Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Văn hóa họ tộc

GS.TS Trần Ngọc Vương


Văn hóa họ tộc – một vấn đề văn hóa có tầm quan trọng chiến lược chưa được đánh giá và quan tâm tới mức cần thiết
1. Đổi mới hay phục hồi, và phục hồi như thế nào?
Lo lắng trước xu thế mới bắt buộc là phải hộp nhập, mà một khi “ mong muốn là bạn của tất cả các nước, các dân tộc” thì sẽ xuất hiện nguy cơ trả giá bằng việc đánh mất bản sắc, đánh mất đặc trưng của “ văn hóa dân tộc”, vài chục năm nay hàng loạt những hình thức quan hệ và sinh hoạt văn hóa – mà trước đó từng được chỉ định đích danh là những thứ cần “ đào sâu chôn chặt”, bởi đã bị xếp vào hàng những tàn dư độc hại của một quá khứ “ phong kiến đế quốc thực dân” – đã từ dần dà đến ồ ạt được phục hồi.Khắp nơi và trên mọi phạm vi, những thứ được làm sống lại ấy gây ra ở người quan sát văn hóa ấn tượng không phải chỉ về một cuộc phục hưng, phục sinh những giá trị, mà còn là việc đang chứng kiến một cảnh tượng làm lấy được, thiếu những lý lẽ tối thiểu nên thành xô bồ, đầy tính hài kịch.
Vẫn biết rằng văn hóa rốt cuộc sẽ phải là cái còn lại sau tất cả những gì lâm thời, quá độ đã bị vượt qua, nhưng việc do hoàn cảnh xô đẩy sau đó mà buộc phải sống mãi, sống quá lâu trong những trạng thái quá độ không khỏi khiến người ta, bởi mỏi mệt, bởi bản năng không chỉ tự tồn mà còn bản năng tự ái, coi chính trạng thái quá độ ấy là mục tiêu đã đạt tới. Nghĩa là, trong trường hợp ấy, cái quá độ bị vĩnh cửu hóa, thành cái ổn định lâu dài thậm chí thành cái bất biến, thành một thứ giá trị dường như vĩnh hằng,
Hãy khoan bàn chuyện đúng sai, mà trước hết cần ghi nhận sự kiện: trong vài chục năm vừa qua, họ tộc là một trong những thực thể tự nhiên – văn hóa được ưu ái phục hồi nhiều nhất, dưới rất nhiều dạng thức, nhiều tới mức người ta cứ nghĩ rằng cái đang được phục hồi này chẳng liên quan gì đến chuyện họ tộc đang nói đến kia, tuy thực chất nó chính là cái đó. Sự phục hồi ấy đã đạt đến tầm quốc gia, mà không hề có một sự minh bạch hóa về lý lẽ nào đi kèm! Thậm chí, đúng hơn là người ta sợ bàn về lý lẽ. “ Quyết” cứ “quyết”, làm cứ làm, không cần quan tâm tới chuyện “tại sao lại thế, tại sao phải thế”. E rằng cứ theo đà ấy, thì những người mắc bệnh “lý sự” sẽ gia tăng rất nhanh về số lượng và “bệnh lý” sẽ nghiêm trọng lên tới mức trầm kha.
Ta gặp những câu hỏi về văn hóa họ tộc ở khắp nơi, Ở nông thôn, nơi mà tốc độ thu hẹp không gian sinh tồn trớ trêu thay giờ đây lại trở nên cấp bách hơn, gay gặt hơn, nhất là về mặt tâm lý, so với chính ngay đô thị - nơi con người chật chội quen rồi nên đã đạt tới cảnh giới vô cảm thượng thừa trước sự chen chúc, sau khi ruộng đất giải tập thể hóa nhưng lại chưa được tư hữu hay quốc hữu hóa cho rành rẽ, tình trạng dựa thế lẫn nhau giữa các thành viên trong các dòng tộc có người làm lãnh đạo chủ chốt đã và đang trở thành một trong những cách thức ứng xử then chốt quen thuộc và phổ biến để thanh thủ, thủ đắc lấy những mảnh trời riêng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng ở nông thôn ngày nay không ai tìm đâu ra được sự giản dị trắng trợn của công thức “ Một người làm quan cả họ được cậy”, bởi chí ít, về hình thức, cái công thức này cũng phải được thể hiện qua sự khúc xạ rắc rối hóa của chủ thể lãnh đạo “tất yếu” là cơ sở đảng, chính thể và đoàn thể. Đọc tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, một tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà Văn vào thời kỳ những năm đổi mới bồng bột, không ai không rùng mình về sự biến chất, biến tướng của những thực thể quyền lực cách mạng hàng đầu ở nông thôn sau gần nửa thế kỷ nông dân theo Đảng như ủy ban xã, đảng ủy, ban chủ nhiệm hợp tác xã, chi bộ… trở thành đại lý của các dòng họ, nơi thực thi những kế hoạch tranh quyền đoạt lợi và chèn ép lẫn nhau của các vị tôn trưởng – những người thực sự chi phối mọi việc diễn ra trong thôn làng. Không phải chỉ ở một ngôi làng phiếm chỉ trong tiểu thuyết kia mới lắm người nhiều ma, mà bóng ma kiểu đó hiển hiện khắp mọi làng xóm Việt Nam, ở bất cứ nơi nào những mặt trái của quan hệ họ tộc chưa được ý thức tự giác cao độ để không chỉ bài trừ mà còn phòng chống sự tái sinh, như lời cảnh báo sang suốt thể hiện tầm viễn kiến của cố học giả Trần Đình Hượu.
Những câu hỏi day dứt chưa có lời đáp về văn hóa họ tộc ở Việt Nam có mặt ở cả thành phố, trong môi trường phi cổ truyền của kết cấu cư dân theo đơn vị huyết thống. Điều đáng ngạc nhiên là về bản chất, những cảm nhận day dứt của một nhà văn chuyên canh một cách thành thành công về nông thôn như Nguyễn Khắc Trường cũng không khác là bao những lao tâm khổ tứ của một nhà văn mang một bút danh của một người có vẻ như nguồn gốc thiếu số nhưng thực chất sinh ra ngay cạnh Bờ Hồ và vài chục năm trở lại đây lại tập trung viết về thị dân và người trí thức, đó là Ma Văn Kháng. Cả hai nhà văn này đều thao thức với những suy vấn đối diện với vấn đề họ tộc thời hiện đại.
Văn hóa họ tộc không chỉ là vấn đề của miền xuôi. Nó cũng là vấn đề nóng bỏng, cấp bách ở miền núi. Đó không chỉ là vấn đề của người Việt, tộc người đa số, chủ thể ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề của các tộc người thiểu số, Một khi sự quản lý, điều hành các cộng đồng cư dân ở vùng sâu vùng xa được trả lại phần nào cho các “già làng trường bản” thì việc sống lại các tập tuc, các luật lệ đặc thù ở các tộc người thiểu số phải được xem là chuyện tự nhiên, nhưng nếu không có sự theo dõi, điều chỉnh và chế ước nữa, không ai bảo đảm rằng cùng với các thuần phong mỹ tục (mà nếu đã là thuần phong mỹ tục thì trước nay ít khi bị hạn chế cấm đoán ngặt nghèo nên việc phục sinh là hy hữu) các tệ nạn nhân danh phong tục tập quán lại không sống lại một cách mãnh liệt! Chỉ cần theo dõi báo chí công khai cũng đã biết cơ man chuyện đau buồn, thậm chí cả chuyện mạng sống con người bị tổn thất, có quan hệ trực tiếp tới những vấn đề phức tạp của các mối quan hệ họ tộc trong quá khứ.
Văn hóa họ tộc là vấn đề đáng được suy nghĩ nghiêm túc ở tầm quốc sách, một khi người ta cạy cục để tạo ra cho bằng được ngày giỗ quốc tổ. Và không ít người, ở phương diện quốc gia, lên tiếng tự hào rằng trên thế giới chỉ Việt Nam có ngày quốc lễ đặc biệt như thế, Điều mà suốt hàng nghìn năm lịch sử, các triều đại đế vương xưa, những chủ thể quyền lực về nguyên tắc dựa trên những nguyên lý của tinh thần huyết thống và là nhà nước thần quyền (tôi nhấn mạnh – TNV) không đủ can đảm hoạc không đủ trơ trẽn để đẩy quy mô huyết thống hóa giả lên tới đó, thì bây giờ, dưới thời của những người quốc tế chủ nghĩa, vô thần chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh điểm. Cái lý của mọi chuyện là thế nào, thì không thấy ai đứng ra làm nhà lý luận để giải trình, chí ít ra là để thuyết phục những người đóng thuế yên tâm được rằng đồng tiền của họ góp vào phụng sự quốc gia đã không bị hóa một cách oan uổng trong khói hương mờ ảo, nhưng đã kịp có những quy định cụ thể hóa, định thành niên lịch cho tất cả các tỉnh thành trong nước.
Văn hóa họ tộc nhất định phải là một chủ đề trọng đại của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chí ít ra, là vì tuyệt đại đa sô người đi học các cấp, cả trong nước lẫn du học sinh, đều ăn học bằng tiền hẹp thì của bố mẹ, rộng thì của họ hàng. Cái ao nước lã cấu thành nên cái ao nhà ấy liệu có lúc nào bị nguy cơ biến thành ao tiết canh của những dòng tộc không chịu hòa huyết? Không ai dám cả quyết trả lời phủ định, bởi lối tư duy ăn một quả trả cục vàng hoàn toàn phi kinh tế học lại dễ dàng tìm thấy đất đứng trong sự liên thủ của những cơ chế con dại cái mang, mất cha còn chú, sảy mẹ bú dì, đặng một khi cái đứa trẻ được ấp iu kia không thèm nở ra dòng liu điu mà vươn vai thành ông nọ bà kia, thì dễ cũng cảm thấy trái đất này là của chúng mình (xin lỗi nhạc sĩ!) lắm chứ!
Chuyện họ tộc, giờ đây là chuyện của mọi nhà. Không chỉ bởi từ đường là một địa chỉ tâm linh gây xúc động sâu xa sau bao tháng ngày quên lãng đã được thi đua xây dựng suốt trong Nam ngoài Bắc, tộc ước một số nơi đã có sức mạnh hơn hương ước, dù tộc ước hay hương ước đều đáng phải nép mình theo pháp luật, mà còn bởi người ta đang khuyến khích, hô hào chuyện tầm nguyên thám bản, lập lại “gia phả”, kết nối những vòng tay lớn giữa những người có quan hệ thân tộc dăm bẩy mươi đời. Có không ít người tự hào về nỗi mình có bà vợ gốc gác đời thứ mười lăm mười bẩy của chúa này vua nọ nên sẵn sàng mở rộng hầu bao để rồi tên người rể trong họ sẽ chỉnh chện trên bia công đức, lại có người bâng khuâng không biết xưng thế nào cho phải trước một người đồng tộc kém tuổi nhưng chức sắc kha khá mà tính toán theo khoa học xác suất thống kê thì có chung một ông viễn tổ từ giữa thế kỷ thứ VIII, cho tới nay là khoảng trên dưới sáu mươi thế hệ, giờ đây mới được gặp nhau tay bắt bắt mặt mừng trong một chuyến hành hương về lại cội nguồn (Ôi cụ Nguyễn Tiên Điền, lại phải mạn phép cụ mà lẩm nhẩm rằng Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai). Trên thực tế, không chỉ ở bên Tây, bố mẹ già yếu phải vào viện dưỡng lão để khỏi làm bận lòng con cháu, mà ở bên ta, không ít những người thiết thực đã tính thầm cho bố mẹ một nơi an nghỉ cuối cùng nhất thiết phải là Hóa thân Hoàn Vũ cho chính mình đỡ áy náy về nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi vừa được bố mẹ chia cho những khoản hương hỏa cuối cùng. Ấy vậy nhưng trước những đòi hỏi trong đại thiêng liêng rằng chim có tổ người có tông, những người ấy sẽ tỏ ra chí hiếu với liệt tổ liệt tông. Tôi có hoạt kê hóa những tình huống này hay không, cúi xin quý vị minh xét, những cam đoan rằng đó là những chuyện người thật việc thật và không hề thuộc mục chuyện lạ đó đây, mà là chuyện của cuộc sống quanh ta!
