Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Về xây cổng chào ở Hà Nội

Tùy tiện có 5 cổng chào Hà Nội?


LTS: Tuần qua liên tục những thông tin về cổng chào Hà Nội được cập nhật, thay đổi. Bắt đầu từ  22/6 là thông tin Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá là 50 tỷ đồng. Ngày 25/6, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện rằng thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng. Đến 29/6, UBND Hà Nội đã chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2/9.
"Đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?" Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây 5 cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?"- GS TS Nguyễn Quang Ngọc nói về ý tưởng xây 5 cổng chào, mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội xung quanh câu chuyện này.
Sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả!
GS bình luận gì về việc Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng 5 cổng chào ở QL 1 (tuyến Hà Nội - Lạng Sơn), đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, QL 1 (tuyến Pháp Vân - Cầu giẽ) và QL 5?
GS Nguyễn Quang Ngọc: - Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?". Nếu như xây cổng chào để phục vụ một sự kiện, cụ thể ở đây là đón khách trong nước và quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghĩa là đến hết Đại lễ thì cũng không cần cổng chào nữa. Thường cổng chào kiểu đó gắn với sinh hoạt văn hóa của các làng xã, thậm chí làng có sẵn cổng rồi, khi có lễ thì trang hoàng thành cổng chào, nhiều khi chỉ cần trương băng rôn nối hai trục của cổng để chào đón khách đến với làng.
Nếu Hà Nội dự định xây cổng chào như thế thì cần phải bàn kỹ để xây cho đúng với ý nghĩa, tinh thần của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Làm được công trình nghệ thuật thực sự thì tốt quá, nhưng dù nghệ thuật hay không cũng phải mang tính biểu trưng cao, gắn với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội theo tinh thần đây là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, được khởi dựng từ sự kiện định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Chỉ cần xây một cổng chào, sẽ giống một biểu tượng kỷ niệm hơn là một cổng thực tế để đón khách đi ra đi vào. Nghĩa là phải khai thác tính biểu trưng của nó chứ không phải khai thác giá trị sử dụng của nó.
Cổng chào Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Muốn làm một cổng chào như thế sẽ cần trao đổi kỹ để có một đề bài chuẩn xác cho người thiết kế có cơ sở phóng tác.

Xem ra GS không đồng tình với những hình tượng mà Hà Nội đã chọn cho cổng chào như trống đồng, chim lạc, rồng thời Lý (riêng hình tượng bãi cọc Bạch Đằng chưa được Hà Nội phê duyệt)
- Tôi thấy đó là sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả.
Bãi cọc Bạch Đằng là để chặn quân thù, gây thêm chướng ngại vật để tiêu diệt quân xâm lược, trương cái đó ra có phải không cho người vào Hà Nội à? May mà Hà Nội chưa phê duyệt.
Nhưng ngay cả những hình tượng đã được phê duyệt, tôi cũng thấy không mấy thuyết phục
Trống đồng đúng là một biểu tượng của cội nguồn văn hóa Việt, nhưng liệu có phải là biểu tượng của nghìn năm Thăng Long không? Cả chim Lạc cũng thế. Cổng ở hướng Hà Nội - Lạng Sơn, giáp với Bắc Ninh, có lẽ vì liên tưởng đến 8 vị vua triều Lý nên làm 8 con rồng chăng?. Nếu đúng như vậy thì tội cho các vị vua nhà Lý thật. Các vị dựng nên Kinh thành Thăng Long làm gì để nghìn năm sau phải đứng ở chốn đầu đường thế này? Hình tượng nghệ thuật gì mà kỳ cục vậy?
Trong khi đó ai mà chẳng biết Thăng Long là Rồng Bay (chuyện kể rằng đúng vào ngày này nghìn năm trước, khi Lý Công Uẩn mới từ Hoa Lư ra, lúc thuyền vừa cập bến, đang đậu ở dưới thành Đại La, có Rồng Vàng hiện lên trên thuyền ngự mới đổi gọi là thành Thăng Long). Thăng Long vừa là biểu tượng mở đầu, vừa là đặc trưng đầy đủ của một thiên niên kỷ phát triển và thăng hoa của Thủ đô ta, của dân tộc Việt Nam ta.
Cổng chào trục đường Hà Nội - Lạng Sơn.
Tại sao cụ Lý Công Uẩn nghĩ ra biểu tượng Rồng Bay đẹp là thế, chuẩn đến thế, mà nghìn năm sau chúng ta lại chỉ nghĩ ra hình ảnh Rồng Chầu?
Chưa kể, qua cách chuẩn bị vừa rồi, tôi cảm giác mục đích của việc xây 5 hay 4 cổng chào cũng lờ mờ, không rõ ràng. Có phải xây cổng chào chỉ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội không? hay xây dựng chúng như những cổng chính của thành phố Hà Nội? Gọi là cổng đô thị nhưng đô thị ở đây cũng nửa thành phố nửa làng quê, bởi cách xây dựng cổng chào này khiến ta hình dung đến cổng làng nhiều hơn.
Nếu cổng chào được xây dựng không phải chỉ cho đại lễ kỷ niệm thì theo tôi không nên xây.
Cổng chào chỉ chào những người... đi bộ?
GS có thể giải thích lý do?
- Thứ nhất, Hà Nội chưa có một quy hoạch đô thị hoàn chỉnh. Hà Nội đã được mở rộng từ 1/8/2008, giờ ta xây cổng chào cho toàn bộ thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương, hay xây cổng chào cho riêng đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Nếu xây cổng chào chỉ cho đô thị trung tâm Hà Nội, thì không lẽ lại gạt cái phần mới được tích hợp vào Hà Nội ra à? Có tự mâu thuẫn với chính sách không? Hay bây giờ cứ xây, đến khi làm xong quy hoạch Hà Nội, thấy không phù hợp lại "bốc" đi chỗ khác?
Bởi nếu hiểu cổng chào theo nghĩa của cổng làng, thì phải xây sát với chỗ địa đầu, nơi tiếp giáp của thành phố Hà Nội với các địa phương khác, nghĩa là phải đưa ra tận mép ngoài cùng của cả thành phố trực thuộc trung ương rộng lớn chứ, mà như thế sẽ cần nhiều cổng lắm. Đằng này lại xây ở những địa điểm mà theo tôi, chưa chứng minh được tính lôgic và hợp lý của chúng: Chỗ thì ở nơi tiếp giáp với Bắc Ninh hiện nay như cổng  trên quốc lộ 1A, chỗ cũng nằm ở nơi tiếp giáp nhưng là tiếp giáp giữa Hà Nội và Hà Tây trước ngày 1 tháng 8 năm 2008 (cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc).
Thứ hai, tại sao lại là 5 cổng chào? Nếu thuyết minh rằng chọn 5 đường giao thông đường bộ quan trọng nhất, thì xin thưa rằng trong thực tế còn nhiều đường khác có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn nhiều. Như trục đường QL 6 về đường Nguyễn Trãi chắc chắn có ý nghĩa hơn đường Láng - Hòa Lạc, bởi đó là con đường thượng đạo, chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội, sao lại bị lãng quên? Rồi đường lên Sơn Tây nữa chứ?
Đấy là mới kể đường bộ, còn đường thủy thì sao? Nếu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con đường quan trọng nhất đến Thăng Long phải là theo đường thủy, theo sông Hồng, sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... chứ? Còn đường sắt, đường hàng không, bao nhiêu lối vào Hà Nội, không lẽ cổng chào chỉ chào những người... đi bộ? Mà cả đi bộ, nếu muốn được chào đón thì phải đi đúng những đường đã được chọn, chứ đi đường khác thì sẽ không được chào sao?
Tôi vừa thấy trên báo hôm nay có đưa ra một cách lập luận mới là xây 5 cổng chào này để ghi dấu con đường Nam tiến mở mang bờ cõi của tổ tiên ta (cổng tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ), nơi phát tích của nhà Lý (cổng trên đường 1A), cửa ngõ giao lưu quốc tế (đường Thăng Long-Nội Bài), hướng về dẫy núi Ba Vì, nơi "in đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc" (cổng trên đường Hòa Lạc) và cổng trên quốc lộ 5 hướng ra Biển Đông "với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử". Đây, xét cho cùng cũng vẫn chỉ là lý lẽ của những người xây cổng thôi, còn muốn thể hiện tính chất biểu trưng của mỗi tuyến đường thì cần phải bàn thảo một cách thật sự khoa học và nghiêm túc.
