Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Gia huấn, Nữ huấn và giáo dục phụ nữ dưới thời phong kiến qua một số tác phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng

Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng trong Việt Nam học và Tiếng Việt- Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, 2011, từ tr 31 đến tr43)
                                               
        1.Toàn cảnh
Giáo dục gia đình là một mảng giáo dục quan trọng trong quá trình hình thành và đào luyện nhân cách con người. Đối với phụ nữ, vấn đề giáo dục trong gia đình càng trở nên quan trọng không thể thiếu bởi dưới chế độ phong kiến, giáo dục học đường dường như là đặc quyền của nam giới, phụ nữ không có mặt trong nền Khoa cử cũng như trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với vai trò là người nội tướng trong gia đình, là người thày đầu tiên của trẻ em cũng như yêu cầu về người phụ nữ phải hội đủ “tam tòng”, “tứ đức” thì việc giáo dục “tại gia” đối với phụ nữ được các trí thức Nho giáo vô cùng coi trọng, là hình thức giáo dục thay thế cho giáo dục học đường. Sách Khuyết Hiến ca, trong bài Bạt đã giải thích rõ:Người đàn bà có ngoan hay không là do ở gia đình và có quan hệ tới sự thịnh suy của đạo nội trợ. Như vậy thì việc răn dạy không thể bỏ qua được[1]. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều dòng họ lớn, nhiều trí thức lớn như Thượng thư Hồ Phi Tích, Tiến sĩ Bùi Dương Lịch, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê[2]… đã soạn các loại Gia huấn, Nữ huấn để giáo dục con cái trong gia đình. Bản Gia huấn ca được cho là bản Gia huấn đầu tiên và là bản được nhắc đến nhiều nhất từng được công bố gắn với tên tuổi của Nguyễn Trãi, nhưng dựa trên việc khảo sát về mặt văn bản học và ngôn ngữ học, hầu hết các chuyên gia đều phủ định niên đại thế kỷ 15 của bản Gia huấn ca này[3]. Theo thống kê của Lê Thu Hương[4] thì trong kho sách Hán Nôm hiện còn lưu giữ 35 tên tài liệu thuộc thể loại Gia huấn, Nữ huấn. Trong số 35 tài liệu này có 9 tài liệu mang tiêu đề tập trung giáo dục phụ nữ như: Giáo nữ di quy của Trần Hoành Mưu, Huấn nữ diễn âm ca của Nguyễn Đình Thiết, và các tác phẩm khuyết danh như Huấn nữ tử ca, Huấn nữ tử giới, Huấn nữ tam tự thư, Nữ học diễn ca, Nữ bảo châm… Các tác phẩm mang tiêu đề Gia huấn thường cũng có phần dành cho con gái, đề cập đến việc giáo dục từ khi còn ở nhà với cha mẹ cho đến khi đi về làm dâu nhà chồng. Các bài Gia huấn, Nữ huấn này hầu hết được trình bày dưới dạng văn vần, thể loại lục - bát, dễ nhớ, dễ truyền khẩu như một tác giả đã trình bày: “Còn như khách quần thoa son phấn, mà chịu để sức xem xét, ra công trước thuật như nàng Thái, ả Tạ thì thực là hiếm lắm. Đối với bọn họ lại càng không thể không giáo dục. Nhưng nếu như chữ nghĩa trúc trắc, giọng văn cao xa, thì lại không thể nhớ mà ngâm nga được. [Cho nên], nhân lúc dạy học rỗi rãi. [ta] nhặt nhạnh những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ có thể làm lời khuyên răn được, sắp thành hơn 40 điều diễn ra quốc âm để làm chân ngôn cho bọn đàn bà con gái[5].
Gia huấn, Nữ huấn vì thế có thể được lưu truyền qua nhiều thế hệ, góp phần vào quá trình giáo dục, đào tạo nhân cách con người.
2.     Đặng Xuân Bảng với các sách về giáo dục trong gia đình.
