Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Thăm di chỉ thành Dền.

Hôm nay, sau mấy bài báo đưa tin về hạt thóc trong tầng văn hóa Đồng Đậu ( có niên đại cách ngày nay từ 3500-3000 năm) tại di chỉ thành Dền nẩy mầm khiến dư luận và báo chí xôn xao. Riêng tôi vì thường xuyên vào blog của PGS.TS Lâm Mỹ Dung nên được biết chuyện này ngay từ đầu. Vì cũng đã từng có lần tham gia khai quật khảo cổ và có nhiều bè bạn làm nghề khảo cổ, tôi biết việc tìm thấy hạt thóc không nhiều và ngay khi mới phát hiện thấy thóc trong hố khai quật tôi đã hỏi TS Dung là "ai chọn chỗ khai quật mà mát tay thế?". ( Chắc những người trong nghề đều hiểu rằng, không phải khi nào mở hố khai quật cũng có thể tìm thấy di vật, phát hiện ra di chỉ...) Khi nhìn thấy bức ảnh về hạt thóc nảy mầm tôi đã thầm nghĩ nếu đúng như vậy thì đây sẽ là " một phát hiện chấn động" như TS Nguyễn Hồng Kiên nhận xét. Tuy nhiên vì chưa chứng kiến trực tiếp, cũng không phải chuyên về khảo cổ nên không dám dùng từ " nếu"( đúng) và tôi chỉ dám nhận xét có lẽ đây là "điềm lành" chăng?
Vậy là hôm nay tôi bám theo một đoàn các chuyên gia sang thăm di chỉ thành Dền. Trong đoàn có các chuyên gia về lịch sử, nhà nông học- GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn, GS.TS Địa lý môi trường Trương Quang Hải,GS.TS Địa mạo Đặng Văn Bào và một số TS, Thạc sỹ ngành địa mạo và bản đồ. Trước khi xuất phát các chuyên gia đã nghiên cứu bản đồ tự nhiên khu vực này.


 Chúng tôi ra thẳng hố khai quật. Trên đường vào nơi khai quật, lúa đang chín vàng và hoa bèo nở tím con mương bên ruộng lúa.


Có thể nhận ra nơi khai quật ngay bởi đất lấy từ hố khai quật nổi bật giữa cánh đồng.


Đến nơi chúng tôi thấy đã có một số phóng viên  của VTV1 và các cán bộ của Viện nghiên cứu nông nghiệp do ông viện trưởng  PGS.TS Nguyễn Văn Bộ dẫn đầu, PGS.TS Nguyễn Lân Cường- chuyên gia về cổ nhân học của Viện khảo cổ.  Và TS Lâm Mỹ Dung thì trông khác hẳn những khi lên lớp. Bình thường TS Dung thuộc diện "sành điệu" ,  ăn mặc rất "có gu" nhưng hôm nay bít bùng như một cô thợ cấy:) Nghề khảo cổ là vậy, nên có lẽ con gái ít người dám theo nghề. Cũng thật hiếm có người say mê nghề nghiệp như TS Dung. TS Dung đang giới thiệu về quá trình khai quật và các di vật tìm thấy tại đây cho các chuyên gia :
(Từ phải sang trái là: PGS.TS Nguyễn Lân Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, TS Trần Thanh Hà, chuyên gia  về địa mạo, người đứng trên  thành hố khai quật là GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn.)
Đây là quang cảnh làm việc trong một hố khai quật. Yêu cầu đưa ra là nạo đất thật tỉ mỉ, cần phải dùng tay bóp tơi đất và nhặt lại bất cứ vật gì không phải là đất mùn.


Còn đây là một hố khai quật đã  vét hết các tầng văn hóa.


PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang giới thiệu các hạt thóc đã được tìm thấy như thế nào
Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (áo hoa) trao đổi với các nhà khoa học tại một hố khai quật ở Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng.)

Các chuyên gia đang ngồi quanh nơi phát hiện ra nhưng hạt thóc đã nảy mầm và các chuyên gia về địa mạo của khoa Địa và của Viện Việt Nam học cũng nhất trí rằng trong một địa tầng như vậy, khó có  khả năng đó là những hạt thóc mới lọt xuống.


Sau khi ở chỗ khai quật  các chuyên gia về xem xét các hạt thóc đã tìm được.

(Từ phải sang trái. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, chủ trì khai quật di chỉ Thành Dền, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học phát triển, GS.TS Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn.)
Và đây là các hạt thóc, hạt gạo cháy. TS Lâm Mỹ Dung nhận xét các di vật thực phẩm tìm được hầu hết ở dạng cháy, như gạo, xương cá ...

Hai chuyên gia về nông nghiệp và giống lúa  đều cho rằng có thể khẳng định ngay đây là các giống lúa cổ , còn cổ đến mức nào sẽ chờ kết quả phân tích, xác định niên đại  của các nhà khoa học. PGS.TS Lâm Mỹ Dung cũng cho biết hiện đã thu nhặt được hơn 200 hạt thóc gạo cháy, chỉ có khoảng 10 hạt đã này mầm, có một số hạt có mầm nhưng mầm bị teo, không phát triển, như trên ảnh, chỉ một số hạt mọc lá đang phát triển đã được đưa về các phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Thầy Vũ Tùng cho biết thầy đã ghi hình toàn  bộ quá trình khai quật từ lúc bắt đầu mở hố khai quật đến bây giờ. Và hôm nay là ngày thứ 32 thày bám trụ ở đây. Và chúng ta hãy chờ xem...
Hình ảnh thầy Vũ Tùng đang làm nhiệm vụ:)

Ngày 9/5/20I2
(Vì) hôm qua có bài của anh Hồ Trung Tú lật lại vấn đề này và một cuộc thảo luận nho nhỏ ở đây:
( nên )tôi đưa thêm một số ảnh đã chụp trong chuyến đi này để mọi người hiểu thêm về vấn đề này.
 Đây là ảnh ghi rõ  quá trình khai quật, bóc lớp các tầng văn hóa :

Các lớp văn hóa được lấy đi đã để lại nền đất sinh thổ như thế này



Các hố rác bếp được nạo vét tỉ mỉ bằng bay nhỏ, đưa vào các chậu và rá nhựa như thế này, và theo tôi biết thì PGS.TS Lâm Mỹ Dung đã rất cẩn thận đưa về rửa, đãi bằng nước máy tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ chuyên môn để tránh tuyệt đối lẫn vật lạ từ bên ngoài vào.

PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang làm mẫu giới thiệu với các chuyên gia về địa mạo của Khoa Địa Lý ĐH KHTN về việc các hạt thóc đã được tìm thấy theo cách nào. Và theo đánh giá tại chỗ thì các chuyên gia địa mạo cho rằng trong nền địa mạo như vậy, khó có thể hình dung các hạt thóc mới đã rơi xuống hay do chuột đưa xuống vì không có dấu vết hang chuột hoặc đường đi của côn trùng .

Và như hạt thóc này do chính tay PGS.TS Lâm Mỹ Dung trực tiếp lấy từ tầng văn hóa.

Viện trưởng  Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ đang xem xét các hạt thóc.

Cố GS. Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn cũng xem xét kỹ lưỡng các hạt thóc tìm được. 

Và như đã đề cập ở trên ý kiến của các nhà nông học hôm đó thì những hạt thóc tìm được này  là những hạt thóc cổ.

Bản thân tôi, tuy đã từng trực tiếp tham gia khai quật ( hihi, hồi sinh viên năm nhất) và bây giờ đã trực tiếp đến nơi khai quật, nhưng không dám phát biểu gì vì không phải chuyên môn và cũng không tham gia khai quật ở cuộc khai quật này nên chỉ xin được cung cấp thông tin và những gì quan sát được.

Bonus : Trên xe ô tô khi trở về, các chuyên gia địa mạo cũng cho biết, các vật hữu cơ khi đã tồn tại trong một môi trường đặc biệt hàng trăm năm thì cũng có thể tồn tại hàng nghìn năm nếu môi trường đó không thay đổi. GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn lúc đó cũng  gợi ý có thể các hạt thóc cháy, xương động vật cháy đã tạo ra môi trường yếm khi  và giúp các hạt thóc không bị phân hủy? 
Trong khoa học không có câu trả lời cuối cùng. Đó là bài học đầu tiên của các thầy dạy chúng tôi, những người sẽ / định chọn nghiên cứu Khoa học làm nghiệp của cuộc đời.

4 nhận xét:

  1. He he, Chi ơi sao trước đây không chọn chuyên ban Khảo cổ? Phí quá đấy!

    Trả lờiXóa
  2. Tại vì ông Vận không làm khảo cổ mà làm Lịch sử Việt Nam cận đại!:)

    Trả lờiXóa
  3. Mà thực ra nếu bố đừng ra đi quá sớm như vậy thì chắc gì mình đã làm sử nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Hôm nay, em có đăng lại entry này bên blog em. Cảm ơn chị !

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...