Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Thách thức của việc tăng dân số da trắng trong một thuộc địa khai thác: Giải pháp người lai ở Đông Dương *

Christina Firpo
TS. Đại học Capoly, California, Hoa Kỳ

Người dịch: Đặng Thị Vân Chi


Trong những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã tồn tại 2 hình thức thuộc địa, các thuộc địa di dân và các thuộc địa mà tôi sẽ gọi là những thuộc địa khai thác. Trong khi kẻ đi chiếm thuộc địa đến từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng ở đây tôi muốn nói về thực tiễn thực dân phương Tây (hoặc có nguồn gốc phương Tây) vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cả hai hình thức thuộc địa này có những phiền toái nảy sinh từ những thách thức về mặt nhân khẩu học có nguồn gốc từ chiến lược kinh tế của chế độ thuộc địa.
Chế độ thuộc địa di dân (định cư) bao gồm Mỹ, Canada và Úc, có mục tiêu chiếm đất đai và đưa dân đến đó ở, trong trường hợp này là những di dân Âu châu và những lao động di dân nhập cư. Tôi sẽ sử dụng định nghĩa của Patrick Wolfe về những thuộc địa di dân như là chế độ thuộc địa “không tạo ra sự tranh giành về đất đai mà trên đó các xung đột về phương thức sản xuất cuối cùng không thể cùng tồn tại. Vì vậy, logic chính của chủ nghĩa thực dân di dân có thể được mô tả như là sự tiêu diệt [người dân bản xứ][1]. Sau đó, khi những thuộc địa di dân trưởng thành đến mức hình thành các quốc gia riêng của họ, trong khi đấu tranh để đồng hóa, tự vệ, và thu hút người bản xứ, họ đã phát triển chính sách làm giảm số dân bản xứ (giảm mức sinh sản) và làm tăng dân số di dân da trắng. Vì vậy, đặc tính của các thuộc địa di dân được xác định là thuộc địa có dân số thực dân chiếm đa số và người bản xứ chỉ là một thiểu số trong dân số ở thuộc địa.
Hệ thống thuộc địa khai thác (được gọi là "thuộc địa không định cư theo Penny Edwards hoặc mối quan hệ thuộc địa nhượng quyền (“Franchize”) theo thuật ngữ của Patrick Wolfe), chẳng hạn như những thuộc địa đã thấy ở châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, có mục tiêu bòn rút khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thuộc địa bằng cách sử dụng lao động bản xứ. Để duy trì hệ thống này, các chính quyền của các thuộc địa khai thác đã khuyến khích thu nhận những người nhập cư và sử dụng một số lượng lớn dân số bản xứ để đáp ứng nhu cầu về người lao động. Tuy nhiên, những kẻ đi chiếm thuộc địa nhanh chóng trở nên lo lắng trước những khó khăn trong nhiệm vụ duy trì số dân thống trị da trắng, những người có xu hướng trở thành những cư dân tạm trú. Vì ở xa Mẫu quốc nên việc duy trì sự hiện diện rõ ràng của người châu Âu là điều bắt buộc đối với những nhà nước này, sự có mặt thường xuyên của những người da trắng là biểu hiện về quyền lực ở thuộc địa. Đặc trưng để định nghĩa một thuộc địa khai thác là chỉ có một thiểu số những kẻ thực dân đi chiếm thuộc địa và đa số cư dân còn lại là những người bản xứ bị chiếm đất đai.
Penny lập luận rằng không thể phân chia thành hai loại thuộc địa di dân và  thuộc địa không di dân. Rút ra từ những ví dụ về các gia đình di dân và không gian trong nhà ở Campuchia và Burma, hai nơi được coi là vùng trì trệ (tù đọng) của đế quốc Pháp và Anh, Edward chỉ ra rằng các Gia đình Châu Âu đã định cư thực sự lâu dài trong những thuộc địa không di dân và chấp nhận những thuộc tính văn hóa bản xứ. Tuy nhiên, Edwards định nghĩa rằng thuộc địa di dân là nơi những người châu Âu định cư lâu dài còn thuộc địa không di dân là nơi người châu Âu định cư tạm thời[2]. Tôi đồng ý với Edwards rằng những người châu Âu định cư lâu dài và phát triển văn hóa đồng thời (tới một trình độ nào đó), nhưng tôi không đồng ý với Edwards ở điểm định nghĩa hệ thống thuộc địa bằng kế hoạch kinh tế nhân khẩu học của chính phủ thực dân. Tôi ủng hộ việc phân chia  thuộc địa di dân là thuộc địa theo đuổi chiến lược chiếm đất và người châu Âu chiếm ưu thế về mặt dân số còn thuộc địa khai thác là thuộc địa theo đuổi chiến lược khai thác nguồn tài nguyên và việc duy trì ưu thế về dân số của người bản xứ có tính quyết định nhằm mục đích duy trì một lực lượng lao động lớn.
