Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại: sự trỗi dậy những nhận thức và trải nghiệm mới

Bùi Trân Phượng
Thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN (Số 18 - Tháng 3/2010)
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_BuiTranPhuong.htm


Lời giới thiệu của Thời Đại Mới:
Bài viết mà Thời Đại Mới hân hạnh giới thiệu dưới đây là bản dịch bài trình bày luận văn tiến sĩ sử học của bà Bùi Trân Phượng trước hội đồng giám khảo trường Đại Học Lyon II (Pháp) năm 2008. Nhan đề của luận văn là: "Viet Nam 1918-1945, genre et modernité. Emergence de nouvelles perceptions et expérimentations" ("Việt Nam 1918-1945, giới tính và hiện đại. Sự trỗi dậy của những nhận thức mới và kinh nghiệm mới").

Đây là một công trình nghiên cứu quan trọng và tiên phong về lịch sử giới tính và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc hiện đại hóa xã hội, gắn liền với các phong trào ái quốc, chống thực dân, tranh đấu cho độc lập của đất nước trong nửa đầu thế kỳ 20. Tầm quan trọng của luận văn trước tiên biểu lộ qua phương pháp nhìn vấn đề, cách phân tích vấn đề, cách lập thuyết, và tài liệu để triển khai luận thuyết. Tầm tiên phong của luận văn thể hiện qua những khám phá độc đáo và nhất là qua những đề nghị mở ra nhiều hướng mới lý thú cho những nghiên cứu tương lai.

Bài trình bày dưới đây giúp độc giả thấy được tầm quan trọng và tiên phong đó của một luận văn đã được hội đồng giám khảo hết lời khen ngợi. Thời Đại Mới hi vọng sẽ có cơ hội lần lượt giới thiệu những phần chính trong luận văn này.

Tác giả Bùi Trân Phượng hiện là hiệu trưởng trường Đại Học Hoa Sen, Thành Phố Hồ Chí Minh.


1. Tại sao tôi chọn đề tài nầy?

Trước hết để bắt đầu lấp một chỗ trống. Nếu chỉ nhìn thư tịch Việt Nam mà công chúng trong nước được tiếp cận, dẫu có sự phong phú biểu kiến vào lúc nào đó, lịch sử hiện đại vẫn là phần nghèo nàn về phương diện tri thức lịch sử cụ thể. Nó cho biết rất ít về những con người (về người nữ còn hiếm hoi hơn) trong xã hội, trong không gian và thời gian. Trong nghiên cứu quốc tế về Việt Nam, cho đến rất gần đây, phụ nữ cũng không phải là chủ đề được quan tâm.[1] Một hướng mới đầy triển vọng từng được mở ra với những công trình nghiên cứu lịch sử xã hội và/hoặc xã hội học lịch sử lần đầu cho phép hiển thị những người thấp cổ bé họng, những nạn nhân của mọi hình thức đàn áp khác nhau, cho họ có quyền lên tiếng; nhưng những nghiên cứu nầy cũng chưa thật sự tính đến phụ nữ với tư cách là người nữ. Cùng với khoảng trống về lịch sử phụ nữ nói chung, một tấm màn lãng quên hay thờ ơ, lạnh nhạt cũng đồng thời che phủ đời sống trí thức[2] của xã hội Việt và đơn giản là cuộc sống đời thường,[3] nơi các yêu sách chánh trị không phát biểu trực tiếp, lộ liễu.

Trong quá trình làm việc của bản thân, với sự ra đời của Khoa Phụ nữ học[4] – lúc bấy giờ là đầu tiên và duy nhứt ở Việt Nam – vào năm 1992 tôi được mời dạy ở đó môn Lịch sử phụ nữ Việt Nam và đứng trước mảnh đất hoang về thư mục tham khảo. Trong lúc tìm tòi phương pháp luận nghiên cứu, tôi làm quen với tác phẩm và sau đó là các tác giả bộ Lịch sử phụ nữ phương Tây, nhờ đó được khai tâm về những trăn trở trong tư duy phương pháp luận khoa học Pháp, rồi sau đó là quốc tế về lịch sử phụ nữ. Tuy không cố ý, đề tài luận án tiến sĩ đã giúp tôi nối tiếp mạch nghiên cứu từ một công trình thực hiện trước đây về tư tưởng Nguyễn Trường Tộ (1828-1872),[5] một nhân vật vừa là người công giáo vừa là nhà canh tân.

Tại sao chọn các mốc thời gian 1918 và 1945? Năm 1918 được đánh dấu bằng hai sự kiện: sự ra đời của báo Nữ giới chung, tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam và việc bà Đạm Phương, nhũ danh Công nữ Đồng Canh (1881-1947) khởi nghiệp làm báo. Cách mạng Tháng Tám 1945 huy động toàn bộ sinh lực dân tộc vào cuộc đấu tranh bạo động, đồng thời kết thúc một thời sôi động về chánh trị và văn hóa, xác lập toàn quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cuộc đấu tranh giành độc lập và hai cuộc chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ. Đối với chủ nghĩa nữ quyền Việt, nó cũng đánh dấu một chân sóng (creux de la vague).

2. Phương pháp luận, nguồn tư liệu gốc và tư liệu tham khảo

Nghiên cứu nầy bắt buộc phải liên ngành, trước hết vì mảnh đất lịch sử còn hoang hóa, rất ít được khai thác từ giác độ lịch sử xã hội và văn hóa, lịch sử đời thường, lịch sử phong tục tập quán, lịch sử toàn diện. Nó còn phải liên ngành vì thực tế đề tài buộc phải vậy. Chẳng hạn, những tra vấn nhân học và ngôn ngữ học có khả năng làm sáng tỏ vị trí xã hội của phụ nữ, sự tiến hóa hay ngưng trệ của quan hệ nam-nữ. Gia đình, họ hàng, tôn ti trong đời sống xã hội cũng như trong phạm vi thân mật riêng tư – ưu thế tuổi tác, gia sản, tri thức, ưu thế phái nam, nhưng cũng có ưu thế của vợ cả đối với các hạng vợ lẽ, đối với hầu thiếp, hay ưu thế của đứa con vợ lẽ đối với chính mẹ đẻ ra nó... và biết bao nhiêu chủ đề khác nữa đều nhứt thiết phải đề cập để nắm bắt và làm bật ra vị trí người đàn bà.

