Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Báo chí tiếng Việt nửa đầu thế kỷ XX với phong trào phụ nữ thế giới *


Đặng Thị Vân Chi


 Dẫn nhập
            Cho tới những năm đầu thế kỷ XX về cơ bản Việt Nam vẫn còn là một quốc gia khép kín, tự cô lập mình với thế giới bên ngoài bởi các chính sách đóng cửa, “ bế quan tỏa cảng” của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Ngoài ra, việc hầu hết dân chúng không biết chữ, báo chí chưa ra đời đã đưa đến một hệ quả là không chỉ đa số người dân không biết đến một thế giới khác ngoài cuộc sống thường ngày của họ mà ngay cả những quan chức của nhà nước như Tri phủ Hoài Đức Trần Tán Bình lần đầu tiên sang Pháp năm 1906, khi về nước cũng phải thốt lên: “ Những điều tôi trông thấy thì từ xưa thật chưa từng trông thấy bao giờ, những nhời tôi nghe thấy từ xưa chưa từng nghe thấy bao giờ…” [Đăng cổ tùng báo-11/4/1907]
            Đầu thế kỷ XX, cùng với những thay đổi trong xã hội Việt Nam trên tất cả các mặt dưới tác động của các chương trình khai thác thuộc địa, chính sách văn hoá, giáo dục của Pháp và ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ và cách mạng trên thế giới, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tờ báo tiếng Việt do các trí thức thức thời (cả trí thức Nho giáo lẫn trí thức Tây học) chủ trương. Ngay từ đầu thế kỷ XX, mặc dù báo chí tiếng Việt còn rất ít ỏi, nhưng trên những tờ báo hiếm hoi này, nhiều vấn đề của đời sống xã hội đã được đề cập đến và được thảo luận như giới thiệu những tư tưởng mới, phê phán tập tục cũ, lạc hậu, những thói hư tật xấu của người dân. Đến những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, báo chí tiếng Việt có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 1922 cả nước có 19 tờ báo Tiếng Việt, đến năm 1925 có 25 tờ, năm 1927 có 36 tờ và năm 1929 có 47 tờ báo. Trong những năm 1930 bên cạnh  khoảng 30 tờ báo có từ trước đã có thêm khoảng 180 tờ báo mới ra đời. Đến năm1939, vào thời điểm trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, số báo tiếng Việt và song ngữ Pháp - Việt trên toàn Đông dương là 120 tờ.
         Báo chí không chỉ mang lại tin tức, chia sẻ những sự kiện xảy ra hàng ngày từ khắp nơi trên thế giới, cũng như khắp mọi miền của đất nước, đưa người dân đến với những tư tưởng, tri thức mới… mà báo chí còn liên kết người dân trong những mối quan tâm chung, giúp họ cùng nhau nhận thức về một thế giới mới, tạo ra một không gian văn hóa tư tưởng, một diễn đàn để  mọi người có thể bày tỏ ý kiến, thảo luận các vấn đề thu hút sự quan tâm chung của cộng đồng.
         Đặc biệt, đối với phụ nữ Việt Nam, những người do ảnh hưởng của Nho giáo vốn chỉ được coi là người của gia đình, suốt đời phụ thuộc vào người đàn ông ( cha- chồng và con trai) trong suốt cuộc đời họ, không có tiếng nói riêng cũng như chưa bao giờ được tham gia vào bộ máy quyền lực ở bất cứ cấp nào thì báo chí đã thực sự mở ra cho họ những cánh cửa đi vào một thế giới mới, cho họ những cơ hội tiếp cận, hiểu biết về những người chị em của họ trên khắp thế giới, cho họ nguồn động lực để đấu tranh vì quyền lợi của bản thân và của giới mình.