          Duy trì chiến lược dân số là yêu cầu của hệ thống thuộc địa di dân và thuộc địa khai thác, vì vậy các chính phủ thực dân lao vào chương trình tăng dân số ở thuộc địa. Nói chung, trong thuộc địa di dân, chương trình này là ngày càng tăng số dân định cư da trắng và giảm dần số dân bản xứ. Vì lý do này, chương trình tăng dân số trong những thuộc địa như vậy có khuynh hướng tập trung vào giảm dân số bản xứ. Trong trường hợp Mỹ, Úc và Canada, chính phủ thực dân phát triển chiến lược giảm dần dân số bản xứ bằng cách: kéo dài chiến tranh, đồng hóa, loại bỏ trẻ em và kết hôn với người bản xứ bằng cuộc hôn nhân khác chủng tộc (hoặc hiếp dâm)
Nhiệm vụ của các hệ thống thuộc địa khai thác là duy trì sự cân bằng nhậy cảm giữa một hệ thống lao động bản xứ to lớn mà nền kinh tế của nó phụ thuộc vào, và một dân số thống trị da trắng tuy nhỏ nhưng hiện diện rõ ràng. Trong trường hợp của Đông Dương thuộc Pháp - hệ thống thuộc địa khai thác, chính phủ Pháp phải vật lộn để duy trì sự hiện diện một cách hiển nhiên của người da trắng ở thuộc địa. Vậy thì, chính phủ thực dân Pháp ở Đông Dương đã làm thế nào để tăng số người cầm quyền da trắng lên? Trong bài báo này, tôi sẽ cho thấy rằng trong số các chiến lược để tăng số dân Pháp ở Đông Dương, chính quyền thực dân đã chuyển sang người lai [hỗn  chủng ] để giải quyết những thách thức về dân số liên quan đến màu da của một hệ thống thuộc địa khai thác và tăng chủng tộc Pháp da trắng ở Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp ở  Đông Dương đã di chuyển những con lai, những người có màu da trắng khỏi các bà mẹ Việt Nam, Campuchia, và Lào tới các trường nội trú, nơi họ được giáo dục  lại về văn hóa và trở thành những người đàn ông Pháp nhỏ. Chính quyền thuộc địa có ý định sử dụng họ để thúc đẩy việc tăng số dân Pháp da trắng ở thuộc địa.
Trong bài báo này, tôi sẽ phác họa từ các dữ liệu thu thập được trong lưu trữ của chính phủ, cũng như từ các nguồn tư liệu đã công bố và chưa công bố. Trong quá trình nghiên cứu của tôi, tôi đã xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin thu thập từ hơn 3.400 trẻ em. Cơ sở dữ liệu này theo dõi trẻ em qua nhiều thập kỷ, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành sau đó, và kể cả một số người tới Pháp hoặc không ở Việt Nam trong thời kỳ hậu thuộc địa. Với cơ sở dữ liệu này, tôi đã hình thành một luận điểm (và thậm chí còn rõ ràng hơn trong một bài báo khác đầy đủ hơn bài báo này cũng như trong cuốn sách của tôi) đó là căn nguyên rất rõ ràng từ dữ liệu có tính trải nghiệm để trả lời cho những phê bình chung rằng các nghiên cứu về người da trắng và các nghiên cứu thuộc địa là quá lý thuyết.
Mối bận tâm của chính quốc đối với vấn đề Dân số
Vấn đề dân số Đông Dương đã trở nên phức tạp bởi chính vấn đề dân số của nước Mẹ Pháp đặt ra. Nhu cầu kiến thiết lại quốc gia của chính phủ ở Mẫu quốc gắn liền với những lo ngại an ninh. Kể từ cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, Pháp đã gắn kết sự gia tăng dân số với sức mạnh quân sự, và theo đó là tiềm lực quốc gia. Số lượng lớn các thương vong quân sự và dân sự do chiến tranh thế giới chỉ làm trầm trọng thêm mối lo ngại thiệt hại về dân cư và việc tăng dân số Pháp[3]. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới, dân số ở mẫu quốc, như Elisa Camiscioli cho thấy, chủ trương xây dựng lại quốc gia Pháp nhất định phải là chủng tộc da trắng. Bởi vì những người theo chủ nghĩa dân số hình dung ra một chủng tộc da trắng, họ bác bỏ ý tưởng nhập khẩu lao động thuộc địa không phải da trắng, vì sợ rằng người lai sẽ dẫn đến sự thoái hóa của các chủng tộc da trắng. Thay vào đó, như Camiscioli viết, người theo chủ nghĩa nhân khẩu "hình dung một chính thể trắng tái sinh bằng việc sinh trẻ em lai trắng, nhưng kiên quyết không thể tích hợp các thuộc địa của nó". Do đó, những người theo thuyết nhân khẩu học quay sang "đồng hóa"người da trắng châu Âu, bao gồm Ý, Tây Ban Nha, và Ba Lan để làm tăng dân số Pháp[4].
Một số người dân Pháp trở về Mẫu quốc để làm tăng dân số chủng tộc Pháp. Họ tuyên bố rằng dân cư Pháp da trắng ở thuộc địa tăng nhanh chóng hơn ở mẫu quốc, và quy khả năng sinh sản ở thuộc địa cho một lối sống đơn giản dựa vào nông nghiệp, nhờ được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phong phú và không bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực của đô thị hiện đại. Mục tiêu lâu dài của những người đề xướng kế hoạch này là nuôi dưỡng số dân cư da trắng ở các thuộc địa và sau đó hồi hương những người da trắng sinh ra ở các thuộc địa của Pháp về cư trú tại Mẫu quốc.[5] Tất nhiên, mấu chốt của việc tăng trưởng dân số Pháp da trắng trong đế quốc, là khả năng của chính phủ Pháp trong việc thu hút các gia đình Pháp tới sinh sống thuộc địa, một nhiệm vụ hầu như không dễ dàng.
