Nguyễn Thị Hải
Ngày 15 tháng 6 năm 2013, Giáo sư Philippe LANGLET đã về với cõi Phật, hưởng thọ 78 tuổi. Chắc hẳn nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam học ở Pháp và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam cổ trung đại và Phật giáo, sẽ không thấy xa lạ với cái tên Philippe Langlet - một nhà sử học người Pháp đã nhiều năm tận tụy với nghề, tận tâm với đất nước Việt Nam - nơi người vợ của thầy đã sinh ra.
Tôi biết thầy không lâu, bắt đầu từ năm 2010, trong buổi thuyết trình của thầy tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đó cũng là lúc tôi vừa nhận được học bổng đi Pháp và được chính học trò của thầy - Giáo sư Emmanuel Poisson - nhận lời hướng dẫn. Ngày hôm ấy, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn và cảm nhận tình yêu vô bờ bến đối với người vợ quá cố, với Việt Nam của thầy. Và tôi càng hiểu điều ấy hơn khi thầy lấy địa chỉ mail là thanhtam - tên vợ của thầy, nữ học giả Quách Thanh Tâm.
Tháng 11 năm 2010, tôi đặt chân đến Pháp. Sau gần một tuần giải quyết thủ tục hành chính, tôi viết thư xin được đến thăm và chuyển cho thầy món quà của Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc gửi. Quên đi đau đớn, mệt mỏi sau 2 tuần trị liệu hóa học, thầy trả lời tôi mà không giấu nổi niềm vui. Thầy đề nghị tôi đợi thầy khỏe lại rồi sẽ lên Paris vì thầy không muốn tôi phải vất vả tìm đường khi nước Pháp còn lạ lẫm với người mới đến.
Ngày hẹn - ngày bão tuyết ở Paris năm 2010! Điểm hẹn là quán cafe ngay Place Saint Michel. Trời nổi gió, tuyết bắt đầu rơi nhiều mà thầy vẫn chưa đến. Tôi tìm cho mình một chỗ ngồi trong quán để chờ thầy. Không đầy 5 phút sau, từ ngoài cửa, thầy bước vào với dáng người mảnh khảnh, kéo theo một chiếc cặp rất to. Thầy gầy đi nhiều so với trước nhưng khuôn mặt và nụ cười luôn hồn hậu, nhân từ. Hôm đó, sau ly cafe chào hỏi, thầy đưa tôi đến quán phở 67 - quán phở lâu đời nhất tại Paris (có tuổi đời hơn 100 năm) nằm ở số 59 rue Galande 75005. Người chủ nhà hàng chào đón thầy niềm nở vì đã lâu mới gặp lại người cũ. Lúc đó tôi mới biết rằng trước đây thầy cùng vợ hay đến quán này để thưởng thức món ăn Việt Nam, nhưng từ khi cô mất, thầy không đến nữa. Dường như thầy cảm nhận thấy sự ngượng ngùng, dụt dè của cô học trò vừa bước chân đến Paris với vốn tiếng Pháp kém cỏi, nên trong suốt câu chuyện, thầy luôn nói chậm để tôi có thể nghe và luôn tạo cho tôi sự thoải mái. Thầy kể chuyện về gia đình, về vợ và những người con của thầy, thầy ân cần hỏi han tôi về cuộc sống ở Paris, về đề tài nghiên cứu và chỉ cho tôi những địa chỉ nên đến đề tìm tài liệu... Món quà gặp mặt thầy dành cho tôi chính là cuốn sách Phật giáo thời Lý mà thầy đã dày công dịch thuật và nghiên cứu. Thầy - một người chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cổ trung đại - giờ đã chuyển sang chuyên về Phật giáo Việt Nam. Động lực mãnh mẽ nhất thôi thúc thầy chính là tình yêu dành cho người vợ quá cố. Vì muốn hoàn thành công việc của vợ, thầy bỏ lại công việc của mình (dịch thuật những tác phẩm của Lê Quý Đôn sang tiếng Pháp) để đi sâu vào lĩnh vực Phật giáo.
