Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Văn hóa dân gian của tín ngưỡng Quan Âm Việt Nam


Kiều Thị Vân Anh
( Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số I (103) 2012 )

Tín ngưỡng Quan Âm có thể nói là một trong những tín ngưỡng Phật giáo dân gian quan trọng nhất của Việt Nam. Theo thời gian, tín ngưỡng Quan Âm ngày càng phát triển, hình thành văn hóa Quan Âm với tính hệ thống đặc sắc rõ ràng, nội hàm phong phú và hàm nghĩa sâu sắc. Vì vậy văn hóa Quan Âm có phân loại thành nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là chỉ những lễ nghĩa và kinh điển của Phật giáo có liên quan đến Quan Âm để tạo thành văn hóa Quan Âm. Nghĩa rộng là chỉ những biểu hiện văn hóa được hình thành do việc dân gian đơn thuần sùng bái, thờ cúng Quan Âm, tức là văn hóa Quan Âm dân gian.
Có thể đứng từ góc độ trạng thái tâm lý của văn hóa Quan Âm để phân tích và nghiên cứu. Từ tư tưởng, ý thức đến nội hàm tâm lý đều cho ta thấy văn hóa Quan Âm có ba nội dung cụ thể: Thứ nhất, đối với con người cụ thể trong xã hội, trong các thời kỳ khác nhau thì dân chúng  đều căn cứ vào nhu cầu thực tế để tham gia vào tín ngưỡng Quan Âm, từ đó sẽ sản sinh ra ý thức mới, cách nhìn nhận mới, tình cảm mới, thao tác mới và nhu cầu mới đối với tín ngưỡng. Điều đó  sẽ in dấu ấn lên xã hội của thời đại đó. Tất nhiên đặc trưng tổng thể vẫn giống nhau về cơ bản. Thứ hai, là người của một dân tộc cụ thể nào đó, người có tín ngưỡng sẽ lồng tinh thần truyền thống văn hóa vào sự hiểu biết, thao tác và yêu cầu đối với tín ngưỡng Quan Âm, bộc lộ lõ nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Thứ ba, là một con người cụ thể trong cộng đồng nhân loại, người có tín ngưỡng khi thực thi tín ngưỡng Quan Âm thường thể hiện nội hàm tâm lý của con người, bộc lộ tường tận tâm lý của con người đối với mạng sống, đặc điểm này là khác biệt rất lớn giữa con người với động vật. Tuy có thể đứng từ góc độ lý luận để phân tích trạng thái tâm lý của tín ngưỡng Quan Âm thành ba nội dung cụ thể nêu trên, nhưng trên tực tế chúng luôn tồn tại song song, hỗ trợ lẫn nhau và hòa thành một thể thống nhất, thể hiện một cách sinh động ý nghĩa và giá trị đa phương diện của văn hóa Quan Âm. Đồng thời thông qua việc phân tích ở tầng trạng thái tâm lý văn hóa Quan Âm có thể nhìn thấy rõ ràng văn hóa Quan Âm mang nặng nhất nội dung mang tính Phật giáo, nhất là khi đứng từ góc độ tôn giáo học để xem xét. Nhưng đứng từ góc độ văn hóa học thì việc tín ngưỡng Quan Âm luôn thêm vào những nội dung mới, tinh thần văn hóa truyền thống Việt Nam và nội hàm sinh mạng tính, mới là nguyên nhân khiến văn hóa Quan Âm có ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài.

