Bi- Tản mạn về đàn ông
Lê Cự Linh
Hôm nay tôi phải viết về đàn ông, nhất định là viết về đàn ông. Tại sao? Không phải vì tôi đã từng viết, có những nhận xét đặc biệt gì về đàn bà mà nay phải chuyển qua đàn ông. Mà có lẽ là do cả tuần vừa rồi tôi có nhiều việc bận rộn, phần nhiều vì có liên quan tới những việc của một số người đàn ông, và điều đó khiến cho tôi thấy mệt rã rời, nhưng không thể không nghĩ về cuộc đời người đàn ông được.
Tôi viết về đàn ông, nhưng phải bắt đầu như thế nào đây? Cho phù hợp với một nửa của thế giới này, có cả tôi trong đó? Và thật vô cùng thuận tiện – tôi vừa xem xong một bộ phim mang cái tên “Bi ơi đừng sợ” trong đó là một tuyến các nhân vật “đàn ông” Việt Nam, từ nhân vật tạm gọi là chính – cậu bé Bi, cho tới bố cậu, ông cậu, và một vài người đàn ông khác lãng đãng xuất hiện trong cả bộ phim. Tôi không quan tâm lắm tới việc bộ phim có kẻ khen người chê, tôi chỉ viết ra những gì mình cảm nhận, ngẫm nghĩ…
1. Chua xót cho người đàn bà, và cảm thông với họ
Quái lạ, đã bảo sẽ viết về đàn ông cơ mà? Sao lại quay về đàn bà thế này? Vâng, tôi không sao rũ bỏ khỏi đầu cái ấn tượng đầu tiên về bộ phim này, đó chính là về cuộc sống của những người đàn bà trong phim. Hãy xem trong phim những người đàn bà đang sống như thế nào? Một người vợ khá đẹp, đằm thắm, có lẽ đang ở độ tuổi 30-40, độ tuổi chín vào bậc nhất của đời người phụ nữ. Vậy mà cô sống ra sao? Hay cứ đến bữa là vác máy ra gọi vào di động của chồng, xem anh đang ở đâu, liệu có thể đừng về nhà quá muộn không? Khi ông bố chồng ốm nặng, chính cô là người nâng giấc ông từng li từng tí một, không hề có một lời phàn này, thậm chứ một tiếng thở dài chán nản hay sự khinh rẻ ông cũng không hề bật ra… Có đêm, nhu cầu của người đàn bà trỗi dậy, cô chạm vào người chồng không phải chỉ một lần, không phải chỉ e dè khẽ khàng, vậy mà cô nhận được cái gì? Bao lo toan hàng ngày của người phụ nữ, cô không hề được chồng chia sẻ lấy một chút đỉnh…
Người em chồng của người phụ nữ lại là một nhân vật nữ khác. Cô gái hơi “quá lứa nhỡ thì” đó có thể có một tấm chồng xứng đáng chứ? Chắc là thế. Cô không xấu tẹo nào, nếu không nói là xinh là đằng khác. Cô nhẹ nhàng và đúng mực (như nhiều cô giáo). Vậy mà cô đang được gì trên đời? một người đàn ông được mai mối cho cô, trông qua diện mạo và tính cách thì có thể đoán được là anh ta thế nào. Và những khát vọng rất con người, rất thầm kín của cô gái được giải tỏa bằng cách nào đây? Những dồn nén sâu kín trong con người cô đâu chỉ đơn giản là chỉ dùng vài viên nước đá vào giữa đêm là hạ hỏa được? khát vọng của cô đâu chỉ đơn giản là thể xác, vậy nhưng có lẽ chưa có lối thoát cho cô, kể cả cho tới cuối phim, khi có vẻ như cô sắp cưới cái người đàn ông cục mịch đó…
Người phụ nữ thứ ba – người nữ nhiều tuổi nhất trong phim cũng không hề nói nhiều, bà diễn qua ánh mắt, và nhất là giọng nói. Nhưng hãy nghe bà tưng tửng nói về việc có từng làm gì đi nữa thì người đàn ông đó (ông nội của bé Bi) cũng bỏ đi khỏi nhà, có khi đi cả chục năm không về và “chả ai biết ông ấy đi đâu, làm gì cả” (?!) – chúng ta lại thấy một cái bóng nữa, hy sinh, và nhẫn nhục…
Hãy nhìn người phụ nữ cuối cùng cũng có xuất hiện trong phim ít phút – cô thợ gội đầu, có thể nói là cô bồ nhí của ông bố của bé Bi. Căn nhà cô sống và tiếp khách gội đầu có thể nhìn thấy một chút sinh khí, một chút bầu trời không?
Vậy nên, đã giao hẹn là viết về đàn ông, nhưng không sao bỏ được cái nhìn đầu tiên là tác giả đã cho chúng ta thấy một loạt những người đàn bà đương thời… Và hãy nghĩ kỹ, phải chăng những người phụ nữ quanh ta cũng có ít nhiều trải qua những chịu đựng mà họ phải chịu? ai không từng thở dài khi chồng quá chén về say bí tỉ, nằm vật ra giường? ai không từng nấu nướng tưng bừng để rồi chồng chẳng đoái hoài gì đến?
2. Đàn ông: từ đứa trẻ vô tư lự đến ông cụ đầy uẩn khúc
Bi – nhân vật trung tâm của bộ phim có khá nhiều nét của một cậu bé điển hình như bao cậu bé khác, như cả chính tôi theo một nghĩa nào đó… Cậu nghịch ngợm chạy khắp nơi, cậu giấu những chiếc lá, quả táo vào những chỗ hóc hiểm, cậu thậm chí cho quả táo vào tảng nước đá… Như tác giả cố ý ẩn dụ - hành trình từ Bi cho tới ông bố và người ông của cậu tượng trưng cho sự lớn lên, sự trưởng thành, vòng đời của một người đàn ông, của tất cả đàn ông. Ở Bi chúng ta thấy sự trong sáng, thấy sự khao khát tìm hiểu thế giới, thấy những nét hồn nhiên. Bất giác tôi nhận ra tôi đã thấy lại những ký ức thời xa xưa qua Bi. Chính tôi từng nô đùa với các bạn cùng lứa với khẩu súng ống bơ kêu leng keng, giấu những thứ “bí mật” vào các hốc cây, bờ tường. Chính tôi cũng từng có “kho tàng bí mật” chứa những thứ chỉ mình tôi biết trong những nơi hóc hiểm nhất của khu nhà xây cất từ thời Pháp thuộc của bà ngoại, để đến khi tôi đã lớn đùng, hơn hai chục tuổi mới chợt nhớ ra, vội vàng phóng đến đó để “khai quật” và chuyển nó đi vừa kịp trước khi bà tôi bán nhà – hú vía là các món đồ (có giá trị kha khá chứ chẳng chơi) không suy suyển gì.
Vậy ông bố của Bi thì sao? Tính từ đầu tiên mà tôi nghĩ tới để mô tả anh ta là “bệ rạc”. Anh ta chưa bao giờ tỏ ra một chút thương cảm và trách nhiệm với bất kỳ ai thân thuộc. Trong cả bộ phim anh ta không chạm vào người cô vợ với một vẻ yêu thương bao giờ, dù chỉ là một cái vuốt tóc, hay nắm tay. Trong cả bộ phim anh ta gần như chưa nói một lời nào với ông bố nằm đờ đẫn vì căn bệnh giai đoạn cuối. Anh chưa hề có một câu âu yếm với con, hay tỏ ra chăm sóc Bi. Ngay cả với cô bồ nhí, tôi cũng không thấy sự nhiệt thành nơi anh. Một nỗi chán chường dường như tẩm đẫm con người này. Không chính kiến rõ ràng, không tương lai sáng sủa, không trách nhiệm, không tình thương. Các cảnh quay nhắc đi nhắc lại anh chủ yếu bên hè phố - nơi một quán bia hơi vỉa hè ồn ào, nóng bức… Những giọt mồ hôi nhễ nhại, những cái nhìn thờ ơ, thuốc lá phun khói từng vòng từng vòng… Cử chỉ nhiệt tình duy nhất ta được chứng kiến – thật trớ trêu - lại là sau khi định âu yếm cô bô nhí nhưng không được, anh ta mò về nhà, và lần này không phải đợi vợ gợi ý, anh lao vào vợ hùng hục. Bối cảnh này của bộ phim cũng rất “con người” theo nghĩa bản năng đàn ông không được thỏa mãn ở nơi người đàn bà này thì nhanh chóng chuyển qua một “lựa chọn thứ hai”. Chỉ có điều, người vợ mà anh không bao giờ chia sẻ gì lại là lựa chọn thứ hai, chẳng qua là khi cô bồ - bí mật bé nhỏ của riêng anh (tựa như quả táo mà bé Bi ngầm giấu trong két nước đá) cự tuyệt anh mà thôi. Xem cảnh hai vợ chồng đó trong đêm, tôi nghĩ thật là đúng khi người văn minh phân biệt rất rõ “making love” và “having sex”. Chua xót không? Và là chua xót cho ai? Có thể có người sẽ thương cảm người vợ. Cô phải chịu sự “lãnh cảm” từ phía anh chồng đã khá lâu, nay “ruộng hạn gặp mưa rào” thì lại chẳng qua là do anh ta không thể làm cái việc bản năng đó với bồ, mới bò về nhà với vợ? Có thể sẽ có người nghĩ, khi không còn tình yêu nữa thì cái họ làm với nhau chỉ đơn thuần là “bản năng” là giải tỏa thể xác? Tôi thì trộm nghĩ, có lẽ người đàn ông đó mới là đáng xót xa. Nghe hơi kỳ, cô vợ bị chồng ruồng rẫy và chính anh ta ngoại tình cơ mà? Nhưng phải nghĩ cho kỹ thì mới thấy, cô ta không mất gì cả, ngoài một chút thời gian và tiền bạc và chồng chi ra cho cô bồ. Cô ta có lẽ đã mất tình yêu với chồng từ lâu lắm rồi. Không gì thay đổi được. Còn lại, cô ta vẫn có phẩm giá, có sự trong sạch. Trong khi, anh chồng đó, có lẽ đã mất định hướng cuộc đời, mất cả sự nhiệt tình với cuộc sống, hay có lẽ, anh ta cả đời cứ lang thang đi tìm một điều gì đó?
Anh ta vẫn như đang tìm cách khẳng định cái “tôi” đàn ông của mình mà dường như hành trình đó quá vô vọng, không có đích đến. Có thể thấy rõ ẩn ý đó của tác giả khi cho anh ta đứng trong khuôn hình trên khu nhà cao tầng cũ kỹ, vóc dáng anh ta lọt thỏm nơi khung cửa to hình chữ nhật, tối và rêu phong, mắt nhìn ra xa mà chưa thấy điểm chạm. Trong khi đó, xa xa phía sau khu nhà cũ kỹ đó là những cao ốc mới sáng màu đang mọc lên nhanh chóng… Khung hình này tôi chấm điểm vào loạt đẹp nhất trong cả bộ phim, nhìn rộng lượng một chút, tôi nghĩ cảnh quay đó sánh ngang được với nhiều bộ phim tên tuổi của thế giới. Nó thực quá, mà cũng ảo quá, rất đẹp về mặt nghệ thuật, nhưng cũng quá đỗi gần gũi với cái bụi bặm của cuộc sống thực. Xem cảnh đó, tôi vừa thấy bức bối, ngột ngạt, vừa thấy được nỗi thống khổ của nhân vật, tựa hồ anh đã mắc kẹt trong một thế giới cũ kỹ, đầy rẫy những ràng buộc khắt khe, đầy rẫy những điều cần phải “đập bỏ đi xây lại từ đầu” – nhưng đồng thời, anh ta cũng không sao với tới thế giới mới – đẹp đẽ hơn, hoàn hảo hơn, cách đó không bao xa… “Vô vọng” - có lẽ chỉ một từ như thế…
Người đàn ông già nhất trong tuyến nhân vật – ông của Bi – thì có quá nhiều ẩn ức. Chúng ta có thể nói được gì về ông? Ngoài một nỗi đau thể xác hành hạ từng ngày từng giờ, ngoài một tương lai kết cục đã nắm chắc? Còn quá khứ của ông? Đi đâu đó cả đời, không một lời với vợ con? Nghe kỳ cục, nhưng tôi thấy chẳng xa lạ gì cả. Trên đời này chắc chắn có vố số những người đàn ông như thế. Dẫu không đến mức đi đâu làm gì không ai biết. Nhưng chẳng qua, chúng ta phải hiểu rằng đây chỉ như một phép ẩn dụ của phim, rằng thực chất khắc họa những người đàn ông sống mà như chưa hề tồn tại bên người thân? Họ có thực ngoài đời không? Tôi đoan chắc là có. Và chỉ nhìn vào phim chúng ta cũng thừa đủ để suy diễn, rằng ông bố của bé Bi ở tuổi đó đã chán vợ con đến mức đi bia hơi suốt chiều tối, thì không khó hiểu gì, nếu sẽ đến lúc anh ta như chính ông bố đẻ - bỏ đi mất tăm luôn. Một lần nữa, kiểu đàn ông vô trách nhiệm lại được khắc họa ở người ông. Tuy vậy, dường như chính ông đang phải trả giá cho sự vô trách nhiệm đó, bằng nỗi đau cuối đời hành hạ hàng ngày…
Tuổi vị thành niên của đàn ông được khắc họa thoáng qua trong hình hài của nhân vật nam sinh trong bộ phim. Cậu đẹp đẽ, vô tư lự, không đến mức như bé Bi, nhưng vẫn còn đầy vô tư trong sáng nếu đem so với bố của Bi. Nhưng dường như, vẻ đẹp thanh xuân của cậu tạo ra cảm giác lo âu nữa. Bộ phim này tạo cảm giác ngay cả vẻ nam nhi của chàng trai dường như cũng rất mong manh, và sẽ sớm phải đối mặt với thế giới bụi bặm đang đón đợi cậu.
Điều thú vị, là sự xuất hiện của một tuyến những nhân vật nam như thế, không chỉ tạo ra suy nghĩ về vòng đời của người đàn ông – quá khứ tuổi thơ, tuổi trẻ, hiện tại - trung niên, tương lai – về già; mà còn tạo ra sự so sánh thế hệ ít nhiều với hàm ý nhân quả. Sẽ không sai nếu suy diễn rằng quá khứ của người ông tạo ra người ông ngày hôm nay, và nó trực tiếp hay gián tiếp để hậu quả lên con trai ông. Sống trong một gia đình mà người cha thường xuyên không có mặt, bỏ bê nghĩa vụ làm cha, nhiều quá khứ không bằng phẳng, liệu anh con trai có lớn lên được thành một người khá hơn không? Hay anh ta sẽ lại đi theo con đường đó, và dần dần lạnh lùng với gia đình, với xã hội? Ta như nhìn thấy mối tương quan đó hiển hiện khi đặt ông của Bi với bố của Bi. Vậy ta có đủ lý do để lo sợ cho Bi chưa? – phải chăng vì thế các nhà làm phim gọi bộ phim này là “Bi ơi đừng sợ” ?
Nếu như tuyến nhân vật nữ như đã nói trên cho chúng ta thấy nghị lực sống, sự chịu đựng và thương cảm, thì dường như tuyến nhân vật nam tạo ra một cảm giác vừa đáng thương vừa đáng giận? Rõ ràng có những thứ đã xô đẩy người đàn ông trong xã hội hiện đại nên nông nỗi đáng chán như thế ? Tại sao họ lại bế tắc đến thế? Phải chăng khung hình bên các toà nhà cao tầng đã nói lên tất cả? Họ đang bị mắc kẹt, kẹt trong các định chế xã hội, kẹt trong những khát vọng và ẩn ức của chính họ, hay còn vì điều gì khác? Đương nhiên, không ai mong muốn tất cả, hay thậm chí là phần đông đàn ông Việt Nam chúng ta sẽ như họ, nhưng ai đảm bảo là sẽ không theo những hành trình cuộc đời như thế?
3. Một bức tranh đời sống thực như nó vốn thế
Một ấn tượng rõ rệt đối với tôi là các nhà làm phim đã thành công trong việc khắc họa câu chuyện sống động và gần gũi. Phim là tổng thể của nhiều nỗ lực nghệ thuật đặc biệt đáng trân trọng. Về các mảng mầu, gam mầu, phim có nhiều cảnh quay đặc sắc và tận dụng tương phản cực tốt giữa những mầu nóng như đỏ thắm, với những gam mầu lạnh thể hiện sự lạnh lùng, bẽ bàng, những gam mầu tối u uất và không rõ tương lai. Không những thế, sự tạo hình về mặt đường nét và hình khối cũng rất có nét. Những ô cửa góc cạnh, tạo sự cứng nhắc, bức bối, đóng khung cuộc đời người đàn ông. Những nồi bánh trôi bánh chay, đĩa bánh bột trắng ngần, tròn trặn, như đối lập với sự vuông thô kể trên, với những ngón tay phụ nữ rắc bột mịn lên đĩa bánh, đẹp một cách giản dị. Những hình khối cầu lặp đi lặp lại – khi các quả táo đỏ rộm lăn ra trên sàn, hoặc khi đứa trẻ thổi những bong bóng xà phòng. Những cột đá nhấp nhô nơi bãi sông, rồi những bụi lau sậy, các ô cửa sổ được nhắc đi nhắc lại – có thể là một trong vô số khu nhà rất phổ biến ở thành phố, v.v. tất cả được sắp đặt tạo những hiệu ứng bổ trợ rất đáng chú ý cho người xem. Không những thế, cảm giác về nhiệt độ cũng rất rõ, và tương phản, khi người xem thường xuyên nhìn thấy những viên đá, những cây nước đá mát / lạnh đến bốc hơi, bên cạnh những hình ảnh con người nóng nực, nhễ nhaị mồ hôi...
Tôi cũng rất thích cách xử lý âm thanh trong phim này. Âm thanh gợi ấn tượng của một đời sống đô thị ồn ào, pha tạp nhiều thứ. Những tiếng ồn trên vỉa hè, thông tục, những tiếng lanh canh của xe cộ, tiếng mưa, rồi tiếng hàm răng người đàn ông nhai miếng táo lạo rạo trong miệng,v.v. tất cả đều rất thực, y như là cuộc sống của chúng ta, không hoàn hảo, không tĩnh lặng và đầy pha tạp của nhiều yếu tố.
Đặc biệt, tính chân thực của những thước phim này còn thể hiện qua các cảnh quay sinh hoạt hết sức chân thực, các nhân vật có những động tác, cử chỉ tựa hồ như họ đang không diễn, mà chính là họ sống như người bà, người mẹ, người chị, người cha của chúng ta. Nếu ai là đàn ông, khi xem đến đoạn cậu thanh niên lẻn vào bụi cây trên bãi ven sông để đi tè, hẳn sẽ không khỏi bật cười vì những động tác hết sức đời thường, hết sức “đàn ông” của nhân vật. Và nữa, cách chọn ngoại hình và thân phận của nhân vật cũng tương đối phù hợp. Nhân vật Bi khá tiêu biểu cho trẻ em lứa tuổi đó. Trừ cô của Bi là giáo viên thì đã rõ, nhân vật mẹ Bi không thật rõ là làm nghề nghiệp gì. Còn nhân vật bố Bi có vẻ như làm trong ngành xây dựng gì đó, nhưng cũng không chắc chắn. Anh ta không đẹp trai như các nam siêu mẫu chuyển qua đóng phim, nhưng chính điều đó làm tôi thấy thích. Bởi những người đàn ông như thế chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày ở tất cả các quán bia hơi vỉa hè, trong nhiều công sở, nhiều công trình đang thi công,v.v. Anh ta, cũng như vợ anh ta, bố anh ta, có thể là bất kỳ người nào trong số chúng ta, dường như ta có thể thấy những khuôn mặt đó ngay khi ra phố, nhìn xung quanh mình.
Xem xong bộ phim về đàn ông đó, tôi thấy đọng lại cả hình ảnh đàn ông và đàn bà, và cả đời sống chung của họ. Đương nhiên, bộ phim cũng còn có vài hạt sạn, nhưng tôi thiết nghĩ, đến phim đỉnh cao của Holywood còn thỉnh thoảng sạn to sạn nhỏ, làm sao tránh khỏi được. Và tôi tò mò lên mạng đọc về đạo diễn Phan Đăng Di, thú vị nhận ra anh có vẻ cùng một trường phái và làm việc chung với anh Bùi Thạc Chuyên. Không ngạc nhiên là các anh cùng nhau sáng tạo, bởi phong cách của các anh có thể nhận thấy rõ, và quả là các anh đều đã tạo ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị trong cái thời buổi đang nhá nhem tranh tối tranh sáng của điện ảnh nước nhà. Tôi bất giác nhớ lại có lần từng gặp anh Chuyên trong một buổi tiếp tân của một tổ chức quốc tế tại một khách sạn ở Hà Nội khi cả hai chúng tôi cùng được mời. Trong đám đông rất nhiều người làm về những lĩnh vực xã hội, văn hóa và giáo dục, tôi nhận ra anh và nói chuyện với anh ngắn gọn. Còn nhớ, tôi đã khen phim “Sống trong sợ hãi” của anh và nói rằng tôi đánh giá phim đó – cũng làm về đề tài người lính sau chiến tranh – nhưng còn hay hơn phim “Đời cát” khá đình đám lúc bấy giờ. Lúc đó, anh Chuyên đã cười mãn nguyện, vẻ cảm kích của người nghệ sĩ được người xem đón nhận và đánh giá cao đứa con tinh thần của mình, rồi anh nói thêm về những dự án làm phim sắp tới của mình. Chắc tôi cũng sẽ phải tìm dịp nào đó gặp anh Di trực tiếp để nói với anh những gì tôi nghĩ về “Bi – đừng sợ”.
nỗi sợ của Bi – hay là nỗi lo của ai khác?
Vậy “Bi ơi đừng sợ” liệu có làm cho chúng ta “xem xong càng sợ” không? Riêng tôi cho rằng, phim không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật khắc họa các giai đoạn vòng đời của người đàn ông, cách đàn ông lớn lên, trăn trở đi tìm chính mình, khẳng định giá trị đàn ông của mình một cách đơn thuần. Có thể tôi mắc bệnh hay suy diễn, nhưng tôi thấy ngổn ngang một xã hội, một môi trường sống khá khắc nghiệt cho cả đàn ông và đàn bà Việt Nam đương đại. Lẽ dĩ nhiên, không thể khái quát hóa những nhân vật nam này cho tất cả đàn ông Việt Nam hiện nay. Không phải anh nào cũng chê vợ rồi đi ra ngoài bia hơi tùm lum, chả đoái hoài gì đến người thân. Nhưng tôi cứ thấy băn khoăn cho tương lai của tất cả bọn họ. Như thể có một niềm chán chường, nỗi bất mãn nào đó đang lan sâu, gặm nhấm họ vậy. Và đàn bà cũng đang chịu đựng tất cả những nỗi niềm đó, nhưng thậm chí còn đang bị dồn nén thành những tiết chế cảm xúc và bản năng sâu kín hơn. Đâu là câu trả lời cho những số phận đó? Tôi không nhìn thấy rõ ràng. Nhưng dường như hy vọng mong manh nhất lại đặt chính vào bé Bi. Mong sao thế hệ tương lai tránh được những vết xe đổ của người đi trước, và tạo dựng được một xã hội mới?
========
[ mở ngoặc :
các khung hình ở trên chỉ nhằm minh họa cho bài viết, được tôi trích từ phim “Bi, đừng sợ” bằng cách chụp kết xuất màn hình trên máy tính, bản quyền hoàn toàn thuộc về những nhà làm phim. Bộ phim có thể tải xuống từ trang:
"Bi đừng sợ" là một trong những bộ phim hiếm hoi của VN đạt được những tiêu chuẩn cần thiết để gọi là một tác phẩm nghệ thuật đích thực!
Trả lờiXóaUhm, phim này hay, nhưng lại có nhiều người chê . Nhưng dù sao, cái này cũng là 1 tác phẩm nghệ thuật chân chính
Trả lờiXóaKeywords: dong co dien xoay chieu khong dong bo 3 pha