        Đặng Xuân Bảng sinh năm1828 (mất năm 1910), tự là Hy Long, hiệu là Thiện Đình. Ông là người làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một làng quê nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Nối nghiệp nhà, ông đi thi từ khá sớm, ngay trong hai khoa thi Bính Ngọ (1846) và Mậu Thân (1848), ông đều đỗ Tú tài khi chưa đầy 20 tuổi. Đến năm Canh Tuất (1850) thì ông đỗ Cử nhân và năm Bính Thìn (1856) đỗ Tiến sĩ khi mới 28 tuổi. Sau khi thi đỗ, ông ra làm quan và đã từng giữ chức Tuần phủ Hải Dương, rồi Đốc học tỉnh Nam Định. Ông học rộng, thích nghiên cứu sử học, thiên văn, y học, nhất là dược thảo. Ông cũng viết nhiều về vấn đề giáo dục. Đến đời Thành Thái, tuổi già, nghỉ hưu tại quê nhà, ông chuyên tâm khảo cứu và viết sách. Các tác phẩm của ông có thể kể như:
 - Nam phương danh vật bị khảo
   -  Thiện đình Việt sử
    - Việt sử cương mục tiết yếu
-        Thiên đình thi (1c)
-       Thiên đình văn (1c)
-       Khâm định tập vận trích yếu
-       Huấn tục quốc âm ca (HTQAC)
-       Cổ kim thiện ác kính (2c)
-       Thánh tổ hành thực diễn ca
-       Bắc sử thông giám tập lãm tiện độc sử
-       Sử học bị khảo
-       Nam sử tiện lãm
-       Như Tuyên thi tập
-       Cổ nhân ngôn hạnh lục
-       Cổ Huấn nữ ca ( CHNC)
-       Cư gia khuyến giới tắc
       Trong số các tác phẩm của ông, có 4 tác phẩm có nội dung giáo dục trong gia đình: Huấn tục quốc âm ca, Cổ Huấn nữ ca, Cư gia khuyến giới tắc, Cổ nhân ngôn hạnh lục.
2.1. Cổ nhân ngôn hạnh lục: Như Đặng Xuân Bảng viết trong lời đề tựa cuốn Cư gia khuyến giới tắc là xuất phát từ việc lo lắng rằng “con cháu sinh trưởng trong cảnh phú quý, quen tính kiêu căng, lười biếng có khi làm trụy lạc cả cơ nghiệp tiền nhân” nên ông đã soạn cuốn Cổ nhân hạnh lục và cho in để giảng dạy, nhắc nhở con cháu những “lời hay nết tốt”. Tuy nhiên cuốn này, theo ông, vẫn còn “thiếu sót nhiều” và một số điều răn về cờ bạc, rượu chè, nghiện hút… vẫn chưa được nhắc tới và đó là lý do để ông soạn quyển Cư gia khuyến giới tắc.
2.2. Cư gia khuyến giới tắc: Ký hiệu sách tại Viện Hán Nôm A.166, xuất bản năm 1901, bản dịch của phòng tư liệu Viện Triết học. Ngay đầu sách, ông cho biết: “Những điều lục vào sách này đều là lời hay nết tốt của các bậc tiên hiền. Về nhân tình thiên lý, nó nói được thấu, biết được suốt. Con cháu nhà ta phải ghi nhớ cho kỹ để làm cái cốt yếu cho việc sửa mình, giữ nhà, không được xao lãng”. Trong bài tựa, ông nói rõ quan điểm của mình khi làm cuốn sách này là để “cảnh tỉnh” những người trong nhà ý thức được: “Xưa nay, bao nhiêu con cháu các nhà khanh tướng bị nghèo khổ, bao nhiêu con cháu các nhà nghèo khổ trở nên khanh tướng, điều đó không phải trời có hận bạc riêng với ai, mà là do lòng thiện hay ác của ông cha gây nên. Thực đó, thiện hay ác chỉ phát khởi nhất thời, nhưng phúc hay họa thì để mãi đến đời sau”.
