Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Sự nghiệp lẫy lừng trên biển của vua Gia Long


Nguyễn Quang Ngọc

Thủy quân - sức mạnh triều Nguyễn
Đã quá lâu rồi người ta quen nhìn nhận tất cả những gì của Tây Sơn thì đều là tiến bộ và cách mạng, còn của nhà Nguyễn thì chỉ là lạc hậu  phản động, mà quên đi rằng Tây Sơn đến thời Quang Toản cũng đã tàn tạ, suy kiệt và đâu còn tiến bộ nữa. Nguyễn Ánh đành rằng phải chịu trách nhiệm hết sức nặng nề trước lịch sử vì đã từng rước quân ngoại bang về dày xéo bờ cõi. Nhưng ông là người có tài cầm quân, có tài tổ chức và tập hợp dân chúng, thừa hưởng được những thành quả của các thế hệ cha ông và của cả Tây Sơn nữa, nếm mật nằm gai mở cõi và định cõi, làm nên một nước Việt Nam thống nhất, rộng dài và trọn vẹn như ngày hôm nay. Sự nghiệp này của ông liệu có lẫy lừng không nhỉ?
Vua Gia Long, người sáng lập nên nhà Nguyễn, vương triều
phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam
Hơn 40 năm trước, từ khi còn là sinh viên khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã từng trăn trở về câu ca dao này:
“Lạy trời cho chóng gió nồm, 
Để thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra”.
Lúc đầu tôi không hiểu và còn buồn cho những người dân mà tôi nghĩ là họ thiếu “ý thức chính trị”. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu sự thay đổi tương quan lực lượng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh từ sau khi vua Quang Trung tạ thế, thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng sự mong đợi của họ là đúng và có lý. Đã đến lúc họ trông chờ đoàn thuyền hùng mạnh của Nguyễn Ánh ào ra Bắc lật nhào ngai vàng ruỗng nát của vua Quang Toản càng sớm càng tốt.
Lực lượng của Nguyễn Ánh lúc này tập trung ở Gia Định và con đường tấn công ra Bắc chủ yếu bằng thuyền. Quân đội Tây Sơn tuy mâu thuẫn, chia rẽ nhưng cũng còn đông, trong đó thủy quân xem ra cũng còn khá mạnh. Cuộc đối chọi một mất một còn giữa thủy quân Nguyễn Ánh và thủy quân Tây Sơn ở dọc dải ven biển từ Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên, Thị Nại, Quy Nhơn, Phú Xuân, Nhật Lệ, cửa Hội... cho thấy sự phát triển hơn hẳn của binh thuyền Nguyễn Ánh. Đến trận đánh cuối cùng vào thành Thăng Long cũng có một đạo thủy quân của Nguyễn Ánh vượt biển vào sông Vị Hoàng và ngược sông Hồng đánh lên...
Thủy quân Nguyễn Ánh trưởng thành trong quá trình giành và giữ đất Nam bộ, lại được sự giúp đỡ và đào tạo trực tiếp của chuyên gia giỏi phương Tây như anh em nhà Dayot, như Jean Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng)... được tổ chức, trang bị các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại, đã đánh bại quân đội và thủy quân Tây Sơn. Sau chiến thắng, thủy quân, hải quân của vua Gia Long được tổ chức lại chính quy hơn trở thành lực lượng chủ chốt bảo vệ đất nước, vương triều và biển đảo rộng mênh mông của Tổ quốc. M.A.Dubois de Jancigny, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương mô tả lực lượng hải quân của vua Gia Long: “Hạm đội bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác. Những thuyền lớn có từ 50 đến 70 mái chèo, những thuyền nhỏ có hơn 40 hoặc 44 mái chèo”. 
GS Vu Hướng Đông, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về biển đảo Việt Nam, thừa nhận: “Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thế lực cát cứ các chúa Nguyễn. Các đời chúa Nguyễn phần nhiều chú ý triển khai hoạt động biển và phát triển sự nghiệp biển. Vua Gia Long nhờ vào biển để phát triển thế lực của mình, đánh thắng thủy quân Tây Sơn bằng thủy chiến. Thời Gia Long đã ra sức phát triển lực lượng thủy quân, đóng thuyền buồm và tàu chiến và cử tàu thuyền ra nước ngoài. Vua Gia Long từng lệnh cho Bộ Công tổ chức biên soạn cuốn Duyên hải lục ghi chép độ sâu của thủy triều ven biển và cây số đường biển. Ông lên ngôi, nước Xiêm xin triều Nguyễn xuất quân từ đường thủy và đường bộ để giúp họ đánh Miến Điện, vua Gia Long cho rằng không thể đi theo đường bộ, nên đi theo đường biển qua Hải Tây để hợp binh với nước Xiêm... Vua Gia Long đã khá quen thuộc về đường giao thông ven biển và đường giao thông trên biển giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á”. 
Hoàng Sa, Trường Sa - sự nghiệp lẫy lừng nhất của Gia Long 
Như thế, GS Vu Hướng Đông đã nói khá đúng về những công tích lẫy lừng trên biển của vua Gia Long. Chỉ tiếc một điều (có thể ông đã quên, hay cố tình quên) là chưa nói tới hoạt động thực thi chủ quyền của vua Gia Long và Vương triều Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo tôi đấy mới chính là sự nghiệp lẫy lừng nhất của vua Gia Long ở trên biển.
Bản dập mộc bản thời Nguyễn nói về việc vua Gia Long phái thủy quân ra Hoàng Sa đo đạc
Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên thì vào năm 1803, nghĩa là chỉ mới mấy tháng sau khi thành lập Vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã chính thức “sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa” theo như truyền thống có từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên gần 2 thế kỷ trước. Đặc biệt liên tục trong các năm 1815, 1816, ông “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” và triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ. Ông còn mở rộng quan hệ với các nước, nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817, tuyên bố về hoạt động chủ quyền của Vương triều mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào phản đối hay có ý định tranh giành với ông. Đây là một trong những trang đẹp nhất, rạng rỡ và ngời sáng nhất của lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đều biết. 
Về thăm đảo Lý Sơn - quê hương của đội Hoàng Sa, chúng tôi thấy nhà thờ Phạm Quang Ảnh có đôi câu đối mà theo chúng tôi chính là biểu tượng tuyệt vời của truyền thống anh hùng quả cảm Việt Nam ngoài biển đảo: 
“Trung can huyền nhật nguyệt,
Nghĩa khí quán càn khôn”.
Điều rất đặc biệt là người dân địa phương cho đến nay vẫn còn giữ được rất nhiều tư liệu quý báu minh chứng cho một lịch sử vô cùng gian khó và hào hùng khai chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các nguồn tài liệu phong phú và độc đáo này, có một số tư liệu vô giá của thời Gia Long như Tờ kê trình của Phú Nhuận hầu viết vào năm Gia Long thứ 2 (1803); Đơn của phường An Vĩnh ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ ba (1804), Văn khế bán đoạn đất của xã An Vĩnh phục vụ cho hoạt động của đội Hoàng Sa lập vào năm Gia Long thứ 15 (1816)...
"Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thế lực bất cứ các chúa Nguyễn"
Hoạt động chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa đã được người phương Tây vô cùng khâm phục và đặc biệt đề cao. Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) từng viết hồi ký xác nhận: “Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay (vua Gia Long) mới chiếm hữu được quần đảo này”.
Giám mục Jean Louis Taberd cho rằng: Quần đảo Pracel “Vào năm 1816, nhà vua (vua Gia Long) đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta”. Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, trong đó có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng, khẳng định chính thức và chính xác Paracel hay là Bãi Cát Vàng thuộc vào bản đồ nước Việt Nam.
Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography Of The Cochinchinese Empire cho biết: “Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ”.
Năm 1850, M.A.Dubois de Jancigny viết sách nói rõ: “Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó”.
Đấy mới chỉ là một vài thông tin ban đầu mà tôi vừa tập hợp được qua một góc nhìn còn nhiều hạn hẹp. Nhưng chỉ với một số lượng thông tin này, theo tôi, cũng có đủ cơ sở để nhận định “Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển”. Còn điều gì thêm nữa, mong bạn đọc bổ sung và chỉ giáo. Tôi xin được chân thành cảm ơn.
Nguyễn Quang Ngọc
Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/133N20110721162944894T0/su-nghiep-lay-lung-tren-bien-cua-vua-gia-long.htm

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Vĩnh biệt Condo, bậc hiền triết của chúng ta, của Tây Nguyên



