Nguyễn Quốc Phong
Không chỉ với những nhà nghiên cứu mà bất kể ai đọc tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có chung một nhận xét (cũng là một nỗi băn khoăn) về một thời đoạn lịch sử hầu như có rất ít thông tin. Đó là thời gian của các năm từ 1914 đến 1917. Bộ sách "Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử" (Nhà xuất bản Sự thật, bản 2006), có tới 9 tập, thời gian từ 1914 đến 1917 thuộc về tập I (1890-1929) dày 436 trang (không kể phần sách dẫn) thì 4 năm này chỉ chiếm có...6 trang và với...3 sự kiện. Năm 1916 không có sự kiện nào và 3 năm còn lại mỗi năm có đúng 1 sự kiện.
Nội dung các sự kiện ấy gồm: Năm 1914 (tháng 8, đầu tháng) thư Nguyễn Tất Thành từ thủ đô nước Anh (London) gửi tới "Nghi bá đại nhơn" (Phan Châu Trinh) nội dung chủ yếu nói cảm nghĩvề cuộc Đại chiến thứ Nhất vừa bùng nổ ở châu Âu (và trong lá thư này cũng nhắc lại rằng trước đó vài tháng cũng đã gửi một lá thư); Năm 1915 (tháng 4 ngày 16) Nguyễn Tất Thành ký tên "PaulThành" từ Anh viết thư cho Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha đang sống ở Nam Kỳ (nhưng không đến tay vì không tìm thấy địa chỉ); Năm 1917 (khoảng cuối năm) Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. Về nguồn thông tin thì 2 sự kiện vào năm 1914 và 1915 căn cứ vào các hiện vật gốc của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ; riêng thông tin của năm 1917 thì căn cứ vào sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (tác giả : Trần Dân Tiên).
Trước thời gian đó, năm 1913, Biên niên tiểu sử cho biết Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ trở về cảng Le Havre (Pháp) sau đó sang Anh (khoảng quý I) và vẫn duy trì thư từ với Phan Chu Trinh đang ở Pháp. Khoảng cuối năm (1913) thì có một chi tiết đáng chú ý : Để kiếm sống, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho khách sạn và chuyển tới làm phụ bếp cho Khách sạn Carlton tọa lạc tại đường Haymarket nổi tiếng ở London. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý là "Anh làm việc dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Étcốpphiê (Escophier)".
Mục sự kiện này còn mô tả : "Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa và đồ đạc. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc làn một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bit- tết để đưa lại cho nhà bếp.
Ông già Étcốpphiê chú ý tới việc làm đó và hỏi anh : Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác ? Tất Thành trả lời : Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy.
Étcốpphiê vừa nói vừa cười có vẻ bằng lòng : Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dậy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Những người trong khách sạn cho đó là một việc lớn vì lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế". Nội dung này những người làm sách Biên niên trích ra cũng từ cuốn sách của Trần Dân Tiên (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).
Về nhân vật "Vua đầu bếp" Étcốpphiê có rất nhiều tài liệu giới thiệu vì ông vốn là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử ẩm thực thế giới.Georges Auguste Escoffier sinh ngày 28-10-1846 tại Villeneuve-Loubet và mất vào ngày 12-2-1935 tại Monaco, là một đầu bếp người Pháp nổi tiếng, từng được vị Hoàng đế nước Đức đánh giá là "vị vua của các đầu bếp, đầu bếp của các vị vua"...Tiểu sử của nhân vật này cũng xác nhận là từ năm 1899 Étcốpphiê chuyển sang hành nghề tại Khách sạn Carlton ở kinh đô nước Anh và làm việc cho tới năm 1919 thì về hưu. Vì thế chi tiết : vào năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến làm việc tại khách sạn này có cơ hội được gặp và được vị đầu bếp nổi tiếng nhận làm học trò là hoàn toàn có cơ sở và cũng được hồi ức của hậu duệ Vua Bếp ghi nhận (tham khảo bài "Vua đầu bếp người Pháp Écoffier" của Chu thị Ngọc Lan, Xưa&Nay 9-2015).