I. Nội hàm văn hóa tính nguyên sơ của tín ngưỡng Quan Âm
Do tín ngưỡng tôn giáo dân gian có tính nhu cầu thực tế rất cao, cho nên việc người dân lựa chọn tín ngưỡng cũng như việc phát triển tín ngưỡng đó phụ thuộc rất nhiều vào tính hạn chế của đặc điểm tâm lý văn hóa của chính người theo tín ngưỡng. Tuy Quan Thế Âm bồ tát xuất phát từ kinh Phật của Ấn Độ, rồi lại được truyền từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng người dân Việt  trên cơ sở nhu cầu thực tế mà có ý thức hoặc cả vô ý thức đã lồng văn hóa truyền thống Việt Nam để cải biến vị bồ tát này. Rồi từ đó lan truyền mở rộng trong dân gian. Vì vậy việc hình thành và phát triển văn hóa Quan Âm luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam, đây là quá trình nối kết với đặc điểm kết cấu tâm lý văn hóa của người dân Việt. Phân tích vài đặc điểm sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Ví dụ: Chọn một vị bồ tát không phải là quan trọng nhất trong rất nhiều bồ tát của Phật giáo Ấn Độ ra làm đối tượng thờ cúng rồi từng bước hình thành tín ngưỡng Quan Âm một cách hưng thịnh. Hình tượng Quan Âm bồ tát của Phật giáo Ấn Độ  vô cùng phong phú, nhưng hình tượng ấy đã được nữ tính hóa. Nội dung uyên thâm và phương thức tu hành rườm rà gò bó của Phật giáo Ấn Độ dần dần bị đơn giản hóa đến mức chỉ cần niệm tên người đã là một cách cầu xin để được phù hộ. Tất cả những điều đó đều chứng minh việc Việt Nam tuy tiếp nhận đạo Phật của Ấn Độ và chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Quốc nhưng luôn giữ nội hàm tính nguyên sơ của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đặc tính tín ngưỡng Phật giáo quyết định tính hài hòa giữa văn hóa Quan Âm và văn hóa truyền thống Việt Nam. Tín ngưỡng Quan Âm là một loại tín ngưỡng Phật giáo, thế hiện một số tinh thần cơ bản của Phật giáo. Tuy Phật giáo cũng dùng những hình thức đặc biệt để phản ánh sự sùng bái của con người đối với lực lượng siêu nhiên nhưng Phật và bồ tát không phải là chúa tể vũ trụ. Họ không tức giận, không trừng phạt con người và cũng không vì lỗi lầm của con người mà tống con người xuống địa ngục. Lý luận của Phật giáo chú trọng khảo sát  các vấn đề hiện thực của nhân sinh, phán đoán giá trị đối với nhân sinh, tìm kiếm sự chân thưc của nhân sinh chứ không phải là nói về thế giới hư vô bên kia sau cái chết. Đặc biệt là Phật giáo Việt Nam có đặc điểm thế tục hóa rất rõ nét, chủ trương nhập thế phổ độ chúng sinh, đề cao các phương thức cứu thế. Chính điều này đã khắc họa giá trị đạo đức trong văn hóa truyền thống Việt Nam, nhấn mạnh bàn tính lương thiện của con người, và ảnh hưởng đến tín ngưỡng Quan Âm khiến tín ngưỡng Quan Âm ngấm sâu nội hàm tính nguyên sơ của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Tính dân gian của tín ngưỡng Quan Âm Việt Nam hàm chứa nội hàm tính nguyên sơ của văn hóa truyền thống. Điều này được biểu hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất: Quan Âm bồ tát được xây dựng với rất nhiều tính cách trần tục, tận tâm bảo hộ chúng sinh chốn nhân gian, quan tâm hạnh phúc trước mắt của họ. Đối với ngài, tính thần thánh chỉ là trừu tượng mà tính thế tục mới là cụ thể mặc dù hai đặc tính này đã dung hợp một cách hài hòa với nhau. Đặc điểm này có nét tương đồng với tín ngưỡng Mẫu thần dân gian Việt Nam. Có lẽ chính vì đặc điểm này nên Quan Âm bồ tát của Phật giáo mới đi vào tín ngưỡng Mẫu thần, trở thành một đối tượng thờ cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Mà Mẫu thần cũng chính là người mẹ đã được thần thánh hóa. Sự giao thoa giữa Mẫu và Quan Âm thể hiện phong cách hiện thực hóa của tôn giáo Việt Nam, và ở một phương diện khác thể hiện bản chất “thiên nhân hợp nhất” của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thứ hai: Tấm lòng đại từ đại bi quan tâm đến những người yếu đuối luôn được nhân dân tôn trọng. Hiện thực này đã phản ánh tâm lý cần được trở che của người dân Việt Nam dưới chế độ áp bức phong kiến đã tồn tại lâu đời. Đặc tính này của Quan Âm cũng thể hiện tinh thần nhân văn của văn hóa Việt Nam.
