Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Ấn phẩm và quyền lực: Các cuộc thảo luận ở Việt Nam xung quanh vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội, 1918-1934 (1)


 Shawn Mc Hale

Đặng Thị Vân Chi dịch* từ:  Taylor KW  and Jonh. K.Whitmore(1995),  Editor. Essays in to Vietnamse pasts. Cornel University NewYork.
                                                                        
                                          

          Những người nghiên cứu  lịch sử Việt Nam đã quen với lời nói sáo rỗng rằng phụ nữ Việt Nam có nhiều quyền lực hơn phụ nữ Trung Quốc. Tuy vậy các học giả đã phân tích một vài văn bản viết về phụ nữ hoặc do phụ nữ viết trong thời kì thực dân và đã đưa ra một vài nghiên cứu mang tính lịch sử về phụ nữ Việt Nam. Bài luận của tôi xem xét cách mà nam giới và nữ giới thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội bắt đầu hình dung lại vị trí của người phụ nữ trong xã hội và kiểm định vai trò của nền văn hoá in ấn đang nổi lên trong quá trình tái nhận thức này. Tôi tập trung vào các cuộc thảo luận về quyền bình đẳng của phụ nữ và sự giải phóng phụ nữ trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.(1)
                                      Nội dung chính trong bài tiểu luận này là so sánh tập hợp những bài viết trên báo “ Nữ giới chung” năm 1918 với  một tập hợp khác in ở báo “ Phụ nữ tân văn” vào đầu những năm 1930. Năm 1918, những tác giả viết cho “Nữ giới chung” đã lên tiếng về quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong bối cảnh của sự hợp tác Việt Pháp. Đến những năm 1930, những nhà báo chuyên mục của “ Phụ nữ tân văn” đã có những quan điểm tích cực hơn và tham gia sôi nổi vào những cuộc thảo luận về giải phóng phụ nữ. Họ phản đối thái độ cộng tác tầm thường và đôi khi đặt vấn đề nghi ngờ những thể chế cơ bản như là gia đình chẳng hạn, và những giá trị Khổng giáo mà qua đó các thể chế này được nhận thức. Sự xuất hiện của mỗi tập hợp các bài báo này cách nhau khoảng 15 năm, nhưng hiển nhiên là có sự thay đổi lớn trong quan niệm của giới thượng lưu về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
                                      Những bài viết mà tôi khảo sát, những ví dụ về những bài phê bình đương thời về xã hội Việt Nam cũng minh hoạ cho chiều sâu của cuộc khủng hoảng do cuộc đụng độ thực dân gây nên. Trong suốt thời kì này, đàn ông và phụ nữ Việt Nam  đã đưa ra những câu hỏi thăm dò về vị trí của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Họ trông đợi ở Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây nguồn cảm hứng để thiết lập lại vai trò của phụ nữ. Đến cuối những năm 1920, một số ít phụ nữ Việt Nam quay về với chủ nghĩa phụ nữ và “cô gái mới”, những người chưng diện theo mốt phương Tây đã trở nên nổi bật trong tầng lớp thượng lưu. Dù thảo luận về tình yêu, nữ quyền, tự tử hay những bổn phận Khổng giáo của người phụ nữ thì những bài viết của thời kì sau đã chẩn đoán một cách nhậy bén nhiều “ thói hư, tật xấu” ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam, ngay cả nếu một số phương cách chữa trị được gợi ý (ví dụ như từ bỏ gia đình) thì giờ đây có vẻ như không thực tế.