"Vấn đề" dân số ở Đông Dương
Sự quan tâm của người Pháp về sức mạnh dân số đã được phóng đại trong các thuộc địa, nơi những người Pháp da trắng là những người thuộc thiểu số. Trong Thế chiến I, các quan chức thực dân lo lắng rằng, sự vắng mặt của những người Pháp thực dân, những người đã được tăng cường cho cuộc chiến tranh ở châu Âu, sẽ làm những người Việt Nam địa phương giành được quyền lực kinh tế và chính trị. Các quan chức thực dân lo ngại rằng quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị của người Việt Nam sẽ đe dọa quyền lực của chính quyền Pháp. Năm 1916, một quan chức ở Cần Thơ, Henri Caillard, bày tỏ sự lo ngại rằng đất đai của những người trở về châu Âu tham chiến đã bị bán cho người bản xứ.[6] Một quan chức thuộc địa, A. Champanht, lo sợ rằng sự vắng mặt của thực dân Pháp ở khu vực này "từ quan điểm chính trị", sẽ làm tăng nguy cơ  người dân Đông Dương " ngày càng trở nên bất ổn và hỗn loạn."[7] Sự quan tâm của giới quan chức mạnh mẽ đến nỗi nếu họ cho thấy sự hiện diện của người da trắng là cần thiết trên địa bàn tỉnh của họ, họ sẽ được miễn nghĩa vụ quân dịch trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.[8]
Để khuyến khích gia tăng số dân da trắng, thực dân Pháp thiết lập Hội Khuyến khích sinh đẻ để thúc đẩy việc sinh ra những trẻ con Pháp da trắng ở thuộc địa và hỗ trợ cho cha mẹ của các gia đình đông con[9]. Henri Perot trong chương Vấn đề Đông Dương trong tài liệu của “Hiệp hội Cha mẹ của những gia đình đông con người Pháp bình dân” đã lý giải về sự gia tăng tỷ lệ sinh sẽ ngăn chặn "sự biến mất của chủng tộc của chúng ta" và đảm bảo rằng "Pháp, tổ quốc thân yêu của chúng ta, sẽ trở nên mạnh mẽ và đầy quyền lực "[10]. Hội Khuyến khích sinh đẻ vận động chính phủ thuộc địa đến các Viện xây dựng chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình đông con người Pháp. Hội Cha mẹ của gia đình đông con bình dân Pháp  yêu cầu chính quyền thực dân có chính sách ưu đãi như thuộc địa định cư cho người châu Âu, nhà ở, chăm sóc tại bệnh viện, tăng lương, và kỳ nghỉ cho cha mẹ da trắng của các gia đình đông con.[11] Một thành viên của một tổ chức gia đình lập luận rằng nên tăng lợi ích cho người cha của gia đình đông con, vì họ đã sửa chữa những sai lầm của người đàn ông độc thân, những người mà ông gọi là "ký sinh trùng của xã hội ... những người đàn ông ích kỷ, những người không thể hoặc không muốn tiếp nối chủng tộc Pháp."[12] Phản ánh sự phân biệt chủng tộc và động cơ tộc người ẩn dưới tư tưởng khuyến khích sinh đẻ ở thuộc địa, một người theo chủ nghĩa dân số học khác phàn nàn rằng ông ta và những người cha của các gia đình đông con khác chẳng nhận được lợi ích gì hơn đàn ông độc thân Trung Quốc, do đó ngụ ý rằng Pháp xứng đáng hơn người Trung Quốc – dân tộc có tỷ lệ tăng dân số nhanh chóng.[13]  Lời lẽ của những người theo phong trào Khuyến khích sinh đẻ sẽ được khai thác bởi các phong trào nữ quyền của Việt Nam, trong những năm 1930, vì lẽ đó, lo lắng về việc mất cân bằng về dân số trong gia đình người Pháp đã được nhận thức. [14]
Giải pháp người lai
Nhiệm vụ làm tăng chủng tộc Pháp da trắng ở Đông Dương là không dễ dàng, và chỉ riêng chính sách Khuyến khích sinh đẻ sẽ không đủ để đáp ứng. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ I và những năm tiếp theo, hàng ngũ các quan chức thuộc địa cao cấp và dân thường có liên quan thường xuyên sử dụng những lời khoa trương của mẫu quốc về tăng dân số Pháp da trắng và sử dụng nó để giải quyết một vấn đề nhận thức khác ở thuộc địa: sự pha trộn văn hóa. Hệ quả của mối quan hệ như vậy là trẻ con lai không được chính thức coi là người Pháp bởi vì họ không được chính thức công nhận bởi những người cha Pháp của họ. Những đứa trẻ này thường được đồng hóa vào xã hội bản địa và duy trì một bản sắc văn hóa Việt Nam, Campuchia, Lào. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều người dân thuộc địa Pháp và nhiều quan chức Pháp xem trẻ con lai, những người đã bị bỏ rơi bởi người cha Pháp của họ như những người sống bên lề xã hội. Tuy nhiên, vì số dân bị giết hai trong chiến tranh thế giới I, các quan chức và một số thường dân Pháp bắt đầu nhìn thấy con lai như giải pháp tiềm năng cho vấn đề dân số ở thuộc địa. "Vào thời điểm khi mà Mẫu quốc mỗi ngày đang bị mất thêm một ít máu của trẻ em ," Ủy ban Bảo vệ Trẻ em An Nam khẳng định, " chúng tôi  nhận ra rằng, từ quan điểm yêu nước ... , nghĩa vụ của chúng ta là tăng cường các nỗ lực để cứu lấy tất cả những người liên quan đến chủng tộc của chúng ta, ngay cả khi các mối quan hệ với họ là vô cùng nhỏ."[15] Trong một cuộc điều tra thuộc địa mở rộng vào năm 1938 tập trung vào "Vấn đề người lai," một quan chức thuộc địa đã viết, "trong một đất nước có tỷ lệ sinh thấp, việc từ chối những đứa trẻ có một nửa dòng máu Pháp là không thích hợp." [16] Viên quan tòa Thượng Thẩm An Nam cảnh báo Toàn quyền rằng "đất nước chúng ta không có một tỷ lệ sinh [ đủ cao] để [vứt bỏ đi ] đóng góp của những người mang dòng máu Pháp thuần chủng cũng như những người dễ dàng đồng hóa"[17]. Một người được yêu cầu trả lời khác đã viết rằng Pháp "cần trẻ em" và chính quyền thực dân nên tìm đến những người mà một nửa dòng máu chảy trong huyết quản họ là dòng máu Pháp."[18] Thế hệ lai "khỏe mạnh ", một người được hỏi khác lập luận, tạo nên "những người Pháp tốt”, những người hữu ích cho đất nước "[19]. So sánh trường hợp dân số lai ở các thuộc địa của Hà Lan như Indonexia, một người được hỏi khác cho rằng người lai về mặt chính trị thì không thể thiếu để duy trì đế chế. Tại khu vực thuộc địa của (công ty Đông Ấn) Hà Lan, người trả lời đã viết, dân lai đã "bảo tồn thuộc địa Hà Lan" và đảm bảo cho "sự tồn tại vững chắc của đế quốc."[20]
Thường dân Pháp, nhân viên quân sự, và các quan chức chính phủ tìm kiếm một cách có hệ thống ở vùng nông thôn Việt Nam, Campuchia và Lào các trẻ em được sinh ra bởi người mẹ Đông Nam Á với một người cha  Pháp hoặc một nước châu Âu khác. (Sau năm 1945, họ mở rộng cuộc tìm kiếm của họ tới những  trẻ em có cha là binh lính gốc Phi và Ấn Độ  phục vụ trong quân đội thực dân Pháp –những trẻ em không có dòng máu " của người da trắng", một vài điều  mà  tôi rất vui khi được nói đến sau này) Cụ thể, họ tìm kiếm những trẻ em có cha đã rời bỏ gia đình họ - cho dù đó là kết quả của một cuộc ly dị, cái chết, sự kết thúc của một mối tình lãng mạn, trở lại Pháp, hoặc bởi vì họ đã hãm hiếp những người phụ nữ sau này sẽ sinh ra con cái của họ. Bởi vì cha đẻ của rất nhiều đứa trẻ không kết hôn với các bà mẹ  của chúng và  không chính thức thừa nhận con của họ, những đứa trẻ lai bị lệ thuộc vào các bộ luật chính thức của dân bản xứ và không được phép hưởng các quyền và đặc quyền của công dân Pháp. Gán cho những đứa trẻ lai này, những đứa trẻ sống với các bà mẹ của họ, như là những đứa trẻ “bị bỏ rơi", các quan chức Pháp đã lấy quyền tạm bảo hộ chúng và đưa chúng vào các tổ chức. Các tổ chức này đã chính thức được xếp vào loại các "trại trẻ mồ côi" được vận hành bởi  "Hội Bảo trợ”, ngay cả khi nhiều bà mẹ của những đứa trẻ này đã không sẵn sàng từ bỏ quyền nuôi chúng. Các trại trẻ mồ côi này, tiến hành một chương trình giáo dục văn hóa, chuyển nhãn những đứa trẻ lai hỗn chủng" bị bỏ rơi" thành " những người Pháp nhỏ ."[21]
Như các quan chức thuộc địa và dân thường nhìn nhận, một trong những vấn đề chính cản trở kế hoạch sử dụng trẻ em lai “bị bỏ rơi" để bổ sung vào dân số Pháp này là các bà mẹ Việt Nam, Campuchia, Lào của những đứa trẻ. Các quan chức và thường dân Pháp đã bị phiền toái không chỉ vì những người phụ nữ bản xứ sinh ra những người đàn ông và phụ nữ cho nước Pháp trong tương lai, mà còn vì họ cũng nuôi dậy chúng trở thành những nhà dân tộc chủ nghĩa tiềm năng có văn hóa Việt, Campuchia, Lào. Để ngăn chặn trẻ em lai khỏi trở thành người có văn hóa châu Á và ngăn chúng không hình thành bản sắc chính trị văn hóa riêng của mình, và để hòa nhập chúng với xã hội thực dân Pháp da trắng, các quan chức thuộc địa và các thành viên Hội Bản trợ đã tách trẻ con lai khỏi mẹ chúng và môi trường văn hóa Đông Nam Á.
Sau khi ra khỏi môi trường xã hội Việt Nam, Campuchia, và Lào và được tái đào tạo tại các trại trẻ mồ côi Pháp, những người lai được bảo trợ đã được sử dụng để phục hồi dân số thuộc địa như những người đàn ông và phụ nữ Pháp mới. Từ 1919-1929, chính quyền thực dân Pháp gửi người lai “bị bỏ rơi” đến mẫu quốc để cung cấp lao động trong các khu vực bị suy giảm dân số vì bị giết chết trong thời gian chiến tranh và " đóng góp cho ... sự thịnh vượng của quốc gia." [22] Người lai Á-Âu là một lựa chọn thích hợp hơn là nhập khẩu lao động nước ngoài từ các khu vực khác của châu Âu. "[Nếu] lớn lên tại Pháp và không có bất kỳ mối liên hệ nào tới tâm lý bản địa", Bộ trưởng Bộ thuộc địa đã viết, "trẻ lai của của một người cha Pháp thì đủ điều kiện để trở thành người Pháp hơn [là] một người nước ngoài mà trong dòng máu của anh ta không có lấy một giọt máu Pháp và chỉ nhập quốc tịch Pháp bởi việc kéo dài thời gian ở Pháp."[23]
Lịch trình thứ hai về nhân khẩu học cho những người lai là đào tạo họ trở thành sĩ quan trong quân đội thuộc địa. Năm 1938, chính quyền thực dân thành lập một học viện quân sự cho những chàng trai lai “bị bỏ rơi".[24] Những người được giám hộ sẽ tạo thành nhóm lãnh đạo rất cần thiết cho quân đội thuộc địa, sẽ trung thành với Pháp, nhưng, với các kỹ năng song ngữ của họ, họ có thể giao tiếp hiệu quả với với các binh sĩ.
 Kế hoạch 3 nhằm sử dụng người lai để giải quyết vấn đề nhận thức kế hoạch dân số ở thuộc địa là để phát triển các khu định cư người lai trong khu vực chiến lược của An Nam, nơi mà một số lượng lớn nông dân Việt từ Bắc Bộ đã được tái định cư như là một phần của các chương trình khoanh vùng định cư của người Bắc Bộ để giải quyết vấn đề dân số ở đồng bằng sông Hồng và khai khẩn thêm đất đai ở An Nam. Công sứ Pháp từ Gia Định cho rằng 'kỹ năng song ngữ của người lai sẽ giúp cho thuộc địa vì họ có thể trở thành "bậc thầy" đối với những người lao động bản xứ.[25] Chương trình này, bắt đầu vào năm 1919, đã gửi những người lai Á - Âu tới Xuân Lộc, Đồng Nai, dọc theo con đường thuộc địa cũ Đà Lạt, gần Núi Bà Rá, và ở Djiring-Blao.[26] Đến năm 1943, Hội bảo trợ thành lập một Trung tâm hình thành những người thực dân Á-Âu tại Bến Cát, gần Thủ Dầu Một, những người đã tốt nghiệp được dự kiến ​​sẽ định cư trên khắp An Nam.[27]
        Như một phần của chương trình này nhằm đưa dân đến các khu vực chiến lược của Tây Nguyên với những người lai Á - Âu, chính quyền thực dân đã dùng những người lai đến định cư tại các khu vực của cao nguyên Langbian và thành phố Đà Lạt, được dự kiến ​​sẽ trở thành thủ đô thuộc địa mới[28]. Đà Lạt được phục vụ như một "Trung tâm châu Âu" và một "đối trọng đối với quyền lực của người Việt Nam".[29] Thành phố được thiết kế như là nơi sinh sống chủ yếu của các quan chức da trắng, nhưng chính quyền thực dân không thể tuyển dụng đủ số lượng cư dân da trắng. Ngay từ chiến tranh thế giới thứ I, quan chức hội bảo trợ đã đưa ra ý tưởng di dời người lai Á – Âu được bảo trợ tới Langbian, khu vực liên kết chặt chẽ với thành phố Đà Lạt, nhưng kế hoạch này đã không trở thành hiện thực cho đến khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ.[30] Kiến ​​trúc sư quy hoạch Đà Lạt trong thời kỳ chiến tranh thế giới II (và một trong những người lai tích cực nhất trong kế hoạch di chuyển trong lịch sử của thuộc địa) là Georges Coedès, chủ tịch của L'École Française de l'Extrême Orient và bản thân ông là cha của sáu đứa con lai[31]. Theo kế hoạch này, người lai sẽ cung cấp một sự hiện diện của người da trắng ở thủ đô được đề xuất, kể từ khi thành lập vào những năm 1890[32], các quan chức đã cố gắng để lấp đầy vào đó  những người da trắng. Quan chức  hội Bảo trợ thổ lộ rằng một khu định cư người lai ở Đà Lạt sẽ không chỉ phục vụ người lai An Nam, mà cho tất cả người lai Đông Dương "bằng cách đưa người dân đến các khu định cư với những trẻ em, những người sẽ trở thành người  Pháp da trắng[33].
Kế hoạch thứ tư là hội nhập trẻ em lai “bị bỏ rơi" vào xã hội thuộc địa Pháp  như  một tầng lớp tinh hoa chính trị Pháp cố định. Khi trưởng thành, những người lai sau này sẽ đảm nhận các vị trí hành chính do những người Pháp nắm giữ trước đây, vì vậy đảm bảo rằng các thuộc địa sẽ không bao giờ thiếu các quan chức người Pháp da trắng. Theo kế hoạch của tổ chức Jules Brévié, trẻ em lai  Á – Âu “bị bỏ rơi”  sẽ được "làm người Pháp"[34] và giáo dục để tạo thành một tầng lớp  "thực dân trong tương lai,"[35] hoặc một "tầng lớp người Pháp đặc biệt ở Đông Dương” (classe spéciale de 'Français de l'Indochine") những người được mong đợi như là những người Pháp ở thuộc địa vĩnh viễn [36]. Coedès dự đoán rằng tầng lớp thượng lưu Pháp mới này sẽ tương ứng với tầng lớp chính trị thượng lưu Việt Nam, Campuchia và Lào đã từng tồn tại ở thuộc địa.[37] Thống đốc bày tỏ mong muốn "xây dựng một nền văn minh hỗn hợp Pháp-Đông Dương "[38].
Kết luận
        Chúng tôi xin quay trở lại sự so sánh thuộc địa di dân và thuộc đia khai thác ở phần đầu bài báo này. Thật thú vị, cả hai loại thuộc địa di dân và thuộc địa khai thác đều thực hiện một chính sách di chuyển  trẻ em, giáo dục lại văn hóa, và đồng hóa để tái tạo một nhóm dân số thuộc địa lý tưởng, cho dù các mục tiêu khác nhau. Thuộc địa Khai thác Đông Dương di chuyển, tái giáo dục, và đồng hóa trẻ em hỗn chủng như một phần của kế hoạch tăng dân số định cư da trắng trong khi các thuộc địa của Mỹ, Úc và Canada di chuyển, tái giáo dục, và đồng hóa trẻ em bản địa như một phần của kế hoạch giảm dân số bản địa. Thật vậy, trong khi mục tiêu dân số của thuộc địa định cư và thuộc địa khai thác là rất khác nhau, chính sách để đạt được điều đó thì lại tương tự như nhau.
Những câu chuyện về chính sách loại bỏ những đứa trẻ bản địa là một giải pháp cho những thách thức dân số thuộc địa đưa ra một số câu hỏi: Tại sao các chính phủ lớn và mạnh mẽ như vậy lại dành nhiều nguồn lực để can thiệp vào một dân số quá nhỏ cả về số lượng và tầm vóc? Điều gì đã khiến những trẻ em và các bà mẹ của họ bị coi như một mối đe dọa trong con mắt của chính quyền?  Điều có thể học được trong việc đặt phụ nữ và trẻ em thuộc địa vào trung tâm của nó có thể cho chúng ta biết về những cách thức mà quyền lực hợp pháp của các nhà nước thuộc địa kiểm soát các công dân và những người bị lệ thuộc vào họ?




[1] Patrick Wolfe,”. Đất đai, lao động, và sự khác biệt: cấu trúc cơ bản của chủng tộc," Tạp chí Lịch sử Mỹ 106, số. 3 (2001): tr 868 ..