Hai thầy trò dời nhà hàng, bước xuống con đường lát gạch cổ ghập ghềnh của khu phố La tinh trong bão tuyết. Tuyết rơi dầy và mạnh. Những bông tuyết buốt giá không ngại ngùng theo gió quất mạnh vào mặt những người khách bộ hành. Đi bên cạnh, thầy không ngừng nhắc tôi cẩn thận vì con đường đã đóng băng nên rất trơn. Tôi - sau hơn 1 tuần băng tuyết ở Paris đã biết thế nào là trượt chân, là "vồ ếch" nên vừa đi rón rén vừa lo cho thầy. Tôi và thầy chia tay ở bến metro 4 Saint Michel. Tôi nhìn theo dáng thầy khuất dần sau con tàu mà không khỏi xúc động và đầy biết ơn. Với tôi, từ ngày ấy thầy không chỉ là thầy mà giống như một người ông. Hình ảnh của thầy luôn gợi cho tôi nhớ đến ông nội đã mất của mình.
Thế rồi, ngay sau ngày gặp không lâu, thầy gửi cho sách vở, tài liệu và hai đĩa mềm cuốn sách thống kê những tài liệu nghiên cứu về Việt Nam. Mỗi khi tôi gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu hoặc bất kể vấn đề gì, thầy luôn là người lắng nghe và chỉ cho tôi cách giải quyết. Ngày Tết Việt Nam, thầy viết thư báo rằng năm nay thầy khỏe, bác sĩ cho thầy về Việt Nam ăn tết với gia đình cô Tâm ở Sài Gòn như mọi năm, thầy chia sẻ nỗi nhớ nhà ngày Tết của tôi và gửi tặng một bức ảnh hoa đào thật đẹp do chính thầy chụp trong vườn nhà.
Ngày lễ Vu Lan năm 2011, gặp nhau ở Thiền viện Trúc Lâm, thầy vui mừng báo tin đã hoàn thành cuốn sách "La sagesse bouddhiste aux débuts du Việt Nam (avant le XIIIe siècle)". Đây là công trình thầy làm trong thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Sau cuốn sách này, thầy không hề nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào dịch và viết "Tuệ trung thượng sĩ ngữ lục". Tiếc rằng công trình còn dang dở .... Tại lễ nhận giải thưởng Phan Châu Trinh (3/2013) thầy nói: "J’espère pouvoir garder assez de force pour terminer la présentation et l’édition d’une dernière traduction d’un ouvrage de philosophie, les Propos de Tuệ Trung (1230-1291). Jusqu’à la fin, j’agirai pour une meilleure compréhension, et pour l’amitié entre la France et le Viet Nam" (Tôi mong còn đủ sức để hoàn thành việc giới thiệu và xuất bản bản dịch cuối cùng của tôi là tác phẩm triết học của Tuệ Trung (1230-1291) : Thượng sĩ ngữ lục. Cho đến cùng, tôi sẽ hoạt động cho sự hiểu biết nhau tốt hơn, cho tình hữu nghị giữa Pháp và Việt Nam). Tôi còn nhớ, tháng 5/2011, khi làm việc với đoàn cán bộ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thầy có nói rằng: Các học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam cần phải công bố những công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh để cho thế giới hiểu về Việt Nam nhiều hơn, nhất là những cuốn sách sử cổ. Trong tình hình hiện nay, nhất là trước vấn đề biển Đông thì điều này càng cấp thiết bởi lẽ thế giới biết đến Việt Nam đều thông qua tài liệu của Trung Quốc. Thầy - Giáo sư Philippe LANGLET - đã yêu và luôn yêu đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam như chính bản thân mình. Sự ra đi của thầy là một mất mát lớn không chỉ với gia đình mà còn với giới nghiên cứu Việt Nam học. Đất nước Việt Nam đã mất đi một người bạn lớn! Tôi mất đi một người thầy, một người ông đáng kính!
Lễ tang của thầy sẽ được tổ chức lúc 15h tại nhà thờ Saint Lubin ở Rambouillet ngày 21/6 và lễ cầu siêu cho thầy sẽ được thực hiện theo phong tục Việt Nam tại chùa Khuông Việt vào 11h ngày 21/7/2013. Đây cũng chính là ngày và địa điểm mà thầy đã chọn để tổ chức lễ cầu siêu cho vợ mình. Vĩnh biệt thầy - vĩnh biệt tâm hồn lớn, một nhân cách cao cả! Cầu mong cho linh hồn của thầy được siêu thoát, yên nghỉ nơi cõi Phật cùng người vợ yêu dấu!