Các họ tộc đang được khuyến khích phục hồi và trên thực tế là đang được phục hồi mạnh mẽ, đó là chuyện không càn chối cái, nhưng phục hồi như thế nòa cho phải thì vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.
2. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” hay là câu chuyện đặc trưng văn hóa vùng
Trong các khoa học xã hội và nhân văn, chỉ một số các ngành chuyên môn hẹp có những công trình nghiên cứu sâu về các quan hệ huyết tộc và những đặc điểm của các nên văn hóa tồn tại và phát triển dưới sự chi phối đậm nét của các quan hệ huyết thống ấy. Cụ thể, các công trình như vậy thường thuộc phạm vi của dân tộc học, muộn hơn là nhân chủng học (ngành học mà ngày nay có xu hướng “thôn tính” cả dân tộc học vào trong nội hàm của mình) và phần nào đó, là văn hóa học. Lại cũng cần nhận xét thêm rằng các công trình nghiên cứu có dáng dấp của những công trình điển phạm (canons) về đề tài đã nói thường lại chỉ dành cho các xã hội nguyên thủy, bán khai hoặc nói chung là các tộc người “chưa phát triển” theo cách nhìn tiến hóa luận của lịch sử. Có ấn tượng rằng các công trình như vậy thường giúp cho con người hiện đại hoặc hiểu sâu hơn về lịch sử của mình, hoặc hiểu hơn về các cộng đồng tộc người chưa phát triển ở các châu lục như châu Phi, phần nào ở châu Á và Mỹ latin, chứ ít giúp ích cho việc nắm bắt và lý giải sự tồn tại và vận động của các quốc gia – xã hội phát triển cao, các “xã hội công nghiệp” và “hậu công nghiệp”.Tuy nhiên, nhìn sau vào các quốc gia công nghiệp mới (NICS), những “đại long, tiểu long” những con hổ lớn bé ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì vấn đề họ tộc nhanh chóng được thừa nhận là vấn đề văn hóa đặc thù nhưng có tầm quan trọng to lớn chi phối những đặc điểm phát triển của quốc gia đó, cả từ xa xưa, cả trong thời đại ngày nay. Và nếu khảo sát sự tác động của văn hóa họ tộc trong lịch sử - tự cổ chí kim - ở các quốc gia này, thì không mấy người còn đủ can đảm khẳng định rằng đó chỉ là vấn đề của quá khứ lịch sử, mà không phải là những vấn đề nóng bỏng tính thời sự, là một trong những chủ đề hàng đầu của dự báo xã hội, của một môn khoa học có tên là tương lai học.
Tôi đã và đang triền khai những công trình nghiên cứu của mình trên đường hướng nhận thức này, trong đó một số bài báo, một số công trình nghiên cứu kết hợp đã được công bố cả trong và ngoài nước. Ở một cuộc hội thảo mang tính chất “đường lối và phương pháp luận” như thế này, với tư cách là một thành viên nhỏ bé “ngoại ngạch”, tôi không dám coi là có thầm quyền để trình ra những gì “cao xa diệu vợi”, chỉ xin tỏ bày những suy nghĩ, thú thực là bức xúc, và nêu lên những sự lưu ý trên những chứng cứ thực tế mà mình coi là có tầm quan trọng hiển nhiên đối với nhiệm vụ hiểu và định hướng đúng nền văn hóa của quốc gia – dân tộc nhưng theo thiển ý là chưa được giới nghiên cứu và lãnh đạo văn hóa quan tâm đúng mức, mà thôi.
Xin được nói ngay rằng trong sự quan sát và nhận xét của tôi, các cấu trúc và quan hệ huyết tộc có ý nghĩa nền tảng đối với việc nhận thức bản chất sâu xa của các xã hội thuộc phạm vi của cái thực thể mà K.Marx đã định danh một cách trực giác, nhưng cũng vì vậy mà một cách tạm thời, là thuộc phương thức sản xuất châu Á( mode de production asiatique – MPA). Có thể nói đó là một vấn đề đặc thù khu vực, nhưng cũng có tầm quan trọng cốt tử đối với lịch sử nhân loại, bởi như ai cũng biết, châu Á ngày nay chiếm tới ba phần năm dân số của loài người. Nếu kể riêng các nước Dông Á, Nam Á và Đông Nam Á thì cũng ngót nghét một nửa nhân loại. Cỏn nếu tính riêng các nước Đông Á (mà Việt Nam do vị trí địa lý và do các mối quan hệ chủng tộc – văn hóa – lịch sử cũng hoàn toàn được coi là đương nhiên được xếp vào khu vực này, dù cũng đương nhiên Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á và hiện thời là thành viên quan trọng của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) thì tỷ lệ đó cũng đã xấp xỉ một phần tư. Nhưng điều tôi sắp đề cập đến sau đây là về các cấu trúc và quan hệ huyết thống trước hết ứng với lịch sử của các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Xét về mặt kết cấu của thượng tầng kiến trúc xã hội, thì Trung Quốc là quốc gia cung cấp cho các nhà nghiên cứu khuôn mẫu điển hình nhất của loại chế độ mà K.Marx gọi là chế độ chuyên chế Đông phương (absolutism orientale). Ít nhất thì điều đó cũng đúng cho tới tận cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911). Sớm muộn có khác nhau, nhưng các quốc gia khác trong khu vực là Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều phỏng tác chế độ chính trị cho mình theo khuôn mẫu của chế độ chuyện chế ở Trung Quốc. Ai cũng biết, ở tất cả các quốc gia vừa được đề cập, Tam giáo (Nho, Phật, Đạo) đều có mặt đều đồng tồn tại (tịnh hành), thậm chí được coi là hỗn dung, nhưng đều lấy Nho giáo làm trục xoay, làm nòng cốt. Hầu như các nhà Đông phương học trên thế giới khi bàn đến “thế giới Hán hóa” (le monde sinisé), đến vành khuyên văn hóa chữ Hán (Hán tự văn hóa quyển) cũng đều ngầm định rằng đó cũng là thế giới văn hóa Nho giáo, cụ thể hơn, thế giới văn hóa Khổng giáo (Khổng giáo văn hóa quyển). Vậy nên chỉ nhìn thật sâu vào thực chất của học thuyết này, cũng đã có thể nhận ra một số trong những đường nét cơ bản làm nên tính đặc thù của lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực. Từ sự biện luận để lựa chọn đối tượng quan sát và trình bày như vậy, tiếp theo đây chúng tôi chỉ tập trung vào bàn tới vấn đề họ tộc trong tư tưởng Nho giáo và các biến tướng, biến tích của nó trong các xã hội đi từ truyền thống Nho giáo đến hiện đại, trong đó có Việt Nam. Đương nhiên, từ góc độ nhìn khác, vấn đề văn hóa họ tộc ở các nước Đông Á và Đông Nam Á không chỉ đóng khung trong chỉ những chuẩn mực mà Nho giáo đề nghị và tổ chức thực thi trong lịch sử các quốc gia mà nó từng đóng vai trò học thuyết ý thức hệ. Đó cũng chính là những nội dung cần tìm hiểu ở các chuyên gia khác, các chuyên ngành và các khu vực, các khối dân cư khác, đặng đi tới một cái nhìn toàn cảnh hơn mà cũng chi tiết hơn, đạt tới tính cụ thể - lịch sử của tri thức về đối tượng.
Điểm đặc thù đầu tiên của quá trình hình thành xã hội “kiểu Trung Quốc” trên cơ sở đó mà xác lập chế độ chuyên chế Đông phương truyền thống là việc trên tiến trình lịch sử, do nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cư dân nông nghiệp trồng trọt định cư lâu dài trên một địa bàn không có sự xáo trộn đáng kể, đã không những không giải thể, không làm giảm nhẹ sự chi phối mà còn mở rộng và tăng cường những cấu trúc quan hệ huyết tộc và xã hội hóa, nhà nước hóa chúng. Xét từ điểm xuất phát, Nho giáo là học thuyết lấy gia đình để hình dung thế giới, nhìn thế giới và các quan hệ xã hội – hành chính qua lăng kính của mô hình gia đình phụ hệ gia trưởng mở rộng. Nho giáo, trước hết là học thuyết đạo đức, và đức hạnh khởi đầu của con người theo Nho giáo chính là Hiếu (“Hiếu giả, bản dã, nhân giả, mạt dã”- Hiếu là gốc, nhân là ngọn vậy. Trung dung). Hiếu trước hết được xác định là phẩm chất cần có ở con cái đối với cha mẹ. Đức mục hàng đầu này sẽ được cụ thế hóa, chi tiết hóa cặn kẽ thành Hiếu kinh, một trong thập tam kinh của Nho giáo vào đời Hán.
