Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng trong Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và Tiếng Việt- Những vấn đề Lý luận và Thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ISBN 978-604-73-3750-7, từ tr 50-67
Tóm tắt:
Ra đời cùng với quá trình thực dân hóa của đế quốc Pháp ở Việt Nam, báo chí tiếng
Việt đã nhanh chóng phát triển từ vị trí là công cụ của chính quyền thực dân
sang vai trò của một kênh thông tin, truyền bá văn hóa. Trong điều kiện Việt Nam đang chịu ách đô hộ của thực dân
Pháp sự phát triển của báo chí đã tạo nên một không gian văn hóa tư tưởng giúp
người dân thảo luận về các vấn đề của đất nước, của dân tộc… Đặc biệt, dưới sự
lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, báo chí đã nhanh chóng trở thành phương tiện
tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc
trong những năm nửa đầu thế kỷ 20
( Từ khóa:
báo chí, dòng báo chuyên biệt, giải phóng dân tộc, văn hóa, tư tưởng)
Báo chí tiếng Việt ở Việt Nam mặc dù ra đời và phát triển cùng với quá trình thực dân hóa của
chủ nghĩa tư bản Pháp, nhưng đã nhanh chóng trở thành phương tiện thông tin,
truyền bá văn hóa, tư tưởng… Đặc biệt, báo chí tiếng Việt đã tạo ra những diễn
đàn bước đầu có tính dân chủ cho những cuộc thảo luận về các vấn đề chính trị, tư
tưởng, văn hóa và xã hội…của các trí thức Việt Nam yêu nước, góp phần tạo nên
những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ở Việt
Nam trong tiến trình hội nhập với thế giởi hiện đại. Trong bài viết này, chúng
tôi xin được giới thiệu sơ lược các giai đoạn phát triển và những nét nổi bật của
báo chí tiếng Việt từ khi hình thành tới Cách mạng tháng Tám năm 1945, với hy
vọng đem lại cái nhìn toàn cảnh về báo chí Việt Nam thời thuộc địa.
1.
Từ vai trò là công cụ cai trị của chính quyền
thực dân tới vai trò là phương tiện
truyền bá tư tưởng và văn hóa mới của báo chí Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế
kỷ XX
Trước
khi bị Pháp xâm lược, Việt Nam hoàn toàn chưa có báo chí. Năm 1858, Pháp nổ súng
xâm lược Việt Nam, và trong thời kỳ đầu của cuộc chinh phục này, thực dân Pháp đã
sử dụng báo chí như một công cụ phục vụ quá trình xâm lược của chúng. Lịch sử
cũng như nội dung các tờ báo thời kì này phản ánh rõ quá trình xâm lược của
thực dân Pháp cũng như vai trò phục vụ công cuộc xâm lược và cai trị của những
tờ báo tiếng Pháp thời kỳ này. Ví dụ ngay trong quá trình xâm lược Nam Kỳ, Pháp
đã ra tờ Le Bulletin
Officiel de L’Expe’dition de la Cochinchine (Tập kỷ yếu công vụ cuộc viễn chinh
xứ Nam Kỳ ) năm 1861. Đến năm 1865, sau khi ba tỉnh còn lại của Nam
Kỳ bị thôn tính thì tên báo được đổi là Bulletin Officiel de la Cochinchine FranCaise (Tập kỷ yếu công vụ xứ Nam Kỳ thuộc Pháp) và đến năm 1889, khi nền
thống trị của Pháp được xác lập trên toàn cõi Việt Nam thì báo lại được đổi
tên thành Bulletin Officiel de
L’Indochine FranCaise (Tập kỷ yếu công vụ xứ Đông Dương thuộc Pháp)
(Đỗ Quang Hưng (CB), 2000): 23) …
Những tờ
công báo này thường đăng tải các nghị định, công văn, đạo luật, các chỉ
thị của bộ máy thực dân, các bài diễn văn của thống đốc Nam Kỳ… và được lưu
hành chủ yếu trong giới sĩ quan và viên chức thực dân. Vì vậy, tất cả các báo
đều được in bằng tiếng Pháp.
Bên cạnh tờ công báo đầu tiên bằng tiếng Pháp, năm 1862 Pháp còn
cho ra tờ báo chữ Hán, (được ghi lại trong các tài liệu tiếng Pháp là Le Bulltin Des
Communes (Kỷ yếu Làng xã) để phổ biến những quyết định, những mệnh lệnh của
đội quân xâm lược tới các chức sắc bản xứ cộng tác với Pháp trong tất cả các
làng xã ở Nam Kỳ. Ngoài ra, Pháp còn cho xuất bản những tờ báo phục vụ mục tiêu
khai thác kinh tế, như tờ Le
Bulletin du Comite’ Agricole et industriel de la Cochinchine (Kỷ yếu của ủy ban canh nông và kỹ nghệ xứ Nam
Kỳ) năm 1869, Le buuletin du Commit
Le’tudes Agricoles Industrelles et Commercialles de L’Annam et du Tonkin
(Tập
kỷ yếu của Uỷ ban nghiên cứu nông, công, thương Trung Kỳ và Bắc Kỳ)
ra đời muộn hơn, vào năm 1886 (Đỗ Quang Hưng (CB), 2000: 23), và
Avernir de Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) năm 1884…
Theo bài báo “Thử
tìm long mạch của tờ báo ta” do tác giả Quán Chi khảo cứu đăng trên Trung
Bắc chủ nhật từ số 101(3/3/1942) đến số 104 (29/3/1942)
thì trước khi tờ báo Tiếng Việt đầu tiên, tờ Gia Định báo (xuất
bản số đầu tiên ngày 15/4/1865) ra đời, chữ quốc ngữ đã được dùng khá phổ
biến ở Nam Kỳ. Gia định báo lúc
đầu chỉ là một tờ tuần báo, chủ yếu đăng tải những thông tư, chính luận của
chính quyền thực dân, một số bài thơ, vài câu chuyện hài đàm, chuyện cổ tích...
chưa phải là một tờ báo có tính chất thông tin và truyền bá tư tưởng. Sau Gia
định báo, tờ báo tiếng Việt thứ hai là tờ Phan Yên báo xuất
bản năm 1868 và Nam Kỳ địa phận xuất
bản năm 1883 cũng có nội dung tương tự.
