Nguyễn Mạnh Tường –
Cao Việt Dũng dịch
(“Déracinement?” trích từ Nụ cười và nước mắt của một tuổi trẻ, tr. 89-100)
Không ở đâu lại có một cảnh tượng nghịch lý đến kỳ quặc giống như cảnh tượng đang bày ra cho chúng tôi ở An Nam ngày nay. Ở mọi nơi khác, các nhà lãnh đạo dân chúng và ý kiến chung cùng đồng điệu trong việc tuyên xưng những đạo hạnh của tuổi trẻ. Người ta dành cho tuổi trẻ những quan tâm lớn lao nhất. Người ta ca tụng ở tuổi trẻ những bản năng về danh dự và hy sinh, đặc tính vô vụ lợi, sự rộng lượng. Người ta đặt lên tuổi trẻ những hy vọng của dòng giống và tương lai của quốc gia. Quả thực, chưa bao giờ tuổi trẻ lại phải chịu nhiều thử thách như vào cái thời thảm họa này. Tuổi trẻ gánh trên vai mình gánh nặng quan trọng của cuộc khủng hoảng. Vì đã làm việc thật tốt, đã khổ đau thật nhiều, nó cứ tưởng đâu như có thể kết thúc được các thử thách và có được vị trí mà nó có quyền sở hữu và là nơi nó chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thế nhưng nó vấp phải những khuôn mặt đầy hối tiếc báo với nó rằng không hề có lối thoát nào cho nó. Bị ném thẳng vào sự thất nghiệp, trong một sự nhàn rỗi bắt buộc, nguy hại cho nỗi yên ổn của tinh thần, nó không còn biết phải sử dụng sức sống, trí tuệ, khoa học, ý chí của mình vào việc gì nữa. Những giờ những phút hiện tại thật tuyệt vọng, những giờ những phút tương lai cũng không kém phần như vậy. Phát ốm vì lo lắng, bị tính chất tạm bợ của sự tồn tại hiện nay xâm chiếm một cách đầy đau đớn, khốn khổ trong thân thể và trong tinh thần, tuổi trẻ quay cuồng tại chỗ, dò dẫm, lặng yên câm lời. Nó hoàn toàn có thể trở thành một mối nguy chung. Vì vậy mà những quốc gia thông minh nhất đã hiểu ra là cần phải uốn nắn nó. Bởi không có đồ ăn thực dùng để làm thỏa mãn nỗi thèm ăn chính đáng, người ta ném cho nó thứ thức ăn là những mẩu xương rỗng, những từ ngữ rỗng tuếch: vinh dự, tận tâm, hy sinh. Để sửa chữa sự mất trật tự của các trái tim và tính chất phi hoạt động của các cơ bắp, người ta lại lôi ra những thứ lý tưởng cũ rích. Tư tưởng quốc gia kích động tuổi trẻ phát xít và theo Hitler, trong khi ở bên rìa Âu châu, thứ thần bí mác xít làm tuổi trẻ Liên Xô xao động. Chính sách này thông minh và khéo léo.
Không thể nói điều tương tự về cái chính sách mà người ta sử dụng đối với tuổi trẻ An Nam. Người ta lên án tuổi trẻ ấy lười biếng và vờ vĩnh, phù phiếm, có xu hướng thích bắt chước một cách ngốc nghếch, khinh thường thói cũ và truyền thống, kiêu ngạo trí thức nửa mùa, kích động thái quá không chịu tuân theo lý trí, và cả ham muốn học tập và tranh luận. Những lời trách cứ kia là đúng, chúng ta chẳng việc gì phải cãi. Nhưng những khiếm khuyết ấy không thuộc về một tuổi trẻ nào đó mà thuộc về bản thân tuổi trẻ hay sao? Mặt khác, cái chính sách bôi nhọ có hệ thống này có lợi gì hay không? Vào lúc người ta đòi hỏi những hy sinh đau đớn nhất ở cái tuổi trẻ ốm đói, bị tước đi mọi nguồn sống ấy, liệu có hay ho gì khi tấn công nó thật nặng nề như vậy, khi thêm vào những điều gây hấn vô ích vào những sự hành hạ của cơn đói mà nó đang phải gánh chịu, hay không?
Nhưng người ta không chỉ phê phán nó. Người ta còn định biện minh cho những phê phán của mình. Người ta thiết lập cả một lý thuyết có ý định trở thành, nếu không ngăn chặn đà tiến của nó, một trong những thứ sáo ngữ mà người ta dùng ở mọi bữa tiệc hành chính và nói với các du khách sắp đặt chân tới Đông Dương.
