Chuyện của Chi
Hôm nay là tròn 2 năm, ngày tôi bắt đầu chuyến Đông du của mình, viết lại bài này như một cách lưu giữ ký ức cũng là chia sẻ với các bạn cảm nhận của tôi về Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hôm nay là tròn 2 năm, ngày tôi bắt đầu chuyến Đông du của mình, viết lại bài này như một cách lưu giữ ký ức cũng là chia sẻ với các bạn cảm nhận của tôi về Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tôi đến Osaka Nhật Bản để tham dự một cuộc Hội thảo trong khuôn khổ của Đại hội lần thứ nhất " Hiệp hội châu Á các nhà sử học thế giới ".("First Congress: Asian Association of World Historians (AAWH) từ ngày 29/5-31/5/2009.
Xem thông tin về Hội thảo ở đây : http://hsozkult.geschichte.hu-berlin.de/tagungsberichte/id=2657
Xem thông tin về Hội thảo ở đây : http://hsozkult.geschichte.hu-berlin.de/tagungsberichte/id=2657
Đoàn Việt Nam tham gia Hội thảo có 3 người: PGS.TS Nguyễn Văn Kim hiện là Hiệu phó Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, lúc đó đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Inha Hàn Quốc em Đỗ Trường Giang, cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, hiện đang là NCS tại Đại học quốc gia Singapor và tôi.
Ghé qua Hàn Quốc
Kế hoạch ban đầu của tôi là bay sang Hàn Quốc vào ngày 23/5. Từ 24/5 đến 28/5 tôi sẽ thăm Hàn Quốc và dành một ngày về khảo sát mối quan hệ dòng tộc ở Hàn Quốc và tìm hiểu về vai trò của phụ nữ ở Hàn Quốc tại 1 làng Hàn Quốc- quê hương của GS Choi Byung Wook. Nhưng đại dịch cúm heo bùng phát, vùng Kansai Nhật Bản là vùng có nhiều người bị Cúm, các em học sinh khu vực này đã phải nghỉ học ở nhà 1 tuần. Vì vậy, Ban tổ chức Hội thảo đã họp nhiều lần để thảo luận có tiếp tục HT như kế hoạch hay hoãn lại chờ dịp khác? Vì sự cố này tôi đã phải hoãn chuyến bay sang Hàn Quốc như đã định và cuối cùng thì Ban tổ chức Hội thảo cũng quyết định HT sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Tôi đặt vé máy bay để bay sang Hàn Quốc vào đêm 25/5/2009.
Có thể nói, ngay tại sân bay Nội Bài, tôi đã có dịp để kiểm nghiệm sự khác biệt về văn hóa. Chuyến bay của tôi có một đoàn phụ nữ Hàn Quốc đi du lịch trên đường về nước. Họ ăn mặc sặc sỡ và vô cùng ồn ào.
Lên máy bay, dãy ghế của tôi có mình tôi ngồi nên có thể nằm ngủ, tuy nhiên tư thế không thoải mái, tôi cũng không ngủ được nhiều.
6 giờ sáng, máy bay hạ cánh ở sân bay Incheon, mặc dù sự kiểm soát ở sân bay khá chặt chẽ do ảnh hưởng của dịch cúm, nhưng tôi đã làm các thủ tục rất nhanh ( không biết cái hộ chiếu công vụ của tôi có vai trò gì trong việc này không?:). Ấn tượng đầu tiên là sân bay Incheon sạch vô cùng là sạch. Có thể cũng vì lúc này đang còn là sáng sớm, lưu lượng hành khách đi lại chưa nhiều. Tôi cho rằng khởi đầu của tôi trong chuyến đi này là rất may mắn, nhân viên sân bay rất thân thiện vui vẻ ( với riêng tôi?:)), và tôi làm thủ tục hải quan rất nhanh. Không biết có phải vì quá nhanh nên tôi ra ngoài sân bay và đứng chờ ở Bến xe bus của sân bay rất sớm và vì thế mà không gặp Kim hẹn đón tôi ở cổng soát vé. Người phụ trách về phương tiện giao thông ở cửa nhà ga đã cho tôi nhờ điện thoại để liên lạc với Kim một cách nhiệt tình và thân thiện. Quả thật họ để lại ấn tượng thật tốt cho tôi.
