(Bài tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh ngày 14-16/7/2004. Đã đăng trong "Việt Nam học -Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ 2: Việt Nam trên đường phát triển và Hội nhập: truyền thống và hiện đại," t2, NXB Thế giới, từ trang 318-330)
Năm 1896, phong trào Phan Đình Phùng bị dập tắt đã đánh dấu sự thất bại của phong trào Cần Vương- một phong trào “ giúp vua” như tên gọi của nó - nhằm khôi phục lại chế độ phong kiến. Thất bại của phong trào Cần Vương chứng tỏ ý thức hệ phong kiến đã trở nên lỗi thời và giai cấp phong kiến đã không thể đảm đương được sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Do đó vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và đưa Việt Nam hoà nhập với thế giới hiện đại.
Phụ nữ Việt Nam do nhưng điều kiện tự nhiên và xã hội đặc biệt trong lịch sử đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những đóng góp quan trọng của phụ nữ đã góp phần tạo nên vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội truyền thống của người Việt. Lịch sử đã từng ghi lại những chiến công hào hùng của phụ nữ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nho giáo, đặc biệt từ thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn đã khiến cho phụ nữ luôn là một vấn đề của xã hội.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Việt Nam đã có những biến đổi lớn về kinh tế, xã hội và văn hoá. Đây là những cơ sở quan trọng và cần thiết cho việc tiếp nhận các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài và hình thành những khuynh hướng vận động cách mạng mới. Cùng với những thay đổi này, sự có mặt ngày càng đông của phụ nữ trong các đồn điền, nhà máy, hầm mỏ, với các hình thức lao động được xã hội hoá của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như sự xuất hiện của lớp phụ nữ trí thức (dạy học, viết báo, viết văn,làm thơ…) đã làm cho phụ nữ trở thành một lực lượng xã hội quan trọng, là đối tượng quan tâm tranh thủ của mọi khuynh hướng chính trị. Vấn đề làm thế nào để vận động được đông đảo phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là nhân tố góp phần đảm bảo sự thành công của cách mạng.
1. Bối cảnh chính trị và quan điểm của Đảng cộng sản Đông Dương về vai trò của phụ nữ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân .
Sau chiến tranh Thế giới I năm 1918, tại Việt Nam hình thành một số khuynh hướng và đảng phái chính trị của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản. Các tổ chức chính trị này tuỳ theo mục tiêu chính trị của mình mà có các quan điểm khác nhau về vai trò của phụ nữ. Ví dụ như Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ học trong triều đình Huế, người cùng với Bảo Đại chủ trương thi hành trở lại Hiệp ước 1884, hô hào “quốc quyền”, “lập hiến”, “thống nhất quốc gia” tuy đánh giá cao phụ nữ Việt Nam trong lịch sử: “vốn có tiếng giỏi về đường kinh tế. Cuộc thương nghiệp trong nước phần nhiều là ở trong tay đàn bà. Dẫu cả thế giới không đâu có cảnh rất đáng kính đáng phục là cảnh vợ nuôi chồng đi học… Phụ nữ một mình tần tảo mà cung cấp cho cả một nhà, trên là cha mẹ, dưới lũ con” (Báo NP, 10/1917), nhưng ông cũng chỉ hướng tới phụ nữ thượng lưu. Theo ông, “đối với đàn bà con gái thì chủ nhất là gây lấy cái nhân cách hợp tình thế trong xã hội”. Trước những thay đổi của xã hội, ảnh hưởng của văn hoá Pháp, ông cho rằng phụ nữ thượng lưu có thể tham gia vào việc đổi mới xã hội, đó là sự Âu hoá, nhưng nên từ trong gia đình “lấy gia đình mình làm gương”, với các hoạt động từ thiện, cứu tế, bảo anh…lập các “sa lông tiếp các danh sĩ đàm đạo việc đời, việc nước, mong từ đó ảnh hưởng đến cuộc tiến hoá của dân tộc Việt Nam” (Báo NP, 10/1917).
Cả Bùi Quang Chiêu, thủ lĩnh của Đảng Lập hiến và Nguyễn Phan Long - những người đại diện cho khuynh hướng quốc gia cải lương của giai cấp tư sản đều coi “phận sự của đàn bà là ở trong nhà” (Bùi Quang Chiêu, PNTV, ngày 20/6/1929) hoặc “thiết tưởng đàn bà chỉ nên trọn đạo làm kẻ nội trợ” (Nguyễn Phan Long, PNTV, ngày 11/7/1929) cho nên phụ nữ chẳng cần tham gia công tác xã hội, chẳng cần đòi bình quyền và giải phóng phụ nữ. Họ cho rằng phụ nữ không được bình đẳng với nam giới là do phụ nữ, “vì tư cách của họ, không phải lỗi của ai.” Mục tiêu chính trị của giai cấp tư sản mà Bùi Quang Chiêu đại diện là đòi chính phủ Pháp nới rộng quyền tự do dân chủ ở Đông Dương, cho tư sản bản xứ tham gia nhiều hơn vào các Hội đồng thuộc địa. Do vậy, ông ta phản đối phụ nữ đòi quyền bình đẳng với nam giới, ông sợ rằng giúp cho phụ nữ đòi bình quyền là giúp họ “trở thành kẻ phản đối… từ trong gia đình tới ngoài xã hội ( PNTV, ngày 20/9/1929).
Nhìn chung, các tổ chức và khuynh hướng chính trị trên đều không đề cập đến việc giải phóng dân tộc và cho rằng phụ nữ chỉ nên làm phận sự trong gia đình. Riêng Phan Bội Châu đã vượt lên trên những người cùng thời về quan điểm chính trị, ông đã đi từ tư tưởng quân chủ, tới tư tưởng dân chủ tư sản rồi bắt đầu tiếp cận với tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Lòng yêu nước đã giúp Phan Bội Châu đánh giá đúng vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX và ông cũng là người tích cực vận động nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, từ 1925, Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế, các hoạt động của ông mới chỉ dừng lại ở các bài phát biểu, các tập sách tuyên truyền, còn những ý tưởng về tổ chức và liên kết phụ nữ được ông trình bày trong cuốn “Vấn đề phụ nữ” xuất bản 1929, chưa được đưa ra thực thi trong thực tiễn cách mạng.
Việt Nam Quốc dân Đảng là một Đảng cách mạng của giai cấp tiểu tư sản và trí thức yêu nước tiến bộ ra đời năm 1927 trên cơ sở của nhóm Nam Đồng thư xã. Chủ trương của Đảng là làm cách mạng dân tộc, đánh đuổi Pháp và nền quân chủ chuyên chế nhằm thiết lập một thể chế chính trị cộng hoà. Tuy nhiên, Việt Nam Quốc dân Đảng lại không có cơ sở trong quần chúng lao động. Mặc dù theo điều lệ ban đầu của Việt Nam Quốc dân Đảng thì phụ nữ được tự do vào đảng nhưng phải sinh hoạt trong chi bộ riêng. Sau này vì một lý do nào đó mà Việt Nam Quốc dân Đảng đã không cho phép phụ nữ vào Đảng, chỉ tập hợp họ trong đoàn thể riêng gọi là Việt Nam Phụ nữ đoàn (trừ một chi bộ phụ nữ có từ trước, là chi bộ có cô Bắc, cô Giang tham gia.) Theo Điều lệ của “Việt Nam Phụ nữ đoàn” thì mục đích của đoàn thể này là:
1. Cộng tác với các đồng chí nam giới để thực hiện cách mạng dân tộc.
2. Xây dựng một tập đoàn cộng hoà dân chủ.
3. Giúp đỡ và che chở các dân tộc bị áp bức (Trần Huy Liệu, 1958: 118)
Các mục đích trên cho thấy Việt Nam Quốc dân Đảng đã chú ý đến việc tổ chức, thu hút phụ nữ, nhưng chưa thành một chủ trương vận động phụ nữ với những yêu cầu riêng của họ.
Ngày 3/ 2/1930 (theo báo chí cách mạng trước 1945 là ngày 6/1/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng, trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản hình thành ở Việt Nam cuối năm 1929 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chính cương vắn tắt của Đảng (Văn kiện Đảng TT: tập 2,1998: 2) nêu rõ mục tiêu của Đảng là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” và “ nam nữ bình quyền” - là một trong mười ba chủ trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là một trong mười mục tiêu được nhắc tới trong Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng(Văn kiện Đảng TT: tập 2,1998:14). Luận cương chính trị năm 1930 (Văn kiện Đảng TT: tập 2, 1998: 95) của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu rõ một trong mười “nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền” là thực hiện “nam nữ bình quyền”. Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị tháng 10/1930 về công tác Phụ nữ vận động đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về vai trò của phụ nữ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo, cũng như đường lối vận động phụ nữ của Đảng. Từ chỗ xác định: Phụ nữ là một lực lượng quan trọng chiếm “một phần lớn trong giai cấp vô sản”, họ không những bị tư bản và phong kiến bóc lột mà còn bị bó buộc bởi phong tục và lễ giáo phong kiến, họ “không có một chút tự do nào hết”, nên nếu họ được giác ngộ thì sẽ rất hăng hái tham gia cách mạng và trở thành “một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”. Khẳng định được vai trò to lớn và có tính quyết định của phụ nữ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nên Đảng Cộng sản Việt Nam coi công tác vận động phụ nữ là một “nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu.” (Văn kiện Đảng TT: tập 2, 1998:188). Đây là một trong những điểm khác nhau căn bản giữa Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị đương thời, đồng thời cũng là cội nguồn sức mạnh đưa Đảng cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi .
2. Đường lối vận động phụ nữ của Đảng cộng sản Đông Dương
Trong những năm 1930, trên các báo chí tư sản phát hành công khai, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ được đề cập khá nhiều với các khẩu hiệu đòi cho phụ nữ được đi học, hô hào phụ nữ lo cho mình một nghề nghiệp để có thể sống tự lập và coi đó là biện pháp để thực hiện nữ quyền cũng như mục tiêu của cuộc vận động phụ nữ. Không những thế, đối tượng vận động của họ chỉ là phụ nữ thuộc tầng lớp trên. Có thể thấy cuộc vận động nữ quyền này mang màu sắc của thuyết nữ quyền tự do - nữ quyền tư sản, hoàn toàn tách rời phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy trong Án nghị quyết về công tác vận động phụ nữ, Đảng ta đã nhấn mạnh “làm cho phụ nữ thoát khỏi tư tưởng tư bổn, đánh đổ cái mộng tưởng “nam nữ bình quyền” trong vòng tư bổn chủ nghĩa” và lưu ý cần tuyên truyền cho phụ nữ nhận thức được rằng: Chỉ khi nào nước nhà được độc lập, chế độ phong kiến bị xoá bỏ thì phụ nữ mới có cơ hội được bình đẳng thực sự, được giải phóng thực sự, do vậy việc vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động cách mạng là vô cùng quan trọng, “nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì không bao giờ đạt mục đích giải phóng được”(Văn kiện Đảng TT: tập 2, 1998:189). Khác với tất cả các phong trào yêu nước và cách mạng trước đó, đối tượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam vận động chính là phụ nữ lao động, phụ nữ công nhân và nông dân, lực lượng chiếm đa số trong xã hội. Để vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động cách mạng Đảng ta nhấn mạnh: Trước hết phụ nữ phải được tổ chức lại trong các tổ chức Công hội, Nông hội, Thanh niên và trong các tổ chức riêng của phụ nữ. Cụ thể, đưa ra yêu cầu đối với các tổ chức công hội: “ Các cơ quan công hội phải đặt ra phụ nữ uỷ viên hội để làm cho việc vận động phụ nữ được phát triển” (Văn kiện Đảng TT: tập 2, 1998:139). Nữ Uỷ viên Công hội có nhiệm vụ tìm hiểu điều kiện sinh hoạt, làm việc của nữ công nhân, để kịp thời đề xuất với Tổng Công hội đưa ra những khẩu hiệu phù hợp với yêu cầu và lợi ích của họ, trên cơ sở đó vận động, thu hút nữ công nhân tham gia các hoạt động của Công hội. Với các tổ chức Nông hội, Đảng ta cũng vạch rõ: “Dưới các ban chấp hành nông hội lại tổ chức ra bộ phụ nữ vận động để kéo phụ nữ nông dân tham gia cho mạnh vào nông hội để cùng nhau tranh đấu” (Văn kiện Đảng TT: tập 2, 1998: 155). Đồng thời cũng chỉ ra rằng: “Muốn cho phụ nữ tham gia vào các cuộc tranh đấu cách mạng thì trước hết phải đánh đổ hết thảy những cái phong tục thuộc về tôn giáo hay luân lí, phải huấn luyện chính trị cho phụ nữ… làm cho họ thêm giác ngộ giai cấp để kéo họ vào những đoàn thể của vô sản giai cấp” “ Trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Thanh niên Đoàn (Từ địa phương đến Trung ương) cần phải tổ chức ra Ban phụ nữ, hoặc là người chuyên môn phụ trách” Bên cạnh đó, Đảng ta cũng chủ trương “tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “ Phụ nữ Liên hiệp hội” mục đích là mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng” và thu hút tất cả những phụ nữ không nằm trong các tổ chức Công hội và Nông hội như “vợ công nhân, người buôn gánh bán bưng” (Văn kiện Đảng toàn tập: tập 2, 1998: 190-191)...
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác tổ chức và vận động phụ nữ luôn luôn được Đảng ta quan tâm và chỉ đạo kịp thời cũng như uốn nắn những thiếu sót chưa phù hợp với chủ trương và chính sách của Đảng. Ngày 29/4/1931, Nghị quyết của Xứ uỷ Trung Kỳ nhắc nhở: “Từ trước tới giờ trong Đảng có quan niệm sai lầm về tổ chức phụ nữ. Nói đến việc phụ nữ thì đảng viên yên chí ngay rằng phải hô hào đòi nữ quyền, chống chế độ phong kiến áp bức phụ nữ,… và chỉ vận động nữ giới đòi cho được ngang hàng nam giới. Có người tuyên truyền cao hơn nữa thì lại đem những tư tưởng anh hùng, những gương nữ kiệt mà hô hào phụ nữ. Rút lại vận động phụ nữ chỉ quanh quẩn trong vòng nữ quyền của tư bản hoặc quốc gia hẹp hòi" (Trần Huy Liệu, 1960: 4). Điều đó là trái với chính sách và hành động của Đảng.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai (tháng 3/1931), mục Công tác chi bộ đã lưu ý: “Nếu trong nhà máy có công nhân đàn bà thì chi bộ phái một hay hai đảng viên để công tác trong đám họ, theo kế hoạch của cán bộ phụ nữ Khu uỷ hay Thành uỷ. Dẫu trong nhà máy không có nữ công nhân cũng cần cử người vận động trong đám vợ con công nhân. Mấy người phụ trách đó lại hết sức liên lạc với bộ phụ nữ ở công hội.” (Văn kiện Đảng TT: tập 3, 1999 : 111)
Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1935, công tác vận động phụ nữ được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Đảng. Đảng ta chỉ rõ: Cần phải tích cực tổ chức phụ nữ vào Đảng, vào Thanh niên Cộng sản đoàn và các đoàn thể cách mạng, đưa những phụ nữ hăng hái công tác vào các cơ quan chỉ đạo, thông qua các hình thức công khai và bán công khai để lôi kéo phụ nữ vào các tổ chức thích hợp: “Mỗi cấp đảng bộ phải lập một ban uỷ viên phụ nữ. Người phụ trách ban ấy được quyền tham dự các hội nghị của Đảng uỷ đảng, đ¬ược biểu quyết về các vấn đề phụ nữ” (Văn kiện Đảng TT: tập 5, 2002:66). Theo đó, phải có những tài liệu tuyên truyền riêng cho phụ nữ. Các báo của Đảng và các đoàn thể cách mạng khác cần có bài về vận động phụ nữ, đồng thời chống các xu hướng đầu cơ miệt thị phụ nữ, tuyên truyền các lý thuyết phản động của tư sản và phong kiến nhằm ngăn cản phụ nữ tham gia đấu tranh. Đồng thời Đảng ta cũng nhấn mạnh rằng trong các cuộc đấu tranh có phụ nữ tham gia thì “nhất luật phải ra khẩu hiệu đặc biệt cho phụ nữ (như: công bằng nhau thì tiền lương bằng nhau, cấm làm việc đêm, được nghỉ hai tháng trước và hai tháng sau khi đẻ mà cứ lĩnh tròn tiền lương theo như các bản chương trình của Đảng, của Công hội, Thanh niên cộng sản… Chống chế độ nhiều vợ, phản đối chính phủ Pháp duy trì và lợi dụng chế độ làm đĩ để thu thuế)” (Văn kiện Đảng TT,T5, 2002: 66-67).