Về thực chất những tờ báo thời kỳ này chỉ là công cụ của Pháp trong quá
trình xâm lược. Nội dung của các tờ báo chỉ đơn giản là dịch đăng những bài
viết từ công báo tiếng Pháp sang tiếng Việt cho người Việt đọc, như các công
văn, giấy tờ, các văn kiện của chính quyền thực dân hoặc những tờ thông báo,
cáo thị, tình hình giá cả, thuế khoá của Sở thuế, Phòng Thương chánh, Toà Thị
chánh, quyết định thuyên chuyển công tác của giới sĩ quan... Shawn.F.Mc. Hale
trong công trình nghiên cứu “Ấn phẩm và quyền lực” của
mình đã nhận xét: “Chính quyền thuộc địa Pháp cần rất nhiều tài liệu
in ấn (mẫu đơn từ, hoá đơn, baó cáo...) để hoạt động một cách trôi chảy (có
người đã cho rằng chính phủ thực dân cần giấy nhiều như vũ khí để giữ người dân
dưới sự kiểm soát của họ)” (McHale.Shawn Frederick 1995: 13) .
Những người Việt
tham gia viết báo thời kỳ này hầu hết là những viên chức của chính quyền thực
dân thông thạo chữ Hán, chữ Pháp, chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh
Của, Tôn Thọ Tường, Lương Khắc Ninh...
Cùng với việc xuất
bản báo chí, chính quyền thuộc địạ đã sớm ban hành những đạo luật, sắc lệnh về
báo chí ở Đông Dương. Sắc lệnh ngày 30/12/1898 đã đình chỉ việc thi hành luật
tự do báo chí ngày 29/7/1881 của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Theo sắc lệnh này,
quan Toàn quyền có thể đình chỉ việc phát hành một tờ báo hay xuất
bản một ấn phẩm định kì bằng bất cứ thứ tiếng nào chỉ bằng một nghị định, cũng
như không một tờ báo tiếng Việt nào có thể xuất bản nếu không được phép của
quan Toàn quyền. Giấy phép xuất bản chỉ được cấp với điều kiện là văn bản các
bài sẽ đăng báo phải được quan Toàn quyền Đông Dương duyệt y và giấy phép này
có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Việc cấp giấy phép cũng rất hạn chế. Ví dụ ở
Nam Kỳ từ năm 1927 đến năm 1933 có hơn 77 đơn xin xuất bản báo, nhưng chỉ có 13
tờ báo được cấp phép xuất bản (Cao Huy Thuần,, 2005: 90) Các bài báo đều bị sở
báo chí của chính quyền địa phương kiểm duyệt trước [1]. “Khi báo
lên khuôn, thanh tra nhà in đến nhà in đọc từng dòng những bài bình luận, phần
tin tức quốc tế và cả những bài tường thuật các cuộc du hành quan phương” (Cao
Huy Thuần, 2005: 88) . Cho đến năm 1914,
ở Đông Dương có tới 16 sắc lệnh của Tổng thống Pháp và 20 nghị định của Toàn
quyền và Thống sứ có liên quan tới báo chí đã được ban hành. Như vậy, thực tế
là không có tự do báo chí mà chỉ có lưỡi kéo của chế độ kiểm duyệt.
Tình trạng này được
duy trì và khẳng định lại một lần nữa bằng luật báo chí ngày 4/10/1927 và hiệu
lực của bộ luật này còn kéo dài cho đến năm 1938. Nó chỉ được bãi bỏ nhờ phong
trào Mặt trận bình dân những năm 1936-1939. Có thể nói, chính sách kiểm duyệt
báo chí của chính quyền thuộc địa đã quy định nội dung của báo chí cũng như
quyết định sự tồn tại và phát triển của nền báo chí Việt Nam lúc bấy giờ.
Sang đầu thế
kỷ XX, quá trình đô thị hoá cũng như sự phát triển của tầng lớp thị dân, lối
sống thị dân, những hoạt động công thương nghiệp của giới doanh nghiệp Việt
Nam, và ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ mới… đã tạo điều kiện cho
báo chí phát triển phong phú hơn. Báo chí thời kỳ này không còn là của riêng
chính quyền thực dân nữa mà đã xuất hiện những tờ báo tư nhân. Về nội dung, các
báo cũng không đơn thuần là những tờ công báo nữa mà bước đầu phản ánh quyền
lợi của giới kinh doanh công thương nghiệp cũng như phản ánh những chuyển biến
trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của Việt Nam lúc bấy giờ.
Đáng chú ý là có một số tờ như Nông cổ mín đàm (1901- 1924), Đại Việt
tân báo (xuất bản số đầu năm 1905), Đại Nam Đăng cổ tùng báo
(1907), Lục tỉnh tân văn (1907-1921) đã bàn nhiều về vấn đề văn hoá, xã
hội như tuyên truyền cho xu hướng canh tân hoặc đả phá chế độ khoa cử lỗi thời,
những hủ tục trong lối sống... Nông cỏ
mín đàm là tờ báo kinh tế có mục Thương cổ luận chuyên đăng bài về việc
sản xuất, và kinh doanh… Tờ Đại Việt tân báo do E. Babut
sáng lập và Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Theo Quán Chi thì Đào Nguyên Phổ là
người có công đầu trong việc dịch các học thuyết chính trị mới, các sách Tân thư … và phổ biến chúng trên báo chí,
kể cả tác phẩm triết học
nổi tiếng “Bàn về tự do” [2]
của John Stuart Mill, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội người Anh cuối thế kỷ
XIX cũng được dịch đăng từ sớm.
Đại Nam Đăng cổ
tùng báo được coi là tiếng nói của
trường Đông Kinh Nghĩa thục, cổ vũ học chữ quốc ngữ, duy tân, phê phán các hủ
tục trong tập quán sinh hoạt của người dân như đa thê, tảo hôn, đánh bạc, những
thói quen sinh hoạt mất vệ sinh... Tuy nhiên tờ báo này chỉ tồn tại khoảng 10
tháng trong năm 1907. Sau khi Đại Nam Đăng cổ tùng
báo đóng cửa, trong suốt 6 năm từ 1907 tới 1913 ở Việt Nam chỉ còn
lại hai tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Nam Kì là tờ Nông cổ mín
đàm và Lục tỉnh tân văn. Ngay từ khi mới ra đời, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn đã
có hàng loạt bài về thực nghiệp, khuyến khích và cổ vũ hoạt động kinh doanh…
Năm 1913, Đông
Dương tạp chí được xuất bản, ra số đầu tiên ngày 15/5 tại Hà Nội.