Cổng chào trục đường Hà Nội - Hải Phòng.
Nói tóm lại, ý tưởng xây dựng 5 cổng chào dù có được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng chỉ làm mới thêm cho cái kiểu tư duy cổng làng mà thôi. Đành rằng văn hóa đô thị Thăng Long-Hà Nội có phần rất quan trọng là tích hợp và nhào luyện từ tinh hoa cả văn hóa xóm làng xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, nhưng mô hình phát triển của đô thị Hà Nội thì quyết không phải là phóng đại cái làng xứ nọ, xứ kia mà thành được.
Đây là kiểu làm tùy tiện!
Vậy theo GS, Hà Nội không cần cổng chào?
- Để xây "vĩnh cửu", theo tư duy đô thị hiện đại thì càng chỉ nên xây một "cổng chào" có tính chất biểu trưng cho thủ đô Hà Nội, kiểu Paris (Pháp) có Khải Hoàn Môn, ngay như Viêng Chăn (Lào) cũng có cổng mang tính chất biểu trưng rất đẹp, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng đón chào tất cả mọi người đến với thành phố, dù quốc tịch nào, dù đi theo tuyến đường nào, hướng nào, bằng phương tiện gì... Nếu theo tư duy đó thì không cần phải xây dựng ở nơi "địa đầu" theo kiểu "cổng chào" truyền thống.
GS bình luận thế nào về ý kiến của đại diện VP Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long (trên VNExpress), rằng nếu không xây dựng cổng chào ở toàn bộ 5 khu vực thì khu đất trống sẽ được sử dụng làm điểm dừng đỗ của phương tiện giao thông, nên việc giải phóng mặt bằng vẫn tiến hành?
- Đây là kiểu làm tùy tiện. Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?
Hoàn toàn không nên giải phóng mặt bằng 5 chỗ, rồi lập luận rằng chỉ làm cổng tạm thôi. Thế là tham nhũng mặt bằng của dân rồi đấy. Không có cổng chào theo tôi cũng không sao, còn nếu đã giải phóng mặt bằng trên quy mô lớn rồi thì phải tính chuyện lâu dài, xây công trình có giá trị biểu trưng cao và để lại lâu dài cho con cháu. Không nên giăng ra làm hàng loạt những công trình "tạm", những công trình "rởm", vừa tiêu tốn quá nhiều tiền của của dân, vừa không làm đẹp hơn, trái lại còn làm nhem nhuốc thêm diện mạo Thủ đô.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-29-tuy-tien-co-5-cong-chao-ha-noi-

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Dòng báo phụ nữ trước cách mạng tháng Tám năm 1945

Đặng Thị Vân Chi
 Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử  tháng 11 ( 367) năm 2006.


Nữ Giới chung (1918), tờ báo Phụ nữ đầu tiên trong Lịch sử Báo chí Việt Nam
    Phụ Nữ Tân văn ( 1929-1935) là tờ báo phụ nữ có nhiều đóng góp không chỉ với tư cách là tờ báo mở đầu cho dòng báo Phụ nữ ở Việt Nam mà còn là tờ báo được đánh giá cao với tiêu chí thu hút độc giả trong Lịch sử báo chí Việt Nam                                         
1. Vấn đề phụ nữ trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX
      Đầu thế kỉ XX, dưới tác động của hai đợt khai thác thuộc địa của Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá. Phụ nữ chiếm nửa dân số trong xã hội, do đó, tất cả những thay đổi trong xã hội đều ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hầu hết phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ ở các đô thị.
Nếu như trước đây, dưới chế độ phong kiến, phần lớn phụ nữ Việt Nam là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, thì ngay từ khi xuất hiện lực lượng công nhân đầu tiên đã có mặt của tầng lớp phụ nữ lao động làm thuê. Tư bản Pháp rất chú ý tuyển mộ thợ phụ nữ nhằm bóc lột sức lao động cần cù của họ. Hàng vạn phụ nữ, hầu hết xuất thân từ nông dân bị phá sản đã vào làm thuê ở các mỏ than Hồng Gai, Kế Bào, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy Diêm Bến Thuỷ, các đồn điền cao su Nam Kì... Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thuộc địa, của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ nữ công  nhân cũng tăng lên nhanh chóng. Do không được học hành, rất ít nữ công nhân có trình độ chuyên môn, họ thường phải làm những công việc tay chân giản đơn. Một ngày làm việc của họ thường kéo dài từ 12 giờ trở lên như ở nhà máy Diêm Bến Thuỷ, hoặc 15 giờ như quy định chính thức của nhà máy dệt Nam Định. Còn ở mỏ than Kế Bào, do phải đi làm quá xa nên ngày làm việc của họ thường kéo dài tới 20 tiếng ( kể cả thời gian đi về). Mặc dù phải làm việc vất vả như vậy,  nhưng đồng lương của nữ công nhân rất thấp, chỉ bằng 2/3  lương của công nhân nam vốn đã rẻ mạt. Đã thế  họ lại không có chế độ bảo hiểm.
Khổ hơn nữa, nữ công nhân còn bị xúc phạm đến nhân phẩm, bị khinh rẻ và có thể bị xa thải bất cứ lúc nào.
Ở nông thôn, phụ nữ nông dân bị đẩy vào cảnh ở đợ, làm thuê, biến thành tá điền bởi gánh nặng tô thuế. Cùng đường, nhiều phụ nữ nông thôn bị đẩy ra thành phố, bổ sung vào đội ngũ nữ công nhân, đi ở, làm nghề mãi dâm... trở nên đói nghèo và trở thành nạn nhân của văn minh tư bản. Năm 1931, dân số Hà Nội không quá 10 vạn người mà đã có hơn 100 nhà thổ.
Bên cạnh những thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội của tầng lớp phụ nữ lao động, trong những năm đầu thế kỉ XX, ở Việt Nam còn xuất hiện tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản thành thị gồm những người thợ thủ công, tiểu thương, vợ con các viên chức làm việc trong các công sở của Pháp và của tư nhân, các nữ công chức ( giáo viên, y tá hộ sinh) và các nữ học sinh...
Trong toàn Đông Dương, số nữ sinh năm 1930-1931 là 40.000 nữ sinh, đến năm 1937-1938 là khoảng 60.000  và tới năm 1940 số học sinh nữ đã lên tới 80.000 người. Trong số đó, nhiều người đã tốt nghiệp trung học, có người tốt nghiệp đại học ...  Như cô Henriette Bùi, tốt nghiệp đại học y khoa Pari (năm 1934), bà Nguyễn Thị Sương (năm 1940), cô Lê Thị Hoàng tốt nghiệp cao đẳng y khoa Hà Nội (năm 1937); cô Dương Thị Liễu (năm 1940), cô Lý Thị Nguyệt tốt nghiệp Cao đẳng Bào chế Hà Nội, bà Phan Thị Liệu tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông Hà Nội; cô Phạm Thị Mỹ rốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (năm 1928), cô Nguyễn Thị Châu tốt nghiệp cử nhân Văn khoa ở Đại học Pari (năm 1936); bà Bùi Thị Cầm tốt nghiệp Đại học Luật khoa Pari và bà Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội... Đặc biệt trong những năm 30, phụ nữ Việt Nam đã có người đậu bằng tiến sĩ  khoa học của Pháp như cô  Hoàng Thị Nga. Báo Đàn bà mới ngày 17/6/1935 giới thiệu cô là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng tiến sĩ Etat...Trừ một số rất ít những phụ nữ có bằng cấp cao ở nhà  nội trợ, còn hầu hết đều  hành nghề bằng chính ngành nghề đã được đào tạo như Cô Henritte Bùi làm phó giám đốc nhà bảo sanh Chợ Lớn, bà Phan Thị Liệu làm ở sở nghiên cứu nông nghiệp Sài Gòn, cô Phạm Thị Mỹ và cô Nguyễn Thị Châu làm giáo sư ở trường “áo Tím”...[ĐB-số đặc biệt năm 1941]
Tình hình xã hội Việt Nam với những thay đổi về kinh tế xã hội và văn hoá tự thân nó cũng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết: Đó là làm thế nào để giành lại độc lập dân tộc, làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội và đưa Việt Nam hoà nhập vào thế giới hiện đại.
