Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Ấn phẩm và quyền lực: Các cuộc thảo luận ở Việt Nam xung quanh vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội, 1918-1934 ( Kết luận)

  Shawn Mc Hale
Đặng Thị Vân Chi dịch từ:  Taylor KW  and Jonh. K.Whitmore(1995),  Editor. Essays in to Vietnamse pastsCornel University NewYork.
                                                                       
                                5.  Kết luận

Trong lời giới thiệu của bài này, tôi đã trích dẫn lời nói của Chartier rằng công việc của ông do một câu hỏi trọng tâm chỉ đạo: Làm thế nào mà việc lưu hành chữ in gia tăng thay đổi được các dạng giao tiếp, cho phép có những cách suy nghĩ mới và thay đổi các quan hệ về quyền lực?” (66)
Câu hỏi này có thể  gợi ý đưa đến nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử văn hoá của Việt Nam ở thế kỉ XX, như chúng ta đã thấy rằng sự tăng nhanh công tác lưu hành các ấn phẩm đã mở đầu cho một quá trình loại bỏ dần các loại hình chuyển tải thông tin bằng lời nói một cách chậm chạp. Nhưng nghịch lý là với việc truyền bá các ấn phẩm, chúng ta thấy được các lĩnh vực lời nói và chữ viết hoà nhập với nhau theo những cách mà trước đó chưa từng được biết đến- Ví dụ như qua việc đọc các báo nơi công cộng- và tạo ra các mạng lưới chuyển tải trong đó tầm quan trọng của từ nói bằng miệng được bảo tồn nguyên vẹn. Ngoài ra biến động chính trị và quân sự, việc phát triển các cách truyền đạt kiến thức mới này, và vai trò của nền văn hoá in ấn, là một trong những đặc điểm được xác định của lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XX. Việc chuyển đổi này tạo nên một phần của sự thay đổi lớn hơn trong các dạng giao tiếp, các dạng này xuất hiện theo chu kì khác so với các sự kiện chính trị trong khi ảnh hưởng tới nhiều cơ quan và lối suy nghĩ về chúng.
Bài này đã đề cập về nền văn hoá in ấn, các kiểu đọc và những bài viết mà người Việt Nam đọc. Tôi đã tranh luận rằng: chúng ta không thể tách riêng các cuộc thảo luận về vị trí của người phụ nữ ra khỏi sự đi lên của một nền văn hoá in ấn và những thay đổi trong sự hồi đáp của độc giả đối với nền văn hoá in ấn này. Một mặt những bài viết được in ra và phản ánh tầm quan trọng ngày càng gia tăng của ấn phẩm đối với tầng lớp thượng lưu. Các bài viết mà tôi đã kiểm định cho thấy một thể loại mới ở Việt Nam- các bài viết trên báo- bắt đầu ảnh hưởng sâu sắc lên xã hội xung quanh như thế nào. Các tài liệu in ấn ngày càng chuyển tải các cuộc thảo luận về các vấn đề chính trị và xã hội cùng lúc mà người Việt Nam tiếp thu các khái niệm có ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội Việt Nam. Hơn nữa sự bùng nổ tài liệu in ấn đã nới lỏng chuẩn mực Khổng giáo trong các thói quen tư duy của tầng lớp thượng lưu: thời gian trôi đi, các thành viên của tầng lớp thượng lưu có thể chọn trong nhiều nhà tư tưởng khác nhau và công trình của họ. Các cuộc thảo luận diễn ra từ những năm 1910 đến những năm 1930 chẳng thứ yếu chút nào đối với lịch sử Việt Nam cận đại, dẫn tới sự phát triển của một nền văn hoá in ấn với tầm quan trọng lâu dài của nó.
 Như các bài viết tiêu biểu trên tờ Nữ giới chungPhụ nữ tân văn minh hoạ, độc giả thay đổi “ tầm hiểu biết” của họ từ năm 1918-1934. Một dấu hiệu đáng chú ý của sự thay đổi về tri thức như vậy là ở các tác giả và các mẫu vai trò mà các tác giả ca ngợi để cổ vũ cho quan điểm của họ. Năm 1918, các tác giả của các bài báo  trên Nữ giới chung thường xuyên nhắc đến Khổng tử và các anh hùng trong lich sử Việt Nam, họ cũng nhắc đến Darwin, Joan of Arc, Hai Bà Trưng, Alfred de Musset, và bà Stale. Mười lăm năm sau, Khổng tử bị tấn công và các tư tưởng Mác xít thấm dần vào một số baì báo. Ngoài những thay đổi trong ảnh hưởng về tri thức, ngôn ngữ tiếng Việt đang thay đổi liên tục. Về mặt xã hội và chính trị, Việt Nam đang trong thời kì khủng hoảng lâu dài.
Các bài báo từ tờ Nữ giới chungPhụ nữ tân văn  minh hoạ cho những thay đổi trong cách các tác giả tiếp cận các vấn đề của phụ nữ. Năm 1918, các quan niệm về quyền bình đẳng có vẻ như  là những ý tưởng hấp dẫn- nếu là của ngoại quốc- đối với những phụ nữ như Sương Nguyệt Anh và các nhà báo chuyên mục khác. Phụ nữ có học, rõ ràng là họ thoải maí hơn với ý tửơng cải thiện việc giáo dục phụ nữ và nâng cao dân trí và chuẩn mực đạo đức của người dân, tất cả đều trong khuôn khổ hợp tác Việt -Pháp. Cho đến thời điểm Phụ nữ tân văn bắt đầu xuất bản năm 1929, tình hình này bắt đầu biến chuyển một cách chậm chạp. Các trí thức Việt Nam quay về các kiểu mẫu phương Tây để lấy cảm hứng, nhưng họ lại ngày càng khinh bỉ khái niệm về sự hợp tác Việt Pháp. Do đó các tác giả của Phụ nữ tân văn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nhưng không phải dưới chiêu bài/ lốt tư sản. Và các cuộc tranh luận về phong trào giải phóng phụ nữ đã được số lượng công chúng hưởng ứng đông đảo hơn số lượng mà Nữ giới chung từng hi vọng có được.