Sau đó, tôi và Kim đi xe bus để về Đại học Inha, nơi Kim đang được mời thỉnh giảng 1 năm ở vị trí Giáo sư.
Đây là thành phố Incheon. Tôi và Kim xuống xe bus ở đây để bắt tacxi về Đại học Inha
Đến nơi, sau khi nghỉ ngơi, ăn trưa do em Linh - giảng viên khoa Lịch sử ĐH KHXH&NV- đang là NCS ngành lịch sử ở Đại học Inha chuẩn bị, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Seoul.
Kế hoạch buổi chiều của chúng tôi là thăm một vài bảo tàng ở Seoul và mấy khu chợ lớn, buổi tối tôi sẽ đến thăm và nghỉ lại chỗ các bạn tôi đang làm postdoctoral ở Đại học Hankuk
Trước cửa khu vực Hoàng cung
Trước cửa khu vực Hoàng cung
Toàn cảnh khu vực Bảo tàng cung điện Hàn Quốc
Chúng tôi còn muốn thăm Bảo tàng dân tộc Hàn quốc - Là bảo tàng quốc gia duy nhất về văn hóa dân gian, trưng bày khoảng 4.000 hiện vật về đời sống văn hóa, kinh tế xã hội của dân tộc Triều Tiên, nhưng không may, chúng tôi lại đến đúng vào ngày nghỉ thứ ba hàng tuần theo thông lệ của họ. Mặc dù chúng tôi đã trình bày tôi chỉ có ngày hôm nay để thăm, xin có một ngoại lệ, nhưng họ cương quyết từ chối. Nếu là ở VN, bạn muốn thăm Bảo tàng dân tộc học, dù là ngày nghỉ của Bảo tàng, bạn hãy tìm tôi, tôi sẽ đưa bạn vào thăm !:)
Thời điểm tôi đến Seoul là thời điểm mà cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-huyn nhảy núi tự vẫn vì xấu hổ ( ngày 23/5/2009) do bị điều tra vì hành vi nhận hối lộ. Bên cạnh đó Bắc Triều Tiên cũng đe dọa tấn công Hàn Quốc nên tình hình ở Seoul thời điểm này khá căng thẳng. Tôi nhận thấy điều này không chỉ qua một dãy dài các xe chuyên dụng của cảnh sát và quân đội, đậu chung quanh bức tường thành ngoài Hoàng cung ở trung tâm Seoul một cách bất thường mà còn do đã được chứng kiến một cảnh diễn tập chống bạo loạn, trong nhà ga tầu điện.
Trên đường đi, chúng tôi cũng gặp một nhóm biểu tình đòi dân chủ, họ ngồi thành hàng rất trật tự và chốc chốc lại vung tay hô khẩu hiệu. Tôi đã chụp cảnh này, nhưng em Linh khi copy lại ảnh từ máy em sang USB cho tôi ( tôi quên máy của mình ở nhà nên dùng máy của Kim) không hiểu sao đã bỏ lại chỉ lấy hình của tôi với em Linh đứng đằng sau đang chụp ảnh những người biểu tình đó. Có thể em nghĩ tôi chỉ cần ảnh có tôi trong đó!:)) Cũng tương tự như vậy, em đã bỏ lại ảnh mà tôi rất thú vị là cảnh chụp một chiếc lều nhỏ của người sửa giày bên cạnh một tòa nhà cao chọc trời. Người sửa giày trong lúc vắng khách đang ngồi gảy ghita...
Đây là con sông chảy giữa thành phố Seoul mới được khôi phục lại. Con sông này thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận về vấn đề " bảo tồn và phát triển" :). Trước đây, trong thời kỳ phát triển kinh tế, con sông này đã bị lấp đi để làm đường cao tốc, và gần đây đã được khôi phục lại vì nó gắn với tình cảm của nhân dân thành phố.
Em Linh đã đưa tôi đi thăm mấy chơ Cửa Nam và chợ Cửa Đông, ngồi ngắm con gái Hàn Quốc ăn mặc rất đa dạng, chủ yếu là váy ngắn trên đầu gối.
Đây là khu vực chợ cửa Nam. Ở đây có một số cửa hàng bán các sản phẩm từ sâm và nấm Linh Chi rất quen thuộc với người Việt Nam. Tôi cũng rất thích món lá Gim/kim ( Rong biển-phát âm là Kim) của Hàn quốc. Tôi đã mua khá nhiều và về nhà thì xử lý cũng rất nhanh!:). Cơm trộn trứng bắc cuốn lá Gim/kim là món ăn khoái khẩu của nhà tôi.;)
Đây là một quán thịt nướng ở chợ
Buổi tối tôi về Đại học Ngoại ngữ Hankuk, nơi bạn tôi đang làm Postdoctoral tại đây dưới sự giúp đỡ của GS Song Jung Nam- người có bài tham luận gây chú ý đã được BBC giới thiệu tại đây:
Hiện nay ông đang làm chủ nhiệm khoa tiếng Việt. Ông là người đã bảo vệ Luận án TS sử học tại khoa Lịch sử Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS Phan Huy Lê, còn trước đó là sinh viên khoa Tiếng Việt.:)
Sáng hôm sau, tôi và bạn tôi đi Lotte World ( mà một "người quen" trên FB đã gợi ý nên đi khi tôi treo status đi Hàn Quốc thì nên thăm những đâu?). Đây là trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Seoul. Tôi và bạn đi lượn khá nhiều, nhưng cũng chẳng mua được gì ngoài mấy cái áo cho con gái và cháu gái, một ít mỹ phẩm, mặt nạ dưỡng da ( để dùng và làm quà cho các bạn gái ở nhà), sửa rửa mặt sâm ...!:). Có một điều cũng nên nhắc ở đây đó là có lẽ không đâu tiêu tiền USD dễ như ở VN. Ở HQ tôi và bạn tôi đã phải đi khá xa để đổi từ USD sang Won để tiêu, và khi đổi phải trình hộ chiếu.
Chúng tôi ăn trưa ở Lotte World, một suất như thế này giá khoảng 7 USD
Sau đó thì một bạn khác đưa tôi về Đại học Inha ở Incheon. Đại học Inha là một trường đại học tư nhân của Hàn quốc.
Đây là thông tin về Đại học Inha.
http://duhochanquoc.edu.vn/index.php/don-vi-hop-tac/139-truong-dai-hoc-inha.html
http://duhochanquoc.edu.vn/index.php/don-vi-hop-tac/139-truong-dai-hoc-inha.html
Thăm trường, tôi thầm mơ bao giờ VN có được những trường Đại học với cơ sở vật chất như vậy . Đây là tòa nhà dành cho các câu lạc bộ, các nhóm hoạt động chung của sinh viên. Trường đại học của ta chưa bao giờ có những khu như vậy. Ngay lớp học/ giảng đường cũng quay vòng sử dụng tối đa ba ca một ngày!
Còn đây là khung cảnh trong khuôn viên của trường. Tôi đã được đích thân GS chủ nhiệm Khoa lịch sử đưa đi giới thiệu!:))
Cổng trường Đại học Inha vào 9 giờ sáng, giờ sinh viên vào lớp.
Đây là phòng làm việc dành cho các NCS. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội thì ngay cả GS cũng chưa có chỗ làm việc trong trường nữa là NCS!:((
Tạm biệt Đại học Inha, tạm biệt Hàn quốc, sáng 28/5, Tôi và Kim bay sang Nhật Bản.
Nhật Bản
Ngày 28/5, tôi và PGS.TS Nguyễn Văn Kim từ Hàn Quốc bay sang Nhật Bản. Nhật Bản chào đón chúng tôi bằng tấm bảng với dòng chữ "Welcome to Kansai"
Em Giang từ Singapo đã đến đó trước 1 tiếng và chờ chúng tôi tại sân bay.
Chúng tôi được Ban tổ chức bố trí ở Khách sạn Apa, một khách sạn lớn ở Osaka theo lời bình của sinh viên của tôi, quê em ấy ở Osaka.( Khi biết tôi đến Osaka, em ấy đã in cho tôi một tấm bản đồ Osaka và hệ thống các nhà ga tàu.) Khách sạn Apa có giá khoảng 70 USD/1 đêm, gồm cả bữa sáng. Tuy nhiên phòng của khách sạn rất nhỏ, chỉ có chỗ cho một chiếc giường nhỡ, được cái toilet thì tuyệt vời. Bồn cầu có máy rửa và sấy, đặc biệt luôn luôn ấm. Tôi chợt nhớ đến một bài báo viết kiểu hài hước về loại bồn cầu này đã là tôi cười đến đau cả bụng. Bồn tắm rất tốt chứ không như khách sạn VN, kể cả khách sạn 4 sao, rất hay gặp vấn đề với bồn tắm.
Trước cửa khách sạn Apa ở Osaka
Thành cổ Osaka
Từ phòng của tôi trên tầng 22 nhìn qua cửa sổ
Osaka- thành phố của những con sông và các cây cầu
Ảnh chụp từ tầng 10 của tòa nhà của Đại học Osaka
Đường phố luôn luôn sạch bong.
Ga tầu đến cuối ngày vẫn sạch như thế này đây
Một cửa hàng hoa trên đường từ khách sạn, nơi chúng tôi ở tới Đại học Osaka là nơi tổ chức Hội thảo
Ẩm thực Nhật bản thật tuyệt vời, đây là những bữa cơm trưa trong ba ngày Hội thảo. Mỗi người một hộp cơm, một hộp trà ( bằng giấy như hộp sữa tươi Cô gái Hà Lan của ta). Cafe thì uống theo nhu cầu và tự phục vụ
Cả ba người của đoàn VN đều báo cáo hôm thứ hai của HT, riêng tôi ở một tiểu ban dành cho các báo cáo cá nhân, còn Kim và em Giang thì trình bày ở tiểu ban về thương mại trên biển. Có một vấn đề nhỏ liên quan đến trang phục của tôi. Tôi không phải là người sành điệu và quan tâm nhiều đến thời trang có lẽ vì mặc cảm mình không có dáng, mặc gì cũng chẳng đẹp nổi nên đã chuẩn bị ba chiếc áo dài để mặc trong ba ngày HT, vì áo dài là trang phục truyền thống sẽ che được sự kém cỏi trong lĩnh vực thời trang của mình, nhưng cuối cùng tôi chỉ mặc áo dài trong buổi tôi trình bày báo cáo, ( và Ở HT có một GS đến từ Malayxia đã đề nghị được chụp ảnh cùng tôi trong bộ áo dài dân tộc), còn các buổi khác mặc váy và áo vì không muốn bị nhận ra là người VN khi đi lại trên đường phố. Ban tổ chức bô trí cho chúng tôi ở một khách sạn gần trướng đại học, nơi tổ chức HT nên hàng ngày chúng tôi đi bộ đến nơi HT. Lý do tôi không muốn bị nhận ra là người VN vì tôi đã đến Nhật vào đúng thời điểm trong hàng tháng trời báo chí Nhật ra rả nói về vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ của công ty Nhật Bản. Tôi biết điều này không chỉ qua báo chí VN mà từ chính sinh viên của tôi, người của Đại sứ quán Nhật Bản kể lại. Bây giờ ngồi xem lại các tấm ảnh chụp, tôi nhận ra các bạn nước ngoài mà tôi nhờ chup đã rất ý tứ khi không chụp đôi giày trắng rất " nổi bật" trên nền váy áo đen và tất màu khói của tôi!:))
Đây là những người quan tâm đến báo cáo của tôi.
Đây là một quán ăn Nhật Bản, nơi chúng tôi muốn mời các bạn Nhật Bản bữa cơm chia tay vì hôm sau, hai người trong đoàn trở về nơi làm việc của minh. PGS.TS Nguyễn văn Kim trở về Hàn Quốc , và em Giang trở về Singapo . Nhưng tiếc rằng do công việc chỉ có một bạn Nhật bản đến được với chúng tôi.
Còn tôi, tôi ở lại Nhật Bản để thăm viếng Kyoto và Nara.
Kyoto-một trong nhưng kinh đô cũ của Nhật Bản. Người ta nói rằng: Nếu như bạn chỉ có thể viếng thăm một thành phố của Nhật bản, thì Kyoto chính là thành phố đó.
Đây là các cửa hàng bánh và đồ thủ công trên một con phố cổ của Kyoto. Khu vực phố cổ dưới chùa Kiyomizu ở Kyoto. Tại khu phố cổ này có rất nhiều cửa hàng bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản và các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tôi đã mua được ở đây mấy thứ nho nhỏ, xinh xinh như những chiếc thìa gỗ, chiếc cốc gốm ( tự tặng mình nhân dịp sinh nhật) và một chiếc đồng hồ, một hộp bánh cho vị GS Nhật Bản- người đã vô cùng chu đáo với các bạn khách Việt Nam.
Chùa Kiyomizu- chùa Thanh thủy ở Kyoto. Chùa Kiyomizudera được xây dựng vào đầu thời kỳ Nara (năm 778), Trãi qua nhiều biến cố và hỏa họan nên kiến trúc thời kỳ đầu không còn nữa và ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại từ năm 1633.
Khu vực tháp 3 tầng bên trái cổng chính của chùa
Chính đường là 1 tòa nhà bằng gỗ được xây dựng lại năm 1633 (thời gian 10 năm) với mặt tiền dài 36 m, chiều rộng 30 m và cao trần là 18 m, được chia làm 3 khu vực dựa vào các hàng cột, phía trước chính đường là một hàng hiên rộng khỏang 90 m2, bên dưới được chống đỡ bởi rất nhiều cột gỗ cao khỏang 12m đã làm cho ngôi chùa có một vẻ độc đáo không giống bất kì một ngôi chùa nào khác trên thế giới, rất nhiều khách du lịch đến thăm nơi này
Nguồn nước tinh khiết tại chùa Thanh thủy - Kiyomizu ( pure water) ở Kyoto. Bạn sẽ thấy có ba nguồn nước đại diện cho ba điều mong ước của bạn: Sức khỏe, sự giàu có và quyền lực. bạn mong điều gì thì lấy nước từ nguồn đó để uống.
Tôi đang đứng trước một trò chơi tình yêu. Có hai bệ tròn cách nhau khoảng 50 met. Mỗi bệ đại diện cho một giới, bạn sẽ từ bệ dành cho giới mình, nhắm mắt lại và đi tới bệ bên kia. Vừa đi bạn vừa nghĩ đến người mà bạn thầm yêu, nếu bạn đến được đúng chỗ thì người kia cũng đáp lại tình cảm của bạn. Nếu bạn đến chệch, bạn sẽ chỉ có mối tình đơn phương thôi. Tôi đã thử đến hai lần nhưng đều chệch!:))
Nhiều phụ nữ Nhật mặc kimono đến đây. Ở Nhật khuyến khích mặc kimono, nên những ai mặc kimono được đi lại miễn phí trên các phương tiện giao thông công cộng
Kinkaku- Sảnh đường Vàng ( Golden Pavilion) là tên gọi phổ biến cho một trong các tòa nhà chính của ngôi đền này, nó thuộc quyền sở hữu của đền Pokuon-ji. Những năm 1220 nó là biệt thự tiện nghi của Kintsume Saionji.
Yoshimisu, vị Shogun thứ 3 của Ashkaga, thoái vị ngai vàng năm 1394. Sau đó ba năm, ông bắt đầu xây dựng Kitayamaden và với một nỗ lực đặc biệt, ông đã làm cho nó trở thành một nơi có khung cảnh ngoạn mục. Ông đã chọn cuộc sống thanh thản trong cảnh thanh bình ở đây. Sau khi Yoshimisu chết, Kitayamaden được xây dựng theo kiểu một ngôi đền Thiền theo ý muốn của ông. Tất cả những công trình xây dựng khi đó đều đã bị tàn phá trừ Kinkaku. Tuy nhiên, khu vườn vẫn còn giữ được như trước đây và có thể cảm thụ vẻ đẹp như nó vốn có từ hàng trăm năm trước. Khu vườn và công trình này đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.
Kinkaku còn được gọi một cách chính thức là Shariden. Nó nổi tiếng bởi vẻ đẹp và kiến trúc đặc biệt của nó. Tòa nhà hài hòa , tao nhã này bao gồm ba loại hình kiến trúc. Tầng 1 là Shinden-zukuri xây dựng theo phong cách cung điện. Nó được đặt tên là Ho-sui-in. Tầng 2 là Buke-zukuri, theo phong cách nhà của Samurai và được gọi là Cho-on-do. Tầng 3 là Karayo theo phong cách một ngôi đền Thiền. Nó được gọi là Kukyo-cho. Cả tầng 2 và tầng 3 được che phủ bằng lá vàng theo kĩ thuật sơn mài Nhật bản .
Đây là cảnh Sảnh đường vàng vào đầu tháng 6. Vào tháng 11, khung cảnh đẹp như mơ với sắc màu đỏ và vàng của lá thu.
Sau khi thăm Sảnh đường vàng bạn có thể vào đây để thưởng thức trà theo phong cách Nhật Bản- Thưởng thức trà cũng là một nghi lễ- trà đạo. Giá khoảng 6 USD một chén trà và một chiếc bánh ngọt nhỏ. Tôi và bạn đồng hành của tôi, em Việt, lúc đó là nghiên cứu sinh vật lý, bây giờ thì em đã là TS rồi, không biết em đã về chưa hay vẫn còn ở Nhật.
Nhà ga Kyoto là đầu mối giao thông của thành phố. Là nhà ga lớn thứ nhì của Nhật, cao 15 tầng, nó bao gồm một trung tâm mua sắm lớn, khách sạn, rạp chiếu phim và siêu thị Isetan. Khu vực ga Kyoto vô cùng hoành tráng, họ cũng dùng nơi đây để biểu diễn chương trình ca nhạc lớn. Tại trung tâm mua sắm của ga, tôi đi khắp mà chẳng mua được gì ngoài một đôi giày xịn Nhật ( mà em Việt nói, ở Nhật cũng ít khi gặp, vì ở Nhật chủ yếu nhập từ BN, TQ, Thái lan) quà cho con trai nhân dịp con trai tốt nghiệp đại học. Đôi giày da, nhưng dáng thể thao.
Tôi đến Nara- thủ đô đầu tiên của Nhật bản từ năm 710 dến năm784 cùng em Cẩm Ly, sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Chúng tôi đã đến thăm Todai-ji (“Đông Đại Tự” – 東大寺), một quần thể chùa Phật, được xây từ năm 743 và hoàn thành năm 751 ở phía Đông của Nara. Thời điểm này Phật Giáo đang là đỉnh cao ở Nhật và có ảnh hưởng rất lớn giữ vai trò như quốc đạo. Chùa trở thành một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng bậc nhất, đồng thời là một thắng cảnh tuyệt vời của Nhật Bản.
Trong thời kỳ Tempyo, khi nhân dân Nhật bản trải qua nhiều thiên tai và dịch bệnh, vào năm 685, Thiên hòang Temmu yêu cầu mọi gia đình phải lập trong nhà một bàn thờ Phật. Người kế vị ông, Thiên hòang Shomu, còn đi xa hơn nữa khi yêu cầu mỗi tỉnh của Nhật đều phải xây dựng một ngôi chùa chính để đòan kết thống nhất tòan quốc. Hai năm sau, năm 743, chùa Todai-ji được xây dựng là ngôi chùa trung tâm cả Nhật Bản, "cầu kỳ lộng lẫy và đồ sộ nhất". Đồng thời, ngài ban hành một sắc lệnh theo đó người dân phải đúc ra một pho tượng Phật, với niềm tin sâu sắc rằng quyền năng của Đức Phật có thể che chở cho mọi người. Phải chăng, bản thân cái tên Đông Đại Tự đã thể hiện tham vọng của Thiên Hòang, muốn xây dựng một trung tâm Phật giáo tại phía Đông sánh ngang cùng Tây Tạng?
Cổng vào chùa Todai-ji, ngôi nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới.
Tượng Đại Phật được đúc vào năm 749 và hoàn thành năm 751, tiêu thụ một khối lượng đồng bằng tòan bộ số đồng của nước Nhật sản xuất được trong nhiều và điều này khiến nền kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng bi đát. Một đại lễ " mở mặt tượng" được tổ chức vào năm sau đó và nhân dịp này một đoàn ca vũ nhạc Chăm pa đã được mời sang biểu diễn.
Phía sau Đại điện, có một chiếc cột lớn với phần chân cột có một cái lỗ lớn xuyên qua. Cái lỗ này được xem là có cùng kích thước với lỗ mũi của bức tượng Đại Phật. Nếu bạn chui qua được cái lỗ, bạn sẽ đạt được mơ ước của bạn. Tôi cũng đã thử chui qua cột này và đã thành công, tuy nhiên mơ ước của tui khi đã chui vào chỉ là làm sao có thể chui lọt qua.:)). Khách du lịch hoan hô tôi khi tôi chui qua được. Khi tôi đứng dậy, có một vị khách cho tôi xem bức ảnh tôi đang giơ cao chân để bật dậy:)
Công viên Nara
Kiến trúc đặc sắc thứ ba của kinh đô Nara là chùa Kofuku-ji (Cổ Phúc Tự – 興福寺), một Di sản Văn hóa Thế giới. Chùa Kofuku-ji là một trong Thất Đại tự của Nara, đã được mô tả trong tác phẩm bất hủ “Truyện Genji” gồm 54 chương, được viết vào khoảng năm 1004, một kiệt tác đứng vào hàng lớn nhất của văn xuôi cổ điển Nhật Bản cũng như văn xuôi nhân loại- của nữ sĩ Murasaki.
Kofuku-ji là chùa của một dòng họ lớn đầy quyền lực Fujiwara và nó là một trong những ngôi chùa hàng đầu của tông phái Hosso. Cùng với việc thiết lập kinh đô mới tại Heijo-kyo (Nara) vào năm Wado thứ ba (710 SCN), chùa Umayasaka (xây năm 669 SCN) được chuyển từ Asuka ở Kyoto tới chỗ mới và đổi tên thành Kofuku-ji. Chùa đã từng bị thiêu rụi 5 lần và sau mỗi lần bị hỏa hoạn đều lập tức được xây lại ngay sau đó. Ngôi chùa ngày nay được xây lại theo đúng mô hình của ngôi chùa đã được trùng tu vào năm 1426.
Tháp Gojunoto (ngôi tháp năm tầng) của chùa Koufuku-ji được coi là biểu tượng của Nara. Tháp cao 50 m, theo phong cách tháp Trung Hoa, là ngôi tháp cao thứ hai Nhật Bản, chỉ đứng sau tháp chùa Toji ở Kyoto. Tháp này cũng đả được xếp hạng di sản quốc gia. Ngôi tháp gốc vốn được xây trong thời Tenpyo nhưng qua năm tháng nó bị hủy họai bởi nhiều yếu tố. Ngôi tháp ngày nay được xây trong thời Muromachi. Do ngôi tháp năm tầng có thể trông thấy được từ mọi hướng, nên thường được dùng để điểm mốc cho mọi người khỏi lạc đường, trong đó góc nhìn từ hồ Sarusawa là đẹp nhất.
Nara còn nổi tiếng bởi có những chú Hươu rất đáng yêu và dạn người. Với một ít bánh trên tay, hàng đàn hươu sẽ sẵn sàng đi theo bạn.
Tôi dành ngày cuối cùng trước khi về nước để đọc sách ở đại học Osaka.
Một phòng học ở Đại học Osaka được dùng làm phòng Hội thảo. tôi đã trình bày báo cáo tại phòng này. các thư ký đang chuẩn bị cho phiên họp
Khuôn viên Đại học Osaka
Một lớp đang học.
Thư viện khoa Lịch sử của Đại học Osaka
Các món ăn trong cantin của trường, sinh viên có thể chọn món mình thích
Phòng ăn của sinh viên
Chỗ tôi và GS Momoki Shiro ăn trưa, tôi đã chọn phở Nhật bản. Đây là can tin sinh viên nên rẻ hơn nhiều so với ngoài phố
Gặp gỡ và trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về phụ nữ Nhật Bản
Đọc sách và chụp tài liệu mang về VN
Bữa tối cuối cùng với các bạn Nhật Bản
Cám ơn các bạn Nhật Bản, cám ơn GS Momoki Shiro đã mới tôi sang dự Hội thảo và tạo điều kiện cho tôi được tìm hiểu về lịch và văn hóa Nhật bản. một đất nước tuyệt vời.
( bài viết có sử dụng một số tài liệu trên mạng, các ảnh tôi giữ bản quyền!:))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét