Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010

Bước đầu tìm hiểu đặc trưng văn hóa "duy tình" qua ngôn ngữ giao tiếp tiếng Việt*

Đặng Thị Vân Chi
Văn hoá duy tình là một khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến khi nghiên cứu về văn hoá Việt Nam. Khái niệm này nhằm nhấn mạnh một trong những đặc điểm của người Việt là coi trọng tình cảm. Tâm lí coi trọng tình cảm và hành vi ứng xử thiên về tình cảm của người Việt được thể hiện trong tất cả các mối quan hệ: với xã hội, với thiên nhiên ...Trong bài viết này chúng tôi giới hạn phạm vi tìm hiểu của mình qua một số hiện tượng trong ngôn ngữ giao tiếp tiếng Việt. Đây chỉ là những tìm hiểu bước đầu của tôi trong vấn đề khá lí thú này nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót, rất mong được sự chỉ giáo của bạn bè và đồng nghiệp.

1.Hiện tượng mở rộng cách xưng hô trong gia đình ra ngoài xã hội .

Trong hệ thống đại từ nhân xưng tiếng Việt, ngoài đại từ tôi ( ngôi thứ nhất ) và ông- bà ( ngôi thứ hai) được dùng chính thức trong các văn bản hành chính, người Việt nhìn chung dùng phổ biến các đại từ chỉ mối quan hệ gia đình trong việc giao tiếp. Dưới đây là sơ đồ thuật ngữ thân tộc cơ bản:

+4 Kỵ
 +3 Cụ 
     + ông-bà
                + Cha- mẹ              
Ego                                                                           Tôi              
-1 Con
  -2 Cháu
  -3 Chắt
  -4 Chít
(Lấy "tôi " làm trung tâm thì anh chị của bố-mẹ đều gọi là bác, con của các bác thì phải gọi bằng anh chị, các em của bố  là chú/ cô ( tương ứng là thím ( vợ chú) và chú ( chồng dì), các em của mẹ là cậu/dì , vợ cậu là mợ và chồng dì là chú.)
Như vậy đại từ chỉ mối quan hệ trong gia đình gồm có các đại từ: Con, cháu, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, thím, bác, ông, bà, cụ, kỵ.
Trong số đại từ trên, ngoài từ kỵ hiếm khi được sử dụng trong thực tế và từ cậu bên cạnh ý nghĩa chỉ quan hệ trong gia đình là em trai của mẹ , được sử dụng phổ biến trong quan hệ bạn bè còn hầu hết các từ đều được sử dụng trong quan hệ giao tiếp. Riêng từ dì, thím, mợ được sử dụng nhiều hơn ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt đối với người phụ nữ khi đi chợ thường được những người bán hàng gọi là hoặc thím. Rõ ràng cách gọi như vậy tỏ ra rất hiệu quả trong việc tạo sự thân mật giữa người bán và người mua và làm cho việc mua bán trở nên dễ dàng hơn.
Hiện tượng mở rộng cách xưng hô trong gia đình ra ngoài xã hội của người Việt theo chúng tôi bắt nguồn từ đặc điểm kinh tế xã hội của Việt Nam. Người Việt vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Do đó họ thường cư trú ổn định trong các làng xã. Quan hệ phổ biến trong các làng xã là quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Trải qua thời gian, các quan hệ hôn nhân hầu như đã làm cho mọi người trong làng trở nên có quan hệ họ hàng với nhau. Trong một quan hệ cộng đồng như vậy từ tôi- cá nhân ít được sử dụng và thay vào đó là cách xưng hô luôn biến đổi tuỳ theo quan hệ thân tộc và tuổi tác, vị trí của người xưng hô với người đối thoại. Ngôi thứ nhất có thể dùng cháu, con, anh, em... và ngôi thứ hai tương ứng có thể là anh, em, ông, bà, cụ, bác...Ngoài ra người Việt còn dùng từ tao ở ngôi thứ nhất với nghĩa hoặc rất thân mật, hoặc khi tức giận, khinh thị. Trong trường hợp này ngôi thứ hai là mày.
Hệ thống từ xưng hô trong tiếng Việt có vẻ như rất phức tạp và làm cho người nước ngoài thường lúng túng khi học và sử dụng tiếng Việt. Song một khi đã nắm được bản sắc văn hoá trong hành vi giao tiếp của người Việt là coi trọng tính cộng đồng, coi mọi người như trong một gia đình lớn thì việc sử dụng từ xưng hô trong giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

2.Sự xuất hiện của hệ thống từ biểu hiện sắc thái tình cảm.