Bài báo này sẽ không chỉ phân tích một tập hợp các bài viết về vị trí của phụ nữ ở Việt Nam dưới chế độ thực dân. Nó còn xem xét kĩ vấn đề làm thế nào tiếp cận được những tài liệu này và người Việt Nam thời bấy giờ đọc chúng như thế nào. Hướng về kết lụân này tôi sẽ mô tả quan hệ giữa các bài viết được chọn với một nền văn hoá in ấn đang nổi lên, cố gắng đánh giá sự hồi đáp của độc giả với các bài viết, và thảo luận về cộng đồng phụ nữ là “ bạn đọc” chính (nhưng không phải duy nhất) của cả hai tờ báo. Bài viết này đi theo hướng tiếp cận lịch sử hơn là diễn giải các bài viết như thể chúng không rõ ràng (mơ hồ) cả về thời gian và không gian. Như nhà sử học người Pháp Roger Chartier đã nói chúng ta phải gắn thế giới biểu trưng của các bài viết với những thực tế lịch sử để giúp người đọc hiểu được ý nghĩ của nó. Tôi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đối với mối quan hệ giữa việc đọc và bối cảnh của nó trong khi khám phá những cách mà phạm vi của chữ in và nền văn hoá in ấn thay đổi trong khoảng từ năm 1918-1934. Thực ra, sự hiểu biết sơ sài về những khác biệt trong nền văn hoá in ấn của mỗi thời kì, và mối quan hệ của người đọc với chữ in giúp chúng ta xác định vị trí thích hợp của các bài viết. Câu hỏi chính đã dẫn dắt Chartier trong các cuộc điều tra của ông về chế độ cổ đại Pháp đã dẫn tôi ở đây: “ Làm thế nào mà việc lưu hành ngày càng tăng ấn phẩm đã làm thay đổi các hình thức giao tiếp xã hội, chấp nhận những lối tư duy mới và thay đổi các quan hệ quyền lực”.(2)

1. Sự nổi lên của Nền văn hoá in ấn
          Việt Nam từ lâu đã có đội ngũ trí thức sử dụng các tài lệu viết tay, in ấn và chạm khắc. Tuy nhiên so với Trung Quốc, có rất ít tài liệu in ấn được lưu hành ở Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX. Chỉ đến những năm 1920, một số lượng lớn các báo, bản tổng kết, tạp chí và sách mới bắt đầu đi vào đời sống xã hội và gia đình Việt Nam. Ngay cả khi nền văn hoá in ấn này bắt đầu phát triển mạnh thì các phương tiện thông tin  truyền miệng vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên thay vì xem xét sự chia rẽ giữa hai lĩnh vực nói và viết, tốt hơn hết là xem xét mối quan hệ giữa lời nói và văn viết về phương diện diễn giải các kiểu thông tin.
           Các tài liệu in ấn đã liên kết người Việt Nam với một số lĩnh vực văn hoá. Năm 1918, nhiều người trong giới trí thức, học giả tự coi mình là một phần của môi trường học tập Đông á lớn hơn. Phong trào cải cách  năm 1898  và phong trào văn hoá mới ở Trung Quốc và cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản tác động mạnh đến nhận thức của các trí thức như Phan Bội Châu. Những thành viên trẻ hơn của giới trí thức thượng lưu ở Việt Nam có xu hướng quay trực tiếp sang phương Tây ( nhất là Pháp) để lấy cảm hứng về các vấn đề chính trị và văn hoá. Cuối cùng người Việt Nam tìm đến với di sản văn hoá của riêng mình, đa phần được chuyển tải bằng lời nói. Với những ấn phẩm như cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, họ bắt đầu coi các truyền thống dân gian là nguồn để nhận dạng Việt Nam và so sánh chúng với các truyền thống phương Tây.(3) ở đây không cần phải đi sâu vào sự gắn bó phức tạp giữa những nền văn hoá khác nhau này. Tuy nhiên như tôi sẽ bàn đến sau, trong những năm 1920-1930 đã diễn ra sự chuyển hướng từ môi trường học tập Đông á sang môi trường học tập phương Tây và Việt Nam. Trong quá trình tái định hướng đó, nhận thức hiện đại của người Việt Nam hay đúng hơn là các đường hướng cạnh tranh nhau để dẫn đến tính chất hiện đại đã hình thành.
