Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX *


Đặng Thị Vân Chi*
 (Bài đã đăng trong Phan Bội Châu con người và sự nghiệp, NXB ĐHQG, HN, 1998 tr 303-317)

       Cuối thế kỉ XIX, thất bại của triều đình Huế trong việc bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của thực dân Pháp đã biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa.
Sang đầu thế kỉ XX, các chương trình khai thác thuộc địa và các chính sách chính trị, văn hoá, giáo dục của Pháp đã làm xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Sự có mặt ngày càng đông đảo của phụ nữ trong các nhà máy, hầm mỏ ...với các hình thức lao động được xã hội hoá của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cũng như sự xuất hiện của lớp phụ nữ trí thức ( dạy học, viết báo, viết văn, làm thơ...) đã đưa tới một thực tế: Phụ nữ đã trở thành một lực lượng xã hội quan trọng.
       Trong những năm đầu thế kỉ XX, tình hình xã hội Việt Nam đã đặt ra hai vấn đề lớn đối với phụ nữ.
     - Thứ nhất: trước tình trạng nước mất nhà tan, phụ nữ có vai trò gì trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
      - Thứ hai: sự thay đổi trong xã hội Việt Nam và những ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ tư sản trên thế giới, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đã buộc xã hội phải nhận thức lại vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội - được thể hiện tập trung trong việc nhận thức về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
      Phan Bội Châu (1867-1940) là linh hồn của phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX. Những hoạt động cách mạng của ông có ảnh hưởng lớn và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Chính vì lẽ đó mà trong phiên toà xử Phan Bội Châu, luật sư Bôna (Bonard) đã phải thừa nhận: “Trong mấy chục năm gần đây, lịch sử Phan Bội Châu đã lẫn lộn với lịch sử của dân tộc’’.(1) Tuy nhiên, trong suốt 20 năm hoạt động của mình, Phan Bội Châu chưa có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về những lực lượng xã hội cơ bản như nông dân và công nhân. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một nhà cách mạng như Phan Bội Châu có được một quan điểm về quần chúng, về lực lượng cách mạng thật đầy đủ. Mặc dù vậy, vì nhiều lí do, Phan Bội Châu lại sớm có ý thức vận động phụ nữ Việt Nam cùng với các lực lượng xã hội đặc biệt khác như đồng bào theo đạo Thiên chúa, đồng bào dân tộc ít người...Cái nhìn độc đáo ấy của ông được nhà sử học Pháp Bu-đa-ren ( G.Boudarel) ghi nhận trong cuốn Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông (2. Bu-đa-ren coi việc đó là độc đáo và làm cho Phan Bội Châu trở thành nhà cách mạng đầu tiên có ý thức về “một đảng chính trị hiện đại”.
       Bài viết này của chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này, ghi nhận một thành qủa nhận thức và hành động của vị chí sĩ này.
       Nhận thức của Phan Bội Châu về vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội có thể chia ra làm hai thời kì gắn với hai giai đoạn trong cuộc đời hoạt đông chính trị của ông.