        Tập sách Cư gia khuyến giới tắc có tất cả 3 quyển gồm những câu danh ngôn và các câu truyện trong thư tịch cổ Trung Quốc được chọn lọc và phân thành 16 mục (8 điều khuyên và 8 điều răn)
Quyển1:  Mục 1: Khuyên về việc tích đức
                Mục 2: Khuyên về đạo hiếu
                Mục 3: Khuyên về đạo đễ
Quyển 2:  Mục 4: Khuyên vể việc dạy dỗ
                 Mục 5: Khuyên vể đức cần
                 Mục 6: Khuyên về đức kiệm
                 Mục 7: Khuyên về khiêm tốn
                 Mục 8: Khuyên về đức khoan thư
                  Mục 9: Răn về việc rượu chè
                  Mục 10: Răn về dâm dục
 Quyển 3:   Mục 11: Răn về tiền của
                   Mục 12: Răn về tính nóng nảy
                   Mục 13: Răn về vạ miệng
                   Mục 14: Răn về việc kiện cáo
                   Mục 15: Răn về việc cờ bạc
                   Mục 16: Răn về thuốc phiện
2.3. Huấn tục quốc âm ca [6]: gồm 192 câu viết theo thể thơ lục bát. Nội dung Huấn tục quốc âm ca là những lời dạy bảo con cái trong gia đình từ thái độ đối với việc học tập, cách chọn bạn, kết bạn, thái độ đối với việc chọn nghề nghiệp, cách đối xử với cha mẹ, anh em, vợ, chồng, con cái, họ hàng, hàng xóm láng giềng… và đặc biệt là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, rèn luyện những đức tính tốt và tránh xa những thói hư tật xấu…
 2.3.1. Từ câu 1 đến câu 32: Dạy con phảỉ chăm hoc, phân tích ích lợi của việc học tập và cần phải có cách ứng xử hài hòa, cân bằng giữa việc học tập và lao động sản xuất, đề cao nghiệp khoa cử nhưng cũng coi trọng các nghề nghiệp khác như làm ruộng, buôn bán…
2.3.2. Từ câu 33 đến câu 52: Dạy phải giữ tròn đạo hiếu
2.3.3. Từ câu 53 đến câu 68: Dạy về quan hệ giữa anh em trong một  nhà
2.3.4. Từ câu 68 đến câu 84: Dạy về quan hệ vợ chồng, cách vợ chồng đối xử với nhau
 2.3.5. Từ câu 85 đến câu 112: Dạy cách ứng xử trong xã hội, đối với  người trong họ, ngoài làng
   2.3.6.  Từ câu 113 đến câu 133: Khuyên tránh xa những thói hư tật xấu như cờ, bạc, rượu chè, nghiện hút, xa hoa lãng phí, chơi bời dâm dục, ăn ở thất đức…
     2.3.7.Từ câu 134 đến câu 192: Dành cho con gái sau khi về nhà chồng, phải giữ đức hiếu thuận, phụng dưỡng bố mẹ chồng, giúp chồng xây dựng sự nghiệp…
2.4. Cổ huấn nữ ca[7]gồm 468 câu, cũng làm theo thể thơ lục bát. Đây là tập hợp những lời dạy dỗ, hướng dẫn, bao quát toàn bộ cuộc đời của một người phụ nữ từ khi còn là một cô gái nhỏ sống cùng bố mẹ cho đến khi xây dựng gia đình và cả tới lúc về già.
       2.4.1. Từ câu 1 đến câu 50: lời dạy dỗ con gái về đường ăn, nết ở, cách nói   năng thưa gửi với người lớn… khi còn ở với cha mẹ
      2.4.2.Từ câu 51 đến câu 120: dạy con gái khi về làm dâu nhà chồng, cách đối xử với chồng và bố mẹ chồng
         2.4.3. Từ câu 122 đến câu 142: khi sinh con, từ trong thời kì cần chú ý giữ   gìn khi thai nghén đến việc nuôi dạy con nên người
           2.4.4. Từ câu 143 đến câu 158: về việc lo tổ chức đám tang cho cha mẹ khi họ về với tổ tiên
               2.4.5. Từ câu 159 đến câu 170: về việc lo gả chồng cho con gái
               2.4.6. Từ câu 171 đến câu 196: Việc cưới vợ cho con trai
 2.4.7. Từ câu 197 đến câu 210: Trong trường hợp chồng có con riêng, cách đối đãi với con riêng của chồng
  2.4.8. Từ câu 211 đến câu 242: Cách ứng xử với thói trăng hoa của chồng và cách ứng xử trong mối quan hệ vợ cả -vợ lẽ
  2.4.9. Từ câu 243 đến câu 368: Về cách ứng xử với anh em ruột thịt của chồng  và họ hàng nhà chồng
               2.4.10. Từ câu 267 đến câu 290: Về việc đối xử với hàng xóm láng giềng
               2.4.11. Từ câu 291 đến câu 310: Về việc đối xử với người làm trong nhà
             2.4.12. Từ câu 311 đến câu 330: Về cách cư xử,  đối đãi với bạn cùng buôn bán và với đối tác làm ăn