Trước những vận hội mới của đất nước, thời kì vận động dân chủ 1936-1939, Đảng ta đã kịp thời đưa ra những chủ trương mới về công tác tổ chức, cụ thể đối với phụ nữ, nhấn mạnh: “cần lập ra các hội phụ nữ công khai và bán công khai… để binh vực quyền lợi chung cho các lớp dân chúng và riêng cho phụ nữ”như: Hội “Phụ nữ dân chủ”, “Phụ nữ giải phóng” “Phụ nữ tân tiến”, “phụ nữ hỗ trợ”( Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 6,2000:244) Ở những địa phương có nhiều tổ chức phụ nữ với các tên gọi khác nhau thì lập ra “Phụ nữ liên hiệp hội” để thống nhất lại. Trong cuộc tổng tuyển cử dân biểu tại miền Bắc tháng 8/1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân chủ Đông Dương đã đưa ra một danh sách ứng cử viên với chương trình tối thiểu của mặt trận. Chương trình đã nêu lên những khẩu hiệu liên quan đến quyền lợi của phụ nữ như “chống nạn mãi dâm, việc làm ngang nhau thì lương của đàn ông, đàn bà phải ngang nhau, tài năng như đàn ông thì đàn bà cũng làm được các chức việc như đàn ông trong các sở công và tư, bảo vệ phụ nữ và nhi đồng (trước và sau khi đẻ, đàn bà đi làm các công sở và nhà máy đều được nghỉ có lương, mở các hài nhi viện)” (Tin tức, số 12, ngày 25-29/6/1938).
Năm 1939, chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 9/1940, quân đội phát xít Nhật kéo vào Bắc kỳ. Hội nghị Trung ương lần thứ VIII họp tháng 5/1941 đã quyết nghị thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Một trong Mười chương trình lớn của Việt Minh là “nam nữ bình quyền”. Hội Phụ nữ cứu quốc nằm trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Điều lệ của Hội nêu rõ “Đoàn kết hết thảy các chị em phụ nữ ái quốc Việt Nam để mưu lợi ích hàng ngày cho phụ nữ, để cùng các đoàn thể cứu quốc khác đánh Pháp đánh Nhật làm cho nước Việt Nam ta được hoàn toàn độc lập” (Trần Huy Liệu,1960:8).
Năm 1941, trước tình hình khẩn cấp của phong trào vận động phản đế, Nghị quyết hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc kỳ chỉ đạo: Không nên dùng cán bộ phụ vận làm công tác giao thông, cần “ phải đào tạo cán bộ giao thông khác để cho các nữ đồng chí chuyên môn tiến hành công tác phụ vận của họ”, “Cần đào tạo thêm cán bộ phụ nữ bằng cách huấn luyện cho các nữ đảng viên từ đoàn viên phụ nữ cứu quốc…cần phát hành truyền đơn kêu gọi chị em phụ nữ thành thị. Phải dùng mọi hình thức liên hiệp các tầng lớp phụ nữ” (Văn kiện Đảng TT, t7, 2000: 198). Vì “Cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc phải có phụ nữ tham gia mới dễ thắng lợi”(Văn kiện Đảng TT, t7, 2000: 301)
Thực tế cách mạng đã cho thấy đường lối vận động phụ nữ đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của Đảng đối với phong trào phụ nữ đã góp phần quyết định vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.