Thứ ba: Quan Âm bồ tát ngoài những khả năng thường thấy như cứu khổ cứu nạn, ban con ra còn thuyết giảng Phật pháp. Nhưng khảo sát tình hình thực tế của tín ngưỡng Quan Âm dân gian thì việc gọi là thuyết giảng Phật pháp không phải là việc tuyên truyền giáo lý Phật pháo uyên thâm khó hiểu mà chủ yếu giảng về những nội dung tích đức, làm việc thiện, hiếu thuận với người trên, nhẫn nhịn diệt dục vân vân… Việc thuyết pháp này mang khuynh hướng luân lý hóa rất cao, nó có nhiều chỗ tương đồng với quan hệ giữa xã hội và người theo văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn hóa nông nghiệp khiến các tổ chức xã hội của con người nhấn mạnh việc tu hành của cá nhân, cùng chung sống hòa bình, coi trọng tình cảm…Giáo nghĩa của Quan Âm bồ tát phù hợp với luân lý đạo đức của người dân Việt Nam.
Thứ tư: Thói quen của người Việt Nam thiên về tư duy trực giác, nghĩa là thông qua ký hiệu, hình tượng cụ thể để nắm vững ý nghĩa trừu tượng. Như triết gia người Đức Ludwig Andreas Feuerbach đã nói “Mỗi một phương thức tín ngưỡng đều đồng thời là một phương thức tư duy”[1]. Phương thức tư duy của văn hóa tín ngưỡng Quan Âm dân gian thông qua cách tôn thờ đơn giản để đạt được sự giải thoát nhân sinh phức tạp là nội hàm tính nguyên sơ của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng ta thường nói, lĩnh ngộ Phật pháp xưa nay có hai cách, một chủ trương giác ngộ chân lý, hai chủ trương tu tập dần dần. Cách thức thứ hai cần học tập, tích lũy còn cách thứ nhất trên thực tế chỉ dựa vào cơ duyên và trí tuệ căn bản. Cách nói tâm tính thành Phật đã chứng minh phương thức giác ngộ chân lý được nắm bắt bằng trực giác.  Thiền ý trong Phật giáo Việt Nam rất nặng, cho nên vô cùng coi trọng việc trực giác đối với hình tượng. Đồng thời việc trực  giác đối với hình tượng vẫn luôn là quan điểm quan trọng của lĩnh vực mỹ học đương đại. Nhà mỹ học nổi tiếng Trung Quốc Châu Quang Tiềm đã từng giải thích rằng chúng ta có ba cách nhận thức khác nhau với cùng một sự vật, đó là trực giác, tri giác và khái niệm. Chỉ nhìn thấy hình tượng mà không nhìn thấy ý nghĩa thì gọi là trực giác, từ hình tượng mà nhìn ra ý nghĩa thì gọi là tri giác, vượt qua hình tượng mà hiểu ý nghĩa thì gọi là khái niệm. Trong ba phương thức nhận biết này,trực giác đứng trước tri giác và khái niệm, là cách nhận thức nguyên thủy đơn thuần nhất. Mà cảm giác về cái đẹp lài bắt nguồn từ trực giác đối với hình tượng. Việc lĩnh ngộ Phật giáo Việt Nam cần vô cùng coi trọng tư duy tính trực giác này.