Đối với phụ nữ Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của  tư tưởng Nho giáo, “ tam tòng”, “tứ đức” đã trở thành những chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống thì những thay đổi trong xã hội Việt Nam cùng với những ảnh hưởng của phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới đã tác động không nhỏ đến xã hội Việt Nam. Và, phụ nữ đã trở thành một vấn đề trong xã hội.
 Nhiều tác giả viết sách về vấn đề phụ nữ như Phan Bội Châu (1), Đặng Văn Bẩy (2), Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc (3)... Trong bài “Phong trào cải cách của phụ nữ” báo Hoàn cầu tân văn ngày 11.8. 1934 đã nhận xét: “ đã lâu phụ nữ xứ này nổi lên cái phong trào vận động nữ quyền một cách nhiệt liệt. Những tiếng bình đẳng, bình quyền, giải phóng hàng ngày vang dền trên diễn đàn. Ngoài việc mở báo làm cơ quan chính thức cho cuộc vận động họ lại viết sách. Đến như các báo hàng ngày cũng phải dành riêng mỗi tuần 1 trương viết về phụ nữ. Như vậy cho biết rằng vấn đề phụ nữ đã chiếm một  địa vị quan trọng ở xứ này.” Năm 1938, Cựu Kim Sơn và Văn Huệ viết  "Đời chị em” nhấn mạnh “ vấn đề phụ nữ, một vấn đề gay gắt đòi phải giải quyết ngay, vấn đề phụ nữ , thật vậy là một vấn đề khá quan trọng” [Cựu Kim Sơn,1932, tr2]. 
Như vậy có thể thấy rằng vấn đề phụ nữ đã trở nên khá bức xúc và báo chí đã nhanh chóng trở thành diễn đàn thảo luận về vấn đề phụ nữ, thành  phương tiện để giáo dục, giác ngộ và tập hợp phụ nữ, nhằm giải quyết  những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ  và xã hội.
2. Quá trình hình thành diễn đàn phụ nữ và sự ra đời của dòng báo phụ nữ trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngay từ những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XX, trên  tờ Đại Nam Đăng cổ tùng báo (ĐNĐCTB)- một tờ báo tiếng Việt  hiếm hoi trong thời kì này, thế hệ những người làm báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam đã dành một diễn đàn cho phụ nữ Việt Nam: đó là mục Nhời đàn bà. Ra đời năm 1907, trong bối cảnh phong trào Nghĩa Thục ở Hà Nội và phong trào Duy Tân do các trí thức yêu nước khởi xướng và lãnh đạo đang phát triển rầm rộ trong cả nước, ĐNĐCTB có khuynh hướng cổ vũ phong trào Duy Tân, phê phán hủ tục và khuyến khích phát triển công nghệ. Mục Nhời đàn bà do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương và viết hầu hết các bài dưới bút danh phụ nữ Đào Thị Loan đã tập trung cổ động phụ nữ đi học, gắn vấn đề phụ nữ với vấn đề Duy tân, phê phán những tập quán lạc hậu trong sinh hoạt của phụ nữ như tục tảo hôn, ham mê hầu đồng, hầu bóng... ĐNĐCTB bị đình bản gần như cùng thời điểm trường Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội bị đóng cửa.
Năm 1913, mục Nhời đàn bàn lại xuất hiện trên Đông Dương tạp chí ( ĐDTC) và đến năm 1915, khi ĐDTC trở thành một tạp chí có tính chất văn học thì mục Nhời đàn bà được tiếp tục trên Trung Bắc tân văn (TBTV) cũng do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương. Nhìn chung, mục Nhời đàn bà  trên các tờ ĐNĐCTB, ĐDTC, TBTV đều do Nguyễn Văn Vĩnh viết, phản ánh ảnh hưởng của văn hoá, văn minh phương Tây trong nhận thức của giới trí thức Bắc Kì về vấn đề phụ nữ. Họ bắt đầu nhận thức được phụ nữ đang dần dần trở thành một lực lượng xã hội  ngày càng có vai trò quan trọng trong một xã hội đang  trong quá trình biến đổi.
Việc xuất bản một tờ báo riêng cho phụ nữ cũng được đề cập đến ngay từ số 35 ra ngày 8/1/1914. Dự kiến nội dung, mục đích của tờ báo này sẽ là: bàn luận về những việc như cưới xin, sinh nở, giầu cau, bánh trái, cỗ bàn, khăn áo... nghĩa là những việc liên quan tới nhiệm vụ của phụ nữ theo quan niệm truyền thống là quán xuyến việc nhà, và một mục gọi là để “công kích giới râu mày”. Việc đề xuất ra nữ baó được nhiều người ủng hộ đã phản ánh sự nhạy cảm của giới trí thức Bắc Kì, đặc biệt là Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên phải đến khi Thế chiến I kết thúc năm 1918, tờ nữ báo đầu tiên mới ra đời. Đó là tờ Nữ giới chung (NGC) do Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.
Mục đích của tờ báo được nêu trong Phần mở đầu của báo là: “đề xướng việc nữ học, chớ chẳng dám can thiệp đến cả chính trị, cũng chẳng dám đua tranh với bậc tài trai”. Nhưng vì tình hình nước ta trong buổi giao thời “học cũ đã suy, học mới chưa thạnh... nếu cái phương châm này mà sai một li thì đi ngàn dặm, hậu vận tổ quốc ta tấn hoá cũng ở đó mà thối hoá cũng ở đó”  và vì vậy, theo NGC “trước hãy gây nên hai bực: một là “phổ thông” hai là “ thiệt nghiêp”, phổ thông là bất cứ giàu nghèo, sang hèn ai cũng có chút học thức trí não. Thiệt nghiệp là nhứt thiết đờn bà con gái ai cũng có một nghề nghiệp trên tay. Có học thức mới biết bổn phận làm vợ, làm mẹ. có nghề nghiệp thì mới khỏi tiếng nhờ chồng, nhờ con. vậy không những phước riêng trong gia đình mà ích chung cả xã hội nữa” (NGC-1/2/1918]. Nhưng sau đó không lâu, Nữ giới chung đình bản ngày 19/7/1918. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, ( hơn 5 tháng) nhưng NGC với tư cách là tờ báo dành riêng cho phụ nữ đã trở thành tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam và là tờ báo đi tiên phong trong việc khơỉ xướng vấn đề nữ quyền và bình đẳng nam nữ.
Sau Thế chiến I, phong trào đòi nữ quyền của phụ nữ châu Âu phát triển mạnh mẽ. Ảnh hưởng của phong trào này qua báo chí cũng tác động tới xã hội Việt Nam. Trong thời gian này, có rất nhiều các tờ báo tiếng Việt được xuất bản và hầu như tờ nào cũng dành một số trang để bàn về vấn đề phụ nữ, hoặc có mục dành riêng cho phụ nữ như: Trung bắc tân văn  vẫn duy trì mục Nhời đàn bà, báo Thần Chung, báo Công luận có mục Lời bạn gái; Khai hoá nhật báo có mục Văn nữ giới và mục Phụ nữ diễn đàn, Đông Pháp thời báo cũng có mục Văn nữ giớiLời đàn bà, Hà thành Ngọ báo có mục Tiếng oanh; Báo Văn minh có mục Phụ nữ diễn đàn...