3. Báo chí cách mạng và truyền đơn cách mạng một phương tiện tuyên truyền, vận động phụ nữ hiệu quả
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã rất quan tâm tới công tác cổ động tuyên truyền, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng “để thu phục quần chúng, để thu phục đại đa số thợ thuyền và lãnh đạo quần chúng tranh đấu”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn theo sát tình hình và chỉ đạo kịp thời công tác vận động phụ nữ qua báo chí cách mạng và các truyền đơn cổ động hướng dẫn phong trào và chỉ rõ “các báo của Đảng là những cơ quan liên lạc của Đảng với quần chúng lao khổ ” (Văn kiện Đảng TT, t3, 1999: 117). Do vậy, báo chí cách mạng phải nêu được đời sống sinh hoạt của quần chúng công nông, phải giới thiệu các vấn đề chính trị, các khái niệm chính trị cơ bản và các khẩu hiệu chính trị phù hợp, văn phong trong báo phải giản dị dễ hiểu đối với quần chúng lao động. Việc tuyên truyền cổ động “phải căn cứ vào cần dùng hiện tại và trình độ kiến thức của quần chúng công nông mà làm”. Đối với việc tuyên truyền vận động phụ nữ, Đảng ta nhấn mạnh “Về việc tuyên truyền cổ động thì các báo chương của Đảng, Thanh niên đoàn, Công hội và Nông hội thường phải nói đến những việc thiết thực cho phụ nữ hoặc để riêng một chương đăng những bài ấy” (Văn kiện Đảng TT,t2,1998:191 ). Ngoài việc đăng những bài báo dành riêng cho phụ nữ thì trong hầu hết các truyền đơn, lời hiệu triệu hay lời kêu gọi của Đảng, phụ nữ luôn được xếp ngang nam giới với các đại từ mở đầu “ Các anh em, chị em…”
Những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương lần đầu tiên khối công nông đoàn kết trong một mặt trận tranh đấu. Trong phong trào đấu tranh này Đảng ta cũng có sự chỉ đạo kịp thời và chặt chẽ đối với công tác phụ nữ. Hầu hết các truyền đơn cách mạng của Đảng thời kỳ này đều chú ý đăng các khẩu hiệu yêu cầu quyền lợi cho phụ nữ, ví dụ như:
1.Quyền đàn bà ngang quyền đàn ông;
2. Phản đối cha mẹ ép gả;
3. Phản đối chế độ nhiều vợ;
4. Đánh đổ hủ tục khinh thị đàn bà (Truyền đơn cách mạng. Kí hiệu BTCM 187/Gy374).
Ngày 8/3/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ uỷ Nam kỳ và Tổng Công hội Nam kỳ, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ. Để hướng dẫn phụ nữ đấu tranh, Đảng ta đã đưa ra cương lĩnh tuyên truyền và truyền đơn kêu gọi phụ nữ tham gia tranh đấu. Cương lĩnh đã giới thiệu ý nghĩa của ngày 8/3 là ngày “đấu tranh cho sự giải phóng phụ nữ toàn thế giới”, là ngày mà phụ nữ trên toàn thế giới cùng đoàn kết chống lại “tất cả các thủ đoạn bóc lột và thống trị phụ nữ, chống chủ nghĩa tư bản - một chế độ bóc lột và áp bức - chống chiến tranh đế quốc”. Cương lĩnh cũng giới thiệu về phụ nữ Liên bang Xô Viết; vạch rõ tình trạng bị áp bức, bóc lột của phụ nữ Đông Dương dưới chế độ thuộc địa… Nhân dịp này Đảng ta đã có ra truyền đơn đăng lời hiệu triệu kêu gọi phụ nữ: “Phụ nữ lao động Đông Dương phải hăng hái tham gia với số lượng lớn vào các tổ chức đấu tranh của công nhân và nông dân và cùng với đàn ông hình thành một mặt trận cách mạng để tăng cường công tác giải phóng giai cấp vô sản và tất cả các quần chúng bị áp bức.” (Truyền đơn cách mạng. Kí hiệu 1920/ Gy 616). Đồng thời, cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể cho phụ nữ Đông Dương: “ Trước hết phải phá bỏ các tục lệ tập quán cổ hủ, những cái còn lại (tàn tích) của phong kiến… thảo luận những yêu sách chung cho tất cả giai cấp vô sản, tham gia với số lượng đông đảo vào các tổ chức đấu tranh…phải tham gia tích cực vào công tác hằng ngày… Trong các công tác hằng ngày của các tổ chức quần chúng, các phụ nữ và nữ thanh niên phải tham gia một phần tích cực như đàn ông.” Và khẳng định rằng: chỉ bằng cách đó phụ nữ mới có thể “ bảo vệ các lợi ích của giai cấp vô sản, mới có thể giải phóng phụ nữ”. (Văn kiện Đảng TT, t3, 1999: 67).
Trên báo chí cách mạng thời kỳ này xuất hiện nhiều tin tức về hoạt động của phụ nữ và giới thiệu gương đấu tranh của phụ nữ. Báo Cờ vô sản số 3, năm 1931 đăng tin “Ngày 21.1, một chị phụ nữ đứng đón thợ sở phân ở chợ diễn thuyết khuyến khích cuộc kỉ niệm 3 đồng chí L” (tức Lê Nin, Lepnếch và Luých xămbua); “Ngày 21.1 ở chợ Hanh Thông Tây (Gia Định) có một chị phụ nữ đứng lên diễn thuyết quần chúng rất hoan nghênh và có một chị cảm động đến nỗi phải sa nước mắt..”; Báo Công nông binh (số 26, ngày 1/10/1931) cũng đưa tin: ở Song Lộc, khi một tri huyện đánh một chị phụ nữ có thai gần chết, một số chị em phụ nữ đi chợ về biết chuyện liền lập tức chia nhau chạy quanh mấy xã gần đấy kêu gọi anh em, chị em mau ra ứng tiếp. Nhân dân 6 xã lân cận (thuộc tổng Đặng Xá) đã hưởng ứng, cuộc đấu tranh nhanh chóng biến thành cuộc tuần hành thị uy với khoảng một vạn người “bao vây tên huyện, tuyên bố tội trạng và quyết định khép vào án tử hình, mở đầu cho một cuộc đấu tranh” rộng lớn của nhân dân huyện Nghi Lộc. Chính vì vậy báo Người Lao khổ số 13, ngày 18/9/1930 đã đưa tin:“ Cuộc đấu tranh dữ dội này cũng như cuộc đấu tranh dữ dội khác ở Thanh Chương, Bến Thuỷ, Can Lộc, Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy, mà đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh”. Bài báo cũng khẳng định: “Chính trong thời kỳ tranh đấu kịch liệt này, trong lúc công nông, binh lính bắt tay nhau trong hàng tranh đấu, chị em phụ nữ cũng bắt đầu tranh đấu, mà tranh đấu một cách rất vẻ vang cho nên lực lượng quần chúng tranh đấu thêm được một cái sức rất mạnh, tức là chị em phụ nữ phá xiềng xích nô lệ giam hãm đàn bà xưa nay mà ra vai dự cuộc tranh đấu”.