 Trong lời giới thiệu của bài viết này, tôi tranh luận rằng cuộc đối đầu của thực dân đã làm nảy sinh cơn khủng hoảng giữa các thành viên thuộc tầng lớp thượng lưu. Cuộc khủng hoảng này tự biểu thị một cách sâu sắc trong những năm 1920-1930. Sau sự ve vãn lúc đầu bằng sự hợp tác Việt Pháp, một cố gắng ngây thơ để kết hợp cái tinh tuý nhất của phương Đông và phương Tây dưới sự chỉ đạo của người Pháp, tầng lớp thượng lưu Việt Nam càng thách thức di sản Khổng giáo, mà trước kia nó từng đưa ra làm nền tảng truyền đạt các kiến thức cơ bản của xã hội Việt Nam. Nhưng với việc tấn công vào di sản này nó cũng làm yếu đi một nền tảng cho sự phê bình tư tưởng phương Tây. Một trong những khả năng được nhận thức về sự giống nhau được định nghĩa trong các thuật ngữ Khổng giáo là khả năng dựa trên những giá trị phương Tây và những khái niệm phương Tây đã được hấp thu, ví dụ như chủ nghĩa cá nhân và nam nữ bình quyền. Đôi khi người Việt Nam tái nhận thức các khái niệm của Việt Nam trong các thuật ngữ phương Tây như khi Phan Văn Hùm bàn về vấn đề gia đình theo phương diện gia đình là hạt nhân/trung tâm. Về lâu dài thì những cố gắng như vậy trong việc tái nhận thức các tư tưởng phương Tây thất bại theo ba cách. Trước hết, trong xã hội thực dân ngôn từ văn hoa chủ nghĩa cá nhânquyền bình đẳng đối đầu với quan hệ về quyền lực trong ách thống trị của thực dân. Thứ hai là : dù cho họ có mong muốn hấp thu các phong cách phương Tây thế nào đi nữa, người Việt Nam thường xuyên bị xa lánh với những hành động đó.Ví dụ: về việc khiêu vũ. Sau cùng, nếu các thuật ngữ của cuộc thảo luận thường nằm trong khuôn khổ các đức tin theo Khổng giáo ngược lại với đức tin của phương Tây, những người tham gia thảo luận thường mày mò tìm cho ra nét bản sắc văn hoá của Việt Nam. Kết quả của cuộc xung đột các ảnh hưởng này là sự hỗn loạn về đạo đức và nhận thức lõm bõm về đặc tính của các thành viên nam và nữ của giới thượng lưu. ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân trong các thành viên của tầng lớp thượng lưu khác nhau tuỳ theo giới tính: trong khi nam giới thuộc tầng lớp thượng lưu là đối tượng của ách thống trị thực dân thì nữ giới thuộc tầng lớp này là đối tượng của sự chế ngự giới tính do thực dân Pháp và nam giới thuộc tầng lớp thượng lưu thực hiện.
 Trong lời kết luận của công trình nghiên cứu xuất sắc của ông năm 1938, cuốn Việt Nam văn hoá sử cương, Đào Duy Anh đã chỉ ra những biến chuyển chính trong cuộc sống của phụ nữ, từ các phong tục cưới xin đến các kiểu quần áo, trong bối cảnh đi lên của một tầng lớp trung lưu thành thị mới. Nhưng ông cũng có thể thấy trước để mà cảnh báo rằng những hay đổi trong cuộc sống của người phụ nữ nói riêng và của tầng lớp trung lưu nói chung là không thể thay đổi được. “ Chúng ta phải nhận thấy rằng tầng lớp trung lưu này vẫn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và do đó những thành tựu/ tài năng của họ thiếu những đặc điểm vững chắc, có quy mô của những thành tựu của tầng lớp trung lưu ở phương Tây” (67). Năm năm sau, Nguyễn Lương Bích đã bác bỏ lời của Đào Duy Anh và phê phán phụ nữ hiện đại thành thị về các thói quen suy đồi của họ: “như một số trí thức Việt Nam đã nhận thấy, đa số phụ nữ Việt Nam đang đi nhầm đường... những phụ nữ này tin rằng nếu họ muốn quyền bình đẳng với nam giới thì họ phải tham gia tích cực vào xã hội. Họ đã rũ bỏ gia đình...” (68) Những ý kiến như  vậy có nguồn gốc từ  các cuộc thảo luận về vai trò của phụ nữ bắt đầu từ đầu thế kỉ XX. Dù có chấp nhận những thay đổi về vai trò của phụ nữ ( như Đào Duy Anh) hay phản đối chúng một cách thô bạo ( như Nguyễn Lương Bích) hay không thì các trí thức vẫn nhận ra rằng những thay đổi như vậy có tầm quan trọng cơ bản. Thật không may là chỉ có ít học giả đã nhận thức được thực tế này.
  
Chú thích:

     66. Chartier, “ Le monde, comme rếntation” tr509
     67. Đào Duy Anh “ Việt Nam văn hoá sử cương” ( in lại ở Houston , Texas: Xuân Thu, 1985) tr337, tr336
     68- Nguyễn Lương Bích, Nhân cách phụ nữ Việt Nam hiện đại ( HN. Mai lĩnh, 1943) tr5-6.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...