Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á: Những giao điểm và sự so sánh

GS.TS. Vincent Houben
Đại học Tổng hợp Humboldt,
Cộng hòa Liên bang Đức ( Bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 từ ngày  5-7/12/2008)

GS.TS Vincent Houben  ( bên phải)  và GS.TS  Christoph Giebel đang trao đổi tại Hội thảo.
Tôi muốn mở đầu bằng lời cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo đã dành cho tôi vinh dự được phát biểu tại đây. Từ năm 1990 tôi thường xuyên đến thăm Việt Nam. Trong vòng 18 năm qua ngành Việt Nam học đã đạt được những bước tiến lớn lao, hòa nhịp cùng những bước phát triển hết sức nhanh chóng của đất nước Việt Nam. Sự quan tâm học thuật của tôi đối với Việt Nam bắt nguồn từ nền tảng tri thức với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á. Khởi đầu từ ĐHTH Leiden với tư cách là người nghiên cứu về lịch sử Indonesia thời kỳ thuộc địa, trong vòng 10 năm qua, trong phạm vi khả năng của mình là một giáo sư về môn Đông Nam Á học tại các trường đại học ở Đức, trước tiên là ở Trường ĐHTH Passau và sau đó tại Trường ĐHTH Humboldt ở Berlin. Các nghiên cứu của tôi được mở rộng cả về không gian địa lý và thời gian lịch sử. Thiên hướng của tôi là tiếp cận Việt Nam theo cách nhìn so sánh, tức là luôn luôn quan sát toàn khu vực Đông Nam Á như một chỉnh thể, những vấn đề liên quan đến Việt Nam là những trải nghiệm lịch sử trong tương quan với những đất nước Đông Nam Á khác.