Nguyên Ngọc


Georges Condominas đã ra đi trong đêm thứ bảy 16 rạng sáng chủ nhật 17-7-2011. Thế giới vừa mất một trong những nhà dân tộc học lớn nhất của mình. Chắc chắn trong những ngày đến sự kiện này sẽ gây xao động không chỉ ở Pháp, và ở Việt Nam, nơi nhà bác học này đặc biệt gắn bó. Và tôi chắc ở một nơi sâu tít trong tận cùng Tây Nguyên, tại cái làng nhỏ có tên là Sar Luk bên bờ con sông Krong Nô hoang vắng, dưới chân dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, một dân tộc rất nhỏ tên là dân tộc Mnông Gar sẽ làm lễ bỏ mã cho ông, Yoo Condo thân thiết của họ - Yoo là cách người Mnông Gar gọi người nơi khác đến mà đã trở nên ruột thịt.
Tôi đã may mắn được là một người bạn nhỏ của con người vĩ đại ấy, và cách tôi được gặp và quen ông thật lạ, cũng có thể là tiêu biểu cho một trong những tính cách độc đáo của ông. Hơn 30 năm trước, một hôm đang ngồi làm việc ở nhà, tôi nghe điện thoại reo và bên kia đầu dây một người nói với tôi bằng tiếng Pháp: “Tôi vừa từ Paris sang, một chị bạn của anh bên ấy nhờ mang cho anh mấy cuốn sách, làm sao trao được cho anh?”. Tôi cám ơn và xin ông cho biết tôi có thể đến gặp ông ở đâu để nhận sách. Ông trả lời: “Tôi là Geoges Condominas, hiện ở khách sạn X, anh có thể đến khoảng 2 giờ chiều nay không?” Không thể nói hết sửng sốt của tôi: hóa ra một nhà bác học lớn, mà tôi đã được đọc một số tác phẩm nổi tiếng, vừa gọi điện cho tôi và chỉ mấy tiếng nữa tôi sẽ được gặp ông! Mươi phút sau, điện thoại lại reo. Vẫn là Condominas. “Thôi, anh không cần đến khách sạn đâu. Tôi có một người bạn ở Hà Nội biết nhà anh, tôi sẽ đến chỗ anh ngay bây giờ, được không?”. Tả sao hết hồi hộp. Mươi lăm phút sau một chiếc xe máy đổ xịch trước thềm: nhà dân tộc học lừng danh thế giới, người thầy của bao thế hệ dân tộc học khắp năm châu, đến nhà tôi bằng xe ôm! Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Condo hôm ấy, cũng sẽ là hình ảnh quen thuộc những người biết ông hẳn còn mãi ghi nhớ: chiếc áo vét tông lụng thụng và hơi nhàu, không hề có cà vạt, chiếc mũ phớt hơi rộng vành màu nâu nhạt. Ông ở chơi với tôi gần suốt buổi, say sưa trò chuyện về Tây Nguyên, ông hỏi tôi lên Tây Nguyên từ năm nào, cười bảo “Thế là thua tôi rồi, tôi đến Tây Nguyên trước anh một năm cơ …” Cuộc trò chuyện sôi nổi, song cũng nhiều lúc chùng xuống, chúng tôi chia sẻ cùng nhau niềm nhớ và nhất là nổi lo đau đáu về vùng đất xiết bao ruột thịt với cả hai chúng tôi, đang trải qua những thử thách có lẻ là lớn nhất, nặng nề nhất trong suốt lịch lâu dài của nó. Rừng và con người ở đó đang và rồi sẽ ra sao? “Anh biết đấy, Condo bảo, tôi từng viết “Chúng tôi ăn rừng…”. Ăn rừng, người Tây Nguyên “ăn rừng”, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sửa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao? …” Chính nổi ưu tư đeo đẳng và ngày càng thống thiết ấy gắn kết chúng tôi. Mỗi lần ông sang Việt Nam, chúng tôi đều gặp nhau, cùng đi Tây Nguyên, cùng đi miền núi Quảng Nam. Lần ông cũng bảo: “Tôi luôn thèm về đấy. Ở nơi ấy tôi đã học làm người”. Và ở cuộc triển lãm đặc sắc “Chúng tôi ăn rừng – G. Condominas ở Sar Luk” được trưng bày ở Paris, rồi ở Hà Nội tháng 12-2007, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của ông, có một băng rôn ghi một câu của Condominas, có thể coi là châm ngôn của đời ông, nghe hơi lạ và rất đáng chú ý: “L’ethnographie est un genre de vie”. Có thể dịch: “Dân tộc học là một kiểu sống” hay “Dân tộc học là một lối sống”. Riêng tôi muốn dịch “Dân tộc học là một loại hình sống”. Loại hình, như các loại hình thực vật, động vật … Một loại hình, chứ không phải một nghề. Condominas được đào tạo bởi những con người không chỉ là những nhà nhân học, dân tộc học lớn, mà còn là những nhân cách lớn, rất đặc biệt, hay đúng hơn nữa, thuộc một “loại hình” riêng, những Marcel Mauss, Paul Mus, Claude và Paul Lévy-Strauss, André Leroi-Gourhan, André-George Haudricourt, Pierre Edouard Mestre, Maurice Leenhardt…  cùng với Georges Balandier, Jean Guiart, Paul Mercier … Có thể hiểu một cách vắn tắt “loại hình” ấy như thế này: một nhà khoa học bất kỳ có thể có hai cuộc đời, cuộc đời của người làm khoa học, và một cuộc đời riêng, không nhất thiết gắn làm một. Nhà dân tộc học thì không, anh ta chỉ có một, không thể tách rời, dân tộc học là cuộc đời anh, cuộc đời anh là dân tộc học, không chừa lại chút gì; anh đồng hóa với đối tượng của mình đến cùng, cùng một số phận, cùng một số mệnh, cùng một loại hình, anh không ở bên ngoài mà bên trong nó, anh chính là nó, thành bại, mất còn.
Chúng ta biết dân tộc học, nói cho đúng, trước hết là một sản phẩm của châu Âu, của chủ nghĩa thực dân. Nó sinh ra khi chủ nghĩa thực dân châu Âu đi chinh phục và biết đến các dân tộc “lạc hậu”, tìm hiểu chúng. Vì vậy nhà dân tộc hầu như bao giờ cũng từ một nền văn hóa được tự coi là cao hơn đến quan sát, nghiên cứu một nền văn hóa bị coi là thấp hơn, từ bên ngoài nhìn vào và từ bên trên nhìn xuống … Năm 1948 anh thanh niên Condominas vừa mới ra trường, sang Đông Dương, lên Tây Nguyên, tìm đến tộc người Mnông Gar ở làng Sar Luk hoang vắng, và ngay từ đầu ý thức sâu sắc “mặc cảm” đó, hiểu rằng anh phải khắc phục được nó, phải thay đổi toàn bộ cuộc đời mình, nhập thân được vào “loại hình”  dân tộc học của mình. Hiểu  Mnông Gar ư? Anh phải hiểu nó từ bên trong. Sau này anh sẽ nói, giản dị - vậy đó, chân lý thì bao giờ cũng giản dị - chẳng hạn, “để biết một món ăn Mnông Gar có ngon không thì nhất thiết phải là một người Mnông Gar”. Anh phải thành một người  Mnông Gar. Condo vào làng Sar Luk, xin làm một căn nhà chen giữa làng, thành một hộ như bao nhiêu hộ của làng. Thời gian ngắn đầu, anh còn phải nhờ một phiên dịch, nhưng rồi anh nhanh chóng học thạo tiếng, đến mức đêm nằm mơ toàn bằng tiếng Mnông Gar – nghĩa là anh tư duy không phải bằng tiếng Pháp nữa mà bằng tiếng Mnông Gar; anh “tư duy Mnông Gar”. Anh sống cùng số phận của làng, vui mừng, đau khổ, thành bại, sống chết cùng làng... Mnông Gar đến tối đa, để sự hiện diện của một người ngoài, lại là một da trắng, lại là một nhà dân tộc học nữa, không làm biến dạng hiện thực như hằng có của làng, làm biến dạng một cách tất yếu ứng xử của người làng với nhau và với người lạ khi làng có “khách” lạ …
Song ở đây còn có chỗ rất tế nhị: nhà dân tộc học hết sức “quên” mình đi, để cho làng cũng “quên” sự hiện diện của anh đi,  … nhưng đồng thời anh vẫn phải là nhà dân tộc học, tỉnh táo và sắc sảo quan sát. Có mâu thuẫn không, và nhà dân tộc học phải giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào? Có lần tôi đã hỏi Condominas về điều ấy. Rất ngạc nhiên là ông cũng … rất ngạc nhiên. Ông bảo ông không để ý, hay đúng hơn không cảm thấy khó khăn. Có lẽ, ông nói, vì mình sống thật tình đến cùng với bà con.
Ta biết ít ra một ví dụ về thành công này của Condominas, trong việc ông tìm ra được bộ đàn đá tiền sử đầu tiên trên thế giới…Đêm ở làng Sar Luk, như mọi đêm, sau một ngày sống và lao động cùng bà con, Condo ngồi hút rượu cần và rít tẩu thuốc với các già làng bên bếp lửa nhà sàn, lơ mơ ngủ, chợt thức dậy lại hút rượu và rít thuốc .. lại lơ mơ ngủ, không hề để ý một thanh niên ngày hôm ấy được điều đi sửa con đường từ Sar Luk đi Đầm Ròn đang lầm rầm kể chuyện… Đang thiêm thiếp, chợt Condo giật mình thức dậy, hỏi: “Cậu vừa nói gì đấy? Nói lại xem!”. Lơ mơ ngủ nhưng ông vừa nghe được hai tiếng “mau prum”. “Nhắc lại đi!”, ông khẩn khoản. Vì, đã quên mình là người lạ, người Pháp, hết sức thông thạo đến ăn sâu trong máu thịt tiếng Mnông Gar, nhưng đồng thời ông vẫn là nhà dân tộc học, tỉnh táo và sắc sảo, để chỉ cần hai tiếng “mau prum” nghe như trong mơ đã đánh thức ngay nhà dân tộc học trong ông dậy. “Mau prum” có nghĩa là đá Chàm. Và là nhà dân tộc học thành thạo, ông biết người Chàm chưa bao giờ đặt chân lên vùng đất Krông Nô này suốt lịch sử. Nghĩa là người thanh niên kia đã thấy một điều gì đó rất lạ mà anh ta không hiểu được trong ngày đi làm đường hôm nay. Anh kể: trong khi lao động sáng nay, các anh đã phá một ụ đất để nắn lại con đường trước đây bị uốn cong, và tìm thấy trong ấy mười một phiên đá lạ, rất dài, và người Mnông khi gặp bất cứ vật cổ nào mà họ không thể hiểu và họ tin là bí ẩn, thiêng liêng thì đều coi đó là của người Chàm xưa … Sáng hôm sau Condo cùng người thanh niên đi đến hiện trường, quan sát kỹ, nhận ra đấy là những phiến đá đã được đẻo gọt bởi bàn tay con người, một vật cổ, có thể là tiền sử… Những phiến đá ở làng Dnut Lieng Krak, cách Sar Luk khoảng 10 km, được Condominas phát hiện năm 1949, gửi về viện Nhân chủng học Paris, được các chuyên gia nhân học, khảo cổ học, nhạc học nghiên cứu tỉ mỉ, xác nhận là một bộ đàn đá tiền sử (đúng ra là hai bộ, thiếu mất một thanh), cực kỳ đặc sắc, là bộ đàn đá tiền sử đầu tiên tìm được trên thế giới, có niên đại khoảng ba nghìn năm …
Condominas rất ít khi nhắc lại chiến công khảo cổ học từng làm chấn động thế giới ấy của ông. Ông chỉ nói: “Dân tộc học là một loại hình sống”, vậy  thôi. Thế đấy!
… Từ Sar Luk, Condominas mang về cho thế giới khoa học (và cả văn học) tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô”, ra mắt ở nhà xuất bản Mercure de France, nơi chỉ chuyên in tác phẩm văn học của những văn hào lớn như Verlaine và Rimbaud, và cuốn sách lập tức được nhà nhân học hàng đầu Claude Lévy-Strauss coi là “đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó với hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay”. Ít lâu sau, cuốn sách thứ hai về Sar Luk của ông ra đời, cũng hết sức độc đáo, cuốn “L’exotique est quotidien” (có thể dịch là “Kỳ lạ mỗi ngày”), bút ký tự thuật cảm động và uyên bác về sự nghiệp hay cuộc đời “dân tộc học là một loại hình sống” của ông  …