  2. Penny Edwards,” Đất gia đình ( On Home Ground ): Sự khác biệt giữa đất định cư và đất khai hóa trong các thuộc địa Không định cư ' ở Miến Điện và Campuchia," Tạp chí Lịch sử  Thuộc địa  và chủ nghĩa thực dân, số. 3 (2003).
[3]  Phong trào Khuyến khích sinh đẻ có nguồn gốc  từ  sự lo lắng có tính  chính trị của Pháp ở  thế kỷ 19 về sức mạnh quân sự. Những năm 1870, Pháp thất trận  trước quân Đức đã gây ngạc nhiên cho công chúng Pháp. Các chính trị gia Pháp và các quan chức quân sự đã kết nối  sức mạnh chính trị-quân sự với số liệuvề dân số. Giới quân sự Pháp cho rằng sự thiệt hại có quan hệ với dân số tương đối ít ỏi của Pháp, rằng nó đã không cung cấp đủ  quân đội, ngược lại dân số Đức lớn hơn  đã cung cấp cho quân đội số binh lính dồi dào hơn cho các trận đánh. Nhà nhân chủng học và người theo thuyết ưu sinh Pháp cảnh báo rằng xu hướng suy giảm dân số sẽ làm Pháp suy yếu không chỉ về sức mạnh quân sự mà  cả với tư cách là một nhóm chủng tộc” William H. Schneider,Định lượng và định tính: Cuộc tìm kiếm tái tạo sinh học ở Pháp trong thế kỷ XX”-( Cambridge: Cambridge University Press, 1990) 13-15; Cũng xem  Lapouge, “Vấn đề suy giảm dân số  ở Pháp”, Tạp chí nhân học số 16 (1887);  Boudin, “Vấn đề suy giảm dân số ” phiên ngày 7 /6/ 1860,  “Vấn đề suy giảm dân số”,  Tạp chí dân tộc học,  350 -351; Chervin, Authour,  "Nghiên cứu về các kết quả của Tổng điều tra Dân số”, Thông tin Nhân học xã hội Paris (1881): 428; Gustave la Grueau, “ “Ghi chú về tổng điều tra dân số”, Thông tin Nhân học xã hội Paris (1882); Clemence Royer “ Sự suy giảm dân số Pháp”, Thông tin Nhân học xã hội Paris  (1890): 680; Jacques Bertillon, “, Về sự sinh đẻ ở Pháp”,  Thông tin Nhân học xã hội Paris (1891): 366; G. Diamandy “ Vai trò của nền kinh tế xã hội trong vấn đề suy giảm dân số và tái sinh dân số của Pháp ", Thông tin Nhân học xã hội Paris  (1891): 425; G. Cauderlier, “ Nguyên nhân của việc suy giảm dân số của Pháp”, Thông tin Nhân học xã hội Paris (1901): 520; Lejeune, “ Về việc sinh đẻ ở Pháp” Thông tin Nhân học xã hội Paris (1902): 313; Emile McQuart “Tỷ lệ tử vong – sinh đẻ và sự suy giảm dân số”, Thông tin Nhân học xã hội Paris (1902): 385. 
[4] Dân số thời kỳ chiến tranh đã dẫn đến những lo ngại về an ninh quốc gia Pháp và tạo ra một khoảng cách trong thị trường lao động, do đó hạn chế sức mạnh sản xuất của Pháp. Pháp cần đàn ông để phục hồi lại đất nước và tham gia vào lực lượng lao động. Như một giải pháp ngắn hạn, những người theo chủ nghĩa dân số tìm cách nhập khẩu lao động nam nước ngoài, nhưng chỉ những người có thể "đồng hóa" vào xã hội Pháp và mô phỏng lại chủng tộc Pháp Di dân, sự thân thiện và sự hiện thân ở đầu thế kỷ XX (Durham: Duke University Press, 2009), 17.
[5] Margaret Cook Andersen, ", Sự sáng tạo của việc  định cư hải ngoại của Pháp: chủ nghĩa khuyến khích sinh đẻ và Y học thuộc địa ở Madagascar,"  Nghiên cứu Lịch sử Pháp tr 33, số. 3 (2010).; Margaret Cook Andersen, Một nguồn thanh niên thuộc địa: Chủ nghĩa đế quốc và cuộc khủng hoảng giảm dân số Pháp 1970-1940" (University of Iowa, 2009).
[6]  Thư,  một quan chức tỉnh Cần Thơ gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 12/2/1916, VNNA 2, Fonds Goucoch IB25/109 (4).
[7] Thư, A. Champanht  gửi bộ chiến tranh ngày 8/1/1017, VNNA 2: Fonds Goucoch IA.6/051; Thư, M. Renault,  quan chức tỉnh Rạch gía gửi Toàn quyền Đông Dương 2/2/1917, VNNA 2, Fond Goucoch IA.6/052.
[8]  Thư, A. Champanht gửi  Bộ chiến tranh ở Paris, ngày 8/1/ 1917, VNNA 2: Fonds Goucoch IA.6/051; Thư, M. Renault, quan chức tỉnh Rạch Giá, gửi Toàn quyền Đông Dương ngày  2/2/1917. VNNA 2, Fond Goucoch IA.6/052.
[9]  Năm 1914, đạo luật về xã hội tuyên bố rằng tổ chức đã tồn tại để đấu tranh với việc suy giảm dân số Pháp da trắng, giúp đỡ các gia đình khó khan và trợ giúp việc chăm sóc trẻ em nhằm tăng trẻ em chủng tộc Pháp da trắng “ Điều lệ của Hội cha mẹ đứng đầu gia đình ở Bắc bộ và Bắc trung bộ Việt Nam, ngày 19 /2/ 1914. VNNA 1, Fonds RST 4475.
[10] “ Hội Cha mẹ gia đình đông con Pháp”  Henri Perot, 20 /7/ 1916. VNNA 4, RSA 1170.; “Hội Cha mẹ gia đình đông con Pháp “Mục Đông Dương” , Henri Perot, không ghi ngày,. VNNA 4, RSA 702 (trước 699).  
[11] “ Chương trình cải thiện khó khăn cho các gia đình đông con”  năm 1919. VNNA 1, RST 20697.
[12] Thư, Từ ủy ban  của chi hội Hà Nội của Hiệp hội  Công chức, chủ gia đình đông con gửi Toàn quyền Đông Dương ngày  30 /7/ 1914. VNNA 1, GGI 5041.
[13] Thư, Từ ủy ban  của chi hội Hà Nội của Hiệp hội  Công chức, chủ gia đình đông con gửi Toàn quyền Đông Dương ngày  30 /7/ 1914. VNNA 1, GGI 5041.
[14]Các bài báo hướng vào các độc giả nữ của những năm 1930 đã vẽ nên một sự giống nhau giữa các gia đình và các quốc gia và miêu tả gia đình như là phương tiện để tái sản xuất, và do đó tăng cường sức mạnh dân tộc. Trong ý nghĩa cơ bản nhất, điều này có nghĩa là dân số ngày càng tăng. Đó là một chương trình nghị sự rõ ràng có nguồn gốc từ đô thị và phong trào ủng hộ gia đình và khuyến khích sinh đẻ ở thuộc địa của Pháp đã trở thành phổ biến trong các thuộc địa trong Thế chiến I. Ví dụ, một nhà báo tuyên bố "Xã hội nên khuyến khích các gia đình đông con." Nhiều trẻ em, theo bài báo khác, là chìa khóa để tái tạo một xã hội mạnh . Nhiệm vụ tái tạo quốc gia cũng kéo theo sự phát triểnvững chắc, các công dân trẻ yêu nước. Nhà báo kêu gọi các bà mẹ nuôi dạy con cái của họ  trở thành những trí thức sẽ lãnh đạo  quốc gia độc lập của Việt Nam, thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc Pháp. Xem:"Xã  Hội Phải Khuyến Khích Những Gia Đình Đông Con ", Phụ Nữ Tân Văn, 10 October 1929.; "Xã Hội Là Gì?," Phụ Nữ Tân Văn, 10 November 1932. ; "Nuôi Con Để Cậy Về Sau," Phụ Nữ Tân Văn, 14 January 1932.
[15] Những người lai đó đã đóng vai trò trong các kế hoạch nhằm tái tạo chủng tộc Pháp ở Đông Dương phản ánh sự khác biệt giữa cách  mà lý thuyết nhân khẩu học và  chủng tộc phát triển ở Mẫu quốc và Đông Dương. Lộ trình khác ở  thuộc địa  của những hình dung về chủng tộc có kết quả từ nhân khẩu học chủng tộc riêng biệt của nó. Thứ nhất, người Pháp da trắng ở thuộc địa không đông bằng người châu Á, và, cho thấy rằng người Pháp đã bắt đầu đánh đồng số dân với sức mạnh chính trị và quân sự, thực dân Pháp ở Đông Dương đã khá lo lắng về  khả năng sức mạnh của chính quyền thuộc địa  cuối cùng bị mất kiểm soát ở thuộc địa. Một sự khác biệt thứ hai về nhân khẩu học giữa các thuộc địa và Mẫu quốc là sự phổ biến trong các thuộc địa  quan hệ tình dục giữa các chủng tộc và các gia đình lai, cả hai đều bình thường hóa tính chất lai  chủng tộc  và đặt ra câu hỏi ranh giới của tính chất” trắng”. Cuối cùng,  liên quan tới sự có mặt khắp nơi trong các thuộc địa sự hiện diện của người lai  Âu Á  những người đã không bị bỏ rơi bởi người cha người Pháp của họ, và là, đối với hầu hết bộ phận,  được chấp nhận về mặt xã hội như là những người Pháp, thực hiện việc công nhận  trẻ em lai như  là những người Pháp thì dễ dàng hơn nhiều trong các thuộc địa. Sự  tương phản về tính đặc thù nhân chủng trong các thuộc địa và Mẫu quốc cũng diễn ra trong chính sách khuyến khích sinh đẻ và thái độ đối với gia đình, đặc biệt là những ý tưởng về vai trò của bà mẹ. Bản ghi nhớ, Ủy ban của Hội Bảo vệ Trẻ em Á-Âu bị bỏ rơi của An Nam (Huế) gửi cho đại diện của Hiệp hội các Thư ký trong dịch vụ dân sự của An Nam, [Undated World War I, probably 1916]. VNNA 2, RSA 867.
[16] “Vấn đề người Âu-Á ở Bắc kỳ “năm 1938. CAOM, FM Guernut 97.
[17]  Thư, RSA to GGI, 24 July 1938. CAOM, FM Guernut 97.
[18]  “ Vấn đề người Âu-Á ở Bắc Kỳ” năm 1938. CAOM, FM Guernut 97.
[19] “Một số người tin rằng người lai có một khả năng đặc biệt trong việc thích nghi với những điều kiện khí hậu khác nhau, trái ngược với sự khó chịu  bởi  sự nóng nực của vùng  nhiệt đới đã ức chế sự tăng trưởng dân số Pháp ở Đông Dương. Công sứ Pháp ở Qui Nhơn tin rằng những lợi thế này cho thấy rằng người lai "có khả năng tạo thành một khuôn khổ vững chắc cho việc thực dân hóa nếu họ được định hướng tốt “Khảo sát số 4: Về vấn đề người lai” người trả lời từ Quy Nhơn 8/5/ 1938. CAOM, FM Guernut 97.; “ Khảo sát  số 4 về tình hình người Âu-Á” người trả lời từ Gia định , 20/4/1938. CAOM, FM Guernut 97.; “Khảo sát số 4 về tình hình người Âu-Á ở Đông Dương” Người trả lời từ  Bạc Liêu, 1938. CAOM, FM Guernut 97.; “Khảo sát số 4 về vấn đề người lai” Người trả lời từ Quy Nhơn, 14 /5/ 1938. CAOM, FM Guernut 97; Về một phân tích  tuyệt vời về thực dân Pháp thích nghi với môi trường”, xem  Eric T. Jennings, Curing the Colonizers: Hydrotherapy, Climatology, and French Colonial Spas (Durham: Duke University Press, 2006).