Người sáng lập và chủ nhiệm báo là Schneinder, người đã từng ở Việt Nam từ năm
1882 và cũng là người đã xuất bản tờ Lục tỉnh tân văn và Đại
nam đồng văn nhật báo. Vì vậy, lúc đầu Đông Dương tạp chí được
coi là một chi nhánh của Lục tỉnh tân văn ở Bắc và Trung Kỳ.
Chủ bút của tờ báo này là Nguyễn Văn Vĩnh với sự cộng tác của các tác giả Phạm
Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng
Kim, Nguyễn Khắc Hiếu...
Trong 2 năm đầu,
1913-1914, Đông Dương tạp chí (ĐDTC) mang tính chất là một
tờ báo ngôn luận thông thường: tổng hợp, đăng tải các bài về tin tức thời sự
chính trị xã hội lẫn văn chương, học thuật. Tháng 1/1915 báo Trung bắc
tân văn (TBTV) được xuất bản ở Hà Nội, chủ nhiệm báo vẫn là Schneider
và Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút với các cộng tác viên như của ĐDTC.
Lúc đó báo TBTV chuyên “nghị luận về những việc thời vụ” còn ĐDTC sẽ
chuyển thành tờ báo mang tính văn học, chuyên giới thiệu và dịch các tác phẩm
văn học nước ngoài và các bài về khoa sư phạm; đặc biệt, củng cố và hoàn thiện
chữ quốc ngữ. Cũng như ĐDTC, TBTV lúc đầu là tờ tuần báo,
đến năm 1916 thì 3 ngày ra một số và đến năm 1919, khi Nguyễn Văn Vĩnh
mua lại tờ báo và nhà in từ Schneider, thì báo ra hàng ngày.
Nhìn chung, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các tờ báo đã
chuyển dần từ vai trò là công cụ cai trị của chính quyền thực dân, thông báo
các mệnh lệnh của chính quyền tới dân chúng sang vai trò là một kênh truyền bá
tư tưởng học thuật, tạo nên một không
gian văn hóa tư tưởng, nơi mọi người có thể thảo luận các vấn đề về văn hóa và lối
sống, vận động Duy tân, phê phán những hủ tục, chế độ tảo hôn, chế độ đa thê,
vận động học chữ quốc ngữ ( Đăng Cổ tùng
báo, Đông Dương tạp chí), phê phán
tâm lý “trọng nông, ức thương”, tuyên truyền, cổ vũ, đề cao tư tưởng thực
nghiệp, phát triển kinh doanh công thương nghiêp, coi chấn hưng thực nghiệp như
một giải pháp cho tình trạng yếu kém của Việt Nam… Có một hiện tượng đáng chú ý
là ngay từ rất sớm vấn đề phụ nữ đã được đưa lên mặt báo, vừa là bàn về vấn đề
của phụ nữ vừa mượn lời phụ nữ để bàn về những vấn đề chung của xã hội như các
mục Nhời
đàn bà trên Đăng cổ tùng báo
và Đông Dương tạp chí.
2.
Sự phát
triển của báo chí tiếng Việt và sự mở rộng vai trò của báo chí như một kênh giao lưu, tiếp biến và hội nhập
văn hóa ở Việt Nam từ sau chiến tranh thế
giới thứ nhất đến 1930
Từ sau chiến tranh
thế giới I, Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai. Chương
trình khai thác thuộc địa lần thứ hai đã chuyển mạnh nền kinh tế Việt Nam sang
hướng tư bản chủ nghĩa. Về mặt xã hội, nó làm vững mạnh thêm các giai tầng xã
hội mới như công nhân, tư sản và tiểu tư sản, đặc biệt là tầng lớp trí thức
tiểu tư sản. Thời kỳ này, báo chí cũng phát triển mạnh hơn do Pháp không giữ độc
quyền báo chí như trước nữa. Do đó, nhiều người Việt Nam đã được phép xuất bản
báo chí. Đặc biệt có một số chủ doanh nghiệp đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh công
thương nghiệp sang lĩnh vực xuất bản báo chí.
Bất chấp chế độ kiểm duyệt hà khắc của chính quyền thuộc địa, từ sau
chiến tranh thế giới I cho tới những năm
đầu thập niên 1930, báo chí tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng
và nội dung. Năm 1922, cả nước chỉ mới có 19 tờ báo tiếng Việt thì đến năm 1925
đã có 25 tờ, năm 1927 có 36 tờ và năm 1929 lên tới 47 tờ. Các tờ báo tiêu biểu
thời kì này là: Đông Dương tạp chí (1913-1918), Trung Bắc tân
văn (1915-1945), Nam Phong (1917-1935), Nữ
giới chung (1918), Thực nghiệp dân báo (1920-1933),
Khai hoá nhật báo (1921-1927), Hữu thanh tạp chí (1921-1924), Đông
Pháp thời báo (1923- 1928), An Nam tạp chí (1926-1930),
Thần chung (1929-1930), Trung lập báo (1924-1933), Tân
dân báo (1924-1925) Pháp Việt nhất gia (1927), Tiếng
dân (1927-1943), Hà thành ngọ báo (1927-1929), Báo
Đông -Tây (1929-1932), Phụ nữ tân văn (1929-1935), Kì
lân báo (1928-1929), Văn minh (1926-1931)...
Đánh
giá chung về báo chí thời kỳ này, có thể thấy nổi bật lên 2 đặc điểm chính: Đó
là thời kỳ báo chí do người Việt chủ trương (Nguyễn Việt Chước 1974:,10)
và là thời kỳ của xu thế dung hòa văn hóa Đông-Tây (Nguyễn
Việt Chước 1974: 17,). Sự phát triển của báo chí
tiếng Việt đã tạo nên những không gian tương đối dân chủ cho sự giao lưu văn
hóa và truyền bá tư tưởng mới, cũng như diễn đàn trao đổi về các vấn đề liên
quan tới đời sống văn hóa, chính trị và tư tưởng ở Việt Nam, nơi phổ biến thông
tin, liên kết cộng đồng trong những mối quan tâm chung. Có thể nhận rõ một số
khuynh hướng thể hiện trên báo chí thời kỳ này:
·
Giới thiệu và truyền
bá tư tưởng, văn hóa, văn minh thế giới.