Cũng liên quan đến khoảng thời gian này, có một tư liệu có giá trị và chứa đựng một thông tin rất quan trọng được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ ở Nga (12-2006) và được công bố trong cuốn sách "Hồ Chí Minh với nước Nga"do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tổ chức xuất bản năm 2013( sách có lời giới thiệu của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh).
Đó là Bản khai lý lịch được lập theo lời củachính Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-9-1934 để đến tháng 10 năm đó được nhập học Trường Quốc tế Lênin. Với bí danh Linôp (Linof) có năm sinh là 1894, bản khai này đề cập tới nhiều chi tiết (xem ảnh 1&2) trong đó có một chi tiết đáng chú ý tại mục khai về công việc (nghề nghiệp) qua từng thời gian hoạt động : "Làm lính (tại) Pháp (vào thời gian) 1914-1918 (xem ảnh 3& 4)".
Chú Thích 3 - 4
Thời gian 1914-1918 là lúc cuộc Chiến tranh thế giới đang diễn ra chủ yếu tại Châu Âu mà hai nước Anh và Pháp là đồng minh chủ chốt (trong khối Entente gồm nhiều nước như Nga, Italia, Mỹ, Bỉ v.v...) chống lại Liên minh Trung tâm gồm Đức, Áo-Hung, Ôttôman, Bungari...). Cuộc Đại chiến này nổ ra vào ngày 28-6-1914 và ngưng chiến ngày 11-11-1918 với chiến thắng của phe Entente.
Liên quan đến Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Paul Thành, thì trong sách "Biên niên tiểu sử" ghi nhận thêm nột số chi tiết : Khoảng cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành từ Anh trở về Pháp (trang 58) ; trong năm 1918, Theo lời kể của Misen Decsini (Michele Zecchini), đảng viên Đảng Xã hội Italia thì Nguyễn Tất Thành lúc đó đang là "đại diện được ủy quyền của Hội Lao động hải ngoại đang náu mình trong một căn phòng cho thuê ở phố Charrone" và chưa có giấy tờ hợp pháp mà vào thời điểm này chiến tranh chưa kết thúc nên chính quyền Pháp đang tăng cường vây ráp, bắt bớ lính thuộc địa đào ngũ, do vậy Nguyễn Tất Thành phải ẩn náu kín đáo trong căn nhà một người bạn gốc Tuynidi tên là Moktar (trang 59). Và cũng trong năm 1918, theo một tài liệu được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 6-11-1947 thì Cựu hoàng Thành Thái cho biết Nguyến Tất Thành có gặp Ngài tại nơi cư ngụ là đảo Réunion cũng là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp (trang 60) rồi đến đầu năm 1919 thì gia nhập Đảng Xã hội Pháp (trang 61).
Tất cả những dữ kiện ấy cho thấy khớp với lời khai trong Lý lịch được lập vào năm 1934, Nguyễn Tất Thành đã "làm lính" tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sau khi đã làm việc tại bếp của Khách sạn Carlton ở Thủ đô nước Anh vào thời điểm Vua Bếp Escoffier đang điều hành tại đây. Những dữ kiện tuy ít ỏi nhưng cũng cho thấy mối quan tâm bao trùm của Nguyễn Tất Thành là cuộc chiến tranh.
Trong lá thư gửi Phan Châu Trinh đầu tháng 8-1914, Nguyễn Tất Thành viết : "Tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người chiến thắng... Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều" (trang 55).
Còn trong lá thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương để nhờ liên hệ với người cha của mình đang sống ở Nam Kỳ đề ngày 16-4-1915, Nguyễn Tất Thành ký với cái tên mới là "Paul Thành". Cả 2 lá thư này đều được gửi từ nước Anh. Và đến cuối năm 1917, người thanh niên Việt Nam này mới trở lại nước Pháp vào thời điểm cuộc chiến chưa kết thúc và lâm vào hoàn cảnh phải "ẩn náu" để tránh các cuộc truy lùng của chính quyền Pháp đối với những binh lính đào ngũ ...Như thế, có thể giả thiết rằng Nguyễn Tất Thành đã tham gia lực lượng quân đội của nước Anh trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh thế giới và với một cái tên mới là "Paul Thành".
. Giai đoạn 1914-1918 này tuy không dài nhưng nó ở vào một thời điểm có ý nghĩa như một bước ngoặc quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành ở độ tuổi xấp xỉ 30 (theo tiểu sử chính thức có năm sinh 1890 thì ở độ tuổi từ 24 đến 28 tuổi), chuẩn bị cho những hoạt động chính trị diễn ra ngay sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới chấm dứt. Cùng với cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở Pháp (cùng ký tên Nguyễn Ái Quốc trong Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam); và với tên gọi Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, tất cả chỉ diễn ra trong 2 năm 1919 và 1920. Dù mới chỉ là giả thiết thì việc nhận thức về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử này vẫn còn cần được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa trên cơ sở phát hiện thêm những sử liệu mới.
Bài viết này được viết bởi một sự thôi thúc sau khi tác giả được tiếp xúc với những thông tin đáng tin cậy từ những nguồn đáng tin cậy. Cách đây 5 năm, tôi được gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình, người đã gắn bó cả cuộc đời nghề nghiệp công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và từng đảm nhận những cương vị quan trọng, là Phó giám đốc (1997-1999) rồi Giám đốc (1999-2007). Chồng bà, ông Nguyễn Văn Đoàn, từ lúc còn trẻ đã có vinh dự được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng có mặt vào thời điểm các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ túc trực bên giường bệnh chứng kiến giây phút Bác Hồ ra đi đến "thế giới người hiền" vào ngày 2-9-1969. Sau này, ông cũng tốt nghiệp ngành Lịch sử rồi trở thành Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, người đứng góc trái ảnh, sau Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn cùng các vị trong Bộ Chính trị lúc Bác chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
Chính tại cuộc tiếp xúc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình đã hé cho tôi biết một câu chuyện nghề nghiệp mà bà giữ kín từ lâu. Đó là những lời căn dặn của một trong những người gần gũi nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cương vị là thư ký riênggắn bó suốt từ thời kỳ Cách mạng mới thành công,đó là ông Vũ Kỳ. Một thời gian, ở cương vị Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như sau này khi đã nghỉ hưu, ông Vũ Kỳ cũng đã công bố một số thông tin mà ông nắm được cũng như viết hồi ức liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng với một nguyên tắc rất cẩn trọng, điều mà ông luôn truyền lại cho các đồng nghiệp trẻ trong cơ quan...
Chú thích: Tổng Biên tập Xưa & Nay Dương Trung Quốc trong lần tiếp xúc vợ chồng ông bà Đoàn – Tình để xác minh thêm tính xác thực của tư liệu.
Ảnh: Quốc Phong
15 giờ chiều ngày 24-6-2004, nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, cảm thấy thời điểm "đi theo Bác Hồ" đã đến gần, ông Vũ Kỳ đã triệu tập Giám đốc Nguyễn Thị Tình và một số cán bộ chủ chốt của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến để căn dặn lại những điều cần thiết. Tựa như lời "trăn trối" với các đồng nghiệp có trách nhiệm của mình, ông Vũ Kỳ nêu một số vấn đề liên quan đến tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có một nội dung gắn với giai đoạn 1914-1918 mà bài viết này quan tâm.
Trong câu chuyện của mình, ông Vũ Kỳ có nhắc đến việc Bác Hồ mời cơm "Anh Cả" Nguyễn Lương Bằng, một nhà lãnh đạo gương mẫu được Bác Hồ quý trọng và tin cậy. Ông Vũ Kỳ có mặt trong bữa cơm đó và nghe được câu chuyện trao đổi riêng tư giữa hai nhà cách mạng lão thành. Bác Hồ kể cho "Anh Cả" câu chuyện việc mình đã nhận đi lính thay cho con trai Vua Bếp Escoffier khi Chiến tranh thế giới bùng nổ. A.Escoffier là người Pháp đến hành nghề ở nước Anh và có một con trai tên là Paul Escoffier vào thời điểm ấy đến tuổi đăng lính nghĩa vụ. Vua bếp là người giàu có và e ngại con trai của mình phải ra mặt trận. Người phụ bếp "An Nam" trẻ tuổi từng gây ấn tượng và được Vua Bếp giành những ưu ái (như sách của Trần Dân Tiên đã thuật lại), đã nhận lời đi lính thay cho anh con trai của Vua Bếp với lời hứa sẽ giữ kín vụ việc.
Bữa cơm Bác Hồ mời Anh Cả Nguyễn Lương Bằng theo ông Vũ Kỳ thuật lại thì diễn ra vào những năm cuối đời của Bác, tức là câu chuyện về việc đi lính của Bác đã diễn ra, cùng lời hứa đã được giữ kín hơn nửa thế kỷ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình cũng cho biết nội dung toàn bộ những lời của ông Vũ Kỳ đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh báo cáo bằng văn bản gửi tới các cơ quan có trách nhiệm. Ông Vũ Kỳ cũng còn cung cấp thêm chi tiết là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám và đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập, nhưng ngay cả các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp cũng còn chưa biết "Hồ Chí Minh" là ai ? Để giúp các đồng chí Pháp nắm được thông tin nhằm tạo mối liên hệ giữa cách mạng hai nước, Bác Hồ đã tìm cách thông tin theo những phương thức rất truyền thống mà khi hoạt động ở Pháp với các đồng chí quốc tếcủa mình vẫn sử dụng. Một "bức thư tăm" (viết trên giấy rồi vê nhỏ lại như que tăm) đã được bí mật chuyến tới Maurice Thorez lúc đó đã là Tổng bí thư Đảng Cộng san Pháp vốn quen biết Nguyễn Ái Quốc trong các hoạt động của Đảng ở Pháp hay ở Quốc tế Cộng sản và lúc này cũng tham gia Chính phủ của nước Pháp sau khi được giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít. Bức thư tăm chỉ mang môt nội dung ngắn gọn : "Gửi đồng chí Thorez/ Paul chính là Hồ Chí Minh"...
Cách đây 5 năm, khi Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình kể lại cho tôi câu chuyện này với lời căn dặn là chỉ biết vậy. Còn việc công bố, cứ theo quy cách của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì rất nghiêm nhặt. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, việc công bố những chi tiết này sẽ góp phần định hướng cho các nhà nghiên cứu có cơ hội đào sâu hơn các nguồn tư liệu để làm sáng tỏ hơn các hiểu biết về một thời kỳ rất quan trọng trong quá trình hình thành một "nhà cách mạng chuyên nghiệp" để rồi trở thành một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng rộng lớn vượt khỏi khuôn khổ quốc gia, dân tộc của mình. Mọi chi tiết chỉ góp phần làm đậm nét hơn những trải nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ đã trải qua một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất với tích lũy những tri thức về chiến tranh và cách mạng để sau này đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong việc biến Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thành cơ hội cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc Việt Nam thành công cũng như trong chỉ đạo các cuộc kháng chiến sau này. Những chi tiết ấy cũng làm sáng tỏ hơn phẩm chất của một con người hành động vì nghĩa tín với những người cùng thời như gia đình của Vua Bếp Escoffier.
Nghĩ vậy mà tôi quyết định viết bài này sau 5 năm cân nhắc và tôi rất mừng khi thấy ông bà Nguyễn Thị Tình là những người có những tình cảm , cũng là trách nhiệm sâu sắc với Bác Hồ, đồng tình với mong muốn giúp các nhà nghiên cứu có định hướng tìm hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và hành trang của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử này với niềm tin vững chắc rằng kết quả của nó càng làm sáng hơn tấm lòng và phẩm cách của Bác Hồ vĩ đại
*. Bài sđăng trên Xưa & Nay", số tháng 10/2015
Thế tóm lại Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh có phải là 1 không?
Trả lờiXóaChịu. Có khi bức thư gửi Tổng bí thư ĐCS Pháp là một thủ thuật... đánh tráo !
XóaThế tóm lại Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, Trần Dân Tiên có phải là 1 không ?
Trả lờiXóa