II. Ý thức tâm lý của tín ngưỡng Quan Âm
Đặc điểm không giống nhau của hành vi tôn giáo là sự tính toán  đạt được sự giúp đỡ thần thánh hoặc chấp hành ý chí của thần thánh. Cho nên người dân Việt Nam đã mang tất cả những nhu cầu của mình tạo thành những khả năng thần thánh của Quan Âm bồ tát, tạo nên nội dung cơ bản của văn hóa Quan Âm. Trong nội dung của văn hóa Quan Âm  có tính thế tục rất mạnh, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tâm lý cơ bản của con người và nhu cầu trong xã hội, thiếu hụt nội dung lý giải phần siêu hình của nhân sinh. Tuy nhiên nhu cầu cá tính hóa của con người luôn luôn phát triển trên sự phong phú và cá tính của cơ sở nhu cầu cơ bản nhất. Vì vậy có những nhu cầu cơ bản dường như rất bình thường  nhưng càng phản ánh một cách trực tiếp chân thực bản tính con người và một số nhu cầu về tính mạng. Văn hóa Quan Âm phản ánh ý thức sinh mạng và nhu cầu cơ bản nhất của loài người, thể hiện giá trị văn hóa tính mạng ở tầng sâu. Điều này chủ yếu biểu hiện ở những phương diện sau:
Thứ nhất: Con người luôn quý trọng mạng sống. Giới thứ nhất trong Phật giáo đại thừa là giới sát sinh, không giết tất cả những vật có tính mạng, đã cho thấy sự quý trọng mạng sống của nhà Phật. Tinh thần này cũng ngấm sâu vào văn hóa Quan Âm, và ở một tầng lớp cao hơn thì thế hiện việc quý trọng tính mạng của con người. Trước tiên, nó không chỉ tuân theo giới luật của Phật giáo là không sát sinh, mà còn giúp con người thoát khỏi mọi nguy cơ dẫn đến cái chêt, đem lại cho con người quyền lợi và hy vọng đối với sự sống, nhấn mạnh tính mạng con người cao hơn tất cả. Tiếp theo, nó còn đáp ứng được nguyện vọng sự sống được nhân lên, đông đúc hơn. Ví dụ như việc tống tử Quan Âm về mặt hình thức chỉ là việc ban con trai hay gái cho người dân, nhưng xét ở góc độ triết học việc sinh nở không đơn thuần là nhu cầu phát triển sự sống mà còn đáp ứng  nhu cầu giới tính của con cái. Trên thực tế thì cũng vẫn là nhu cầu phát triển của loài người nhưng nó thể hiện ở mức độ cao hơn, đó là sự cân bằng tổng thể đối với sự sinh sôi của loài người. Cuối cùng là việc dạy cho con người làm thế nào để yêu thương bảo vệ tính mạng của mình. Con người vốn có nhiều ham muốn nên có lắm khổ lụy, làm trở ngại việc tu hành, bất lợi đối với tính mạng. Con người chỉ khi rời bỏ được dâm dục vô độ, ngu dốt đê hèn mới có thể bình yên sinh sống. Đây là quan điểm về sự khỏe mạnh của sinh mệnh quan.
Thứ hai: Ý thức tâm lý mưu cầu hạnh phúc. “Tôn giáo bắt nguồn từ sự khác biệt về bản chất giữa người và động vật: Động vật không có tôn giáo”. Bởi vì con người “Tuy có cuộc sống bên trong nhưng còn có cuộc sống bên ngoài”[2]. Con người có ý thức lý tưởng, họ căn cứ vào tình hình cuộc sống bên ngoài bản thân họ mà tự nhiên sinh ra lý tưởng và nguyện vọng, từ đó tìm mọi phương pháp để thực hiện chúng, và tôn giáo là một trong những phương pháp đó. Quan Âm bồ tát lại có thể đáp ứng được mọi nhu cầu nguyện vọng của con người, từ việc tránh khỏi tai họa đến việc mang lại bình an hạnh phúc cho nên tín ngưỡng Quan Âm trên thực tế là biểu hiện tâm lý mưu cầu hạnh phúc của nhân dân ta. Nó một mặt bồi đắp thêm vào nội dung khuyết hụt của văn hóa Việt Nam, mặt khác thể hiện ý thức sinh mệnh vốn có trong bản chất con người.