Tuy chủ yếu chỉ thực sự khai thác được các nguồn tư liệu hiện có tại Việt Nam, tôi vẫn cố nhận diện rộng và đa dạng nhứt có thể các nguồn tư liệu gốc và tư liệu tham khảo có liên quan đến dự án khoa học của mình. Trong Thư mục của luận án, tôi phân biệt rõ những tài liệu chỉ biết là có và những tài liệu đã thực sự tham khảo, khai thác.

Tôi có lợi thế từ một quá khứ nhiều năm học, đọc, giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt, về các vấn đề chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam và gần hơn, từ 1992 về lịch sử phụ nữ. Nhưng tôi cũng ý thức được giới hạn trong khả năng sưu khảo của mình vì tôi không dễ tiếp cận kịp thời, đầy đủ thư tịch quốc tế.

Tôi đã khai thác hai nguồn tư liệu chính: báo chí và văn học quốc ngữ. Trong báo tiếng Việt, tức nhiên tôi dành ưu tiên cho báo phụ nữ, đặc biệt là bộ sưu tập Phụ nữ tân văn và Phụ nữ thời đàm tham khảo tại Thư viện tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; riêng về báo Phụ nữ tân văn, tôi trân trọng cám ơn Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã dành cho tôi những điều kiện tham khảo đặc biệt thuận lợi. Tôi cũng sử dụng một số báo khác, chẳng hạn Thần chung ở Nam, Phong hóa và Ngày nay ở Bắc. Hai tờ báo sau là bắt buộc vì đó là cơ quan của Tự lực văn đoàn;[6] còn Thần chung là một trong những tờ báo kiên quyết canh tân nhứt ở Nam kỳ thời đó. Về phần văn học quốc ngữ, tôi đã tra vấn gần như toàn bộ các tài liệu có thể, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ; về kịch nói tôi chỉ dừng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhứt đương thời. Trong văn xuôi, tức nhiên tôi dành ưu tiên cho các tác giả và tác phẩm được nhiều người biết, nhứt là của Tự lực văn đoàn; nhưng tôi cũng đã tái phát hiện một tác giả lớn bị quên lãng bất công là Hồ Biểu Chánh cùng nhiều tác giả khác phần lớn cũng bị lãng quên hay đánh giá chưa đúng mức. Nói chung tôi cố gắng không bỏ sót bất kỳ tác phẩm văn học nào vì xem đó là tài liệu cấp một để khảo sát các hình tượng phụ nữ, tức là phụ nữ như người thời bấy giờ hình dung. Sở dĩ tôi không nhấn mạnh lắm đến các tác giả thuộc xu hướng gọi là hiện thực phê phán và những tác phẩm của họ đang được giảng dạy ở trường phổ thông, là bởi tôi thấy hình tượng phụ nữ ở đó bị thiên lệch khá nhiều do quan điểm chánh trị của các tác giả. Tuy nhiên, thiệt ra tôi chọn tác phẩm hơn là tác giả và tiêu chí chọn lựa của tôi thiên về thông tin lịch sử xã hội hơn là thẩm mỹ văn học. Tôi đã phản ảnh các xu hướng và sắc thái khác nhau, song vẫn chú mục vào các tác phẩm hay những khía cạnh của tác phẩm trực tiếp liên quan đến đề tài của mình: các cảm nhận và hình tượng mới mẻ về giới.

Bởi thời kỳ nầy còn gần gũi – những con người vào độ tuổi hai mươi trong các thập niên 1930 hay 1940 không phải đều đã qua đời – nên việc tìm tới nhân chứng, nguồn tư liệu miệng vẫn còn có thể, tuy không phải dễ dàng, do một bộ phận không nhỏ, nhứt là về chất, đồng bào ta đang lưu lạc khắp bốn phương trời. Dẫu sao tôi đã phỏng vấn được mươi người và vận dụng ký ức về bà nội, bà ngoại của mình. Các hồi ký, tiểu sử đã giúp ích nhiều; trong chừng mực có thể, tôi luôn đối chiếu với nguồn tư liệu khác hay nhân chứng khác để giảm sự chủ quan không tránh khỏi; tôi cũng đã phỏng vấn được vài tác giả biên soạn tiểu sử, chẳng hạn bà Lê Minh, người viết tiểu sử Nguyễn Thị Minh Khai.

Về phương pháp luận nghiên cứu lịch sử và đặc biệt là lịch sử phụ nữ, tôi thừa hưởng sự phong phú và nguồn cảm hứng từ những suy nghĩ và công trình đã thực hiện từ ba thập niên trở lại đây tại Pháp. Cũng như đối với thư tịch về Việt Nam, tôi lẽ ra còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa để theo dõi tiến hóa trong tư duy phương pháp tại Pháp và trên quốc tế liên quan đến lịch sử phụ nữ, lịch sử các chủ nghĩa nữ quyền và cách tiếp cận lịch sử xã hội, văn hóa có tính đến chiều kích giới, nếu không có sự trợ giúp quý báu của giáo sư hướng dẫn luận án của tôi, là một chuyên gia trong lãnh vực học thuật nầy. Nhờ có giáo sư, dẫu khả năng tiếp cận tài liệu vẫn còn giới hạn, tôi nghĩ mình đã tham khảo được phần cốt yếu những tác phẩm ghi nhận tiến trình đang diễn ra về phương pháp luận khoa học nghiên cứu phụ nữ và giới.

Tóm lại, cách tiếp cận của tôi trong phương pháp nghiên cứu là phân tích một cách kỹ lưỡng nhứt có thể mọi nguồn tư liệu khác nhau có được, là cố gắng giới thiệu những kiến giải hay bước đầu kiến giải về các tra vấn đa dạng và thường đan chéo nhau trong phạm vi một cách chép sử toàn diện.

3. Nội dung và kết luận

Công trình nghiên cứu của tôi gồm ba phần. Trong phần đầu, tôi xác định bối cảnh, bắt đầu bằng mô tả và phân tích vị trí phụ nữ và vấn đề giới trong những truyền thống Việt mà tôi tái hiện trong lấp lánh sắc thái dị biệt.

