Đặng Thị Vân Chi *
Đặt vấn đề
Từ trước tới nay, Phong trào tẩy chay Hoa
kiều năm 1919 được nhắc đến như là một trong những phản ứng của tầng lớp tư sản
Việt Nam đối với tư sản Hoa kiều. Vì nhiều lý do, chủ quan, cũng như khách
quan, phong trào này chưa được giới sử học Việt Nam quan tâm đi sâu nghiên cứu.
Cũng chính vì vậy, những thông tin và tư liệu về phong trào này trong các sách
lịch sử rất mờ nhạt. Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ một
bài nghiên cứu nào ở trong nước khả dĩ đưa ra những thông tin đủ để hình dung một
cách rõ ràng nhất về phong trào này. Còn các học giả phương Tây tuy đặt nó trong
tầm nhìn của mối quan hệ thuộc địa có tính toàn cầu. nhưng cũng không đề cập mọt
cách chi tiết. Christopher E. Goscha trong bài “Tái cấu trúc các mối quan hệ thời
kỳ thuộc địa: Quan hệ liên Á ở Đông Dương thuộc Pháp giai đoạn giữa 2 cuộc thế
chiến” [1] đã chọn sự kiện Tẩy chay
Hoa kiều ở Việt Nam năm 1919 như minh chứng
cho nhận định “những mâu thuẫn trong thời kỳ thực dân đã tạo động lực hình
thành một mạng lưới quan hệ liên Á hoàn toàn mới giữa các nước thuộc địa. Chính
điều đó đã tác động trực tiếp đến tính chất của “quan hệ thuộc địa” lúc bấy giờ
và sự hình thành các quốc gia hậu thuộc địa sau kể từ năm 1945”. Từ Phong trào
tẩy chay Hoa kiều, Christopher E. Goscha cho rằng “chính người Hoa – chứ không
phải thực dân Pháp – đã trở thành một động lực quan trọng kích thích chủ nghĩa
dân tộc đối với các nhà tư sản Việt Nam hay ít nhất cũng là một yếu tố ngoại
lai cần thiết. Những nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam không chỉ quyết tâm đối đầu
với người Hoa trên mặt trận kinh tế, mà họ còn nhất trí rằng nếu muốn thành
công phải tự thay đổi chính mình” (Christopher,
2009, tr 1).
Với mong muốn có thể lấp dần những khoảng
trống trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi quyết định tìm lại trong tư liệu báo
chí đương thời, một kênh thông tin quan trọng khả dĩ có thể dựng lại diễn biến
của phong trào, đặt nó trong chuỗi các hoạt động của tư sản Việt Nam, với mong
muốn có thể làm rõ thêm về vai trò và vị trí của tầng lớp tư sản Việt Nam trong
lịch sử cũng như đưa đến những góc nhìn
đa chiều về lịch sử cận đại Việt Nam.
1.
Bối cảnh chung
Đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ sau Chiến tranh
Thế giới thứ nhất, do tác động của cuộc khai thác thuộc địa của Pháp lần thứ nhất
(từ 1897 đến 1914), và nhu cầu phục vụ chiến tranh, tầng lớp tư sản Việt Nam
ngày càng trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong xã hội Việt Nam. Sự
phát triển của tư sản Việt Nam thời kỳ này là kết quả của các chính sách kinh tế
của Pháp đối với thuộc địa trong điều kiện Pháp là một nước tham chiến và nhờ
cuộc vận động của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Mặc
dù, tầng lớp tư sản Việt Nam đã tham gia kinh doanh trong hầu hết các ngành nghề:
từ xay xát, dệt, nhuộm, sửa chữa cơ khí, vận tải thủy, sản xuất sơn, xà phòng,
đồ gốm, nước mắm, đường, dầu ăn… kể cả in ấn… và cũng có nhiều nhà tư sản kinh
doanh lớn, cạnh tranh với cả tư sản Hoa kiều và tư sản Pháp như Bạch Thái Bưởi[2], Nguyễn Sơn Hà[3], Trương Văn Bền[4], Lê Phát Vĩnh[5], Nguyễn Hữu Thu[6]… nhưng cho đến cuối thập niên
1920, tầng lớp tư sản Việt Nam mới chỉ chiếm 1 % dân số với khoảng 20.000 người
với tổng số vốn chỉ bằng khoảng 5% số vốn của tư bản Pháp (Đinh Xuân Lâm, 2012,
tr304 )
Để
nâng cao địa vị của mình trên thương trường, tư sản Việt Nam bắt đầu có ý thức tập
hợp nhau trong những tổ chức có thể giúp đỡ nhau trong kinh doanh như Nam Kỳ thương mại kỹ nghệ xã hội thành lập
năm 1918… Sự vươn lên của giới doanh nhân trong những năm trong và sau Chiến
tranh Thế giới I đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nhân và
doanh nghiệp Hoa kiều, một cộng đồng dân cư có một lịch di trú lâu dài và phức
tạp ở Việt Nam.
Lịch sử di dân của người Hoa cho thấy, người
Hoa đến Việt Nam qua nhiều đợt, có những nhóm đến từ thời Bắc thuộc (từ thế kỷ
I đến thế kỷ X), những nhóm này chủ yếu ở khu vực miền Bắc, lâu dần đã trở
thành một bộ phận của cộng đồng quốc gia Việt Nam, cũng có nhóm đến Việt Nam
trong khoảng vài trăm năm trở lại đây. Cho đến trước khi Việt Nam trở thành thuộc
địa của Pháp, người Hoa đã có vai trò quan trọng trong hoạt động thương nghiệp ở
Việt Nam, đặc biệt ở Nam Kỳ [7].
Trong bối cảnh khu vực cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX, khi Trung Quốc bị xâu xé bởi các cường quốc tư bản lớn như Anh,
Pháp, Mỹ, … làn sóng di dân của người Trung Hoa càng mở rộng. Ở Việt Nam, rất
nhiều lớp người Hoa đã đến làm ăn trong thời kỳ này.
Toàn Bắc Kỳ năm 1887 có 7.467 người Hoa (
Charles Fourniau , 1991, tr68)
và
người Hoa ở Bắc Kỳ “phần lớn là thương nhân đến cư trú ở vùng đồng bằng” (Charles
Fourniau , 1991, tr69).
Ở Nam Kỳ, trong các năm từ 1912 đến 1922,
có 158.048 người Trung Hoa trên 17 tuổi đến Việt Nam làm việc và sinh sống,
trung bình mỗi năm là 14.368 người nhập cảnh qua cảng Sài Gòn trên các chuyến
tàu đến từ Thượng Hải và Hương Cảng ( Đào
Trinh Nhất ,1924, tr19).