Từ thời Ân – Thương, tầng lớp cầm quyền đã “siêu nhiên hóa” nguồn gốc của mình, đồng nhất tín ngưỡng thờ tổ tiên với tôn giáo thờ Thượng đế, thông qua đó nhận Thượng đế là tổ tiên trực tiếp của mình. Đến thời Chu thì xã hội đã được hình dung theo quan hệ tông tộc, phân biệt đại tông, ra đời “tông pháp chế độ”như là mô hình mang tính lý thuyết quan trọng đầu tiên trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại. Ngay từ những bước đầu tiên của mô hình chế độ chuyên chế ở Trung Quốc, các cấu trúc và quan hệ huyết tộc đã được chọn làm nền tảng.Không đi sâu vào những tri thức chuyên ngành hẹp của lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng, tôi chỉ khẳng định ở đây rằng việc không thay đổi vai trò của các cấu trúc và quan hệ huyết tộc mà biến nó thành trục chính của các quan hệ xã hội và nhà nước trong tương lai, đó chính là bí mật cơ bản đầu tiên của loại hình xã hội thuộc phạm vi tác động của cái gọi là “ phương thức sản xuất châu Á”. Chính điều đó làm nên sự khác biệt quan trọng đầu tiên khi so sánh các tiến trình lịch sử diễn ra giữa các xã hội Âu – Mỹ khởi đi từ mô hình nhà nước, chế độ xã hội lấy xuất phát điểm từ xã hội Hy – La cổ đại – loại mô hình nhà nước mà từ trước tới nay vẫn được các ngành khoa học lịch sử coi là mô hình chính thường của lịch sử loài người.
Quan hệ huyết thống vốn là quan hệ thuộc về tự nhiên, mang tính tự nhiên. Đặc điểm hàng đầu của các loại quan hệ mang tính tự nhiên là chúng không bao hàm khả năng can thiệp của các sức mạnh thuộc tinh thần xã hội như ý chí, lý trí, sự quyết định và lựa chọn duy lý, chúng không có tự do và không áp dụng được cho chúng khái niệm tự do. Hôn nhân là một trong những cơ chế cho phép xuất hiện tính tự do đầu tiên trong đời sống nhân loại. Tuy nhiên, với các bậc thánh nhân Nho giáo, do sáng suốt nhìn thấu viễn tượng của phương trời mà cánh cửa này đã mở ra, đã nỗ lực cực độ để hướng hôn nhân tới chỗ bảo vệ và củng cố các cấu trúc và quan hệ huyết tộc bằng những quy phạm phức tạp, biến nó thành nỗi bất hạnh đầu tiên đối với con người ở điểm khởi đầu của tuổi trưởng thành và có khả năng tham gia thực thụ vào đời sống và tạo ra những quyết định mang tính xã hội. Hôn nhân trong xã hội Nho giáo vì thế không giải huyết thống hóa, mà ngược lại, củng cố thêm, mở rộng các quan hệ đó bằng việc mở rộng cấu trúc: các thành viên của gia đình, gia tộc có người tham gia hôn nhân trở thành bà con, thông qua qua khái niệm đặc thù: thông gia. Dĩ nhiên, thông gia là bước khởi đâu của một quá trình huyết thống hóa giả tạo. Chính ở điều này mở ra hai lối ứng xử hôn nhân đều có liên quan đến nhu cầu bảo lưu quan hệ huyết tộc nhưng chuyển động trái chiều nhau: hôn nhân hướng ngoại ( quy chiếu với cộng đồng thân tộc đã có) và hôn nhân hướng nội. Ở những thời kỳ lịch sử nhất định và những thế lực có đặc quyền nhất định (chứ không phải với mọi / bất cứ thành viên cộng đồng nào nói chung), khi đặc quyền tông tộc được bảo vệ không phải bằng những lý thuyết tổ chức chính trị xã hội phức tạp mà bằng sức mạnh trực tiếp hay bằng kinh nghiệm thực tế, hôn nhân hướng nội thường là giải pháp được lựa chọn (do độ an toàn tự nhiên của nó đối với việc bảo vệ các đặc quyền đã có). Hôn nhân hướng nội của các vua và hoàng tộc thời Hán sơ ở Trung Quốc hay hôn nhân của nửa đầu triều nhà Trần ở Việt Nam phản ánh đường hướng ấy. Tuy nhiên, cũng bằng kinh nghiệm về các mối hiểm họa do hôn nhân hướng nội đưa tới (suy thoái nòi giống, quái thai dị dạng,..) mà hôn nhân hướng ngoại là đường hướng chủ đạo mà thực tế cũng như lý thuyết Nho giáo ủng hộ, và như đã biết, độ an toàn qua hôn nhân sẽ được Nho giáo bảo vệ và củng cố bằng cách thân thuộc hóa các quan hệ hậu hôn nhân như đã nói.
Nho giáo luôn luôn tìm cách mở rộng và củng cố các quan hệ huyết tộc bởi theo tiến trình vận động thuộc lịch sử tự nhiên, thì sau một thế hệ nhất định (thường là năm đời) các thành viên cùng một thế hệ càng xa với các thành viên quy chiếu mà cũng càng xa lạ với nhau về mặt huyết thống (phẩm tước của triều đình theo lệ thế tập cũng vì thế tuân thủ “lẽ tự nhiên” này, và thường sau năm đời, một hậu duệ bất kỳ nào đó của một đế vương nếu không may mắn sinh ra trong chi “đích” sẽ có thể trở thành bạch đinh, thành thứ dân). Để “bù đắp” phần nào cho thực tế mà tôi gọi vui là thực tế “nước lã hóa” về huyết thống như vậy, người ta đã cố “níu kéo” bằng việc mở dòng họ ra đến “ cửu tộc” (chín, mà thực chất cũng là năm thế hệ): cao, tằng, tổ, phụ, (thân), tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn. Trên thực tế ở các cộng đồng cư dân thuộc khu vực này, những quan hệ họ hàng có thật dù rất xa vẫn được trân trọng. Ta cứ đọc Tam quốc diễn nghĩa, suy nghĩ về thực chất quan hệ giữa người được gọi là Lưu hoàng thúc (Lưu Bị) với hoàng đế nhà Hán đương thời, thì cũng đủ thấy ý nghĩa của việc xác lập quan hệ thân tộc trong lịch sử Trung Quốc có tầm quan trọng thế nào!
Chính bởi ý nghĩa và sức mạnh của các quan hệ mang tính huyết tộc chi phối quyết liệt đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của cư dân các nước trong khu vực, nên mới nảy sinh hàng loạt hình thức và biện pháp huyết thống hóa giả tạo. Thuộc loại cơ chế huyết thống hóa giả tạo này ta dễ dàng quan sát thấy các nghi thức kết nghĩa. Hầu như không có loại quan hệ thân tộc nào mà các quan hệ huyết thống hóa giả tạo này không mô phỏng theo (có lẽ vì thế mà chỉ trừ loại quan hệ chỉ được xác lập qua hôn nhân mà không có danh xưng, bởi ta không thấy có danh xưng vợ nuôi hay chồng nuôi). Để cảm nhận được tính thực tế của cơ chế huyết thống hóa giả tạo này, hãy nhìn vào mối quan hệ của 108 đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, hay sự tích nổi tiếng Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào.
Phương thức huyết thống hóa giả tạo để tạo ra những sức mạnh và ràng buộc thực không chỉ dừng lại ở cách thức kết nghĩa, mà còn phủ lên toàn bộ các cơ chế của các loại hình quan hệ mà về thực chất phải là các quan hệ xã hội hay hành chính. Chính vì cư dân cư trú chủ yếu theo quan hệ thành các cộng đồng thân tộc, nên từ ngữ mang tính khái quát nhất để định danh họ cũng phản ánh tính chất đó: trăm họ (bách tính). Phổ biến trong quan niệm của nhà Nho, khi làm quan là làm các việc “chăn dắt muôn dân”, bởi họ không chỉ là “lê dân” (dân đen), mà họ cũng là “xích tử” (con đỏ). Là “lê dân” thì họ chỉ đáng bị sai, sử, quan lại có thể lạnh lùng mà cai trị, nheo mắt “mục hạ vô nhân”, nhưng là con đỏ thì họ có “quyền” được quan lại che chở, quan tâm, thương xót. Có điều, là “con đỏ”, họ vĩnh viễn là những cá thể “vị thành niên chung thân” nên vĩnh viễn họ cần được quản lý, được chăn dắt, được tuyên hóa, giáo dục. “Dân vì bang bản”, (“nước lấy dân làm gốc”) vì thế cũng vĩnh viễn là tư tưởng thân dân khôn ngoan của nhà nước chuyên chế chứ không bao giờ được hiểu rằng đó là tư tưởng dân chủ. Cách hiểu “lấy dân làm gốc” là tư tưởng dân chủ là một sự hiểu lầm tai hại! Bởi trong hệ thống của những quan niệm ấy, quan lại là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Mà đã là cha mẹ, thì con cái trước khi bàn đến quyền lợi, cần thực hiện nghĩa vụ, trước mọi sai lầm có thể có của cha mẹ, quyền con cái chỉ có thể cao nhất là quyền can ngăn, nhược bằng không thể can ngăn, thì chỉ còn cách làm theo lời chỉ dạy của Đức Thánh, “khóc mà vâng lời” (Luận ngữ) chứ không chống đối mãi, nói gì đến chuyện làm hại đến cha mẹ.
Trong cái trật tự gia đình hóa ấy, quan lại có quan hệ với nhau theo thứ bậc mà cũng được “chuyển ngữ” thành trật tự gia đình. Quan trên là “trưởng quan”, cũng là “đại quan” (theo nghĩa gốc ban đầu là “người lớn hơn”. Quan hệ giữa các quan và vua được “song ngữ hóa” mà thành “thần tử chỉ đạo” (đạo tôi con) – làm bề tôi, tức cũng là làm con đó vậy. Đã “tôi con”, thì về đối ứng đương nhiên là “vua cha”. Rồi đến lượt mình, vua sẽ coi trời làm cha, bèn tự nhận mình là thiên tử.
3. Thay lời kết
Trở lên, tôi đã trình ra một “mặt cắt” hoàn toàn có thật trong lịch sử tư tưởng và lịch sử chính trị của Nho giáo. Ở tất cả các nước từng sử dụng Nho giáo làm công cụ ý thức hệ, từng thấm đẫm tinh thần văn hóa Nho giáo, thì những đặc trưng quan hệ huyết tộc bảo lưu trong xã hội như thế đã thành những hằng số. Dĩ nhiên, ở mỗi nước, mỗi triều đại và thời kỳ cụ thể, tương tác giữa các cấu trúc và quan hệ huyết tộc ấy với những thành tố chính trị, kinh tế, văn hóa khác sẽ tạo nên những bức tranh toàn cảnh không thể hoàn toàn giống nhau.
Hệ quả của việc bảo lưu, mở rộng, củng cố và duy trì những cấu trúc và quan hệ huyết tộc trong lòng các xã hội hậu kỳ thật phức tạp và to lớn. Điều kỳ lạ là cho đến nay chưa thấy nhiều nhà khoa học hay nhà chính trị công khai quan tâm đến những hệ quả - cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng tôi nhấn mạnh lại là đặc biệt to lớn và phức tạp ấy. Nho giáo là một học thuyết điển hình cho việc lý luận hóa các quan hệ thân tộc,nhưng không chỉ Nho giáo mà nhiều học thuyết hay tôn giáo khác cả trong khu vực, cả trên thế giới đều đưa ra những cách thức ứng xử khác nhau, những đáp án lịch sử khác nhau cho những cấu trúc và những mối quan hệ vốn tự nó nằm ngay trong bản thể của tồn tại người này. Vậy thì còn chờ gì mà không khởi động một chương trình nghiên cứu chắc chắn là có dung lượng vĩ mô này?
Hà Nôi, tháng 12/2005

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...