Trong di sản quá khứ, đầu tiên tôi phân tích tên gọi và cách người ta xưng hô với người phụ nữ Việt. Sự hiện hữu của một cái tên (của cá nhân) ngày càng có nghĩa là dấu hiệu sự thừa nhận con người cá thể, mà người nữ đã được hưởng muộn hơn người nam. Bất bình đẳng giới cũng rõ ràng trong quan hệ nam-nữ, khi người nam tự xưng và được gọi là “anh” so với người nữ là “em”. Từ dùng để xưng hô chứa muôn vàn sắc thái. Không phải lúc nào chúng cũng biểu thị sự coi nhẹ, đánh giá thấp; có khi chúng cũng biểu đạt nể vì nhưng vẫn thường nhấn mạnh quan hệ giữa người nữ với các thành viên khác của cộng đồng và như vậy, làm dài ra con đường đến chỗ cá thể nữ trỗi dậy được.

Tôi đã sử dụng cả ca dao, tục ngữ,[7] và các tác phẩm văn học cổ điển để tìm cách tái hiện đúng những truyền thống văn hóa Việt liên quan đến phụ nữ trong chiều kích lịch sử của chúng. Sau đó, tôi đã giới thiệu các tác nhân và véc-tơ của hiện đại hóa, trong đó hàng đầu là giáo dục công, nhưng cũng có vô số chất men khác như báo chí, văn học hiện kim, việc phụ nữ có nghề có nghiệp, tham gia đấu tranh, … Tôi nhấn mạnh là dân thuộc địa nữ và nam đều không chỉ thụ động thụ hưởng hay bị thiệt thòi từ chánh sách giáo dục thực dân, mà ý chí của các gia đình và chọn lựa cá nhân tỏ ra có tầm quyết định hơn đối với quá trình học vấn và thành nhân của học sinh, kết quả học tập và ảnh hưởng của học vấn đối với từng số phận con người. Vượt qua muôn vàn trở lực, một từng lớp nữ trí thức đã xuất hiện.

Liên quan đến cách thế mà nho giáo đã thấm nhuần các nguyên tắc đạo lý, thực tế tâm lý và ứng xử của con người cụ thể, tôi đã lưu ý về tính đặc thù của miền Nam (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm Trung kỳ vì là đất Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, nghĩa hẹp là Nam kỳ lục tỉnh) trong tiến trình hiện đại hóa. Chương III của luận án dự kiến đáng lẽ dài hơn. Ý định ban đầu của tôi là phân tích đặc điểm văn hóa của từng vùng miền mỗi “xứ” Việt trong Đông Dương. Nhưng tôi kịp thời nhận ra là đi quá sâu vào chi tiết sẽ dẫn mình xa chủ đề chính, nên rốt cuộc tôi chỉ nhấn mạnh tính đặc thù và tốc độ tiến hóa khác biệt trong phạm vi lãnh thổ mà hai yếu tố nầy bộc lộ. Bởi tính không-đồng-nhứt thiệt ra có thể truy nguyên từ tiền thuộc địa, mãi từ thời cư dân Việt trên đường Nam tiến đã xa rời cái nôi văn hóa gốc tiến về các vùng văn hóa Chăm, Khơ-me, đáng lẽ có thể dành một phần khác của chương nầy nói riêng về vùng đất của Đàng Trong mà sau trở thành Trung kỳ thời Pháp thuộc. Nhưng vì thiếu thời gian, tôi đã để chương III có độ dài không cân đối so với các chương khác; chí ít có lợi là nó tập trung vào đặc thù của Nam kỳ, là nơi quả thật đã diễn ra trên bình diện rộng của bối cảnh xã hội sự thức tỉnh đầu tiên về các vấn đề phụ nữ và nữ quyền.

Trong phần hai, tôi phân tích các hình tượng phụ nữ từ các nguồn tư liệu của sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là văn học. Tiểu thuyết và truyện ngắn cung cấp chứng tích sự thăm dò những khả năng mới trong quan hệ lứa đôi, trong quan niệm về phẩm hạnh phụ nữ cũng như trong ứng xử của từng thành viên của gia đình nhỏ và đại gia đình. Tiểu thuyết mô tả lập trường ít nhiều cách mạng của phụ nữ có học thức, những cư xử phục tùng hay nổi loạn của họ (chương IV); thơ bộc lộ những chuyển biến ở bề sâu trong cảm xúc thanh niên nam nữ (chương V). Ở chương VI tôi giới thiệu đường đời của một số phụ nữ. Tiêu chí chọn lựa đầu tiên của tôi là có tư liệu tiếp cận được; từ điều kiện cần đó, tôi hết sức đa dạng hóa các mẫu người tiêu biểu. Có những nữ chiến sĩ quốc gia và cộng sản, có cô giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, chủ nhà xuất bản và phu nhân những trí thức lớn.

Phần cuối của luận án trả lời trực tiếp câu hỏi: trong chừng mực nào người ta có thể nói về một – hay nhiều – chủ nghĩa nữ quyền Việt đã lộ diện trước Cách mạng Tháng Tám 1945? Công trình nghiên cứu của tôi đã cho phép xuất lộ hàng loạt ý tưởng khai phóng, hành vi sáng tạo và truy vấn nguồn cội của chúng. Đã có thể tường trình về sự hiện hữu của chủ nghĩa nữ quyền Việt đích thực, phác họa bức tranh toàn cảnh và một tổng kết ban đầu.