Trong những năm 1930-1935, thực dân Pháp cổ súy phong trào vui vẻ, trẻ trung nhằm ru ngủ thanh niên. Đối với phụ nữ, phong trào giải phóng phụ nữ với các cô gái “theo mới”, các hội chợ đêm, các cuộc diễn thuyết từ Nam ra Bắc với những chủ đề “Phụ nữ giải phóng”, “phụ nữ chức nghiệp” và các bài báo trên báo chí tư sản như các tờ Phụ nữ Tân Văn (1929-1935), Phụ nữ thời đàm (1930-1934), Phong Hoá (1932-1936) đã làm lạc hướng đấu tranh của phụ nữ. Cũng trong thời kỳ này một số trí thức tiến bộ nhận thức được thân phận nô lệ của người Việt Nam thì chủ trương quay sang vận động giải phóng phụ nữ khỏi lễ giáo phong kiến như Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ. Hoặc có một số người ảnh hưởng của phong trào nữ quyền tư sản thì lại hô hào phụ nữ chức nghiệp, giáo dục phụ nữ, coi đó là mục tiêu của công cuộc vận động phụ nữ. Để đấu tranh với những xu hướng trên, báo Phụ nữ Tân văn trong những năm 1934-1935 đã xuất hiện nhiều bài của các nhà báo cộng sản vạch rõ tình trạng thực tại của phụ nữ: “ 9/10 phụ nữ bị nạn dốt, hết thảy đàn bà đều bị luật pháp xem là trẻ con… đàn bà ở Đông D¬ương không thể tổ chức để binh vực quyền lợi của mình” và chỉ rõ nguyên nhân là do: “luật pháp không công nhận cho đàn bà quyền lập nghiệp đoàn và tham dự vào tất cả các quyền chính trị, xã hội có quan hệ đến quyền sinh tồn của họ” (PNTV, ngày 11/4/1935), đồng thời vạch ra việc hô hào phụ nữ giải phóng như vậy “ chỉ là lời bàn xuông nói hão” và nhấn mạnh việc cần làm ngay là: “Điều cần yếu nhất của sự vận động phụ nữ là phải thâm nhập quần chúng. Tưrớc hết mưu dân tộc giải phóng, sau sẽ đạt tới nhân loại giải phóng” (PNTV, ngày 6/12/1934).
Năm 1936, Mặt trận Bình Dân bên Pháp được thành lập. Chính phủ Bình dân lên cầm quyền có một số cải cách tiến bộ. Đảng Cộng sản Đông Dương đã tranh thủ cơ hội này phát động một phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ rộng khắp trong cả nước. Nhiều tờ báo cách mạng được phát hành công khai đã trở thành nơi chỉ đạo và hướng dẫn phong trào cách mạng như tờ Hồn trẻ tập mới (số1, ngày 6.6.1936), Tân xã hội( số 1, ngày 10/10/1937), Đời nay (số 1, ngày1/12/1938), Ngày mới (số1, ngày 19/4/1939), Tin Tức (số 1, ngày 2/4/1938), Nhành lúa (số 1, ngày 15/1 /1937), Dân chúng (1938-1939).v.v..
Trước tình hình chính trị có nhiều thuận lợi, Đảng cộng sản Đông Dương chủ trương vận động thành lập các hội quần chúng hợp pháp làm nơi tổ chức, giáo dục quần chúng và rèn luyện, đào tạo cán bộ, tạo nên sức mạnh tranh đấu. Để hướng dẫn quần chúng, báo Lao động (1938-1939) đã đăng nhiều số giới thiệu cách lập các hội hợp pháp, ý nghĩa của các hội hợp pháp, các biện pháp đối phó với thủ đoạn ngăn cấm, giải tán các hội ái hữu của chính quyền thực dân. Riêng số 6 nhày 5/1/1939 có bài nhấn mạnh mấy điều cần lưu ý khi thảo điều lệ các hội quần chúng như: Điều lệ của hội phải chú ý sao cho “hợp với hoàn cảnh, hợp với pháp luật, hợp với trình độ anh em để có thể lôi kéo được quần chúng” vào các tổ chức một cách rộng rãi. Lời văn trong điều lệ cũng không nên dùng những từ chính trị cho rôm khiến cho chính quyền thực dân chú ý gây khó dễ và làm quần chúng sợ sệt, không dám tham gia, điều lệ cần phải thiết thực, giản đơn không, kỉ luật đừmg quả nghiêm phiền phức, nguyệt phí nhẹ nhàng vì phần lớn quần chúng công nông còn nghèo...
Báo Tin tức số 14, ngày 2-6/7/1938) phân tích “Trách nhiệm của chị em” trong kỳ tuyển cử Viện dân biểu năm 1938, đã vận động phụ nữ nên ủng hộ cho đại biểu của nhóm Tin tức, báo Ngày nay, và đại biểu của lao động, và nhấn mạnh rằng việc vận động cho “những người ứng cử đó trúng cử lại là mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụ nữ giải phóng ở xứ này”.
Báo chí cũng là nơi đấu tranh với các tư tưởng sai lầm trong việc vận động phụ nữ. Báo Tân xã hội ngày 10/11/1936 có bài của tác giả Tâm Kính (tức Nguyễn Thị Trác- Lâm uỷ của chi nhánh Bắc kỳ Đông Dương Đại hội) phản đối báo Ngày nay đăng bài mỉa mai, phê bình cuộc hội nghị của phụ nữ Bắc kỳ họp ngày 24/9/1936. Bài báo thẳng thắn chỉ ra ý đồ của bài viết trên báo Ngày nay: “lợi dụng sự thấp kém về trình độ của chúng tôi để bầy trò hề mua vui độc giả là việc chúng tôi hết sức phản đối”, đồng thời kêu gọi và nhắc nhở chị em phụ nữ “Chị em chúng ta phải quả quyết đặt mình lên trên sự chế riễu vô ý thức ấy. Chúng ta hãy cứ sốt sắng, hăng hái làm việc của chúng ta…”
Trong bài Thảo luận vấn đề phụ nữ với nữ sĩ Tuyết Dung (các báo Dân chúng số 16, 17,18 ra các ngày 14, 17, 21/9/1936), tác giả Ng.Th Kim Anh đã phê phán thuyết “Phụ nữ hồi gia” của chủ nghĩa phát xít muốn kéo phụ nữ trở lại vị trí “những lương thê hiền mẫu”, “tề gia nội trợ” trong gia đình. Bài báo đã phân tích và chỉ ra việc “Khuyên chị em an phận ở gia đình, đó chẳng những giam hãm chị em vào cảnh nô lệ mà còn làm giảm mất một phân nửa lực lượng tranh đấu giải phóng dân tộc của xã hội, nói chung là cuộc giải phóng của loài người”. Đảng cộng sản không bao giờ chủ trương đánh đổ chế độ gia đình, chủ trương gây xung đột giữa nam và nữ mà trái lại chủ trương nam nữ bình đẳng, vợ chồng hoà thuận cùng nhau gánh vác công việc xã hội, xây dựng một xã hội tiến bộ, hoà bình và tự do. Và nhắc nhở: “mỗi một người đàn bà và đàn ông cần phải nhớ rằng “nước mất thì nhà tan”, xã hội bất bình thì gia đình chưa có chấn chỉnh hạnh phúc và bình đẳng”.
Trước những nhận thức sai lệch của một số chị em về vấn đề giải phóng phụ nữ, bài Vấn đề phụ nữ giải phóng (Dân chúng - số 35 ngày7/12/1938) đã phân tích và chỉ ra rất cụ thể một số biểu hiện: “Chẳng hạn có những chị em nông nổi vì hoàn cảnh gia đình áp bức, hành hạ, bó buộc nên tưởng rằng giải phóng là thoát ly gia đình, trốn đi với một sự nhận định hồ đồ về tự do…Một số chị em hiểu lầm giải phóng ra phóng đãng, tưởng bình đẳng tự do là lãng mạn. Xô bồ a dua nhau những mốt này mốt khác miệt mài trong những cuộc truy hoan ô uế, triền miên trong những sòng bạc chất chứa đầy những xấu xa vật chất và nhục dục mà quên lãng cả trách nhiệm trong gia đình xã hội”. Bài báo cũng nhấn mạnh rằng: muốn giải quyết vấn đề phụ nữ triệt để phụ nữ không thể đứng tách riêng xét về phương diện giới mà “điều cốt yếu của vấn đề là ở phương diện chung, ph¬ương diện giai cấp”
Đến năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương phải rút vào hoạt động bí mật, các báo của Đảng cũng phát hành bí mật trong quần chúng. Sau thời kỳ vận động dân chủ, các lực lượng quần chúng cách mạng đã được rèn luyện trong thực tiễn tranh đấu, nên báo chí cách mạng thời kỳ này tập trung giới thiệu về tin tức quốc tế, phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước, hướng dẫn tranh đấu chống chiến tranh, phản chiến, tố cáo tội ác của Pháp, Nhật đối với nhân dân ta, đặc biệt là giới thiệu các gương đấu tranh, hướng dẫn nhân dân đi vào các hoạt động đấu tranh cụ thể chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Báo Việt nam độc lập (1941-1945) đã có bài viết bằng hình thức hỏi đáp về Công tác phụ nữ, giải đáp những vấn đề cụ thể như: “Phụ nữ có vào đội vũ trang được không, nếu không vào đội vũ trang địa phương thì làm công tác gì, phụ nữ ta còn có những khuyết điểm gì? (Báo Việt Nam độc lập 1941-1945, 2000: 462). Hoặc báo Cứu quốc số Xuân năm 1945 có bài viết “Đàn bà con gái làm gì được” đã chỉ ra rằng trong lịch sử phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm với những tấm gương tiêu biểu như Hai Bà Trưng, bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân; hoặc gần đây có cô Tám chuyên chở vũ khí cho Phan Đình Phùng, cô Ba Đề Thám, chị Nguyễn Thị Minh Khai, cô Giang… Và bài báo đi đến kết luận: Phụ nữ có thể gánh vác các công việc như nam giới, và không những thế “ trách nhiệm của các chị phải làm những việc gì mà phái đàn ông khó làm được chu đáo”. Cụ thể như:“ đóng vai hàng quà, hàng bánh len lỏi trong đám quân thù để do thám chúng” hoặc canh gác “bảo vệ các cơ quan, các địa điểm khai hội cách mạng”, “trong vai cô hàng buôn thúng bán mẹt hiền lành” chuyên chở vũ khí, làm thông tin liên lạc, binh vận, cứu thương hoặc “cũng có thể xung vào các đội du kích, có quyền ứng cử vào các hội đồng cách mạng…”
Báo chí cách mạng thời kỳ này được phát hành và lưu truyền phổ biến trong vùng căn cứ địa Việt Bắc và các vùng nông thôn nên văn phong giản dị dễ hiểu, hình thức văn vần dễ thuộc, dễ nhớ được sử dụng nhiều. Ví dụ báo Đuổi giặc nước số ra ngày 15/7/1944 có bài thơ dài vận động phụ nữ đấu tranh phản chiến với những hướng dẫn tỉ mỉ:
“Chị em phụ nữ ta ơi!