Thứ ba: Ý thức tâm lý hướng tới tự do nhân cách. Đây là ý thức tầm cao của con người, là biểu hiện việc đáp ứng nhu cầu tinh thần cấp cao, cũng chứng tỏ nhu cầu hướng tới cái đẹp của nhân loại. Là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại, thể hiện đầy đủ tính phong phú và tiềm lực phát triển vô cùng của con người. Trong văn hóa Quan Âm có dấu ấn đậm nét của loại ý thức này. Trước tiên, việc tạo tượng Quan Âm với hình dáng đẹp đẽ thể hiện tính từ bi bác ái của người, đây là cách giải thích và hướng đi của loài người đối với cái đẹp, mở ra năng lực sáng tạo cái đẹp, thể hiện tự do cảm tính về ý thức bản chất của con người. Thứ hai, tín ngưỡng Quan Âm có nguồn gốc từ tâm lý con người muốn thoát khỏi hiện thực khổ đau, nó là sự phản ánh của tâm lý con người muốn chống đối lại sự bó buộc áp bức của xã hội hiện thực. Cho nên văn hóa Quan Âm  có bao hàm khát vọng tự do, bao hàm ý thức tâm lý hướng tới tự do của tính cách con người. Cuối cùng là ý thức tâm lý bình đẳng tư cách. Con người tuy có sự phân biệt xã hội giàu nghèo sang hèn, nhưng tư cách là bình đẳng, con người có quyền được sống, có quyền được tôn trọng để hướng tới cái đẹp, sự hạnh phúc. Đặc tính diệt họa tạo phúc của Quan Âm không thể vì xã hội biến đổi, địa vị của con người không đồng nhất mà có sự thay đổi về bản chất. Đây là ý thức tâm lý khát vọng bình đẳng của con người.

III. Biểu tượng tính tập thể của tín ngưỡng Quan Âm
Lịch sử phát triển văn hóa đã chứng minh, không phải bất cứ hình thái văn hóa nào đều có thể không ngừng phát triển. Có những hình thái văn hóa theo sự phát triển của xã hội nhân loại đã chững lại, thậm chí là bị suy thoái và biến mất. Nhà lịch sử học nổi tiếng người Anh Arnold Joseph Toynbee đã chỉ ra rằng: Chỉ có hình thái văn hóa “ ngày một gia tăng và tích lũy năng lực tự quyết nội bộ hoặc năng lực thể hiện bản thân”[3] mới có thể trường tồn. Như vậy cũng có thể nói là chỉ có những hình thái văn hóa gắn kết chặt chẽ với xã hội thì mới có khả năng phát triển. Con người căn cứ vào nhu cầu thực tế, rồi trên cơ sở sẵn có tiến hành cải tạo văn hóa, đảm bảo sự tồn tại và định hướng phát triển cho nó. Lịch sử phát triển văn hóa Quan Âm cũng diễn ra như vậy.  Cho dù tín ngưỡng Quan Âm đã được miêu tả trong  “Quan Thế Âm bồ tát phổ môn phẩm---Pháp Hoa kinh” của Phật giáo nhưng đi theo sự phát triển lịch sử xã hội Việt Nam, đại từ đại bi đã trở thành “biểu tượng tâm lý và biểu tượng tập thể trong hệ thống tín hiệu tôn giáo”, trở thành  biểu tượng cho tâm lý và hành vi của yêu thương. Đặc tính này có khả năng lan tỏa rộng rãi khiến sự sáng tạo tâm lý của con người có khả năng trở thành hiện thực. Một khi tồn tại “Loại hệ thống  hành vi xã hội có khuynh hướng phát triển đi lên và nhu cầu tình cảm”[4] thì con người sẽ có ý thức hoặc vô ý thức đan xen thêm tin tức xã hội và ý thức cá nhân, để mở rộng nội hàm của hệ thống đó, làm gia tăng nội dung mới, đáp ứng nhu cầu của con người trong các thời đại không giống nhau. Điều này thể hiện ở những mặt sau:
Thứ nhất: Khuếch trương mở rộng hình tượng từ bi bác ái. Trong kinh Phật có nói về nhiều hình tượng mà Quan Âm bồ tát có thể biến hóa, nhưng sau này theo nhu cầu hiện thực, để bộc lỗ rõ phương diện phổ độ từ bi của người, hình tượng Quan Âm đã bị nữ tính hóa.Sau đó các họa sĩ căn cứ theo nhu cầu thực tế mà tạo ra các hình tượng cụ thể hơn nữa như Quan Âm tống tử, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, Quan Âm thủy nguyệt …vân vân. Sự hình thành và phát triển biểu tượng cho lòng yêu thương này đã làm phong phú văn hóa Quan Âm và mặt khác cũng đã thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.  Việc tạo hình Quan Âm bồ tát của Việt Nam vì do truyền thuyết tích truyện và bối cảnh văn hóa không đồng nhất nên cũng có những đặc điểm khác biệt.  Ví dụ như tượng Quan Âm Thị Kính, ngoài việc người bồng đứa trẻ trên tay, lại còn có thêm con vẹt trên vai. Đứa trẻ thì đương nhiên tượng trưng cho quyền năng ban con của Quan Âm và tinh thần từ bi với chúng sinh của đạo Phật nhưng con vẹt lại tượng trưng cho sự quy thuận của Nho giáo đối với Phật giáo.