Trước hết, tất cả các hoạt động của nữ giới trong nhiều lãnh vực văn hóa và chánh trị, xã hội đều có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng ít nhiều về nữ quyền. Sự phân biệt các lãnh vực chẳng qua nhằm trình bày cho rõ hơn, chớ thiệt ra các nhân vật nữ và nam đều thường cũng là từng ấy người: những nhà canh tân giàu lòng yêu nước, hay những người yêu nước sâu vững một niềm tin là các cuộc cải cách văn hóa, xã hội đều có ý nghĩa chánh trị, bởi chúng khuyến khích sự tiến hóa về vai trò và năng lực đóng góp của phụ nữ vào cuộc đấu tranh vì lẽ sống còn của dân tộc. Chẳng hạn, trong chủ nghĩa nữ quyền về văn hóa, tôi đã giới thiệu người tiên phong và ngọn cờ đầu của báo chí đấu tranh cho nữ quyền, báo Phụ nữ tân văn, một dự án nhà văn hóa phụ nữ (lúc đó gọi là Nữ lưu học hội) cũng do nhóm Phụ nữ tân văn chủ xướng và một số thông tin về phụ nữ và thể thao. Trong chủ nghĩa nữ quyền chánh trị xã hội, tôi đề cập vấn đề xã hội hóa việc sinh sản, nuôi con và làm việc nhà. Người đã để lại số lượng sách báo đồ sộ và những hoạt động thực tiễn không kém ấn tượng là Đạm Phương nữ sử, nhà giáo dục có tính cách tân đáng kinh ngạc; tôi nhận diện ở bà một nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình. Là mẹ và là bà của hơn một thế hệ thanh niên trí thức nam và nữ, tất cả đều được bà cho học lấy một nghề để mưu sinh, sống tự lập hay đã dấn thân hoạt động cách mạng, suốt đời bà chuyên tâm đào tạo và tổ chức đào tạo nhiều nhà giáo dục nữ khác, chia sẻ với họ tri thức, năng lực giáo dục và niềm tin rằng “giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta. Giáo dục là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người”.[8] Phát biểu nầy đúc kết tuyệt diệu sự hài hòa giữa truyền thống nhân bản trong đào tạo ban đầu của bà trên nền tảng nho giáo và chủ nghĩa cách tân mạnh mẽ của một người tự học (autodidacte) đã mở trí, mở lòng tiếp nhận tri thức hiện đại quốc tế. Bà Đạm Phương cũng là Chủ tịch sáng lập Nữ công học hội, có nhiệm vụ “giáo dục nghề nghiệp cho chị em (…) đồng thời đó sẽ là cơ sở tổ chức để chị em đến gặp gỡ nhau cùng trao đổi và bàn bạc về quyền lợi của giới mình, là diễn đàn để bênh vực những quyền chính đáng của phụ nữ”.[9]

Dưới đề mục chủ nghĩa nữ quyền chánh trị phi bạo lực, tôi ghi nhận các hoạt động đấu tranh đòi quyền bầu cử, thiết kế các quyền chánh trị khác, hay sự khẳng định lập trường của nữ giới đối với đàn ông trong hoạt động chánh trị. Cuộc đấu tranh chánh trị “thông qua đức ông chồng” hình như là cám dỗ dai dẳng đối với các nhà hoạt động nữ quyền ở Sài Gòn và là một phương thức độc đáo để tự khẳng định. Cũng dưới đề mục nầy có thể nêu các cuộc bãi khóa của nữ sinh và sự tham gia của phụ nữ các từng lớp vào phong trào Đông Dương đại hội.

Phụ nữ tự nhiên là có mặt hùng hậu trong đấu tranh chống thực dân, hoạt động công khai hay bí mật. Cả các chiến sĩ quốc gia và cộng sản đều xướng xuất giải phóng phụ nữ, hướng mạnh đến việc huy động lực lượng bổ sung nầy tham gia phong trào ái quốc. Sự đề cao phụ nữ đi liền với mục đích “dân tộc hóa”[10] được phát biểu công khai. Hay như Đường Kách mệnh, tài liệu huấn luyện của Thanh niên[11] xác quyết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới Việt Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ quốc tế chỉ bảo.” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sự Thật, Hà Nội, 1981, t. 2, tr. 219). Vài nữ đảng viên cộng sản thế hệ đầu (Nguyễn Trung Nguyệt, Nguyễn Thị Minh Khai) đã tìm cách tổ chức phụ nữ với tư cách giới và qua đó, huấn luyện tư tưởng nữ quyền cho họ. Hiện chưa đủ thông tin để mô tả các tổ chức nầy, tường thuật và đánh giá kết quả hoạt động của chúng. Tuy nhiên có thể nhận thấy một mặt là sự năng động đáng nể và mặt khác là sự tồn tại vừa phù du vừa ngoại lệ của chúng, có phần vì khủng bố thực dân song cũng có phần do tổ chức cách mạng đưa chúng vào khuôn phép và do sự thận trọng hơi quá e dè của một số cán bộ nam.

Trải nghiệm từ cuộc sống thực và suy nghĩ riêng tư của các nữ chiến sĩ cách mạng xác nhận về phía họ, khoảng cách vẫn tồn tại giữa ý tưởng cách mạng được phát biểu (trong tư tưởng và những gì họ viết) chống lại những nguyên tắc áp bức phụ nữ (chẳng hạn của nho giáo) và sự giải phóng đích thực trên bình diện cá nhân; không phải tất cả các nữ chiến sĩ, kể cả những người gan góc và từng trải nhứt đều có thể vượt qua khoảng cách đó nhẹ nhàng, thanh thản như nhau.

Trong phần tổng kết, tôi cũng trình bày kết quả bước đầu khảo sát việc sử dụng các thuật ngữ chủ nghĩa nữ quyền (féminisme) và nhà hoạt động nữ quyền (féministe), cùng một cách tiếp cận theo thế hệ. Vai trò tiền phong trong phong trào đấu tranh nữ quyền đúng nghĩa và nỗ lực xây dựng lý thuyết cho xu hướng tư tưởng mới nầy thuộc về cơ quan ngôn luận đã được thành lập vào tháng 5 năm 1929 nhằm chính các mục đích đó, tuần báo Phụ nữ tân văn. Tôi đủ chứng cứ xác quyết rằng những người đàn bà và đàn ông đề xướng khái niệm nầy tại Việt Nam đã tư duy chủ nghĩa nữ quyền từ thuật ngữ Pháp; tôi đã liệt kê và phân tích, đối chiếu các cách dịch và cách hiểu khác nhau trong tiếng Việt tùy người sử dụng và sắc thái mà mỗi người gán cho từ féminisme. Một nhà hoạt động nữ quyền vừa thuộc hàng trẻ nhứt vừa kiên quyết cách tân nhứt là Nguyễn Thị Kiêm (1914-?), cựu nữ sinh Nữ học đường Sài Gòn (trường Áo Tím) và phóng viên báo Phụ nữ tân văn định nghĩa: “Thế thì tân tiến, nếu thiệt trúng nghĩa féministe, là thế nào? Tức là người nào hiểu, xét rõ tình cảnh địa vị của phụ nữ trong xã hội, rồi đứng ra binh vực lợi quyền cho phụ nữ là hạng bị áp chế từ xưa tới nay, đứng ra dìu dắt, khuyến khích, cổ động, thế nào cho trình độ sự sống của phụ nữ về vật chất, tinh thần được ngang nấc của đàn ông trong xã hội”.[12] Ngoại trừ cái ý chí gánh vác trách nhiệm với cộng đồng và với chị em bạn gái, những người phụ nữ tân tiến (một trong những cách dịch ôn nhu thuật ngữ féministe), “cả gan muốn sống như đàn ông” (Nữ sĩ…, tr. 99), theo cô Kiêm, chỉ đơn giản là những “người đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ”.[13] Như vậy, cô kết luận: “Chị em tân tiến chúng tôi chỉ đi theo con đường của các ông đi rồi mà thôi. Vậy là xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm một người trong xã hội.” (Nữ sĩ…, tr. 109)

Tôi nhận diện ba thế hệ phụ nữ tân tiến đấu tranh vì nữ quyền. Những người đầu tiên đã vượt qua giới hạn của thế hệ mình và truyền ngọn đuốc cho thế hệ sau chính là các phụ nữ đầu thế kỷ XX, hầu hết là vợ, con gái các sĩ phu duy tân. Họ là cô giáo, học sinh các trường học duy tân hoặc đã hy sinh tạo điều kiện cho chồng theo đuổi công cuộc chống thực dân. Những người trẻ trong số họ trực tiếp tham gia các đảng dân tộc hay cộng sản, những người khác đầu tư vào con cái, chẳng hạn thân mẫu ông Nguyễn Văn Huyên. Thế hệ thứ hai là những nữ tiên phong tự mình giương cao ngọn cờ đấu tranh nữ quyền. Trong đó có những người xuất thân thế gia vọng tộc như bà Đạm Phương, những nữ phóng viên mà người đương thời cảm phục, quý mến gọi là những người “hoàn toàn Âu hóa” như Nguyễn Thị Kiêm, hay những nữ đảng viên cộng sản như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt. Thế hệ thứ ba là những học trò trẻ tuổi hơn của họ hoặc các nữ đồng chí đàn em trong chiến đấu.

Trong một phân chương nhan đề “Góc nhìn khác và kinh nghiệm chia sẻ”, tôi tường thuật tư tưởng và lập trường của những người đàn ông ít nhiều theo chủ nghĩa nữ quyền. Có người vẫn hoài niệm truyền thống, song thực sự tôn trọng người đàn bà và giới nữ. Có người kiên quyết cách tân hơn. Phan Bội Châu (1867-1940) và Nguyễn An Ninh (1900-1943) thuộc hai thế hệ khác nhau. Phan là sĩ phu duy tân, người khởi xướng phong trào duy tân ở Bắc và Trung kỳ vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn An Ninh có cha là Nguyễn An Khương cũng rất tích cực trong công cuộc Minh tân ở miền Nam; ông Ninh được cha gởi sang Pháp du học. Tốt nghiệp cử nhân Luật, ông về nước toàn tâm cho nghiệp làm báo tranh đấu và trở thành người trí thức, nhà cách mạng chuyên nghiệp có ảnh hưởng lớn nhứt và được dân chúng Nam kỳ thương mến nhứt trong những năm 1923-1940. Khi tìm cách huy động phụ nữ tham gia đấu tranh chống thực dân, tham gia cải cách xã hội, thậm chí theo hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi người theo cách của mình, Phan Bội Châu và Nguyễn An Ninh đều đưa sự thừa nhận vai trò chánh trị xã hội của phụ nữ lên một tầm cao khác. Họ không phải là những trường hợp ngoại lệ, mà là những lá cờ đầu trong một xu thế chung được khẳng định mạnh mẽ.

Chủ nghĩa hiện đại[14] Việt có nguồn gốc tư tưởng từ bên ngoài. Các bài viết đương thời thường nói về “làn sóng nữ quyền sôi nổi” khắp năm châu bốn biển. Làn sóng ấy đã tràn đến, va đập vào bờ bến Việt như thế nào? Thông tin và tư tưởng nữ quyền thế giới đã ảnh hưởng ra sao đến ý thức giới mới trỗi dậy trong lòng xã hội Việt? Với điều kiện tiếp cận hạn chế từ trong nước, tôi chưa đủ dữ liệu cho một câu trả lời toàn vẹn. Song tôi đã bước đầu nhận diện vài lãnh vực trong đó tư liệu Việt còn lưu dấu những giao lưu. Tân thư[15] đã tới tay những nhà cách tân (chữ modernistes theo tôi có thể dịch là người theo chủ nghĩa hiện đại, như đã giải thích ở chú thích 14, nhưng tạm dùng từ thông dụng nhà cách tân cho dễ hiểu) tiền phong từ giữa thế kỷ XIX; nhưng chỉ tới đầu thế kỷ XX, một thế hệ người đọc Việt Nam mới từ đó rút ra được những tư tưởng và giá trị mà, cộng với chủ nghĩa bình đẳng (égalitarisme) ăn sâu trong văn hóa truyền thống[16] đã làm nảy sinh những ý tưởng thuận lợi cho việc huy động phụ nữ vào sự nghiệp yêu nước và canh tân. Từ những năm cuối thập niên 1910 ở miền Nam – thông qua những tờ báo như Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm – và nhứt là trong ba thập kỷ tiếp theo, các luồng thông tin và tri thức do báo chí chuyển tải đã bổ sung cho giáo dục nhà trường để thổi bùng sinh khí mới trong đời sống văn học, tạo thuận lợi cho sự phát triển chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa nữ quyền. Tuy chưa có điều kiện xác định thật rõ ràng, đầy đủ các nguồn tư liệu được người đương thời khai thác, tôi vẫn cảm nhận các báo, tạp chí phụ nữ và nữ quyền của Việt Nam cũng như báo chí Việt nói chung sử dụng rộng rãi các bài đăng trên báo, tạp chí nước ngoài, đặc biệt từ Pháp, Trung Hoa và Ấn Độ. Trí thức Việt lỗi lạc nam và nữ nhiều người tham gia viết báo, làm báo; phần lớn họ hăng hái dùng tri thức của mình diễn giải các lập luận làm căn cứ bảo vệ bình đẳng nam nữ. Họ cũng quan tâm cung cấp hiểu biết pháp lý có ích cho phụ nữ hoặc thông tin cho độc giả về những tiến bộ luật pháp thuận lợi cho phụ nữ.

Ngoài ra, báo chí phụ nữ và nữ quyền còn quan tâm đến những phong cách cư xử giống hoặc khác với phong tục tập quán Việt; họ thích thú với chân dung (hình thật hoặc chân dung trí thức, tinh thần), hành trạng phụ nữ trên thế giới, nhứt là những phụ nữ có thành tích nổi bật về phương diện nào đó. Người ta bắt chước và Việt hóa những cách cư xử của người Pháp, từ vệ sinh, dưỡng nhi, cách nấu ăn đến tập tục cây Noël[17], v. v... Nữ văn hào, nữ khoa học gia và phụ nữ có thành tích đặc biệt khác đều là những tấm gương mà báo chí phụ nữ Việt tận dụng để giáo dục ý thức giới. Họ cũng quan tâm theo dõi các hoạt động nữ quyền quốc tế. Phụ nữ tân tiến Việt đã có những tiếp xúc hứng khởi với vài nhà hoạt động nữ quyền Pháp trong đó có nhà dân tộc học Suzanne Karpelès. Họ thường xuyên theo dõi thông tin về những gì xảy ra tại các nước láng giềng, nhứt là Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật về chuyển biến văn hóa hay trong phong tục tập quán. Nhờ giao lưu thông tin và ý tưởng do báo chí phụ nữ và nữ quyền chuyển tải, ý thức giới tiến hóa nhanh và đa dạng hóa phong phú.

Tóm lại, phụ nữ Việt tự khẳng định trong nhiều lãnh vực hoạt động; họ bắt đầu hình thành khái niệm và lập thuyết về bình đẳng giới, về vị trí, vai trò phụ nữ trong gia đình, xã hội; họ thực sự có vai trò chánh trị với tư cách là phụ nữ. Chủ nghĩa nữ quyền Việt, trong các dạng thức và xu thế khác nhau của nó, luôn đứng hẳn về phía chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa yêu nước; sức thuyết phục của nó đối với những phụ nữ khác và những nhân vật có uy tín trong xã hội và các gia đình cũng phần lớn từ đó mà có. Nhưng nó không vì vậy mà mất đi bản sắc riêng; nó vẫn không kém tập trung vào các mục tiêu chuyên biệt về nữ quyền.

Khi khẳng định bản sắc giới, đa số các nhà nữ quyền Việt thiên về dung hòa. Tôi đã giải thích trong luận án các nguyên nhân văn hóa, lịch sử và tình thế của lựa chọn đó. Khẳng định mình, không phải bằng cách đối đầu, đối lập, càng không phải loại trừ một mất một còn mà cùng với giới kia, với các thế hệ đi trước hoặc trẻ hơn, với những con người sống trong hoàn cảnh khác mình hay có những thang giá trị khác, thái độ đấu tranh đó giả định một tinh thần khoan thứ rất lớn. Đây là một trong những nét độc đáo quan trọng của cách thế mà nữ giới Việt tự khẳng định mình. Tuy nhiên, điều nầy không hề ngăn cản họ xác lập mạnh mẽ sự độc lập, tự chủ. Muốn tự chủ họ ắt phải cách mạng các quan hệ với tha nhân. Họ có tự giải phóng được ở bình diện cá nhân không? Thông qua nhiều cách tiếp cận (hình tượng văn học, sân khấu, hành trạng của những người phụ nữ cụ thể, v. v…) tôi nghĩ mình có căn cứ để khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của cá thể nữ trong những năm từ 1918 đến 1945.

Những gì tinh thần nữ quyền đạt được thật căn cơ. Điều cốt yếu và có hiệu quả bền vững lâu dài, là sự chánh đáng của quyền được học để nên người. Học vấn là quan trọng, điều đó xưa nay vẫn được thừa nhận trong các xã hội nho giáo. Nhưng học vấn là quan trọng sống còn đối với nữ giới, đó là nhận thức mới, là một lập luận mạnh mẽ của các nhà cách tân, các nhà ái quốc mỗi người theo cách riêng của mình. Trở thành một con người xứng đáng làm người, theo các trào lưu chủ đạo trong công luận nữ quyền những năm 1918-1945, có nghĩa tự khẳng định mình là người phụ nữ hữu dụng biết giúp ích cộng đồng, trước hết bằng cách tham gia đấu tranh chống thực dân. Chỉ vài người phụ nữ, như nhà hoạt động nữ quyền Đạm Phương biết song song đó quan tâm đến việc “tạo thành cái hạnh phúc cho cá nhân” (Tuyển tập, sđd, tr. 42). Sự mưu cầu hạnh phúc đó, thấp thoáng kín đáo, chưa bao giờ cản trở mục tiêu ưu tiên là chung vai gánh vác sơn hà, đền nợ nước.

Tình thế chánh trị xã hội những năm từ 1920 đến 1945 thuận lợi cho phụ nữ tham gia việc chung; sự tham gia nầy lại góp phần làm phong phú, đa dạng hóa các phương tiện đấu tranh và các chủ đề nữ quyền được nêu lên. Ba thế hệ phụ nữ mới và/hoặc nhà đấu tranh nữ quyền mà chúng ta đã nhận diện thiệt ra tương ứng với ba thế hệ đã có vai trò tích cực trên trường chánh trị xã hội Việt. Những người nam, người nữ đó đồng thời là những người đề xướng và tiền phong trong tư tưởng, hành động cách tân và đấu tranh cho nữ quyền. Về phần cuộc đấu tranh chống thực dân, nửa đầu thế kỷ XX là thời điểm mà cuộc đấu tranh nầy diễn ra dưới nhiều dạng thức, cả đấu tranh hòa bình bằng con đường canh tân kinh tế, văn hóa, xã hội và đấu tranh bạo động bằng hoạt động khởi nghĩa hay lật đổ. Dạng thức nầy không loại trừ, cũng không mâu thuẫn với dạng kia. Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Kiêm từng rải truyền đơn trong một cuộc họp của phong trào Đông Dương đại hội. Nguyễn Thị Minh Khai, bí thư Thành ủy Sài Gòn của Đảng Cộng sản, tha thiết và quyết liệt bảo vệ quan điểm nữ quyền của mình trong cuộc bút chiến công khai trên cột báo Dân chúng. Như vậy, việc nghiên cứu về chủ nghĩa nữ quyền Việt đã đưa tôi đến chỗ đặt lại vấn đề không chỉ về lằn ranh nam-nữ mà cả một vài lằn ranh khác, vào loại căn cơ nhứt của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Tuy nhiên, vì sao ngọn lửa đấu tranh lại bùng phát lẫm liệt rồi nhanh chóng lụi tàn? Tôi đã xem xét vấn đề nầy từ hai phía. Một mặt nhấn mạnh những yếu tố có thể lý giải sự trỗi dậy mãnh liệt của ý thức giới từ mảnh đất có vẻ như không phải đất lành, rồi sự đơm hoa rực rỡ của những ý tưởng và giải pháp được đề xuất cho vấn đề phụ nữ; mặt khác thử tìm nguyên nhân tính chất phù du của những biểu hiện đấu tranh nữ quyền đầu tiên.

4. Vài hướng nghiên cứu để đi xa hơn

Không thể nào, càng không thể bằng một nghiên cứu đơn độc mà khám phá được tất cả các hướng mở ra quanh một chủ đề dù xác định rõ tới đâu. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếc vì thiếu thời gian nên chưa trình bày được vài vấn đề khác đã tìm hiểu khá tận tường. Chẳng hạn, trong một phân chương chưa kịp viết của chương IV (đã được đặt nhan đề Và dáng vẻ bề ngoài của người phụ nữ hiện đại), tôi từng có ý định kể lại chuyện hàm răng (để trắng hoặc cà đi cho trắng thay vì nhuộm đen), mái tóc (cắt ngắn chớ không còn để “dài ba vòng một ngọn đúng kiểu tiểu thơ”) và nhứt là câu chuyện kỳ thú về lịch sử chiếc áo dài Việt. Từ một trang phục cổ truyền đã được các họa sĩ trẻ của Tự lực văn đoàn cách tân mạnh và sâu theo tinh thần chủ nghĩa cá nhân Tây phương và tư tưởng nữ quyền (tự do phô bày vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, cho phép họ thoải mái và đa dạng trong trang phục ở những môi trường hoạt động khác nhau) vào những năm 1934-1936, lúc đầu, nhứt là ở miền Bắc nó bị coi là một trang phục quá sức Âu hóa để có thể được chấp nhận ở người phụ nữ đoan trang. Vậy mà chỉ không đầy ba mươi năm sau, từ thập niên 1960 tới nay nó đã trở thành biểu tượng chẳng những của “nữ tính Việt” mà còn của những “truyền thống” được hùng hồn bảo vệ bởi những người chống lại hiện đại hóa ngày nay khi họ lo sợ người (phụ nữ) Việt sẽ bán linh hồn cho quỷ dữ – bây giờ là con quỷ toàn cầu hóa! – nếu chẳng may chúng ta thờ ơ với chiếc áo dài. Vì không có thì giờ viết, tôi đã bỏ bớt phân chương nầy, chỉ còn sót cái nhan đề, do máy tính ương ngạnh lợi dụng sự quờ quạng hay vô ý vì gấp rút của tôi.

Trong phần Kết luận tôi đã nêu vài hướng đáng lẽ phải được đào sâu hơn. Chẳng hạn, nghiên cứu kỹ hơn về xuất phát điểm trước thời Pháp thuộc ở Bắc và nhứt là Trung kỳ, để tìm hiểu rõ hơn vì sao và bằng cách nào Nữ công học hội đã có thể chào đời ngay tại cố đô và để nắm bắt cụ thể hơn cái môi trường văn hóa xã hội từ đó đã bật ra lẫm liệt những nhân cách nữ như Đạm Phương nữ sử hay bà Trần Thị Như Mân (phu nhân học giả Đào Duy Anh). Hay, ngược lại, phân tích những hậu quả tai hại của cái mới, đặc biệt đối với phụ nữ, những nguyên nhân giải thích vì sao nhiều người tỏ ra e dè hay chống lại sự hiện đại hóa quan hệ nam-nữ. Tôi cũng đã phải từ bỏ ý định ban đầu nghiên cứu từ nhiều góc nhìn đan xen, chẳng hạn từ phía người Pháp, một hướng nghiên cứu vẫn đầy hứa hẹn. Văn hóa Á châu mà người Việt chia sẻ với phụ nữ các quốc gia láng giềng trong khu vực là một hướng nghiên cứu khác đáng quan tâm; sự đối chiếu các chiến lược tương đồng hay dị biệt trước các vấn đề chủ nghĩa thực dân và tiến trình hiện đại hóa sẽ phát lộ nhiều bài học phong phú. Cuối cùng, sự thể nghiệm thành công việc sử dụng phương pháp luận và các công cụ nghiên cứu hình thành từ lịch sử phụ nữ và chủ nghĩa nữ quyền phương Tây mở ra triển vọng nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội xuyên quốc gia. Phương thức nghiên cứu nầy có thể dịch chuyển, xóa mờ những lằn ranh Đông-Tây, Âu-Á như chúng ta từng dịch chuyển và tra vấn các lằn ranh khác.

Với gánh nặng trách nhiệm nghề nghiệp và một số ràng buộc riêng tư, tôi đã không thể dành toàn thời gian cho dự án nghiên cứu nầy. Nhưng trong suốt bảy năm theo đuổi từ khi xác định đề tài, tôi tự xét mình đã làm việc có phương pháp và hết sức cẩn trọng, cố tránh trong chừng mực có thể những nhận xét cạn cợt hay kết luận vội vàng. Còn lại, người nghiên cứu lịch sử biết điều ắt phải nhận trách nhiệm về những thiếu sót và bất cập của mình cũng như phần chủ quan không tránh khỏi.