Tôi thường tự hỏi, hẳn là một cách vớ vẩn, ông thuộc nền văn hóa nào, đông hay tây? Thật khó nói. Ông là một bậc hiền triết. Trong dân tộc học. Và giữa đời ngổn ngang. Nhìn ông mà xem, nhân hậu và hiền triết biết bao, khuôn mặt thân yêu ấy.

Hôm nay chúng ta tiễn đưa về cõi vĩnh hằng một nhà bác học lớn, một người bạn lớn của Việt Nam, đặc biệt của các dân tộc Tây Nguyên, người, tôi tin vậy, cho đến giờ phút cuối cùng vẫn không ngớt nổi nhớ dằng dặc và nổi lo đau đáu về Tây Nguyên của chúng ta, của ông. Vì Tây Nguyên đối với ông đã trở thành “một loại hình sống”.

Hãy yêu và lo như ông.

                                                                                                19-7-2011      
http://cafehocthuat.blogspot.com/2011/07/vinh-biet-condo-bac-hien-triet-cua.html
Nguồn:

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam


Báo Đại đoàn kết ngày 20/7/20II
Nguồn :


Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 
Đảo Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa
Theo lý giải của Trung Quốc, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Sau đó, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau:
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.
Cần phải thấy rằng, các tuyên bố nói trên của Trung Quốc cũng như của VNDCCH ra đời trong bối cảnh có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan. Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra. Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược "lấn sân” của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.
Ngày 26-5-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3-9-1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất. Ngày 11-8-1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ "giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12-9-1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23-8-1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.
Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH –Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích "sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã "lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.
 
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên. Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng: Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
 
Tại Hội nghị San Francisco 1951, các quốc gia tham dự đã bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể mà không có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1951, cộng động quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế là vô hiệu. Hiệp định Genève 1954, mà Trung Quốc là một nước tham gia chính thức, cũng thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về người Việt Nam. Các điều khoản trong Hiệp định cũng yêu cầu các quốc gia tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bản tuyên bố ngày 4-9-1958 về cơ sở pháp lý quốc tế đương nhiên được xem là không có hiệu lực. Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế. Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
 
 
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa
 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do. Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một cơ sở nữa trên phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc đó không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của VNDCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Tuy nhiên, có tác giả đã cố tình nêu thuyết "estoppel” để suy diễn những lời tuyên bố đó có hiệu lực bó buộc đối với Việt Nam.
Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết "estoppel”. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: (1) Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu và phải được phát biểu một cách minh bạch; (2) Quốc gia nại "estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động; (3) Quốc gia nại "estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó; (4) Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và lâu dài. Thí dụ: bản án "Phân định biển trong vùng Vịnh Maine”, bản án "Những hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua”, bản án "Ngôi đền Preah Vihear”...
Áp dụng những nguyên tắc trên của estoppel vào những lời tuyên bố của VNDCCH, chúng ta thấy thiếu điều kiện 2 và 3 đã nêu ở trên. Năm 1956, năm 1958 và năm 1965, Trung Quốc đã không có thái độ nào, hoặc thay đổi thái độ vì dựa vào lời tuyên bố của VNDCCH. Trung Quốc cũng không thể chứng minh được rằng mình bị thiệt hại gì do dựa vào những lời tuyên bố đó. VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì khi có những lời tuyên bố đó.
Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ "nuốt trọn” Biển Đông, theo kiểu "miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình”.
Nhóm PV Biển Đông

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Nói người Việt Nam không hướng biển là không hiểu lịch sử Việt Nam

 Nguyễn Quang Ngọc
Bài trả lời phỏng vấn trên Việt Nam thông tấn xã do phóng viên Kiều Trinh thực hiện ( Bản đã được tác giả sửa chữa và là ý kiến chính thức của tác giả về vấn đề này)
Lời tòa soạn 
Cuộc sống của một đất nước trước biển như nước ta không đẹp dịu dàng, uyển chuyển như những hoa văn vỏ sò. Từ rất sớm, dân tộc ra đã đối mặt với sóng dữ, và trên hết, chinh phục biển. Cùng GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói về truyền thống, thành tựu chinh phục biển của người Việt Nam.

 
Ghe đánh cá Nam Ô ( Đà Nẵng). Người dân chài ở đây nói, với ghe này họ đi đánh bắt cá cách bờ khoảng 7-8 hải lý.