Trong tiếng Việt có rất nhiều từ thể hiện sắc thái tình cảm của người nói trong giao tiếp. Chúng tôi tạm chia ra thành một số hình thức thể hiện sau:
a. Hệ thống các ngữ khí từ thể hiện các sắc thái tình cảm.
+ Ngữ khí từ thường thể hiện sự kính trọng khi chào hỏi (- Chào thầy ạ, -Chào bác ạ), khi trả lời (-Cháu đã ăn rồi ạ), khi hỏi (-Bác đã nghỉ hưu chưa ạ?)...
+ Ngữ khí từ làm cho việc yêu cầu một cái gì khác thay cho cái đang có trở nên nhẹ nhàng hơn(- Hôm nay em thích đi xem phim cơ).
+ Ngữ khí từ đây hoặc đấy thể hiện sự thân mật khi người nói báo hiệu bắt đầu tiến hành một hoạt động(-Chúng mình về đây), hoặc khi hỏi, (-Chị đang đọc gì đấy?)
+ Ngữ khí từ ư thể hiện sự thân mật khi hỏi (-Cháu đã về đấy ư?), hoặc tỏ sự ngạc nhiên (-Cháu đã lớn ngần này ư ! )
+ Ngữ khí từ nhé thể hiện sự thân mật trong câu đề nghị (-Anh uống nước chè nhé!)
+ Ngữ khí từ nhỉ thể hiện sự thân mật trong câu nhận xét (- Bộ phim này hay quá nhỉ !) hoặc câu hỏi lại (- Cậu vừa nói gì ấy nhỉ ?)
b. Hệ thống từ cảm thán.
+Biểu thị sự ngạc nhiên : ồ, ô, ơ, ô hay, ơ hay, ô kìa, ơ kìa.
+Biểu thị sự vui mừng : A( A! Mẹ đã về)
+Biểu thị sự sự hãi, đau đớn : Eo ôi, ái, ối, ôi ( -Eo ôi ! Ma;- ối! đau quá)
+Biểu thị sự bực tức : Hử, Hả. (- Gì thế hả)
c. Cách dùng từ xưng hô ở cuối câu kết hợp với từ ạ làm cho lời nói trở nên thân mật và lễ độ hơn.
-Dạo này bác có khoẻ không bác ?
-Hiện nay em rất bận thầy ạ.
d. Cách dùng từ được và bị / phải trước động từ thể hiện tình cảm thích hoặc không thích. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt trong tiếng Việt mà không thấy trong các ngôn ngữ khác. Ví dụ trong trường hợp khi nói : “ Tôi đi lính” thì câu nói trên không thể hiện tình cảm của người nói trước việc đi lính. Nhưng khi nói : “ tôi được đi lính” thì rõ ràng người nói bày tỏ sự thích thú , còn khi nói “Tôi bị đi lính”là muốn bày tỏ sự chán ngán, không thích. Một ví dụ khác khi nói “tôi được đi học ở ngoài” với “ Tôi phải đi học ở nước ngoài” là hai câu nói thể hiện hai tình cảm trái ngược nhau trước một sự việc.
e. Ngoài ra trong tiếng Việt còn xuất hiện một số loại từ đứng trước danh từ thể hiện thái độ tình cảm của người nói như : Ngài Tổng thống, Người anh hùng, thằng ăn cắp, mụ dì ghẻ, tên bạo chúa, ách bóc lột, ách thống trị...

