Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

NGƯỜI CHĂM HỒI GIÁO Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG MEKONG



 Dưới đây là bài viết của William G. Clarence-Smith,( SOAS) giới thiệu cuốn sách  về cộng đồng người Chăm hồi giáo ở Đồng bằng sông Mekong "Cham Muslims of the Mekong Delta: place and mobility in the cosmopolitan periphery" của TS. Philip Taylor,  Copenhagen: NIAS Press, 2007. xvi & 313 pp. ISBN 978-87-7694-009-6,
 Nguồn: http://aseasuk.org.uk/v2/bookreviews/ChamMuslims


Đặng Thị Vân Chi dịch ( mong nhận được sự góp ý cho bản dịch này- xin chân thành cám ơn)


Người Chăm Hồi giáo ở đồng bằng sông Mekong : Không gian và sự di chuyển ở vùng biên quốc tế.
    Với số lượng ít ỏi các tài liệu bằng tiếng Anh về người Chăm ở lục địa Đông Nam Á hiện nay, thì bất kỳ ấn phẩm mới nào về người Chăm cũng sẽ đều được hoan nghênh.Vì đây là một cuốn sách tuyệt vời, nên nó được chào đón gấp đôi. Chủ đề được giới hạn trong việc tìm hiểu về người Chăm ở đồng bằng sông Mekong của Việt Nam, những người sống dọc theo biên giới Campuchia, nhưng cũng có đề cập đến những người Chăm ở Cămpuchia và những người Chăm ở miền Trung Việt Nam. Cộng đồng Chăm ở đồng bằng bằng sông Mekong hoàn toàn theo Hồi giáo, và nhiều thành viên của họ sống ở Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), cả tạm thời lẫn lâu dài. Taylor đã thực hiện tám chuyến đi thực địa trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2005, và đã thu thập một lượng tư liệu dân tộc học phong phú qua các cuộc hội thoại 'mở', chủ yếu là thực hiện bằng tiếng Việt hơn là bằng tiếng Chăm hay tiếng Khmer. Tuy không đặc biệt tập trung vào lịch sử, tác giả cũng đã trình bày một chút về nguồn gốc và sự phát triển của cộng đồng năng động này. Nhìn chung, cuốn sách được viết và minh họa tốt với những giai thoại, bản đồ hữu ích, và các bức ảnh có tính phát hiện. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh về mặt lý thuyết tính chất lai và tính chất đa bản sắc đôi khi làm cuốn sách trở nên hơi cầu kỳ và nặng nề.
       Phần chính của cuốn sách là những phân tích tuyệt vời về áp lực giữa chủ nghĩa địa phương mạnh mẽ với khuynh hướng toàn cầu hóa rõ rệt. Điều này dẫn đến việc các khu vực nông thôn quốc tế này hình thành những đòi hỏi quốc tế hóa trong một cách thề hiện rất đặc trưng. Chúng được khắc sâu một cách đầy cảm xúc trong khu vực nhà ở của họ và sự tự bảo vệ nhằm chống lại việc bị đồng hóa bởi các truyền thống có một lịch sử lâu dài của người  Việt Nam. Làng Chăm ở vùng đồng bằng dễ dàng được nhận ra ngay lập tức bởi các thánh đường Hồi giáo, nhà ở, và trang phục (sarongs). Một nét dễ thấy khác là vai trò thứ yếu của nông nghiệp trồng lúa so với thương mại, vận tải đường sông, đánh cá, đóng thuyền và nghề thủ công. Tuy nhiên, người Chăm đồng thời là những người có tính quốc tế. Họ nhận thức được về nguồn gốc của họ ở vùng cao nguyên miền nam Trung bộ Việt Nam, mặc dù hiếm khi họ cảm thấy có mối quan hệ ràng buộc mạnh mẽ với người" Chăm theo đạo Hindu" hoặc có họ hàng gì với những người Chăm theo “Hồi giáo đã bản địa hóa”. Như là những người Hồi giáo ngoan đạo, họ là một phần của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu, và họ nhận ra rằng đã từ lâu họ có sự hòa huyết với những người nhập cư Hồi giáo từ khắp nơi trên khu vực Đông Nam Á và ở cả những nơi xa hơn nữa. Những từ vay mượn tiếng Malay khá phổ biến trong ngôn ngữ Nam Đảo của họ, và tiếng Ả Rập cũng được học tập khá rộng rãi. Như là những thương nhân sắc sảo, họ đi du lịch khắp nơi và, một phần do nhiều thế kỷ khủng bố, cộng đồng cư dân đã hình thành ở nhiều nơi trên thế giới. Một số lợi nhuận thu được từ thương mại và cuộc sống tha hương đã được tái đầu tư trở lại vào làng quê, trong một  mô hình quen thuộc từ rất nhiều người dân luôn di động khác.