* Đỉnh cao khai thác biển Chămpa và Phù Nam

- Một nhà nghiên cứu cho rằng người Việt Nam mình trong tâm thức đã né biển. Vì né biển nên mới có câu như “rừng vàng, biển bạc”, hay những nhân vật làm nghề chài lưới thường chỉ có thân phận thấp kém trong các tích truyện. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Kể ra, nếu chỉ nói người Việt (người Kinh) ở vùng châu thổ sông Hồng thì cũng có bộ phận “xa rừng, nhạt biển” (chữ của GS Ngô Đức Thịnh) thật. Cái lý của hiện tượng là vì người Việt châu thổ sông Hồng gần như giải quyết được tất cả các thứ để củng cố một nền kinh tế mang tính tự cấp tự túc. Cũng phải nói ngay là ở đâu thì kinh tế tự cấp tự túc cũng chỉ mang tính tương đối, chứ trên thực tế thì chẳng có anh nào có thể tự cấp tự túc một cách triệt để được. Trong một làng người ta có thể sản xuất và mua bán, trao đổi đủ thứ tại chợ của làng mình. Cho nên vươn ra biển một cách mạnh mẽ thì dân cư ở châu thổ sông Hồng xem ra không bằng nhiều vùng khác, nhưng đừng vì thế mà vội cho rằng người Việt Nam ta né biển và cũng không nên suy diễn chủ quan rằng “rừng vàng , biển bạc” là rừng quý hơn biển. Nói “rừng vàng , biển bạc”, trong thực tế tổ tiên ta không có ý so sánh rừng với biển, mà chỉ biểu thị một quan niệm chung là cả rừng và biển đều vô cùng quý.

Cần phải nhớ rằng tổ tiên người Việt ở khu vực phía Bắc cũng đã khai chiếm biển từ rất sớm. Không phải ngẫu nhiên mà sự tích Hồng Bàng mở nước lại giải thích dòng giống của người Việt là sự “kết duyên” của hai giống Tiên - Rồng: Tiên là Âu Cơ thuộc Lục quốc ở trên cạn và Rồng là Lạc Long Quân thuộc Thủy quốc ở miền duyên hải, hải đảo. Hùng Vương (con trưởng) dựng nước Văn Lang là sự kết hợp giữa Rừng với Biển, giữa các bộ tộc miền núi với các bộ tộc miền biển.

Khảo cổ học cũng chỉ ra rất rõ những lớp người cổ từ Hậu kỳ thời đại đồ Đá cũ đã từ các vùng nội địa Việt Nam tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh sống trên các đảo, quần đảo ngoài Biển Đông. Trên vùng bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng và trên một số đảo trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhóm di tích Soi Nhụ nằm trong khung niên đại của Hòa Bình và Bắc Sơn.
Tiếp nối Soi Nhụ là Cái Bèo ở Cát Bà, Hải Phòng; tiếp nối Hòa Bình có Quỳnh Văn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, Bàu Dũ ở Tam Kỳ, Quảng Nam… tất cả đều vươn ra biển và khai thác biển đấy chứ. Tiếp sau Cái Bèo là Hạ Long. Văn hóa Hạ Long chạy dài suốt cả dải ven biển, sang cả miền nam Trung Quốc và xuống nhiều nơi ở Đông Nam Á. 
                                Vân Đồn, Thương cảng lớn của Đại Việt từ thế kỷ XI-XIV-XV

Văn hóa Sa Huỳnh đâu chỉ có ở dọc dải đảo ven biển miền Trung và miền nam Trung Bộ, mà vươn xa ra cả Trường Sa, thậm chí sang cả Philippine.

Có thể nói ở những thời điểm này, thời điểm khác, vùng này, vùng khác, với những lý do và điều kiện cụ thể có những bộ phận dân cư “nhạt biển” và bộ phận ấy tập trung chủ yếu ở châu thổ sông Hồng thôi, chứ càng đi vào miền Trung, miền Nam sự hướng biển của dân tộc ta càng tăng lên.

- “Sát vách” với đồng bằng sông Hồng, tại sao miền Trung lại hướng biển mạnh hơn, thưa ông?

Yếu tố địa hình có thể giải thích tại sao miền Trung lại tiến ra biển rất sớm và rất mạnh. Bởi vì phía trên là dãy Trường Sơn, dải đồng bằng lại hẹp, không đủ để nuôi sống con người. Chỉ trồng lúa mà bám lấy cánh đồng thì đói. Thêm việc dân cư phát triển thì không còn cách nào khác phải hướng ra biển. Nên từ rất sớm, những bộ tộc người sống trên dải đất miền Trung từ Hậu kỳ đồ Đá mới sang đến Sơ kỳ của thời đại đồ Đồng đã tiến ra biển rất nhiều rồi.

Với miền Trung, ta có thể nói tới kỳ tích khai thác biển của vương quốc Chămpa. Chămpa thực sự là Vương quốc biển, sự phát đạt và giầu có của họ là từ biển mang đến. Đó chính là vương quốc khai thác biển vào loại mạnh nhất châu Á. Điều này đã được thế giới công nhận.

- Còn sự mạnh mẽ trước biển của cư dân miền Nam thì sao, thưa ông?

Tương đương với Vương quốc Chămpa chính là Vương quốc Phù Nam. Mà Phù Nam hình thành và nhanh chóng phát triển thành Đế chế Phù Nam hùng cường ở Đông nam châu Á chính là nhờ biển chứ. Cho nên các nhà nghiên cứu mới cho rằng văn hóa Phù Nam là văn hóa đô thị, văn hóa thành thị, văn hóa cảng thị, mà đô thị, thành thị hay cảng thị thì cũng đều là do khai thác biển mà có. Giáo sư Sakurai Yumio của Đại học Quốc gia Tokyo (Nhật Bản) còn gọi Óc Eo - Phù Nam là trung tâm “liên thế giới”, vì nó nằm ở đầu mối của tuyến đường hàng hải quốc tế từ Đông sang Tây, Tây sang Đông (khi đó thuyền từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và ngược lại đều qua eo Kra ở Thái Lan nên Óc Eo mới trở thành cảng thị trung tâm). Óc Eo - Phù Nam sở dĩ phát triển đột khởi như vậy chính là nhờ biển.

- Nghĩa là người Việt chúng ta có một lịch sử khai thác biển thật đáng tự hào phải không, thưa ông?

Các nguồn tư liệu lịch sử, văn hóa, khảo cổ học cho phép nhận định cùng với quá trình hình thành đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, tổ tiên chúng ta đã đồng thời khai chiếm cả núi rừng, cả đồng bằng và biển cả, đã triệt để khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có để tạo nên sức sống căn bản của cộng đồng. Đành rằng cũng có nơi này, nơi kia, nhóm này nhóm nọ, trong các hoàn cảnh và điều kiện cụ thể không giống nhau, việc tổ chức khai thác biển mạnh yếu khác nhau, nên chớ có lấy cái bộ phận để nói thay cho cái tổng thể. Nếu như có ai đó nói người Việt Nam chúng ta quay lưng lại với biển, né tránh biển và không hề khai thác biển, thì có lẽ họ đã không hiểu lịch sử Việt Nam!.

Thời kỳ dựng nước đầu tiên ta có ba trung tâm lớn. Châu thổ sông Hồng với nhà nước Âu Lạc cũng đã có sự kết hợp rừng biển mà tôi đã giải thích ở trên.

Tuy vậy, do đặc điểm của châu thổ này mà có thể có một bộ phận cư dân không quan tâm nhiều đến biển, nhưng lớp cư dân Hạ Long khai thác biển rất mạnh cả ở gần bờ và xa bờ. Hai trung tâm còn lại là Chămpa và Phù Nam thì chủ yếu sống bằng khai thác biển và có lịch sử khai thác biển khá ngoạn mục. Đặc biệt Phù Nam ở phía Nam phát triển đột khởi vì nó là cảng thị, là trung tâm “liên thế giới”.
Sau này, thậm chí nó còn trở thành đế chế thống trị toàn bộ Đông Dương, lục địa Đông Nam Á vì nó khai thác biển. Nếu chỉ là đất liền thì Phù Nam không mạnh đến thế.

Về nguồn gốc tạo thành lịch sử, văn hóa Việt Nam có thể hình dung là như vậy. Còn trong quá trình phát triển về sau, con đường Nam tiến của người Việt cũng là dựa vào biển. Đường vào Nam nói như GS Trần Quốc Vượng là hết đèo này đến đèo kia ngăn cách, nên phải dùng thuyền vượt biển, ít ra là vùng cận duyên.

Quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ cũng còn là quá trình đồng thời các đoàn thuyền vươn ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo giữa biển khơi như Hoàng Sa và Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc, Thổ Chu… Khi mới tiến vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, lưu dân người Việt thường dùng thuyền vượt biển, đi vào các cửa sông, khai khẩn các vùng triền sông, duyên hải, đồng thời tỏa ra khai chiếm các đảo, quần đảo.