Đặc biệt trên Nam Phong (NP) cũng có nhiều bài về phụ nữ. Là một tờ tạp chí có tính chất học thuật nên các bài báo về phụ nữ trên NP mang nhiều tính chất phổ biến và giới thiệu kiến thức, quan điểm về vấn đề nữ quyền, nữ học của các học giả nước ngoài như bài Nữ nquyền (NP số 159 và số 173 ), Người ta có bình đẳng không ( NP- số 118), Về sự giáo dục đàn bà con gaí( NP-số 49 ), Nữ học (NP số159 ), Tâm hồn người đàn bà (NP số 99 )... Bên cạnh đó, những bài của các học giả trong nước cũng là những bài có tính khảo cứu như Sự giáo dục đàn bà con gái của Phạm Quỳnh (NP số 4), Nói về nữ quyền ở nước Nam (Địa vị người đàn bà theo phong tục, theo luật pháp nước ta như thế nào (NP số 93 )..., Hầu hết các bài báo về phụ nữ trên các tờ báo khác chủ yếu là ý kiến cá nhân, có thể của bản thân phụ nữ, có thể của các tác giả khác  về các vấn đề của phụ nữ. Cũng có những mục như Văn nữ giới hoặc Tiếng Oanh được coi như một diễn đàn để phụ nữ trao đổi ý kiến về các vấn đề của mình hoặc là nơi để phụ nữ tập viết các bài báo... Có một số báo có khuynh hướng yêu nước tiến bộ đã mượn Lời đàn bà, hoặc Văn nữ giới để khôn khéo kích động lòng yêu nước của nhân dân và đả kích các chính sách của thực dân Pháp như báo Thần Chung, Công Luận, Đông Pháp thời báo hoặc Hà thành Ngọ báo...
Sau khi Nữ giới chung đình bản, ở Việt Nam không còn tờ báo nào dành  riêng cho nữ giới nữa. Trong những năm 1925, 1926  Trung Bắc tân văn đã nhiều lần đặt vấn đề “Nên có một tờ báo cho đàn bà con gái đọc”. Vấn đề ra nữ báo được thảo luận nhiều xong vẫn chưa có kết quả. Năm 1927, sau khi thành lập Nữ công học hội ở Huế bà Đạm Phương lại đặt vấn đề ra một tờ tạp chí cho phụ nữ trên Hà thành ngọ báo. Theo bà, tờ tạp chí phụ nữ này trước hết sẽ là một cơ quan  để truyền bá tư tưởng của mình, giúp cho việc vận động phụ nữ hiệu quả. Thứ hai là trước phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ đang bồng bột thì tạp chí phụ nữ sẽ giúp phụ nữ biết lựa chọn điều hay mà làm, điều dở nên bỏ nhằm vãn hồi cái nền đạo đức cũ, bổ cứu thêm cái văn hoá mới qua dư luận chính đáng. Thứ ba, tờ tạp chí này cũng sẽ giúp Hội nữ công khuếch trương thế lực. Bà kêu gọi “ xin chị em suy xét cho kĩ để cùng nhau mưu toan việc công ích, tổ chức lấy một tờ phụ nữ tạp chí”(HTNB-25/11/1927). Tuy nhiên, đến năm 1929, tờ báo Phụ nữ tân văn (PNTV) -tờ  nữ báo thứ hai trong lịch sử báo phụ nữ của Việt Nam  mới ra đời . 
Với sự ra đời của báo PNTV năm 1929, để sau đó từ 1930 đến năm 1945, đã hình thành nên dòng báo chuyên biệt dành cho phụ nữ của phụ nữ và vì phụ nữ. Vào thời kì phát triển 1930-1935,  ở cả ba kì đều xuất hiện  báo phụ nữ. Sau đó có thể nói ở Việt Nam không lúc nào không có một tờ báo phụ nữ đang lưu hành, tờ này đình bản thì tờ khác ra đời.  Đó là các tờ báo Nữ giới chung (1918), Phụ nữ tân văn (1929-1935) ở Sài Gòn, Phụ nữ thời đàm- PNTĐ (1930-1934) ở Hà Nội, Phụ nữ tân tiến -PNTT (1932-1934) ở Huế, Đàn bà mới- ĐBM (1934-1936) ở Sài Gòn, Nữ lưu -NL (1936-1937)  ở Sài Gòn, Việt nữ -VN (1937) ở Hà Nội, Phụ nữ -PN (1938-1939) ở Hà Nội, Nữ công tạp chí- NCTC (1936-1938) ở Sài Gòn, Nữ giới -NG (1938-1939) ở Sài Gòn, Đàn bà- ĐB (1939-1945), Bạn Gái -BG 1945), Việt nữ -VN (1945) ở Hà Nội.(10)
 Một số nét về diện mạo của các tờ nữ báo và đội ngũ tác giả.

Các tờ báo phụ nữ này đều coi mình là“ cơ quan độc lập, chuyên tâm khảo cứu những vấn đề quan hệ tới đàn bà, tức là quan hệ tới quốc gia xã hội (PNTV), “là cơ quan để giới thiệu những tư tưởng, bày tỏ những chí hướng của chị em với lòng phán đoán của quốc dân để mong lập nên cái chuẩn đích cho sự tiến hoá của nữ giới sau này” ( PNTĐ), “ là cơ quan mở mang ngôn luận đem lý tưởng sâu xa truyền bá để cùng anh chị bồi đắp non sông chia sớt lấy phần hướng đạo, chỉ vẽ chị em trong lúc sôi nổi tân thời, đặng vững vàng trên con đường văn minh tiến hoá” ( PNTT), là cơ quan của phụ nữ Việt Nam, viết cho phụ nữ đọc và do phụ nữ viết ( VN-1937)...

 Là hệ  quả của quá trình tiếp xúc văn hoá Đông Tây, trong những năm đầu thế kỉ XX vấn đề phụ nữ “trở thành tâm điểm  mà các cuộc thảo luận mà  khác thường xoay xung quanh nó” (9-tr191). Chính vì vậy mà tôn chỉ của các tờ nữ báo này là “thờ chân lý làm thần minh, tổ quốc làm tôn giáo, mở rộng cửa cho khắp cả mọi người..” (PNTV), “ mong ngăn ngừa bên nọ , dìu dắt bên kia lấy những điều suy xét ấy làm đích mà đắn đo lựa chọn... ở trong luân lý xưa, phong trào mới điều gì hủ bại  không thích hợp thời ta đổi, điều gì có lợi ích chính đáng thì ta theo...” ( PNTĐ), “ dung hoà tân cựu, cựu tốt thì giữ cựu làm gốc, có tân tốt thì cứ đó mà tiến hành...” ( PNTT) với mong muốn làm một cuộc “ cách mạng nữ giới” (VN- 1945)
            Với mục đích và tôn chỉ như vậy kết cấu chung của các tờ nữ báo thường có:
-Mục xã thuyết: Mục này thường được in trên trang nhất và được coi là tiếng nói chính thức của tờ báo, tạo nên “tinh thần của bổn báo” (NGC), “giúp cho quý cô về đường tư tưởng” (PNTV) nên dưới bài thường là tên của báo ( PNTV, PNTT, ĐBM, ĐB), hoặc tên của chủ bút báo, chủ bút báo ( NGC, PNTĐ, ĐB, VN, PN) riêng trên Phụ nữ thời đàm (bộ mới) thì mặc dù không ghi chủ bút báo là ai nhưng hầu hết các bài xã thuyết trên trang nhất đều là của Phan Khôi). Nội dung của  các bài xã thuyết thường đề cập đến các vấn đề như vị trí và vai trò của phụ nữ trong xã hội, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ hoặc là ý kiến chính thức của báo trước một sự kiện chính trị, xã hội nào đó  và thường là liên quan trực tiếp đến phụ nữ.
 Bên cạnh các bài xã thuyết các báo thường có một số bài có tính chất chính luận về các vấn đề của phụ nữ, đặc biệt trong các tờ nữ báo đầu tiên như tờ Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân tiến . Đến Đàn bà mới Đàn bà, Phụ nữ, các bài chính luận ít dần đi, có thời gian trên Đàn bà mới phần lớn dành cho quảng cáo (như khoảng thời gian từ  số 55 ngày 28.3.1936 tới số 76 ngày17.8.1936) hoặc đăng tiểu thuyết nhiều kì, truyện ngắn, truyện dài ...
- Tình hình thời sự thế giới, hoặc tình hình thời sự trong nước
- Giới thiệu về phụ nữ thế giới, phong trào phụ nữ các nước, các nhân vật phụ nữ nổi tiếng
- Mục gia chánh, vệ sinh, nhi đồng là  những mục  mà hầu hết các tờ nữ báo đều có và là những mục tạo nên đặc điểm riêng của các tờ nữ báo
- Mục văn học: thường đăng tiểu thuyết nhiều kì, chuyện ngắn, truyện dài, thơ của phụ nữ...