Dại gì mà khóc, khóc thời đ¬ược sao…
...Chị em ta kíp đồng tình
Ta ra phản đối chiến tranh giết người
Chống mộ lính bắt phu đòi
Giữ con, chồng, bố, đuổi loài giặc chung
Vén tay ta níu lấy chồng
Ta ôm lấy bố ta bồng lấy con
...Sắn quần ta đến trại đồn
Ta kêu, ta dục chồng con ta về
Nằm ngang đường cản tàu xe
Chỉ quân phát xít ta hè nhau la...
Phải trả chồng, phải trả cha
Trả con yêu quý cho ta tức thời”
Hoặc báo Tự do số 6 năm1941 cũng có bài viết: Má hồng tuốt kiếm với lời thơ kêu gọi hừng hực khí thế
“…Đứng lên hỡi chị em ơi!
Tuốt gươm chiến đấu ta thời kém ai
Kẻ thù dân tộc là ai
Chính quân Nhật Pháp với loài Việt gian
đứng lên ta quyết moi gan
Chặt đầu băm xác thoả hờn núi sông
...đạp tung chế độ bất công
Đã dìm nữ giới lao lung vạn đời…”
Khi báo được phát hành, những bài viết này đã góp phần động viên, khích lệ quần chúng phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng, trở thành lực lượng trọng yếu trong Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8 năm 1945.
Kết luận
Ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá đúng vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong phong trào cách mạng. Họ được giác ngộ và thu hút trong hầu hết các cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo. Nhiều chị em đã là những người đi đầu trong các phong trào bãi công, biểu tình thị uy; nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ đã trở thành ngòi nổ cho phong trào đấu tranh như trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh... Phụ nữ cũng luôn có mặt trong các cuộc biểu tình, đình công đưa yêu sách, đòi tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, chống phản động thuộc địa… trong phong trào vận động dân chủ 1936-1939. Đặc biệt, trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh tiền khởi nghĩa cũng như trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thắng lợi, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ban hành năm 1946 đã chính thức xác nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị và văn hoá. Đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói chung mà còn là thắng lợi của phụ nữ Việt Nam, những người luôn khẳng định năng lực sáng tạo cũng như khẳng định khát khao tự do, bình đẳng.Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã khẳng định đường lối vận động phụ nữ đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là việc nhận rõ vai trò to lớn của phụ nữ cũng như đã biết khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước chống ngoại xâm theo tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám còn là thắng lợi của đường lối kết hợp chặt chẽ mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ; là thắng lợi của việc sử dụng báo chí và truyền đơn cách mạng một cách hiệu quả. Đồng thời thắng lợi của cách mạng tháng Tám cũng thể hiện các chính sách về phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng đ¬ược nguyện vọng cũng như phù hợp với truyền thống tôn trọng phụ nữ của dân tộc.
Đặng Thị Vân Chi
Tài liệu tham khảo
Văn kiện Đảng toàn tập (1998): tập1, 2.- H.: Nxb Chính trị quốc gia,
Văn kiện đảng toàn tập:( 1999) tập 3, 4.- H.: Nxb Chính trị quốc gia,
Văn kiện Đảng toàn tập:(2002) tập 5.- H.: Nxb Chính trị quốc gia,
Văn kiện đảng toàn tập:(2000) tập 6,7.- H.: Nxb Chính trị quốc gia,
Trần Huy Liệu.(1960) "Ba mươi năm đấu tranh của phụ nữ Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng." Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. số 12, tháng 4.
Trần Huy Liệu, Văn Tạo.( 1958.) Cách mạng Việt Nam cận đại: T5 .- H.: Nxb Văn sử địa,
Xô viết Nghệ tĩnh.(2000.) Nxb Nghệ An,.
Các báo xuất bản (báo công khai và báo phát hành bí mật) tr¬ớc năm 1945 lưu trữ tại Thư viện quốc gia và Bảo tàng cách mạng.
Báo Nam Phong. Viết tắt NP
Truyền đơn cách mạng. Kí hiệu BTCM 187/Gy374
Truyền đơn cách mạng .Kí hiệu 1920/ Gy 616
Báo Việt Nam độc lập 1941-1945. H.:Nxb Lao động, 2000 và nhiều tờ báo cách mạng khác.