[20]  Để chứng minh trường hợp của mình, ông trích dẫn  vị Tướng đáng kính Văn Daalan, người chỉ huy cao cấp của quân đội rằng mình là người lai:. Nếu không có người Lai, ông kết luận, "xã hội thuộc địa Hà Lan sẽ không thể duy trì chính nó." “Vấn đề người Âu –Á ở Bắc kỳ” 1938. CAOM, FM Guernut 97.
[21] M. Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em An Nam,  m. RSA, 6 /6/ 1917. VNNA 4, RSA 2862. Không thể xác định có bao nhiêu trẻ em bị tách khỏi người  mẹ và môi trường bản địa vì các ghi chép lịch sử chưa đầy đủ và  các hội bảo trợ là các đơn vị độc lập  được phân cấp, trong hầu hết thời gian  tồn tại của nó. Hơn nữa, trẻ em lai bị  "bỏ rơi"  rất khó   theo dõi, vì chúng thường sống bên lề xã hội, và được phân loại một cách chính thức như là những người "nghèo khổ,"  tầng lớp được phân loại hợp pháp  cho  những người bản xứ ở các thuộc địa. Sự phân loại này có nghĩa là không có sự phân biệt chính thức nào giữa các trẻ em lai Việt Nam, Lào, hoặc Campuchia . Tuy nhiên, tôi ước tính, chương trình "bảo vệ"  xử lý hơn 15.000 trẻ em, trong đó tôi đã thu thập dữ liệu cá nhân trên hơn 3.400 trẻ em.
[22] . Thư, Révérony, Phó chủ tịch Hội gửi GGI, 8 January 1923. CAOM, GGI 16773.
[23] Thư,  Bộ thuộc địa gửi GGI, 18 October 1926. VNNA 1, RST 48972
[24] Học viện quân sự người của Người lai được yêu cầu lần đầu tiên vào năm 1916. “Khảo sát về người Lai,” 1938. VNNA 1, RST 71816.
[25]“Khảo sát số 4 về tình hình người Âu-Á ở Đông Dương,” người trả lời từ tỉnh Gia Định, 20 4/ 1938. CAOM, FM Guernut 97.
26 Tên hiện nay của Djiring là Di Linh. Tên hiện nay của Blao là Bảo Lộc. Ghi chú, từ giám đốc của dịch vụ kinh tế, 10 October 1942. VNNA I, GGI 89.; Tổng thanh tra bảo hộ lao động và xã hội gửi George Coedès, 26 November 1942. VNNA I, GGI 472.; Thư Toàn quyền Đông Dương gửi GGI, 3 /11/ 1941. VNNA I, GGI 4806.
[27] Quỹ Jules Brévié năm 1943 Hội ​​nghị thường niên của Hội đồng quản trị, Biên bản tiến trình kỳ  họp ngày 20/9/1943.” VNNA 1, GGI 482.
[28] Éric Jennings, "Đà Lạt, thủ đô của Đông Dương: tái thiết không gian và khung cảnh cuối thời kỳ thuộc địa, Tạp chí nghiên cứu Việt Nam 4 số. 2 (2009).
[29] Như trên
[30]  Thông tư của Hội Bảo trợ trẻ em lai bị bỏ rơi ở An Nam. Không ghi ngày tháng nhưng có lẽ giữa 1914-1916 VNNA II, Tập tài liệu của công sứ cao cấp ở Annam 867.
[31]  Một cuộc thảo luận phong phú về các mối quan hệ giữa các nhà đông phương học, chính quyền thực dân, và các tổ chức phúc lợi xã hội, xem Saada and Pierre Singaravélou.; Emmanuelle Saada. 112-126; Pierre Singaravélou L’Ecole francaise d’extrême-orient ou l’insitution des marges (1898-1956): Essai d’histoire sociale et politique de la science coloniale  (Paris: L’Harmattan, 1999) 142.
[32]  Éric T. Jennings, Những đỉnh cao đế chế: Dalat và những thành công và suy thoái của Đông Dương thuộc Pháp, ed. Christopher Goscha and Fredrik Logevall, Từ Đông Dương tới Việt Nam: Cách mạng và chiến tranh dưới góc nhìn toàn cầu (Berkely: University of California Press, 2011).
[33] M. Lan, chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em lai bị bỏ rơi ở An Nam gửi RSA, 7 October 1917. VNNA II, RSA 867.
[34] Ghi chú cho vấn đề người lai Âu Á của RP Smith, Giám đốc của trại trẻ mồ côi R. Robin, không ghi ngày tháng,  năm 1942.. VNNA 1, GGI 89.
[35]   Thư, Toàn quyền Đông Dương, 14 /12 1943. VNNA I, GGI 10349.
[36] Báo cáo công tác của Quỹ Jules Brévié trong năm 1943 bởi George Coedès , 1944. VNNA I, Fonds GGI 482.
[37] Xem tham khảo những gợi ý cho Coedès 'trong thư của Chủ tịch Hội đồng hành chính quỹ Jules Brévié gửi Tổng Thanh tra Lao động và Xã hội , 10 /12/ 1942. VNNA  GGI 89;. Ghi chú cho  Giám đốc Tổng cục Pháp chế,, 24 /12/ 1942. VNNA I, GGI 89.
[38] Toàn quyền Đông Dương, ghi chú cho Giám đốc Tổng cục Pháp chế, pháp luật của Tổng cục Tranh tụng và lao động tại Hà Nội, 24 /12/ 1942. VNNA 1, GGI 89.



* Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 9 ( 446), 2013

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...