           Năm 1918, một số nam giới Việt Nam- và thậm chí một số ít hơn nữ giới - đã có thể đọc tiếng Việt ( hay tiếng Trung Quốc, Pháp) một cách trôi chảy. Trong những năm từ 1918 đến những năm 1930, ở Việt Nam đã có sự bùng nổ nhỏ về tài liệu in ấn dưới dạng sách, tập sách nhỏ, (chuyên đề), những cuốn sách nhỏ đăng những bài tiểu luận về tôn giáo, chính trị, báo. Một bài báo đăng trên Phụ nữ tân văn năm 1934 đã liệt kê 155 tờ báo được xuất bản ở Việt Nam cho tới thời điểm đó. Đa số là từ những năm1920 trở đi. Một số các tài liệu này đã đề cập đến vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội như Đavid Marr đã viết:
          “ Cho đến những năm 1920 “ phụ nữ và xã hội” đã trở thành một điều gì như điểm tập trung chú ý mà các vấn đề khác tthường xoay quanh nó. Hàng trăm cuốn sách, tập sách nhỏ và bài báo đã được xuất bản về mọi mặt. Phụ nữ đã trở nên có ý thức rằng họ là một nhóm người trong xã hội với các mối quan tâm và yêu cầu riêng”(5)
           Cùng với sự phát triển của việc xuất bản báo và sách, một lĩnh vực công cộng đã được xác định bởi việc chuyển tải kiến thức viết và in ra đã phát triển. Việc đọc báo, sách và các cuốn sách nhỏ đưa con người ra khỏi thế giới liên lạc trực tiếp với nhau và đưa họ đến với một cộng đồng độc giả đông đảo hơn. Lĩnh vực công cộng đã vượt ra ngoài các  thành phố lớn. Ví dụ, độc giả của “ Nữ giới chung” và Phụ nữ tân văn có rải rác ở các vùng khác của châu thổ và nông thôn. Hà Nội và Sài Gòn là những trung tâm chính, nhưng không phải là duy nhất của công việc xuất bản và tiêu thụ sách báo. Những độc giả đến từ những nguồn gốc khác nhau. Trong khi có một số là người Pháp và ngừơi Trung Quốc thì đa số là người Việt Nam.(6) Sự phát triển của phạm vi công chúng này là một bước quan trọng trong sự phát triển ý thức cộng đồng, một sự chuyển dịch giưã các phong trào địa phương hay các hội kín ( như Thiên địa hội) và sự xuất hiện của các tổ chức khác như đảng chính trị hay công đoàn.
           Lĩnh vực xuất bản trong đó, công chúng diễn tả suy nghĩ của mình dã mở rộng thêm mặc dù chính quyền thực dân Pháp đã có những cố gắng nhằm kiểm duyệt chữ in và hạn chế những cuộc thảo luận mang tính chính trị và xã hội. Do đó các báo đã huy động mọi người tham gia phong trào để tang Phan Chu Trinh năm 1926. Phạm vi xuất bản có ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động khác nữa. Ví dụ, các cuốn tiểu thuyết đã giúp phụ nữ từ Bắc đến Nam xích lại gần nhau, tuy còn ở mức độ hạn chế, và giúp họ phát huy những nhận thức mới về thân phận của phụ nữ. Các nhà sư dịch kinh Phật từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt Nam và bắt đầu xuất bản những sách  nghiên cứu về đạo Phật. Những ấn phẩm này đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá tư tưởng Phật giáo và giúp cho nhiều người Việt Nam hơn tiếp cận được với các cuộc thảo luận về học thuyết cũng như vị trí của Phật giáo trong xã hội.(7)
           Sự phát triển nhanh chóng của từ vựng Hán Việt giúp cho người đọc  mô tả và phân tích xã hội mới đang định hình cùng với sự phát triển của chữ in. Ví dụ, vào năm 1918, nhiều khái niệm mà ngày nay người Việt Nam cho là hiển nhiên thì xa lạ với hầu hết các độc giả thời trước. Những từ như “chủ nghĩa”, “chính phủ”, “chính sách”, “xã hội”, “thuộc địa” và “bình quyền” có vẻ như xa lạ, “mắt chưa từng thấy tai chưa từng nghe” (8). Một số thuật ngữ này có từ tương đương trong tiếng Việt, một số khác lại đưa thêm nghĩa mới vào, trong khi các thuật ngữ khác lại hoàn toàn là các khái niệm mới. Một bài báo trong Nữ giới chung (1918) nhấn mạnh đến tính ngoại nhập của những khái niệm này khi nó đưa ra lời giải thích cho nhiều thuật ngữ khó.
