các cộng đồng đều cần hướng tới. Các xã hội tộc người bị phân tích tách biệt khỏi bối cảnh lịch sử xã hội và môi trường, rồi được phân biệt trong mối quan hệ so sánh về sự ưu việt của nhóm này so với nhóm khác. Chính vì thế, một số nhà dân tộc học đã nỗ lực phân loại các tộc người theo thang đo cao –thấp, trong đó các tộc người ở Tây Nguyên bị xem như mới ở giai đoạn « tan rã của xã hội nguyên thủy », các tộc người như Thái, Mường, Tày, Nùng được coi là ở giai đoạn phát triển cao hơn, còn người Kinh là ở mức độ phát triển nhất. Một số tộc người, đặc biệt các dân tộc bị cho là ở giai đoạn phát triển thấp, thường bị gán nhãn ‘lạc hậu’, ‘chậm phát triển’, ‘mê tín dị đoan’..vv. Tri thức bản địa của họ bị coi là lỗi thời, thô sơ hơn tri thức khoa học phương Tây, canh tác nương rẫy bị xem là thấp kém hơn canh tác lúa nước, nhiều phong tục bị xem là «hủ tục » hay lãng phí, cần phải xóa bỏ…vv. Từ những đánh giá này, nhiều thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số được kỳ vọng cần phải thay đổi cho «văn minh » và « tiến bộ » hơn. Cái nhìn tiến hóa này thể hiện một cách nhìn « thực dân» về văn hóa , chẳng khác mấy với những nỗ lực «khai hóa văn minh» của thực dân Pháp đối với Việt Nam trong lịch sử. Một hệ quả nhãn tiền của quan điểm tiến hóa này là có những chính sách chưa hoàn toàn thích hợp với bối cảnh văn hóa, lịch sử và môi trường của những tộc người thiểu số, mặt khác, triệt tiêu dần tính đa dạng của văn hóa, cũng như sự tự tin của các chủ thể văn hóa. Để phát huy nội lực của sự đa dạng văn hóa, đã đến lúc chúng ta cần loại bỏ cách nhìn tiến hóa luận văn hóa ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...