1.  Giới thiệu trào lưu tư tưởng mới - các lý thuyết về nữ quyền.
         Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ Việt Nam được giáo dục để thấm nhuần tư tưởng và đạo đức Khổng giáo, coi “Nam tôn, nữ ty” như là một điều hiển nhiên và “tam tòng”, “tứ đức”[1] là những nguyên tắc bất di bất dịch thì đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên qua báo chí họ có cơ hội tiếp cận với các tư tưởng về “nữ quyền”, quyền bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ…
         Mặc dù thuật ngữ “nữ quyền” xuất hiện trên báo chí Việt Nam từ khá sớm[2], nhưng cho đến năm 1917, trước khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, các trí thức Việt Nam vẫn chưa đề cập đến những vấn đề căn bản của khái niệm này. Năm 1918, trên báo Nữ giới chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam – khái niệm nữ quyền đã được thảo luận sôi nổi. Thời kỳ này, nhận thức về khái niệm “ nữ quyền” còn hết sức mơ hồ như có ý kiến chung chung như: Nữ quyền “ không phải như viên đá tròn, không phải như cây gỗ dài, không phải như cái thước lục lăng bát giác… là một thứ không hình chất, mà rõ rang, có giá trị, có thể lực, có văn vọng…làm người ta kính, người ta sợ, người ta yêu, người ta mến, người ta quý hóa tham chuộng …”[ Nữ giới chung-15/3/1918]. Tuy nhiên có thể thấy, khái niện nữ quyền được hầu hết những người tham gia thảo luận cho rằng đây là một khái niệm đến từ phương Tây và do trình độ phụ nữ ở Việt Nam còn thấp nên việc truyền bá tư tưởng nữ quyền là không có lợi.  Mặc dù nội dung của khái niệm này vẫn được hiểu một cách mơ hồ thì cuộc thảo luận về khái niệm nữ quyền này cũng đã phản ánh ảnh hưởng của phong trào nữ quyền thế giới đối với các trí thức Việt Nam trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX.
       Sau chiến tranh Thế giới thứ nhất, đặc biệt trong những năm 1930, cùng với sự phát triển của phong trào phụ nữ quốc tế, báo chí Việt Nam có nhiều bài giới thiệu về lý thuyết nữ quyền cụ thể hơn và phân tích những nội dung căn bản của lý thuyết nữ quyền tự do như vấn đề giáo dục phụ nữ, vấn đề phụ nữ chức nghiệp, vấn đề quyền bầu cử của phụ nữ… Những nội dung này được thảo luận trên báo chí khá sôi nổi trên các diễn đàn phụ nữ như mục Nhời đàn bà, các trang Phụ nữ… đặc biệt là trên những tờ báo phụ nữ như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân tiến, Đàn bà mới
       Cũng từ năm 1930, cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên báo chí đã xuất hiện cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng nữ quyền tự do và khuynh hướng nữ quyền mác – xít. Những nhà báo cộng sản đã khéo léo gửi bài vào các tờ báo hợp pháp, giới thiệu những luận điểm cơ bản của thuyết nữ quyền mác xít và khẳng định: trong các nước thuộc địa như Việt Nam, muốn giải quyết vấn đề phụ nữ, muốn thực hiện bình đẳng nam nữ trước hết phải làm cách mạng giải phóng dân tộc.
          Bài báo đầu tiên viết theo khuynh hướng này là bài “Tiếng Oanh kêu đàn” của Lý Ngọc Trinh từ Nam Kinh gửi về đăng trên Phụ nữ tân văn số ra ngày 6/12/1934. Bài báo vạch ra những hạn chế của cuộc vận động giải phóng phụ nữ được đề cập trên báo chí từ trước tới nay chỉ là những lời “bàn suông”. Tác giả bài báo khẳng định quan điểm cho rằng: vấn đề phụ nữ có quan hệ với vấn đề xã hội, khi vấn đề xã hội chưa được giải quyết thì vấn đề phụ nữ cũng khó có thể giải quyết triệt để. Hai khuynh hướng vận động phụ nữ, một cổ động phụ nữ trở thành mẹ hiền, vợ giỏi theo lối tân thời, một hô hào nữ quyền theo nghĩa giản đơn, hẹp hòi đều không phải là cách để giải phóng phụ nữ. Do đó: “Điều cần yếu nhất của sự vận động phụ nữ là phải thâm nhập quần chúng. Trước hết mưu dân tộc giải phóng, sau sẽ đạt tới nhân loại giải phóng” [Phụ nữ tân văn-6/12/1934]. Để có thể giải phóng phụ nữ thật sự cần phải có phương pháp chỉ đạo, vì nếu “không có phương pháp giải phóng triệt để thời có khác gì thoát khỏi vòng nô lệ này lại hãm vào vòng nô lệ khác. Và điều quan trọng là phải làm cho phụ nữ có tinh thần dân tộc”. Trong điều kiện xã hội Việt Nam “cuộc vận động giải phóng phụ nữ ngày nay không thể đứng riêng ngoài cuộc tranh đấu của giai cấp” [Zân báo-21/ 10/ 1933].
         Bài Vấn đề phụ nữ giải phóng khẳng định: dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, khi xã hội còn đối kháng giai cấp, “phụ nữ chưa hoàn toàn giải phóng được.”[ Dân chúng 7/12/1938]. Trong bài Con đường giải phóng phụ nữ. Sự nô lệ của phụ nữ. Nô lệ bởi dị tính hay nô lệ bởi giai cấptrên báo Ngày mới số 10 tháng 7/1939, tác giả Kim Anh[3] phân tích việc phụ nữ không được bình đẳng với nam giới không phải là do giới tính mà là do “ách chuyên chế, bóc lột” của bọn tư bản hay điền chủ. “Trong cùng một giai cấp, trong một gia đình, phụ nữ vẫn bị đè bẹp dưới ách nô lệ của đàn ông” là vì phụ nữ bị phụ thuộc vào nam giới về kinh tế. Tác giả khẳng định: “phụ nữ là một nửa phần nhân loại...Nhân loại có giải phóng thì phụ nữ mới được giải phóng. Cho nhân loại được giải phóng chỉ có một con đường: Chủ nghĩa xã hội. Thế thì chủ nghĩa xã hội chính là con đường giải phóng duy nhất của phụ nữ.
            Như vậy, rõ ràng là qua báo chí, hệ thống quan điểm về nữ quyền, giải phóng phụ nữ được giới thiệu và thảo luận sôi nổi. Nhận thức của xã hội nói chung và của  phụ nữ nói riêng về vấn đề phụ nữ sẽ là nền tảng quan trọng để phụ nữ dấn thân vào cuộc đấu tranh vì quyền con người và quyền phụ nữ.
2. Mở rộng tầm nhìn, học tập từ phong trào phụ nữ thế giới - tấm gương cổ vũ phụ nữ Việt Nam đấu tranh vì quyền phụ nữ
          Bên cạnh việc phổ biến các lý thuyết về nữ quyền, báo chí cũng dành nhiều bài giới thiệu về phong trào phụ nữ thế giới.
         Các bài viết được thể hiện theo hai khuynh hướng: hoặc chỉ đơn thuần giới thiệu như những tin tức thời sự quốc tế và đưa tin thông thường, hoặc giới thiệu phong trào phụ nữ quốc tế như tấm gương nhằm cổ vũ phụ nữ Việt Nam tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh vì quyền bình đẳng nam nữ. Khuynh hướng thứ hai phổ biến hơn và thường tập trung trong các tờ báo cách mạng hoặc những tờ báo của các trí thức yêu nước phát hành. Đây là nhóm những người chủ trương dùng báo chí làm phương tiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân Pháp. Họ ý thức được vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh này và mối quan hệ khăng khít giữa giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ. Đặc biệt trong điều kiện Việt Nam, độc lập dân tộc được coi là điều kiện tiên quyết để thực hiện nữ quyền và bình đẳng nam nữ.
       Tờ báo đầu tiên giới thiệu có hệ thống phong trào phụ nữ thế giới theo khuynh hướng này là tờ báo Thanh niên[4] do Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc. Tờ báo này được sử dụng như những tài liệu học tập trong các lớp huấn luyện tại Quảng Châu những năm 1926-1927 và là tài liệu truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 số báo từ số 63 đến số 73 đã có tới 7 số báo giới thiệu về phong trào phụ nữ thế giới như phong trào phụ nữ các nước Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc. Nội dung của các bài báo này là giới thiệu lịch sử của phong trào phụ nữ, rút ra những bài học kinh nghiệm, qua đó giáo dục, động viên, tổ chức phụ nữ tham gia đấu tranh. Nguyễn Ái Quốc được đánh giá là người có vai trò lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào Việt Nam và là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với vấn đề phụ nữ, những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành những luận điểm cơ bản của đường lối vận động phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
            Các bài báo trên báo Thanh niên cho thấy phụ nữ các nước đang tham gia vào mọi hoạt động trong xã hội và đã có đóng góp không nhỏ vào các phong trào đấu tranh vì sự công bằng và phát triển xã hội. Ví dụ như  phụ nữ Anh tham gia vào mọi hoạt động của đất nước: Làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, lái máy bay, tàu thuỷ, làm việc trong ngân hàng, bệnh viện, trong các toà báo... kể cả trong các hoạt động chính trị, phụ nữ Anh có 815.134 người tham gia Đảng Lao Động Anh… Phụ nữ Anh đã có những hoạt động ủng hộ tích cực phong trào bãi công của công nhân đào than (“Hội Đàn bà đã góp được 1.550.000 đồng để giúp”... [Thanh niên số 65- ngày 17/10/1926])... phụ nữ Nga có tới “hàng trăm nghìn làm nghị viên”. Hoặc giới thiệu mục đích của phong trào phụ nữ Pháp là “cốt được cái chính trị và kinh tế đều bình đẳng như đàn ông mà lại đòi cho đàn bà tham gia vào quốc dân đại hội”[Thanh niên số 67 ngày 31/10/1926].