Góc nhìn Đông Nam Á cho phép nhìn nhận vấn đề sát hợp hơn, bởi lẽ nó mở ra cho ngành Việt Nam học một trường quan sát rộng lớn hơn và cho phép đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới. Theo tôi, cho tới nay phần lớn những gì đã được tiến hành trong môn Việt Nam học về bản chất đều mang tính nội quan, tức là cố gắng tìm hiểu quá trình phát triển của Việt Nam trên các phương diện văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, chính trị, và lịch sử với tính cách là kết quả của những nguồn nội lực và đặc tính dân tộc. Khuôn khổ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn như thế đã tỏ ra rất thành công, bởi lẽ các nhà nghiên cứu Việt Nam đã công bố hàng loạt các kết quả nghiên cứu cụ thể và đã đặt nền móng cho việc mở rộng đáng kể hiểu biết về Việt Nam.
Chủ đề mà tôi muốn đề cập trong báo cáo này là cố gắng lật lại câu chuyện học thuật nói trên bằng cách đặt vấn đề, rằng một Việt Nam hiện hữu như ngày nay đã được tạo nên bởi những quan hệ quốc tế và những mối liên hệ khu vực như thế nào. Tôi muốn chỉ ra điều này bằng cách xem xét các giao điểm từ góc nhìn so sánh. Giao điểm ở đây được hiểu theo nghĩa chung nhất, tức là một điều kiện trong đó các yếu tố khác nhau cùng gặp gỡ theo một cách mà chúng tạo nên điểm khởi đầu cho một quá trình phát triển mới, quan trọng. Sự so sánh không chỉ đơn giản là đặt cạnh nhau để đối sánh nhằm tìm ra những tương đồng, dị biệt, mà xa hơn, nó phải hướng tới việc tìm ra những liên hệ có thể là kết quả của những sự tương tác, chuyển giao hay trì bế và kìm nén.
Trên cơ sở những biện minh cho việc xem xét Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á, tôi cũng theo những xu hướng đã được các nhà khoa học nước ngoài đề xuất gần đây. Trong một cuốn sách công bố năm 2006 với tiêu đề Việt Nam - Những lịch sử không biên giới, Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid đã tập hợp một số nghiên cứu trường hợp của các sử gia thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nhằm tìm ra "những cách thức thông qua đó bản sắc Việt Nam trong hơn một nghìn năm đã tương tác với người Trung Quốc, người Chăm, Khmer, người Pháp và những nhóm người phi quốc gia khác của bán đảo [Đông Dương]" (1) . Mối quan tâm của cuốn sách này là "vượt qua các đường biên giới và khám phá những cái mơ hồ" (2.) Tương tự như vậy, một chuyên gia về Việt Nam ở Amsterdam, ông Oscar Salemink trong một bài nghiên cứu công bố gần đây vào năm 2008 quan tâm tới mối quan hệ giữa người Việt ở vùng hạ du với những nhóm tộc người thiểu số ở vùng thượng du, tiến thêm một bước nữa với việc tập trung  "những mối quan hệ liên kết chứ không phải chia rẽ các nhóm tộc người, nhóm cư dân và các khu vực địa lý" (3). Ông lập luận rằng chính những giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo đã sản sinh ra những bản sắc địa phương ở Việt Nam. Đồng thời, Salemink cũng đề xướng "cái nhìn từ trên núi", nhấn mạnh một thực tế là các cảng thị chỉ có thể phát triển nền thương mại biển thông qua mối liên hệ của nó với các khu vực thượng du. Do vậy, ông đã hoàn chỉnh thêm  "cái nhìn từ biển" do Li Tana, John Whitmore, Charles Wheeler và những người khác đề xướng.
Sự tập trung vào mối tương tác nội tại giữa các nhóm cư dân Việt Nam với nhau hay vào các mối liên hệ giữa bên ngoài và bên trong với tính cách là kết quả của các dạng thức giao thương đã trở thành một bộ phận trong hệ vấn đề nghiên cứu của nền sử học phi Tây phương nhằm vượt quá khuôn khổ của lịch sử dân tộc. Ở tất cả mọi nơi, các loại lịch sử dân tộc trên căn bản đều nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất, đó là tính đặc trƣng của một dân tộc cụ thể nào đó đặt trong thế đối lập với các dân tộc láng giềng, và khi xem xét về Đông Nam Á thì trong thế đối lập với phương Tây; thứ hai, nó nhấn mạnh cái thống nhất thông qua tính đồng nhất chứ không phải là sự đa dạng và phong phú. Cách viết sử mới lại cố gắng bỏ qua lịch sử dân tộc bằng cách mô tả những mối tương tác xuyên quốc gia và toàn cầu, thậm chí diễn ra trong phạm vi địa phương của những vùng biên giới. Lập luận của tôi có khác biệt đôi chút, vì tôi cho rằng dường như hoàn toàn không thể bỏ qua lịch sử dân tộc. Có thể lập luận rằng, sự hình thành dân tộc trong khung cảnh Đông Nam Á là một hiện tượng gần đây. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam, mặc dù có sự tồn tại cùng lúc của nhiều trung tâm nhưng sự hình thành từ sớm ý thức tiền dân tộc, tương tự như ở một số nhà nước - dân tộc ở châu Âu thời sơ kỳ cận đại là điều không thể phủ nhận hoàn toàn. Hơn nữa, mặc dù những ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nhà nước - dân tộc không biến mất hoặc bị suy giảm ảnh hưởng trong việc tạo lập ra những trật tự xã hội riêng biệt. Cuối cùng, thông qua việc nhấn mạnh sự tồn tại của những mối tương tác và liên hệ từ thời kỳ tiền thuộc địa cho tới ngày nay và từ làng xã cho tới thị trường thế giới thì bản chất biến đổi của những mối liên hệ nội tại không thể tự giải thích bằng chính bản thân chúng. Thông qua việc dịch chuyển cách tiếp cận trong nghiên cứu từ trung tâm ra các khu vực ngoại biên cũng không thể ngay lập tức làm sáng tỏ được vấn đề các yếu tố địa phương, dân tộc và toàn cầu đã tương tác và vẫn đang tương tác với nhau nhƣ thế nào. Việc khám phá về bản chất của các tương tác bên trong với bên ngoài dường như là quan trọg hơn, bằng cách đặt ra vấn đề là những ảnh hưởng từ bên ngoài đã tác động đến Việt Nam như thế nào ngoài việc thúc đẩy xu hướng thống nhất hay ngược lại là thúc đẩy sự dị biệt. Những phẩm chất đó sẽ đƣợc nhận thức vượt ra khỏi khuôn khổ của phép biện chứng của những thế đối sánh - lịch sử Việt Nam trong đối sánh với Trung Quốc, Pháp hay Mỹ. Bên cạnh những tình trạng đối đầu và khủng hoảng giữa bên trong và bên ngoài, sự tương tác cũng có thể diễn ra trong dạng thức thương lượng, thích nghi, hội nhập và biến đổi. Những dạng thức đó tránh được thế lưỡng cực và đưa lại nhiều chiều cạnh hơn trong cuộc bàn thảo về những mối liên hệ nội tại. Đấu tranh, sự thu thuế, và sự nô dịch đều cùng tồn tại, nhưng những điều đó diễn ra phần lớn là cả bên trong và bên ngoài. Để vượt qua thế lưỡng cực thì việc theo đuổi chủ đề gặp gỡ, giao thoa là hết sức thú vị, theo đó Đông Nam Á được nhìn nhận như một khung cảnh rộng lớn hơn của lịch sử Việt Nam. Một số trải nghiệm của Việt Nam trong lịch sử có thể thực sự là riêng biệt nhưng nhiều phát triển khác có thể so sánh với khu vực. Thường thì cái gọi là bối cảnh tạo nên những đặc điểm mà sau này được cho là riêng biệt và những điểm giao thoa đặc biệt cũng thường diễn ra ở những nơi khác nữa. Ở đây khái niệm khu vực Đông Nam Á được sử dụng theo cách khá lỏng lẻo, bởi vì tôi ý thức được rằng đó là khái niệm gần đây được dùng để chỉ một khu vực được áp dụng như một địa bàn cho các nghiên cứu khu vực học. Sự hấp dẫn của Đông Nam Á ở đặc tính là một vùng không đồng nhất, mặc cho các mối liên hệ về văn hóa và thương mại đã được phát triển cao độ nhưng vẫn thường bị xem là được cấu thành nên bởi các yếu tố bên ngoài (có thể bởi yếu tố Ấn Độ, Trung Quốc hay phương Tây).
Bây giờ tôi sẽ trình bày với quý vị 4 giao điểm lịch sử cụ thể trong mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài của Việt Nam, trong khi vẫn cố gắng liên hệ chúng với khung cảnh Đông Nam Á. Những ví dụ cụ thể này, nói một cách ngắn gọn, có thể đưa lại một loạt những gợi mở cụ thể đối với mối liên hệ giữa bên ngoài và bên trong tác động đến Việt Nam. Tôi cho rằng trong mọi trường hợp thì mối liên hệ này đều là nền tảng cho việc làm bùng nổ những biến đổi có tác động lâu dài. Khi nói về việc tạo nên Việt Nam từ bên ngoài thì trong thời kỳ tiền cận đại người ta không thể không bàn về ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo Victor Lieberman  (4)  thì với tính cách là một của vùng phía Đông của Đông Nam Á lục địa, Việt Nam đã chống lại sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc một cách bền vững hơn so với việc "nền văn hóa cao, xa lạ" được truyền bá đến Pagan, Angkor hay Ayutthaya. Điều này góp phần vào sự hội nhập chính trị và văn hóa thông qua một loạt chu kỳ theo kiểu giống như các lưu vực sông Irrawaddy và Chao Phraya. Tuy nhiên, như Alexander Woodside và một số người khác đã cắt nghĩa, người Việt Nam đã hiểu văn hóa Trung Quốc theo những cách riêng của mình, theo một cách mà trong đó đã diễn ra quá trình địa phương hóa văn hóa Trung Quốc kết hợp với cuộc đấu tranh giữ gìn nền độc lập. Quá trình địa phương hóa kết hợp với quá trình phi thực dân hóa đã tái hiện ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á qua các phương thức tiếp nhận và biến đổi văn hóa Hindu giáo - Phật giáo trong giai đọan từ năm 500 đến khoảng 1500. Chính trị, tôn giáo và kinh tế trộn xoắn với nhau, Phù Nam là thể chế chính trị đầu tiên được biết tới ở Đông Nam Á, mà Sriwijaya là thể chế kế tục nó - cả hai đều là những nơi diễn ra sự trao đổi văn hóa và hình thành đối tác văn hóa giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Tương tự như vậy, như Tony Day đã chỉ ra, rằng có những sự song trùng về cấu trúc giữa các mô hình Ấn Độ và mô hình Nho giáo của các nhà nước thiên hạ (cosmological states), bởi lẽ những quá trình cơ bản tạo nên chúng là giống nhau.
Thí dụ thứ hai của tôi là về thời gian đầu của thời kỳ cận đại, thế giới của thương mại biển và vai trò của những hãng buôn phương Tây. Trong một vài năm vừa qua đã xuất hiện rất nhiều công trình nghiên cứu về thương mại biển và những hải cảng ở châu Á từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Các sử gia Việt Nam, như các vị Giáo sư nổi tiếng Phan Huy Lê và Nguyễn Quang Ngọc đã nghiên cứu về lịch sử của Hội An, còn Hoàng Anh Tuấn đã hoàn thành nghiên cứu về vai trò của Đàng Ngoài trong hệ thống thương mại Châu Á của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Hội An (hay còn gọi là Faifo) đã trở thành một thương cảng quan trọng trong hệ thống thương mại biển sau khi được lập ra bởi các Chúa Nguyễn nhằm cạnh tranh với Phố Hiến bên sông Hồng ở Đàng Ngoài. Những người định cư ở đó chủ yếu là người Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng người Hà Lan cũng đã từng duy trì một thương điếm ở đó trong một thời gian ngắn. Các kho lưu trữ của VOC còn lưu giữ nhiều tài liệu về ngoại thương (overseas trade) của người Việt Nam - một đề tài cho tới nay mới chỉ thu hút được rất ít sự quan tâm nghiên cứu bởi phần lớn lịch sử dân tộc đều chỉ nói về các triều đại và nền chính trị. Sự tham dự của người Việt Nam vào hải sử (maritime history) của giai đoạn sơ kỳ cận đại cho phép tiến hành những so sánh thú vị với các thể chế hải cảng có quyền tự trị hạn chế. Các hải cảng Pegu, Phukhet, Malacca và những hải cảng của Việt Nam đều có những đặc tính có thể so sánh với nhau và đều là một phần trong lịch sử tự trị ở Đông Nam Á. Mặc dù hoạt động thương mại của chúng bị quy định bởi các nhà cầm quyền nội địa, cư dân của các cảng thị này rất đa dạng về nguồn gốc và thông qua hệ thống giao thương của mình, họ có ý nghĩa rất quan trọng trên bình diện quốc tế. Các luồng  hàng hóa và kim loại quý lưu thông trong hoạt động giao thương đã có tác động to lớn đối với nền kinh tế các khu vực ven bờ của khu vực Đông Nam Á. Ở Đàng Ngoài, Champa và Đàng Trong, ảnh hưởng của thương mại biển đã làm biến đổi nền kinh tế và chính trị quốc nội theo những cách thức mà chúng ta còn chưa hiểu biết thật đầy đủ.
Điểm giao thoa thứ ba mà tôi nói tới là chủ nghĩa dân tộc với tính cách là một hệ thống các tư tưởng đã làm xói mòn chủ nghĩa thực dân và đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc. Ý niệm về dân tộc đã tồn tại ngay từ sơ kỳ lịch sử Việt Nam, nhưng chủ nghĩa dân tộc với tính cách là một hình thức của hiện đại hóa thì chỉ có thể được nhận thức thông qua mối liên hệ với bên ngoài. Dân tộc với tính cách là cộng đồng tưởng tượng (imagined community) đã phát triển thông qua việc chuyển giao các tư tưởng tiếp thu từ bên ngoài và được khuếch tán nhờ những nhân tố bản địa. Việc Phan Bội Châu ở Nhật Bản - đất nƣớc hiện đại đầu tiên ở châu Á đã đặt nền tảng cho việc hình thành một phong trào chống thực dân hiện đại khi Phan đã có thể phân tích nguyên nhân Việt Nam bị mất độc lập theo một cách mới. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, một thể loại ấn phẩm mới ra đời và trở nên phổ biến là việc ấn hành tiểu sử nhân vật các bậc anh hùng ngoại quốc như Tôn Trung Sơn và George Washington. Hồ Chí Minh - người khai sáng của nước Việt Nam ngày nay, đã đi sang Pháp, Matxcơva, về Hoa Nam và ở những nơi đó ông đã tự xây dựng cho mình những tƣ tƣởng cơ bản đầu tiên về sự cần thiết phải có những thay đổi triệt để. Ông xuất bản ấn phẩm Đường Kách Mệnh ở Quảng Châu vào năm 1927, trong đó Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân Việt Nam cần phải hiểu biết quá trình phát triển của những nước khác trên thế giới, và những người cách mạng phải hiểu biết phong trào trên thế giới và đề ra cho đồng bào một chiến lược chắc chắn. Trong một cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh được công bố gần đây, Pierre Brocheux đã nhấn mạnh rằng Hồ là một con người đứng ở vị trí giao thoa giữa hai thế giới, nối nhịp cầu giữa nền tảng triết học Nho giáo với những tư tưởng ông tiếp nhận ở châu Âu.
Nhưng lại một lần nữa, chúng ta có thể thấy lịch sử của những ý niệm về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam có mối liên hệ với những quá trình phát triển tương tự ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á. Sự nội địa hóa tri thức phương Tây nhằm đạt tới những sự tiến bộ, chiến thắng trước nỗi mặc cảm là người kém cỏi và nhu cầu hành động nhằm giành được tự do đều là những yếu tố xuất hiện trong cùng thời gian ở Philippines và Indonesia. Tjipto Mangunkusumo ở Indonesia và Mabini ở Philippines đều có những tư tưởng cấp tiến nhưng đều dựa vào truyền thống. Các ông công kích không chỉ trật tự thực dân mà còn nhấn mạnh rằng: dân chúng không thể tự giải phóng sức mạnh của mình nhằm đạt tới mục tiêu tự do. Các khái niệm của một quá trình phát triển tuyến tính nhằm hướng tới tương lai tươi sáng, niềm tin tưởng rằng sức mạnh vô địch của những người dân bình thường là quan trọng bậc nhất trong việc tạo ra một trật tự xã hội mới, và tư tưởng cho rằng lịch sử cần phải được nghiên cứu từ góc nhìn so sánh có thể tìm thấy trong cả ba loại chủ nghĩa dân tộc ở Đông Nam Á (chủ nghĩa dân tộc kiểu Việt Nam, Indonesia và Philippines) trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX.
Điểm giao thoa thứ tư mà tôi đề cập tới bắt đầu vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam và tình trạng đối đầu của cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc. Từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới II cho tới năm 1989 định hướng của Việt Nam ra bên ngoài bị thống trị bởi nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em nhằm chống lại những nƣớc đế quốc thù địch. Từ sau năm 1990, Việt Nam trong khi vẫn duy trì những nguyên lý ý thức hệ và chủ nghĩa yêu nước, đã khôi phục thế tương tác trước đây của mình với thế giới bên ngoài nhưng trong khuôn khổ của toàn cầu hóa và khu vực hóa. Và điều này đưa lại sự tăng cường các quan hệ ngoại giao và mối liên hệ kinh tế với thị trường ngoại quốc. Tư cách thành viên của ASEAN đã đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với khu vực và với thế giới.
Như Carlyle Thayer ghi nhận, những quan tâm ý thức hệ đã trở thành thứ yếu so với lợi ích dân tộc và chính sách thực dụng. Trong năm 1995 Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN và ký kết hiệp định khung với Liên minh châu Âu - tất cả đã đƣợc hoàn tất trong cùng một năm. Những chuyển biến bên trong của công cuộc Đổi mới đã kết hợp với quá trình đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý đang tồn tại, đó là: cho dù việc mở cửa nền kinh tế đưa lại ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời tính độc lập trong nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam cũng tăng lên. Đây là điều đã được chỉ ra rõ ràng qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trước đây và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây. Việc đa phương hóa quan hệ đối ngoại có thể bù đắp lại sự mất cân bằng của quyền lực quốc tế, song cũng có thể hạn chế quyền tự do hành động hoàn toàn theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Tuy vậy, Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất đang ở trong quá trình chuyển biến của các mối quan hệ giữa bên trong với bên ngoài. Thông qua việc nghiên cứu các nền kinh tế ở Đông Âu hay một số khu vực ở Trung Á chẳng hạn cũng đưa lại những khám phá có thể so sánh với quá trình nói trên ở Việt Nam.
Vậy, từ bốn thí dụ nói trên về những điểm giao thoa có thể rút ra những kết luận gì liên quan tới các quan hệ đối ngoại ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam với tính cách là một dân tộc, và cách tiếp cận so sánh cho phép chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này nhƣ thế nào?. Nếu chúng ta lùi xa khỏi những trường hợp nghiên cứu đặt ra trong các khung thời gian nhƣ tiền thuộc địa, sơ kỳ cận đại, thời thuộc địa và thời hiện đại, đồng thời đặt trên mức độ quan sát phổ quát nhất thì sẽ thấy rằng các quá trình phát triển nội tại của Việt Nam không bao giờ có thể tách rời khỏi khung cảnh rộng lớn của khu vực Đông Nam Á hay toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể hài lòng với riêng sự quan sát này, bởi tự nó chưa thể giải thích được các động lực bên trong và bên ngoài đã kết nối với nhau như thế nào. Ở đây tôi muốn đưa ra bốn đề xuất.
Thứ nhất, kinh nghiệm của thời kỳ tiền cận đại trong việc địa phương hóa những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, cả ở Việt Nam và những phần khác trong khu vực Đông Nam Á đã cho thấy một quá trình có thể gọi là "cấy ghép văn hóa tích cực" (progressive enculturation) nhƣ là kết quả của một cuộc hiệp thương văn hóa. Nói theo cách của ngƣời Java là: con thuyền (wadhah) đã thay đổi nhưng hàng hóa (isi) vẫn như cũ. Hay nói theo cách khác, hình thức bề ngoài đã được cấy ghép, cái cốt lõi bên trong cũng đã cải biến, nhưng để thích ứng nó vẫn sao chép lại những gì vốn đã tồn tại trước đó.
Thứ hai, hoạt động giao thương thời sơ kỳ cận đại ở Hội An và các cảng thị khác dẫn tới sự hội nhập thương mại của Việt Nam vào thế giới thương mại biển Đông Nam Á. Những cảng thị đó là những địa điểm toàn cầu trong đó các tính cách dân tộc tương tác với nhau, các khu vực ven bờ và nội địa trở nên gắn kết, liên thông hơn.
Tình hình này cũng xảy ra ở nhiều đô thị ven bờ khác ở Đông Nam Á và có thể được gọi là quá trình "hội nhập đa nguyên" (plural integration).
Thứ ba, các nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, hòa trộn các triết thuyết phương Tây với các tư tưởng bản địa đã thành công trong việc vận động các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống thực dân giành lại quyền độc lập. Các lãnh tụ dân tộc ở Đông Nam Á đều chia sẻ trải nghiệm sinh sống ở nước ngoài và hấp thụ các tư tưởng mới, tiến bộ, đã đóng vai trò là tác nhân của sự biến đổi khi họ trở về tổ quốc. Quá trình giải phóng này với tính cách là kết quả của việc truyền bá những tư tưởng du nhập từ bên ngoài để huy động các lực lượng xã hội bên trong có thể tóm gọn lại là quá trình "chuyển dịch năng động" (dynamic transposition).
Thứ tư, việc mở cửa đón nhận quá trình khu vực hóa trong chính sách đối ngoại và nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế là một quá trình trong đó Việt Nam noi theo các nước Đông Nam Á khác. Việc tự đặt mình cả về phương diện chính trị và kinh tế trong làn sóng toàn cầu hóa hiện nay có thể được gọi là quá trình "thích ứng nhanh nhậy" (responsive adaption).
Để kết luận cho bài phát biểu ngắn gọn của tôi tại đây, thông điệp chính của tôi là: sử học so sánh và môn Đông Nam Á học cho phép chúng ta nhìn nhận Việt Nam theo cách thức mới với góc nhìn rộng hơn. Nhằm hiểu rõ Việt Nam như Việt Nam ngày nay, chúng ta cần phải xem xét đất nước này đã phát triển trên cơ sở của những tương tác phức hợp giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất từ bên ngoài với các động lực bên trong. Nhằm vượt qua khuôn khổ của những quan sát giản đơn đối với các mối liên hệ qua lại và các sự tương tác thường dưới dạng đối đầu, tôi đã đề xuất bốn phạm trù định tính: "cấy ghép văn hóa tích cực", "hội nhập đa nguyên", "chuyển dịch năng động" và "thích ứng nhanh nhậy". Tôi tin chắc rằng việc tiến hành các nghiên cứu theo đường hướng này sẽ mở ra những chiều cạnh mới cho ngành Việt Nam học, kết nối nó chặt chẽ hơn với những nghiên cứu về các nước trong khu vực Đông Nam Á và cả ở những nơi khác.

CHÚ THÍCH:

Nhung Tuyet Tran & Anthony Reid (eds), Vietnam, Borderless Histories, Madison, Wisconsin: University of
Minnesota Press, 2006, tr.3.
Nhung Tuyet Tran & Anthony Reid (eds), Sđd, tr. 17.
Oscar Samelink, ―Trading goods, prestige and power. A revisionist history of lowlander - highlander relation
Vietnam‖, in: Peter Boomgaard, Dick Kooiman, Henk Schulte Nordholt (eds.), Linking Destinies. Trade, Towns
and Kin in Asian History (Leiden: KITLV Press 2008) 51-69, tr. 52.
Victor Lieberman, Strange Parallels. Southeast Asia in Global Context, c 800-1830. Volume 1: Integration on
Mainland. Cambridge: Cambridge University Press 2003, xem chương 4.
Anh nay lay tu BBC online trong bài giới thiệu về bài viết này.

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Thăm di chỉ thành Dền.

Hôm nay, sau mấy bài báo đưa tin về hạt thóc trong tầng văn hóa Đồng Đậu ( có niên đại cách ngày nay từ 3500-3000 năm) tại di chỉ thành Dền nẩy mầm khiến dư luận và báo chí xôn xao. Riêng tôi vì thường xuyên vào blog của PGS.TS Lâm Mỹ Dung nên được biết chuyện này ngay từ đầu. Vì cũng đã từng có lần tham gia khai quật khảo cổ và có nhiều bè bạn làm nghề khảo cổ, tôi biết việc tìm thấy hạt thóc không nhiều và ngay khi mới phát hiện thấy thóc trong hố khai quật tôi đã hỏi TS Dung là "ai chọn chỗ khai quật mà mát tay thế?". ( Chắc những người trong nghề đều hiểu rằng, không phải khi nào mở hố khai quật cũng có thể tìm thấy di vật, phát hiện ra di chỉ...) Khi nhìn thấy bức ảnh về hạt thóc nảy mầm tôi đã thầm nghĩ nếu đúng như vậy thì đây sẽ là " một phát hiện chấn động" như TS Nguyễn Hồng Kiên nhận xét. Tuy nhiên vì chưa chứng kiến trực tiếp, cũng không phải chuyên về khảo cổ nên không dám dùng từ " nếu"( đúng) và tôi chỉ dám nhận xét có lẽ đây là "điềm lành" chăng?
Vậy là hôm nay tôi bám theo một đoàn các chuyên gia sang thăm di chỉ thành Dền. Trong đoàn có các chuyên gia về lịch sử, nhà nông học- GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn, GS.TS Địa lý môi trường Trương Quang Hải,GS.TS Địa mạo Đặng Văn Bào và một số TS, Thạc sỹ ngành địa mạo và bản đồ. Trước khi xuất phát các chuyên gia đã nghiên cứu bản đồ tự nhiên khu vực này.


 Chúng tôi ra thẳng hố khai quật. Trên đường vào nơi khai quật, lúa đang chín vàng và hoa bèo nở tím con mương bên ruộng lúa.


Có thể nhận ra nơi khai quật ngay bởi đất lấy từ hố khai quật nổi bật giữa cánh đồng.


Đến nơi chúng tôi thấy đã có một số phóng viên  của VTV1 và các cán bộ của Viện nghiên cứu nông nghiệp do ông viện trưởng  PGS.TS Nguyễn Văn Bộ dẫn đầu, PGS.TS Nguyễn Lân Cường- chuyên gia về cổ nhân học của Viện khảo cổ.  Và TS Lâm Mỹ Dung thì trông khác hẳn những khi lên lớp. Bình thường TS Dung thuộc diện "sành điệu" ,  ăn mặc rất "có gu" nhưng hôm nay bít bùng như một cô thợ cấy:) Nghề khảo cổ là vậy, nên có lẽ con gái ít người dám theo nghề. Cũng thật hiếm có người say mê nghề nghiệp như TS Dung. TS Dung đang giới thiệu về quá trình khai quật và các di vật tìm thấy tại đây cho các chuyên gia :
(Từ phải sang trái là: PGS.TS Nguyễn Lân Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, TS Trần Thanh Hà, chuyên gia  về địa mạo, người đứng trên  thành hố khai quật là GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn.)
Đây là quang cảnh làm việc trong một hố khai quật. Yêu cầu đưa ra là nạo đất thật tỉ mỉ, cần phải dùng tay bóp tơi đất và nhặt lại bất cứ vật gì không phải là đất mùn.


Còn đây là một hố khai quật đã  vét hết các tầng văn hóa.


PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang giới thiệu các hạt thóc đã được tìm thấy như thế nào
Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (áo hoa) trao đổi với các nhà khoa học tại một hố khai quật ở Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng.)

Các chuyên gia đang ngồi quanh nơi phát hiện ra nhưng hạt thóc đã nảy mầm và các chuyên gia về địa mạo của khoa Địa và của Viện Việt Nam học cũng nhất trí rằng trong một địa tầng như vậy, khó có  khả năng đó là những hạt thóc mới lọt xuống.


Sau khi ở chỗ khai quật  các chuyên gia về xem xét các hạt thóc đã tìm được.

(Từ phải sang trái. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Lâm Mỹ Dung, chủ trì khai quật di chỉ Thành Dền, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học phát triển, GS.TS Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn.)
Và đây là các hạt thóc, hạt gạo cháy. TS Lâm Mỹ Dung nhận xét các di vật thực phẩm tìm được hầu hết ở dạng cháy, như gạo, xương cá ...

Hai chuyên gia về nông nghiệp và giống lúa  đều cho rằng có thể khẳng định ngay đây là các giống lúa cổ , còn cổ đến mức nào sẽ chờ kết quả phân tích, xác định niên đại  của các nhà khoa học. PGS.TS Lâm Mỹ Dung cũng cho biết hiện đã thu nhặt được hơn 200 hạt thóc gạo cháy, chỉ có khoảng 10 hạt đã này mầm, có một số hạt có mầm nhưng mầm bị teo, không phát triển, như trên ảnh, chỉ một số hạt mọc lá đang phát triển đã được đưa về các phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Thầy Vũ Tùng cho biết thầy đã ghi hình toàn  bộ quá trình khai quật từ lúc bắt đầu mở hố khai quật đến bây giờ. Và hôm nay là ngày thứ 32 thày bám trụ ở đây. Và chúng ta hãy chờ xem...
Hình ảnh thầy Vũ Tùng đang làm nhiệm vụ:)

Ngày 9/5/20I2
(Vì) hôm qua có bài của anh Hồ Trung Tú lật lại vấn đề này và một cuộc thảo luận nho nhỏ ở đây:
( nên )tôi đưa thêm một số ảnh đã chụp trong chuyến đi này để mọi người hiểu thêm về vấn đề này.
 Đây là ảnh ghi rõ  quá trình khai quật, bóc lớp các tầng văn hóa :

Các lớp văn hóa được lấy đi đã để lại nền đất sinh thổ như thế này



Các hố rác bếp được nạo vét tỉ mỉ bằng bay nhỏ, đưa vào các chậu và rá nhựa như thế này, và theo tôi biết thì PGS.TS Lâm Mỹ Dung đã rất cẩn thận đưa về rửa, đãi bằng nước máy tại nhà dưới sự giám sát của cán bộ chuyên môn để tránh tuyệt đối lẫn vật lạ từ bên ngoài vào.

PGS.TS Lâm Mỹ Dung đang làm mẫu giới thiệu với các chuyên gia về địa mạo của Khoa Địa Lý ĐH KHTN về việc các hạt thóc đã được tìm thấy theo cách nào. Và theo đánh giá tại chỗ thì các chuyên gia địa mạo cho rằng trong nền địa mạo như vậy, khó có thể hình dung các hạt thóc mới đã rơi xuống hay do chuột đưa xuống vì không có dấu vết hang chuột hoặc đường đi của côn trùng .

Và như hạt thóc này do chính tay PGS.TS Lâm Mỹ Dung trực tiếp lấy từ tầng văn hóa.

Viện trưởng  Viện nghiên cứu nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ đang xem xét các hạt thóc.

Cố GS. Viện sĩ Nông học Đào Thế Tuấn cũng xem xét kỹ lưỡng các hạt thóc tìm được. 

Và như đã đề cập ở trên ý kiến của các nhà nông học hôm đó thì những hạt thóc tìm được này  là những hạt thóc cổ.

Bản thân tôi, tuy đã từng trực tiếp tham gia khai quật ( hihi, hồi sinh viên năm nhất) và bây giờ đã trực tiếp đến nơi khai quật, nhưng không dám phát biểu gì vì không phải chuyên môn và cũng không tham gia khai quật ở cuộc khai quật này nên chỉ xin được cung cấp thông tin và những gì quan sát được.

Bonus : Trên xe ô tô khi trở về, các chuyên gia địa mạo cũng cho biết, các vật hữu cơ khi đã tồn tại trong một môi trường đặc biệt hàng trăm năm thì cũng có thể tồn tại hàng nghìn năm nếu môi trường đó không thay đổi. GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn lúc đó cũng  gợi ý có thể các hạt thóc cháy, xương động vật cháy đã tạo ra môi trường yếm khi  và giúp các hạt thóc không bị phân hủy? 
Trong khoa học không có câu trả lời cuối cùng. Đó là bài học đầu tiên của các thầy dạy chúng tôi, những người sẽ / định chọn nghiên cứu Khoa học làm nghiệp của cuộc đời.

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Nguyễn Ái Quốc và vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX.

Đặng Thị Vân Chi
( Bài đăng ở tạp chí Khoa học về Phụ nữ số 2 năm 2006 ( từ tr20 đến tr27)
Đầu thế kỷ XX, dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi, đặc biệt là đời sống xã hội của phụ nữ. Một vấn đề được xã hội quan tâm thảo luận trong thời gian này là đánh giá vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũng như vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Cuộc thảo luận này đã làm hình thành vấn đề phụ nữ trên báo chí công khai và thu hút sự quan tâm của nhiều người có tên tuổi trong giới trí thức việt Nam. Bài viết này tập trung tìm hiểu quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ qua một số tờ báo xuất bản ở nước ngoài như Người cùng khổ ( Le Paria) Thanh niên ( xuất bản ở Quảng Châu năm 1925-1930), Thân Ái ( xuất bản ở Thái Lan năm 1928) và một số báo khác. Mặc dù số báo còn lưu giữ được của những tờ báo này không nhiều, nhưng cũng đã cho thấy quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ. Đó là vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lao động; khẳng định vai trò của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong đấu tranh giải phóng giai cấp và đấu tranh giải phóng chính mình.


Đầu thế kỷ XX, phụ nữ trở thành một lực lượng lao động quan trọng trong nền kinh tế thuộc địa. Năm 1912, nữ công nhân chiếm 45%. Họ có mặt trong các nhà máy, như nhà máy dệt Nam Định, năm 1937 có 10.000 công nhân nữ chiếm 71%; trong các hầm mỏ, như mỏ than Hồng Gai, năm 1940, nữ công nhân chiếm 20,2% ( Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, tr171), và trong các đồn điền ... Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ được đến trường, nhiều người trở thành giáo viên, nhà báo, nhà thơ... Thực trạng đời sống của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa cùng với ảnh hưởng của phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên thế giới đã được phản ánh thông qua các cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ trên báo chí công khai ở Việt Nam. Cùng với sự hình thành một dòng báo chuyên biệt dành cho phụ nữ trên khắp cả nước như Nữ Giới chung (1918 ở Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (1929-1935 ở Sài Gòn), Phụ nữ Tân tiến ( 1032-1934 ở Huế), Phụ nữ thời đàm (1930-1934 ở Hà Nội), Đàn bà mới (1934-1937 ở Sài Gòn), Tân nữ lưu (1935-1936 ở Hà Nội), Việt nữ (1937, Hà Nội), Phụ nữ (1938-1939 ở Hà Nội), Đàn bà ( 1939-1945 ở Hà Nội), Bạn gái ( 1941 ở Hà Nội ); các báo lớn như Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Đông Pháp, An Nam tạp chí, Trung Bắc tân văn, Tiếng dân... cũng đều có nhiều bài thảo luận về vấn đề phụ nữ. Nội dung của các cuộc thảo luận đều tập trung vào các vấn đề như: Vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ... Nhiều trí thức có tên tuổi thời kì này đã tham gia các cuộc thảo luận như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Bùi Quang Chiêu... ( Đặng Thị Vân Chi, 1997, tr26-33). Tuy nhiên ngoài Phan Bội Châu là người duy nhất đặt vấn đề vận động phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ( Đặng Thị Vân Chi, 1998, tr303-317) thì hầu như các tác giả khác không ai đề cập đến vai trò của của phụ nữ trong cuộc đấu tranh này, cũng như không ai vạch ra được như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vấn đề phụ nữ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là: Muốn giải phóng phụ nữ thực sự, muốn đem lại quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ, trước hết phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Ở phần viết sau, chúng tôi trình bày quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc về vấn đề phụ nữ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam qua một số bài báo của Người được đăng tải trên các báo nước ngoài.
1.Tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân ở các nước thuộc địa, đặc biệt là thực trạng đời sống của phụ nữ lao động
Năm 1917, sau một thời gian đi khắp thế giới với mong muốn tìm đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Pháp và nhanh chóng tham gia vào các hoạt động của đảng Xã hội Pháp. Năm 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp, Người đã dần dần ý thức được vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận là yêu cầu bức thiết của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy năm 1919, tại hội nghị Versailles, Người đã thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đưa bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam gồm tám điểm: đòi tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam mà nội dung quan trọng là quyền tự do báo chí , tự do ngôn luận. Năm 1920, Người được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo ( L'Humanite')- cơ quan Trung ương của Đảng xã hội Pháp. Bản Luận cương của Lê-nin đã mở ra một giai đoạn nhận thức mới trong quá trình đi tìm đường cứu nước của Người. Tháng 12/1920, tại Đại hội Tua (Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp), Người biểu quyết tán thành việc thành lập Đảng cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp, đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Năm 1923, Người rời nước Pháp sang Nga dự Đại hội quốc tế nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội 5 Quốc tế cộng sản. Có thể nói, năm 1924 đã chấm dứt chặng đường đầy gian khổ của Nguyễn Ái Quốc. Từ một người yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một người Xã hội chủ nghĩa và những tư tưởng chính trị mà Người tiếp thu được và tích cực truyền bá vào Việt Nam đã là sự chuẩn bị tích cực đầu tiên rất cơ bản cho sự hình thành khuynh hướng cộng sản ở Việt Nam sau Chiến tranh thế giới I.
Trong thời gian ở Pháp từ 1919-1923, Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí cách mạng, một phương tiện tuyên truyền những tư tưởng cách mạng của mình. Và cũng ngay trong thời gian này Người thể hiện rõ quan điểm của mình đối với vấn đề phụ nữ.
Trên tờ báo Người cùng khổ (Le Paria)- cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa - Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài báo với mục đích tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đồng thời vạch rõ tình cảnh bị áp bức, bị bóc lột và đàn áp thậm tệ của nhân dân các nước thuộc địa. Những nỗi khổ nhục do chủ nghĩa thực dân gây ra đến với tất cả mọi người dân thuộc địa nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng ở các nước thuộc địa phụ nữ chính là những người bị bóc lột tàn bạo và áp bức dã man nhất. Nguyễn Ái Quốc viết về những người phụ nữ ở Tây Phi, những “cụ già ngã xuống ngất đi vì đói lả” những “em gái vì bị khủng bố bằng những hành vi tàn ác đó nên đã bật hành kinh tuy chưa đến tuổi” những “người đàn bà bị truỵ thai con chết ngay khi sinh” [Nguyễn Ái Quốc, 1960, tr12] và về những người phụ nữ ở tất cả các nước thuộc địa. Nhưng trên tất cả là những bài viết về tình cảnh của những người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là về những người phụ nữ cùng khổ chiếm số đông trong dân chúng Việt Nam. Đây chính là điểm khác căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc với những nhà báo đang được chính quyền thực dân Pháp cho phép hành nghề chính thức tại Việt Nam [Đặng Thị Vân Chi, 1997].
Trong bài Những kẻ đi khai hoá [Le Paria-1.7.1922] và bài Phụ nữ Việt Nam và chế độ thực dân Pháp [Le Paria-1.8.1922] Nguyễn Ái Quốc đã cho người đọc thấy một bức tranh chân thực về tình cảnh của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ lao động nghèo khổ làm nghề gánh muối có thể bị giết chêt, bị đánh đập dã man không cần bất kỳ lí do nào hoặc chỉ là những lí do rất nhỏ như làm mất giấc ngủ của một viên nhà Đoan hay vì dám bày tỏ sự bất công của mình vói chủ. Đó là việc những người phụ nữ bất kể bà già, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú đều có thể bị hãm hiếp và và tra tấn một cách man rợ mà không một người có lương tri nào có thể hình dung nổi. Ví dụ như trên Le Libertaire ngày 7-14 tháng 10/1921, Người viết: "một tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam hiến thân cho chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng" [ Hồ Chí Minh toàn tập, T1, tr 54].
Trong khi các báo trong nước đăng những bài báo như:" Có mua hột xoàn ( kim cương) lúc này" [Phụ nữ tân văn ngày 5/11/1931), " Cái hại ăn dưng ngồi rồi của chị em", Phụ nữ không nên phó mặc việc nhà cho những người giúp việc", " Phụ nữ đánh bài giờ"...thì những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trong thời kì này đã cho thấy một bức tranh khác hẳn về tình trạng chung của phần lớn phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ. Đó là tình trạng phụ nữ bị bóc lột, bị áp bức và chà đạp nhân phẩm. Và nguyên nhân của tất cả tình trạng này đó là chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp.
2. Những tư tưởng cơ bản về vai trò của phụ nữ và đường lối vận động phụ nữ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người đã nghiên cứu và tìm cách cải tổ Tâm tâm xã thành một tổ chức cách mạng có tên là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (HVNCMTN). Để tuyên truyền và đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của HVNCMTN. Theo luận án tiến sĩ của Huỳnh Kim Khánh thì trong thời gian khoảng gần 5 năm báo Thanh niên ra tất cả 208 số [Nguyễn Thành. 1984, tr58-59]. Trong 88 số đầu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tự tay soạn thảo bài vở và sửa chữa. Nội dung chính của báo là tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chống chủ nghĩa thực dân, giới thiệu cách mạng các nước và đặt vấn đề về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam, nêu lên sự cần thiết thành lập một chính đảng cộng sản cũng như vạch rõ con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn này báo Thanh niên cùng với một số báo khác và cuốn Đường Kach Mạng là những tài liệu quan trọng được sử dụng trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu. Các tờ báo này cũng được chuyển về Việt Nam góp phần vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin ở trong nước.
Mặc dù đến nay chỉ có 10 số báo Thanh niên (từ số 63 đến số 73) còn khá nguyên vẹn, nhưng qua 10 số này và một số bài về phụ nữ được giới thiệu trong Hồ chí Minh toàn tập, người đọc vẫn có thể hình dung ra nội dung, mục đích và bút pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trong các số báo Thanh niên Người đã dành hẳn một mục là Phụ nữ đàn để tuyên truyền, giáo dục và vận động phụ nữ. Người vạch rõ tình trạng áp bức, coi thường phụ nữ trong xã hội cũ. Báo số 40 ra ngày 4/4/1926 đã đăng bài lên án sự đối xử bất công đối với phụ nữ thời trước điểm từ Khổng Tử: phụ nữ lấy chồng phải theo chồng: đến Mạnh Tử: Phụ nữ và trẻ em bị coi là khó giáo dục. Người Trung Quốc so sánh phụ nữ với con gà mái, nếu gà mái gáy sáng là điềm gở cho cả nhà. Còn người Việt Nam nói: đàn bà chỉ ngồi xó bếp [Hồ Chí Minh toàn tập, t1].
Nguyễn Ái Quốc cũng vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt là đối với phụ nữ trong nhiều bài viết khác. Báo Thanh niên số 67 ngày 31/10/1926 đăng tin “Tháng 6 vừa rồi, thằng Tây thương chánh ở Nghệ An nghi một người đàn bà An Nam ăn cắp muối, mà nó trói người đó vào đuôi ngựa, đập ngựa chạy. Người ấy đương có thai, bị ngựa kéo rồi truỵ thai mà chết ngất đi. Sau kiện đến toà án, thì toà lại xử cho thằng Tây thương chánh được kiện mà người đàn bà thua.” Qua sự kiện trên Người đã không chỉ nêu lên cho người đọc thấy phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của Pháp bị áp bức dã man mà còn vạch rõ sự bất công- không có công lý dưới chế độ thuộc địa. Người chỉ ra rằng nếu nước nhà được độc lập thì nhân dân mới được tự do,trong đó có cả phụ nữ : "... đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do“ [ báo Thanh niên số 13- trích theo Hồ Chí Minh toàn tập, T2, tr443] Đồng thời, Người cũng phân tích rằng: "là người tự do, người ta làm có thì, nghỉ có tiết... người ta có thì giờ mà học cho thành tài đức, có thì giờ mà tập cho mạnh chân tay” và cũng chỉ ra thực tại là :“ mắt chỉ thấy những điều thống khổ, tai chỉ nghe những tiếng bi ai. Đồng bào nước mắt bồ hôi, mình giàu chung đỉnh ăn ngồi sao yên".” [TN số 64 -10.10.1926].
Từ đó Người cổ vũ phụ nữ tham gia làm cách mạng, giành độc lập cho dân tộc. Đất nước có được độc lập, nhân dân có được tự do thì phụ nữ mới có cơ hội được giải phóng, được bình đẳng. "Vậy cho nên chị em ta trước hết lòng giúp với các đồng chí đàn ông làm cách mạng. Bao giờ cách mạng thành công rồi sẽ muốn gì thì muốn " [TN số 64 -10.10.1926] . Và " Vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng" [TN số 13]
Trong số báo khác, sau khi giới thiệu người anh hùng Trưng Trắc, Người kêu gọi phụ nữ đoàn kết lại: “ Can đảm thay! phận thuyền quyên vì nước quên mình! Tuy chỉ trong 3 năm nhưng cũng đủ làm cho bọn tu mi quân giặc hú vía! Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà con gái còn biết cách mạng. Huống chi bây giờ hai chữ nữ quyền đã rầm rầm khắp thế giới chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được. Chị em ơi, mau mau đoàn kết lại” [TN-12.12.1926].

Cũng trong mục Phụ nữ đàn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lần lượt giới thiệu phong trào phụ nữ các nước Anh, Nga, Pháp , Trung Quốc... Khi giới thiệu phụ nữ Nga có tới “hàng trăm nghìn làm nghị viên” Người viết “đàn bà các nước oanh liệt như thế vì người ta có học vấn, có tư tưởng và được tự do.

Sao đàn bà nước Nga giỏi như thế? 

Vì nước Nga cách mạng thành công rồi.
Sao đàn bà ta không được học vấn tư tưởng?
Vì không được tự do.
Sao mà không được tự do?
Vì nước ta bị Pháp cướp
Nay muốn có tư tưởng, học vấn được tự do thì nhất định trước phải cách mạng. Nếu chưa cách mạng cho được cả nước, thì mình cũng phải gắng mà cách mạng tự mình nghĩa là bỏ phần nết xẩu, học thêm thói tốt vào.” [TN-3.10.1926].

Viết giới thiệu về phụ nữ Anh, Người lại nêu gương những người phụ nữ là Đảng viên Đảng Lao động Anh đã giúp đỡ những người thợ mỏ than bãi công đấu tranh với bọn tư bản.
Viết về phong trào phụ nữ Trung Quốc, Người đã trình bày lich sử phát triển của phong trào phụ nữ, những điểm tiến bộ đồng thời những khiếm khuyết của từng thời kì, qua đó Người đã thể hiện một cách gián tiếp quan điểm của mình đối với phong trào phụ nữ. Đó là phong trào phụ nữ cần phải xác định rõ kẻ thù của cách mạng, của phụ nữ chính là chủ nghĩa đế quốc(“ địch nhân là đế quốc chủ nghĩa”). Phụ nữ phải được tổ chức chặt chẽ và nòng cốt phải là phụ nữ lao động(“ chủ lực là ở dân chúng” [TN-21.11.1926]“chú trọng về việc tổ chức công nông phụ nữ”, “thống nhất tổ chức lại, khoách trương sự tổ chức phụ nữ công nông ra, và ủng hộ quyền lợi cho bọn lao động” [TN-5.12.1926]. Phải thấy rõ mối quan hệ giữa phong trào phụ nữ với phong trào cách mạng của dân tộc. “Nếu cho nam nữ được bình quyền thì là phải cho phụ nữ tham chính mới được”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý người tham gia cách mạng phải có mục đích rõ ràng, lâu dài, phải có “nhãn quan làm việc” , không nên thấy người ta tham chính thì mình cũng đòi tham chính mà không có mục tiêu cụ thể.[TN-28.11.1926]...Người cũng chỉ ra rằng muốn có hạnh phúc “Chữ tự do bình đẳng có phải dễ đâu”[TN-5.12.1926] Vì “quyền lợi tương đương thì phải giả thêm một cái giá tương đương, nếu không gia sức vào mà muốn giành lấy mà cứ xin thì ai cho” [TN-28.11.1926].
Năm 1928 Người hoạt động ở Thái Lan, tại đây Người đã ra báo Thân ái để tuyên truyền tư tưởng Mac Lê nin và vận động cách mạng trong kiều bào ở Thái Lan. Các tờ báo này cũng được bí mật đưa về Việt Nam. Trong báo Thân ái Người vẫn luôn giành riêng một mục là Phụ nữ đàn để tuyên truyền và vận động phụ nữ. Trong mục này người thường dùng hình thức những bức thư hỏi và trả lời để giải đáp các vấn đề về cách mạng, về giải phóng phụ nữ và kích động lòng tự tôn dân tộc, kêu gọi phụ nữ tham gia cách mạng.

Tại số 4 báo Thân ái, ngày 15.1.1928, Người đã khéo léo phân tích về thực trạng của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến , cũng như nêu lên vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội bằng hình thưc trả lời bức thư hỏi về quan niệm tứ đức. Người viêt: “muốn biết “tứ đức” có phải là bó buộc không thì phải nghiên cứu mấy điều sau này:

1. Đã là 1 người trong xã hội thì không phân trai gái đều có cái chức trách phải lo gánh vác công việc trong xã hội. Chúng ta đã là một phần tử của xã hội thì xã hội thịnh hay suy chị em ta cũng phải gánh một phần trách nhiệm, nếu không thì thiệt vô ích cho xã hội, có ta cũng như không..

2. Thế mà nguyên tắc tứ đức thì chỉ dạy cho đàn bà đủ biết bổn phận làm vợ. Làm mẹ. Suốt đời chỉ quanh quẩn trong buồng, trong bếp, việc xã hội, nước nhà không ai thèm kể đến. Chẳng những thế mà thôi sau lưng cái lễ giáo ấy lại còn một thứ pháp luật dã man kiềm chế nữa. Cảnh tình như thế có phải là bắt buộc không? Có đáng bất bình không?
Than ôi chúng ta sinh vào buổi 5 châu liền xóm bốn bể một nhà, phong trào nữ quyền vận động bồng bồng bột bột mãi mà chị em ta vẫn chìm đắm trong vòng gia đình áp bức, nghĩ mà đau đớn thay!


Trong báo Thân Ái số 38 người nêu tình cảnh của vua Duy Tân vì phản đối Pháp mà bị Pháp bắt đi đày ở Châu Phi phải đi kéo đàn thuê ở hiệu ăn để kiếm sống. Và Người bình luận: “Chị thử nghị xem: Sang chi bằng làm vua, giàu chi bằng có cả nước, thế mà lâm vào cảnh mất nước mất quyền còn cực như thế!

Trông người lại ngẫm đến ta! Vua chúa còn chẳng ra chi huống chị em chúng mình”. Trong giai đoạn này có nhiều người bị tuyên truyền rằng tham gia cách mạng là phải đem tài sản riêng đóng góp thành của chung, do vậy, một số người có nhà cao cửa rộng, chồng giỏi con khôn thì ngần ngại, chần chừ chưa muốn tham gí phong trào Hiểu được tâm lý đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết “cách mạng thành công thực hành cộng sản thì rồi có 3 gian nhà gỗ mấy sào ruộng sâu, dăm ổ gà tơ, vài con lợn nái sẽ bị người ta “công” đi mất chăng. Như thế là lầm” . Và người kêu gọi “Non sông gấm vóc, biển bạc rừng tiền, chức trọng quyền cao, ngai vàng kiệu ngọc như ai kia mà bị mất nước cũng chỉ phận hai bàn tay trắng như mình thì chắc chi, tiếc chi nữa mà không hi sinh phấn đấu”.

3. Kết luận
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng Nguyễn Ái Quốc khác hẳn với các tác giả trên báo chí công khai ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Người đã thể hiện một quan điểm mới trong việc nhìn nhận vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đó là quan điểm mới trong việc nhận thức vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đó là quan điểm hướng tới phụ nữ lao động và gắn vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Hơn thế nữa, Người đã bước đầu vạch ra những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm vận động phụ nữ và tổ chức phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.- đó là những tiền đề quan trọng để thực hiện nữ quyền và giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ đã trở thành những luận điểm cơ bản về giải phóng phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Chú thích:
1.Hiện nay báo Thân ái chỉ còn một số tờ lưu giữ được trong Bảo tàng cách mạng Việt nam. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và báo chí thì báo Thân Ái cũng là tờ báo do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp làm. Dấu ấn của Người thể hiện rõ nét nhất là việc dùng chữ K thay cho chữ C ( Ví dụ như từ Kách mạng, có viết là Kó... chữ z thay cho chữ D, Gi trong văn bản... Đặc biệt là văn phong của Người: giản dị, dễ hiểu... Các tờ báo này cũng được bí mật đưa về Việt Nam
2. Số 38 báo Thân ái còn lưu Tài liệu tham khảo tại Bảo tàng Cách mạng mất phần ghi ngày tháng
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thị Vân Chi(1997)" Vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trên báo chí đầu thế kỷ XX", TC Khoa học về Phụ nữ, số 4
2. Đặng Thị Vân Chi, 1998, " Phân Bội Châu và vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX" trong Phan Bội Châu con người và sự nghiệp, H NXB Đại học Quốc gia
3. Nguyễn Ái Quốc, 1960, Bản án chế độ thực dân Pháp, H, NXB Sự thật
4.Hồ chí Minh toàn tập t1, tr54, Đĩa CD
5.Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam,t1, H, NXB Phụ nữ.
6.Nguyễn Thành, 1984, Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-1945, H, NXB KHXH
7.Nguyễn Thành, 1995, Sự nghiệp báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin
Báo Thanh niên, báo Thân Ái, Phụ nữ tân văn và một số tờ báo tiếng Việt xuất bản trước 1945

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Trung thực và dũng cảm - lời thề chung cho các nhà sử học

GS. Trần Quốc Vượng trước Kim Tự Tháp Ai Cập


Ngày 24 - 25/6/2002, trong khuôn khổ thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước về Lịch sử Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV làm chủ nhiệm, Hội nghị đã được tổ chức. Tại hội nghị bàn về phương hướng xây dựng giáo trình Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Văn hóa Việt Nam, GS. Trần Quốc Vượng đã trình bày một bản báo cáo vô cùng tâm huyết, hết sức sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm của một nhà khoa học, một nhà giáo dục đầu ngành. Từ đó đến nay, PGS. Nguyễn Quang Ngọc vẫn giữ bản báo cáo này như một "bảo bối" cho toàn bộ quá trình triển khai bộ "Lịch sử Việt Nam" 4 tập mà trong đó GS. Trần Quốc Vượng cũng là một tác giả.


Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu bài viết này như một lời căn dặn của người quá cố về một thái độ dũng cảm và trung thực trong khi viết về lịch sử.

1. Mỗi giáo trình đại học theo đúng nghĩa phải là một công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Chất lượng cao là gì? ở những phần sau sẽ nói, nhưng ở đây cần nói ngay rằng toàn bộ và trong từng phần cuốn sách nó phải là một công trình suy tư - nghiên cứu đã nhiều năm đau thiết của một/ những giảng viên đại học có nhân cách khoa học (Personnalité) được xã hội trí thức trong ngoài nước thừa nhận, tuy vẫn có thể được tranh cãi. Tất nhiên là nó phải có tính sư phạm với văn phong khá trường quy.

2. Thời đại mà tất cả các trường đại học trong nước chỉ dùng một giáo trình duy nhất đã qua rồi!. Kinh nghiệm giáo trình "Lịch sử Việt Nam" là vậy, và giáo trình "Cơ sở văn hoá Việt Nam" cũng là vậy.

Cái ta sẽ viết là giáo trình cho ĐHKHXH&NV- trước hết là cho Khoa Sử của ĐHQGHN.

Thế thì và nhất là ở thời buổi "đổi mới" hiện nay, ta chẳng ngần ngại gì mà không thừa nhận tính trường phái của giáo trình do Khoa Sử biên soạn, thậm chí tính cạnh tranh trong khoa học, dù ai đó có thể phê phán chúng ta là có tính đố kỵ hay thậm chí là tính biệt phái - hay bè phái.

Miễn là từ tâm - óc, chúng ta trung thực và hoàn toàn tự nguyện tuân thủ phương pháp luận sử học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa macxit sáng tạo và tư tưởng Hồ Chí Minh sáng tạo và hội nhập với trào lưu sử học tiến bộ của Loài người từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, theo cách ta Học - Hỏi - Hiểu - Hành.

Chẳng hạn như, nếu cấp trên giao cho tôi chủ biên giáo trình "Lịch sử Văn hoá Việt Nam" dùng cho Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, tôi phải có quyền lựa chọn các cộng tác viên trong ngoài trường cùng "gu sử học" với tôi. Nếu không, tôi xin đứng ngoài, không thắc mắc gì và chỉ làm những cái gì và với ai mà tôi thích. Trong trường hợp đó xin chớ phê phán tôi là cá nhân, tiêu cực. Trước mắt tôi là con đường về hưu, hưởng thú thanh nhàn cho đến khi từ giã cõi đời giả tạm này.

3. Chúng ta sẽ viết giáo trình chất lượng cao, để đời. Đời sống của nó là một vài chục năm, cứ cho rằng tới khoảng 2020 sẽ "lạc hậu", quá thời. Và sẽ có một thế hệ khác viết lại. "Il a fait son temps" là một thành ngữ Pháp có tính phổ quát cho mỗi nhà khoa học, cho mỗi công trình khoa học.

3.1. Khối tư liệu dùng để biên soạn nên nó phải phong phú - đa dạng, có tính cập nhật cao.

Như thế, đòi hỏi mỗi người viết sách giáo trình phải cập nhật cao, với trong nước và với quốc tế. Thí dụ về trước Công nguyên, tôi phải đưa vào giáo trình bài "Việt ca" và một bài thơ có nhắc đến Âu Việt - Lạc Việt cùng sự giải mã của học giả Nhật, học giả Trung Hoa và học giả Việt Nam (tuy họ giải mã khác nhau) cũng như tôi phải đưa vào các tài liệu khảo cổ hữu thể sưu tầm được cho đến 2002 (Lung Leng, Eo Bồng, Trà Kiệu, Lý Nhân, Cần Giờ, Domea...).

3.2. Không chỉ hiện đại về tư liệu mà tôi phải xử lý mối quan hệ biện chứng giữa Phá bỏ - Bảo tồn - Sáng tạo.

Đừng mong hòng một cách ảo tưởng rằng Sử học là một khoa học tuyệt đối khách quan, phát hiện ngay được những quy luật khách quan của sự Vận động lịch sử.

Có Histoire-Réalité và tôi không phải là một kẻ làm sử (Faire Histoire) hư vô chủ nghĩa (annihiliste) hay thực chứng (positiviste). Nhưng cái đó nói như Giáo sư Sử học lớn J.Furet - người tổng kết 200 năm lịch sử cách mạng Pháp (1789-1989) - luôn luôn còn ở phía chân trời của mỗi nhà sử học chân chính. Với đầy lòng kính trọng của một kẻ hậu tử với bậc tiền bối, tôi buộc mình không dối lòng khi nói rằng cụ Trường Chinh chưa phải là người tổng kết lịch sử Cách mạng tháng 8/1945 hay nhất, đúng nhất. Cụ Tảo Trang viết tặng tôi đôi câu đối của đức Phan Bội Châu:

“Hậu tử thường đa tân tuế nguyệt

Tiền trình bất thị ác phong vân."

Tôi vô cùng cảm ơn nhưng vẫn để đấy để ngẫm suy.

Trước mắt chúng ta vẫn chỉ có - và chỉ có thể có - cái Historie Conxience. Lịch sử gắn liền với nhà sử học, với nhân cách và nhận thức của họ.

Viện sĩ Mounier, trong công trình De la connaissane Historique bảo: nhà sử học viết sử cũng chỉ như nhà hoạ sĩ vẽ chân dung (Portraitriste)! Hoạ sĩ vẽ chân dung tôi - một hiện thực khách quan đối với ông ta - nhưng cũng đồng thời họ vẽ chân dung họ, theo cách họ hiểu về tôi.

Tôi vừa được đọc một tài liệu mới nhất: Học thuyết Tương đối luận của A.Einstain cũng chỉ là tương đối mà thôi!.

Vì vậy mà hơn một chục năm trước, tôi đã viết bài "Giải ảo hiện thực Đống Đa” và năm nay tôi đã và sẽ viết bài "Giải ảo hiện thực Đồng Đậu” cùng bài "Giải ảo hiện thực núi Đá Bia" (Phú Yên). Tôi không muốn là kẻ quấy nhiễu sân cỏ lịch sử như Neuville quấy nhiễu sân cỏ World cup Korea - Japan.

Số phận tôi là vậy và tôi buộc phải "đảm đương thân phận”- nói kiểu Từ Chi!

Chẳng hạn, tôi mong các nhà sử học - bạn tôi hãy suy nghĩ và viết lại - chí ít dưới khía cạnh "Lịch sử văn hoá Việt Nam” - về Triệu Đà (Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh có viết như ta trong các giáo trình thập kỷ 60, 70 không?), về Sĩ Nhiếp, về Cao Biền. Vì sao "Việt điện u linh" (1329) - và tâm thức dân gian cùng nhiều nhà sử học khác, gọi ngài là "Sĩ vương" và lập đền thờ cúng. Vì sao trong tờ "thủ chiếu" của đức vua khai sáng nhà Lý, lại gọi "Cao Biền" là "Cao vương"? v.v... Dựa trên suy tưởng của tôi đã có nhà sử học viết rằng: Cái gọi là thời Bắc thuộc về hiển thể chính trị chỉ là quyền tự trị địa phương. Giáo trình mới của Khoa Sử nên xem lại những chuyện đó, dù khuôn nó vào lĩnh vực Histoire mentale (lịch sử tâm thức), một phần của lịch sử văn hoá Việt Nam.

Là một đơn vị được phong tặng danh hiệu cao quý - Đơn vị Anh hùng thời đổi mới, dưới sự chèo chống của ông PGS.TS. Chủ nhiệm Khoa “đức xứng kỳ chức”, với các giáo sư tài ba danh vọng vượt bậc Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang..., tôi chỉ mong toàn Khoa Sử, qua bộ giáo trình mới này, "đổi mới mạnh mẽ và kiên quyết" tư duy Sử học để thế hệ trẻ - như đứa cháu ngoại Phan Quang Anh, tức Bờm của tôi, mới bắt đầu học lớp 9 mà kiên quyết học để được tuyển thẳng vào Khoa Sử - được “phận nhờ” (cháu không chỉ đọc sách giáo khoa phổ thông (“ngắn quá”) mà đã dám đọc “Tiến trình lịch sử Việt Nam") và người già như tôi, ông Hãn, ông Lâm cũng sẽ được ngậm cười ở... thế giới bên kia!

4. Giáo trình mới không nên viết, chẳng hạn "Văn hoá Đông Sơn là văn hoá Lạc Việt”, “Trống đồng Đông Sơn là trống đồng Lạc Việt” như giáo trình Đại học Văn khoa thời thầy tôi, cố GS. Đào Duy Anh rồi gắn cái văn hoá đó với thời Văn Lang - Âu Lạc.

Tôi có điên không? Có lẽ tôi cũng có máu điên trong người, nhưng... tôi tự cho là... vẫn còn "tỉnh".

Học giả ngoại quốc biết bao lần đã nói vào cái "bản mặt" tôi rằng: Cái "giọng" của giới sử các ông Việt Nam rất chi là... "chauvin", "nationalist", tuy... ông là đỡ hơn cả đấy!

ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã nêu luận điểm từ khi thành lập ngành Khảo cổ: Khi anh/ chị nghiên cứu những nền văn hoá tiền - sơ sử thì... hãy tạm thời quên đi những biên giới chính trị của các quốc gia hiện nay. Văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn chẳng hạn là của toàn Đông Nam á, cả lục địa và hải đảo.

Đến khi được cấp trên chỉ thị thành lập ngành Văn hoá học, tôi lại nêu luận điểm: Không gian văn hoá và không gian chính trị là khác nhau. Và rất thường khi Biên giới chính trị cắt "ngang xương" một không gian văn hoá, ở châu Phi là vậy. ở Đông Nam á, ở Việt Nam cũng là vậy.

Khi còn sinh thời GS. Phạm Huy Thông, lúc ông làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, tôi đã nài được ông cho thuyết trình ở Viện rằng: Cái không gian trống đồng loại I Heger là nằm trong một "tam giác đồng” (tôi nhái khái niệm “Tam giác Vàng") mà 3 đỉnh là Vân Nam - Việt Nam - Lưỡng Quảng ngày nay và nhấn mạnh rằng: ở thời đó nó vẫn là một không gian "Phi Hoa - Phi ấn", gọi là "Không gian Việt cổ" cũng được, nhưng Việt cổ là một khái niệm khá mơ hồ, chỉ nhìn "cái răng, cái tóc là góc con người" thì cũng đủ biết: “Người Đông Sơn” vừa búi tóc (tư liệu Việt Khê, Hải Phòng), vừa xoã tóc (tư liệu Đào Thịnh, Yên Bái), vừa tết tóc (tư liệu nhiều dao găm cán hình người Đông Sơn), có răng nhuộm đen, có răng để trắng: Bao nhiêu "mộ thuyền" đã chứng tỏ điều đó.

"Sống xen kẽ giữa các tộc người" ở Việt Nam, dù Nam á, Nam Đảo hay các ngữ hệ Tạng Miến... gì gì đi nữa đã là một quy luật lịch sử lâu đời để nhà khảo cổ học Thụy Điển, GS. Olov Janse rút ra một kết luận bất hủ: "Vietnam, Carrefour des Peuples et des Civilisations".

Việt Nam hôm nay có sự thống nhất văn hóa và ngôn ngữ, nhưng cũng có sự đa dạng, nếu không muốn nói “huỵch toẹt” ra là có cái “đa văn hóa” (multicultural) và “đa ngôn ngữ” (multilinguistic).

Thì có sao đâu ở trong một cái khuôn thể chế chính trị thống nhất, dân chủ?

Vậy những người anh hùng ở Khoa Sử nên viết "Lịch sử Việt Nam" chứ không phải là "Lịch sử người Việt" cho dù tộc Kinh - Việt hiện nay là chủ thể quốc gia. Mà cái gọi là người Việt như ta hiểu cũng xuất hiện khá muộn mằn trong lịch sử... và cũng đa dạng lắm, từ Bắc - Trung tới miền Nam đất nước.

Từ lâu, người Pháp đã phân biệt Histoire de France và Histoire des Francais. Ta nên tham khảo họ. Người Nhật (và cả người Hoa) cũng đã nhìn thấy nhiều “văn hoá Trung Hoa” rồi đấy (cùng lắm thì họ gọi là "Một văn hoá Trung Hoa có nhiều local cultures".

5. Cho nên cách viết "Lịch sử Việt Nam" nói chung, "Lịch sử văn hoá Việt Nam" nói riêng rất nên là cách viết một thời không gian liên tục kiểu A.Einstein, hay, nói theo một hướng tiếp cận hiện đại, là kết hợp nghiên cứu Lịch đại (Diachronic Studies) và nghiên cứu Vùng - Tiểu vùng (Area Studies).

Đừng “lờ” một hiện tượng lịch sử quan trọng và kéo dài "Nam tiến" (The March to the South) hay còn gọi là Migration horizontale của người Kinh - Việt trong khi ở các nhóm H’mong - Yao, thì đó lại là migration vertical (Di cư theo chiều dọc).

Đừng dùng các khái niệm đã mòn, thậm chí cái thủ thuật "đánh tráo khái niệm” bằng ngôn từ điêu xảo.

Hãy gọi sự vật bằng chính cái tên của nó.

Nếu có một lời thề chung cho các nhà sử học thì, theo tôi, nên là: "Trung thực và dũng cảm".

Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý!
GSTrần Quốc Vượng với cán bộ Khoa Lịch sử
Hà Nội, 23/ 6/2002

http://blog.yume.vn/xem-blog/ban-ve-van-de-trung-thuc-va-dung-cam-cua-cac-nha-su-hoc.budchau.35B9A1FC.html
http://dzunglam.blogspot.com/2010/05/ban-ve-van-e-trung-thuc-va-dung-cam-cua.html

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...