Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Tâm thức biển Việt Nam

Bài trên báo Nhân dân ngày 27/2/2015
                                                                                                NGUYỄN QUANG NGỌC
  
Ngư dân các làng biển miền trung vào mùa đánh bắt mới. Ảnh: DƯƠNG HỒNG LÂM
Ngư dân các làng biển miền trung vào mùa đánh bắt mới. Ảnh: DƯƠNG HỒNG LÂM

Từ buổi bình minh của lịch sử đất nước, người Việt Nam luôn nhận mình là con người của biển, sinh ra từ biển, lớn lên trên biển, gắn bó máu thịt với biển. Biển là không gian sinh tồn và phát triển; là biểu tượng của sự hùng cường, sức vươn lên và những điều tốt đẹp, tinh hoa, tinh túy nhất của dân tộc. Tâm thức biển Việt Nam kết quyện lại chính là tình yêu và sự gắn bó số mệnh với biển của mỗi người dân.
Tiếng vọng cội nguồn
Việt Nam nằm ở phía đông của bán đảo Đông Dương, có địa thế tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km. Biển Đông là không gian sinh tồn, là cánh cửa mở ra với thế giới của Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử.
Không gian biển đảo Đông Bắc là nơi sản sinh nền văn hóa Hạ Long nổi tiếng cách ngày nay hàng nghìn năm. Văn hóa Hạ Long là một dòng văn hóa bản địa góp phần tạo thành nền văn hóa Đông Sơn và tô đậm thêm yếu tố biển của nền văn minh đầu tiên của người Việt. Đây cũng đồng thời là địa bàn căn bản của nước Văn Lang, Âu Lạc.
Ở khu vực miền trung, trên dải đất núi ăn ra sát biển, sông ngắn và dốc, đồng bằng nhỏ hẹp, thật khó có thể bảo tồn được sự sống lâu dài nếu con người hoàn toàn chỉ đánh cược vào nghề nông. Để tồn tại và phát triển, từ cư dân tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh đến người Chăm không còn con đường nào khác là phải tiến ra biển, tìm ở biển một con đường sống mới. Thông qua các hoạt động mưu sinh, từ vùng biển gần đến các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, người Sa Huỳnh, Chămpa trở thành chủ nhân đích thực của biển khơi.
Nam Bộ là một vùng đất cổ, có lịch sử văn hóa lâu đời và gắn bó hữu cơ với môi trường sông biển. Cư dân Nam Bộ suốt trong quá trình hình thành và phát triển luôn là cộng đồng cư dân có truyền thống khai thác biển mạnh hơn nhiều vùng khác.
Lịch sử Việt Nam do được tích hợp từ ba dòng như thế, tuy mỗi khu vực vẫn bảo tồn những truyền thống riêng, nhưng cũng sớm định hình một xu thế thống nhất của một dòng chảy chủ đạo, trong đó năng lực khai chiếm các vùng biển đảo trở thành thước đo sức mạnh và vị thế của một vương triều hay một thời đại.
Chắc chắn các nhà nước Ngô, Đinh, Tiền Lê dưới các hình thức khác nhau, đều đã có chiến lược biển, nhưng do hạn chế về tư liệu mà khó có thể mô tả được cụ thể. Đến thời Lý, đặc biệt vào thời Lý Anh Tông, nhà vua đã có cả một chiến lược tương đối đầy đủ và hệ thống đối với các vùng biển đảo như xây dựng các cơ sở quản lý của triều đình trung ương, đóng mới và tổ chức các đội thuyền lớn chuyên hoạt động trên biển, tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xác định ranh giới trên biển, bảo vệ dân chúng và mở rộng các quan hệ giao thương buôn bán với nước ngoài.
Bước sang thời Trần, công việc tổ chức khai thác, quản lý và phòng thủ biển đảo càng ngày càng được tổ chức quy củ. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ 13 của quân dân Đại Việt và Chămpa là một thiên anh hùng ca bất hủ, vì nó đã đánh bại không chỉ một lần mà đến cả ba lần một đại đế chế hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới đương thời. Kỳ tích của quân dân Đại Việt và Chămpa chính là đã khai thác triệt để lợi thế biển đảo để tổ chức các trận tiêu hao, tiêu diệt và dồn đoàn quân xâm lược vào một điểm tử huyệt ở cửa biển Bạch Đằng và nhấn chìm chúng chỉ trong một con nước triều.
Dưới thời Lê, đặc biệt là thời Lê Thánh Tông cuối thế kỷ 15, Biển Đông đã trở thành con đường chủ đạo mở mang quốc gia Đại Việt.
Vùng duyên hải phía nam được kéo dài đến địa đầu Phan Rang và mở rộng ra tận Bãi Cát Vàng, vừa khẳng định sự tiếp nối truyền thống khai thác biển đảo của các vương triều Chămpa trước đây, vừa thể hiện ý chí muốn vươn ra khai chiếm toàn bộ vùng biển đảo quan yếu này. Đấy chính là cơ sở để Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tổng kết thành nguyên tắc phát triển của quốc gia Đại Việt thế kỷ 16: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình" Tiếp nối truyền thống của cha ông, đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định thành lập đội Hoàng Sa chính thức khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông.
Đến cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn còn đặt thêm đội Bắc Hải đặc trách quản lý quần đảo Trường Sa và khu vực nam Biển Đông. Các vương triều Tây Sơn cũng vẫn tiếp tục đưa các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra các vùng biển đảo xa xôi làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tâm thức dân tộc
Có một thực tế là dù dưới vương triều hay thể chế nào thì người được điều ra quản lý, khai thác và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn phần nhiều là người gốc Sa Kỳ, Lý Sơn. Đấy là lý do giải thích tại sao ở Sa Kỳ, Lý Sơn hầu hết các di tích, truyền thuyết, văn hóa vật chất, tinh thần, văn hóa tâm linh... đều gắn với Hoàng Sa -Trường Sa. Người dân đảo Lý Sơn cũng như nhiều làng ở khu vực cửa Sa Kỳ còn lưu giữ được số lượng rất lớn truyền thuyết dân gian, thơ ca hò vè, ghi chép các phong tục tập quán, hội hè, tín ngưỡng trực tiếp hay gián tiếp phản ánh hoạt động của đội Hoàng Sa và sứ mệnh bảo vệ, khai thác vùng biển đảo. Đặc biệt là các miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa; nguyện dấn thân vào cõi chết vì sự ổn định và trường tồn của một vùng biển đảo thiêng liêng.
"Hoàng Sa trời nước mênh mông, Người đi thì có mà không thấy về.
Hoàng Sa mây nước bốn bề, Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa".
"Hoàng Sa đi có về không, Lệnh Vua sai phái quyết lòng ra đi"...
Sa Kỳ, Lý Sơn, vì thế, từ lâu đã trở thành biểu tượng ngời sáng của truyền thống biển, văn hóa biển và tâm thức biển Việt Nam.
Người Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử đất nước cho đến nay luôn nhận mình là con người của biển, sinh ra từ biển, lớn lên trên biển, gắn bó máu thịt với biển. Biển là không gian sinh tồn, không gian phát triển, không gian linh thiêng, sống cùng biển, chết không rời biển.
Biển mênh mông, biển sâu thẳm; biển là bão tố, phong ba, nhưng biển cũng thật hiền hòa, thân thuộc. Biển Đông vô cùng lớn lao, hùng vĩ, nhưng cũng không phải là không thể chinh phục được bằng sức mạnh đoàn kết và đồng thuận: "Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn/Thuận bè thuận bạn tát cạn Biển Đông". Biển là biểu tượng của sự hùng cường, của sự chung sức chung lòng, của sức sống, sức chịu đựng, sức vươn lên và những cái tốt đẹp, tinh hoa, tinh túy nhất của dân tộc. Tâm thức biển Việt Nam kết quyện lại chính là tình yêu và sự gắn bó số mệnh với biển của người dân Việt Nam. Đấy cũng là một nội dung lớn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tâm thức biển hay chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người, thành hằng số trong cuộc sống của cả cộng đồng dân tộc.
                                                                                            GS, TS, NGND NGUYỄN QUANG NGỌC
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/25690002-tam-thuc-bien-viet-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...