- Mục quảng cáo: dành nhiều cho quảng cáo thuốc các bệnh phụ nữ, quảng cáo mỹ phẩm...
 Đặc biệt trên báo Đàn bà có mục Chuyện riêng dành để giải đáp các thắc mắc về tình cảm riêng tư của phụ nữ, cũng như là nơi để phụ nữ tâm sự bày tỏ những uẩn khúc trong tình cảm và quan hệ hôn nhân...
Một đặc điểm khác khiến các tờ báo phụ  trở nên hấp dẫn bạn đọc hơn  là các tờ báo này thường đặt ra các cuộc thi, các cuộc tìm hiểu và trưng cầu ý kiến về các vấn đề của phụ nữ, về chính trị, về gia đình và xã hội.
Ví dụ: ngay trong  số ra mắt Phụ nữ tân văn đã làm cuộc trưng cầu ý kiến các danh nhân về vấn đề phụ nữ. Cuộc trưng cầu ý kiến này đã được  sự ủng hộ tham gia của hầu hết các danh nhân, chí sĩ như  Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,  hoặc các chính khách như: Phan Văn Trường, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long và các nhà báo lão luyện trong làng báo như Nguyễn Văn Vĩnh, Diệp Văn Kì, Phan Khôi, Nguyễn Văn Bá, Cao Văn Chánh, Đạm Phương nữ sử... Phụ nữ tân văn còn tổ chức cuộc thi viết về Văn chương và  đức hạnh, cuộc thăm dò ý kiến Kiều nên khen hay nên chê...để  phụ nữ có dịp làm quen với ngôn luận, cũng như rèn cách viết, trình bày những ý kiến và tư tưởng của mình.
Đàn bà mới thường tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến  trên báo  như:
            - Vợ tài giỏi hơn chồng?, Chồng tài giỏi hơn vợ? Hai vợ chồng tài trí ngang nhau? những gia đình đó có êm  ái không? Gia đình nào êm ái nhất? (ĐBM-30.3.1935)
- Đàn bà goá có nên cải giá không?(ĐBM-13-4-1935)
- Có nên tự giải phóng không? ( về việc chồng có vợ bé, không đoái hoài đến vợ, người vợ muốn bỏ đi nhưng còn ngại dư luận) .(ĐBM -27.4.1935)
- Trưng cầu ý kiến của một độc giả: vợ không có con thì có nên lấy vợ hai để có con nối dõi không? ((ĐBM-8.7.1935)
- So sánh bà Jeanne D’ Act và  Hai Bà Trưng thì bên nào đáng phục hơn ( ĐBM-29.7.1935)
-Dân chủ? Độc tài? Quân chủ lập hiến? trong ba chánh thể ấy nên chọn  chánh thể nào? (ĐBM-12.8.1935)
 Báo Đàn bà tổ chức cuộc thi viết về “ Người đàn bà Việt Nam kiểu mẫu”...
Báo Việt nữ năm 1945 tién hành phỏng vấn cả hai giới nam và nữ về nguyên tắc nam nữ bình quyền...
Các tờ nữ báo hầu hết là tuần báo, nên số trang thường dao động trong khoảng từ 15 đến 30 trang. Về hình thức các tờ nữ báo thường có khổ vừa phải, không lớn như các tờ nhật báo khác . Ví dụ tờ Nữ giới chung có 24 trang khổ 29x41cm, tờ Phụ nữ tân văn 32 trang khổ 23x32,5 cm,  Phụ nữ thời đàm khổ 20,5 x27 cm có 28 trang, báo Đàn bà mới khổ 30x44 cm, có 28 trang...





 Đội  ngũ tác giả
 Hầu như các tờ nữ báo  đều ra đời trong thời gian từ năm 1930-1945 (trừ tờ Nữ Giới chung) là  thời kì giáo dục cho phụ nữ đã có kết quả bước đầu. Sau hơn mười năm kể từ khi  chương trình Học chính Tổng quy đi vào thực hiện, số nữ sinh ngày càng đông  và hệ quả của nó là số lượng độc giả của các tờ nữ báo cũng tăng lên. Nhiều phụ nữ đã có bằng cấp cao và đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực xuất bản.  Vì thế, cũng phải thấy rằng việc ra đời của dòng báo nữ ngoài yêu cầu bức xúc của việc giải quyết vấn đề phụ nữ  đang là vấn đề cấp bách thu hút sự quan tâm của xã hội, còn có lý do kinh tế.  Đó cũng là lý do giải thích tất cả các báo phụ nữ thời kì này đều là báo công khai, của giai cấp tư sản  được chính quyền thực dân cấp giấy phép xuất bản nhưng kể cả như vậy các tờ báo này cũng phải chịu sự kiểm duyệt rất hà khắc của chính quyền thực dân.
 Không kể tờ Nữ giới chung là tờ báo ra đời theo chủ trương của chính quyền thuộc địa, mặc dù chủ bút báo là bà Sương Nguyệt Anh nhưng chủ báo vẫn là  một viên quan thuộc địa Pháp, hầu hết các tờ  nữ báo sau này đều hoàn toàn của người Việt.  Trong thời gian đầu, tuy các chủ nhiệm của các tờ nữ báo đều là phụ nữ, nhưng các chủ bút vẫn là nam giới như trường hợp  tờ Phụ Nữ tân văn  hoặc cả chủ nhiệm lẫn chủ bút đều là nam giới như Phụ nữ thời đàm . Đến Phụ nữ tân tiến , bà Lê Thành Tường kiêm cả chủ nhiệm và chủ bút báo .Và các tờ nữ báo sau này hoàn toàn do phụ nữ quản lý, là chủ nhiệm và chủ bút. Đó là các cô Lưu thị Yến tức Thuỵ An, (báo ĐBM và báo ĐB), Tô Thị Đệ (NL), Nguyễn Thị Thảo ( PN), Nguyễn Thị Thanh Tú ( VN)...
 Bên cạnh các nữ chủ bút, chủ nhiệm báo, các nhà báo nữ cũng ngày càng khẳng định vị trí của mình trong làng báo. Đó là các cô Nguyễn Thị Kiêm, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Nguyễn Thị Bạch Minh, Phan Thị Nga, Trần Thị Hường... trên Phụ nữ tân văn, Trần Thị Trinh Chính, Liên Hương, Thu Vân... trên Phụ nữ thời đàm, các cô  Dã Lan, Giạ thảo, Mme Nguyễn Thị An Hoà, Madame Tôn Thất Vinh, Nguyễn Thị Bạch Mai, Mme Đinh  Gia Thuyết, Hải Nữ, Nguyễn Thị Xuân Mai, Mlle Nguyễn Thị Dung, Mlle Nguyễn Thị Việt, Mlle Lê Hoa... trên Phụ nữ tân tiến; Lan Hương, Lệ Chi... trên Báo Phụ nữ; Bích Mai, Thu Vân, Hồng Nhật, Chung Thị Vân, Song Nga... trên Đàn bà mới; Thanh Tú, Mộng Sơn, Ngọc Lan, Thạch Lan, Việt Thanh... trên Việt Nữ; Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Thu, Mai Huỳnh Hoa...trên Nữ lưu, Nguyễn Thị Lan, Mộng Sơn, Cô Trinh, Duyên Hà, Phạm Ngọc Châu, Hằng Phương, Bà Nguyễn Hảo Ca, bà Phan Quang Định, Thu Linh... trên báo Đàn bà. Trong số đó nổi bật lên các nữ nhà báo như:
- Sương Nguyệt Anh-với tư cách là nữ chủ bút báo đầu tiên với các bài bàn về nữ quyền và  vai trò của phụ nữ cũng như những bài thơ yêu nước.
- Đạm Phương nữ sử, Chủ tịch nữ công học hội Huế, tổ chức phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói bà  là một trong những người phụ nữ tham gia viết báo từ khá sớm. Bà là tác giả quen thuộc của Nhời đàn bà trên Trung bắc tân văn từ những năm 1918, bà cũng tham gia viết bài cho nhiều báo khác như Phụ nữ tân văn, Đàn bà...