Thứ hai: Câu truyện truyền thuyết có hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Đi theo sự phát triển dần dần hưng thịnh của tín ngưỡng Quan Âm và các vấn đề của các thời đại khác nhau, những câu truyện về sự linh ứng của Quan Âm ngày càng nhiều lên, có tác phẩm do người biên soạn, có tác phẩm là sự tác tác trong dân gian. Trong các câu truyện đó, chủ yếu là những người theo tín ngưỡng Quan Âm dân gian Việt Nam căn cứ vào công đức quyền năng của Quan Âm, rồi thêm vào đó nhu cầu, trí tưởng tượng của mình và cả tập tục địa phương để biên soạn.  Chính điều này đã làm rõ thêm  khả năng phát triển và mở rộng của văn hóa Quan Âm. Những câu truyện sống động nhiều tình tiết về Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính, nguyên phi Ỷ Lan đã nói rõ điều này.
Thứ ba: Sự phát triển mở rộng của nội hàm văn hóa Quan Âm. Nhìn quá trình phát triển tín ngưỡng Quan Âm, người ta luôn luôn cho rằng đặc tính đại từ đại bi của Quan Âm là nội hàm trọng tâm, căn cứ vào nhu cầu hiện thực mà không ngừng tiến hành việc mở rộng và phát triển khiến cho văn hóa Quan Âm ngày càng có tính hiện đại hóa, để phù hợp với nhu cầu con người. Một mặt thể hiện lòng yêu thương xót xa sự bất công để làm phong phú hơn nội hàm quyền năng của Quan Âm, mặt khác lại khai thác khả năng ban phúc tránh tai ương để đáp ứng các loại nhu cầu của thời đại. Những nhu cầu thường thấy của con người như hạnh phúc hôn nhân, công việc thuận lợi, thi cử thành công, sức khỏe dồi dào… vân vân đều là nội dung chủ yếu mà con người hiện đại thường cầu xin ở Quan Âm.
Mặt khác, trong văn hóa Quan Âm cũng tồn tại đặc tính đồng hóa và thay thế. Theo sự phát triển của mình, văn hóa Quan Âm đã đồng hóa và thay thế một số tín ngưỡng dân gian khác.
Tất nhiên là sự phát triển và mở rộng của văn hóa Quan Âm còn thể hiện ở nhiều phương diện khác nữa. Do hạnh phúc và khổ nạn, yêu thương và sợ hãi là hai mặt đối lập luôn tồn tại song song cùng với con người, tạo nên vô số ước mơ hy vọng trong cuộc sống. Cho nên chỉ cần nhân dân Việt Nam có nhu cầu mới thì sẽ không ngừng sáng tạo ra nội dung mới cho văn hóa Quan Âm để cân bằng tâm lý. Chính điều này sẽ làm sức sống của văn hóa Quan Âm trường tồn.



[1] Feuerbach (Bản chất của Ki tô giáo), Nhà in ấn Thương Vụ (Trung Quốc), năm 1984, trang 2.
[2]  Feuerbach (Bản chất của Ki tô giáo), Nhà in ấn Thương Vụ (Trung Quốc), năm 1984, trang 29 - 31.
[3] Arnold Joseph Toynbee (Lịch sử nghiên cứu), quyển hạ, nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải, năm 1986, trang 454.
[4] Spiro Theodore Agnew “Văn hóa và nhân tính”, nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Trung Quốc), năm 1999, trang 171-172.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...