Người dân vùng Bình Định vẫn thường nhắc nhau: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Họ hàng ngày trông chờ hàng hóa gửi từ biển lên và từ rừng xuống hội lại ở miền đồng bằng. Người ở đồng bằng trồng lúa cung cấp cho cả cho vùng núi và vùng biển, đồng thời cũng điều tiết luôn cả các loại hàng hóa thủy hải sản, lâm thổ sản. Người nông dân tuy chỉ cày cuốc trên cánh đồng, nhưng trong cuộc sống của họ vẫn gắn bó máu thịt với cả rừng và biển. Đừng chỉ vì nhìn thấy họ cặm cụi cày cuốc mà bảo họ không biết gì về biển và quay lưng lại với biển.

- Nhưng một nhà nghiên cứu khác lại nói ta không có nghề buôn đường xa mà chỉ chờ người ta đến?
 
Cầu Nhật Bản , dấu ấn của người Nhật trong giao lưu buôn bán với người Việt ở thương cảng Hội An

Thời gian gần đây có thể như vậy, nhưng trước đây Việt Nam có nhiều thương cảng rất nổi tiếng. Hội An là một thương cảng được UNESCO công nhận với tư cách là một thương cảng quốc tế có giá trị nổi bật toàn cầu. Thăng Long, Phố Hiến, Domea, Thanh Hà, Nước Mặn, Cù Lao Phố, Sài Gòn-Bến Nghé. Mỹ Tho, Hà Tiên… cũng là những trung tâm trao đổi hàng hóa quốc tế lớn. Trong số thuyền bè đi lại, tất nhiên chủ yếu của các nước cập bến, nhưng thuyền của ta đi lại cũng không ít. Có lần sang Nagasaki (Nhật Bản) tôi thấy người ta giới thiệu về thuyền Quảng Nam đến buôn bán ở đó. Thậm chí, chúa Nguyễn Phúc Nguyên còn gả con gái của mình cho nhà buôn lớn rất nổi tiếng ở Nagasaki là Araki Soutaro. Vợ chồng nhà buôn này giữ vai trò rất quan trọng trong kết nối thương mại trên biển giũa Nagasaki và Hội An. Ở Nagasaki đến nay vẫn còn lễ hội về công chúa A Nhoi, mà hình ảnh ấn tượng nhất là rước thuyền vượt biển. Điều đáng quan tâm là tại đây từng có một đội ngũ những người làm phiên dịch tiếng Việt gọi là Tông Kinh thông sự (Tông Kinh lúc đó là khu vực Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh cai quản, còn thông sự là phiên dịch). Đây là những người chuyên phiên dịch tiếng Việt ở hải cảng và thành phố Nagasaki cửa ngõ mở ra với Thế giới của Nhật Bản.

* Đứng trước biển gian nan nhưng là lẽ sống Như vậy, có nghĩa là chúng ta đã tiến ra khai chiếm đảo ở biển Đông từ rất sớm?

Đúng như thế. Tôi mới có một bài trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử về điều này. Từ thời kỳ nhà Lý, năm 1147 vua Lý Anh Tông đã từng lập hành dinh trại Yên Hưng (thị xã Quảng Yên) để quản lý và khai thác biển; sau đó 2 năm, năm 1149, ông cho mở trang Vân Đồn ở khu vực vịnh Hạ Long để làm nơi tổ chức buôn bán với các nước. Rồi cũng chính ông đã tổ chức các cuộc điều tra khảo sát, vẽ bản đồ các vùng biển đảo, quản lý khai thác các vùng biển đảo vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 12. Các đời Lý, Trần, Lê đời nào cũng đều có chiến lược biển đảo.

Đến đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thành lập đội Hoàng Sa để khai thác, kiểm tra, kiểm soát, thực thi chủ quyền trên các vùng biển đảo giữa Biển Đông. Vua Gia Long đầu thế kỷ XIX khảng định chủ quyền tuyệt đối của Vương triều do ông sang lập ở các đảo này, khiến cho người phương Tây đương thời cho rằng ông là người duy nhất trên thế giới  đã cắm lá cờ của mình lên trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không có bất cứ một ai có thể tranh giành với ông. Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển. Ông còn mời hải quân Pháp xây dựng những hạm đội hùng mạnh để bảo vệ vương triều, bảo vệ biển đảo. Trước đó, Vương triều Tây Sơn cũng có chiến lược biển đảo và hải quân Tây Sơn đã từng làm chủ các vùng biển đảo, khiến cho nhiều kẻ lăm le xâm lấn phải bao phen bạt vía kinh hồn.

- Ngoài Chămpa, Phù Nam chúng ta còn có điều gì đáng nói về khai thác biển nữa, thưa ông?

Có chứ, Hà Tiên chẳng hạn. Gần đây có một số công trình nghiên cứu về Hà Tiên dựa trên rất nhiều tư liệu nước ngoài và thấy đây là một ví dụ về khai thác biển điển hình ở Nam Bộ thế kỷ XVIII. Hà Tiên là nơi cung cấp lúa gạo cho nhiều nơi ở Đông Nam Á. Hà Tiên cũng đồng thời là trung tâm trung chuyển thiếc.

Điều thú vị là sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất thiếc ở Palembang/Bangka và sự bùng nổ thương mại giữa Hà Tiên và Quảng Châu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong cùng một thời kỳ. Vào những năm 1760-1780,
sản xuất thiếc ở Palembang/Bangka đạt đến đỉnh cao - trở thành một yếu tố thúc đẩy thương mại ở Hà Tiên và Đàng Trong. Hà Tiên với vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan đã tận dụng những lợi thế của mình để trở thành điểm trung chuyển chủ yếu của các hàng hóa như lúa gạo, thiếc cung cấp cho các thị trường Đông Nam Á và Trung Hoa.

Nam Bộ tuy mới khai phá từ thế kỷ XVII, nhưng cuối thế kỷ đó đã trở thành một vùng đất trù phú phát triển mạnh với 4 trung tâm kinh tế hàng hóa và giao thương quốc tế lớn. Đó là Cù Lao Đại Phố (Biên Hòa, Đồng Nai), Bến Nghé - Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), Mỹ Tho Đại Phố (Mỹ Tho, Tiền Giang) và Hà Tiên Nam Phố (Hà Tiên, Kiên Giang). Nếu dân ta chỉ biết cày ruộng không thôi thì làm sao phát triển được như thế. Tất nhiên, trong đó có vai trò đáng kể của người Hoa, nhưng những người sản xuất và trao đổi hàng hóa, làm nên sự năng động và phồn vinh của vùng đất Nam Bộ, phải là dân Nam Bộ, trong đó người Việt giữ vai trò chủ đạo.

- Nghĩa là, theo ông, người Việt Nam hướng biển phải không?

Nếu chỉ nói người Việt không thôi thì từng nơi, từng lúc cũng có những bộ phận nhạt biển. Còn nếu nói người Việt Nam nói chung thì là hướng biển.
Người ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng đứng trước biển, tuy không được như miền Trung và miền Nam. Còn miềnTrung, miền Nam với tình thế đặc biệt đó mà không vươn ra biển thì không tồn tại được, chứ chưa nói là phát triển, cho nên vươn ra biển đã trở thành nhu cầu sinh tồn.
Cũng phải nói một cách công bằng là đứng trước biển thì vô cùng gian khó. Như Nhật Bản gần đây chẳng hạn, chỉ một cơn sóng thần là có thể xóa đi tất cả. Còn cướp biển nữa chứ. Những trận cướp kinh hoàng trong lịch sử nhân loại dường như đều là cướp biển phải không. Mới đây, tàu ta bị cắt cáp cũng có  khác gì kiểu hành sử này. Ra biển gian nan, nguy hiểm là thế, nhưng không thể không đi. Người dân đảo Lý Sơn bị thiên nhiên và con người hành hạ đủ đường nhưng họ có chùn bước đâu, vì ra biển là lẽ sống của con người. Họ vẫn đọc cho chúng tôi nghe một cách say sưa những câu ca dao cổ với trọn vẹn niềm tự hào: “Trường Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”; “Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”…. Biết chắc đi ra Hoàng Sa, Trường Sa, đi ra đại dương mênh mông là gian khổ và hy sinh, nhưng họ nào có chùn bước, vì từ trong tâm khảm họ đấy chính là Tổ quốc, là Quê hương và là lẽ sống của mình.

Xin cảm ơn ông!