1. Quan điểm của Phan Bội Châu về vận động phụ nữ trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX ( 1904-1925 )

       Có thể nói đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị và văn chương của Phan Bội Châu. Bản thân ông cũng tự cho đây là thời kì hoạt động “đắc ý” nhất của mình. Trong thời kì này ông đã viết nhiều sách, báo để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, nhằm đoàn kết toàn dân tham gia đấu tranh vũ trang chống Pháp.
        Điểm nổi bật nhất trong tinh thần cách mạng của Phan Bội Châu là lòng yêu nước và ý chí kiên trì vũ trang chống Pháp. Xuất phát từ lòng yêu nước mà ngay từ những năm cuối cùng của thế kỷ trước, Phan Bội Châu đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Tình cảm của ông dành cho những nữ anh hùng vô danh được thể hiện qua các nhân vật nữ trong Trùng quang tâm sử, những cô Liên, bà Triệu, cô Chí... đặc biệt với các nữ anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bùi Thị Xuân...Có thể nói đề tài phụ nữ là một trong những mảng đề tài lớn trong các tác phẩm của ông.
Hơn thế, từ năm 1907 Phan Bội Châu còn đánh giá cao phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Trong Tân Việt Nam ông viết: “Phụ nữ là những người có trách nhiệm làm mẹ tốt, làm vợ hiền, biết việc thơ văn, hay nghề buôn bán, khéo đường dạy dỗ con em, giúp đỡ quân lính. Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi. Hơn nữa về các sự nghiệp chính trị người phụ nữ có quyền lợi không cùng. Có chú trọng việc giáo dục thì mới bỏ được riêng tư mà theo công lợi, mới làm cho nước nhà giàu mạnh tấn tới.”
        Mạnh mẽ và triệt để hơn khi Phan Bội Châu cho rằng “trong một nước nếu không có phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ làm đầy tớ cho người ta thôi”.
         Đánh giá cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, Phan Bội Châu chủ trương vận động phụ nữ tham gia vào phong trào đấu tranh cứu nước. Ngay từ năm 1906, trong Hải ngoại huyết thư Phan Bội Châu đã kêu gọi “nhi nữ” cùng “phú hào, quan chức,gia tô, sĩ tịch, lính tập, côn đồ, danh sĩ” đứng dậy giết giặc cứu nước.
       Đoàn kết dân tộc để đấu tranh vũ trang chống Pháp là chủ trương lớn xuyên suốt đường lối chính trị của Phan Bội Châu và được thể hiện trong các tác phẩm văn học do ông sáng tác trong thời kì này. Mặc dù hạn chế của Phan Bội Châu là không thấy được sức mạnh của công nhân và nông dân- lực lượng cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam- nhưng điểm tiến bộ trong tư tưởng của ông là đánh giá cao khả năng cách mạng của phụ nữ, điều mà nhiều nhà yêu nước cùng thời với ông không thấy được.
Điều này có thể thấy trong Đông kinh nghĩa thục do các sĩ phu tên tuổi như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền sáng lập, phụ nữ mới chỉ được kêu gọi tham gia vào việc đổi mới xã hội một cách gián tiếp thông qua việc khuyên chồng :

Anh làm sao cho ích nước lợi nhà

Mọi nghề tân học ắt là phải thông

Anh làm sao cho nổi tiếng Lạc hồng
Có khôn mới đứng được trong cõi đời”

Hoặc khuyên con:

Muốn khôn thì phải có thầy mới nên

Làm sao cho thù báo nghĩa đền
Để yên việc nước kẻo phiền mẹ cha
Làm tài trai yêu nước quên nhà” (3)

        Quan điểm của Phan Bội Châu về vấn đề phụ nữ được Trần Huy Liệu đánh giá là “điểm sâu sắc nhất”, “không những cụ Phan đã từ bỏ được lập trường quan điểm phong kiến về vấn đề phụ nữ mà còn tiến trước cả trào lưu tư sản dân chủ ở Việt Nam đương thời” (4)
           Những quan điểm tiến bộ của Phan Bội Châu về phụ nữ không chỉ dừng lại ở các tác phẩm văn học mà đã đi vào thực tế và đã động viên được phụ nữ tham gia tích cực vào phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX. Ví đụ như cô Đồng Đa (tên thật là Nguyễn Thị Mão) ở Sóc Sơn (nây thuộc ngoại thành Hà Nội) hoạt động tích cực trong phong trào Đông kinh nghĩa thục, bà Nhiêu Sáu (chính là bà Nguyễn Thị Ba) phụ trách việc liên lạc với nghĩ quân Hoàng Hoa Thám chuẩn bị vụ đầu độc binh lính Pháp trong thành Hà Nội (6-1908) hoặc bà Lê Thị Đàn (Lê phu nhân Âú Triệu ) phụ trách nhóm phụ nữ làm liên lạc trong phong trào Đông Du, Bạch Liên - Nguyễn Thị Thanh (Tiểu Trrưng ), bà Lụ, Trần Thị Trâm... mà thành tích và lòng dũng cảm của họ đã đượcc Phan Bội Châu hết sức khen ngợi và “kính phục” (5).