- Nguyễn Đức Nhuận,( tên thật là Cao Thị Khanh) chủ nhiệm báo Phụ nữ Tân văn, tờ báo nữ được coi là thành công nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất trong các tờ nữ báo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bên cạnh việc tham gia viết bài, bà cũng là người khởi xướng, tổ chức các hoạt động từ thiện, các công tác xã hội  của báo Phụ nữ tân văn như tổ chức Hội chợ đêm, Đấu xảo đồ Mỹ nghệ  của phụ nữ, gây quỹ giúp học sinh nghèo, quyên góp giúp Hội Dục Anh...
- Nguyễn Thị Kiêm-  Nhà báo của Phụ nữ Tân văn.Cô tham gia viết bài cho rất nhiều báo, ở nhiều thể loại, chính luận, phóng sự, phê bình sách đặc biệt cô còn nổi tiếng  là một trong những người khởi xướng lối thơ mới dưới bút danh Nguyễn Thị Manh Manh, và là một trong những người phụ nữ đầu tiên đi diễn thuyết vận động nữ quyền...
- Thuỵ An ( Tên thật là Lưu Thị Yến)- Chủ nhiệm, kiêm chủ bút của hai tờ báo lớn  Đàn bà mới Đàn bà. Cô cũng là người viết rất nhiều thể loại báo, từ xã thuyết, đến phóng sự,  phỏng vấn, thơ...
-Phan Thị Nga cũng tham gia viết cho nhiều báo như báo Tràng An, Hà thành Ngọ Báo, Phụ nữ tân văn, ...cô cũng nổi tiếng vì là người khởi xướng phong trào phụ nữ thể dục.
- Các cô Vân Đài, Mộng Sơn, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Nguyễn Thị Thảo, Thu Vân,  Bích Mai, Nguyễn Thị Việt, Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa... là những tên tuổi để lại nhiều ấn tượng trong làng báo.(8)
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều và càng thường xuyên các tên tuổi nữ trên các tờ nữ báo cũng như các trang phụ nữ trên các báo hàng ngày, vấn đề phụ nữ trên báo chí đã thực sự trở thành sự tự nhận thức của phụ nữ về những vấn đề của chính mình và vì quyền lợi của  bản thân phụ nữ. Điều quan trọng hơn những tiếng nói của họ góp phần thúc đẩy cuộc vận động nữ quyền và giải phóng phụ nữ ngày càng phát triển.
 3. Một số  nội dung chính của các tờ nữ báo.

             *Phản ánh  vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội
            Từ  chỗ cho rằng vị  trí của phụ nữ là trong gia đình và đề cao vai trò của phụ nữ với tư cách là người vợ, người mẹ trên tờ Nữ giới chung năm 1918,  mặc dù vẫn nhấn mạnh vai trò và bổn phận của phụ nữ trong gia đình các báo Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân tiến , Đàn bà mới... đã thừa nhận đóng góp trực tiếp của phụ nữ  đối với xã hội. Phụ nữ tân văn kêu gọi “Nghĩa vụ chị em mình phải lo cho có nghề nghiệp” (PNTV-20.3.1930) “ Mở cửa các sở cho đàn bà vô” (PNTV-27.8.1931). Trong thời kì Mặt trận dân chủ Đông Dương những năm 1936-1939, báo Đàn bà mới kêu gọi phụ nữ đòi quyền bầu cử và tham chính. Nhưng cũng có thể thấy các báo công khai thời kì này dù muốn hay không cũng bị chi phối bởi chính quyền thuộc địa và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các phong trào xã hội của nước Pháp. Đây là một hạn chế của dòng báo công khai ở Việt Nam nói chung và báo phụ nữ nói riêng. Ví dụ từ khi Thế chiến II bùng nổ, nước Pháp bị cuốn vào cuộc chiến, và bị phát xít Đức chiếm đóng, chủ nghĩa “ Phụ nữ hồi gia” của chủ nghĩa phát xít qua nước Pháp cũng ảnh hướng tới Việt Nam . Trên báo Đàn bà hầu hết các bài báo đều phân tích vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và khuyến khích phụ nữ trở về gia đình yên lòng với cuộc đời của một bà nội trợ. Cuộc phỏng vấn các  nữ trí thức trên Đàn bà  số đặc biệt năm 1941 đã đưa ra một tấm gương cho phụ nữ Việt Nam về vai trò quan trọng của họ trong gia đình.  Đó là ngay cả những trí thức cao cấp đang làm việc trong các trường học hay công sở của Pháp  như cô Vũ Thị Hiền-cử nhân Luật từ Đại học luật ở Pari hay cô Kim Oanh - kĩ sư canh nông đang làm việc tại Viện Khảo cứu nông lâm vẫn coi gia đình là quan trọng nhất và sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp để về làm người nội trợ trong gia đình. Quan niệm này đã từng bị Nguyễn Thị Kim Anh viết bài phê phán trên báo Dân chúng năm 1938.
     *Phản ánh  vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
     Ra đời trong bối cảnh trên thế giới phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ đang diễn ra sôi nổi, còn ở trong nước phụ nữ đang ngày càng trở thành một lực lượng xã hội quan trọng, vấn đề phụ nữ đang dần dần trở thành vấn đề xã hội được cả xã hội quan tâm, các tờ báo nữ  đã dành nhiều trang để thảo luận về vấn đề này. Cuộc thảo luận về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên các tờ nữ báo đã phản ánh quá trình nhận thức của xã hội nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng về ván đề này.  Đó là quá trình đi từ lĩnh vực văn hoá, Nữ học- giáo dục phụ nữ sang lĩnh vực chính trị xã hội: Phụ nữ và quyền bầu cử ứng cử, quyền tham chính và giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc.
Từ việc cố tìm hiểu nghĩa nam nữ bình quyền là gì (mặc dù còn rất nhiều mâu thuẫn trong khi giải thích các khái niệm nữ quyền) trên tờ Nữ giới chung, hơn 10 năm sau Phụ nữ tân văntrở thành một tờ báo đấu tranh với chính mình” trong quá trình nhận thức các quan niệm về nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Năm 1934, tờ báo đã đưa ra những “thông điệp mạnh mẽ” (7, tr187) của những người có đầu óc cấp tiến về cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt vấn đề giải phóng phụ nữ phải gắn với giải phóng dân tộc, phê phán mạnh mẽ các quan niệm nữ quyền tư sản, giới hạn nữ quyền trong viêc đẩy mạnh giáo dục cho phụ nữ và phụ nữ chức nghiệp...Đến  năm 1936  Đàn bà mơí đòi  “cho phụ nữ được quyền bỏ thăm” . Và năm 1945 Bạn gái đã náo nức  cổ động mọi người bầu cho đại biểu của mình là Nguyễn Thị Thục Viên và Đoàn Tâm Đan vào quốc hội đầu tiên của một nước Việt Nam mới- Việt Nam dân chủ cộng hoà.

            *Phản ánh đời sống sinh hoạt của các tầng lớp phụ nữ trong xã hội.
            Là các tờ nữ báo, một nội dung quan trọng  là phản ánh đời sống của  phụ nữ đặc biệt là đời sống sinh hoạt của phụ nữ trung lưu ở đô thị. Nhưng  hầu như báo nào cũng có những bài phóng sự điều tra về điều kiện sống và làm việc của tầng lớp phụ nữ lao động ở thôn quê, trong các nhà máy hầm mỏ...
Cuộc sống của phụ nữ đô thị thuộc  tầng lớp trung lưu được phản ánh dưới nhiều hình thức, có thể dưới dạng văn học như: Sang Tây ( du kí của một cô thiếu nữ) ( PNTV- đăng nhiều kì, số đầu từ 5 ngày30.5.1929) hoặc qua các bài xã thuyết, những bài chính luận ví dụ như  “ Cái hại phụ nữ đánh bài giờ” (PNTV-24.3.1932), “Cái hại ăn dưng ngồi rồi của chị em ta” (PNTV-5.11..1931) “Một ngày của người đàn bà tân tiến” (PNTV-20.9.1934), “ Gái tân thời ở Hà Nội” (PNTĐ-29.10.1933), “ Sao chúng tôi không bài trừ cái dịch khiêu vũ” (PNTĐ-17.12.1933), “Hạng phụ nữ ăn không ngồi rồi” (PNTT-15.7.1933), “ Đấu sắc đẹp” (ĐBM-23.9.1935), “Hãy cản cái phong trào mặc short lại” (ĐB-28.3.1941), Đánh bài giờ” (ĐB-4.4.1941), “Cuộc thi của báo Đàn bà” ( ĐB-18.4.1941)...