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Gia huấn, Nữ huấn và giáo dục phụ nữ dưới thời phong kiến qua một số tác phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng

Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng trong Việt Nam học và Tiếng Việt- Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, 2011, từ tr 31 đến tr43)
                                               
        1.Toàn cảnh
Giáo dục gia đình là một mảng giáo dục quan trọng trong quá trình hình thành và đào luyện nhân cách con người. Đối với phụ nữ, vấn đề giáo dục trong gia đình càng trở nên quan trọng không thể thiếu bởi dưới chế độ phong kiến, giáo dục học đường dường như là đặc quyền của nam giới, phụ nữ không có mặt trong nền Khoa cử cũng như trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với vai trò là người nội tướng trong gia đình, là người thày đầu tiên của trẻ em cũng như yêu cầu về người phụ nữ phải hội đủ “tam tòng”, “tứ đức” thì việc giáo dục “tại gia” đối với phụ nữ được các trí thức Nho giáo vô cùng coi trọng, là hình thức giáo dục thay thế cho giáo dục học đường. Sách Khuyết Hiến ca, trong bài Bạt đã giải thích rõ:Người đàn bà có ngoan hay không là do ở gia đình và có quan hệ tới sự thịnh suy của đạo nội trợ. Như vậy thì việc răn dạy không thể bỏ qua được[1]. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều dòng họ lớn, nhiều trí thức lớn như Thượng thư Hồ Phi Tích, Tiến sĩ Bùi Dương Lịch, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê[2]… đã soạn các loại Gia huấn, Nữ huấn để giáo dục con cái trong gia đình. Bản Gia huấn ca được cho là bản Gia huấn đầu tiên và là bản được nhắc đến nhiều nhất từng được công bố gắn với tên tuổi của Nguyễn Trãi, nhưng dựa trên việc khảo sát về mặt văn bản học và ngôn ngữ học, hầu hết các chuyên gia đều phủ định niên đại thế kỷ 15 của bản Gia huấn ca này[3]. Theo thống kê của Lê Thu Hương[4] thì trong kho sách Hán Nôm hiện còn lưu giữ 35 tên tài liệu thuộc thể loại Gia huấn, Nữ huấn. Trong số 35 tài liệu này có 9 tài liệu mang tiêu đề tập trung giáo dục phụ nữ như: Giáo nữ di quy của Trần Hoành Mưu, Huấn nữ diễn âm ca của Nguyễn Đình Thiết, và các tác phẩm khuyết danh như Huấn nữ tử ca, Huấn nữ tử giới, Huấn nữ tam tự thư, Nữ học diễn ca, Nữ bảo châm… Các tác phẩm mang tiêu đề Gia huấn thường cũng có phần dành cho con gái, đề cập đến việc giáo dục từ khi còn ở nhà với cha mẹ cho đến khi đi về làm dâu nhà chồng. Các bài Gia huấn, Nữ huấn này hầu hết được trình bày dưới dạng văn vần, thể loại lục - bát, dễ nhớ, dễ truyền khẩu như một tác giả đã trình bày: “Còn như khách quần thoa son phấn, mà chịu để sức xem xét, ra công trước thuật như nàng Thái, ả Tạ thì thực là hiếm lắm. Đối với bọn họ lại càng không thể không giáo dục. Nhưng nếu như chữ nghĩa trúc trắc, giọng văn cao xa, thì lại không thể nhớ mà ngâm nga được. [Cho nên], nhân lúc dạy học rỗi rãi. [ta] nhặt nhạnh những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ có thể làm lời khuyên răn được, sắp thành hơn 40 điều diễn ra quốc âm để làm chân ngôn cho bọn đàn bà con gái[5].
Gia huấn, Nữ huấn vì thế có thể được lưu truyền qua nhiều thế hệ, góp phần vào quá trình giáo dục, đào tạo nhân cách con người.
2.     Đặng Xuân Bảng với các sách về giáo dục trong gia đình.
        Đặng Xuân Bảng sinh năm1828 (mất năm 1910), tự là Hy Long, hiệu là Thiện Đình. Ông là người làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một làng quê nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Nối nghiệp nhà, ông đi thi từ khá sớm, ngay trong hai khoa thi Bính Ngọ (1846) và Mậu Thân (1848), ông đều đỗ Tú tài khi chưa đầy 20 tuổi. Đến năm Canh Tuất (1850) thì ông đỗ Cử nhân và năm Bính Thìn (1856) đỗ Tiến sĩ khi mới 28 tuổi. Sau khi thi đỗ, ông ra làm quan và đã từng giữ chức Tuần phủ Hải Dương, rồi Đốc học tỉnh Nam Định. Ông học rộng, thích nghiên cứu sử học, thiên văn, y học, nhất là dược thảo. Ông cũng viết nhiều về vấn đề giáo dục. Đến đời Thành Thái, tuổi già, nghỉ hưu tại quê nhà, ông chuyên tâm khảo cứu và viết sách. Các tác phẩm của ông có thể kể như:
 - Nam phương danh vật bị khảo
   -  Thiện đình Việt sử
    - Việt sử cương mục tiết yếu
-        Thiên đình thi (1c)
-       Thiên đình văn (1c)
-       Khâm định tập vận trích yếu
-       Huấn tục quốc âm ca (HTQAC)
-       Cổ kim thiện ác kính (2c)
-       Thánh tổ hành thực diễn ca
-       Bắc sử thông giám tập lãm tiện độc sử
-       Sử học bị khảo
-       Nam sử tiện lãm
-       Như Tuyên thi tập
-       Cổ nhân ngôn hạnh lục
-       Cổ Huấn nữ ca ( CHNC)
-       Cư gia khuyến giới tắc
       Trong số các tác phẩm của ông, có 4 tác phẩm có nội dung giáo dục trong gia đình: Huấn tục quốc âm ca, Cổ Huấn nữ ca, Cư gia khuyến giới tắc, Cổ nhân ngôn hạnh lục.
2.1. Cổ nhân ngôn hạnh lục: Như Đặng Xuân Bảng viết trong lời đề tựa cuốn Cư gia khuyến giới tắc là xuất phát từ việc lo lắng rằng “con cháu sinh trưởng trong cảnh phú quý, quen tính kiêu căng, lười biếng có khi làm trụy lạc cả cơ nghiệp tiền nhân” nên ông đã soạn cuốn Cổ nhân hạnh lục và cho in để giảng dạy, nhắc nhở con cháu những “lời hay nết tốt”. Tuy nhiên cuốn này, theo ông, vẫn còn “thiếu sót nhiều” và một số điều răn về cờ bạc, rượu chè, nghiện hút… vẫn chưa được nhắc tới và đó là lý do để ông soạn quyển Cư gia khuyến giới tắc.
2.2. Cư gia khuyến giới tắc: Ký hiệu sách tại Viện Hán Nôm A.166, xuất bản năm 1901, bản dịch của phòng tư liệu Viện Triết học. Ngay đầu sách, ông cho biết: “Những điều lục vào sách này đều là lời hay nết tốt của các bậc tiên hiền. Về nhân tình thiên lý, nó nói được thấu, biết được suốt. Con cháu nhà ta phải ghi nhớ cho kỹ để làm cái cốt yếu cho việc sửa mình, giữ nhà, không được xao lãng”. Trong bài tựa, ông nói rõ quan điểm của mình khi làm cuốn sách này là để “cảnh tỉnh” những người trong nhà ý thức được: “Xưa nay, bao nhiêu con cháu các nhà khanh tướng bị nghèo khổ, bao nhiêu con cháu các nhà nghèo khổ trở nên khanh tướng, điều đó không phải trời có hận bạc riêng với ai, mà là do lòng thiện hay ác của ông cha gây nên. Thực đó, thiện hay ác chỉ phát khởi nhất thời, nhưng phúc hay họa thì để mãi đến đời sau”.
        Tập sách Cư gia khuyến giới tắc có tất cả 3 quyển gồm những câu danh ngôn và các câu truyện trong thư tịch cổ Trung Quốc được chọn lọc và phân thành 16 mục (8 điều khuyên và 8 điều răn)
Quyển1:  Mục 1: Khuyên về việc tích đức
                Mục 2: Khuyên về đạo hiếu
                Mục 3: Khuyên về đạo đễ
Quyển 2:  Mục 4: Khuyên vể việc dạy dỗ
                 Mục 5: Khuyên vể đức cần
                 Mục 6: Khuyên về đức kiệm
                 Mục 7: Khuyên về khiêm tốn
                 Mục 8: Khuyên về đức khoan thư
                  Mục 9: Răn về việc rượu chè
                  Mục 10: Răn về dâm dục
 Quyển 3:   Mục 11: Răn về tiền của
                   Mục 12: Răn về tính nóng nảy
                   Mục 13: Răn về vạ miệng
                   Mục 14: Răn về việc kiện cáo
                   Mục 15: Răn về việc cờ bạc
                   Mục 16: Răn về thuốc phiện
2.3. Huấn tục quốc âm ca [6]: gồm 192 câu viết theo thể thơ lục bát. Nội dung Huấn tục quốc âm ca là những lời dạy bảo con cái trong gia đình từ thái độ đối với việc học tập, cách chọn bạn, kết bạn, thái độ đối với việc chọn nghề nghiệp, cách đối xử với cha mẹ, anh em, vợ, chồng, con cái, họ hàng, hàng xóm láng giềng… và đặc biệt là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, rèn luyện những đức tính tốt và tránh xa những thói hư tật xấu…
 2.3.1. Từ câu 1 đến câu 32: Dạy con phảỉ chăm hoc, phân tích ích lợi của việc học tập và cần phải có cách ứng xử hài hòa, cân bằng giữa việc học tập và lao động sản xuất, đề cao nghiệp khoa cử nhưng cũng coi trọng các nghề nghiệp khác như làm ruộng, buôn bán…
2.3.2. Từ câu 33 đến câu 52: Dạy phải giữ tròn đạo hiếu
2.3.3. Từ câu 53 đến câu 68: Dạy về quan hệ giữa anh em trong một  nhà
2.3.4. Từ câu 68 đến câu 84: Dạy về quan hệ vợ chồng, cách vợ chồng đối xử với nhau
 2.3.5. Từ câu 85 đến câu 112: Dạy cách ứng xử trong xã hội, đối với  người trong họ, ngoài làng
   2.3.6.  Từ câu 113 đến câu 133: Khuyên tránh xa những thói hư tật xấu như cờ, bạc, rượu chè, nghiện hút, xa hoa lãng phí, chơi bời dâm dục, ăn ở thất đức…
     2.3.7.Từ câu 134 đến câu 192: Dành cho con gái sau khi về nhà chồng, phải giữ đức hiếu thuận, phụng dưỡng bố mẹ chồng, giúp chồng xây dựng sự nghiệp…
2.4. Cổ huấn nữ ca[7]gồm 468 câu, cũng làm theo thể thơ lục bát. Đây là tập hợp những lời dạy dỗ, hướng dẫn, bao quát toàn bộ cuộc đời của một người phụ nữ từ khi còn là một cô gái nhỏ sống cùng bố mẹ cho đến khi xây dựng gia đình và cả tới lúc về già.
       2.4.1. Từ câu 1 đến câu 50: lời dạy dỗ con gái về đường ăn, nết ở, cách nói   năng thưa gửi với người lớn… khi còn ở với cha mẹ
      2.4.2.Từ câu 51 đến câu 120: dạy con gái khi về làm dâu nhà chồng, cách đối xử với chồng và bố mẹ chồng
         2.4.3. Từ câu 122 đến câu 142: khi sinh con, từ trong thời kì cần chú ý giữ   gìn khi thai nghén đến việc nuôi dạy con nên người
           2.4.4. Từ câu 143 đến câu 158: về việc lo tổ chức đám tang cho cha mẹ khi họ về với tổ tiên
               2.4.5. Từ câu 159 đến câu 170: về việc lo gả chồng cho con gái