          Trong khuôn khổ bài báo này, điều làm cho độc giả bất ngờ là con số  các khái niệm có liên quan đến chính trị nói chung và quyền phụ nữ nói riêng mà những khái niệm đó có vẻ xa lạ với hầu hết độc giả của những năm 1918. Những độc giả này đơn giản là phải đánh vật với những trang của báo Nữ giới chung hay các bài báo khác- để hiểu được những bài thảo luận về những chủ đề như vậy. Hơn nữa, đa số người Việt Nam không biết nhiều thuật ngữ mà chúng ta cho rằng công chúng có học  thức biết- những từ như xuất bản hay đoạn (9). Hơn mười năm sau, tình hình đã chuyển biến đáng kể. Các nhà báo giờ đây đã sử dụng nhiều khái niệm như vậy, những khái niệm mà một thời nghe xa lạ, để miêu tả xã hội, chỉ trích chính phủ và đấu tranh bảo vệ nữ quyền. Nhà nước thực dân đã khuyến khích quá trình này bằng cách giúp truyền bá những từ ngữ mang tính chính trị. Quan trọng hơn, Việt Nam đã phát triển một nền văn hoá in ấn có đôi chút độc lập với nhà nước thực dân và nhiều từ Hán Việt mới  được sử dụng tỏ ra có ích trong các bài thuyết trình trước công chúng. Các tác giả viết các bài báo đăng kín trên Phụ nữ tân văn với văn phong rõ ràng, trong đó bàn về quyền bình đẳng và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Mười năm trước, độc giả ( và thính giả) có thể đã coi các bài luận đó là khó hiểu, tối nghĩa.
           Sự phát triển mạnh mẽ của từ vựng Hán Việt hiện đại và tài liệu in ấn không làm chúng ta quên đi phạm vi hữu hạn của những bước phát triển này.Tầng lớp, giới tính, địa vực vẫn còn hạn chế việc học. Trong những năm 1910 của thế kỉ này, chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành quản lý hành chính, mặc dù tình hình đang thay đổi do có  ngày càng nhiều sinh viên học đọc tiếng Pháp và tiếng Việt. Trong khi đó chỉ có ít người Việt là đọc được chữ quốc ngữ thành thạo, nhiều người bị ảnh hưởng bởi cách sử dụng  nó  (ví dụ trong việc ghi lại các bài thuyết trình về đất đai, bằng cách nghe các tài liệu và báo được đọc to lên và việc sử dụng ngày càng tăng của người theo đạo Cao Đài và các Phật tử). Do đó chúng ta hoài nghi ý kiến của các tác giả,  những người ngụ ý ràng vì có quá ít người Việt Nam biết đọc  nên chữ quốc ngữ không thể có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Việt Nam cho đến khi các chiến dịch phát động xoá nạn mù chữ được phát động vào cuối những năm 1930 và năm 1946. Sự khẳng định đó không dựa vào những nghiên cứu có tính thuyết phục.
           Chúng ta có thể thiết lập thử mối liên kết giữa sự phát triển của nền văn hoá in ấn với sự đi lên của một giai cấp tư sản bản xứ. Trong nghiên cứu có giá trị của mình về các tầng lớp xã hội Việt Nam, ông Dumarest lập luận rằng “ Nhiều khoản chi phí cho thấy cả sự xa xỉ- chắc hẳn là khá khiêm tốn và tình trạng Âu hoá đang gia tăng của tầng lớp tiểu tư sản. Anh ta từ bỏ nhà hát An Nam để chuyển sang rạp chiếu phim, anh ta vừa hút thuốc vừa đọc báo.”(10)
         Bên trên tầng lớp tiểu tư sản này, ông Dumares đặt vào một “tầng lớp tư sản giàu có”, tầng lớp này thường làm giàu từ đất đai và một tầng lớp “ tư sản trí thức”. Vào cuối những năm 1920-1930, tầng lớp này làm thành lực lượng độc giả chủ yếu của chữ in. Họ cũng theo với trào lưu phương Tây một cách sát xao nhất: trên thực tế Dumares tranh luận rằng người ở tầng lớp càng cao thì càng có xu hướng bắt chước các thói quen ăn mặc của châu Âu (11). Sách in là con đường thông tin chủ yếu của những tầng lớp này. Các bài báo phục vụ cho những mối quan tâm của tư sản và tiểu tư sản, và các mục quảng cáo hiện đại thì cố sức lăng xê các thị hiếu  mới về mọi thứ, từ xe hơi đến điếu thuốc lá và kem bôi mặt.
           Những nhận định này về những bước phát triển của nền văn hoá in ấn trong những năm 1920 và những năm 1930 cho chúng ta bối cảnh để đánh giá hai tờ báo Nữ giới chung(19180 và Phụ nữ tân văn(1929-1934). Dựa vào nội dung của chúng, chúng ta thấy dường như phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu là độc giả chính của hai tờ báo này. Sự khái quát này nghiêng về phía  tờ Nữ giới chung nhiều hơn là về tờ Phụ nữ tân văn, do Phụ nữ tân văn bao gồm chuỗi chủ đề rộng lớn hơn về xã hội, chính trị và văn hoá. Mặc dù một số độc giả viết thư góp ý từ các thị trấn tỉnh lẻ ở vùng châu thổ, Phnôm pênh và Hà Nội, giới độc giả của Nữ giới chung đa số là người Sài Gòn. Ngược lại giới độc giả của Phụ nữ tân văn, dù tập trung ở Sài Gòn và khu vực châu thổ lại có quy mô lớn hơn và mang tính quốc gia hơn. ở một chừng mực lớn hơn so với tờ báo trước, tờ Phụ nữ tân văn góp phần đưa phụ nữ ở khắp miền Nam xích lại gần nhau thành một cộng đồng độc giả. Trong khi Nữ giới chung tồn tại không đầy một năm, khó đọc và không có cơ hội tạo nên một giới độc giả trung thành, tờ Phụ nữ tân văn tồn tại gần 5 năm, xây dựng được một mạng lưới phân phối lớn hơn nhiều và sử dụng từ Việt Nam đơn giản trong nhiều bài báo của nó.
           Khi đọc hai tờ báo để phục vụ việc nghiên cứu, tôi đã không đặt giả thiết về tính nguyên vẹn đầy đủ của mỗi bài viết mà tôi gặp. Các bài tranh luận rời rạc  và lộn xộn về phụ nữ và do phụ nữ viết được đặt trong một chuỗi rộng lớn các cuộc thảo luận mang tính xã hội và các bài viết văn hoá. Khi đọc những bài viết này, chúng ta phải ghi nhớ một điều rằng chúng được in và do đó được chuyển tải theo các cách cụ thể. Hơn nữa với những thay đổi lớn của ngôn ngữ tiếng Việt, mỗi khái niệm riêng biệt thường thiếu các ý nghĩa xác định. Các ý nghĩa trong văn bản nguyên bản không trong sáng. Phương tiện báo chí chuyển tải và trình bày những bài viết đó có ảnh hưởng đến việc tiếp thu nó. Gerard Gêntte đã viết rằng “các bán văn bản- tiêu đề, phụ đề, bản quảng cáo “ và các dạng ghi chú thêm khác” tạo cho văn bản một cấu trúc (đa dạng) và đôi khi là một lời chú thích.” (12) Nhiều chú thích dạng bán văn bản như thế đã làm khung cho các bài ở báo Nữ giới chungPhụ nữ tân văn.
          Đọc những bài viết này là niềm hứng khởi của một bộ phận độc giả mà ngày nay chúng ta dường như quên: Sống trong các xã hội có trình độ dân trí cao như Việt Nam, Pháp và Mỹ hiện nay, chúng ta có xu hướng cho rằng  đọc và viết là lẽ đương nhiên.

Phần tiếp theo: Thế giới của độc giả" đọc ở đây: http://chuyencuachi.blogspot.com/2013/07/an-pham-va-quyen-luc-cac-cuoc-thao-luan_14.html
-------------
* Bản dịch này đã được dịch từ năm 1996 trong tư liệu riêng của người dịch. Nay xin được giới thiệu cho bạn đọc tham khảo.
Chú thích:
1. Bài tiểu luận này dựa trên phân tích của David Marr về các bài viết của Việt Nam trong những năm 1920, những năm 1930 về “ Vấn đề của phụ nữ” Xem Đavid Marr “ Truyền thống về thử nghiệm của Việt Nam 1920-1945. Berkeley và Los Angeles: Trường Đại học báo chí California 1981, chương 5, “Vấn đề phụ nữ”- Chương này cho đến nay là bài thảo luận hay nhất và nhiều taì liệu về chủ đề này. Tôi muốn công nhận những lời bình luận có ích trên bài này của Keith Taylor, Th.Vasavakul và các thành viên khác của nhóm nghiên cứu Việt Nam ở Cornell
2. Roger Chartier. Tôi đã được lợi từ các tác phẩm khác cuar Chartier, nhất là cuốn “ Nguồn gốc văn hoá của cách mạng pháp” do Lydia Cochrane dịch ( Durham và luân đôn: Duke University Press, 1991) Chartier không đạt thực tế xuyên lịch sử vào mà ai đó phải liên hệ đến khi đọc các bài viết. Ngược lại bằng  việc nhấn mạnh những tính riêng biệt của các hành vi văn hoá, ông khuyến khích nhà sử học phân tích kĩ hơn lịch sử bản xứ của việc đọc và xuất bản ấn phẩm.
3. Sẽ thật rthú vị nếu theo dõi sự đi lên của kho tàng tri thức dân gian Việt nam hiện đại từ những tác phẩm như cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1917) qua cuốn Việt Nam văn hoá sử cương của Đào Duy Anh (1938) tới: a. Văn học  dân gian đương đại và sự tiếp cận lịch sử  đối với xã hội Việt Nam. Ví dụ của Trần Quốc Vượng và
        b. Các bài viết của những người cộng sản  cố gắng  dùng truyền thống dân gian qua đó đề cao quần chúng nhân dân.
4. “ Báo chí ở nước ta” Phụ nữ tân văn 18-1-1934, tr 6. Con số này chắc chắn là không thay đổi. Một nguồn khác liệt kê 158 văn bản “ cách mạng” được phát hành tườ năm 1925-6.1936. Xem Nguyễn Thành “ Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945” h. NXB KHXH.1984, tr 324-333
5. Marr Truyền thống VN... tr191.
6 Hầu như chưa có bài viêtá nào về cuộc sống của Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng không được đọc hoặc xuất bản nhiều bằng tiếng Khơ me
7. Để đánh giá tầm quan trọng của chữ quốc ngữ đối với sự phục hồi của đạo Phật trong những năm 1920- những năm 1930. hãy xem vô số những cuốn sách nhỏ về đạo Phật ở Thư viên quốc gia Pa ri phông Đông Dương. Xem cả quyển Lịch sử Phật giáo Việt nam ( NXB KHXH, H. 1988) nhất là các trang 431-434. Thật không may nguồn tài liệu này tranh luận rằng chủ nghĩa cộng sản có ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi của đạo Phật từ những năm 1920.
8. ( Dấu tên) Tiểu từ điển. Đại Việt tạp chí 1. 1918: 102. quyển từ điển này được xuất bản trong 4 kì phát hành đầu tiên của tờ báo, liệt kê khoảng 350 từ mới và xa lạ. Xem cả 1 số bài tiểu luận trong các kì phát hành đầu tiên của nữ giới chung, với những mục chú thích có lời giải thích cho các từ lạ. Để xem tổng quát chủ đề về sự thay đổi ngôn ngữ, xem chương tuyệt vời của David Marr ‘ ngôn ngữ và học vấn” trong cuốn truyền thống việt nam trong thử thách”.
Một số thuật ngữ mới áp dụng trong ngôn ngữ này được người Nhật sáng tạo và gán cho những nghĩa hiện đại, được dịch sang ngôn ngữ Trung Quốc và rồi dich ra tiếng Việt.
9. trong cùng đoạn cuốn sách này.
10.Andre Dumarest “ việc hình thành các tầng lớp xã hội ở An nam “ ( Lyon Ferest, 1935) tr 234
11.Trong cùng cuốn sách đã đề cập trước đây, tr201

12 Gerard Gêntte “các bản thảo đã biên tập: văn học ở cấp độ 2) Pa ri, 1982, tr 9.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...