2. Quan điểm của Phan Bội Châu về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ sau chiến tranh thế giới I.

       Từ sau Chiến tranh thế giới I, tình hình chính trị xã hội Việt Nam có những thay đổi quan trọng. Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp đã làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng đi sâu vào quĩ đạo của chủ nghĩa tư bản. Trong những vấn đề xã hội đặt ra khách quan đòi hỏi phải giải quyết có vấn đề phụ nữ. Bên cạnh đó các luồng tư tưởng tư sản từ bên ngoài dội vào Việt Nam cùng với các chính sách của Pháp đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, đặc biệt là vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ.. Trong công trình nghiên cứu về xã hội Việt Nam cận đại David Marr - một nhà Việt Nam học nổi tiếng của Uc- đã nhận định: “cho đến những năm 1920 thì phụ nữ và xã hội đã trở thành một điểm tập trung sự chú ý mà các vấn đề khác thường xoay quanh nó. Hàng trăm cuốn sách và bài báo đã được xuất bản về mọi mặt. Phụ nữ đã trở nên có ý thức rằng họ là một nhóm người trong xã hội với các mối bất bình và yêu cầu riêng.” (6). Trên các báo chí công khai vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ được bàn đến nhiều, đặc biệt trên Phụ nữ Tân văn.
        Ở thời điểm này Phan Bội Châu đã bị Pháp bắt giam lỏng ở Huế, các hoạt động chủ yếu của ông là viết sách báo. Mặc dù không còn điều kiện viết sách báo kêu gọi, vận động nhân dân làm cách mạng, đấu tranh chống Pháp như trước kia nữa, nhưng những bài báo của ông đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao với dân với nước.
        Đối với vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ cũng như phong trào phụ nữ những năm 1930, trên các xuất bản phẩm thể hiện nhiều ý kiến khác nhau phản ánh nhận thức cũng như quyền lợi của các nhóm xã hội khác nhau.
       Những trí thức xuất thân Nho học như Trần Quý Cáp, Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh, Trịnh Thu Tâm, Vũ Ngọc Liễn... trước những thay đổi của xã hội như phụ nữ được đi học, phụ nữ tham gia vào các hoạt động sản xuất xã hội, trước những tư tưởng tư sản tràn vào Việt Nam, đã không thể không bàn đến giáo dục phụ nữ. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo đã làm cho họ mặc dù bàn đến nữ học hay ủng hộ viêc giaó dục phụ nữ cũng chỉ coi đó là biện pháp giúp phụ nữ hoàn thành chức phận của mình trong gia đình, để bảo vệ đạo đức và lễ giáo phong kiến, “ học để nhân cách hoàn toàn,” “vì nếu không học sao hiểu được "tứ đức” (7) Cũng có người bàn về nữ quyền và giải phóng phụ nữ nhưng cũng chỉ để khẳng định không thể có bình đẳng thực sự giữa nam và nữ.
       Còn những trí thức tư sản như Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long thì phản đối nữ quyền vì xuất phát từ quan niệm phụ nữ Việt Nam xưa nay vốn vẫn là chủ gia đình, là “nội tướng”. Hoặc vì sợ rằng phong trào nữ quyền sẽ giúp phụ nữ chống lại nam giới “từ trong gia đình tới ngoài xã hội” (8)
        Bên cạnh đó, những nhà báo, những trí thức tự do như Nguyễn Văn Bá, Cao Văn Chánh, Trịnh Đình Rư... mặc dù ủng hộ nữ quyền, cho rằng “ quyền bình đẳng nam nữ là một tư tưởng tiến bộ” (9), là “Hợp với nhân đạo và công lý”(10), nhưng nữ quyền gắn với quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ thì hầu hết các tác giả đều né tránh không nói đến, mà chỉ nhấn mạnh quan niệm vị trí của phụ không chỉ ở trong gia đình, phụ nữ cần tham gia các công việc xã hội. Riêng Huỳnh Thúc Kháng cho rằng vì thực trạng phụ nữ Việt nam còn lạc hậu do hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến không được học tập, vì vậy không nên hô hào phụ nữ đòi quyền bầu cử.
        Một khuynh hướng khác nhận thức được thân phận nô lệ của người Việt Nam dưới chế độ thuộc địa, khi mà “đàn ông cũng chỉ có quyền nằm canh đóng thuế” thì bàn về nữ quyền cũng chỉ là lời nói suông, nên chủ trương “ đối với vấn đề phụ nữ chỉ còn chuyện giải phóng, giải phóng ở phong tục, giải phóng ở gia đình, giải phóng ở xã hội và hoàn toàn giải phóng” (11) như Diệp Văn Kì, hoặc tấn công vào chế độ đại gia đình “ Xoá cái luật nam tôn nữ ty, giảng lại cái nghĩa chữ trinh, bênh vực sự cải giá là vô tội” (12 ) như Phan Khôi.
        Trong khi phần lớn các trí thức tư sản bàn về vấn đề phụ nữ nhưng lại tách vấn đề đó ra khỏi các vấn đề xã hội và không ai chỉ ra được rằng muốn thực hiện giải phóng phụ nữ trước hết phải giải phóng dân tộc thì Phan Bội Châu với tấm lòng yêu nước thiết tha đã không chỉ vượt lên hạn chế của chính tầng lớp mình mà còn đi xa hơn các trí thức tư sản trong việc nhận thức các tư tưởng dân chủ tư sản về phụ nữ.. Mở đầu cuốn Vấn đề phụ nữ (13) Phan Bội Châu đã khẳng định quyền của phụ nữ với tư cách là con người cũng như với tư cách là dân của một nước bằng cách đặt câu hỏi: “Đàn bà con gái có phải cũng loài người hay không?”, “Đàn bà con gái có phải cũng quốc dân hay không?” và tự khẳng định “Chắc không ai trả lời rằng “không phải” được”. Tư tưởng chống đế quốc, chống phong kiến của Phan Bội Châu được thể hiện rõ khi ông phân tích những nguyên nhân lịch sử dẫn đến tình trạng phụ nữ phải chịu một địa vị xã hội thấp kém. Ông cho rằng chính chiến tranh đã làm cho phụ nữ trở thành đồ vật khi phụ nữ bị coi như một thứ chiến lợi phẩm của bên thắng trận hoặc vì phụ nữ là mục đích của hành động cướp bóc trong chiến tranh nên để tránh “cái hoạ cướp mới nảy ra một cái lễ cho loài phụ nữ tức là một câu: “Phụ nữ bất xuất khuê môn”- Đàn bà con gái không được đi ra khỏi cửa buồng.” Một lí do nữa làm cho phụ nữ có địa vị thấp kém, theo Phan Bộ Châu đó là vì “quyền vua quá nặng nên mới sinh ra học thuyết tam cương”, “ vua bảo tôi chết, tôi phải chết; cha bảo con chết, con phải chết; chồng bảo vợ chết, vợ phải chết”.
Một mặt Phan Bội Châu tỏ ra phẫn nộ, thông cảm với địa vị bất bình đẳng của phụ nữ trong xã hội. Trước tình cảnh họ bị coi như “một giống đồ chơi cho con trai mà thôi” ông đã thốt lên: “Thảm hại thiệt” , “Oan khổ thiệt”. Nhưng mặt khác ông cũng vạch rõ trách nhiệm của phụ nữ đối với đất nước, đối với xã hội, gia đình và trước những vấn đề của chính mình. Ông đặt vấn đề “ khốn khổ thay nết hư tục cũ gắn quá sâu, quyền chuyên chế mới ép quá nặng, ở trong thời gia đình trói buộc, ở ngoài thời xã hội dày vò, nhưng các bà các chị đều chí không ra gì, tài trí không ra gì, xiềng khoá của gia đình không mấy người hay cổi lột, gông cùm của xã hội không mấy người hay phá tung”, “ thù nhà nợ nước có một chị nào biết đau đớn không, dân khổ nòi hèn có một bà nào biết thương xót không? Giắt tay ông chồng ra khỏi vòng bồi bếp có một mụ nào không? Rút chân cha nẹ ra khỏi ngục cu li có một cô nào không... nghĩ mà ngậm ngùi, lo mà nhức nhối”.(14)
       Đối với vấn đề nữ quyền, Phan Bội Châu quan niệm “nữ quyền” cũng như “nam quyền” trước hết đó là “quyền của người, mà cũng là quyền làm người”. Đó là “việc gì đáng nghe, tai con trai nghe được thời tai con gái cũng có quyền nghe, việc gì đáng thấy mắt con trai thấy được thời mắt con gái cũng có quyền thấy, việc gì đáng chống cự tay chân con trai chống cự được thì tay chân con gái cũng có quyền chống cự, việc gì đáng nói phô, miệng con trai nói phô được thì miệng co gái cũng có quyền nói phô, việc gì đáng ngẫm nghĩ óc con trai ngẫm nghĩ được thời óc con gái cũng có quyền ngẫm nghĩ”. Những phân tích của Phan Bội Châu về vấn đề nữ quyền cuối cùng để đi đến một kết luận: “ Gánh việc quốc gia, trả thù đánh giặc, con trai làm được lẽ đâu lại cấm con gái không được làm” và khi ta hết lòng gánh việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người đã khôi phục được thời quyền gái chẳng cần nói nữa.”(15) Như vậy có thể thấy mặc dù Phan Bội Châu chưa nói thẳng ra muốn giải phóng phụ nữ trước hết phải giải phóng dân tộc ( có lẽ do điều kiện của ông lúc bấy giờ vẫn nằm trong sự kiểm soát của Pháp) nhưng rõ ràng Phan Bội Châu đã đặt vận mệnh của phụ nữ gắn liền với vận mệnh dân tộc, cũng như đề cao vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nhằm “ khôi phục quyền người”.
       Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và lối sống Âu Tây trong những năm 1930, một số phụ nữ thành thị sa vào cờ bạc, bói toán... đặc biệt phụ nữ Tây học, những “cô gái mới” thích sống theo ý mình, thích chơi thể thao, đọc tiểu thuyết lãng mạn, từ chối công việc nội trợ... mà lối sống và quan niệm của họ là một thách thức đối với những quan niệm đạo đức truyền thống, Phan Bội Châu đã tỏ rõ thái độ phê phán cái gọi là phong trào nữ quyền mà một số phụ nữ chủ trương để biện hộ cho những hành động của mình. Theo Phan Bội Châu những hiện tượng xã hội đó có nguyên nhân từ chế độ giáo dục. Vì chương trình giáo dục của Pháp là một chương trình giả dối, mà “ giáo dục giả dối bao nhiêu thời phụ nữ sa sút cũng bấy nhiêu. Cái hoạ áp chế ở gia đình không bằng cái hoạ bùa mê ở giáo dục, vứt hết kim tiền máu mủ vì phấn sáp nước bông, hao hết thời giờ quí báu vì đua hồng diện lục, mua được cái bằng tốt nghiệp thời xem cha mẹ chú bác không đáng một xu, mang được cái lốt Mađam thời xem đất nước quê hương không bằng một sợi tóc, thế mà nữ sĩ này, nữ sĩ nọ, danh hiệu um sùm, thế mà nay nữ quyền, mai nữ quyền, kêu rêu, xao xác, phụ nữ như thế còn vấn đề gì mà bàn nữa đâu” (16)
Một điểm nữa thể quan điểm tiến bộ của Phan Bội Châu về vấn đề phụ nữ đó là đường lối vận động phụ nữ của ông. Ở thời điểm này, ngoài Đảng cộng sản, có lẽ Phan Bội Châu là người duy nhất đặt vấn đề vận động phụ nữ và liên kết đoàn thể phụ nữ.
         Phan Bội Châu cho rằng: “Phụ nữ vận động là một việc cần thiết trong xã hội đời bây giờ” và muốn bắt tay vào việc vận động phụ nữ trước hết phải nhận thức được vai trò của phụ nữ trong xã hội, trong quốc gia, trong loài người. Chủ trương vận động phụ nữ của Phan Bội Châu gồm 4 nội dung:
        “1. Mở mang về đường trí thức của phụ nữ
          2. Liên kết đoàn thể phụ nữ.
          3. Chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ.
          4. Nâng cao địa vị của phụ nữ.”(17)

         Trong 4 nội dung trên theo Phan Bội Châu quan trọng nhất là việc nâng cao trình độ trí thức cho phụ nữ vì chỉ có trên cơ sở nâng cao trình độ trí thức cho phụ nữ mới có thể thực hiện nâng cao địa vị phụ nữ. Và ông cho rằng: “mình giáo dục lấy mình đó là thượng sách”. Vì vấn đề phụ nữ phải do chính phụ nữ tự quyết định.
          Tình cảm của Phan Bội Châu đối với phụ nữ thể hiện trong nhiều tác phẩm của ông. Nó chính là cơ sở giúp ông đặt niềm tin vào phụ nữ trong việc vận động cứu nước. Đối với tình trạng tha hoá đạo đức của một số phụ nữ đô thị, bên cạnh sự phê phán gay gắt, Phan Bội Châu vẫn bày tỏ sự thông cảm sâu sắc “nhưng nói cho đúng lẽ thời nhân cách của phụ nữ mà hèn hạ thế há phải tội ở tụi phụ nữ đâu mà tại lịch sử nước ta là một lịch sử vô giáo dục mà thứ nhất lại là giáo dục về phụ nữ thiệt không không có tí gì”. Còn ngày nay “ bề ngoài tuy vẫn có cái mặt nạ giáo dục mà tinh thần trong lại cốt làm cho tiêu mòn cái chân tính của người”.(18) Đối với những đồng chí cùng hoạt động như Âu Triệu, Phan Bội Châu tỏ thái độ trân trọng chân thành “ Âu Triệu là người đã giúp tôi làm được nhiều công việc, là người nghiêm và khí tiết. Tôi rất kính phục cô.” (19)
         Chính từ tình cảm trân trọng đối với phụ nữ, lòng tin vào khả năng của phụ nữ mà Phan Bội Châu đã không ngại ngần khi đặt vấn đề liên kết đoàn thể của phụ nữ trong khi “đoàn thể ở nước ta dầu phe nam còn ít ỏi lắm”. Nhưng theo Phan Bội Châu thì “đã chắc đâu mà con gái không hơn con trai ru? Hoa mùa xuân chưa nở, khi đã nở thì muôn tía ngàn hồng, sóng thuỷ triều chưa lên, khi đã lên thì tràn sông lấp hói”(20). Và ở đây tấm lòng yêu nước của Phan Bội Châu vẫn được bộc lộ khi ông kêu gọi phụ nữ liên kết lại để “hợp cả thảy người đồng một lòng, đều một sức bẻ đôi gông vô đạo, chặt đứt cái xiềng bất nhơn, khiến cho cái ma cướp bóc quyền mình phải lượm tay, cúi đầu mà nhường mình lên đài bình đẳng”.(21).
Nhìn chung, với tấm lòng yêu nước thiết tha,về quan điểm chính trị Phan Bội Châu đã đi từ tư tưởng quân chủ tới tư tưởng dân chủ tư sản, rồi cũng đã bắt đầu tiếp cận tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đối với vấn đề phụ nữ, cũng chính tấm lòng yêu nước của Phan Bội Châu đã giúp ông vượt lên trên những người cùng thời, giúp ông đánh giá đúng vai trò của phụ nữ trong cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, cũng như vượt lên trên các trí thức tư sản trong việc tiếp nhận các tư tưởng dân chủ tư sản về vấn đề phụ nữ trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất.



Vân Chi

Chú thích:
* Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới GS.TS Đỗ Quang Hưng- người Thày đã ủng hộ và góp những ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thành tiểu luận này.

Tài liệu tham khảo
1.Tôn Quang Phiệt- Phan Bội Châu và mỗi giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Văn Hoá. H. 1958. Tr.236
2 G.Boudarel- Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông. Văn hoá Thông tin . H.1998
3. Văn thơ Đông kinh nghĩa thục- Văn hoá. H.1997. Tr.127
4. Nhà yêu nước nhà văn Phan Bội Châu- KHXH. H.1970. Tr33
5.Phan Thị Nga-Đời tình ái của chí sĩ Phan Bội Châu. Hà Nội báo. Số 5. Ngày5-2-1936
6.David G Marr-Vietnamese Tradition on Trial, 1925-1945. Univerity of California Press. Tr 194
7.Tạp chí Nam Phong. Tháng 5-1919
8.Phụ nữ tân văn số 6 <20-6-1929>
9.Phụ nữ tân văn. Số 3 <16-5-1929>
10.Phụ nữ tân văn Số 9 <27-6-1929>
11.Phụ nữ tân văn Số 14 <1-8-1929>
12. Tạp chí đông Dương . Số 31 Năm 1937
13.Phan Bội Châu-Vấn đề phụ nữ. (Đây là một cuốn sách mới được tìm thấy trong lưu trữ quốc gia Pháp do PGS.TS Trần Chí Dõi mang về)
14.Phan Bội Châu- Vấn đề phụ nữ. Tr2
15 Phan Bội Châu - Vấn đề phụ nữ. Tr6.
16 Phụ nữ tân văn .Số10 <4-7-1929 >
17. Vấn đề phụ nữ..Tr10
18.Phụ nữ tân văn Số 10 <4-7-1929>
19. Phan Thị Nga, -Đời tình ái của chí sĩ Phan Bội Châu. Hà Nội báo. Số5 <5-2-1936>
20.Vấn đề phụ nữ .Tr14
21 Vấn đề phụ nữ.. Tr 14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...