               2.4.6. Từ câu 171 đến câu 196: Việc cưới vợ cho con trai
 2.4.7. Từ câu 197 đến câu 210: Trong trường hợp chồng có con riêng, cách đối đãi với con riêng của chồng
  2.4.8. Từ câu 211 đến câu 242: Cách ứng xử với thói trăng hoa của chồng và cách ứng xử trong mối quan hệ vợ cả -vợ lẽ
  2.4.9. Từ câu 243 đến câu 368: Về cách ứng xử với anh em ruột thịt của chồng  và họ hàng nhà chồng
               2.4.10. Từ câu 267 đến câu 290: Về việc đối xử với hàng xóm láng giềng
               2.4.11. Từ câu 291 đến câu 310: Về việc đối xử với người làm trong nhà
             2.4.12. Từ câu 311 đến câu 330: Về cách cư xử,  đối đãi với bạn cùng buôn bán và với đối tác làm ăn
               2.4.13. Từ câu 331 đến câu 340: Về cách cư xử với bạn bè của chồng
               2.4.14.  Từ câu 334 đến câu 354: cách đối xử với súc vật
2.4.15. Từ câu 355 đến câu 364: Về việc chăm lo thờ cúng tổ tiên trong các ngày rằm, mùng một, lễ Tểt
2.4.16. Từ câu 369 đến câu 408: Về cách xử thế trong trường hợp chẳng may phải ở góa, nhấn mạnh đức đoan chính, khuyến khích ở vậy thờ chồng, nuôi con
2.4.17. Từ câu 409 đến câu 432: Về việc dạy dỗ con cái phải công bằng, không thiên vị
2.4.18. Từ câu 432 đến câu 468: Khuyên phải làm việc thiện, sửa mình theo giáo lý nhà Phật
Nhìn tổng thể, qua cách chọn, phân loại và biên tập những câu truyện và phân chia thành các tiểu mục những lời khuyên và những điều răn trong Cư gia khuyến giới tắc cũng như những lời khuyên răn trong hai tập Huấn tử quốc âm caCổ huấn nữ ca” của Đặng Xuân Bảng, chúng ta không chỉ thấy toát lên quan điểm của ông về vấn đề giáo dục con người mà còn phản ánh tác động của lịch sử, văn hóa và nền giáo dục Nho học đối với việc hình thành các quan điểm đó.
3. Những giá trị văn hóa và nhân văn trong các tác phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng
3.1. Đề cao việc tu dưỡng và thực hành đạo đức theo tinh thần Nho giáo
          Nổi lên bao quát toàn bộ các lời răn dậy trong các tập sách là quan điểm nhấn mạnh vào việc “tu thân” của đạo Nho. Đó là quan điểm trẻ con cần phải được giáo dục từ sớm (“Bé mà chẳng uốn cả nên gẫy cành”)
          Đối với con trai thì mục tiêu lớn nhất là theo nghiệp khoa cử, nên phải chăm chỉ học hành:
                        “Khuyên con giữ việc học hành...
                          Sớm khuya đèn sách nức lòng
                         Một mai thi đỗ bõ công học hành
                        Dẫu mà còn muộn công danh
                        Khoa này chẳng đỗ để dành khoa sau…” (HTQAC)
         Đặc biệt Đặng Xuân Bảng cũng đề cao chữ “hiếu” của đạo Nho, khẳng định “ Xưa nay chữ hiếu tam cương đứng đầu” và không kể con trai, hay con gái cũng đều phải nhớ công đức cha mẹ sinh thành và dưỡng dục. Chữ “hiếu” theo Đặng Xuân Bảng không chỉ là những việc chăm sóc khi cha mẹ già đau yếu, báo hiếu trong các nghi lễ tang ma, mà đối với con gái có hiếu hay không còn thể hiện cả trong những hành động và lời nói hằng ngày như:
                        “Khi nghe tiếng gọi trên nhà
                          Theo lời vâng dạ chân đà bước mau
                           Nào đâu lấy nước têm trầu
                           Nào đâu nấu bếp, nào đâu quét nhà
                           Đường ăn ở có nết na
                            Để người vui dạ là ta yên lòng
                           Dưới màn ngày hạ, đêm đông
                           Chăm lo đắp lạnh, quạt lồng sớm khuya…” (CHNC)
          Riêng với con gái, ông dành nhiều sự quan tâm hơn trong việc dạy dỗ và yêu cầu phải theo đúng đạo “tam tòng” và trau dồi “tứ đức”: Phải đoan chính, giữ gìn sự trinh tiết, kính chồng và nếu chẳng may phải chịu phận góa chồng thì cũng cần:
                            “Kiên trinh hai chữ là đầu,
                             Đá trơ trơ vững, gương lầu lầu trong…
                            … Dẫu mà tuổi trẻ đầu xanh
                             Quyết lòng ở vậy, chẳng tình trăng hoa
                            Bướm ong đâu mặc người ta
                           Nước trong, trăng sáng mới là gái trinh…” (CHNC)
        Để hoàn thiện nhân cách, Đặng Xuân Bảng cũng đặc biệt vạch rõ tác hại của những thói xấu cần phải tránh như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, quan hệ nam nữ trái với luân thường đạo lý…
                                 “Lại còn năm việc thời đừng
                                 Đừng sinh cờ bạc, đừng sinh rượu chè
                                  Đừng say thuốc phiện mà mê
                                  Xe xe lọ lọ bùa mê chết người
                                  Những điều tổn hại, hao tài
                                 Khuynh gia bại sản ra người hư sinh” (HTQAC)
3.2. Đề cao tinh thần từ bi nhân ái của Phật giáo, đặc biệt trong những lời dạy dành cho phụ nữ
          Các điều giáo huấn của Đặng Xuân Bảng thường nhấn mạnh việc “hành thiện” “tích đức” trong cách ứng xử và hành động. Từ những việc nhỏ như đối xử với những người làm công trong nhà cũng cần phải thể hiện lòng nhân ái:
                             “Đến như đứa ở con hầu
                               Khó hèn nó mới đem đầu làm tôi
                               Bát cơm đổi bát mồ hôi
                               Lỡ nào đánh lấp, chửi vùi cho đương
                                Ngày đêm giãi nắng cùng sương
                                 Nghĩ khi khó nhọc phải thương cho cùng
                                 Thịt da không phải sắt đồng
                                 Dẫu tay roi vọt cũng lòng từ nhân…” (CHNC)
        Đến việc cần có tấm lòng rộng rãi hào hiệp với những người gặp khó khăn hoạn nạn:
                         “Là người phúc đức hẳn trời cho hay
                             Thấy ai nghèo khó thương thay
                          Bỏ tiền bỏ của cho ngay tiếc gì”
                            … Đến như tiền thuốc nợ nần
                          Khó nghèo mới phải mang ơn nhà mình
                            …Chẳng qua của cũng của trời
                         Ta đừng cay đắng để người xót đau…”(CHNC)
                      Đối với các loài súc vật cũng không nên “giết càn”…
         3.3. Chú trọng việc củng cố gia đình, dòng họ
           Cùng với việc nhấn mạnh vào việc tu thân, hành thiện, tích đức, Gia huấn, Nữ huấn của Đặng Xuân Bảng còn quan tâm tới việc dạy con cháu phải gìn giữ và xây dựng một gia đình đầm ấm, thuận hòa qua từng mối quan hệ trong gia đình: quan hệ vợ - chồng  cần phải “ Cùng nhau chồng kính vợ yêu”, quan hệ vợ cả - vợ lẽ thì: “ Chớ nên cậy của, cậy công,
                                       Cậy tài, cậy sắc xui chồng ghét rơ
                                       Xui chồng chửi sớm, chửi trưa,
                                       Để người nhục nhã cho vừa lòng ghen”…, (CHNC)
         Trong quan hệ mẹ chồng-nàng dâu:
                                “Đến như kính mẹ thờ cha,
                                 Biết đường lui tới mới là đạo dâu,
                                 Dưới màn sớm trực khuya hầu,
                                Ghét đâu cũng chịu, thương đâu cũng nhờ,
                                 Chẳng nên nhạt nhẽo ơ hờ
                                 Cho người tóc bạc sớm trưa phàn nàn” (CHNC)
          Trong quan hệ dì ghẻ- con chồng , Ông khuyên nhủ:
                                  “Lại như mẹ ghẻ con chồng,
                               Đừng điều phi tạc, đừng lòng khắt khe…”(CHNC)
            Quan hệ chị em dâu, quan hệ giữa người vợ với anh em, họ hàng bên chồng, ông nhấn mạnh tình ruột thịt, sự bao dung,… còn đối xử của cha mẹ với con cái thì cần phải công bằng, không thiên vị…
3.4. Đề cao tinh thần cộng đồng, xây dựng một môi trường sống nhân ái hòa thuận
        Trong quan hệ với cộng đồng hàng xóm láng giềng, quan hệ bạn bè làm ăn, đối tác buôn bán, Đặng Xuân Bảng cũng khuyến khích tôn trọng mọi người, giữ lấy hòa khí, tinh thần nhường nhịn, đức khiêm cung…
       Với con trai ông khuyên:
                     Chẳng nên cậy thế, cậy tài
                     Cậy giàu, cậy mạnh khinh người bần nhân
                   Tôn tôn, trưởng trưởng, thân thân
                    Kính già yêu trẻ thánh nhân dạy thường…
                   Chẳng nên tranh cạnh hơn thua
                  Kẻ trên người dưới ở cho kính nhường…
                 Người ta cả tiếng ta thời nhịn đi… (HTQAC)
         Đối với con gái trong quan hệ xóm giềng cần sự chân thành, tinh thần tương thân tương ái:
                    Ở cho trên thuận dưới hòa
                    Ở cho trung hậu thực thà là hơn
                     Đừng như những kẻ thế gian
                     Chua ngoa cậy thế, khôn ngoan cậy giàu
                      Tối đèn tắt lửa có nhau
                    Người vương nạn ý, ta mau chân này… (CHNC)
       Trong quan hệ làm ăn ông cũng khuyên giữ chữ tín, trọng nghĩa khinh tài, trung thực, ngay thẳng:
                     Thiệt hơn để dạ, trước sau như lời
                    … theo chi những thói khôn ngoan
                        Pha phôi thực giả tìm đường đối nhau
                      Của phi nghĩa có giàu đâu
                      Ở cho ngay thực giàu sau mới bền… (CHNC)