               2.4.13. Từ câu 331 đến câu 340: Về cách cư xử với bạn bè của chồng
               2.4.14.  Từ câu 334 đến câu 354: cách đối xử với súc vật
2.4.15. Từ câu 355 đến câu 364: Về việc chăm lo thờ cúng tổ tiên trong các ngày rằm, mùng một, lễ Tểt
2.4.16. Từ câu 369 đến câu 408: Về cách xử thế trong trường hợp chẳng may phải ở góa, nhấn mạnh đức đoan chính, khuyến khích ở vậy thờ chồng, nuôi con
2.4.17. Từ câu 409 đến câu 432: Về việc dạy dỗ con cái phải công bằng, không thiên vị
2.4.18. Từ câu 432 đến câu 468: Khuyên phải làm việc thiện, sửa mình theo giáo lý nhà Phật
Nhìn tổng thể, qua cách chọn, phân loại và biên tập những câu truyện và phân chia thành các tiểu mục những lời khuyên và những điều răn trong Cư gia khuyến giới tắc cũng như những lời khuyên răn trong hai tập Huấn tử quốc âm caCổ huấn nữ ca” của Đặng Xuân Bảng, chúng ta không chỉ thấy toát lên quan điểm của ông về vấn đề giáo dục con người mà còn phản ánh tác động của lịch sử, văn hóa và nền giáo dục Nho học đối với việc hình thành các quan điểm đó.
3. Những giá trị văn hóa và nhân văn trong các tác phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng
3.1. Đề cao việc tu dưỡng và thực hành đạo đức theo tinh thần Nho giáo
          Nổi lên bao quát toàn bộ các lời răn dậy trong các tập sách là quan điểm nhấn mạnh vào việc “tu thân” của đạo Nho. Đó là quan điểm trẻ con cần phải được giáo dục từ sớm (“Bé mà chẳng uốn cả nên gẫy cành”)
          Đối với con trai thì mục tiêu lớn nhất là theo nghiệp khoa cử, nên phải chăm chỉ học hành:
                        “Khuyên con giữ việc học hành...
                          Sớm khuya đèn sách nức lòng
                         Một mai thi đỗ bõ công học hành
                        Dẫu mà còn muộn công danh
                        Khoa này chẳng đỗ để dành khoa sau…” (HTQAC)
         Đặc biệt Đặng Xuân Bảng cũng đề cao chữ “hiếu” của đạo Nho, khẳng định “ Xưa nay chữ hiếu tam cương đứng đầu” và không kể con trai, hay con gái cũng đều phải nhớ công đức cha mẹ sinh thành và dưỡng dục. Chữ “hiếu” theo Đặng Xuân Bảng không chỉ là những việc chăm sóc khi cha mẹ già đau yếu, báo hiếu trong các nghi lễ tang ma, mà đối với con gái có hiếu hay không còn thể hiện cả trong những hành động và lời nói hằng ngày như:
                        “Khi nghe tiếng gọi trên nhà
                          Theo lời vâng dạ chân đà bước mau
                           Nào đâu lấy nước têm trầu
                           Nào đâu nấu bếp, nào đâu quét nhà
                           Đường ăn ở có nết na
                            Để người vui dạ là ta yên lòng
                           Dưới màn ngày hạ, đêm đông
                           Chăm lo đắp lạnh, quạt lồng sớm khuya…” (CHNC)
          Riêng với con gái, ông dành nhiều sự quan tâm hơn trong việc dạy dỗ và yêu cầu phải theo đúng đạo “tam tòng” và trau dồi “tứ đức”: Phải đoan chính, giữ gìn sự trinh tiết, kính chồng và nếu chẳng may phải chịu phận góa chồng thì cũng cần:
                            “Kiên trinh hai chữ là đầu,
                             Đá trơ trơ vững, gương lầu lầu trong…
                            … Dẫu mà tuổi trẻ đầu xanh
                             Quyết lòng ở vậy, chẳng tình trăng hoa
                            Bướm ong đâu mặc người ta
                           Nước trong, trăng sáng mới là gái trinh…” (CHNC)
        Để hoàn thiện nhân cách, Đặng Xuân Bảng cũng đặc biệt vạch rõ tác hại của những thói xấu cần phải tránh như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, quan hệ nam nữ trái với luân thường đạo lý…
                                 “Lại còn năm việc thời đừng
                                 Đừng sinh cờ bạc, đừng sinh rượu chè
                                  Đừng say thuốc phiện mà mê