          Đối với phong trào vận động phụ nữ Trung Quốc, sau khi trình bày sơ lược lịch sử phát triển, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra những hạn chế của phong trào phụ nữ Trung Quốc trong từng thời kì. Ví dụ như thời kì Cách mạng Ngũ tứ, phong trào vận động phụ nữ chưa chỉ rõ kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, tổ chức chưa nghiêm ngặt, đặc biệt chưa làm rõ mối quan hệ giữa vận động phụ nữ với vận động cách mạng. Còn trong thời kì thứ ba, phong trào phụ nữ Trung Quốc tuy đã yêu cầu bình đẳng nam nữ trong vấn đề giáo dục, kinh tế và chính trị, nhưng chưa có phương pháp vận động thích hợp... Qua việc giới thiệu và rút kinh nghiệm phong trào phụ nữ các nước, Nguyễn Ái Quốc gián tiếp vạch ra đường lối vận động cách mạng và vận động phụ nữ Việt Nam.
   Khi giới thiệu thành tựu của phong trào phụ nữ, tác giả bài báo đặt câu hỏi:
        Sao đàn bà nước Nga giỏi như thế?
         Vì nước Nga cách mạng thành công rồi.
            Sao đàn bà ta không được học vấn tư tưởng?
            Vì không được tự do.
             Sao mà không được tự do?
             Vì nước ta bị Pháp cướp 
          Nay muốn có tư tưởng, học vấn được tự do thì nhất định trước phải cách mạng. Nếu chưa cách mạng cho được cả nước, thì mình cũng phải gắng mà cách mạng tự mình nghĩa là bỏ phần nết xấu, học thêm thói tốt vào”[Thanh niên-3/10/1926].
  Ở trong nước, cũng ngay từ năm 1927, trên tờ Đông Pháp thời báo do những trí thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Nguyễn Kim Đính làm chủ bút cũng có bài giới thiệu về phong trào phụ nữ Nga Xô viết, giới thiệu về những thay đổi mà Cách mạng tháng Mười đã đem lại cho phụ nữ Nga. Đó là: “Những nhà của thợ thuyền có tiệm cơm chung, những nhà  Ấu Trĩ... trong nhà quê, ngoài tỉnh thành lần lần sẽ xây dựng để người đàn bà nội trợ đỡ phải nô lệ bếp gia đình, đỡ phải giặt đồ, rửa chén... làm cho người đàn bà bình đẳng với người đàn ông trong các phương kế sinh nhai.. cho người đàn bà được rộng quyền giúp đỡ về đường chính trị trong nước...” [Đông Pháp thời báo-27/11/1927]
  Trong những năm 1930, khi phong trào nữ quyền trên thế giới có bước phát triển mạnh mẽ, cuộc đấu tranh của phụ nữ các nước- đặc biệt cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ thường được giới thiệu trên các trang phụ nữ của các tờ báo hoặc mục giới thiệu tình hình, tin tức quốc tế của các tờ nữ báo. Không chỉ có tình hình phong trào phụ nữ Pháp được giới thiệu cụ thể từng bước phát triển như việc tường thuật chi tiết cuộc thảo luận tại Thượng nghị viện Pháp về việc thông qua quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ, mà còn giới thiệu phong trào phụ nữ của các nước trong khu vực như Nhật Bản [Thời báo-15-16/1/1931], Trung Quốc, Malaixia ... Phong trào phụ nữ Mỹ, Anh, Đức, Ý, Thổ Nhĩ kì, Iran... đặc biệt là phụ nữ Xô Viết được nhiều báo giới thiệu. Báo Tràng An giới thiệu về “Phụ nữ Nga Xô viết” ca ngợi quan điểm của Lênin “một người làm bếp cũng cần biết tham dự việc nước”. Sau khi trình bày tình cảnh của người phụ nữ Nga dưới chế độ Sa Hoàng, tác giả khẳng định “Người đề xướng chủ nghĩa cộng sản lại là một vị cứu tinh cho phụ nữ nước Nga” bởi sau khi giành chính quyền mấy tháng “Lý Ninh( Lê nin-ĐTVC) đã nghĩ ngay đến việc giải phóng phụ nữ nước Nga. Các luật về sự kết hôn đều có sửa lại cho dễ dãi và gọn gàng...” [Tràng An -2/7/1935]. Trong các bài viết giới thiệu về phong trào phụ nữ thế giới, các báo thường có so sánh với phụ nữ Việt Nam và thường có những lời bình luận khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Ví dụ báo Đàn Bà Mới (ĐBM) đã giới thiệu những con số thống kê về phụ nữ Nga tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, những tấm gương phụ nữ đạt những thành tích cao trong hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, thể thao... và bình luận “nếu những cô Nga trên này mà nhìn thấy phụ nữ Việt Nam hiện nay mới đang tập kẻ lông mày và mặc áo tân thời để làm giáng (làm dáng) với đàn ông không biết các cô nghĩ thế nào? Từ cuộc cách mạng 1917 đến nay, phụ nữ Nga đã bước một bước dài trên đường giải phóng” [Đàn bà mới- 8/6/1936]. Báo Tân thời giới thiệu việc phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được quyền bầu cử và ứng cử cũng bình luận “Hai mươi năm trước họ không được để mặt trần đi ra ngoài, rồi ngày nay họ được giải phóng thế kia thì ta thấy họ tấn hoá mau chóng quá. Nước Pháp đã mang tiếng là một nước văn minh sớm thế mà phụ nữ Pháp bây giờ đâu có bằng phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ được, đừng nói chi đến chị em nước nhà mình mà thêm tủi hổ” [Tân thời -25/4/1935]. Báo Hoàn cầu tân văn ngày 13/10/1934 có bài giới thiệu về lịch sử cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ về mặt luật pháp của phụ nữ Anh và nhấn mạnh “phụ nữ muốn có quyền lợi phải tranh đấu”. Báo Đông Pháp đánh giá “cuộc tiến hóa của chị em nước Mỹ trong 80 năm vận động nữ quyền thật đã đạt tới hoàn mỹ
            Các tờ báo phát hành công khai và các tờ báo phụ nữ cũng dành nhiều trang cho việc giới thiệu những phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phụ nữ thế giới.
           Cuộc đời hoạt động của các bà Macgorit, bà Irene Joliot Cuirie, bà Elenor Rooseven, Krupskaia, Trịnh Dục Tú, Tống Khánh Linh,...được nêu lên như những tấm gương hoạt động nữ quyền. Báo chí cũng giới hiệu những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực báo chí như các bà Louise Weiss -“ một người đàn bà đáng gọi là hoàn toàn cả tài trí lẫn đức hạnh”- là người xuất bản tạp chí Europe Nouvell; bà Lone Brunshwicg - chủ nhiệm báo La Francaise, sáng lập viên Union Francaise pour le sufrage de femmes ( Hội liên hiệp phụ nữ đòi quyền bầu cử), bà luật sư Maria Verone “hàng tuần vẫn cổ động phụ nữ nước Pháp bằng những bài luận đanh thép đăng trong báo L Europe”[Đàn bà mới- 2/3/1935]...
         Sau khi giới thiệu thân thế, sự nghiệp của các bà Rose Lacombe, Olympe de Gouges, Theroinge- những người phụ nữ đấu tranh cho quyền con người và quyền phụ nữ trong cuộc cách mạng tư sản Pháp, tác giả Lệ Minh Đường nhận xét: “ở đời nghịch cảnh vẫn nhiều hơn thuận cảnh, chị em đã biết lợi dụng phong trào mà vẫy vùng cho thoả chí như thế thật đáng làm gương cho muôn đời, chớ hay gì, can đảm gì mà sau khi thất vọng vì cảnh éo le, rồi gieo mình xuống giòng (dòng) nước, treo cổ trên nhành cây, mượn á phiện và giấm thanh, dùng các thứ độc dược mà huỷ kiếp sống thừa. Đem cái chết ấy mà sánh với cái chết của những vị nữ anh hùng trên kia thì một đáng khinh hết sức, mà một bên đáng trọng vô cùng. Chị em hãy biết tìm chỗ đáng chết mà đi vô đừng huỷ bỏ kíp đời một cách lạt lẽo với những cái chết khiếp nhược’ [Tân thời -11/4/1935]. Các tác phẩm kinh điển của các nhà nữ quyền thế giới như John Stuart Mill cũng được giới thiệu hoặc trích dẫn trong các bài viết hoặc sách viết về vấn đề phụ nữ.
          Tin tức các Hội nghị phụ nữ thế giới cũng được giới thiệu trên báo chí. Phụ nữ tân văn ngày 4/6/1931 giới thiệu về hội nghị phụ nữ châu Á họp tại La Hore Ấn Độ ngày 19-25/1/1931. Bài báo cho biết hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các nước Châu Á như phụ nữ Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, Ba tư, Tây Á lợi Á. Việc chưa có đại diện của phụ nữ Việt Nam được tác giả bài báo cho là: “Đáng thương, đáng tủi cho danh phận của phụ nữ Việt Nam lắm”. Bài báo cũng giới thiệu mục đích của Hội nghị, chương trình nghị sự và nghị quyết của hội nghị về các vấn đề quan hệ tới phụ nữ như vấn đề giáo dục cho phụ nữ, vấn đề sức khỏe, quyền trẻ em, quyền lao động… đặc biệt “ không thừa nhận làm đĩ là một nghề
          Báo Hoàn cầu tân văn ngày 20/11/1934 đưa tin về hai cuộc hội nghị phụ nữ ở Pháp với nội dung vận động giải phóng phụ nữ, đặc biệt cuộc hội nghị phụ nữ vận động giải phóng toàn thế giới kêu gọi phụ nữ tranh đấu chống nạn phát xit và chiến tranh…
          Qua báo chí, phong trào phụ nữ thế giới đã tác động tới phong trào phụ nữ Việt Nam, đưa cuộc vận động phụ nữ ở Việt Nam trở thành một bộ phận của phong trào phụ nữ quốc tế.
3. Ảnh hưởng của phong trào phụ nữ thế giới đối với cuộc vận động giải phóng phụ nữ ở Việt Nam
         Từ đầu thế kỷ XX, báo chí đã giúp phụ nữ Việt Nam tiếp cận với những tư tưởng dân chủ, nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Báo chí với các mục Nhời đàn bà và dòng báo phụ nữ đã tạo ra một không gian cho phụ nữ được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề liên quan tới cuộc sống của họ. Những cuộc thảo luận trên báo chí về vấn đề phụ nữ đã thúc đẩy xã hội quan tâm hơn tới phụ nữ, cũng như quan tâm hơn tới những vấn đề mà người phụ nữ phải đối mặt trong một xã hội đang thay đổi để hòa nhập với thế giới: Phụ nữ học gì và học để làm gì? Quyền lao động, chế độ bảo hiểm và tiền lương, tư cách công dân với quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ, quyền tự do kết hôn…
          Các bài giới thiệu về phong trào phụ nữ thế giới không chỉ giúp phụ nữ Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại mà còn cổ vũ phụ nữ Việt Nam học theo những tấm gương của những người chị em của họ trên thế giới, đấu tranh vì quyền lợi của giới mình. Những nữ trí thức Việt Nam nhận thức được rằng để thay đổi xã hội trước hết phải thay đổi quan niệm của công chúng. Theo bước chân của các nhà hoạt động nữ quyền thế giới họ tham gia viết báo, xuất bản báo chí, đi diễn thuyết, tổ chức hội chợ phụ nữ, khởi xướng các phong trào thể thao… để vận động phụ nữ, truyền bá những tư tưởng về quyền con người, về sự bình đẳng. Bài Cuộc phụ nữ giải phóng ở Đông Dương trên báo Tân thời ngày 20/6/1935 cũng đã khẳng định: phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhằm vận động phụ nữ như “đăng đàn diễn thuyết hoặc thảo luận trên báo chương về vấn đề giải phóng”.
         Từ chỗ nhận thức được vai trò và vị trí của mình trong xã hội, phụ nữ Việt Nam đã dấn thân vào các hoạt động thực tiễn, trở thành một lực lượng chính trị trong các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cũng như trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945.
         Năm 1935, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương toàn quốc lần thứ nhất đã đánh giá cao các hoạt động của phụ nữ Việt Nam thời kì 1930-1935: “Cờ vận động dân tộc và xã hội giải phóng xuất hiện thì có phụ nữ tham gia cách mạng. Thời kỳ cách mạng cao nhất của phụ nữ lao động là năm 1930-1931. Trong hai năm ấy không có cuộc bãi công nào mà không có phụ nữ tham gia. Có lúc phụ nữ dẫn đạo các cuộc đấu tranh, có nơi đã tổ chức các cuộc biểu tình, bãi công hoàn toàn chỉ có đàn bà…[5]
         Thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939, ý thức về nữ quyền cũng như phong trào đòi nữ quyền của phụ nữ Việt Nam có một bước phát triển mới so với trước. Báo chí đưa tin “Lần thứ nhất ở Đông Dương nữ giới ba kì biết hiệp hội để làm chính trị”  [Đàn bà mới-26/10/1936]. Hầu hết các cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trong thời kỳ này đều có sự tham gia của đông đảo phụ nữ như: các cuộc đón tiếp phái viên Godart, Toàn quyền B’revie’, biểu tình ở Sài Gòn đòi thi hành luật lao động, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị phạm… Trong cuộc biểu dương lực lượng ngày 1/5 tại nhà đấu xảo Hà Nội, phụ nữ đã tham gia như một lực lượng chính trị riêng biệt  với gần 5000 người gồm mọi tầng lớp: học sinh, công chức, công nhân, tiểu thương…
         Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều phụ nữ đã dẫn đầu các cuộc biểu tình thị uy, cướp chính quyền ở các địa phương trên khắp cả nước. Ở Hà Nội, Nguyễn Khoa Diệu Hồng đã diễn thuyết kêu gọi mọi người ủng hộ Việt Minh trong cuộc mít tinh ngày 17.8 của Tổng hội viên chức và biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố ngay trước đêm Tổng khởi nghĩa nổ ra. Ở Bắc Giang, Hà Thị Quế trực tiếp chỉ huy du kích đánh chiếm đồn Nhật, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở tỉnh. Trương Thị Mỹ lãnh đạo đoàn quân biểu tình chiếm huyện Hoài Đức (Hà Đông) ở sát cửa ngõ Hà Nội. Phan Thị Nể tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Hội An,  Nguyễn Thị Định lãnh đạo cướp chính quyền ở thị xã Bến Tre, Trần Thị Nhường lãnh đạo khởi nghĩa ở Sa Đéc... Trong khí thế sôi sục của những ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, hàng trăm phụ nữ được bầu vào Uỷ ban nhân dân cách mạng các tỉnh, huyện …là bằng chứng hùng hồn về vai trò thực sự và những đóng góp to lớn của phụ nữ
vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Kết luận
         Chỉ trong vòng vài thập kỷ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã chuyển biến từ một một nước phong kiến, quân chủ Nho giáo trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Dưới xã hội thuộc địa và ảnh hưởng bởi các trào lưu văn hóa tư tưởng mới, báo chí và những cơ sở kinh tế xã hội thuộc địa đã đưa người dân Việt Nam vốn chỉ là một thần dân của vua, xa lạ với những khái niệm về quyền công dân và quyền con người đến với những tư tưởng dân chủ, tự do cá nhân… 
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công là một thành quả quan trọng của quá trình hội nhập với thế giới và đấu tranh cho quyền con người và quyền phụ nữ của nhân dân Việt Nam nói chúng và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, ngày mùng 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình trong giờ phút Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra chế độ mới, hai người phụ nữ (Dương Thị Thoa (Lê Thi) và Đàm Thị Loan) đã được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng, lá Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau cách mạng, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 quy định: “ Sức mạnh của đất nước nằm trong tay người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giới tính, giàu nghèo, đẳng cấp, tôn giáo... Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực” (điều 9). Có thể nói đây là một thắng lợi căn bản của phụ nữ Việt Nam trên con đường đấu tranh vì quyền con người và quyền phụ nữ -  kết quả của cuộc đấu tranh gần nửa thế kỷ của phụ nữ Việt Nam, là nền tảng quan trọng để phụ nữ Việt Nam cất cánh cùng dân tộc.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thị Kim Anh (1938), Vấn đề phụ nữ, NXB Thân Dân , Chợ Lớn
  2. Đại sứ quán Hoa Kỳ (2006), Những người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất nước Mỹ, Ấn phẩm của chương trình thông tin quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng 2, http://Vietnamese usembassy.gove/doc_womenofinflunence.htm
  3. Đài tiếng nói Hoa Kỳ,(2005), Điểm qua những tin tức và diễn biến liên quan đến tình hình phụ nữ quốc tế,
4.      Đặng Thị Vân Chi ( 2008) “ Ảnh hưởng của Nho giáo đối với địa vị của phụ nữ việt Nam trong lịch sử” (
5.      Đặng Thị Vân Chi ( 2006) Dòng báo phụ nữ ở Việt Nam trước năm 1945”, T/c NCLS, số 11/2006.
  1. Trần Hàn Giang (2003), “ Lịch sử phát triển của lý thuyết nữ quyền và lý thuyết giới” , T/C Khoa học về Phụ nữ số 6(61), tr 9-15.
  2. Trần Hàn Giang (2004), “Về một số lý thuyết nữ quyền” T/C Khoa học về phụ nữ 1(62), tr 11-19.
  3.  Hồ Chí  Minh Toàn tập đĩa CD, 1,2,3
  4. Đỗ Quang Hưng (1995), Tiếp xúc văn hóa Đông –Tây ở Việt Nam“ T/C Xưa- Nay,  4(14), pp20-22.