         Phần lớn của cuốn sách, đáng chú ý từ chương 4 đến chương 6, được dành cho những tác động của việc những người Cộng sản tiếp quản vào năm 1975, tiếp theo là thời kỳ tự do hóa kinh tế. Một số người Chăm đã khá thành công trong việc khai thác sự thất bại trong quản lý kinh tế từ trên xuống sau năm 1975, nhưng nhiều người khác đã bị đưa đến vùng kinh tế mới và đã mất đi đất đai của họ cho những người Việt Nam định cư, những người bị coi là ưa thích chế độ thực dân Pháp và "chế độ bù nhìn" được người Mỹ ủng hộ . 
        Trong những năm 1990, áp lực chính trị giảm bớt, nhưng người Chăm thường thấy khó tồn tại trong chủ nghĩa tư bản tự do của thời kỳ đổi mới. Nghề Dệt trở nên tồi tệ do việc tự do hoá ngành nhập khẩu hàng dệt may, mặc dù "du lịch dân tộc thiểu số”, đã bù đắp phần nào cho tổn thất này. Sài Gòn đã trở nên ngày càng quan trọng đối với người Chăm đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng từ bảy đến gần một chục Thánh đường Chăm Hồi giáo truyền thống .
         Một phần quan trọng khác của cuốn sách, chủ yếu là trong chương 2 và chương 3, khảo sát sự tiến bộ của cải cách Hồi giáo, như là bản sắc của cộng đồng dần dần đi đến chỗ được thể hiện trong tôn giáo hơn là trong giới hạn tộc người. Việc phụ nữ người Kinh (dân tộc Việt Nam) kết hôn với thành viên trong cộng đồng, phải đổi sang đạo Hồi mang ý nghĩa  biểu tượng quan trọng. Sự ủng hộ, cả về tài chính và đạo đức, đến từ thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn, và sự đền đáp sau những chuyến hành hương là những nguồn quan trọng từ ảnh hưởng bên ngoài.
       Như những nơi khác ở Đông Nam Á, cải cách  "Wahhabi" có xu hướng được thể hiện bằng cách xây dựng Thánh đường Hồi giáo riêng biệt, từ chối sự tôn kính các 'thánh' và tổ tiên, không tán thành  lễ kỷ niệm sinh nhật của Thiên sứ, có thái độ thù địch với chủ nghĩa thần bí Sufi, và quy định nghiêm ngặt trang phục của phụ nữ. Nền tảng tri thức của Taylor nằm trong các nghiên cứu về đa dạng tôn giáo và phân loại tộc người  đồng bằng sông Cửu Long, và ông thỉnh thoảng có một chút do dự về các vấn đề liên quan đến Hồi giáo và hàng hải khu vực Đông Nam Á. Ông dường như không biết gì về vai trò của người Hồi giáo Tamil, những người đã tới Việt Nam dưới sự bảo trợ của thực dân Pháp, mặc dù ông đề cập đến, trong quá khứ, người 'Ấn Độ' đã xây dựng nhà thờ Hồi giáo Vĩnh Trà vào năm 1921 (trang 118).
      Mặc dù có đề cập đến một vị thánh Ả Rập của dòng truyền thừa của 'Ali (trang 77), gần như chắc chắn là một sayyid Hadhrami, ông gần như là mơ hồ về ảnh hưởng của Ả Rập, không nhận thức được các hoạt động của cộng đồng người Ả Rập Hadhrami hải ngoại trong khu vực Đông Nam Á. Các cửa hàng cà phê có tầm quan trọng rất lớn như là một nơi dành cho giao tiếp xã hội, và uống cà phê nói chung, nhưng nó không có vẻ hào nhoáng bên ngoài của nơi uống cà phê giao tiếp có thể có trong thế giới Hồi giáo, và rất khác với nơi uống trà trong thế giới Trung Hoa.
         Những điểm mạnh thực sự của cuốn sách này nằm trong một sự hiểu biết sâu sắc và phức tạp về các xã hội bị phân mảnh vùng cực Nam của Việt Nam. Như Taylor viết trong kết luận của mình, “đồng bằng sông Mêkong vẫn còn bị chia rẽ, trớ trêu thay, bởi cái nhìn cạnh tranh về sự đơn nhất của con người, chứ không phải do một trong số những quyền lực phổ quát áp đặt trên toàn bộ khu vực". Câu chuyện về người Chăm của một địa phương quốc tế hóa này là chuyện của một cộng đồng Hồi giáo, và ngày càng có xu hướng quốc tế như vậy, và nó vẫn còn chưa rõ liệu những căng thẳng dựng lên quanh cải cách 'Wahhabi' có thể dẫn đến bạo lực theo thời gian hay không? Trong bất kỳ trường hợp nào, có nhiều điều để hy vọng rằng cuốn sách tốt này sẽ kích thích hơn nữa việc nghiên cứu về người Chăm, bao gồm cả những người của vùng cao nguyên phía nam miền trung của Việt Nam, những người đã giữ lại nhiều đặc điểm Ấn Độ giáo như là những đặc điểm tiêu biểu của họ khi họ là một trong những dân tộc mạnh mẽ nhất  của khu vực Đông Nam Á.