3. Khuynh hướng thân mật hoá trong giao tiếp.
a. Khuynh hướng thân mật hoá trong giao tiếp thể hiện trước hết qua hiện tượng xuất hiện một loạt các ngữ khí từ có ý nghĩa làm cho lời nói trở nên thân mật hơn như đã trình bày trong phần 2 mục a và c
b. Trong giao tiếp, người Việt thường không ứng xử theo thông lệ mà có khuynh hướng thân mật hoá. Đây là vấn đề làm cho nhiều người nước ngoài đến Việt Nam thường thắc mắc.Ví dụ có sinh viên người Nhật hỏi tại sao người Việt ít nói xin lỗi, cám ơn; hoặc có người Hà Lan khi sống ở một làng Việt nhiều tháng để nghiên cứu về nông thôn đã trả lời “-Đi thẳng” khi được bà con nông dân chào bằng câu “ - Bác John đi đâu đấy”. Thông thường :
+Thay cho lời chào “Chào anh, chào chị’’ người Vịệt thường nói “ Anh / chị đi đâu đấy” ( khi gặp trên đường ) “ Bà / bác đang làm gì đấy” (Khách chào chủ nhà khi đến chơi ), hoặc khi chia tay thì nói “Mình đi nhé” ( khi gặp trên đường ) “ Bác nghỉ cháu về” ( khách chào chủ nhà), “Anh chị lại nhà” ( chủ nhà chào khách).
+ Để cảm ơn người Việt thường nói “ Cháu xin bác” (khi nhận quà), “Anh/ chị chu đáo quá” ( khi được quan tâm ), “Quí hoá quá” ( khi được đến thăm), “Các bác cứ quá khen” (khi được khen)...
+ Để xin lỗi người Việt thường nói “ Mong anh chị bỏ quá cho” ( khi trót làm một việc gì sai hoặc có lỗi), “ Cháu nó còn trẻ người non dạ” ( Xin lỗi thay cho con khi con mắc sai lầm với người lớn), “Anh chị thông cảm” ( khi không thể giúp được )... Trong trường hợp lỡ hẹn người Việt có thể có nhiều cách xin lỗi khác bằng cách giải thích lý do đến muộn...
c. Một biểu hiện khác trong giao tiếp của người Việt là thể hiện sự quan tâm bằng cách hỏi thăm về gia đình, cha mẹ và con cái, thậm chí ngay cả trong lần gặp đầu tiên.

Kết luận:

1. Việt Nam là một quốc gia dân tộc hình thành sớm. Ngay từ khi mới hình thành kinh tế trồng lúa nước đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo của cư dân Việt cổ . Đặc điểm của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, điều kiện tự nhiên ( vừa thuận lợi vừa khó khăn của một vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa), một vị trí địa lý (vừa thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá vừa buộc phải chấp nhận đấu tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển) đã quy định một lối sống cộng đồng gắn bó, trọng tình, trọng nghĩa của người Việt.
2. “Duy tình” là một trong những đặc trưng văn hoá của người Việt Nam được thể hiện khá rõ nét trong ngôn ngữ giao tiếp. Hệ thống từ xưng hô và từ biểu cảm trong tiếng Việt không những làm cho tiếng Việt trở nên phong phú và tinh tế hơn mà còn góp phần củng cố thêm tinh thần cộng đồng, trọng nghĩa, trọng tình- một truyền thống tốt đẹp trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

* Đã đăng trong Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam Kỷ yếu Hội thảo khoa học, NXB Đại học quốc gia,2001 Hà Nội tháng 3-2001


Tài liệu tham khảo.
1. Nguyễn Anh Quế- Ngữ pháp tiếng Việt. NXB Giáo dục 1996
2.Trần Ngọc Thêm- Cơ sở văn hoá Việt Nam. NXB Giáo dục.1998
3.Tiếng Việt và việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài NXB. ĐHQG HN.1997

2 nhận xét:

  1. Người Triều tiên cũng có loại ngôn ngữ "duy tình" khá gần với tiếng Việt với nhiều đại danh từ để xưng hô, những "kính ngữ", những "thân ngữ".....

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, nếu chỉ là các đại danh từ, kính ngữ trong xưng hô giao tiếp thì có lẽ là " duy lễ" hơn ạ. Tiếng việt có nhiều phó từ/ từ tính thái cuối câu, chỉ có ý nghĩa biểu cảm như nhé, nhỉ, ư, được, bị, phải...:)

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...