  5. Đỗ Quang Hưng (CB), (2000) Lịch sử báo chí Việt Nam: 1865-1945, NXB Đại học quốc gia,H.
  6. Nguyễn Văn Khoan (CB) (2001), Việt Minh thành Hoàng Diệu, NXB TP.Hồ Chí Minh
  7. Kolongtai.A,M (1961), Vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ.
  8. Nguyễn Thị Lựu (1985), Tình yêu và ánh lửa (Hồi ký), NXB Văn Nghệ, TP.Hồ Chí Minh.
  9. Tôn Thị Quế (1972), Chỉ một con đường (Hồi ký cách mạng), Ban nghiên cứu Lịch sử Tỉnh ủy Nghệ An.
  10. Nguyễn Ái Quốc (1960), Bản án chế độ thực dân Pháp, NXB Sự thật
  11. Cựu Kim Sơn and Văn Huệ (1938), Đời Chị em, Dân chúng.
  12. Cuu Kim Son and Van Hue (1938), Chị em phải làm gì? Dân chúng.
  13. Nguyễn Thành (1984), Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-1945, NXB KHXH
  14. Nguyễn Thành (1985), Phong trào Đông Dương đại hội năm 1936, TO. Hồ Chí Minh
  15. Nguyễn Thị Thập (1981), Lịch sử phong trào phụ nữ Việt nam, T1, NXB Phụ nữ
  16. Cao Huy Thuần – Nguyễn Tung – Trần Hải Hạc – Vĩnh Sính (CB) (2005), Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng
  17. Trần Quốc Vượng (1972), Truyền thống phụ nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ.
  18. Marr David G (1995), Vietnamese tradition on trial.1920-1945, University of California Press Berkeley, California.
  19. Taylor KW and John. K.Whitmore (1995), Editor. Essays into Vietnamese parts. Cornel University New York.
25.  Các tờ báo: Đăng Cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Trung Bắc Tân văn, Công Luận, Hoàn cầu tân văn, Thời báo, Đông Pháp Thời báo, Tràng An, Thanh Niên, Zân báo, Dân chúng… và các tờ báo Phụ nữ: Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phụ nữ tân tiến, Đàn bà mới…









[1] Đặng Thị Vân Chi, “nh hưởng ca Nho giáo đi vi đa v ca ph n Vit Nam trong lch s, K yếu hi tho khoa hc Quc tế năm 2008 Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ: những vấn đ lí lun và thc tin, Nxb Đi hc Quc gia Hà Ni, 2008.
[2] Khái niệm nữ quyền lần đầu tiên được nhắc đến trong bài Về thói trọng nam khinh nữ của ta trên Đông Dương tạp chí ngày 11/2/1914. Lần thứ hai khái niệm nữ quyền được nhắc đến trong mục Nhời đàn bà số 5 ngày 21/1/1915 trên Trung Bắc tân văn khi đặt vấn đề “muốn mang tư tưởng cùng chị em bàn bạc để đúc lấy nữ quyền dạy bảo nhau chóng nên người khôn ngoan, tài đảm để gây nên một giống nòi mạnh bạo, mai sau này chiếm lấy một phần nữ sử với hoàn cầu.” Năm 1916, trong bài “Sự giáo dục đàn bà con gái” trên ĐDTC (bài này được đăng lại trên báo Nam phong  tháng 10/1917), Phạm Quỳnh đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và trong nền sản xuất xã hội nhưng cho rằng phụ nữ từ trước tới nay bị đánh giá thấp “suy cho cùng  chỉ vì không có học thức mà thôi”. Và quyền bình đẳng nam nữ lúc này chỉ được hiểu là “phải lưu tâm vào sự giáo dục đàn bà”.

[3] Kim Anh được nhiều nhà nghiên cứu như Sophia Quinn Judge, Wiliam Dukey, Nguyễn Văn Khoan cho là bút danh của Nguyễn Thị Minh Khai- Đảng viên Đảng cộng sản Đồng Dương, phụ trách công tác vận động phụ nữ của Đảng.
[4] . Báo Thanh Niên phát  hành số 1 ngày 21/6/1925, theo Huỳnh Kim Khánh, báo Thanh niên có tất cả 208 số và trong 80 số đầu do chính Nguyễn Ái Quốc viết bài.

[5]  Nguyễn Thị Thập (1981), Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam tập 1, NXB Phụ nữ, Tr176.

* Bài đã đăng trong " Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học- Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Khoa học xã hội, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...