Còn đây là lời giới thiệu của tác giả cuốn sách -Philip Talor


Đặng Thị Vân Chi dich
        Cuốn sách lý giải về sức sống mãnh liệt của một cộng đồng Hồi giáo ở vùng biên giới bị giằng xé bởi những cuộc tranh chấp ở khu vực đồng bằng hạ lưu sông Mekong và thích nghi một cách sáng tạo trước những cải cách hiện đại hóa của chính phủ Việt Nam. Chính thức được coi là một trong những tộc người thiểu số ở Việt Nam, người Chăm nói được nhiều ngôn ngữ là một phần của cộng đồng xuyên quốc gia có xu hướng quốc tế hóa, và như những thương nhân, những người hành hương và lao động di cư trên khắp vùng đất chính ở Đông Nam Á và ở cả những vùng đất xa xôi khác. Tạo ra một mạng liên kết địa phương và ngoài địa phương phát triển trong suốt chiều dài lịch sử bao gồm nhiều lần di cư, người Chăm vượt lên sự cô lập về chính trị và kinh tế của họ bằng một chiến lược sử dụng không gian và sự di chuyển với  Hồi giáo như là tâm điểm của sự thống nhất
          Nghiên cứu dân tộc học rất nên đọc này đã mô tả lịch sử định cư và nguồn gốc của người Chăm Hồi giáo ở đồng bằng sông Mekong và giải thích về thực hành tôn giáo của họ, cuộc sống vật chất và mối quan hệ với nhà nước Việt Nam và Campuchia. Nó cung cấp sự hiểu biết sâu sắc về sự khác biệt giữa  tôn giáo và dân tộc ở đồng bằng sông Mekong mà sự hiểu biết này sẽ làm phong phú thêm những nghiên cứu so sánh trong những xã hội đa nguyên văn hóa và là đóng góp có ý nghĩa cho việc nghiên cứu đạo Hồi, quốc tế hóa, thương mại, phát triển nông thôn và khả năng bảo tồn bản sắc của cộng đồng Malay ở hải ngoại.



Philip Taylor ( mặc áo đen đứng thứ 2 từ trái sang) khi đang là NCS ở Đại học Quốc gia Úc năm I995. Người mặc áo trắng ( thứ 3 từ trái sang)  là GS Sử học David Marr, đứng đầu tiên từ phải sang là TS Nguyễn Quang Ngọc, thứ 3 từ phải sang là TS Thaveeporn Vasavakul người Thái Lan.

Xem thêm bài giới thiệu nghiên cứu khác về  người Chăm ở đây:
http://dzunglam.blogspot.com/2012/05/vickery-va-champa-revised.html

3 nhận xét:

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...