Điển hình theo khuynh hướng này là
Tạp chí Nam Phong. Ra đời vào thời
gian trước khi chiến tranh thế giới I kết thúc, năm 1917, trong bối cảnh chính
quyền thuộc địa có chủ trương đẩy mạnh truyền bá văn hóa, văn minh Pháp, Nam
Phong dưới sự dẫn dắt của Phạm Quỳnh đã không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền
cho văn hóa văn minh Phương Tây mà còn dùng báo chí để giới thiệu, phổ biến di
sản văn hóa, văn học phương Đông và Việt Nam. Từ các bài khảo cứu về triết học,
lịch sử, khoa học, văn hóa và văn chương của cả phương Đông và phương Tây; dịch
các tác phẩm triết học, văn học từ tiếng Pháp và chữ Hán ra tiếng Việt; sưu tầm
và giới thiệu văn học cổ của Việt Nam…qua Nam Phong, người Việt Nam có thể tiếp
cận với những học thuyết chính trị, những tư tưởng về dân chủ, tư tưởng nữ
quyền, các tác phẩm văn chương… không chỉ của nhân loại mà cả di sản của ông
cha để lại,… Cơ cấu vận hành, bộ máy quản lý xã thôn cổ truyền của Việt Nam
cũng được giới thiệu và phân tích…Không phải không có lý do khi Nam Phong được
nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao về phương diện truyền bá kiến thức,
văn hóa, văn học Thiếu Sơn đã nhận xét về đóng góp và ảnh hưởng của Nam Phong trong cuốn Phê bình và Cảo Luận như sau: “có nhiều người không biết đọc văn Tây, văn
Tầu, chỉ nhờ Nam Phong hun đúc mà cũng có được cái tri thức phổ thông, tạm đủ
sinh hoạt ở đời” (Thiếu Sơn, 1933: 19)
Bên cạnh Nam Phong, một số tờ báo khác cũng góp phần vào công cuộc truyền bá
tư tưởng, văn hóa, văn minh như Đông
Dương tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Trung Lập, Hà Thành Ngọ báo…
·
Vận động và cổ vũ Chấn hưng thực nghiệp.
Từ cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản
phương Tây, sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân đã đặt Việt Nam đứng trước
một thử thách lớn, thay đổi để tồn tại và hội nhập với thế giới hay chấp nhận
là người dân một nước thuộc địa ? Đứng trước sự tồn vong của quốc gia dân tộc,
nhiều trí thức yêu nước đã đưa ra những đề nghị cải cách nhằm phát triển đất nước
theo hướng hiện đại, chấn hưng kinh tế, với mong muốn nước nhà đủ mạnh để bảo
vệ nền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, những cố gắng cải cách, chấn hưng thực
nghiệp đó cuối cùng đều thất bại.
Đầu thế kỷ XX, bên cạnh khuynh hướng yêu nước chủ trương bạo động chống
Pháp giành độc lập, đã xuất hiện khuynh hướng duy tân, chủ trương khai sáng dân
trí, chấn hưng dân khí, phục hưng đất nước bằng con đường chấn hưng thực
nghiệp. Các trí thức yêu nước thuộc khuynh hướng này đã nhanh chóng nắm lấy báo
chí như một công cụ truyền bá tư tưởng duy tân, hô hào đổi mới và cổ động chấn
hưng nền kinh tế bằng các hoạt động kinh doanh và sản xuất. Những tờ báo tiêu
biểu cho khuynh hướng cổ động thực nghiệp này có thể kể đến là Thực nghiệp dân báo, Khai Hóa, Hữu Thanh tạp
chí… Mặc dù chỉ có tờ Hữu Thanh
là tiếng nói của Hội tương tế thương mại
và kỹ nghệ Bắc Kỳ còn những tờ báo lớn vận động thực nghiệp đều là của các
chủ doanh nghiệp như tờ Thực nghiệp dân
báo là của Nguyễn Hữu Thu, một nhà tư sản dân tộc, chủ hãng tầu lớn ở Hải
Phòng, tờ Khai Hóa nhật báo là của
Bạch Thái Bưởi… Nhưng các tờ báo luôn khẳng định, tờ bâo là tiếng nói cổ động
cho phong trào thực nghiệp của đất nước. Ví dụ, trong số đầu tiên, chủ trương của tờ Thực nghiệp dân báo được ghi rõ: “Bản báo không phải là cơ quan cổ động riêng
cho một hạng người nào, chính là cơ quan chung cho nền thực nghiệp của khắp quốc
dân….” [Thực nghiệp dân báo 8/7/1920]. Nội dung của các tờ báo là cổ động
cho phong trào thực nghiệp, phản ánh yêu cầu của tư sản Việt Nam, đồng thời đấu
tranh với chính quyền vì quyền lợi của người Việt.
*Tuyên truyền vận động yêu nước,
phê phán chính quyền thuộc địa
Một khuynh hướng nổi bật của báo chí thời kỳ nay đó là vận động và
tuyên truyền yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phê phán chính quyền thuộc địa. Báo
Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ
bút, báo Đông Pháp thời báo của nhóm
thanh niên yêu nước, có tư tưởng cấp tiến như Nguyễn Kim Đính, Trần Huy Liệu,
báo Đuốc Nhà Nam của Dương Văn Giáo,
báo Thần Chung của Diệp Văn Kỳ, Nguyễn
Văn Bá, báo Công luận… đã đăng tải nhiều bài báo về tình cảnh của dân chúng, phê
phán chế độ thực dân, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của người
dân trước vận mệnh đất nước. Có một điểm đáng lưu ý, là do chế độ kiểm duyệt hà
khắc của chính quyền thực dân, nhiều bài báo thường lấy danh nghĩa tiếng nói của
phụ nữ. Ví dụ Nam Kiều (Trần Huy Liệu) trên Đông Pháp thời báo ( ĐPTB), qua việc phê phán
quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ cần lo công việc gia đình mà quên mất trách nhiệm
đối với xã hội, đã nhắc nhở người đọc về thực trạng nô lệ và truyền thống bất
khuất chống ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Ông nói: “ Kìa như hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc,
bà Triệu Ẩu một mình đánh với quân Ngô, nếu cứ theo như cái thuyết “ thành đổ
chúa xây” thì sáu mươi lăm thành Linh biểu can chi phải đến Hai bà Trưng gánh
vác, quân Ngô tàn bạo can chi phải đến Bà Triệu liều mình...Buồn thay cho xã hội
ta ngày nay, việc công ích không ai tán thành, việc công phẫn không ai phấn
khích...[ĐPTB- 13/3/1929]. Hoặc như báo Công luận ngày 19/4/1927
đã phân tích: Hiện nay “quốc gia đang khó khăn” “xã hội đang điên đảo” bởi
“phường tham quan ô lại”. Vậy “chị em phải ráng học hành chữ nghĩa,
phải ráng rèn tập tánh nết... mà giúp cho xã hội đương lúc khốn nguy, dân tộc
đương lúc khó khăn thì mới không hổ với đồng loại”.
Báo chí cũng là nơi tổ chức, tập hợp quần chúng tham gia các hoạt động
yêu nước như đòi ân xá cho Phan Bội Châu, đưa tang Phan Chu Trinh, đòi thả Nguyễn
An Ninh, đón tiếp Bùi Quang Chiêu, … Báo Đông Pháp thời báo bình luận về
sự tham gia của phụ nữ trong các phong trào này nhưng qua đó lại nhắc nhở người
dân về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam: … “Tuy các bà, các cô
không đủ sức mà cầm cương lên ngựa đặng như bọn nam nhi mặc dầu chớ cái lòng
nhiệt thành của hạng nữ lưu chỉ thiệt ngọn lửa rất nồng nàn để ung đốt lòng ái
quốc của bọn nam nhi cho khỏi lụi khỏi tắt. Gương bà Trưng, bà Triệu còn làu
làu trong thanh sử Việt Nam.”[ĐPTB-10/3/1926]
·
Hình
thành diễn đàn phụ nữ
Trong lịch sử Việt Nam, do ảnh hưởng
của Nho giáo, phụ nữ chưa bao giờ có tiếng nói trong đời sống cộng đồng làng
xã, cũng như đời sống chính trị của đất nước. Từ sau chiến tranh thế giới thứ
I, phong trào phụ nữ thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội Việt Nam, ở Việt Nam
đã xuất hiện vấn đề phụ nữ được báo chí và cả xã hội quan tâm. Rất nhiều tờ báo
đã dành một số trang để bàn về vấn đề phụ nữ, hoặc có mục dành riêng cho phụ nữ
[3].
Các mục như Văn Nữ giới hoặc Tiếng Oanh được coi
như một diễn đàn để phụ nữ trao đổi ý kiến về các vấn đề của mình hoặc là nơi để
phụ nữ tập viết các bài báo... Các cuộc
thảo luận trên báo chí về vấn đề phụ nữ thời kỳ đó tập trung phân tích vai trò,
địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội,
vấn đề trách nhiệm của phụ nữ đối với vận mệnh quốc gia dân tộc cũng như vấn đề
bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ….
3.
Sự phát triển của báo chí và việc hình
thành các dòng báo chí chuyên biệt cũng như sự tham gia của báo chí vào công cuộc
vận động giải phóng dân tộc từ năm 1930 đến 1945
Sang những năm
1930, tình hình chính trị và xã hội Việt Nam có nhiều biến động. Ảnh hưởng của
các trào lưu văn hóa tư tưởng thế giới đã dẫn đến nhiều nét mới trong báo chí tiếng
Việt. Trước hết, là sự phát triển mạnh mẽ của báo chí. Từ năm 1930 tới năm 1936
có 180 tờ báo mới ra đời. Cùng với khoảng 30 tờ báo có từ trước tiếp tục xuất
bản thì trong năm 1936 có tất cả 210 tờ báo [4].
Từ
năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong cuộc đấu tranh
đòi tự do báo chí, Pháp đã phải thừa nhận hiệu lực của Luật tự do báo chí ban
hành năm 1881 được áp dụng ở Đông Dương. Đó là bộ luật quy định báo chí phát
hành chỉ cần báo trước 24 giờ. Chính thắng lợi này đã làm báo chí giai đoạn
1936-1939 phát triển mạnh mẽ [5]. Nhiều tờ báo cách mạng được phát hành công
khai.[6] Theo Daniel Hemery, Sở An
ninh Đông Dương, ước tính vào tháng 11/1938, chỉ riêng Nam Kỳ có tới 18 tờ báo
cộng sản, trốtkit, hoặc thân cộng. Số in của báo tiếng Pháp giảm chỉ còn 30.580
bản trong khi số in của báo tiếng Việt là 153.000 bản. Tính đến ngày 1/1/1939
trên toàn cõi Đông Dương số báo tiếng Việt và song ngữ Pháp Việt có 120 tờ
trong khi số báo tiếng Pháp chỉ còn
69 tờ.( Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng….. CB) (2005), 88) [7]
Thời
kì từ năm 1939-1945, do điều kiện chiến tranh, kinh tế suy thoái, mực và giấy
là hai nguồn vật liệu phục vụ cho ngành in ấn trở nên khan hiếm và đắt đỏ,
đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất bản, trong đó có báo chí. Nhiều tờ báo
phải đóng cửa hoặc giảm trang, in trên giấy xấu. Mặc dù vậy, do nhu cầu tìm
hiểu tình hình trong nước và quốc tế tăng, độc giả ngày càng nhiều, tình hình
phát hành báo chí vẫn được duy trì và được phát hành với số lượng khá lớn.
Từ tháng 7/1939, để chuẩn bị cho tình
trạng chiến tranh, ở Đông Dương, chức vụ Toàn quyền Đông Dương cũng thay đổi từ
một quan toàn quyền dân sự là Brevie chuyển sang cho một quan toàn quyền quân
sự, tướng Catroux và sau đó là Đô đốc Jean Decoux. Hành động đầu tiên của chính
quyền thuộc địa là ra sức đàn áp Đảng Cộng sản. Sắc lệnh ngày 28/9/1939 cấm
ngặt tất cả hành vi tuyên truyền về Quốc tế III và các tổ chức có liên quan.
Đảng Cộng sản, các đoàn thể và các nhóm liên quan đều bị giải tán. Thực dân
Pháp đã quy định kiểm duyệt toàn bộ báo chí nước ngoài trong các khu vực thuộc
địa của Pháp. Trong vòng 4 tháng cuối năm 1939, Pháp đã ký tới 10 Sắc lệnh và
Nghị định về báo chí và liên quan đến báo chí. Giấy và mực in cũng được chính
quyền quản lý chặt chẽ thông qua phòng kiểm duyệt Liên đoàn giấy. Năm 1943,
Toàn quyền Đông Dương ra một nghị định mới về việc phát hành báo chí. Nghị định
này quy định: khuôn khổ báo sẽ bị hạn chế để tiết kiệm giấy. Nếu báo xuất bản
hàng ngày thì phải nghỉ ngày chủ nhật. Nếu phát hành ngày chủ nhật thì không
được phát hành các ngày khác trong tuần, không được in báo trên giấy khổ 23 x
2000 cm2, nên dùng khổ báo không cần phải cắt giấy để tiết kiệm... [Đông
Pháp-1/5/1943]
Ngay từ trước khi có sắc lệnh trên, một loạt tờ báo đã bị khám xét, bắt bớ và
đóng cửa. Tờ Ngày mới bị đóng cửa ngày 26.8.1939, Dân
chúng ngày 30/8/1939, Người mới ngày
5/9/1939, Thế giới ngày 13/9/1939, Đời nay ngày
29/9/1939. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng
chỉ đạo cách mạng, thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, ra
chỉ thị cho những người làm báo và các tờ báo Đảng rút vào bí mật.
Ngày 23/9/1940, Nhật vào Đông Dương, đặt thêm ách thống trị mới đối với xã hội
Việt Nam và từng bước ép Pháp phải nhường cho Nhật một số quyền lợi về kinh tế
chính trị, quân sự. Đồng thời, Nhật cũng ráo riết tuyên truyền chính sách Đại
Đông Á, văn hoá Nhật... nhằm gây ảnh hưởng trong dân chúng. Nhật cũng thành lập
văn phòng kiểm duyệt báo chí, ra thông báo về việc kiểm duyệt toàn bộ báo chí,
xuất bản phẩm và các phương tiện tuyên truyền kể cả áp phích quảng cáo và các
kịch bản... Dựa vào Nhật, một số đảng phái mới ra đời như Đại Việt dân chính,
Đại Việt quốc xã, Phục quốc... và đều ra báo để gây ảnh hưởng. Tháng 5/1941
quyết nghị thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt
Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh)
Phong trào Việt Minh
phát triển, ở các vùng căn cứ địa cách mạng, báo chí cách mạng cũng được xuất
bản, góp phần tuyên truyền và vận động nhân dân như tờ: Việt Nam độc
lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng... ở các địa phương cũng có báo cách mạng để
vận động tuyên truyền trong nhân dân, như: Báo Đuổi giặc nước của
cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Minh Thanh Hoá, báo Hiệp lực
của cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Ninh ...
Có thể thấy, thời kỳ từ
1930 đến1945, tình hình chính trị ở Việt Nam có rất nhiều biến động, nhưng báo
chí đã có sự phát triển vượt bậc, bất chấp tình trạng khó khăn trong chiến
tranh. Sự phát triển của báo chí còn thể hiện ở sự phân hóa và hình thành những
dòng báo chí chuyên biệt, đại diện cho tiếng nói của các giai tầng xã hội và các khuynh hướng tư tưởng khác nhau:
dòng báo chí cách mạng, dòng báo phụ nữ và dòng báo chí tôn giáo, báo thể thao,
báo văn học, báo cho thiếu nhi…Sự phân hóa và sự tồn tại của các dòng báo chí chuyên biệt này đã phản ánh
sự trưởng thành về ý thức công dân, cũng như sự phát triển về nhận thức của các
giai tầng trong xã hội
·
Báo chí cách mạng và các cuộc đấu tranh về tư tưởng trên
báo chí.
Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam vào
đầu năm 1930 với vai trò là người tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc
lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã làm xuất hiện dòng báo cách mạng lúc bí
mật, lúc ra công khai của Đảng Cộng sản Việt Nam và dòng báo lưu hành trong các
nhà tù của thực dân. Cùng với sự ra đời của Đảng cộng sản là quá trình truyền
bá các quan điểm của chủ nghĩa Mac- lê nin vào Việt Nam, điều đó đã làm phong
phú thêm nội dung của báo chí công khai, các đảng viên cộng sản đã tham gia vào
các cuộc tranh luận học thuật, tư tưởng và có tiếng nói phản biện, thể hiện
quan điểm đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động.
Có thể thấy, bên cạnh việc phản
ánh trào lưu Âu hoá và lối sống tư sản trong các đô thị đang là xu hướng chủ
đạo, báo chí còn đưa tin về hoạt động cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo
của Đảng cộng sản. .Ảnh hưởng của Đảng cộng sản cũng thể hiện rõ trong các cuộc
thảo luận trên lĩnh vực tư tưởng như cuộc thảo luận của Hải Triều và Thiếu Sơn
về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” [ Đời Mới-24/3-27/3/1933],
cuộc thảo luận của Hải Triều và Phan Khôi về “Duy vật và duy tâm” [ Phụ
nữ thời đàm- 8 và 29/I0/ 1933]; cuộc thảo luận của Phan Khôi và Nguyễn Thị
Chính về “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan” [ Phụ nữ tân văn-
7 và 14/7 và 4/8/1932], cuộc tranh luận về “Phổ thông đầu phiếu”
trên báo Công luận năm 1932 và các bài về quyền bầu cử: phổ
thông đầu phiểu và quyền bầu cử của phụ
nữ...
Trong thời kỳ vận động dân
chủ năm 1936-1939, báo chí cách mạng chuyển ra hoạt động công khai, các tờ La
Lute 1933-1939), Hồn trẻ (1936) Dân chúng (1938-1939), Tin tức (1938) … trở thành nơi khởi xướng,
tổ chức, và lãnh đạo các phong trào đấu tranh của nhân dân trong phong trào vận
động đòi dân chủ, cải thiện dân sinh.
Từ năm 1939, do tình hình
chiến tranh, Đảng cộng sản bị khủng bố, tất cả báo chí cách mạng phải phát hành
bí mật song cũng không vì thế mà báo chí cách mạng không phát triển. Tiêu biểu
cho báo chí cách mạng thời kì này là các tờ Tạp chí Cộng sản, Cờ giải
ghóng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính, Mê Linh, Phá ngục, Kháng địch,
Cởi ách, Chiến đấu, Tiên phong, Dân tộc, Tiếng súng khởi nghĩa…Thời kỳ vận động Tổng khởi
nghĩa Cách mạng tháng Tám, các tờ báo này đã góp phần tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia cách mạng, đứng lên giành độc lập dân tộc.
·
Sự phân hóa của báo chí và sự hình thành các dòng báo
chuyên biệt.
Sự phát triển về mặt nhận thức của tầng lớp
trí thức đã dẫn đến việc báo chí công khai bị phân hoá thành nhiều khuynh hướng:
báo chí thân Pháp như các tờ: Đông Pháp (ĐP), Tin mới, Đàn bà (ĐB),
Tân Việt Nam, Nỗ lực; báo chí cấp tiến như các tờ Ngày nay, Thanh
nghị, Tri tân... Ngoài ra còn có một số tờ báo của nhóm Trốtkít như tờ Văn
mới, Tân thời...,các loại báo văn học, tôn giáo và các loại báo chuyên biệt
khác như báo thể thao, báo kinh tế, báo trẻ em...
Đặc biệt
là thời kỳ này đã hình thành dòng báo phụ
nữ với sự xuất hiện và tồn tại của hơn 10 tờ báo phụ nữ được xuất bản khắp
ba miền[8]. Hầu hết các báo xuất bản thời kì này đều dành riêng một mục
cho phụ nữ hoặc có các trang phụ nữ như Công luận, Đông Pháp, Tân thời
tuần báo (TT), Dân hiệp (DH), Nam Kỳ tuần báo (NKTB)... Có thể nói, các tờ
báo phụ nữ và các diễn đàn dành cho phụ nữ trên các tờ báo đã tạo nên một không
gian cho mọi người thảo luận về các vấn đề phụ nữ, như quyền được học tạp, quyền
được trả lương ngang bằng, chế độ bảo hiểm, chế độ thai sản, quyền bầu cử của
phụ nữ, vấn đề giải phóng phụ nữ khỏi các ràng buộc của lễ giáo phong kiến, phụ
nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như thế nào?...Đây cũng chính
là một kênh thông tin để phụ nữ nói lên tiếng nói của mình, về quyền phụ nữ,
cũng như đấu tranh cho các quyền đó…
Cũng từ
những năm 1930, báo chí tôn giáo khá phát triển, đặc biệt là báo chí Phật giáo ra đời gắn liền với phong trào Chấn hung Phật
giáo diễn ra mạnh mẽ khắp 3 kỳ. Chịu ảnh hưởng từ phong
trào chấn hưng Phật giáo thế giới, đặc biệt từ Trung Quốc, báo chí Phật giáo Việt
Nam đã có mặt từ cuối thập niên 1920 là một trong những phương tiện quan trọng,
công cụ sắc bén, góp phần vào sự phát triển của phong trào Chấn hung Phật giáo.
Có thể kể một số tờ báo Phật giáo tiêu biểu như: Nguyệt san Pháp Âm, Phật hóa Tân
thanh niên Tạp chí Từ Bi Âm Nguyệt san Viên Âm , Tạp chí Đuốc Tuệ , Tạp chí Tiếng
Chuông Sớm, Tạp chí Tiến Hóa , Tam Bảo tạp chí, Tạp chí Bát Nhã Âm… Nội
dung của báo chí Phật giáo chủ yếu đi vào các trọng tâm hoằng dương Phật pháp,
chấn hưng Phật giáo và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm
vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học chữ quốc ngữ, bảo tồn
di sản văn hóa cổ Việt Nam, báo chí Phật giáo cũng đã bước đầu quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, nhất là vấn đề
phụ nữ.[9]
Kết
luận.
Tocqueville trong cuốn Nền dân trị Mỹ nổi tiếng của mình đã viết
về vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại: “ Khi con người không còn gắn bó với nhau một cách vững chắc và lâu bền,
thì khó có thể làm cho đa số họ cùng hành động chung, song ít ra cũng phải thuyết
phục từng người mà sự tham gia của người đó là cần thiết rằng lợi ích riêng của
anh ta bắt buộc anh ta tự nguyện góp các nỗ lực của anh vào với nỗ lực của mọi
người. Điều đó chỉ có thể tiến hành một cách bình thường và thuận lợi nhờ một tờ
báo. Chỉ có một tờ báo là có khả năng trong cùng một lần đem cùng một ý tưởng đặt
vào trong cả ngàn cái đầu” (Tocqueville 2007: 170 )
Lịch sử báo chí Việt Nam từ 1862-1945, đã cho
thấy mặc dù thời kỳ đầu báo chí là công cụ phục vụ quá trình xâm lược và cai trị
của chính quyền thực dân với chức năng truyền đạt thông tin, những trí thức Việt
Nam khi nhận ra lợi thế của báo chí trong việc truyền bá tư tưởng, tập hợp lực
lượng, định hướng và dẫn dắt cộng đồng đã nhanh chóng sử dụng báo chí như một
phương tiện hiệu quả để đạt được các mục tiêu của mình.
Báo chí đã giúp người dân Việt Nam hiểu biết về
một thế giới rộng lớn bên ngoài lũy tre xanh của các làng xã Việt Nam truyền thống.
Báo chí cũng giúp họ tiếp cận với các tư tưởng mới, các nền văn hóa mới, các
thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật của nhân loại, báo chí giúp người Việt học
hỏi để thay đổi và hội nhập.
Báo chí cũng giúp
người Việt Nam được nói lên nguyện vọng và
ý chí của mình trước các vấn đề của cuộc sống, từ quyền được học tập, được
lao động, quyền bầu cử và quyền được kết hôn với người mình yêu, quyền tự định
đoạt số phận mình. Báo chí cũng liên kết mọi người trong một mối quan tâm
chung.
Cách mạng thàng
Tám năm 1945 thành công đã đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân
tộc Việt Nam. Trong sự trưởng thành đó của dân tộc, có phần đóng góp quan trọng
của nền báo chí tiếng Việt.trong vai trò là phương tiện truyền bá tư tưởng, vận
động, tập hợp, tổ chức và định hướng cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
1.
Đặng Thị Vân Chi (2006),” Dòng báo phụ nữ ở
Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”, T/c NCLS tháng 11 ( 367)
2.
Nguyễn Việt Chước,(1974), Lược sử báo chí
Việt Nam, Nam Sơn, Sài Gòn
3.
McHale.Shawn Frederick
(1995), Printing, power, and the transformation of Vietnamese
cultture, 1920-1945, dissertation, Cornell University
4.
Đỗ Quang Hưng ( CB),(2000), Lịch sử báo
chí Việt Nam, H, NXB Chính trị Quốc gia,
5.
Tạ Thị Bích Liên ( 2015), Báo chí Phật
giáo với vấn đề phụ nữ trước năm 1945, Luận văn thạc sĩ , khoa học Lịch sử,
Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.
6.
TS. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt
Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Thành phố Hồ Chí Minh
7.
Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần
Hải Hạc, Vĩnh Sính, (2005) Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng
8.
Tocqueville (2007),Nền dân trị Mỹ, NXB Tri thức, T2,
9.
Thiếu Sơn, ( 1933), Phê bình và Cảo luận,
H.
Các tờ báo được phát hành từ 1862-1945: Gia định báo, Đăng cổ
tùng báo, Nông cổ mín đàm, Đông Dương Tạp chí, Nam Phong, Trung Bắc tân văn,
Khai hóa, Hữu Thanh, Công Luận, Trung Lập,
Đông Pháp thời báo, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới, Nữ
giới chung, Dân chúng, Ngày mới, Ngày nay, Đàn bà, Tân xã hội, …
[2]
Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm ” Bàn về tự do”
của John Stuart Mill là : tự do tư tưởng, tự do tôn
giáo, tự do thảo luận ; tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống
theo sự xét đoán của mình; và tự do hội họp.. Mỗi người cần được tự do mưu cầu
hạnh phúc riêng của mình "trong chừng mực ta
không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực
của người khác đạt được hạnh phúc. Mỗi người là người bảo vệ chính đáng nhất
cho sự lành mạnh của anh ta, dù là sự lành mạnh thân thể, tinh thần hay tâm
linh". Tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người
khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập
của cá nhân.J ohn Stuart Mill bảo vệ
quyền của các cá nhân để họ được "sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt
họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh".
[3] Nhời đàn bà (Trung bắc tân
văn,
Đông Pháp thời báo), Văn nữ giới (Khai hoá nhật báo,
Đông Pháp thời báo), Phụ nữ diễn đàn ( Thần
Chung, Công luận), Tiếng oanh (Hà thành Ngọ
báo) Phụ nữ diễn đàn (Văn minh )…
[4] Theo thống
kê tên các tờ báo được xuất bản từ năm 1930 đến 1936 trong sách “ Báo chí Việt
Nam từ khởi thủy dến 1945 “ của TS Huỳnh Văn Tòng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh,
năm 2000, tr 443-475.
[5]. Ngày 20/6/1935,
Báo Dân quyền phát hành số 1 không được phép của Toàn quyền Đông Dương
nên đã bị đình bản. Nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân và báo giới, dựa vào
điều luật 5,6,7 của Luật Báo chí được ban hành ngày 29/7/1881 quy định báo chí
dù xuất bản bằng tiếng Pháp hay tiếng bản xứ đều tự do, ( không cần xin phép
trước, không phải nộp tiền kí quỹ) ngoài việc viên quản lý báo có quốc tịch
Pháp và đã thành niên và Điều 10 của đạo luật này cũng cho phép áp dụng đạo luật
này tại chính quốc và các xứ thuộc địa như Angieri và Nam kì… báo Dân quyền đã
thắng trong vụ kiện chính quyền thuộc địa ở Đông Dương. Việc báo Dân quyền thắng
kiện đã vô hiệu hóa sắc lệnh ngày 30/12/1898 của Toàn quyền Đông Dương về việc kiểm duyệt bao chí ở thuộc địa.
Sau sự kiện này, nhiều tờ báo đã được xuất
bản không cần xin phép, tạo điều kiện cho báo chí cách mạng phát hành công
khai.
[6] Dựa vào
thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi thực hiện Luật báo chí ban hành ngày 29/7/1881
của Pháp, nhiều tờ báo Cách mạng đã phát hành công khai. Tuy các tòa báo không
bị bắt phạt , nhưng Pháp vẫn đình chỉ việc phát hành. Để đối phó lại, các Đảng
viên cộng sản vẫn tiếp tục ra báo, tờ báo này bị đình chỉ thì tờ báo khác lại
ra đời. Chính vì vậy, nhiều tờ báo chỉ được phát hành 1 vài số,. có tờ báo chỉ ra được duy nhất số
đầu tiên như: Báo Dân quyền 2 số, báo Tân Xã hội 2 số, báo Nước Nam chỉ có số
ra mắt…
[7]
Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng….. CB) (2005), Từ Đông sang Tây, sdd, tr88….
[8]
Phụ nữ tân văn ( 1929-1935) Phụ nữ thời
đàm 9 (1930 -1931) Phụ nữ thời đàm (tập mới 1933-1934), Phụ nữ tân tiến (
1932-1933) Phụ nữ tân tiến ( bộ mới 1934) Đàn bà mới (1934-1936) Nữ lưu (1936-1937)
Việt nữ ( 1937) Phụ nữ ( 1938-1939) Đàn bà( 1939-1945), Bạn gái (1945), Việt nữ
( 1945-1946).
[9]
Tạ Thị Bích liên ( 2015), Báo chí Phật giáo với vấn đề phụ nữ trước năm 1945,
Luận văn thạc sĩ , khoa học Lịch sử, Khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội &
Nhân văn.