                                  Xe xe lọ lọ bùa mê chết người
                                  Những điều tổn hại, hao tài
                                 Khuynh gia bại sản ra người hư sinh” (HTQAC)
3.2. Đề cao tinh thần từ bi nhân ái của Phật giáo, đặc biệt trong những lời dạy dành cho phụ nữ
          Các điều giáo huấn của Đặng Xuân Bảng thường nhấn mạnh việc “hành thiện” “tích đức” trong cách ứng xử và hành động. Từ những việc nhỏ như đối xử với những người làm công trong nhà cũng cần phải thể hiện lòng nhân ái:
                             “Đến như đứa ở con hầu
                               Khó hèn nó mới đem đầu làm tôi
                               Bát cơm đổi bát mồ hôi
                               Lỡ nào đánh lấp, chửi vùi cho đương
                                Ngày đêm giãi nắng cùng sương
                                 Nghĩ khi khó nhọc phải thương cho cùng
                                 Thịt da không phải sắt đồng
                                 Dẫu tay roi vọt cũng lòng từ nhân…” (CHNC)
        Đến việc cần có tấm lòng rộng rãi hào hiệp với những người gặp khó khăn hoạn nạn:
                         “Là người phúc đức hẳn trời cho hay
                             Thấy ai nghèo khó thương thay
                          Bỏ tiền bỏ của cho ngay tiếc gì”
                            … Đến như tiền thuốc nợ nần
                          Khó nghèo mới phải mang ơn nhà mình
                            …Chẳng qua của cũng của trời
                         Ta đừng cay đắng để người xót đau…”(CHNC)
                      Đối với các loài súc vật cũng không nên “giết càn”…
         3.3. Chú trọng việc củng cố gia đình, dòng họ
           Cùng với việc nhấn mạnh vào việc tu thân, hành thiện, tích đức, Gia huấn, Nữ huấn của Đặng Xuân Bảng còn quan tâm tới việc dạy con cháu phải gìn giữ và xây dựng một gia đình đầm ấm, thuận hòa qua từng mối quan hệ trong gia đình: quan hệ vợ - chồng  cần phải “ Cùng nhau chồng kính vợ yêu”, quan hệ vợ cả - vợ lẽ thì: “ Chớ nên cậy của, cậy công,
                                       Cậy tài, cậy sắc xui chồng ghét rơ
                                       Xui chồng chửi sớm, chửi trưa,
                                       Để người nhục nhã cho vừa lòng ghen”…, (CHNC)
         Trong quan hệ mẹ chồng-nàng dâu:
                                “Đến như kính mẹ thờ cha,
                                 Biết đường lui tới mới là đạo dâu,
                                 Dưới màn sớm trực khuya hầu,
                                Ghét đâu cũng chịu, thương đâu cũng nhờ,
                                 Chẳng nên nhạt nhẽo ơ hờ
                                 Cho người tóc bạc sớm trưa phàn nàn” (CHNC)
          Trong quan hệ dì ghẻ- con chồng , Ông khuyên nhủ:
                                  “Lại như mẹ ghẻ con chồng,
                               Đừng điều phi tạc, đừng lòng khắt khe…”(CHNC)
            Quan hệ chị em dâu, quan hệ giữa người vợ với anh em, họ hàng bên chồng, ông nhấn mạnh tình ruột thịt, sự bao dung,… còn đối xử của cha mẹ với con cái thì cần phải công bằng, không thiên vị…
3.4. Đề cao tinh thần cộng đồng, xây dựng một môi trường sống nhân ái hòa thuận
        Trong quan hệ với cộng đồng hàng xóm láng giềng, quan hệ bạn bè làm ăn, đối tác buôn bán, Đặng Xuân Bảng cũng khuyến khích tôn trọng mọi người, giữ lấy hòa khí, tinh thần nhường nhịn, đức khiêm cung…
       Với con trai ông khuyên:
                     Chẳng nên cậy thế, cậy tài
                     Cậy giàu, cậy mạnh khinh người bần nhân
                   Tôn tôn, trưởng trưởng, thân thân
                    Kính già yêu trẻ thánh nhân dạy thường…
                   Chẳng nên tranh cạnh hơn thua
                  Kẻ trên người dưới ở cho kính nhường…