  Nhìn chung qua các bài báo này có thể thấy trong những năm đầu thế kỉ XX cho đến trước cách mạng tháng Tám 1945, ở Việt Nam xuất hiện một tầng lớp phụ nữ trung lưu ở đô thị. Họ là vợ con của các quan lại, các công chức làm việc cho các công sở cũng như hãng tư nhân của Pháp, các nhà tư sản và tiểu tư sản Việt Nam... Đây là tầng lớp có thu nhập cao và có một lối sống hiện đại, chịu nhiều ảnh hướng của văn hoá phương Tây. Vì vậy đây cũng là đối tượng bị phê phán nhiều khi xét theo quan điểm đạo đức và truyền thống Nho giáo, như tự nhiên trong giao tiếp, ăn mặc... ở họ cũng hình thành nên một lối sống nhàn rỗi vô bổ: đánh bài giờ, bói toán, đồng bóng, lười biếng...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều người trong số họ được học hành cao và có khát vọng đấu tranh cho sự tiến bộ  và quyền bình đẳng của phụ nữ và họ đã dám dấn thân vào cuộc vận động vì quyền lợi và sự tiến bộ của phụ nữ. Đó chính là những chủ báo như Bà Sương Nguyệt Anh, bà Đạm Phương nữ sử, bà Nguyễn Đức Nhuận, bà Lê Thành Tường, bà Thuỵ An, bà Nguyễn Thị Thảo, Bà Nguyễn Thị Thanh Tú, các cô như Nguyễn Thị Kiêm...Bằng báo chí và các hoạt động xã hội, họ đã làm dấy lên phong trào phụ nữ vận động ở Đông Dương.  Họ ra báo, viết báo, tổ chức hội chợ, tổ chức diễn thuyết, vận động quyên góp giúp đồng bào bị nạn, giúp học sinh nghèo du học, giúp Hội Dục anh chăm sóc trẻ mồ côi, đi diễn thuyết khắp nơi nhằm tuyên truyền vận động phụ nữ...Xuất thân từ tầng lớp trên, dù sao họ cũng không thoát khỏi hạn chế của giai cấp mình, và phong trào do họ vận động  cũng chỉ trong khuôn khổ của cuộc vận động nữ quyền tư sản. Nhiều người tham gia vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, viết văn, làm thơ, diễn kịch...
 Là những trí thức, họ cũng có điều kiện tiếp thu những tư tưởng mới từ bên ngoài, chịu ảnh hưởng của truyền thống yêu nước của dân tộc, nhiều phụ nữ trong số họ đã tiếp thu chủ nghĩa Mác Lê nin và nhận thức rõ, muốn giải phóng phụ nữ thực sự trước hết phải giải phóng dân tộc và phải mang lại quyền lợi cho phần đông phụ nữ Việt Nam, đó là phụ nữ lao động ở thôn quê cũng như thành thị. Tiêu biểu trong số họ là Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Như Mân, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Bà Đoàn Tâm Đan, bà Nguyễn Thị Thục Viên, bà Vân Đài, , Phan Thị Nga... Qua họ trên các tờ báo phụ nữ dần dần cũng xuất hiện nhiều bài báo phản ánh cuộc sống lao động vất vả, những thiệt thòi bất công của phần đông phụ nữ lao động đang làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền dưới chế độ thuộc địa như “Đàn bà An Nam dưới chế độ tư bổn đã trở nên như thế nào” (PNTV-13.8.1931),  “ Phụ nữ lao công” (PNTV-27.9.1934 “Đàn bà trong thôn quê với chị em ngoài thành thị”( PNTĐ-19.1.1931), “ Cái cảnh khổ của một hạng người bị bớt lương” (PNTĐ26.11.1933 “ Phụ nữ thôn quê” (PNTT-1.3.1933), “ Chị em Trung kì với phong trào phụ nữ lao động” (ĐBM-29.12.1934), “ Tình cảnh chị em thất nghiệp” ( ĐBM-9.3.1935), “ Trên sở cao su” (ĐBM-6.4.1935), “ Cách sinh hoạt của chị em  ngoài bãi cát bờ sông” (VN-5.5.1937), “ Hà Nội...Huế...Sài Gòn. Phóng sự về phụ nữ” (PN-6.4.1938,) “ Bạn gái làm ruộng” (ĐB-10.10.1941)...,phê phán những hạn chế, lệch lạc và phi thực tế của phong trào vận động nữ quyền tư sản như các bài: “ Phụ nữ chủ nghĩa hay nữ quyền là gì” (PNTV-7.0.1933), “ Đàn bà tranh đấu với ai” (PNTV-18.11.1934), “ Phụ nữ chức nghiệp có đem phụ nữ đến tột đường giải phóng chăng” (PNTV-6.9.1934), “Tiếng Oanh kêu đàn” ( PNTV-6.12.1934)...
Một vấn đề được các báo phụ nữ quan tâm khá nhiều đó là vấn đề mãi dâm mà nạn nhân là phụ nữ. Các báo tìm nguyên nhân của nạn mãi dâm dưới chế độ tư bản, phản ánh cuộc sống đau khổ của “ một hạng phụ nữ phải làm hai nghề” (ĐBM-20.5.1935) : “Nạn mãi dâm” (PNTV-16.8.1934) “ Ai đẩy chị em vào vòng trụy lạc” (PNTĐ-11-12.5.1931),  , “Thân phận chị em Hồng lâu” (PNTĐ-13.5.1931), và cố tìm cách đưa ra  các giải pháp để hạn chế nạn mãi dâm trong xã hội như “Chị em ta nên trừ cái nạn mai dâm” (PNTT-1.4.1932), “ Vấn đề mãi dâm” (ĐBM-28.12.1936)...
Ngoài ra , qua các cuộc trưng cầu ý kiến “ Đàn bà goá có nên cải giá không?”, “ Có nên tự giải phóng không”? ( ĐBM), qua các trang tin, mục chuỵện riêng (ĐB), tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của phụ nữ trong đời sống tình cảm và hôn nhân cũng được thể hiện trên báo, cho thấy hầu hết phụ nữ muốn được có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng chung thuỷ với nhau, và phụ nữ là những người phản đối kịch liệt chế độ đa thê... Đặc biệt trong quan hệ vợ chồng, phụ nữ không coi mình chỉ có bổn phận với chồng, làm một cái máy đẻ đơn thuần mà đã lên tiếng đòi “Cái quyền của người đàn bà trong ái tình” (ĐB-1.8.1939). Có thể nói đây là một bước tiến thực sự về mặt tư tưởng và nhận thức của phụ nữ về quyền của mình trong đời sống hôn nhân .
 Kết luận
1. Với sự xuất hiện của hàng loạt những tờ báo phụ nữ  trong  những năm 1930 ở khắp cả ba miền trong cả nước cũng như sự có mặt liên tục của các tờ báo phụ nữ,( tờ này đình bản thì tờ khác đã ra đời) mà mục đích của nó là vì sự tiến bộ của phụ nữ, có thể khẳng định: vào thời kì trước năm 1945, ở Việt Nam đã tồn tại một dòng báo chuyên biệt dành cho phụ nữ, của phụ nữ và vì phụ nữ. Sự tồn tại của dòng báo phụ nữ này đã khẳng định phụ nữ ngày càng trở thành một lực lượng xã hội quan trọng, tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị... Và  “vấn đề  phụ nữ là  một vấn đề quan trọng trong những vấn đề xã hội, có mật thiết  liên lạc với nền tảng kinh tế chính trị của xã hội loài người” ( Nguyễn Thị Kim Anh.1938, tr3) .
