Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Quê hương và tuổi học trò trong tôi ( Trích hồi ký)

Quê hương và tuổi học trò trong tôi
Nguyễn Thị Hồng Vân (1935 - 1994)
(Trích Hồi ký)

…Những buổi sớm mai trên con đường làng chạy qua trước cửa, người ta mang hàng xuống bán ở chợ và những cô gái cặp tóc ngang lưng áo dài tha thướt, những cậu con trai mặc áo dài the hoặc áo trắng, đầu đội mũ cát xách cặp đi qua ... Họ đến trường học ở bên kia cầu Phủ.

  Rồi những buổi chiều mưa gió , từ góc cửa sổ nhà mình, tôi đăm đăm nhìn xuống mặt sông nước đỏ ngầu, những quả bàng chín rụng trôi đầy sông lẫn vào những đám bèo Tây có hoa màu tím nhạt. Bên kia sông là nhà séc, nơi tụ tập của đám thanh niên trí thức Hành Thiện và phủ lị Xuân Trường. Cạnh nhà séc là trường học con gái giành riêng cho các nữ sinh học từ lớp đồng ấu đến lớp ba.  Cạnh đó là khu vực công đường của viên tri phủ Xuân Trường. Ở đó còn có nhà pha để quan giữ phạm nhân. Tiếp đó là trường tiểu học của phủ lỵ dậy chung cả nam và nữ sinh, từ lớp nhì phụ, lớp nhì chính đến lớp nhất. Gần trường là nhà trạm (bưu điện). Hàng ngày những chuyến xe chở khách từ Nam Định về qua phà Cựa Gà, chạy qua  nhà Trạm, qua trường học, qua công đường của tri phủ, qua trường học con gái đổ khách xuống bến xe ở gốc cây đề bên kia cầu Phủ…

Cầu Phủ xưa. Ảnh: langHanhThien.com

Vào ngày khai trường của năm học 1942-1943, mẹ tôi ra nhà bà để đưa tôi đi học. Mẹ xin cho tôi vào trường học con gái ở bên kia cầu Phủ. Một ngôi trường nhỏ có một bãi cỏ rộng làm sân chơi. Lớp học được chia làm ba dẫy bàn kê theo chiều dọc: dẫy ngoài cùng dành cho học trò lớp năm, lớp thấp nhất, dẫy giữa dành cho lớp tư và dẫy trong cùng là dẫy của lớp ba. Mỗi lớp chỉ chừng trên dưới 20 học trò. Bàn ghế của cô giáo đặt đối diện với bàn đầu của dãy giữa. Trên tường treo bức tranh về cơ thể con người dùng cho các môn cách trí. Lớp có 2 bảng đen được đặt ở 2 bên phải và trái. Bảng không đóng cố định vào tường mà có hai chân gỗ., để khi cân cô giáo có thể quay ngược dùng mặt sau của bảng. Cuối phòng là một cái tủ gỗ mộc, trong đó đựng các giáo cụ trực quan. Hai bên tường là những bảng thời gian biểu quy định  riêng cho từng lớp trong tuần. Phòng học có hai cửa ra vào và hai cửa sổ lớn. Hai chiếc cửa sổ này trông ra mảnh vườn trồng rau của ông Cai Miện, một ông già trước kia đi lính, có vóc người cao to và mặt rỗ. 

 Cô giáo đầu tiên của tôi là Phó Thị San. Cô người cao, lẳn, vấn tóc trần. Đến lớp bao giờ cô cũng mặc áo dài mầu nhạt, quần trắng và tay cô xách ví đầm. Cô giáo tôi vào loại đẹp. Chồng cô là y sĩ, phụ trách nhà thương Thượng Phúc (nhà thương của Phủ Xuân Trường nhưng lại đóng ở làng Thượng Phúc) Là y sĩ nhưng dân phố Phủ và cả lũ học trò chúng tôi đều gọi ông là "quan Đốc", tôn ông lên một bậc là Đốc tờ, tức là bác sĩ. Cô giáo San có 2 đứa con gái lớn cũng đang học ở đây là Nguyệt và Nga. 
Hồi ấy chúng tôi học mỗi ngày hai buổi.Vào lớp, ra chơi và tan học theo tiếng trống báo của bác Bếp- ông già coi trường có cái đầu trọc lốc, lưng to và đi hơi gù.
Nghe tiếng trống vào lớp, chúng tôi dù đang chạy nhảy, dù đang tản mát, vẫn lập tức chạy vào xếp hàng đôi để vào, cửa phòng có hai học trò được giao kiểm tra tư thế của chúng tôi. Tà áo dài không cài hết cúc, tóc cặp không gọn ghẽ, hai ống quần không ngay thẳng, bàn tay có vết bẩn... đều được nhắc nhở, uốn nắn và nếu cần, người trực nhật thưa lên với cô giáo để cô giáo phạt. Hình thức phạt đối với người có lỗi ở đây kể cả lỗi không thuộc bài, lỗi gây mất trật tự trong lớp, lỗi thiếu vệ sinh sạch sẽ... là cô giáo bắt quì sau cái bảng đen, hoặc cô dùng thước kẻ gõ lên mu bàn tay. Cứ cuối buổi học chiều chúng tôi lại ra sân tập thể dục, sáng thứ năm hàng tuần những học trò bị ghẻ được đưa xuống bôi thuốc ghẻ ở nhà thương Thượng Phúc. Chúng tôi xếp hàng đôi, đi qua suốt dãy phố Ngọc Cục khoảng một cây số nữa thì đến nhà thương. Chiều thứ bẩy hàng tuần, cô giáo dành ra một giờ cuối để cả lớp nghe đọc chuyện cổ tích được in ở những cuốn sách dành cho trẻ con, gọi là sách hồng. Cũng có lần cô giáo dạy chúng tôi hát. 
Vì cả ba lớp học cùng một phòng cho nên cô giáo của chúng tôi phải soạn ba giáo án, thực hiện nó một cách chặt chẽ cùng một lúc. Ví dụ: mỗi đầu giờ học, cô viết lên bảng cho lớp năm viết tập, cô ra toán cho lớp tư làm, rồi cô đọc chính tả cho lớp ba. Thực hiện cả ba giáo án cùng một buổi học mà không bao giờ gây ra lộn xộn, vẫn đâu vào đấy. Ngay từ lớp năm là lớp đầu tiên, chúng tôi dẫ phải học tiếng Pháp trong giờ từ vựng. Lên lớp tư tập viết chính tả bằng tiếng Pháp. Và lên lớp ba chúng tôi phải dùng tiếng Pháp để làm văn, những bài văn ngắn, phù hợp với trình độ. Trong cả chục môn học khác nhau (số học, lịch sử, địa lí, cách trí, luận, luân lí, ngữ pháp, nữ công...) tôi thích nhất là môn lịch sử. Hồi đó chúng tôi học sử theo cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Nhưng thật ra cuốn sách đó, nhiều nhân vật lịch sử bị xuyên tạc, hoặc bị gán cho những chuyện hoang đường. Ví dụ: Bà Triệu Ẩu, người con gái vùng Triệu Sơn (Thanh Hoá) nổi dậy chống quân Ngô được mô tả là người con gái có cặp vú dài đến ba thước…

Cùng lớp với tôi có Lê Mộng Chi. Mộng Chi là con gái viên tri phủ Xuân Trường, Lê Trọng Thanh. Cô rất xinh, dáng dấp rõ ra con nhà quý phái. Hàng ngày cô tiểu thư con quan ấy đi học luôn luôn mặc áo dài trắng, quần trắng, chân đi giày ba ta, đầu đội mũ cache trắng như con trai. Và mỗi ngày 4 lần đi về đều có vú già đưa và đón, tuy trường học chỉ cách công đường tri phủ khoảng 100 mét. Mộng Chi được ngồi ngay bàn đầu, được cô giáo luôn  để ý đến bài vở và chúng tôi chưa bao giờ thấy Mộng Chi bị phạt vì bất cứ cớ gì...
Thực ra thì Mộng Chi cũng là một trong những học trò giỏi nhất lớp và phần thưởng đối với họ là bức ảnh Thống chế Pêtanh.

Cứ mỗi tháng một lần tôi lại phải xin bà tôi 3 xu để nộp cho lớp trả tiền công cho bác bếp, người bảo vệ, đánh trống và làm vệ sinh cho phòng học của chúng tôi. Khi lên lớp tư, cô giáo bảo  chúng tôi mỗi đứa phải mua một quyển sách giáo khoa dùng cho môn văn, tức là quyển “Quốc văn dự bị” giá 2 hào 4. 
Vào lúc ấy qua bài giảng của cô giáo về cách chống bom hơi ngạt, chúng tôi biết rằng chiến  tranh vẫn đang tiếp diễn ở đâu đó rất xa xôi trên quả địa cầu này. Phủ lỵ Xuân Trường vẫn yên ổn, chỉ có thỉnh thoảng những chiếc máy bay của các nước đồng minh săn đuổi máy bay Nhật bay qua vùng trời ở đây. Hồi đó người ta chưa chế tạo được máy bay phản lực như bây giờ, mà chỉ có máy bay bà già, bay chậm và rất thấp, thấp đến nỗi chúng tôi ngẩng lên nhìn rõ cả mầu cờ sơn dưới cánh máy bay.

 Một hôm vào giờ ra chơi, tôi theo bạn ra bắt chuồn chuồn ở vườn rau nhà ông Cai Miện, bên ngoài cửa sổ lớp học, không may một con chó to xồ ra đớp luôn vào bắp chân bên trái của tôi. Các bạn tôi bỏ chạy, còn tôi đau điếng, khóc ré lên và ngồi bệt xuống đất. Máu ở bắp chân rỉ ra, tôi đau không đi được nữa. Ngay lập tức một chị bạn học ở lớp trên ghé vai vào cõng tôi, chạy qua cầu phủ, mang tôi về nhà bà ngoại. Đó là chị Phin, người làng Thuỷ Nhai, theo đạo Thiên Chúa đang trọ học ở đây... Hồi ấy cả phủ mới có hai trường học, một trường tiểu học chung cho cả nam lẫn nữ và trường con gái là trường tôi đang học. Chỉ có những gia đình có máu mặt, con cái thông minh mới tiền lưng gạo bị cho con lên phố phủ trọ học như chị Phin.

Sau những ngày đau mắt, sức học của tôi yếu dần đi và năm ấy tôi phải đúp lại một năm, không được lên lớp. Vào năm học mới tôi lại vẫn ngồi chỗ cũ, trong khi nhiều bạn đã sang ngồi ở dãy bàn dành cho học trò lớp ba. Và sau do hoàn cảnh gia đình, tôi đã thôi học….                                                        
(Hà Nội năm 1993)

Những tư liệu quý về việc học ở Hành Thiện thời xưa được trích trong Hồi ký của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (1935 - 1994) do gia đình cung cấp nhân dịp trường Tiểu học A Xuân Hồng thực hiện cuốn kỷ yếu về trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...