Bùi Trân Phượng

Chú thích

[1] Khá trễ tôi mới biết quyển sách Việt Nam phía nữ giới (Le Việt Nam au féminin), Les Indes savantes, Paris, do Gisèle Bousquet và Nora Taylor chủ biên năm 2005 và phấn khởi với cách tiếp cận liên ngành thú vị; sách nầy chủ yếu đề cập đến cái tôi gọi là làn sóng thứ hai và thứ ba trong lịch sử chủ nghĩa nữ quyền Việt Nam.

[2] Một ngoại lệ, nhưng đáng nể: Trịnh Văn Thảo đã dành cho lãnh vực học thuật nầy gần 700 trang của hai công trình nghiên cứu xã hội học Việt Nam từ nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản (Vietnam du confucianisme au communisme), L’Harmattan, coll. Recherches Asiatiques, Paris, 1991 và Nhà trường Pháp ở Đông Dương (L’école française en Indochine), Karthala, Paris, 1995.

[3] Một ngoại lệ khác, cũng về xã hội học: Nguyễn Văn Ký, Xã hội Việt đối mặt với hiện đại, Bắc kỳ từ cuối thế kỷ XIX đến chiến tranh thế giới thứ hai (La société vietnamienne face à la modernité, Le Tonkin de la fin du XIXè siècle à la seconde guerre mondiale), L’Harmattan, Paris, 1995.

[4] Được thành lập năm 1992 tại Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, khoa nầy về sau đã đổi tên chung chung là Khoa Xã hội học.

[5] “Đối sách hòa của Nguyễn Trường Tộ trước thách thức phương Tây vào giữa thế kỷ XIX (La politique de paix préconisée par Nguyên Truong Tô face au défi de l’Occident au milieu du XIXe siècle)”, luận văn Cao học bảo vệ năm 1994 tại Đại học Paris VII.

[6] Đương thời Tự lực văn đoàn thực sự là thủ lãnh của phái canh tân. Các tác giả và tác phẩm thuộc văn đoàn nầy bị lãng quên ở miền Bắc từ 1954 đến 1975 và trong cả nước từ 1975, lý do là các hoạt động chánh trị của một số thành viên trong nhóm. Tình hình đã ít nhiều được cải thiện trong những năm gần đây.

[7] Trong Việt Nam phía nữ giới (Le Viêt Nam au féminin) do G. Bousquet – N. Taylor chủ biên, mà sau khi hoàn thành luận án tôi mới được đọc, tôi rất thích bài viết của Nelly Krowolski và Nguyễn Tùng, “Phụ nữ và truyện tiếu lâm Việt (Femmes et “forêt de rire”: les femmes à travers les contes à rire au Viêt Nam)”. Bài nầy cung cấp những thông tin đồng quy với những gì tôi đã giới thiệu thông qua ca dao.

[8] Lê Thanh Hiền (sưu tầm, biên soạn, giới thiệu), Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 211.

[9] Nguyễn Khoa Diệu Biên, Nguyễn Cửu Thọ, Đạm Phương nữ sử 1881-1947, Trẻ, Tp. HCM, 1995, tr. 93.

[10] Nationalisation là thuật ngữ được nhà nghiên cứu lịch sử phụ nữ người Pháp Françoise Thébaud tiên phong sử dụng để “nhấn mạnh việc mỗi quốc gia, bằng nhiều phương thức khác nhau, tìm cách huy động phụ nữ phục vụ tổ quốc khi có chiến tranh, có cách mạng hay cần gia tăng dân số, v.v… Lúc đó phụ nữ không còn chỉ bị nhốt trong khuôn khổ gia đình (hoặc đời sống gia đình cũng bị/được chánh trị hóa) mà trở thành người đối thoại của nhà nước; tình hình nầy có thể dẫn đến kết quả tốt nhứt hay tồi tệ nhứt.” Trích thư trả lời ngày 11/7/2007 của Françoise Thébaud cho câu hỏi của tôi.

[11] Tên tắt thường dùng của Việt Nam Thanh niên cách mệnh đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 tại Quảng Châu.

[12] Diễn thuyết của Nguyễn Thị Kiêm tại Nam Định ngày 3/11/1934 với đề tài “Có nên tự do kết hôn không?”, in lại trong Thanh Việt Thanh-Thiện Mộc Lan, Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 118-119. Một định nghĩa khác, cũng của cô Kiêm: “Mục đích của hạng tân tiến là thờ chủ nghĩa phụ nữ. Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ ra khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình.” Diễn thuyết tại Hội Quảng Tri, Huế tối 8/5/1934, với đề tài “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tân tiến”, đăng lại trong Phụ nữ tân văn, số 243 ngày 24/5/1934, in lại trong sđd, tr. 100.

[13] Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết tại Hà Nội ngày 8/9/1934, do Hội Nam kỳ tương tế tổ chức. Chủ đề “Một ngày của một người đàn bà tân tiến” được chính diễn giả phụ chú bằng tiếng Pháp La journée d’une féministe. Bài đăng lại trong Phụ nữ tân văn, số 259 ngày 20/9/1934, in lại trong Nữ sĩ…, sđd, tr. 108.

[14] Xin phép dùng từ nầy để dịch modernisme, hàm ý đây không chỉ là phong trào cải cách, canh tân (càng không phải xu thời theo ảnh hưởng văn minh phương Tây) mà có tư tưởng, có những nhà lập thuyết và những hoạt động đồng quy hướng tới mục tiêu hiện đại hóa Việt Nam về nhiều mặt chánh trị, văn hóa, xã hội.

[15] Từ thông dụng chỉ sách báo chữ Hán phổ biến tri thức mới về các quốc gia phương Tây, bộc lộ những cơ chế giải thích sức mạnh kinh tế và quân sự của họ, giới thiệu triết học chánh trị của họ làm nền tảng cho một xã hội có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hóa và cường thịnh.

[16] Tôi đã chứng minh ý nầy trong phần đầu của luận án.

[17] Chẳng hạn, “cây mùa Xuân” ở miền Nam có nguồn gốc từ cây Noël, được Việt hóa để từ tập tục tôn giáo và nghi lễ sum họp gia đình của người Pháp trở thành sự chia sẻ với người nghèo, trẻ em bất hạnh vào dịp Tết nguyên đán Việt. Ý tưởng do một nhà báo nam của báo Công luận nêu ra, được nhóm Phụ nữ tân văn thực hiện lần đầu vào dịp Tết năm 1933.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...