2.  Những vấn đề phụ nữ trên các tờ nữ báo phản ánh quá trình nhận thức của xã hội nói chung và sự tự nhận thức của  bản thân phụ nữ nói riêng về các vấn đề của họ như vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội,  vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ .
Quá trình nhận thức các vấn đề của phụ nữ như nữ quyền và giải phóng phụ nữ đi từ lĩnh vực văn hoá- nữ học, giáo dục phụ nữ- sang lĩnh vực chính trị xã hội- vấn đề lao động phụ nữ, phụ nữ và quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham chánh... Đến những năm 1934-1935, dưới ảnh hưởng của cuộc vận động giải phóng dân tộc do đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo, vấn đề phụ nữ trên các tờ nữ báo còn phản ánh cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng giữa khuynh hướng nữ quyền tư sản và  nữ quyền Mác xít. Đó là sự khẳng định giải phóng phụ nữ phải gắn liền với giải phóng dân tộc và phụ nữ muốn thực sự được giải phóng phải tham gia vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc  nhằm xây dựng một xã hội  dân chủ, tiến bộ và xã hội chủ nghĩa.
3. Các nhà báo nữ đã đưa được những vấn đề của phụ nữ lên một diễn đàn công khai để thảo luận, đã làm nên một diện mạo riêng, một sắc thái riêng cho những tờ báo nữ. Mặt khác các tờ báo nữ không chỉ phản ánh riêng vấn đề phụ nữ mà còn quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội và do đó tạo lên sức hấp dẫn cho tờ báo.  Với các tờ nữ báo và các tác giả phụ nữ , vấn đê phụ nữ được nhận diện một cách chân thực hơn, sâu sắc hơn và phản ánh  được nguyện vọng cũng như tâm tư tình cảm  của phụ nữ  chính xác hơn. Và mặc dù còn nhiều hạn chế vì bị phụ thuộc vào chính quyền thuộc địa, các tờ nữ báo cũng đã có đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào phụ nữ ở đô thị cũng như sự nhận thức chung của phụ nữ đối với  vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trong những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Cũng từ những phong trào này, nhiều nhà báo  nữ đã tham gia vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam  và trở thành những cán bộ phụ nữ góp phần  vào công cuộc vận động phụ nữ của Đảng như bà Vân Đài, cô Phan Thị Nga, cô Nguyễn Thị Lựu, cô  Mai Huỳnh Hoa, cô Đoàn Tâm  Đan, bà Nguyễn Thị Thục Viên...


Tài kiệu tham khảo  và trích dẫn
1.Phan Bội Châu ( 1929) Vấn đề phụ nữ.Duy tân thư xã, Huế
2. Xem Đặng Văn Bẩy (1928) Nam nữ bình quyền
3. Cựu Kim Sơn và Văn Huệ (1938) Đời chị em, tủ sách Dân chúng, Hà Nội (tr2)
4. Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc- (1932)Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam,
5..David G.Marr, (1981)Vietnamese Tradition on trial, 1920-1945, University of California press.
6. Chúng tôi chỉ nêu tên những nhà báo nữ thường xuyên viết bài cho các tờ báo nữ, còn nhiều nhà báo nữ khác tham gia viết bài trên các treang phụ nữ của cấc tờ báo khấc, chúng tôi không thể đề cập đầy đủ.
7. Shawn McHale(1995), “Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934”, trong Essays into Vietnamese pasts, Cornell University, Ithaca, New York.
8Nguyễn Thị Kim Anh (1938), Vấn đề phụ nữ, Thân dân thư xã, Chợ lớn.
 Các tờ báo phụ nữ.
1. Nữ giới chung Viết tắt NGC. Tuần báo ra ngày thứ sáu, số 1 ngày 1.2.1918, số cuối ngày 19.7.1918. Tổng lý: Trần Văn Chim, chủ bút : Sương Nguyệt Anh. Toà soạn: 13 đường Taberd, Sài Gòn
2.Phụ nữ tân văn- PNTV. Tuần báo ra ngày thứ năm, số 1 ngày 1.5.1929, số cuối  ngày 21.4.1935. Chủ nhiệm : Bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ bút : Đào Trinh Nhất. Toà soạn : 42 đường Catinat, Sài Gòn.
3. Phụ nữ thời đàm-PNTĐ báo ra hàng ngày, số 1 ngày8.12.1930, số 138 ra ngày 20.6. 1931. Chủ nhiệm: bà Nguyễn Văn Đa, chủ bút Ngô Thúc Địch, Toà soạn :11-13 phố sông Tô Lịch, Hà Nội. Ngày 17.9.1933 ra số 1 tập mới chuyển thành tờ tuần báo ra ngày chủ nhật. Chủ nhiệm: Bà Nguyễn Văn Đa, chủ bút : Phan Khôi. Toà soạn : 72 Hàng Bồ Hà Nội
4.Phụ nữ tân tiến-PNTT. Bán nguyệt san ra ngày 1 và 15 hàng tháng. Số 1 ngày29.7.1932, số 24 ngày 15.7.1933. Chủ nhiệm kiêm chủ bút : bà Lê Thành Tường. Toà soạn : số 19 đường Thiệu Trị Huế. ngày 16.3.1934 ra số 1 tập mới chuyển thành tờ tuần báo ra ngày thứ năm hàng tuần. chủ nhiệm: Phạm Bá Nguyên. Toà soạn: số 97 phố Gia Long, Huế
5. Đàn bà mới-ĐBM. tuần báo ra ngày thứ bẩy. Số 1 ngày 1.12. 1934, số 95 ngày 4.6.1937. Giám đốc: Băng Dương, chủ nhiệm : Thuỵ An, quản lý: Bùi Thị Hiến. Toà soạn 49 đường Gallent Sài Gòn.
6.Việt nữ-VN .Tuần báo ra ngày thứ tư hàng tuần. số 1 ngày7.4.1937, số 12 tháng 11. 1937.Sáng lập: Bùi Xuân Học, chủ bút: Nguyễn Thị thanh Tú. Toà soạn: 24 đường Gia Long Hà Nội
7.Nữ Lưu-NL. Tuần báo ra ngày thứ sáu hàng tuần. Số 1 ngày22.5.1936, số 39 ngày 4.6.1937. Chủ nhiệm: Tô Thị Đệ, quản lý : Dương Văn Hạp. Toà soạn : số 104 phố Mac Mahong
8.Nữ công tạp chí-NCTC. Na mỗi tháng một kì. Số 1 tháng 10.1936, số cuối là số 17 ra tháng 8.1938. Giám đốc: Phan Thị ngọc tức Mỹ Ngọc. Toà soạn: 51-53 đại lộ Galieni, Sài Gòn.
9. Nữ giới- NG. Tuần báo. Số 1 ra tháng 11.1938, số cuối tháng 11.1939. Giám đốc : Lương Hiểu Chi, quản lý: Ngô văn Phú. Toà soạn:5-7-9 phố Xaburanh, Sài Gòn
10.Phụ nữ-PN xuất bản không định kì. Số 1 ra ngày 16.2.1938, số cuối tháng 4.1939. Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Thảo, Quản lý: Bùi Châu Quý. Toà soạn: số 7 Hội vũ, Hà Nội
11. Đàn bà-ĐB. tuần báo ra ngày thứ sáu. Số 1 ngày24.3.1939, số cuối năm 1945. Quản lý Lưu Thị Yến( tức Thuỵ An). Toà soạn: số 76 Wiele, Hà Nội
12. Việt nữ -VN. tuần báo ra ngày thứ sáu. Số 1 ngày 26.10.1945, số 13 ngày 26.1.1946. Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Oanh, chủ bút : Nguyễn Thị Thục Viên.
13. Bạn gái -BG. Tuần báo. số 4 ra ngày27.10.1945. Chủ nhiệm : Nguyễn Thị Lý, chủ bút: Trương Thị Nghĩa. Toà soạn: số 48 Hàng Cót, Hà Nội
14.Đại Nam Đăng cổ tùng báo-ĐNĐCTB
15.Đông Dương Tạp chí-ĐDTC
16.Trung Bắc Tân văn-TBTV
17.Nam Phong-NP
18.Hà thành Ngọ báo-HTNB








PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...