4.Một vài lời kết
     Do những điều kiện lịch sử cụ thể, mặc dù còn một số điểm ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, đặc biệt trong những lời dạy dành cho phụ nữ như ủng hộ chế độ đa thê, khuyến khích phụ nữ góa chồng ở vậy, không tái giá… các lời dạy dỗ con cháu trong gia đình của Đặng Xuân Bảng thấm đẫm giá trị nhân bản, tinh thần thân dân và có tính khoa học cao.
       Đặc biệt, dưới chế độ phong kiến, phụ nữ không được đi học, bài Cổ  huấn nữ ca của ông có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục phụ nữ- người thầy đầu tiên của trẻ em, tương lai của đất nước, người giữ vai trò quan trọng không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà trong cả việc sáng tạo, lưu giữ và truyền bá văn hóa.
        Cho đến ngày nay, khi đọc lại những lời giáo huấn của ông, chúng ta vẫn còn học được nhiều điều từ việc đề cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức, tinh thần nhân ái, thái độ coi trọng các giá trị của gia đình và ý thức xây dựng cộng đồng.


cHÚ THÍCH
[1] Ký hiệu AB.53 kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (44 trang, khổ 20x13) gồm ba tác phẩm Nôm: Khuyết hiếu ca, Trường hận ca (bản dịch Nôm) và Cảnh Phụ Châm. Cảnh phụ châm gồm 26. Dẫn theo Hoàng Văn Lâu (1984), Tập san Hán-Nôm, số1.
[2] Xem thêm Lời giới thiệu của Phạm Hòang Quân cho tác phẩm Gia huấn diễn ca , NXN Phương Đông, 2005
 [3] Hoàng Văn Lâu (1984), Tập san Hán-Nôm, số1;  Thi Nham Đinh Gia Thuyết (1953): Gia huấn ca, Tân Việt, Sài Gòn,; Nguyễn Hồng Phong(1957) Tìm hiểu Gia huấn ca , Tập san Văn Sử Địa số 27 và 29;  Đoàn Khoách (1982) Gia huấn ca có phải của Nguyễn Trãi không? Tạp chí Văn học số 1…
  [4] Lê Thu Hương ( 1996), Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tang trữ trong kho sách Hán Nôm, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3
[5] Hoàng Văn Lâu (1984): đã dẫn
           [6]  Chúng tôi chưa thể xác định được năm viết, cũng như số hiệu lưu trữ và tình trạng văn bản
[7] nt

I. Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Văn Lâu (1984), “Ai viết Gia huấn ca”, Tập san Hán -Nôm, số1.
2. Lê Thu Hương (1996), “Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ trong kho sách Hán Nôm”, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3
3.  Gia huấn diễn ca, NXN Phương Đông, 2005
4. Gia Huấn Ca (bản được coi là của Nguyễn Trãi- đăng trên mạng Việt Nam thư quán)
4. Đặng Xuân Bảng, Huấn tử quốc âm ca, Tư liệu gia đình do Ông Đặng Xuân Phi, cháu nội Cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
5. Đặng Xuân Bảng, Cổ Huấn nữ ca, Tư liệu gia đình do ông Đặng Xuân Phi, cháu nội cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
6. Đặng Xuân Bảng, Cư gia khuyến giới tắc, tư liệu của phòng tư liệu Viện Triết học
7. Đặng Xuân Bảng, Cổ nhân ngôn hạnh lục.



PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...