                 Người ta cả tiếng ta thời nhịn đi… (HTQAC)
         Đối với con gái trong quan hệ xóm giềng cần sự chân thành, tinh thần tương thân tương ái:
                    Ở cho trên thuận dưới hòa
                    Ở cho trung hậu thực thà là hơn
                     Đừng như những kẻ thế gian
                     Chua ngoa cậy thế, khôn ngoan cậy giàu
                      Tối đèn tắt lửa có nhau
                    Người vương nạn ý, ta mau chân này… (CHNC)
       Trong quan hệ làm ăn ông cũng khuyên giữ chữ tín, trọng nghĩa khinh tài, trung thực, ngay thẳng:
                     Thiệt hơn để dạ, trước sau như lời
                    … theo chi những thói khôn ngoan
                        Pha phôi thực giả tìm đường đối nhau
                      Của phi nghĩa có giàu đâu
                      Ở cho ngay thực giàu sau mới bền… (CHNC)

4.Một vài lời kết
     Do những điều kiện lịch sử cụ thể, mặc dù còn một số điểm ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, đặc biệt trong những lời dạy dành cho phụ nữ như ủng hộ chế độ đa thê, khuyến khích phụ nữ góa chồng ở vậy, không tái giá… các lời dạy dỗ con cháu trong gia đình của Đặng Xuân Bảng thấm đẫm giá trị nhân bản, tinh thần thân dân và có tính khoa học cao.
       Đặc biệt, dưới chế độ phong kiến, phụ nữ không được đi học, bài Cổ  huấn nữ ca của ông có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục phụ nữ- người thầy đầu tiên của trẻ em, tương lai của đất nước, người giữ vai trò quan trọng không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà trong cả việc sáng tạo, lưu giữ và truyền bá văn hóa.
        Cho đến ngày nay, khi đọc lại những lời giáo huấn của ông, chúng ta vẫn còn học được nhiều điều từ việc đề cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức, tinh thần nhân ái, thái độ coi trọng các giá trị của gia đình và ý thức xây dựng cộng đồng.


cHÚ THÍCH
[1] Ký hiệu AB.53 kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (44 trang, khổ 20x13) gồm ba tác phẩm Nôm: Khuyết hiếu ca, Trường hận ca (bản dịch Nôm) và Cảnh Phụ Châm. Cảnh phụ châm gồm 26. Dẫn theo Hoàng Văn Lâu (1984), Tập san Hán-Nôm, số1.
[2] Xem thêm Lời giới thiệu của Phạm Hòang Quân cho tác phẩm Gia huấn diễn ca , NXN Phương Đông, 2005
 [3] Hoàng Văn Lâu (1984), Tập san Hán-Nôm, số1;  Thi Nham Đinh Gia Thuyết (1953): Gia huấn ca, Tân Việt, Sài Gòn,; Nguyễn Hồng Phong(1957) Tìm hiểu Gia huấn ca , Tập san Văn Sử Địa số 27 và 29;  Đoàn Khoách (1982) Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không? Tạp chí Văn học số 1…
  [4] Lê Thu Hương ( 1996), Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tang trữ trong kho sách Hán Nôm, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3
[5] Hoàng Văn Lâu (1984): đã dẫn
           [6]  Chúng tôi chưa thể xác định được năm viết, cũng như số hiệu lưu trữ và tình trạng văn bản
[7] nt

I. Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Văn Lâu (1984), “Ai viết Gia huấn ca”, Tập san Hán -Nôm, số1.
2. Lê Thu Hương (1996), “Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ trong kho sách Hán Nôm”, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3
3.  Gia huấn diễn ca, NXN Phương Đông, 2005
4. Gia Huấn Ca (bản được coi là của Nguyễn Trãi- đăng trên mạng Việt Nam thư quán)
4. Đặng Xuân Bảng, Huấn tử quốc âm ca, Tư liệu gia đình do Ông Đặng Xuân Phi, cháu nội Cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
5. Đặng Xuân Bảng, Cổ Huấn nữ ca, Tư liệu gia đình do ông Đặng Xuân Phi, cháu nội cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
6. Đặng Xuân Bảng, Cư gia khuyến giới tắc, tư liệu của phòng tư liệu Viện Triết học
7. Đặng Xuân Bảng, Cổ nhân ngôn hạnh lục.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...