Cái học thuyết mà chúng tôi đang chỉ trích đây được đặt dưới sự bảo trợ danh dự của Maurice Barrès: danh hiệu đáng ngưỡng mộ để đám công chúng toàn văn nhân vui thú. Nếu đi tin vào những nhà thuyết giảng khéo léo bảo vệ cho nó, thì toàn bộ cuộc khủng hoảng tinh thần giới trẻ An Nam đang phải trải qua đều xuất phát từ một sự “mất gốc”. Tuổi trẻ này xưa kia được nuôi dưỡng bởi tinh chất nền văn hóa Khổng giáo đã thấm đẫm tâm hồn Đông phương từ nhiều thế kỷ nay. Nó đã được học từ một nền giáo dục xã hội tinh tế, sự tôn trọng tuổi tác, sự lịch thiệp trong ứng xử, sự mềm mại của các tập tục, một triết học về sự thanh thản. Luân lý truyền thống đã ấn định cho nó lòng hiếu đễ: nó được quy định là phải làm theo đó trong từng bước đi dù nhỏ nhất của cuộc đời trí tuệ, tinh thần, hành động của mình. Thế nhưng, nước Pháp đã lật đổ tòa công trình thông thái và tinh vi của nền văn minh này. Lớp vỏ Khổng giáo cũ kỹ của xã hội đã tan rã dưới sức đẩy của những nguyên lý mới. Ở trong đống đổ nát này và ở giữa sự vô trật tự này, các tinh thần trẻ tuổi cảm thấy hoang mang và cô đơn. Những đường kết nối bị cắt đứt, những dây rễ với nơi chốn nguồn gốc bị ngắt đi, và vì vậy mà không còn nhận được dưỡng chất tinh thần mà nó cần, nó tìm cách sống nhờ vào các phương tiện cầu may. Nó ấp úng trong một Lịch sử hoàn toàn không phải của nó những từ lừng danh: “Tổ tiên của chúng ta, người Gô-loa…” Cứ việc chế giễu đi. Có vẻ như thật sai lầm vô cùng khi đem gán ghép vào những đầu óc An Nam một nền dạy dỗ được xây dựng cho các đầu óc Pháp. Say sưa với một nền khoa học mới mà còn xa nó mới thăm dò được chiều sâu và đi qua được chiều rộng, mà nó không hay biết về tầm vóc và sự quan trọng, tuổi trẻ An Nam hẳn sẽ phải trở nên láo xược và vờ vĩnh. Toàn bộ sự xấu xa xuất phát từ “mất gốc”. Sai lầm – để tiếp tục hành động đem con người xích lại gần cây cối – nằm ở chỗ chuyển dịch các đầu óc An Nam từ mảnh đất Khổng giáo sang mảnh đất Tây phương.
Đó là luận đề được đưa ra để giải thích cho cơn khủng hoảng tinh thần của tuổi trẻ An Nam. Tính chất của luận đề này đã đánh mạnh vào trí tưởng tượng của công chúng. Những đầu óc hời hợt không e dè gì mà ghi tên mình vào đó. Uy tín của Barrès đang phát tác. Cái công thức về mất gốc này, đầy quyến rũ và thuận tiện, đã trải qua một số phận thật kỳ vĩ. Đã đến lúc phải chặn nó lại. Người ta có thể tin tưởng đến mức nào một lý thuyết dựa trên một ẩn dụ? Người ta nói tới mất gốc. Nhưng trước hết liệu người ta đã chứng minh được rằng con người là một thứ thực vật hay chưa? Toàn bộ vấn đề nằm ở đây.
Thế nhưng, chúng tôi đang đứng dậy để chống lại sự đồng hóa ấy. Con người không có rễ: nó có chân. Thật là lừa mị khi coi tư tưởng xuất sắc của Barrès như một chân lý hiển nhiên, cái tư tưởng ngay vào thời của Barrès cũng không phải là được chấp nhận ngay không thông qua tranh luận. Giữa thực vật và con người có toàn bộ sự khác nhau phân biệt cái bất động với tính chuyển động, sự vô ý thức và ý thức. Con người không thể bị mất gốc bởi vì nó không có gốc. Nó tự di chuyển. Nếu người ta muốn dùng từ “rễ” để ám chỉ những đường dây kết nối tinh thần buộc con người với một mảnh đất, một chân trời, thì điều này cũng có thể chấp nhận được. Nhưng sẽ không chấp nhận được khi nào người ta khăng khăng rằng những đường dây kết nối này cũng cần thiết cho sự tồn tại của nó theo cùng cách của các rễ cây đối với cái cây. Trên thực tế, rễ chỉ nắm giữ cuộc đời sinh lý của cái cây, điều duy nhất mà cái cây có được. Ngược lại, những đường dây kết nối của con người chỉ liên quan tới cuộc đời tinh thần. Khi chúng bị cắt đứt, cuộc đời thực thể vẫn cứ tiếp tục tiến triển như trước. Cuộc đời tinh thần cũng sẽ không bị tác hại nghiêm trọng, vì con người mang cùng với anh ta, trong anh ta, toàn bộ thế giới tinh thần của anh ta. Hoàn toàn không cần thiết gì cái việc anh ta luôn phải có ở dưới chân mình mảnh đất đã từng mang anh ta, phải có trước mắt mình cái chân trời đã chứng kiến anh ta sinh ra, để mà nghe thấy được giọng nói của những người đã chết, bài học của quá khứ và để rút lấy niềm cảm hứng từ các truyền thống của nó. Trong các điều kiện như vậy, liệu còn được phép nói về sự mất gốc của con người nữa hay không?
Nhưng chúng ta cứ chiều theo những người bảo vệ cái lý thuyết theo đó con người có thể bị mất gốc. Chúng ta cứ thực hiện sự nhân nhượng tối cao này đi. Có như vậy thì họ vẫn phải chỉ ra rằng mất gốc là một điều tai hại, đi ngược với tâm lý con người, với siêu hình học hiện đại về cuộc sống, với những lời giảng của Lịch sử. Thế nhưng, nói thật chân xác, không thể chỉ ra điều đó được.
Quả thực, làm thế nào mà phủ nhận được rằng nhu cầu thay đổi nằm ở tận sâu bản tính con người, rằng con người ghê sợ sự bất động, biểu hiện đáng ghét của sự đơn điệu và nhàm chán ấy? Thứ tâm lý vĩnh viễn này của con người ăn nhập với siêu hình học hiện đại về cuộc sống. Cuộc sống là vận động, dòng chảy bất tận, một sự trở thành bất tận. Nó không chỉ là chuyển động, mà còn là mềm dẻo, độc đáo, mới mẻ, thích ứng. Gia nhập dòng chảy của cuộc sống, con người không còn là một khối nặng chết gí để mặc cho mình bị cuốn đi. Nó phản ứng, nó tìm cách hiểu, tìm cách chế ngự. Nói rằng mất gốc trái ngược với bản tính con người là quên mất rằng cuộc sống trôi chảy và con người thì thích ứng. Nhưng mất gốc không chỉ hiện ra theo cách ấy như là một nhu cầu của con người và một sự cần thiết của cuộc sống, mất gốc còn là một điều kiện của tiến bộ. Lịch sử còn nguyên ở đó để chứng tỏ với chúng ta rằng mọi nền văn minh con người đều ít nhiều “mất gốc” cả. Điều kỳ diệu Hy Lạp không hề có: Hy Lạp đã vay mượn từ Ai Cập và Đông phương. Toàn bộ cuộc tiến hóa của con người chỉ là một chuỗi vay mượn, một sự trao đổi không ngớt, một sự mất gốc liên tục. Mối quan hệ giữa con người và mảnh đất không phải là một tính cách bắt buộc. Điều này là rất đúng ở trường hợp cư dân các vùng đất bị tước đi mất lên đường chinh phục những mảnh đất tốt đẹp hơn. Các đợt di dân không giải thích điều gì khác hơn.
Để trở lại với vấn đề chính đang bàn ở đây, trong những hoàn cảnh như thế, làm thế nào mà người ta lại có thể kết tội sự mất gốc chính là nguồn cơn cuộc khủng hoảng tinh thần mà tuổi trẻ An Nam đang phải chịu đựng? Sự dịch chuyển các nền văn hóa này, cái đang bị người ta gán cho ý xấu, còn xa mới chứa đựng các hiệu ứng độc hại. Và nhất là, rất quan trọng việc nhận ra rằng mất gốc không tồn tại trong địa hạt văn hóa. Bởi rốt cuộc, văn hóa có thể là gì nếu không phải là cái nhu cầu ấn định lên tự nhiên một kỷ cương thuộc trí tuệ và tinh thần, niềm tin vào phẩm cách và sự lớn lao của con người, và từ đó, mối bận tâm với việc dựa vào những gì cao quý nhất của nó – tinh thần, trái tim – và đi càng xa càng tốt theo hướng chỉ của lòng nhân đạo và tình thương? Chắc chắn là các phương pháp của văn hóa có thể gây khác biệt. Nhưng văn hóa vẫn giữ nguyên như vậy. Bằng chứng rõ nhất của việc này là sự hòa hợp của mọi con người có học vấn, dù cho xuất phát từ nền văn minh nào. Văn hóa là một thứ có cấu kết bị mật: tính cách của nó là phổ quát, là “thiện”. Bên trên đường biên giới của các quốc gia, màu sắc của các chủng tộc, chia rẽ của các nền văn minh, nó tụ hội mọi con người cùng chung suy nghĩ tin vào con người và các số phận của nhân loại. Người ta không thay đổi văn hóa, mà chỉ thay đổi phương pháp của văn hóa. Thế nhưng, mọi con đường đều dẫn tới cùng một cái đích. Chắc chắn là ở giai đoạn đầu tiên, người ta có thể hoang mang vì con đường mới quá, nhưng cuối cùng người ta sẽ quen được với điều đó, thích ứng được với điều đó. Tuổi trẻ An Nam, tách biệt khỏi con đường của Khổng giáo, giờ đây đang tiến lên trên một con đường Pháp quốc. Tuy nhiên nó vẫn bị chỉ định cùng cái bùng binh ấy như là tận cùng các nỗ lực của mình. Đến đây thì thật khó hiểu làm thế nào mà một đổi thay đơn giản trong hành trình lại có thể mang những hiệu ứng thảm họa đến như người ta cứ khăng khăng?
Trên thực tế, nước Pháp không hề phạm phải một sai lầm nào khi áp dụng cùng một sự giảng dạy ở Chính quốc và ở Thuộc địa, với mong muốn “dẫn dắt tất cả tới tính thống nhất”. Cuộc tìm kiếm tính thống nhất này, thông qua đó nỗ lực con người trong việc chế ngự tính đa dạng của hiện thực được thể hiện, là cần thiết và có lợi. Nước Pháp đã xây dựng tham vọng đáng ngưỡng mộ về việc thống nhất mọi người dân của Đế quốc – công dân hay thuộc dân – bởi những kết nối văn hóa. Vinh dự thuộc về nước Pháp vì đã dám tin vào căn tính con người và tính thống nhất của tinh thần, dù cho có khác biệt về chủng tộc như thế nào. Thực tế đã chỉ ra rằng những hy vọng như vậy là can đảm chứ không phải ảo tưởng. Hiện nay, các lò lửa của trí tuệ Pháp đang cháy ở gần như khắp nơi trên thế giới. Từ những điểm cực của Phi châu cho tới các mảnh rìa của Á châu, các trí tuệ nhất thống trong cùng một tình yêu dành cho Descartes và Racine. Các nhu cầu giống nhau về sự sáng sủa trong tư duy và sự rộng lượng trong trái tim đã ăn sâu bén rễ. Để dự vào một cảnh tượng bi tráng như vậy của một sự tỏa rạng trí tuệ tương tự, cần phải trở ngược thời gian về lại giai đoạn xa xưa của Đế chế La Mã. Vào những thời kỳ đã xa, Paris trở thành caput urbis, đầu thống của một thế giới Pháp. Nước Pháp đã rất xứng đáng với truyền thống La tinh, đồng nghĩa với tính chất phổ quát. Chính sách vô vụ lợi nhất cũng sản sinh ra nhiều không kém kết quả hiển nhiên hữu dụng về mặt này. Bằng việc tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi về lý tưởng, bằng việc khẳng định niềm tin của mình vào sứ mạng khai hóa mà nó tự đặt ra cho mình, nước Pháp cùng lúc đã thành công trong việc ấn định sự ngự trị của mình theo một cách thức lâu dài. Cuộc chinh phục đế quốc tốt đẹp nhất chinh là cuộc chinh phục về trí tuệ. Người ta buộc chặt được con người bằng văn hóa hơn là bằng vũ lực. Và nước Pháp đã phụng sự được biết bao nhiêu cho Tây phương! Những người đang run lên vì lo sợ trước số phận của nền văn minh Âu châu, hãy yên lòng! Nước Pháp sẽ cứu Âu châu: các tiền đồn của nền văn minh Pháp, những “cuộc trường chinh” của văn hóa sẽ bảo vệ di sản Âu châu chống lại một sự man dã có thể xảy đến.
Người ta cứ việc nói rằng chính sách trí tuệ này của nước Pháp chỉ có lợi cho Tây phương. Đông phương tìm thấy được ở đó những lợi ích cho mình. Nó thụ đắc được từ đó một triết học mới về sự tồn tại, một thế giới quan mới, một phương pháp sống và suy nghĩ mới. Nó sẽ có thể giải quyết được các vấn đề xưa kia nó đã từng bỏ lại không lối thoát vì không biết đến những cách thức suy luận khác ngoài những cách mà nó vẫn quen thuộc. Nó sẽ biết cách, mà không cần phải chối bỏ gì từ di sản xưa của mình, làm giàu có cho nó bằng những thụ đắc mới. Nó sẽ có thể tái tạo tòa nhà giờ đây đã trở nên thiếu tiện nghi của nền văn minh của mình, nhờ vào hiểu biết về những chất liệu mới, vào khoa học của các nền kiến trúc mới.
Không, nước Pháp đã không phạm phải một sai lầm nào khi đề xuất với tuổi trẻ An Nam việc xâm nhập vào nền văn hóa thông qua trung gian là những ngả đường của Pháp. Nó không hề phải chịu chút trách nhiệm về cơn khủng hoảng tinh thần của tuổi trẻ này. Trên thực tế, cơn khủng hoảng ấy không được phép tạo ra những mối lo quá lớn. Có lẽ đó chỉ là một cơn khủng hoảng trưởng thành, dù thế nào đi nữa thì chắc chắn cũng là một cơn khủng hoảng về thích ứng. Xuất hiện trên đời đúng vào lúc đang diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các nền văn minh, vào lúc các xung đột về nguyên lý đang nổ ra, tuổi trẻ An Nam ngày nay đang bị mắc trong một dạng lốc xoáy. Bị hoang mang, không thể gắn kết với một cái bè vững chắc nào, nó trôi dạt vô phương hướng. Nó cần phải thoát ra khỏi mặt nước, trèo lên trên một mô đất, chế ngự tình thế, hiểu biết sự hỗn độn, làm xuất hiện trật tự từ đó. Sự thanh thản của nó sẽ phải trả cái giá ấy. Công việc thích ứng đang được thực hiện, thời điểm của sự tổng hợp đã bắt đầu. Nhưng chừng nào nỗ lực chế ngự còn diễn ra, chừng đó vẫn sẽ kéo dài sự không chắc chắn, sự bất xác quyết, sự thảng thốt, sự lo lắng, sự nghi ngại, tất cả trạng thái chuẩn bị cho một sự yên bình lớn lao của trí tuệ.
Nhưng sự yên bình này còn lâu mới có được. Thời hiện tại không tạo điều kiện thuận lợi cho sự tựu thành của điều đó. Những nỗi hoang mang về cái đói ngăn cản người ta nghĩ tới sự suy tư, cuộc khủng hoảng của các trí tuệ còn đi kèm với một cuộc khủng hoảng của những cái dạ dày. Chúng ta không nói gì về cuộc ly hôn giữa khái niệm và sự thực, về điều khác biệt giữa nước Pháp thực thụ và hình ảnh mà tuổi trẻ An Nam ở Thuộc địa có sẵn trong đầu.
Và chúng ta tìm thấy ở đây sự kỳ diệu của văn hóa! Nếu tuổi trẻ An Nam không thất vọng về nước Pháp mặc cho những dáng vẻ bên ngoài gây hụt hẫng bày ra trước nó, thì là bởi vì nó đã biết được rằng ở bên kia biển, vẫn có một nước Pháp vĩnh hằng, cái nước Pháp mà người ta cập vào ngay từ Marseille, cái nước Pháp mà người ta tìm thấy trong các tác phẩm văn chương, trong các hồi ức của Lịch sử. Ý nghĩ này ngăn lại những niềm tuyệt vọng, chặn đứng những sự ngã lòng.
TừTalawas : http://www.vtunnel.com/index.php/1010110A/03a4ccdfb7d314c1af319f69480b05bc8e71ddec6b5b89b2b8e1fb36ef15035
Nguồn: Kỷ yếu hội thảo 100 năm Nguyễn Mạnh Tường – Đại học Sư phạm Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét