Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Số phận long đong của Bà Đầm Xòe ở Hà Nội


Đầu năm 1887, lần đầu tiên người Pháp tổ chức một cuộc triển lãm ở Hà Nội, nhằm quảng bá cho hình ảnh của Đại Pháp, sau khi đã chinh phục được toàn cõi Đông Dương.


Cuộc triển lãm được tổ chức trên khu đất xưa nay vẫn được dùng làm trường thi hương của Hà Nội. Đó là một khu đất trống rộng khoảng 75.000m2, khi không có kỳ thi thì vẫn để cỏ dại mọc chứ không có công trình xây dựng gì.

Vị trí của nó nay là Thư viện Quốc gia và Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, con đường sau này được mở đi qua khu đất đó cũng được gọi là đường Trường Thi.
Những hiện vật triển lãm có giá trị thì quan Kinh lược Hà Nội cho mượn tạm nha môn của mình để trưng bày.

Nhân dịp này người Pháp đã đưa pho tượng Thần Tự do soi sáng thế giới sang trưng bày. Đây là một pho tượng do nhà điêu khắc danh tiếng của Pháp là Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904) sáng tác, hình tượng một người phụ nữ đứng thẳng mặc áo choàng dài tay giơ cao bó đuốc, tất cả được đúc bằng đồng.
Tượng hoàn thành năm 1884, được chính phủ Pháp tặng cho chính phủ Mỹ, và ngày 28/10/1886 lễ khánh thành tượng được tổ chức ở lối vào cảng New York, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ, trở thành một biểu tượng tự do của nước Mỹ.

Trước khi tượng được bàn giao cho người Mỹ, thì một mô hình thu nhỏ đã được dựng trên một hòn đảo nhỏ giữa sông Seine ở Paris để mọi người chiêm ngưỡng.

Còn pho tượng gửi sang Hà Nội chỉ là mô hình thu nhỏ một phần mười sáu tác phẩm khổng lồ của Bartholdi, được đặt giữa một khoảnh trồng toàn hoa hồng và cỏ thơm trong triển lãm.

Nếu chiều cao của tượng chính là 33,86m tính từ bàn chân lên đến đầu, thì tượng thu nhỏ cũng chỉ cao hơn 2,10m (không kể cánh tay vươn cao hơn). 
g
Nếu chiều cao của tượng chính là 33,86m tính từ bàn chân lên đến đầu, thì tượng thu nhỏ cũng chỉ cao hơn 2,10m (không kể cánh tay vươn cao hơn).

Triển lãm kết thúc, người ta phải đưa tượng đi chỗ khác, vì khu đất trường thi vẫn phải dành cho việc thi cử bốn năm diễn ra một lần.

Nhân dịp khánh thành nhà Bắc kỳ tương tế (Fraternité Tonkinoise) tại phố Mã Mây (mà hồi đó người Pháp gọi là phố Cờ Đen), người ta đã mượn tượng thần Tự do về đây để đặt trên một cái bệ ở ngay sau bàn chủ tọa, nổi bật lên trên nền tấm thảm mang màu cờ tam tài nước Pháp.

Cuối cùng người ta quyết định trao pho tượng đó cho Hà Nội, và được đưa về đặt tại quảng trường Bốn tòa nhà.

Gọi là quảng trường Bốn tòa nhà vì đây là một vườn hoa mới làm, nằm giữa bốn tòa nhà vốn là những trại lính xây bằng gạch, được sử dụng làm tòa Thị chính, Kho bạc, nhà Bưu điện và phủ Thống sứ (sau nhiều lần đổi tên, nay được gọi là công viên Lý Thái Tổ, số phận của công viên này cũng long đong cùng với những pho tượng được dựng ở đó).

Nên nhớ là buổi đầu chiếm đóng của người Pháp ở Hà Nội vào năm 1884, tất cả chùa chiền quanh Hồ Gươm đều được phân cho quân đội làm nơi đóng quân và đóng các cơ quan của quân đội.

Nhưng đến năm 1890, sau khi Tổng trú sứ* Paul Bert qua đời trong nhiệm kỳ ở Hà Nội, người ta chủ trương dựng một pho tượng đồng để kỷ niệm vị Tổng trú sứ đã có nhiều công tích đối với thuộc địa Đông Dương. Hội đồng thành phố Hà Nội quyết định sẽ đặt tượng tại vườn hoa trung tâm thành phố nằm giữa bốn tòa nhà nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đặt cho nó tên gọi mới là vườn hoa Paul Bert. Tưởng được yên vị tại đó, tác phẩm của Bartholdi lại phải dời đi nơi khác, dành chỗ cho pho tượng mới.


Ngày 11/7/1890, đã diễn ra lễ hội lớn khánh thành tượng Paul Bert dưới sự chủ tọa của toàn quyền Piquet. Pho tượng được dựng ngay tại nơi đặt phiên bản thu nhỏ của thần Tự do.

Người ta hạ bức tượng đồng của Bartholdi xuống khỏi bệ, và trong khi chờ đợi chiếc bệ bằng đá hoa cương núi Vosges dành cho tượng Paul Bert, cả hai pho tượng được đặt tạm bên nhau trên hai nền đất đắp cao.

Lễ khánh thành đã diễn ra với sự có mặt của con gái người quá cố và chồng bà ta, ông Klobukowski, công sứ Pháp ở Yokohama, nguyên chánh văn phòng của toàn quyền Paul Bert, sau này trở lại làm Toàn quyền Đông Dương năm 1908.

Từ đấy vườn hoa được người Việt gọi là Vườn hoa Bôn Be, nhưng để cho tiện nhiều người vẫn gọi đó là Vườn hoa Nhà kèn, vì ở đấy có dựng lên một nhà bát giác để hàng tuần đội kèn đồng của nhạc binh Pháp ra biểu diễn.

Vấn đề bây giờ là phải tìm một chỗ mới để đặt tượng thần Tự do, việc này được đưa ra bàn nhiều lần ở Hội đồng thị chính. Một ông ủy viên Hội đồng đề xuất nên đặt pho tượng đồng tại quảng trường Cocotier, tức quảng trường Cây Dừa, sau được đổi thành quảng trường Négrier (nay là quảng trường Đông Kinh nghĩa thục). Nhưng một ông ủy viên khác, ông Daurelle gợi ý nên đưa thần Tự do lên nóc chiếc tháp giữa Hồ Gươm, gọi là Quy Sơn Tháp hay Tháp Rùa. Người ta đổ khuôn tượng một người đàn ông đặt thử lên nóc tháp xem nó ra sao.

Chủ  trương này đã được báo chí thời đó lên tiếng chế giễu ầm ĩ. Báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ), lúc bấy giờ mang tinh thần chống tôn giáo, viết: “Thần Tự do đứng trên nóc chùa, đó là ánh sáng chiến thắng sự ngu dân. Và cớ sao ta không đặt ông tượng Phật lớn tướng của chùa Quán Thánh lên nóc Nhà Thờ Lớn nhỉ?”

Cũng trên tờ báo đó người ta đặt câu hỏi: “Vậy thì tượng đặt trên Tháp Rùa sẽ quay lưng về đâu? Vào Nhà Chung hay vào Nhà Ngân hàng, vào tòa Thị chính? Và liệu quyết định ấy có gây nên sự động lòng tự ái cho vô số người không?”


Cuối cùng, khi tượng đã yên vị trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về hướng vườn hoa Paul Bert, báo L’Indépendance Tonkinoise (Nền độc lập của Bắc kỳ) gọi đó là một chuyện nhố nhăng và viết rằng: “Người đi bảo hộ và người được bảo hộ ôm hôn nhau ngay cả trong dựng tượng” và dí dỏm nói thêm “tượng đặt lên tháp rồi, vậy ta sẽ đặt cái gì lên tượng đây?”.
Và ông Albert Cezard đã trả lời câu hỏi đó: “Đậu lên tượng chính là những con quạ và chim bói cá mỗi ngày một hiếm với sự tổng vệ sinh hồ ngày một tốt.”

Cuối cùng, trước phản ứng của công luận (tất nhiên là của người Pháp), người ta phải di dời tượng thần Tự do về quảng trường Neyret, tức Vườn hoa Cửa Nam.

Và cũng từ đấy người Việt Nam có thêm một tên gọi mới, gọi Vườn hoa Cửa Nam thành Vườn hoa Bà Đầm xòe, vì không ai biết ý nghĩa của pho tượng đó (sau này được gọi là Vườn hoa Bách Việt).

Trên báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ) số ra tháng 6/1893 có bài viết nói rằng tượng thần Tự do dưới con mắt người Âu có vẻ như mặc áo ngủ, còn dưới con mắt người An Nam thì như mặc áo tang, vì bị phân chim phủ đầy một lớp dày. Rồi bài báo kiến nghị cần phải làm vệ sinh cho tượng trước ngày Quốc khánh của Pháp 14/7 năm đó.

Nhưng số phận của nó cũng không được dài lâu, vì đến năm 1945 nó đã bị hạ bệ cùng với những biểu tượng khác của nước Pháp thực dân, và ngay đến vườn hoa Cửa Nam đến nay cũng không biết có ai còn nhớ không?

Còn pho tượng Paul Bert cũng không hơn gì. Khi diễn ra lễ khánh thành, báo chí không nói gì, vì không muốn chê bai một công trình mang ý nghĩa cao cả của Đại Pháp trước mặt đông đảo khách dự là người bản xứ bị đô hộ. Làm vậy chẳng khác gì vạch áo cho người xem lưng. Các nhà báo chỉ mô tả pho tượng đồng của Lenoir và dáng đứng có tính tượng trưng gán cho Paul Bert.

Nhưng vài năm sau, báo Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) đã không ngần ngại mà nói thẳng ra rằng: “Đây là một pho tượng xấu kinh hồn! Khó có thể mường tượng được cái gì nhạt nhẽo hơn công trình phản thẩm mỹ này, nó nghèo nàn về cảm hứng sáng tác và bôi bác về thi công”.

Cuốn sách Ba mươi năm ở Bắc kỳ còn viết: “Một ông Bôn Be cao lớn bằng đồng mặc áo đuôi tôm cổ điển giơ tay phải lên trên đầu một người An Nam đang co mình lại bé tí, bé tí [...]. Anh ta sợ chăng, hay thấy tự hào được là người Pháp? Hãy để cho mọi người bình luận”.

Hóa ra những cái gì dựng lên ở vườn hoa này ở thời nào cũng nhận được những phản ứng gay gắt của báo chí. Điều đó cho thấy công chúng Tây cũng như ta sau này, đều muốn có một cái gì thật đẹp ở trung tâm thành phố! Rồi số phận của tượng Paul Bert cũng không khác gì Bà Đầm xòe. Sau đảo chính của Nhật tháng 3/1945, tượng Paul Bert cũng bị hạ bệ và đưa vào kho của Sở Giao thông công chính thành phố?

Đào Hùng  (Theo tài liệu của Claude Bourin, Bắc kỳ xưa, 1935, 1941/Tạp chí Xưa và Nay)

* Sau khi chinh phục xong Bắc kỳ và Trung kỳ, Pháp đặt hai miền đất này thành hai xứ bảo hộ, trong khi Nam kỳ đã trở thành thuộc địa từ lâu. Đứng đầu hai xứ Bắc và Trung kỳ, Pháp đặt một quan cai trị gọi là Résident Général, chúng tôi dịch là Tổng trú sứ. Như vậy Tổng trú sứ chỉ là đại diện chính phủ Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ.

Năm 1886, Paul Bert được cử sang làm Tổng trú sứ, và đến năm 1897 ông chủ trương thành lập Liên bang Đông Dương, gồm có thuộc địa Nam kỳ, ba xứ bảo hộ là Bắc kỳ, Trung kỳ và Cao Miên. Năm 1899 mới nhập thêm Lào và năm 1900 thì có thêm vùng đất Quảng Châu Loan ở Trung Quốc. Từ đây mới có chức Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général).
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1984/201005/So-phan-long-dong-cua-Ba-Dam-Xoe-o-Ha-Noi-1752537/

Một số ảnh minh họa  Chi mới thêm vào.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Một cuộc thi người đẹp ở Việt Nam đầu thế kỷ XX


( Dưới đây là một bài tường thuật về cuộc thi hoa hâu tại chợ Phiên Nam Định của báo Đông Pháp tháng 6/1936)
Đăng bài này vì hôm nay là sinh nhật con gái út và cũng là ngày chung kết cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2010
Quang cảnh cuộc thi


 Lần thứ nhất thành Nam có cuộc thi sắc đẹp nên bà con rất chú ý. Với cái giá hai hào một vé vào cửa, người ta đã có thể thu được ngót 150p, tính ra có tới 700 người vào xem. Cuộc thi này rất vui vẻ, có quan Đốc lý Lebel, quan năm Noel và quan Thiếu Trần Văn Thông chứng kiến. Đúng bốn giờ 15 ban giám thị có ba bác sĩ Rongier, Quenardel, Coste, 2 bà Pháp, 3 bà Nam và hai ông Phạm Xuân Độ, Ngô Ngọc Kha. Bắt đầu mở cuộc, hai ông trong ban tổ chức: một ông xướng danh, một ông dẫn từng cô lên và sang qua chiếc cầu bằng gỗ đặt ở giữa sân. Các cô đi đến giữa cầu đều dừng gót sen để các quan cho điểm số và dân chúng ngoạn thưởng. Cuộc thi sắc chia làm ba phần: Phần thứ nhất cho các đóa hoa quê, hai phần sau cho các nữ học sinh và thiếu nữ thành phố. Các cô gái quê do các phủ huyện cử lên, tuy nâu sồng mộc mạc, nhưng nhiều cô có vẻ đẹp thiên nhiên thơ ngây, đẹp một cách mặn mà khiến cho những người quen trông kiểu tân thời cũng phải khen ngợi. Các cô nữ học sinh nhiều cô còn ít tuổi nhưng cách ăn vận gọn gàng, trông vẻ người lanh lợi và vui tươi. Trong bọn có hai cô Phùng thị Bê và Phùng thị Ngân được công chúng để ý hơn cả. Cuộc thi cho các thiếu nữ thành phố đặt cuối cùng khiến nhiều người nóng ruột. Nghe tiếng gọi tên đã thấy tiếng vỗ tay đôm đốp. Các đóa hoa thành thị, người trông đã diễm lệ, lại thêm những y phục mới và cách trang điểm tối tân làm cho lắm bông tươi thắm rất ưa nhìn. Nhiều người tưởng đấy toàn là hoa khôi chung cho cả phố Vỵ, nhưng thực ra các cô dự thi đây đều ở phố Đào hoa. Suốt cuộc thi này hoa giấy ném như mưa, tiếng vỗ tay luôn không ngớt. Kết quả cuộc thi ba cô gái quê Trần Thị Vinh ( hạt Mỹ Lộc), Vũ Thị Vân ( hạt Trực Ninh), Trần thị Quý ( hạt Mỹ Lộc), bốn cô nữ học sinh Ngô Thị Liêm, Phùng thị Bê, Lê Thị Phúc và Nguyễn Thị Kim và 3 cô gái tỉnh: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Hồ và Nguyễn Thị Oanh được trúng cách. Những cô gái này đều được quan Đốc lý trao thưởng. Còn các cô khác không trúng tuyển mỗi người cũng được một phần quà biếu khuyến khích. Phần thưởng và quà biếu đều là những đồ dùng trang sức như phấn, sáp, gương, lược, khăn mùi xoa v.v.
 Người đoạt giải nhất cuộc thi

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...