Trong cuốn Thế lực Khách trú và vấn đề di đân vào Nam Kỳ xuất bản năm 1924,
Đào Trinh Nhất đã mô tả về hoạt động kinh tế của người Hoa ở Nam Kỳ như sau:
“Có vào đến xứ Nam Kỳ mới biết người Tầu ở
trong xứ mình là đông, mà cơ sở của họ là lớn. Bước lên thành phố Sài Gòn, đi
quanh những phó chợ Mới, chợ Cũ là những phó rộng lớn và rộn rịp bằng mấy Hàng
Ngang, Hàng Buồm ở ngoài mình, đã thấy lúc nhúc những các chú, tính phỏng chừng
cũng đến ba, bốn vạn người rồi, tuy vậy cũng còn là ít. Đi gần 6 kilomet nữa
vào đến Chợ Lớn ( Người Tàu gọi là Đề Ngạn) là một thành phố các Chú cả, chưa kể
đến nội dung thế nào, nhưng mới trông bề ngoài đủ khiến cho mình phải ghê sợ,
xa xa đã trông thấy ống khói nhà máy nọ, nhà máy kia, tua tủa lên ngang giời
như hàng rào, nào tầu bè, ghe, nốc đậu tri trít ở mặt nước như mắc lưới đã đủ
giật mình về cái cảnh tượng ấy rồi, lại vào đến phố, thì phố xá rộng rãi, nhà cửa
nguy nga… không nhà nào không buôn bán lớn, thôi thì lo liệu tiệm lớn các chú,
vác gạo, kéo xe các chú, chủ hãng, chủ nhà máy các chú, mà cho đến vót đũa đan rổ rá, gánh nước bán
quà cũng các chú, nói tóm lại, việc gì làm mà nảy ra to từng hàng vạn, nhỏ đến
đồng xu thì cũng mấy chú “ thiên triều” làm hết. Thành phố Chợ Lớn đất rộng hơn
nghìn mẫu thì các chú ở quá ba phần tư,
dân số 13 vạn người thì phần các chú già một nửa ( 7 vạn người ở trên bộ
và 1 vạn nguời ở dưới nước…Còn như số người các chú rải rác ra làm ăn buôn bán ở
lục tỉnh thì cũng đông hết sức…” (Đào
Trinh Nhất, 1924, tr 17, 18)
Ngoài ra, Đào Trinh Nhất cũng mô tả
kỹ về thế lực tài chính của Hoa Kiều ở Nam Kỳ. những Vua tiền bạc, vua nhà cửa
như Hoàng Trọng Tân, Tạ Mã Điền…phất lên nhờ bất động sản…và nhờ “ thế lực kim
tiền” này mà các tư sản người Hoa có thể lũng đoạn nền kinh tế. “ Họ vốn sẵn có
cái trí xem xét lợi hại rất sáng suốt, cho nên họ thấy có có việc lợi cho họ,
mà tài tranh không lại, sức tranh không lại thì vận động ngay bằng kim tiền. Việc
của cá nhân thì vận động bằng kim tiền cá nhân, việc của đoàn thể thì vận động
bằng kim tiền của đoàn thể. Họ biết rằng việc làm có lợi cho mình thì không gì
bằng quăng tiền ra mà vận động, vận động hết mấy cũng không tiếc gì vì họ lại
biết rằng, mất đi ít mà thu lại nhiều vậy!“ (Đào Trinh Nhất, 1924, tr32)
Cho đến đầu thế kỷ XX thì người Hoa
đã có mặt khá đông đảo ở Việt Nam và chủ yếu tập trung trong các thành phố lớn.
Số
người Hoa ở các thành phố lớn của Việt Nam vào năm 1919 (Phạm Quỳnh ,1918,
tr271)
Thánh phố |
Dân
số (Người) |
Người Hoa (Người) |
Hà Nội |
90.303 |
3.377
(825 người Minh Hương) |
Hải Phòng |
50.902 |
8.991 |
Sài Gòn |
65.000 |
22.079 (677 người Minh Hương) |
Chợ Lớn |
191.630 |
75.000 (4872 người Minh Hương) |
Thực trạng kinh tế cũng như hoạt động
thương mại của người Hoa trong những năm đầu thế kỷ 20 trở thành mối lo ngại đối
với tầng lớp tư sản Việt Nam.
2. Cuộc vận động
dư luận trên báo chí
Sự phát triển của tư sản Việt Nam sau chiến
tranh thế giới 1 đã vấp phải sự cạnh tranh của tư sản Hoa Kiều. Bạch Thái Bưởi
là một ví dụ điển hình về cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường của tư sản
Việt Nam với tư sản Hoa Kiều. Báo Nam
Phong đã mô tả sự việc này như sau: “ Năm 1909, Bạch Thái Bưởi thuê ba cái
tầu Phi Phượng ( Phenix), Phi Long ( Dragon) và Khoái tử Long ( Fai-tsi- Long)
của A.R . Marty là 1 chủ hãng tàu chuyên chạy thư tín cho chính phủ Pháp khi hết
hạn hợp đồng với chính phủ Pháp) để chạy tuyến Nam Định- Hà Nội; Nam Định- Bến
Thủy là hai tuyến đường quan trọng mà Khách vẫn độc quyền từ trước đến lúc đó.
Một cuộc cạnh tranh khốc liệt đã diễn ra.
“Ông hạ giá một, thời họ hạ giá hai, ông hạ giá hai thời họ hạ giá ba, ông mời
khách uống nước, thời họ mời khách ăn bánh ngọt, tranh nhau từng bước mà cố gắng
phần hơn thậm chí giá hành khách từ Nam Định đi Hà Nội trước là 0,30$, 0,40$ mà
rút tới 5 xu, 3 xu; cước đồ hàng thời 1 tấn gạo lấy chỉ bằng giá 1 bì gạo trước”.
Cuối cùng để tránh vỡ nợ, Bạch Thái Bưởi đã dùng đến cách vận động nhân tâm, đứng
ra “diễn thuyết trên bến, trong tàu kể đường hơn lẽ thiệt trong việc buôn bán
cho hành khách nghe, khuyên người mình nên giúp đỡ lẫn nhau thời mới có thể cạnh
tranh với người Khách được. Những lời khuyến khích ấy xem ra nhiều người cảm,
khách đi tàu ông mỗi ngày nhiều hơn…dần dần hành khách bỏ các tàu Khách mà đi
tàu ông” (Thượng Chi, 1919 B, tr 383)
Lo ngại trước các thế lực kinh tế của người
Hoa, tư sản Việt Nam bắt đầu lên tiếng. Báo chí bắt đầu đăng nhiều bài cảnh tỉnh
về mối đe dọa của người Hoa trong các hoạt động kinh tế của người Việt… Trong
ngôn ngữ hàng ngày, cũng như trên báo chí, người Hoa được gọi bằng những từ như
Chệc, người Khách, Khách trú, … với ý
thiếu thiện cảm.
Trong chuyến du hành Nam Kỳ vào tháng 8 năm
1918, Phạm Quỳnh cũng đã lên tiếng lưu ý về tình hình của người Hoa trong nền
kinh tế Việt Nam. “Tỉnh Sa Đéc ở chạy dài hai bên bờ sông coi phồn thịnh đông đúc lắm.
Nhưng phố xã buôn bán cũng chỉ thuần là người Khách (Hoa kiều), không có một
người An Nam nào. Và không ở một Sa Đéc, tỉnh nào cũng vậy, nơi chợ phố toàn thị
là Khánh với Chà, lại không những ở các tỉnh thành, đến chốn nhà quê, có ý nhận,
phàm nơi nào coi ra hơi có người ở đông đúc, tất có một vài tiệm Chệc (Hoa kiều)
bán đồ ăn và đồ tạp hóa…”
Nhìn vào những hoạt động buôn bán của Hoa kiều
trong suốt chuyến đi từ Hà Nội tới Hải Phòng và khắp các tỉnh ở Nam Kỳ, Phạm Quỳnh
đã phải thốt lên: “Làm đôi guốc gỗ người
mình cũng không làm được, thì trách sao không phải chịu cái quyền áp chế trong
sự buôn bán của nó? Tôi thường trông thấy Khách gánh nước, Khách bán củi, còn
nghề gì nữa là nó không tranh hết của mình?” (Phạm Quỳnh, 1919,
tr 135). Để bảo vệ quyền lợi cho giới điền chủ chống lại thế lực của Hoa kiều,
từ năm 1912 các nhà điền chủ lớn ở tỉnh Mỹ Tho đã họp nhau lập một hội gọi là
“Nông nghiệp tương tế hội” nhằm xây nhà máy xay xát gạo, tự định giá gạo và bán
thẳng ra ngoài, không qua môi giới Hoa Kiều nữa. Đồng thời họ cũng kêu gọi góp
cổ phần đề lập “Nông nghiệp ngân hàng” cho các điền chủ vay vốn, gửi thóc để
tránh bị ép giá mua rẻ cũng như phải đi vay nợ lãi của các hiệu cầm đồ và cho
vay nặng lãi của người Hoa. Tuy nhiên, mặc dù việc cổ động, tuyên truyền được
chú ý như cho in thành sách bài diễn thuyết của ông Trần Nguyên Lượng, phó chủ
tịch Hội Nông Nghiệp tương tế ở Mỹ
Tho kêu gọi lập các Hội nông nghiệp tương
tế để phổ biến… kế hoạch này cũng không thành hiện thực vì chưa được chuẩn
bị đầy đủ…Phạm Quỳnh cũng cho biết: “Hiện
nay trong Lục tỉnh mới nhóm lên cái phong trào phản đối Khách. Cái phong trào ấy
rất là chánh đáng lắm. Nhưng phần nhiều là phản đối ở lời nói cả, chưa từng thấy
thi thố ra việc làm. Không kể có lắm lúc phản đối sai lầm, cái nên phản đối thì
không phản đối, mà phản đối cái không cần phản đối. Có kẻ tạ sự ghét người Tầu
mà chỉ ghét riêng 1 thứ chữ Tầu là cái văn tự cổ không có quan hệ gì đến việc cạnh
tranh về đường buôn bán cả. Thiết tưởng cái cách phản đối ấy chưa đủ cướp lại
được lợi quyền ở tay bọn Chệt vậy” (Phạm Quỳnh, 1919,
tr 139) ….
Từ năm 1918, trên các trang báo tiếng Việt
bắt đầu xuất hiện những bài phân tích về “thế lực của người Trung Hoa” trong nền
kinh tế Đông Dương và bên cạnh việc kêu gọi người Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động
công thương nghiệp, các bài viết bắt đầu chỉ trích người Hoa là những người “sang ăn gửi nằm nhờ” nhưng đã chiếm hầu
hết những mối lợi về kinh tế của người Việt. Việc phát triển kinh tế công
thương nghiệp phải được coi là “sinh tử vấn
đề ” (Thượng Chi,
1919 A, tr228) đối với tương lai của dân tộc. Sự cố
gắng vươn lên của tư sản Việt Nam trong điều kiện Việt Nam là một nước thuộc địa
thì mục tiêu đầu tiên của họ là tranh lại mối lợi trong thương trường từ tay tư
sản Hoa kiều.
3. Sự bùng nổ
Phong trào “Tẩy chay Hoa kiều”[8]
Đầu tháng 8 năm 1919, một sự kiện đã làm
bùng nổ phong trào phản đối Hoa kiều mà báo chí thời đó mô tả là phong trào “Để
chế đồ hàng Khách” hay “Tẩy chay Khách trú”. Đó là khi các tiệm cà phê của Hoa
kiều ở đường Hamelin[9] đồng loạt tự ý tăng giá một
ly cà phê từ 2 xu lên 4 xu (Thượng
Chi ,1919 A, tr 281) đã
gây bất bình cho những viên chức các công sở của chính quyền thực dân cũng như
của tư nhân vẫn thường uống cà phê và ăn điểm tâm ở đây. [10] Vì đây là khu vực có các
công sở của Pháp (như Ngân hàng Đông Dương, Nha Thuế vụ, Sở công chính Sài Gòn,
ty Thiết lộ…), có trường Bá nghệ Sài Gòn[11]… nên trên những con đường
này có rất nhiều cửa hàng, tiệm cà phê và điểm tâm của Hoa Kiều và viên chức của
các cơ quan của chính quyền thuộc địa cũng như các nhân viên làm việc cho các cửa
hàng, học sinh trường Bá Nghệ… thường đến uống cà phê, ăn điểm tâm buổi sáng.
Việc các cửa hàng cà phê và điểm tâm của người Hoa đồng loạt tăng giá cà phê đột
ngột không có lý do và thái độ khinh người của họ khiến những người Việt này bất
bình[12].
Tin tức về sự kiện các tiệm cà phê của người
Hoa đồng lòng tăng giá được đăng trên báo
Lục tỉnh tân văn và báo Công Luận ngày 5/8/1919 và cho đó là một
hành động coi thường người Việt. Bài báo bình luận rằng sở dĩ họ dám làm điều ấy
vì họ dựa vào sự cố kết cộng đồng chặt chẽ trong các nhóm người Hoa[13], cũng như sức mạnh mà họ
có được nhờ sự độc quyền trong kinh doanh của họ.
Ngày 11 tháng 8 năm 1919, một nhà báo đã
phân tích sự kiện tăng giá cà phê đột ngột như hành động coi thường người Việt
của Hoa kiều trong bài “Khách trú khi ta” trên trang nhất báo Lục tỉnh tân văn và kêu gọi: “cần nhất
giờ đây hãy tẩy chay cà phê của Chệc như mấy thầy làm việc ty Thiết lộ đã làm
...” , đồng thời bài báo cũng cho biết: “Từ hôm 1er Aoùte (ngày 1
tháng 8) đến nay chẳng có một người đến tiệm cà phê của Chệc”.
Đỉnh điểm là ngày 13 tháng 8 năm 1919, báo
Lục tỉnh tân văn nhắc lại việc người
Hoa đã khinh thường người Việt, xúc phạm
đến lòng tự tôn dân tộc của người Việt [14] và đăng trên trang nhất lời
hiệu triệu: “Khách trú thị nhục ta, đồng bang mau thức dậy” và kêu gọi từ “quan
hàm chức sắc”, “chức việc, công nghệ thương gia”, “lính tập, ma tà, nào là mạch
lô, lính thủy,” “ nào là thầy, nào là thợ, Ba Son, Sở mộ, trại xưởng các nơi,
nào là Vạn xe, xe mui, xe kéo, xe kiến, xe hơi”…. “hễ nhìn biết là giống dòng
mình là An Nam” thì “Hãy thức dậy mau! ”, “mau khá tẩy chai (tẩy chay) Khách
trú! Tẩy chai (tẩy chay) nó đi…”.
Tin tức về phong trào tẩy chay cũng liên tục
được cập nhật trên báo chí. Ngày 14/8/1919 báo Công Luận cho biết “đầu tiên là mấy tiệm ở đường Hamelin tẩy chay,
sau đó mấy tiệm ở đường Pellerin[15] cũng tẩy chay”.
Cuộc vận động tẩy chay không chỉ dừng lại ở
việc tẩy chay các quán cà phê của người Hoa, mà ngay sau đó, họ kêu gọi “hễ món
nào người An Nam có bán, người An Nam có làm thì Hãy tẩy chai Khách trú đi đồng
bang…”( Lục tỉnh tân văn, 13/8/1919, tr1). Bên cạnh việc kêu gọi tẩy chay hàng
quán của người Hoa, họ còn kêu gọi người Việt hãy đồng lòng chống lại sự độc
quyền trong kinh doanh của người Hoa bằng cách vận động người Việt đứng ra kinh
doanh để cạnh tranh với người Hoa.
Ngày 18/8/1919, báo Lục tỉnh tân văn đưa tin ở Thủ Dầu Một, quan phủ Tân Hàm Ninh và bạn
bè ủng hộ phong trào Tẩy chay bằng cách cùng nhau lập một nhà hàng bán đủ các đồ
đáp ứng nhu cầu của người dân để họ không cần mua của Hoa Kiều nữa.
Phong trào tẩy chay Hoa kiều lan nhanh,
doanh nhân Hoa kiều cũng lập tức phản ứng, họ cũng dùng báo chí để chống lại
phong trào. Tờ Huê
kiều Nhật báo đăng những lời lẽ coi thường, thách thức người Việt[16], viết thư chửi bới, hạ
nhục người Việt trên báo chí với những lời lẽ mà báo Lục tỉnh tân văn phải thốt lên “Lời lẽ trong thơ thô tục lắm” không
đáng đăng lại trên báo chí (Lục tỉnh tân văn, 20/8/1919, tr.1)
Ngày 22/8/1919, trên Thời Báo, Nguyễn Dạ Thanh đưa ra một lộ trình cho việc cạnh tranh với
người Hoa trong thương mại. Đó là thực hiện từ từ, từ thấp đến cao, phải dựa
vào luật pháp không quá khích …và trên hết phải “phải đồng một lòng”.
Tư sản Hoa kiều
đối phó với cuộc tẩy chay không chỉ bằng cách dọa đuổi những người Việt đang
làm công cho họ, tăng giá thuê nhà ở các phố lớn để người Việt không thể thuê
được nhà của họ mà sinh sống và kinh doanh, mà còn thẳng tay đuổi nhiều người Việt đang
làm công trong các nhà máy xay xát gạo của người Hoa … Họ đến biểu tình trước trụ sở tờ báo Tribune Indigène và đỉnh điểm là ngày 25 tháng 8 có
7 người Hoa đã “vác gạch lượm vô quán Thời Báo” (Công
Luận báo, 9/9/1919, tr2)
…
Vì vậy, ngày 26-8-1919, 40 người gồm các
nhà báo, đại thương gia, và trí thức đã họp nhau tại trụ sở của hội Khuyến học
Sài Gòn tại đường Aviateur Garros[17] do Nguyễn Phú Khai, Tổng
lý báo La Tribune Indigène làm chủ tọa
nhằm bàn cách đối phó với phản ứng của doanh nhân Hoa kiều trước cuộc tẩy chay
Hoa kiều của người Việt. Cuộc họp đã bầu ra 11 người tham gia ban “Tạm thời
phái viên” do Nguyễn Phú Khai làm hội trưởng và Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang
Nghiêm làm Hội phó để soạn thảo điều lệ Hội cũng như dự thảo chương trình của Hội.
và đề xuất lập hội An Nam thương cuộc
công ty nhằm “cổ động, khuyến khích đồng bang ta” tẩy chay Hoa Kiều đồng thời cũng cần “lập tiệm
cho nhiều, bán cho đủ đồ cho đồng bang ta dùng” (Công Luận báo,
9/9/1919, tr2).
Đến ngày 30-8-1919, gần 200 điền chủ,
doanh nhân và giới báo chí họp nhau để chính thức thành lập An Nam thương cuộc công ty và cũng là để
cùng bàn bạc nhằm đề ra một chương trình đấu tranh chống lại thế lực của người
Trung Hoa về mặt kinh tế, giành lại các quyền lợi của người Việt. Trong cuộc họp
này, Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút báo Nông Cổ
Mín đàm, phó chủ tịch Hội sau khi bày tỏ quan điểm “hết sức vui mừng mà được
thấy người An Nam ta ngày nay biết trọng “tình đoàn thể, thương nghĩa đồng bào”, đồng lòng tẩy chay các tiệm của người
Hoa và đã kêu gọi doanh nhân Việt hãy làm mấy việc sau:
-
Trước
hết là cùng nhau tẩy chay mấy quán cà phê của người Hoa.
-
Theo
gương những người như ông Nguyễn Văn Hội, mở nhiều quán cà phê để cạnh tranh với
Hoa Kiều, “trước là để tẩy hận cho đồng bào, sau là giựt lại chút đỉnh quyền lợi
cho quê hương”.
-
Mỗi
tỉnh lo lập một nhà máy xay xát gạo để thu mua thóc gạo, trực tiếp bán cho các
đại lý của Pháp, không để mối lợi này cho Hoa Kiều nữa.
-
Lập
An Nam thương cuộc công ty làm đại diện
mua bán trực tiếp với các đại lý của người Pháp, “không cần qua trung gian Hoa
kiều nữa và lập ngân hàng để có vốn cạnh tranh…” [18].
Bài diễn văn của Nguyễn Chánh Sắt được các
báo như Nông Cổ Mín Đàm, Công luận báo,
Thời báo, Nam Phong… đăng tải như một cách tuyên truyền, vận động cho cuộc
Tẩy chay Hoa kiều.
Cuộc
vận động tẩy chay Hoa kiều đã nhanh chóng lan nhanh từ Nam ra Bắc và được hưởng
ứng mạnh mẽ. Báo Nam Phong cho biết:
“Ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định cũng thi nhau cổ động “Tẩy chay” (“Để chế”). Nhất
là ở Hà Nội, trong mấy ngày những phố Hàng Buồm, Hàng Ngang là nơi Khách buôn
bán ở nhiều, người ta đi lại như nước chảy, ai nấy khuyên nhau không mua đồ
hàng Khách, đừng nên ăn ở các cửa hàng cao lâu Khách, hiệu Khách trong mấy ngày
phải đóng cửa buổi tối; Thành phố bầy ra trong một cảnh tượng rất mới lạ…” (Nam Phong, 9/1919, tr 281-282). Cuộc đấu tranh có lúc quá khích đã
dẫn đến sự xung đột của học sinh với cảnh sát (Nam Phong 9/1919, tr 281-282).
Đến ngày 15/9/1919 Chánh tham biện
chủ tỉnh thành phố Chợ Lớn đã đăng yết thị
“ngăn cấm những việc hung bạo và các sự húng hiếp, ép buộc làm cho người
người mất sự tự do trong việc làm ăn của mình” (Lục tỉnh tân văn , 22/9/1919, tr.2)
Sau khi bị cấm, phong trào không còn rầm rộ
như trước mà đi vào chiều sâu, quan trọng hơn, các doanh nhân và trí thức Việt
Nam nhận thức được rằng, muốn cạnh tranh với Người Hoa và nắm các ngành kinh tế,
người Việt trước hết phải biết đoàn kết và phát triển công thương nghiệp.
Về nguyên nhân của cuộc Tẩy chay Khách trú
này, Phạm Quỳnh cho rằng việc bùng nổ phong trào “Để chế đồ hàng Khách” này là
kết quả của tình trạng bất bình với sự độc quyền của người Hoa trong hoạt động
buôn bán, kinh doanh ở Việt Nam. Việc tiệm cà phê ở đường Hamelin chỉ là cái cớ
cho sự bất bình của người Việt đối với người Hoa bùng phát, nó giống như: “Rơm
đã khô chỉ đợi có hơi lửa là bốc, dẫu không cháy nay rồi cũng cháy mai, dẫu
không có vị chén cà phê thời cũng vì đôi guốc gỗ hay bát cháo mì…” Và cái
nguyên nhân sâu xa của phong trào này “là ở cái thế lực to tát quá chừng của
người Tầu đã chiếm được trong trường kinh tế nước ta” (Thượng Chi , 1919 A, tr.227-228).
Báo cáo cuối năm của Toàn quyền Đông Dương
năm 1919 đã nhận định; “Phong trào tẩy chay ở Sài Gòn tuy quá trớn, nó cũng có
ý nghĩa rằng tư tưởng đã đổi mới; mới đây ít năm thì người Nam Kỳ chẳng những
không thích mà lại còn sợ cái việc buôn bán: Bây giờ họ thấy thương mại là quan
trọng cho họ và họ cần phải cố gắng trên cái hướng này “ (dẫn theo Trần Văn Giàu,1961, tr167)”.
Sau yết thị của chính quyền thực dân Pháp
về việc cấm tụ tập đông người và hành động quá khích khi vận động tẩy chay Hoa
kiều, cuộc cạnh tranh trên thương trường chuyển sang giai đoạn mới. Qua báo
chí, giới tư sản và trí thức Việt Nam đi vào tổng kết, đánh giá cuộc vận động tẩy
chay này và có một kế hoạch bài bản hơn trong cuộc giành các nguồn lợi kinh tế
cho tư sản Việt Nam.
4. Vĩ thanh
Sự thay đỏi về nhận thức
Cuộc Tẩy chay Hoa Kiều đã khiến các nhà tư
sản Việt Nam nhận thức rõ hơn về sức mạnh của sự đoàn kết, hỗ trợ nhau trong
buôn bán. Phong trào tẩy chay Hoa kiều cũng cho thấy có hàng loạt vấn đề mà các
nhà tư sản Việt Nam phải quan tâm. Đó là muốn “Để chế hàng Tàu” thì người Việt
phải đẩy mạnh phát triển công thương nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của
người dân và việc này cũng phải được tiến hành song song với việc kêu gọi tinh
thần dân tộc trong việc dùng hàng nội hóa. Cũng từ cuộc vận động Tẩy chay này,
trên báo chí đã xuất hiện những từ “Tình đoàn thể”, “tình đồng bang” để nhắc nhở
đến vai trò của tình đoàn kết và tinh thần dân tộc trong cuộc đấu tranh chung
vì sự thịnh vượng của đất nước.
Họ cũng nhận thức rõ vai trò của báo chí
trong việc khuếch trương doanh nghiệp của mình và cổ vũ phát triển công thương
nghiệp, coi báo chí là một phương tiện để tranh đấu, cất lên tiếng nói bảo vệ
quyền lợi của mình trong xã hội.
Sự thay đổi trong phương thức hành động
Sau
cuộc tẩy chay Hoa kiều, liên tiếp trong các năm 1920, 1921, 1922…một số tổ chức
và các tờ báo của các nhà tư sản Việt Nam ra đời.
Ngày 17/10/1920, Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp được thành lập theo quyết định ngày
31/7/1920 của Thống sứ Bắc Kỳ đã trở thành nơi tập hợp các doanh nhân nhằm đoàn
kết hỗ trợ nhau trong việc phát triển công thương nghiệp và bảo vệ quyền lợi
cho tư sản Việt Nam ở Bắc Kỳ do Nguyễn Huy Hợi làm Hội trưởng (Thực nghiệp dân báo, 7/8/1920, tr1) .
Tôn chỉ của hội là: “Lấy hữu ái làm chủ nghĩa, anh em trong bạn công thương
cùng họp nhau lại làm thành một đoàn thể, cùng vì quyền lợi chúng tôi ở buổi đời
cạnh tranh này mà phải tương hợp với nhau để cùng nương tựa” (Hữu Thanh tạp chí, 15/1/1922, tr.91)
Sau khi thành lập, Hội đã có khoảng 100 hội
viên và số hội viên không ngừng tăng lên nhanh chóng. Chỉ một năm sau ngày
thành lập, số Hội viên là hơn 1000 người và đến năm 1922 số Hội viên đã tăng gấp
đôi là khoảng hơn 2000 người. Trụ sở của Hội là số nhà 58 phố Hàng Bông (sau là
18 phố Mã Vĩ và 59 phố Hàng Gai), Hà Nội. Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp đã giành được nhiều sự quan tâm của
tầng lớp doanh nhân Việt Nam và sự ủng hộ
nhất định của chính quyền thuộc địa.
Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Hữu Thu, một nhà
tư sản lớn ở Bắc Kỳ, hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy[19] cùng với Bùi Huy Tín đã
cho xuất bản tờ Thực nghiệp dân báo
ra số đầu tiên vào ngày 8/7/1920.
Tháng 7 năm 1921, Bạch Thái Bưởi cũng cho
phát hành tờ Khai hóa Nhật báo ra số
đầu tiên ngày 15/7/1921.
Ngày 1 tháng 8 năm 1921, sau 8 tháng xin cấp
phép Hữu Thanh tạp chí, phát hành số
đầu tiên với tư cách là cơ quan ngôn luận của Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp [20].
Như vậy chỉ trong vòng 3 năm sau phong
phong trào Tẩy chay Hoa Kiều, tư sản Việt Nam đã liên tiếp cho ra ba tờ báo với
nội dung chủ yếu là:
-Cổ động cho tinh thần đoàn kết, tương trợ
lẫn nhau trong kinh doanh và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của nền kinh
tế, đồng thời cũngrút ra những bài học trong quá trình đấu tranh, đưa ra các giải
pháp khắc phục;
-Nhìn nhận, đánh giá lại kết quả và tác động
của phong trào Tẩy chay Hoa kiều đối với nền kinh tế Việt Nam.
-Khuếch trương và quảng cáo cho các doanh
nghiệp và các sản phẩm của người Việt
Trong số 7 ngày 31/7/1920, Thực nghiệp dân báo đã cho thấy một thực
tế: Ngay cả trong lúc phong trào Tẩy chay Hoa kiều đang diễn ra sôi nổi thì “chẳng
những người mình vẫn uống chè Tàu, vẫn mua hàng Tàu mà mọi cuộc buôn bán lớn vẫn
ở dưới quyền người Tầu cả, thậm chí vẫn người Tàu định giá gạo hàng ngày cho ta
ở chợ Hàng Gạo, vẫn người Tàu buôn sơn của ta để bán ra ngoài, vẫn người Tàu tải
bông của ta cho Nhật Bản dùng bông đó kéo sợi, rồi lại nhờ người Tàu tải sợi về
đây mà bán cho ta, vẫn người Tàu định giá cau, giá bắp, giá nâu cùng biết bao
các thứ sản vật khác hiện nay ta vẫn bán sang Hương Cảng. Nói tóm lại thì các
thứ hàng của ta xuất cảng đều vẫn về tay người Tàu”, “hàng hóa mà ta nhập cảng
của người ngoại quốc tất cũng về tay người Tàu cả” (Thực nghiệp dân báo, 31/7/1920, tr1).
Một vấn đề nhức nhối của giới doanh nhân
Việt Nam là làm sao người Việt phải là lực lượng chính trong các hoạt đông kinh
tế ở Việt Nam…Thực nghiệp dân báo
cũng đặt ra câu hỏi: “Bao giờ An Nam ta mới thoát nỗi đem vàng đi đổ sông Ngô ?”
(Thực nghiệp dân báo , 31/7/1920, tr1) Tuy nhiên, điều mà các nhà báo phải
thừa nhận là phong trào Tẩy chay Hoa Kiều “về phương diện quốc dân, ít ra cũng
được 1 điều là nhắc đồng bào lấy tấm lòng yêu chuộng nội hóa. Mấy hiệu cao lâu
vì cuộc tẩy chay mà thành, đồ sứ Thanh Trì đã nhiều nhà dùng, chè bạt ướp hương
sen đã nhiều nhà uống. Sau cuộc Tẩy chay, những nhà có lương tâm, dùng đồ ngoại
hóa nghe mình vẫn thấy có chút thẹn thùng. Những cái đó muốn không cho là cái kết
quả hay của cuộc Tẩy chay tưởng cũng không được”… “Cuộc Tẩy chay còn được một
điểm nữa là nhiệt thành đối với đồng bang” (Mai
Đăng Đệ ,1921, tr.1)
Đánh giá lại tiềm lực kinh tế của người
Hoa để rút ra những bài học cũng là vấn đề mà các nhà tư sản Việt Nam quan tâm.
Báo chí có nhiều bài phân tích “Thế lực người Trung Hoa ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ khác
nhau thế nào? (Thực nghiệp dân báo từ ngày 4-12 dến 28-12 năm 1920); “Thế lực người Trung Hoa ở Nam Kỳ”
( Thực nghiệp dân báo, 11/7/1922, tr1) …và từ đó nhìn nhận lại những ưu
điểm của người Hoa trong kinh doanh “như là kiên nhẫn, mạo hiểm, lưu lạc… và nhờ
có những đức tính ấy dù có sự khó khăn đến đâu trong thương trường họ cũng có
thể bảo thủ được quyền lợi của họ chu toàn….”; Cũng như nhìn thẳng vào sự thật
để tìm ra nguyên nhân thất bại của người Việt trong buôn bán như chưa hiểu tình
hình của nhà công nghệ ngoài Bắc, chưa có mối quan hệ chặt chẽ cũng như thiếu
kinh nghiệm và sự khôn ngoan trong buôn bán… (Thực nghiệp dân báo,
24/7/1922, tr.1)
Kết luận
Phong trào Tẩy chay Hoa Kiều năm 1919 là sự
phản ứng của giới tư sản Việt Nam trong xu thế đang lên sau chiến tranh thế giới
lần thứ nhất đối với tư sản Hoa kiều và những hoạt động buôn bán của người Hoa ở
Việt Nam. Cuộc đấu tranh này đã được sự ủng hộ của tầng lớp thượng lưu và báo giới
Việt Nam. Chính báo chí cả tiếng Pháp và tiếng Việt đã chuẩn bị dư luận và khơi
mào cho cuộc vận động tẩy chay Hoa kiều này. Trong suốt quá trình diễn ra phong
trào, báo chí luôn đồng hành, cổ vũ cho phong trào, đưa ra lời kêu gọi, khích lệ
cũng như dẫn dắt phong trào. Có thể nói phong trào Tẩy chay Hoa Kiều là sự mở đầu
cho những hoạt động có tính gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam trong một mục
tiêu chung là phát triển công thương nghiệp ở Việt Nam.
Điều đáng lưu ý là chỉ trong vài ba năm
sau cuộc Tẩy chay Hoa Kiều, giới doanh nghiệp Việt Nam đã có một tổ chức nhằm bảo
vệ quyền lợi cho giới mình và 3 tờ báo tiếng Việt chuyên cổ động phát triển
công thương nghiệp, thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò và vị trí của nghề
buôn, của công thương nghiệp trong nền kinh tế quốc gia và sự phát triển của xã
hội, đồng thời giới thiệu các tri thức về phát triển công thương nghiệp và kinh
doanh cũng như giới thiệu sản phẩm của mình…
Các
nhà tư sản Việt Nam, thông qua báo chí và tổ chức Hội của mình cũng đấu tranh
đòi được bảo vệ quyền lợi trong giao thương khi yêu cầu chính quyền thuộc địa lập
ra một “bộ thương vụ để chủ trương về đường thương giới và bảo trợ cho thương
dân”, chỉ nhập khẩu những mặt hàng trong nước không sản xuất được. Họ cũng yêu
cầu được nghỉ ngày chủ nhật và ngày lễ, đươc có quyền bầu cử và được thi hành
luật lao động cho giới công thương, lên tiếng ủng hộ cho người Việt được có đại
diện trong các phòng thương mại và từ đó có cơ hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi
cho giai cấp tư sản Việt Nam. Đây chính là cách mà giới tư sản Việt Nam khẳng định
vị trí của mình trong nền kinh tế và trong xã hội Việt Nam.
Tài liệu
tham khảo và trích dẫn
1. “ Bao giờ An Nam
ta mới thoát nỗi đem vàng đi đổ sông Ngô”, Thực
nghiệp dân báo số 7 ngày 31/7/1920
2.
Nguyễn
Công Bình. (1959). Tìm hiểu về Giai cấp
tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc. Hà Nội: Văn sử địa, Hà Nội
3.
Cái
nhược điểm ở thực nghiệp nước ta, Thực
nghiệp dân báo ngày 10/11/1925
4.
Thượng
Chi ( 1919 A) “Bàn về việc tranh thương với người Khách- Bắc Kỳ nên lập một
Thương Hội lớn”, Nam Phong tạp chí, tập
27, tháng 9 năm 1919
5.
Thượng
Chi (1919, B)“ Chán chỉnh thương trường-Một cái gương cho báo giới nước ta- Ông
Bạch Thái Bưởi”, Nam Phong tạp chí tập
29 tháng 11 năm 1919
6.
Charles
Fourniau, (1991) “Người Hoa ở Bắc Kỳ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất”,
T/C NCLS, số 2
7.
Christopher
E. Goscha (2009),“Widening the Colonial Encounter: AsianConnections Inside
French Indochina During the Interwar Period,”
Modern Asian Studies, Vol.,
No. 05, September (Đông Hiếu dịch trên Talawas số mùa Thu 2009)\
8.
Chương
trình của bản báo”, Thực nghiệp dân báo,
số 1 ngày 8/7/1920
9.
Công Luận ngày 5 tháng 8
năm 1919
10.
Công Luận ngày 12 tháng 8
năm 1919
11.
Công Luận ngày 14 tháng 8
năm 1919
12.
“Công
việc hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp”, Hữu
Thanh tạp chí số 12 ngày 15/1/1922
13.
Mai
Đăng Đệ “ Công kích nhau hoài” Thực nghiệp
dân báo ngày 6/4/1921
14.
Trần
Văn Giàu (1961), Giai cấp công nhân Việt
Nam, sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp cho mình đến giai cấp tự
mình, ( tái bản lần thứ ba có sửa chữa), Nxb. Sự thật, Hà Nội
15.
“ Khách trú khi ta” trên báo Lục tỉnh Tân văn số 658 ngày 11/8/1919
16.
Khách trú thị nhục ta, đồng bang mau thức dậy,
Báo Lục tỉnh tân văn ngày 13/8/1919.
17. Khai hóa nhật báo số 1 ngày 15/7/1921.
18.
“Làm
thế nào cho sinh kế của dân được thư thái”, Khai
Hóa nhật báo số 961 ngày 3/10/1924
19.
Đinh
Xuân Lâm (CB) ( 2012) Lịch sử Việt Nam
tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội
20.
Lời
diễn thuyết của ông Nguyễn Chánh sắt đọc ở kỳ Hội đồng Hội An Nam thương cuộc
công ty” ngày 30/8/1919, Nam Phong tạp
chí số 27 tháng 9 năm 1919
21.
Lục tỉnh tân văn ngày 5 tháng 8
năm 1919
22.
Lục tỉnh
tân văn số 658 ngày 11/8/1919
23.
Lục tỉnh tân văn ngày 13/8/1919
24.
Lục tỉnh tân văn ngày 18/8/1919
25.
Lục tỉnh tân văn ngày 22/9/1919
26.
Nam
Phong tạp chí số 17 tháng 11 năm 1918
27.
Nam Phong tạp chí số 18, tháng 12
năm 1918,
28.
Nam Phong tạp chí số 27 tháng 9 năm 1919,
29.
Nam Phong tạp chí số 30 tháng 12
năm 1919,
30.
Đào
Trinh Nhất, (1924) Thế lực khách trú và vấn
đề di dân vào Nam Kỳ, Nhà in Thụy Ký, Hà Nội,
31.
Người
Nam buôn hàng Bắc đối với Hoa Kiều”, Thực
nghiệp dân báo ngày 24/7/1922
32.
Nông cổ mín đàm tháng 9 năm 1919
33.
“
Nông nghiệp ngân hàng” Khai hóa Nhật báo
số 1384 ngày 11/3/1926
34.
Phạm
Quỳnh (1918), Một tháng ở Nam Kỳ”
trong Nam Phong tạp chí số 17 tháng 11 năm 1918
35.
Phạm
Quỳnh, (1919), “Một tháng ở Nam Kỳ” Nam
Phong tạp chí, số 20 tháng 2 năm 1919
36.
“Thế
lực người trung Hoa ở Trung kỳ”, Thực
nghiệp dân báo ngày 3/5/1922
37.
Thế lực người Trung Hoa
ở Nam kỳ và Bắc kỳ khác nhau thế nào?” Thực
nghiệp dân báo ngày 4/12/1920
38.
“Thơ
Chệc gởi Mộng Huê Lầu”, Lục tỉnh tân văn,
ngày 20 tháng 8 năm 1919,
39.
Thời Báo ngày 22 tháng 8
năm 1919,
40.
“Việc để chế đồ hàng Khách” Nam phong tạp chí số 27 tháng 9 năm 1919
38. “Việt Nam đoàn
thể hội”, Công Luận báo, ngày 9/91919
39.
Phạm Xanh, Nguyễn Thị Dịu Hương
((2008), Hội Bắc kỳ công thương đồng
nghiệp và Hữu Thanh tạp chí với vấn đề bảo vệ quyền lợi của giới tư sản Việt
Nam, T/c NCLS. Số 1
Các
tờ báo đều được lưu trữ tại Thư Viện quốc gia Việt Nam
* Bài đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, Những vấn đề Giảng dạy tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay, tập 2, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ISBN 978-604-73-7135-8, Tr 1103-1116
và trên https://thanhdiavietnamhoc.com/phong-trao-tay-chay-hoa-kieu-o-viet-nam-nam-1919-qua-nguon-tu-lieu-bao-chi-dau-the-ky
[1] Bài viết này do
tác giả gửi cho talawas, tóm tắt lại nội dung chính của tiểu luận nghiên cứu,
“Widening the Colonial Encounter: AsianConnections Inside French Indochina
During the Interwar Period,” đăng trên Modern Asian Studies, Vol., No. 05,
September 2009
[2] Bạch
Thái Bưởi, kinh doanh ngành vận tải thủy, vào thập niên 1920, ông đã có khoảng
40 tàu và sà Lan chạy hầu hết các tuyến đường sông ở Bắc Kỳ, chạy đường ven biển,
thậm chí đội tàu thuyền của ông còn vươn tới các nước trong khu vực như Hồng
Kông, Trung quốc, Philippin, Singapo…Công ty của ông có khoảng 1400 nhân viên,
và có đại lý ở nhiều tỉnh thành. Ông là nhà tư sản phải cạnh tranh với tư sản
người Hoa gay gắt nhất.
[3]
Nguyễn Sơn Hà là chủ hãng Sơn Résistanco ở Hải Phòng, hãng sơn của ông đã đánh
bạt các hãng sơn của Pháp và làm chủ thị trường Sơn ở Việt Nam
[4] Bài “Thực nghiệp Nam Kỳ tại hội chợ “đăng
trên Thực nghiệp dân báo ngày
9/12/1920 giới thiệu:” Dầu dừa để sản xuất xà phòng của Trương Văn Bền không
khác gì dầu Pháp. Trong mười mấy năm từ vốn liếng ban đầu là 3000 bạc, nay tăng
lên 15 vạn bạc. Nhà máy của ông có tới 4 bộ máy ép có công suất 5 tấn/24 giờ,
có 2 cối bóc lạc và vừng… với khoảng 100 công nhân” .
[5] Lê
Phát Vĩnh có xưởng dệt ở cầu kho ( Sài Gòn) chuyên dệt các loại the, lụa, sa tanh, ngoài, xưởng dệt có
khoảng 100 công nhân làm việc ông còn có
nhà nuôi tằm, ươm tơ phục vụ cho sản xuất….
[6] Nguyễn Hữu Thu sở hữu hàng chục chiếc
tàu và sà lan có chiếc có trọng tải 615 tấn; còn loại 250 tấn, 140 tấn thì có gần
chục chiếc chủ yếu để
chạy các tuyến đường từ Hải
Phòng đi Nam Hải, Bắc Hải, Hồng Kông, Nam Định, Hải Dương, Hòn Gai, Bến Thuỷ,
v.v...
[7]. Dù nhiều người
đã kết hôn với người Việt và ở Việt Nam lâu đời, nhưng họ vẫn giữ tiếng nói,
phong tục tập quán riêng của họ và tạo thành một cộng đồng cư dân riêng, phân
biệt với những người Việt bản địa. Đặc biệt ở Nam Kỳ, nhiều nhóm người Hoa đến
Việt Nam vào các thế kỷ 17-18, đã có nhiều đóng góp vào công cuộc mở cõi của
các Chúa Nguyễn cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế ở khu vực này. Do
điều kiện Nam Kỳ đất đai rộng, cư dân còn thưa thớt, các chúa Nguyễn và nhà
Nguyễn đã có chính sách coi những người Hoa này là những người Minh Hương (gồm
cả những người lai bố Hoa, mẹ Việt) thuộc cộng đồng cư dân Việt.
[8] “Tẩy chay” là tiếng
Khách Quảng Đông đọc hai từ Để chế. Để chế nghĩa là kháng cự, ngăn cầm, kháng cự
ngăn cầm kẻ nghịch, kẻ thù mình nghĩa là tuyệt giao với người mình không ưa, nhất
là đường giao dịch buôn bán. Đó là nghĩa chung, thời cái nghĩa riêng là mình đồng
lòng nhau không mua đồ hàng của người mình ghét”, (Thượng Chi, 1919 A, tr227)
[9] Đây là con đường
nối liền bùng binh Sài Gòn (nay là Quảng trường Quách Thị Trang), khu chợ Mới (chợ
Bến Thành) với khu chợ cũ (Chợ Vải) nơi giao nhau giữa đường Hamelin với kinh
Chợ Vải mà sau này được lấp đi để trở thành đại lộ Sambre (nay là đại lộ Lê Lợi),
đại lộ được coi là lớn nhất và sầm uất nhất Sài Gòn. Năm 1917, đường này tách
ra 1 đoạn và được đặt tên là đường Đỗ Hữu Vị, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng)
[10]
Con đường
Hamelin nằm trong khu vực được quy hoạch là trung tâm Sài Gòn, chạy dọc từ quảng
trường lớn khu chợ Mới (Chợ Bến Thành) bắt đầu từ ngã 3 đường Boulevard Bonard (Nay là đường Lê Lợi ) tới Boulevard Charner (Nay là đường Nguyễn Huệ), hai đại lộ sầm uất nhất ở trung
tâm Sài Gòn. Con đường này cắt ngang qua các đường Mac Mahon (Nay là đường Nam Kỳ khởi nghĩa ),
Adran (Nay là đường Hồ Tùng Mậu ), Chaigneau (Nay là đường Tôn Thất Đạm), Pellerin (Nay là đường Pasteur ).
[11] Nay là trường Kỹ
thuật Cao Thắng
[12] Bài Khách trú khi ta trong báo Lục tỉnh Tân văn số 658 ngày 11/8/1919
cho biết, từ ngày 1/8, các nhân viên sở Lục lộ ở Sài Gòn đã đồng nhau kêu gọi tẩy
chay các cửa hàng cà phê của Hoa kiều “cần nhất giờ đây hãy tẩy chay cà phê của
Chệc như mấy thầy làm việc ty Thiết lộ đã làm rồi đó. Từ hôm 1er Aoute đến nay
chẳng có một người đến tiệm cà phê của Chệc”
[13] Báo chí gọi sự cố
kết cộng đồng trong những người Hoa ở Việt Nam là “Tình đoàn thể”
[14] Bài báo của tác
giả giả đã trích dẫn những câu được cho là miệt thị, coi thường người Việt và
cuộc tẩy chay hàng hóa người Hoa của người Việt: “An Nam tẩy chai Shi noa, gây
thương chiến với shi noa chả khác nào đoàn trẻ con, hiệp chơi với nhau, chia
làm 2 phe mà đánh giặc với nhau vậy”
[15] Đường Pellerin
xưa nay là đường Pasteur, nằm cắt ngang đường Hamelin, (nay là đường Huỳnh Thúc
Kháng)
[16] Theo Thượng Chi
trong Bàn về việc tham thương với người
Khách Bắc Kỳ nên lập một thương hội lớn trên Nam Phong số 27, tháng 9 năm 1919, tr. 282 thì: “Việc để chế khách
sở dĩ khởi lên mau lẹ vậy bởi một cái thơ tên Khách ký là Lý Thiên, gửi cho các
nhà báo ta, nói xỉ mạ người An Nam nhiều lắm thơ đó chẳng hay thực hư thế nào
mà cũng vì đó nên dân ta mới công phẫn như vậy ”…
[17] Nay là đường Thủ
Khoa Huân
[18] “Lời diễn thuyết
của ông Nguyễn Chánh Sắt đọc ở kỳ Hội đồng Hội An Nam thương cuộc công ty ngày 30-8-1919”- Nam Phong tạp chí số 27 tháng 9-1919 (đăng lại bài của Nông cổ mín đàm, tháng 9-1919), tr 284
[19] Nguyễn Hữu Thu sở
hữu hàng chục chiếc tàu và sà lan có chiếc có trọng tải 615 tấn; còn loại 250 tấn,
140 tấn thì có gần chục chiếc chủ yếu để chạy các tuyến đường từ Hải Phòng đi
Nam Hải, Bắc Hải, Hồng Kông, Nam Định, Hải Dương, Hòn Gai, Bến Thuỷ, v.v...
[20] Ngày 5/1/1921 Hội
trưởng Nguyễn Huy Hợi đã làm đơn xin Thống sứ bắc Kỳ cho phép ra một tập chí của
hội. Lúc đầu, dự kiến tạp chí có tên là “Doanh nghiệp tùng đàm”, sau khi thảo
luận, tất cả tất cả hội nhất trí tên tạp chí sẽ là Hữu Thanh.
Năm 1919, đại khái ở Sài Gòn + Chợ Lớn, cứ 10 người thì có 4 người là người Hoa (38%). Con số trực quan ấn tượng thật bất ngờ.
Trả lờiXóa