Đặng Thị Vân Chi
(Nội dung cơ bản đã được đăng trong Kỷ yếu HT quốc tế lần thứ 3 .Việt Nam hội nhập và phát triển, từ tr394 -4I5. )
Phụ nữ Việt Nam do nhưng điều kiện tự nhiên và
xã hội đặc biệt đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào công cuộc dựng nước và
giữ nước trong lịch sử của dân tộc. Những đóng góp quan trọng của phụ nữ đã góp
phần tạo nên vị thế của họ trong gia đình và xã hội. Lịch sử cũng đã từng ghi
lại những chiến công hào hùng của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm
của dân tộc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nho giáo, đặc biệt từ thế kỷ
XIX dưới triều Nguyễn đã khiến cho phụ nữ luôn là một vấn đề của xã hội.
Từ đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của chương trình khai thác thuộc địa của Pháp và ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ Phương Tây, phong trào nữ quyền thế giới, ở Việt Nam đã dần dần xuất hiện vấn đề phụ nữ bên cạnh các vấn đề xã hội khác. Cùng với những thay đổi về các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá... trong xã hội Việt Nam, phụ nữ ngày càng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm tranh thủ của các tổ chức và đảng phái chính trị đương thời. Vì vậy một giải pháp đúng đắn cho vấn đề phụ nữ trong những năm trước 1945 không chỉ là nhân tố đảm bảo cho cuộc vận động giải phóng dân tộc đi đến thành công mà còn giúp cho Việt Nam hoà nhập với thế giới hiện đại.
1.Sự xuất hiện vấn đề phụ nữ trong xã hội Việt Nam trước năm 1945
Cho
tới trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp giữa thế kỷ XIX, Việt Nam
vẫn là một nước phong kiến độc lập với nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông, tự
cấp, tự túc. Phần lớn phụ nữ Việt Nam là
nông dân, thợ thủ công, tiểu thương. Sang đầu
thế kỷ XX, ngay từ khi xuất hiện lực lượng công nhân đầu tiên, phụ nữ cũng đã có mặt
trong đội ngũ những người lao động làm thuê này. Các chương trình khai thác thuộc địa của Pháp đã thu hút hàng vạn phụ
nữ, chủ yếu xuất thân từ nông dân bị phá sản vào làm thuê ở các mỏ than Hồng
Gai, Kế Bào, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy diêm Bến Thuỷ, các đồn điền cao su
Nam Kỳ... Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thuộc địa, của giai cấp công
nhân Việt Nam ,
đội ngũ nữ công nhân cũng tăng lên nhanh chóng. Theo Niên biểu thống kê Đông Dương năm 1939-1940, năm 1908, nữ công nhân
là 6.687 người, chiếm 41% tổng số công nhân. Đến năm 1912, số nữ công nhân tăng
lên 7.500 người chiếm 45 %. Ở một số ngành như ngành dệt tỷ lệ nữ công nhân khá
cao. Ví dụ, nhà máy Dệt Nam Định năm 1900 số công nhân nữ chiếm 66%, đến năm 1937, tỷ lệ nữ công nhân lên tới
71%[1].
Do không được đi học, rất ít nữ công nhân có
trình độ chuyên môn, hầu hết phụ nữ phải làm
những công việc lao động giản đơn. Một ngày làm việc của họ thường kéo dài từ
12 tiếng trở lên như ở nhà máy Diêm Bến Thuỷ, hoặc 15 tiếng như quy định chính
thức của nhà máy dệt Nam Định [Nam phong - 4/1921]. Còn ở mỏ than Kế Bào do
phải đi làm quá xa nên ngày làm việc của họ thường kéo dài tới 20 tiếng [Phụ nữ
tân văn – 26/6/1930]. Mặc dù phải làm việc cực nhọc, vất vả, nhưng đồng lương
của nữ công nhân lại rất thấp, thường chỉ bằng 2/3 lương của công nhân nam vốn
đã rẻ mạt[2],
đã thế lại không có chế độ bảo hiểm. Báo Công
luận cho biết, ở Nhà máy xay (Sài Gòn), lương của một nữ công nhân là 0,2 P
cho một ca làm việc 6 tiếng. Để có thể nuôi sống gia đình, nữ công nhân thường
phải làm việc 3 ca liên tục…[Công luận- 25/5/1932]. Còn ở mỏ than Kế Bào, một
ngày công của phụ nữ không quá 25 xu [Phụ nữ tân văn - 26/6/1930]… Khổ nhục đau
đớn hơn, nữ công nhân còn bị xúc phạm đến phẩm giá và bị khinh rẻ, họ có thể bị
sa thải bất cứ lúc nào.
Ở
nông thôn, phụ nữ nông dân bị đẩy vào cảnh ở đợ, làm thuê, biến thành tá điền
bởi gánh nặng tô thuế. Cùng đường, phụ nữ nông thôn bị đẩy ra thành phố, bổ
sung vào đội ngũ nữ công nhân, đi ở, bán hàng, làm điếm... Năm 1938, ở Hà Nội
ít nhất có khoảng 250 nhà hát cô đầu và số phụ nữ làm nghề mãi dâm lên tới hàng
ngàn người.[3]
Cũng từ đầu thế kỷ XX, một số trường học dành cho nữ sinh đã xuất hiện
ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội và các địa phương. Từ 178 học sinh của
trường nữ học đầu tiên ở Bắc Kỳ, trường Brieux, (cũng là trường nữ học đầu tiên
trên toàn cõi Đông Dương), khai giảng ngày 6/1/1908 tại Hà Nội, đến năm
1930-1931, số nữ sinh là 38.984 người (trên tổng số 292.694 học sinh) và năm
1940-1941 tổng số nữ sinh đã lên tới 85.447 người (trong đó ở Bắc Kỳ có 24.658
người, Trung Kỳ có 15.436 người và Nam Kỳ có 43.353 người) [Báo Đàn bà - số đặc
biệt năm 1941].
Trong các trường nữ sinh này, tiếng Pháp được
học từ lớp dự bị. Ban trung học hoàn toàn dạy bằng tiếng Pháp, mỗi tuần học
sinh chỉ học hai giờ tiếng Việt. Trong trường, học sinh bắt buộc phải nói
chuyện với nhau bằng tiếng Pháp[4].
Có thể thấy rằng chương trình giáo dục như vậy đã làm xuất hiện một tầng lớp nữ
sinh được gọi là nữ sinh tân học (gái mới),
chắc chắn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, với một lối sống thách thức
các quan niệm về đạo đức truyền thống. Hiện tượng các cô gái mới cũng là vấn đề được xã hội quan tâm và thảo luận nhiều trên
báo chí.
Cùng với sự gia tăng đáng kể của số
lượng nữ sinh, đội ngũ nữ giáo viên, nữ trí thức cũng ngày càng đông đảo. Nhiều
phụ nữ đã tốt nghiệp đại học[5],
có người có bằng Tiến sĩ của Pháp như cô Hoàng Thị Nga... Nhìn chung, trừ một
số ít cam lòng làm người nội trợ, còn hầu hết đều hành nghề bằng chính ngành
nghề đã được đào tạo.[6]
Tuy nhiên, trong điều kiện của một xã hội thuộc địa, họ cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào và dù thuộc tầng lớp trên, họ
cũng vẫn bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Theo quy định của năm 1918,
lương của giáo viên nữ thường chỉ bằng 80% lương của giáo viên nam, đôi khi chỉ
hơn 60% so với giáo viên nam.[7]
Sự phát triển của đội
ngũ nữ trí thức này đã tạo nên một thay đổi lớn trong đời sống văn hoá của phụ
nữ, cũng như tạo nên một bước phát triển mới trong việc tiếp nhận những tư
tưởng về nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
Như vậy, bên cạnh những
thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội của các tầng lớp phụ nữ lao động, trong
những năm đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam còn xuất hiện tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản
thành thị gồm những người thợ thủ công, tiểu thương, vợ con các viên chức làm
việc trong các công sở của Pháp và của tư nhân, các nữ công chức (giáo viên,
thư ký, y tá, hộ sinh) và các nữ học sinh…
Những thay đổi trong xã
hội Việt Nam, đặc biệt những thay đổi trong đời sống người phụ nữ, dưới ảnh
hưởng của phong trào nữ quyền thế giới cũng đã tác động tới nhận thức của tầng
lớp trí thức trong xã hội và nhận thức của phụ nữ về quyền của phụ nữ trên tất
cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục…Thời gian này, nhiều cuốn
sách đã được xuất bản tâp trung trình bày, phân tích thực trạng vấn đề phụ nữ ở
Việt Nam. Ví dụ như:
Năm 1928, Đặng Văn Bẩy đã đặt vấn đề Nam
nữ bình quyền vì “thấy phần nhiều đàn bà con gái bị chê bỏ, hiếp đáp,
còn đàn ông con trai lại quý, tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không
khinh, không trọng, không thấp không cao. Ai biết rằng bị người đè ép mình là
thiệt thòi, đau đớn cho mình, thời cũng nên biết rằng đè ép người là làm cho
người phải thiệt thòi đau đớn”[8].
Năm 1929, Phan Bội Châu viết cuốn Vấn đề
phụ nữ đã cho rằng “phụ nữ là một hạng người ở trong loài người, cũng là
một xuất dân ở trong dân nước... muốn nghiên cứu vấn đề về loài người và vấn đề
về quốc dân mà lại bỏ vấn đề phụ nữ, thiệt là khuyết điểm cho nhà luân lý, và
đến khi cải lương xã hội, thiệt là một chốn tệ hại rất to” [9].
Và ông đã đặt vấn đề cần thiết phải vận động phụ nữ và liên kết các đoàn
thể phụ nữ, tạo nên sự thống nhất một lòng để “bẻ đôi gông vô đạo,
chặt đứt xiềng bất nhân”[10].
Năm 1932, Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc viết Vấn
đề phụ nữ ở Việt Nam .
Trong cuốn sách này, các tác giả đã giải thích, phụ nữ Việt Nam xưa chỉ biết có
bổn phận, mục đích sống duy nhất của phụ nữ là làm tròn bổn phận đối với chồng
con, cha mẹ, họ hàng. Mặc dù cho rằng đó là mẫu người đàn bà tiêu biểu cho mọi
thời đại, các tác giả cũng phải thừa nhận hiện nay mọi việc đã thay đổi. Phụ nữ
không muốn bị đàn ông áp chế nữa, “chị em cần phải biết gió mát trời xanh.
Luồng gió tự do đã thổi khắp đám phụ nữ tân thời... trên mảnh đất Việt Nam này, phụ
nữ đã thành một vấn đề rồi đó”[11].
Năm 1938, Cựu Kim Sơn và Văn Huệ viết Đời chị em nhấn
mạnh “vấn đề phụ nữ, một vấn đề gay gắt đòi phải giải quyết ngay, vấn đề phụ nữ, thật vậy là một vấn đề khá
quan trọng”[12].
Trên báo chí vấn đề phụ nữ cũng được quan tâm và thảo
luận khá sôi nổi. Năm 1934, báo Hoàn cầu tân văn ngày 11/8 có nhận xét:
“đã lâu phụ nữ xứ này nổi lên cái phong trào vận động nữ quyền một cách
nhiệt liệt. Những tiếng bình đẳng, bình quyền, giải phóng hàng ngày vang dền
trên diễn đàn. Ngoài việc mở báo làm cơ quan chính thức cho cuộc vận động họ
lại viết sách. Đến như các báo hàng ngày cũng phải dành riêng mỗi tuần một
trương viết về phụ nữ. Như vậy cho biết rằng vấn đề phụ nữ đã chiếm một địa
vị quan trọng ở xứ này.”
Qua những cuốn sách đã xuất bản và
từ những cuộc thảo luận trên báo chí về vấn đề nữ quyền và bình đẳng nam nữ, giải
phóng phụ nữ…có thể thấy nội dung của vấn đề phụ nữ ở Việt Nam tập trung
vào một số vấn đề sau:
- Trước hết đó là vấn đề vai trò của phụ nữ
trong gia đình và ngoài xã hội. Trong điều kiện Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong
kiến thì vấn đề vai trò của phụ nữ trong xã hội còn gắn chặt với vấn đề vai trò
của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh chống lễ
giáo phong kiến.
- Thứ hai là vấn đề quyền của phụ nữ trong các
lĩnh vực văn hoá, giáo dục (giáo dục dành
cho phụ nữ, phụ nữ với văn học và nghệ thuật...); kinh tế (quyền lao động,
quyền hưởng lương ngang bằng và các chế độ bảo hiểm); chính trị (quyền bầu cử
và ứng cử của phụ nữ) …
- Thứ ba là vấn đề giải phóng phụ nữ khỏi
lễ giáo phong kiến, quan niệm về trinh tiết, vấn đề thủ tiết của phụ nữ goá
chồng, vấn đề hôn nhân tự do, nạn đa thê và tảo hôn...
- Thứ tư là đạo đức phụ nữ: Vấn đề các cô gái mới, vấn
đề mãi dâm ..., thế nào là người phụ nữ lý tưởng thích hợp với xã hội mới.
Như vậy, rõ ràng vấn đề phụ nữ là một vấn đề của lịch sử Việt Nam cận hiện đại, là vấn đề của cuộc vận động
xã hội, vận động giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam thời kì trước
năm 1945. Trong bối cảnh vận động nữ quyền trên thế giới những năm đầu thế kỷ
XX, vấn đề phụ nữ ở Việt Nam
không chỉ mang yếu tố nội tại mà còn là vấn đề mang tính thời đại.
Trong
tình trạng vấn đề phụ nữ ngày càng trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của
giới trí thức cũng như dư luận toàn xã hội thì giải pháp cho vấn đề phụ nữ rõ ràng là
điểm then chốt để nhận rõ sự khác biệt cũng như tính ưu việt trong các cương
lĩnh chính trị của các tổ chức và khuynh hướng chính trị đương thời. Tuy nhiên,
những đề nghị về giải pháp cho vấn đề phụ nữ ở Việt Nam tùy thuộc vào nhận thức về vai trò và địa vị
của phụ nữ trong xã hội.
2. Quan điểm của các tổ chức và khuynh hướng chính trị
đương thời về vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội
Sau chiến tranh Thế
giới I năm 1918, tại Việt Nam hình thành một số khuynh hướng và đảng phái chính
trị của tiểu tư sản và tư sản. Các tổ chức chính trị này tuỳ theo mục tiêu
chính trị của mình mà có các quan điểm khác nhau về vai trò của phụ nữ.
Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam
phong, sau trở thành Thượng thư bộ học trong triều đình Huế - người cùng với
Bảo Đại chủ trương thi hành trở lại Hiệp ước 1884, hô hào “quốc quyền”, “lập
hiến”, “thống nhất quốc gia” tuy đánh giá cao phụ nữ Việt Nam là “vốn có
tiếng giỏi về đường kinh tế. Cuộc thương nghiệp trong nước phần nhiều là ở
trong tay đàn bà. Dẫu cả thế giới không đâu có cảnh rất đáng kính đáng phục là
cảnh vợ nuôi chồng đi học… Phụ nữ một mình tần tảo mà cung cấp cho cả một nhà,
trên là cha mẹ, dưới lũ con” (Báo Nam Phong, 10/1917), nhưng lại chỉ hướng
tới phụ nữ thượng lưu. Theo ông “đối với đàn bà con gái thì chủ nhất là
gây lấy cái nhân cách hợp tình thế trong xã hội”. Trước những thay đổi của
xã hội, ảnh hưởng của văn hoá Pháp ông cho rằng phụ nữ thượng lưu có thể
tham gia vào việc đổi mới xã hội, đó là sự Âu hoá, nhưng nên từ trong gia đình
“lấy gia đình mình làm gương”, với các hoạt động từ thiện, cứu tế, bảo
anh…lập các “sa lông tiếp các danh sĩ đàm đạo việc đời, việc nước” để
“mong từ đó ảnh hưởng đến cuộc tiến hoá của dân tộc Việt Nam” (Báo Nam
Phong, 10/1917).
Những
người đại diện cho khuynh hướng quốc gia cải lương của giai cấp tư sản như
Bùi Quang Chiêu, thủ lĩnh của Đảng Lập hiến và Nguyễn Phan Long - thì đều coi “phận
sự của đàn bà là ở trong nhà” (Bùi Quang Chiêu, Phụ nữ Tân Văn, ngày
20/6/1929) hoặc “thiết tưởng đàn bà chỉ nên trọn đạo làm kẻ nội trợ”
(Nguyễn Phan Long, Phụ nữ Tân Văn,
ngày 11/7/1929) nên cho rằng phụ nữ chẳng cần tham gia công tác xã hội,
chẳng cần đòi bình quyền và giải phóng phụ nữ. Theo họ, phụ nữ không được bình
đẳng với nam giới là do phụ nữ, “vì tư cách của họ, không phải lỗi của ai.”
Mục tiêu chính trị của giai cấp tư sản mà Bùi Quang Chiêu đại diện là đòi
chính phủ Pháp nới rộng quyền tự do dân chủ ở Đông Dương, cho tư sản bản xứ
tham gia nhiều hơn vào các Hội đồng thuộc địa. Do vậy, ông ta phản đối phụ nữ
đòi quyền bình đẳng với nam giới, ông sợ rằng giúp cho phụ nữ đòi bình quyền là
giúp họ “trở thành kẻ phản đối… từ trong gia đình tới ngoài xã hội (Phụ
nữ Tân văn, ngày 20/9/1929).
Nhìn chung, các tổ chức và khuynh hướng
chính trị trên đều không đề cập đến việc giải phóng dân tộc và cho rằng phụ nữ
chỉ nên làm phận sự trong gia đình.
Riêng Phan Bội Châu - người chủ trương giành
độc lập dân tộc bằng con đường đấu tranh vũ trang - đã vượt lên trên những người
cùng thời không chỉ về quan điểm chính trị, mà trong cả việc nhận thức về vấn
đề phụ nữ. Ông đã đi từ tư tưởng quân chủ, tới tư tưởng dân chủ tư sản rồi
bắt đầu tiếp cận với tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phan Bội Châu đánh giá đúng
vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đầu thế kỷ
XX. Tuy nhiên, từ 1925, Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế, các hoạt động của ông
mới chỉ dừng lại ở các bài phát biểu, các tập sách tuyên truyền, còn những ý tưởng
về tổ chức và liên kết phụ nữ được ông trình bày trong cuốn “Vấn đề phụ nữ”
xuất bản 1929, chưa được đưa ra thực thi trong thực tiễn cách mạng.
Việt Nam Quốc dân Đảng là một Đảng cách
mạng của giai cấp tiểu tư sản và trí thức yêu nước tiến bộ ra đời năm 1927
trên cơ sở của nhóm Nam Đồng thư xã. Chủ trương của Đảng là làm cách mạng dân
tộc, đánh đuổi Pháp và lật đổ nền quân chủ chuyên chế nhằm thiết lập một thể
chế chính trị cộng hoà. Tuy nhiên, Việt Nam Quốc dân Đảng lại không có cơ sở
trong quần chúng lao động. Mặc dù theo điều lệ ban đầu của Việt Nam Quốc dân
Đảng thì phụ nữ được tự do vào đảng nhưng phải sinh hoạt trong chi bộ riêng.
Sau này vì một lý do nào đó mà Việt Nam Quốc dân Đảng đã không cho phép phụ nữ
vào Đảng, chỉ tập hợp họ trong đoàn thể riêng gọi là Việt Nam Phụ nữ đoàn (trừ
một chi bộ phụ nữ có từ trước là chi bộ có
Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang tham gia.) Theo Điều lệ của “Việt
Nam Phụ nữ đoàn” thì mục đích của đoàn thể này là:
1. Cộng tác với
các đồng chí nam giới để thực hiện cách mạng dân tộc.
2. Xây dựng một tập
đoàn cộng hoà dân chủ.
Các mục đích trên cho thấy Việt Nam Quốc dân
Đảng đã chú ý đến việc tổ chức, thu hút phụ nữ, nhưng chưa trở thành một chủ trương vận động phụ
nữ với những yêu cầu riêng của họ.
Ngày 3/2/1930 (theo báo chí
cách mạng trước 1945 là ngày 6/1/1930). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương
Cảng, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính
cương vắn tắt của Đảng[14] nêu rõ mục tiêu
của Đảng là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới
xã hội cộng sản” và “ nam nữ bình quyền” - là một trong mười ba chủ
trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là một trong mười mục tiêu được nhắc tới
trong Lời kêu gọi[15] của lãnh tụ
Nguyễn Ấi Quốc nhân dịp thành lập Đảng. Luận cương chính trị năm 1930[16] của Đảng Cộng
sản Việt Nam cũng nêu rõ một trong mười “nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư
sản dân quyền” là thực hiện “nam nữ bình quyền”. Án Nghị quyết
của Trung ương toàn thể hội nghị tháng 10/1930 về công tác Phụ nữ vận
động đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về vai trò của phụ nữ trong cuộc
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo. Từ chỗ xác định phụ nữ là
một lực lượng quan trọng chiếm “một phần lớn trong giai cấp vô sản”, họ
không những bị tư bản và phong kiến bóc lột mà còn bị bó buộc bởi phong tục và
lễ giáo phong kiến, họ “không có một chút tự do nào hết”, nếu họ được
giác ngộ thì sẽ rất hăng hái tham gia cách mạng và trở thành “một cái lực
lượng rất trọng yếu” , nghị quyết
của Đảng khẳng định: “Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào
những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”.
Khẳng định vai trò to lớn và có tính quyết định của phụ nữ trong cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân nên Đảng Cộng sản Việt Nam coi công tác vận động
phụ nữ là một “nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu.”[17] Đây là một trong
những điểm khác nhau căn bản giữa Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính
trị đương thời.
Trong những năm 20-30 của thế kỳ XX, khi vấn đề phụ nữ trở thành vấn đề
gây bức xúc trong dư luận xã hội, hầu hết các trí thức đều lên tiếng bày tỏ
thái độ về vấn đề này và đưa ra những giải pháp cho vấn đề phụ nữ ở Việt Nam. Nhìn
chung, có thể chia các đề xuất này thành hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ
nhất chấp nhận chế độ thuộc địa, chủ trương vận động phụ nữ trong khuôn khổ của
chế độ thuộc địa. Khuynh hướng này do các trí thức, các nhà báo, những nữ trí
thức tư sản và tiểu tư sản chủ trương và mang màu sắc của cuộc vận động nữ quyền tự do. Khuynh
hướng thứ hai là khuynh hướng hướng tới một cuộc vận động cách mạng giải phóng
dân tộc, xây dựng một xã hội mới do những trí thức yêu nước, những Đảng viên
cộng sản chủ trương.
3. Giải pháp cho vấn đề phụ nữ trong khuôn khổ của xã
hội thuộc địa.
* Đẩy mạnh giáo
dục cho phụ nữ
Dưới chế độ phong kiến, phụ nữ chưa
bao giờ được đi học. Do đó, vấn đề giáo dục cho phụ nữ được đặt ra từ khá sớm
và được hầu hết các trí thức coi là giải pháp cho vấn đề phụ nữ ở Việt Nam. Nhưng giáo dục phụ nữ như thế nào tùy thuộc vào
quan niệm về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Những người cho
rằng vị trí của phụ nữ là ở trong nhà, lo tề gia nội trợ, giúp đỡ chồng con,
thì mục tiêu của việc giáo dục cho phụ nữ là để phụ nữ làm tốt công việc nội
trợ của mình, cũng như có thể nuôi dậy con cái tốt hơn. "Con gái phải học để nhân cách hoàn toàn”
[Giáo thụ phủ Hoài Đức Ngô Đình Tỵ]. Những người như Ngô Đình Tỵ, Nguyễn Bá
Học, Vũ Ngọc Liễn, Trịnh Thu Tâm, Thân Trọng Huề, Trần Thúc Cáp…[18] cho rằng các môn
khoa học cũng cần, nhưng “cần nhất là
chuyên dậy “tam tòng”, “tứ đức”, các việc đàn bà trong nhà”…Và theo các
ông, hiện nay các trường Pháp - Việt dạy học bằng tiếng Pháp sẽ mất nhiều thời
gian hơn là dạy bằng tiếng Việt. Các ông băn khoăn chương trình giáo dục kiểu
phương Tây quá mới mẻ sẽ không phù hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam,
vì nếu “học mới mà không đến nơi đến chốn
trong khi phá bỏ học cũ thì sẽ dựa vào cái gì để tồn tại?” [Nam
phong-10/1920].
Những người thấy
được xu thế mới của thời đại, ủng hộ nữ quyền và đánh giá cao vai trò của phụ
nữ trong gia đình và xã hội thì chọn giải pháp chắt lọc tinh hoa của cả hai nền
văn minh để giáo dục. Bà Đạm Phương quan niệm “đức hạnh là gốc của sự học vấn” nhưng do tình hình hiện nay đã thay
đổi, “sự cạnh tranh có tính nhân loại, muốn làm gì cũng phải có tri thức. Mà
phụ nữ chiếm số đông” nên phụ nữ càng cần phải học.[Nam phong-1/1921]. Còn Tân Dân chủ trương: “học thuật
mới mình không bỏ sót, tinh tuý cũ mình không bỏ qua, cả hai đàng mình đã hiểu
thấu thì lo gì không đủ tư cách hoàn toàn để xử trí với đời” [Tân dân-8/1/1925]
Với
quan niệm cho rằng vị trí của phụ nữ là ở trong gia đình, việc giáo dục phụ nữ
là cần thiết, nhưng chủ yếu là để phụ nữ làm tốt vai trò làm chủ gia đình, giúp
chồng, nuôi con thì chương
trình học tập của nữ sinh trong các trường Pháp - Việt dường như không làm hài
lòng các nhà giáo dục và các bậc trí thức trong xã hội.Vì vậy, một vấn đề quan
trọng trong việc giáo dục cho phụ nữ là sách giáo khoa cho phụ nữ. Theo David
Marr thì sau cuốn “Nữ học luân lý tập đọc” của Phan Đình Giáp năm 1918, có
khoảng
25 cuốn sách giáo khoa được xuất bản với số lượng phát hành khoảng 1000 tới
5000 bản cho mỗi cuốn, thậm chí có cuốn tới 10.000 bản[19].
Hầu hết các cuốn sách đều nhằm dạy cho nữ sinh công việc nội trợ và thái độ
phục tùng, ý thức làm người nội trợ trong gia đình. Cuối những năm 1920, bắt
đầu xuất hiện những cuốn sách giáo khoa với ý thức giáo dục tinh thần dân tộc
cho nữ giới như cuốn Nữ sinh độc bản của Trịnh Đình Rư ở Hải Phòng xuất
bản năm 1926.[20] Năm 1927, Phan Bội Châu viết Nữ quốc dân tu
tri xuất bản ở Huế cũng kín đáo nhắn nhủ phụ nữ cần phải có trách nhiệm đối
với đất nước.
Các
nhà ngôn luận đề nghị
cần phải bớt giờ học tiếng Pháp và tăng thêm số giờ học chữ
quốc ngữ và nữ công gia chánh trong chương trình giáo dục. Một mặt, điều này phản ánh sự lo ngại về việc học tiếng Pháp sẽ làm cho phụ nữ chịu
ảnh hưởng văn hoá Phương Tây nhiều hơn và làm mất đi đạo đức Nho phong vốn được
đa số trí thức coi là giá trị quan trọng của nền văn hoá truyền thống, mặt
khác, cũng phản ánh chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ, xây dựng và phát triển
một nền quốc văn nhằm “gây cái hồn nước
độc lập cho quốc dân” của các trí thức có tinh thần dân tộc. Với các tác
giả này, vấn đề nữ quyền luôn gắn với vấn đề nữ học và phải gắn với việc giữ
gìn đạo đức Nho phong.
Sang
những năm 1930, cùng với sự phát triển của phong trào phụ nữ thế giới, sự lớn
mạnh và ngày càng có vai trò trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính
trị của tầng lớp tư sản và trí thức tiểu tư sản thành thị Việt Nam, cuộc vận
động phụ nữ trở nên sôi nổi hơn, đặc biệt với sự xuất hiện của dòng báo phụ nữ
và đội ngũ phụ nữ trí thức[21]
tham gia vào công tác xuất bản báo, viết báo, khởi xướng các phong trào phụ nữ.
Họ tổ chức Hội chợ phụ nữ, tổ chức
diễn thuyết, viết nhiều bài báo cổ động phong trào phụ nữ theo khuynh hướng nữ
quyền tự do, tập trung vào các vấn đề như Nữ học, phụ nữ chức nghiệp...
Để cổ động cho việc giáo dục phụ nữ,
nhiều ý kiến đề nghị thành lập các Nữ lưu học hội. Nhiều phòng đọc sách
cho phụ nữ cũng xuất hiện như: Phòng đọc sách của Nguyễn Thị Trãng, Nguyễn Thị
Phương Hoa ở Sài Gòn, phòng đọc sách của bà Hoàng Đắc Vinh ở Faifo (Hội An)...
[Hoàn cầu tân văn -15/9/1934] Trong đó, nổi bật nhất là Nữ lưu thư quán
của Phan Thị Bạch Vân ở Gò Công. Nhà sách này đã xuất bản nhiều sách có khuynh
hướng cổ vũ lòng yêu nước của phụ nữ. Nhiều cuốn bị chính quyền thực dân liệt
vào hàng sách cấm và cuối cùng, sau khi xuất bản cuốn Nữ anh tài, Phan
Thị Bạch Vân phải ra toà ngày 10/2/1930 với tội danh “mượn văn chương xúi đàn bà làm quốc sự cũng như đàn ông. Tuy là cô xúi
đàn bà, nhưng cô có ý khuyến khích đàn
ông nên tận tuỵ lo về quốc gia, chủng tộc”. Nhà sách bị đóng cửa [Thần
chung -6,14/2/1930], độc giả ở các nơi gửi thư về toà soạn Đông Pháp thời
báo để động viên nhà sách chứng tỏ ảnh hưởng khá sâu rộng của nhà sách
trong nhân dân.
*Đẩy mạnh phụ nữ chức nghiệp.
Vấn đề nghề nghiệp cho phụ nữ cũng được nhiều người coi là một yếu tố
quan trọng để mang lại quyền bình đẳng cho phụ nữ, “là một cái chìa khoá mở cửa phụ nữ giải phóng” [Zân báo
-14/10/1933]. Chính vì vậy, đây cũng là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan
tâm, đồng thời cũng gây nên nhiều cuộc tranh luận và các báo đều
đăng tải nhiều bài về vấn đề này.[22] Những người khởi xướng phong trào này xuất
phát từ thực tế có nhiều phụ nữ tư sản, tiểu tư sản thành thị là vợ con các
công chức, không làm việc, dùng thời giờ nhàn rỗi để tiêu khiển bằng những thú
vui vô bổ như đánh bài, hầu đồng, đọc tiểu thuyết tình... đã hô hào phụ nữ cần phải tham gia vào nền
sản xuất xã hội, coi nghề nghiệp cho phụ nữ là cách giải phóng tốt nhất, là
giải pháp cho vấn đề phụ nữ ở Việt Nam.
Trong
khuynh hướng cổ động phụ nữ cần có nghề nghiệp để tự lập, nuôi bản thân
mình và gia đình, cũng như tham gia vào việc sản xuất ra của cải cho xã hội,
báo Phụ nữ tân văn đã giới thiệu nhiều tấm gương phụ nữ kinh doanh thành
công. Báo ra ngày 5/10/1933 đã có bài giới thiệu gương bà Lê Thị Ngọc, một phụ
nữ goá chồng khi còn trẻ, nhà nghèo, một nách nuôi ba con nhỏ. Năm 1919, nhân
phong trào tẩy chay Hoa kiều đã đứng ra kinh doanh tiệm trà, cà phê, hủ tiếu
vốn là những mặt hàng trước đây do Hoa kiều độc quyền kinh doanh. Chỉ trong
vòng hơn mười năm, công việc kinh doanh của bà đã phát triển thành một hệ thống
các nhà hàng mang thương hiệu Đức Thành Hưng trên địa bàn từ Sài Gòn lên Thủ
Dầu Một. Bà được tôn vinh là bà Hoàng hậu cà phê, hủ tiếu. Báo ra ngày
2/11/1933 lại giới thiệu bà Thạch Thị Mậu - vợ của chủ báo Đông Pháp thời
báo (Sài Gòn) Nguyễn Kim Đính. Bà nổi tiếng không chỉ buôn bán giỏi mà còn
giúp chồng “trả nợ để cứu lấy toà báo”
khi tờ báo gặp khó khăn về tài chính. Bài báo nhận xét: “Bà trông nom giữ gìn cái nhà in của bà vững vàng luôn” vì “bà có cái tư cách một nhà kinh doanh, có
chí, cần kiệm, siêng năng của phụ nữ ta đời xưa, cho nên mới làm nổi cơ đồ, giữ
vững sự nghiệp như thế”....
Để khuyến khích phụ nữ tham gia lao động xã hội, Phụ nữ Tân văn còn tổ chức Hội chợ phụ nữ (tháng 5-1932) để giới
thiệu các sản phẩm do phụ nữ làm ra. Bà Đạm Phương thành lập Hội nữ công ở Huế để dạy nghề cho phụ
nữ. Học theo bà, nhiều phụ nữ trí thức khác cũng lập các Hội nữ công ở các tỉnh
như Hội Nữ công ở Gò Công, Hà Nội, Đà
Nẵng, Nam Định…Năm 1941, bà Đạm Phương đánh giá, nhờ có Hội nữ công này mà các
sản phẩm thủ công của phụ nữ Huế được đánh giá rất cao…
Những người cộng sản phê phán việc coi phụ nữ chức nghiệp là biện pháp
để giải quyết vấn đề phụ nữ dựa trên thực tế đa số phụ nữ Việt Nam từ trước đến
nay đều giữ vai trò quan trọng trong nền sản xuất xã hội, và khẳng định rằng dưới
chế độ thuộc địa hiện nay, vấn đề chức nghiệp của phụ nữ phải là vấn đề bình
đẳng về tiền lương, điều kiện làm việc, chế độ bảo hiểm, phụ cấp khi thai sản,
đau ốm… Và họ chủ trương vận động phụ nữ tham gia vào cuộc vận động đòi dân
sinh dân chủ, cũng như tham gia vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
chung của toàn dân tộc.
* Thực hiện quyền chính trị của phụ
nữ một cách gián tiếp
Một điều
đáng lưu ý là hầu hết các ý kiến về vấn đề phụ nữ trên báo chí công khai thời
kì này đều né tránh vấn đề quyền chính trị của phụ nữ, thậm chí cuối những năm
1920, khi bàn về nữ quyền nhiều tác giả cho rằng quyền bình đẳng nam nữ không
có nghĩa là bình đẳng về chính trị, “sự bình đẳng chính trị là ảo tưởng”
“đàn bà dùng không có lợi”[Nam phong -6/1927].
Năm 1932, trước sự kiện xứ thuộc
địa Nam Kỳ được cử một đại biểu sang thượng nghị viện thuộc địa ở Pa ri, giới
trí thức Việt Nam có cuộc thảo luận sôi nổi về chế độ tuyển cử ở Nam Kỳ. Cũng
trong dịp này lần đầu tiên Nguyễn Văn Tạo - một chiến sĩ cộng sản - đã đưa ra
yêu cầu Nam nữ phổ thông đầu phiếu trên tờ báo Trung lập và trong
cuộc diễn thuyết ở Tân Định với sự tham gia của khá đông giới trí thức đại diện
cho nhiều tờ báo ở Nam Kỳ như Diệp Văn Kỳ, Hoàng Tân Dân, Nguyễn Phan Long...
Đề xuất này của Nguyễn Văn Tạo bị các báo phê phán là nghe sướng tai nhưng “Bất
thức thời vụ” vì theo như Hoàng Tân Dân trên báo Công luận thì ở
Pháp phụ nữ còn chưa có quyền bầu cử mà ở Việt Nam đòi quyền này là khó thực
hiện [Công luận -1/7/1932]. Hay như Đuốc nhà Nam cho rằng việc yêu cầu
nam nữ phổ thông đầu phiếu ở xứ này là chưa được vì trình độ dân trí còn thấp
[Công luận -2/7/1931]. Trong bối cảnh đó, họ kêu gọi phụ nữ hãy “bỏ thăm” một cách gián tiếp “bằng
cách chỉ trích những nhóm người buôn dân, bán nước và trái nghịch với lợi quyền
của toàn thể nữ lưu. Chị em lại còn có thể biểu đồng tình với chương trình ứng
cử nào nhận tán thành các điều yêu cầu của phụ nữ về chức nghiệp, về sự nữ học
về sự bảo hộ phụ nữ lao động” hoặc khuyên nhủ chồng con hãy bầu cho những
người đủ tư cách...Cũng nhân vấn đề này, các nhà báo cộng sản đã viết nhiều bài
tố cáo chế độ thực dân và trình bày thực trạng đời sống của phụ nữ trong xã hội
thuộc địa.
* Vận động giải phóng phụ nữ
khỏi các ràng buộc của lễ giáo phong kiến.
Chủ trương giải phóng phụ nữ thoát khỏi
những ràng buộc của lễ giáo phong kiến là giải pháp được sự ủng hộ của nhiều
nhóm trí thức và khuynh hướng chính trị đương thời. Những người cộng sản, những
người cấp tiến, và cả những người thấy được sự phi thực tế của phong trào nữ
quyền tư sản như Phan Khôi và Diệp Văn Kỳ... đều ủng hộ việc giải phóng phụ nữ
khỏi các ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Không thể giải quyết vấn đề phụ nữ
bằng luật pháp trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa, họ quay sang bênh vực
quyền của phụ nữ trên khía cạnh đạo đức. Đó là việc kiểm tra lại các nguyên tắc
đạo đức phong kiến đối với phụ nữ như: Quan niệm về chữ trinh, luật tam tòng có
còn phù hợp?, Đàn bà goá có nên tái giá hay chế độ đa thê... Đặc biệt, sau một
loạt vụ tự tử của nam nữ thanh niên ở cả hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội,
trên báo chí, các tác giả thảo luận nhiều về chế độ đại gia đình, vấn đề hôn
nhân tự do và tự do cá nhân…
Các tác
giả, đặc biệt là Phan Khôi, đã đi từ việc kiểm tra lại học thuyết Nho giáo đối
với phụ nữ như: quan niệm về trinh tiết, vấn đề quyền tái giá của phụ nữ goá
chồng, nguyên tắc “tam tòng”, “tứ đức” trong xã hội ngày nay.... Ông cho rằng từ quan niệm chữ trinh với ý
nghĩa trinh tiết tới việc cấm phụ nữ goá chồng tái giá cũng chỉ bắt đầu từ thời
Tống Nho do một câu nói của Trình Hy “chết
đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Theo ông, chính xuất phát từ tính
ích kỷ của đàn ông đã làm hình thành cái luật bất công vô đạo đó. Hoặc trường
hợp người phụ nữ góa chồng vì sinh nhai mà phải cải giá, mặc dù có công nuôi
dạy con cái thành đạt, nhưng họ cũng không bao giờ được thờ chung với chồng
mình. “Vậy thì... cái luật cấm đàn bà cải
giá là bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi của đàn bà mà không bổ ích gì cho
phong hoá nên trừ đi là phải” [Phụ nữ tân văn–13/8/1931].
Mục Lời bạn gái
của báo Công luận cũng Bàn về chữ trinh [Công luận -3/4/1932] cho
rằng ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, nhiều chị em buộc phải “thất trinh” để tồn
tại nên không thể lấy trinh tiết làm chuẩn mực để đánh giá được vì “đàn bà thất trinh tiết là tự nơi xã hội vô giáo dục” [Công luận -18/3/1934].
Từ
việc nhìn nhận lại quan niệm về trinh tiết, lên án việc bắt phụ nữ goá chồng
phải ở vậy thủ tiết thờ chồng, báo chí cũng xem xét lại thuyết “tam tòng” đối
với phụ nữ và đều cho rằng thuyết này không còn phù hợp nữa. Phan Bội Châu
trong bài trả lời phóng vấn của báo Phụ nữ tân văn cũng cực lực phản đối
luật “tam tòng” và chế độ đa thê [Phụ nữ tân văn-18/5/1934]. Còn báo Công
luận phân tích: Chữ “tùng” đã đặt phụ nữ vào một địa vị thụ động. Quan niệm
giam cầm phụ nữ trong cuộc đời phụ thuộc đã không còn thích hợp với thời đại
này nữa. Và bài báo đã mượn câu nói trong tác phẩm nổi tiếng của John Stuart
Mill làm kết luận của mình: “Đàn ông bắt
đàn bà phục tùng là một điều trái với nhân đạo và công lý” [Công luận
-5/5/1932].
Báo chí có nhiều bài ủng hộ hôn nhân tự do là hôn nhân vì tình yêu. Họ cho
rằng các vụ tự tử ở cầu Thị Nghè, Bình Lợi trong Nam hay ở hồ Hoàn Kiếm và hồ
Trúc Bạch ngoài Bắc là sự phản đối một chế độ sát nhân gián tiếp, tức là chế độ
hôn nhân. Hôn nhân tự do được coi là giải pháp cho vấn đề gia đình khủng hoảng,
vấn đề thanh niên tự tử trong các đô thị lớn. Tự do kết hôn còn là khẩu hiệu
trong các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì vậy, đôi khi phong trào cách
mạng của nông dân và công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được đồng
nhất với phong trào đòi tự do kết hôn, phong trào giải phóng phụ nữ.
* Vấn đề các cô gái
mới và việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng –sự trăn trở trong việc lựa
chọn, từ bỏ di sản gì và tiếp thu cái mới nào.
Một
hệ quả tất yếu của tiếp xúc văn hoá Đông-Tây và ảnh hưởng của văn minh kỹ thuật
tư bản là những thay đổi trong đời sống xã hội đô thị, đặc biệt là của phụ nữ.
Đó là sự xuất hiện của tầng lớp phụ nữ là vợ con của những công chức làm việc
cho chính quyền thực dân, những người làm các công việc dịch vụ, đặc biệt là sự
xuất hiện của những cô gái “gái mới”... mà ảnh hưởng của lối sống phương Tây và văn minh tư sản đã đe dọa sự vững chắc của các
gia đình truyền thống, cũng như những quy tắc đạo đức Nho giáo từng tồn tại
hàng nghìn năm trong nhận thức của các trí thức phong kiến Việt Nam. Nhiều tác
giả đã bày tỏ thái độ phê phán những thay đổi của phụ nữ thành thị và phụ nữ
tân học, những người tiếp thu nhanh nhất lối sống tư sản và văn hoá phương Tây
dưới nhiều hình thức: các bài luận văn, truyện ngắn, các bức thư... như Gái đời nay [Nanm phong-7/1929] và Nợ
duyên trong mộng [Nam phong-8/1929] của tác giả Vân Hương, Giấc
chiêm bao của người thiếu nữ [Nam phong-12/ 1927]...
Dưới con mắt phê phán của các tác giả thì trừ
phụ nữ lao động ở thôn quê ra, hầu hết phụ nữ đô thị đều không xứng đáng là “vợ
hiền dâu thảo”. Với quan niệm cùng với việc học tập phải trau dồi
đức hạnh, và công việc chính của người phụ nữ là chăm sóc gia đình, họ cho rằng
phụ nữ “dẫu hay chữ” “mà không thạo việc gia đình, sành việc nội trợ” “cũng
vất đi”. Tác giả cũng phê phán
các cô gái tân học nhiễm cái lối “tây quá”, “quá ư văn minh”,
“quá ư tự do” [Nam phong- 7/1929].
Chính vì vậy hình ảnh
các cô “gái mới”, “gái tân thời”, “tân nữ lưu” thường bị phê phán gay gắt. Họ thường bị coi là một
lớp người điển hình cho sự suy đồi phong hoá, là kết quả của phong trào phụ nữ
giải phóng. Những ý kiến phản đối nam nữ bình quyền và giải phóng phụ nữ thường
lấy họ làm ví dụ.
Sự xuất hiện
của các “cô gái mới” cũng là lý do để nhiều người phê phán phong trào nữ quyền
dưới danh nghĩa bảo vệ phong hoá.
Trong bài Đạo đức luận [Nam phong-3/1919]
Phạm Quỳnh lo lắng “ngày nay người đàn bà không phải là người chủ trì gia
đạo, coi sóc việc nhà mà thành vật trang hoàng, phô bày nơi đàng điếm, cũng có
khi làm cái đại giá để mua chuộc mối lợi quyền - Gia đình đã hỏng thì xã hội
vững sao được”. Theo một số
tác giả, nếu không học theo mới đến nơi đến chốn được thì tốt nhất là hãy giữ
lấy cái thuần phong mỹ tục của ta [Công luận-1/4/1927]
Vì vậy
việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng cho phụ nữ noi theo là một vấn đề
được dư luận khá quan tâm.
Ngay từ khi mới ra
đời, Phụ nữ tân văn đã tổ chức cuộc thi Kiều nên khen hay nên chê
và Cuộc thi văn chương phụ nữ đức hạnh. Mục đích của hai cuộc thi này là
luyện tập khả năng bình luận, đánh giá và tập viết văn cho phụ nữ, nhưng qua đó
cũng phản ánh quan niệm về đạo đức phụ nữ. Kết quả của cuộc thi cho thấy trong
thời kì trước năm 1929, hình ảnh người phụ nữ lý tưởng theo quan niệm Nho giáo
với đủ “tam tòng”, “tứ đức” vẫn chiếm ưu thế.[23]
Vào giữa thập niên 30, phong trào nữ quyền trên
thế giới phát triển mạnh mẽ ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam đang có nhiều biến chuyển.
Trình độ của phụ nữ cũng được nâng cao đã khiến cho dư luận xã hội và giới báo
chí phải nhìn nhận lại hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, một sự đánh giá lại thế
nào là “gái cũ” và “gái mới”. Các tờ báo phụ nữ đều mong muốn tìm cách gây nên
một hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng có thể dung hoà được những truyền thống
tốt của phụ nữ phương Đông với tinh hoa của văn minh phương Tây[24].
Các bài báo này đã cố gắng phân biệt loại “gái mới” vỏ và “gái mới” thật
sự, không coi tất cả gái mới đều là hạng đáng phê phán. Văn Tâm ở báo Đông
Pháp cho rằng một người đàn bà mới phải vừa là một người vợ đảm đang trong
gia đình, vừa là một người hoạt động ngoài xã hội [Đàn bà mới-24/8/1936]. Theo
tác giả, người đàn bà mới “Trước khi nhận ra nhiệm vụ của mình trong xã
hội... cần phải hiểu mình có sống. Đó là bổn phận trọng yếu nhất: bổn phận làm
người. Người “đàn bà mới” thật sự cũng không thua các chị em xưa về sự quán xuyến trong gia đình. Hơn nữa người
“đàn bà mới” biết trông xa, hiểu rộng, rõ địa vị trách nhiệm mình trong xã hội”
[Đàn bà mới-24/8/1936].
Sự kiện cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương
Hoàng hậu được coi là kết quả vẻ vang của bạn tân nữ lưu- những cô gái có học
thuật cao nhưng vẫn giữ được “tư cách con
nhà Hồng Lạc”. Tú Hoa cho rằng: nếu cô Lan không phải là một cô gái tân
thời, có đi học Tây, hấp thụ cái không khí văn minh, thâu thái được cái tinh
thần châu Âu và nhất là không được tự do giao thiệp thì chưa chắc ngôi hoàng
hậu đã dành sẵn cho cô. Điều này càng khẳng định xu thế hiện nay ngay cả phụ nữ
cũng không thể không chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Do đó, “Chị em
nên ráng học, học cao chừng nào, hay chừng ấy và dù học cao đến đâu cũng ráng
giữ được cái tinh thần của người dân Việt Nam ” [Hoàn cầu tân văn-12/4/1934].
Trong những năm
1930, hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng dưới ảnh hưởng của phong trào đòi nữ
quyền và giải phóng phụ nữ trước hết phải là người đàn bà mới thật sự, là người
biết kết hợp hài hoà giữa những yêu cầu đạo đức truyền thống “mẹ hiền vợ đảm”
với những đòi hỏi của xã hội hiện đại văn minh, của phong trào nữ quyền. Đó là người
phụ nữ có nghề nghiệp để có thể tự lập; có học vấn để dạy con theo khoa học;
bình đẳng với chồng và tham gia các hoạt động xã hội; biết đứng ra bênh vực
quyền lợi cho phụ nữ, dìu dắt, khuyên nhủ, cổ động họ cho được bình đẳng với
nam giới, cũng như can thiệp vào việc bất bình đẳng trong xã hội [Phụ nữ tân
văn-23/11/1934]. Nhưng điều để phân biệt
người “đàn bà mới” và “đàn bà cũ” trước hết lại từ hình thức. “Đàn bà mới” mặc
quần áo kiểu tân thời, theo mẫu của nhà thiết kế Lemur, họ cũng phải biết cách
trang điểm và có một cơ thể khoẻ mạnh nhờ thường xuyên luyện tập thể thao, tác
phong nhanh nhẹn, mạnh dạn trong giao tiếp và cổ động phụ nữ vượt qua các trở
ngại như dư luận xã hội và sự ngăn cấm của gia đình. Vì vậy, các trang phụ nữ
trên báo chí cũng như các tờ báo dành cho phụ nữ thường không bỏ qua những mục
hướng dẫn làm đẹp: cách trang điểm, cách tập luyện để có dáng người đẹp, phụ nữ
với thể dục. Có lẽ chính sự cổ động mạnh mẽ phụ nữ thể thao trên báo chí mà
trong xã hội Việt Nam đã xuất hiện nhiều nữ vận động viên hoặc các phong trào
thể thao như: đội bóng đá nữ, cuộc đua xe đạp, cuộc thi đấu ten nit, cuộc đi bộ
của phụ nữ...
4.Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc
vận động phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc- giải pháp triệt
để cho vấn đề phụ nữ ở Việt Nam
* Tổ chức phụ nữ trong các tổ
chức của nữ giới và cách mạng
Đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong cuộc
vận động giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản chú trọng công tác vận động phụ nữ
tham gia vào các hoạt động cách mạng. Cũng khác với tất cả các phong trào yêu
nước và cách mạng trước đó, đối tượng vận động chính của Đảng Cộng sản Việt Nam là phụ nữ lao động, phụ nữ công nhân và
nông dân, những người chiếm đa số trong xã hội. Để vận động phụ nữ tham gia vào
các hoạt động cách mạng, Đảng Cộng sản chủ trương trước hết phải
vận động phụ nữ tham gia vào các tổ chức Công hội, Nông hội,
Thanh niên và trong các tổ chức riêng của phụ nữ. Trong các tổ chức Công hội,
Nông hội cần có các “nữ uỷ viên” hoặc
“là người chuyên môn phụ trách” để
tìm hiểu đời sống của chị em phụ nữ, tuyên truyền giác ngộ chị em phụ nữ
tham gia vào các hoạt động đấu tranh của Đảng. Ngoài các tổ chức Công hội, Nông
hội, Đảng chủ trương thành lập các tổ chức của riêng phụ nữ như “Phụ nữ liên
hiệp hội” để thu hút tất cả những phụ nữ “vợ
công nhân, người buôn gánh bán bưng”[25].
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trong từng thời kì
lịch sử, tuỳ vào điều kiện lịch sử cụ thể, Đảng Cộng sản luôn có sự chỉ đạo
chặt chẽ, kịp thời công tác vận động phụ nữ, nhằm động viên phụ nữ tham gia các
hoạt động cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Cùng với đường lối vận động phụ nữ, Đảng cũng chú trọng
việc đào tạo cán bộ nữ để hoạt động trong nữ giới. Ngay từ những năm 1926-1929,
nhiều nữ thanh niên đã được đào tạo trong các lớp huấn luyện ở Quảng Châu như:
Nguyễn Trung Nguyệt, Nguyễn Tri Đức[26] và Lý Phương Thuận[27], Nguyễn Thị Minh Khai [28] ... Nhiều người trong số họ không chỉ trở thành những
cán bộ cách mạng chuyên trách hoạt động trong phong trào phụ nữ, tuyên truyền
vận động, tổ chức phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng mà còn trở thành tấm
gương thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân. [29]
Đặc biệt, Nguyễn Thị Minh Khai- một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.[30] Dưới bút danh Nguyễn Thị Kim Anh, Kim Anh, bà đã
viết sách Vấn đề phụ nữ và
nhiều bài trên các báo Dân chúng, Đời nay... phổ biến quan niệm
nữ quyền mác-xít, đấu tranh với những quan niệm sai lầm trong việc nhận thức
các vấn đề về nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Qua các bài báo và cuốn sách này,
các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin được phổ biến rộng rãi, góp phần định
hướng và thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển.
*Báo chí cách mạng- một phương tiện tuyên truyền, vận
động, tổ chức và hướng dẫn phụ nữ đấu tranh
Ngay từ khi
mới thành lập, Đảng Cộng sản đã rất quan tâm tới công tác cổ động tuyên truyền,
coi đó là một nhiệm vụ quan trọng “để thu phục quần chúng, để thu phục đại
đa số thợ thuyền và lãnh đạo quần chúng tranh đấu”. Trong quá trình lãnh
đạo cách mạng, Đảng Cộng sản luôn theo sát tình hình và chỉ đạo kịp thời công
tác vận động phụ nữ qua báo chí cách mạng và các truyền đơn cổ động hướng dẫn
phong trào. Đảng khẳng định “các báo của Đảng là những cơ quan liên lạc của
Đảng với quần chúng lao khổ ”[31]. Do vậy, báo chí
cách mạng phải nêu được đời sống sinh hoạt của quần chúng công nông, phải giới
thiệu các vấn đề chính trị, các khái niệm chính trị cơ bản và các khẩu hiệu
chính trị phù hợp, văn phong trong báo phải giản dị, dễ hiểu đối với quần chúng
lao động. “Việc tuyên truyền cổ động thì
các báo chương của Đảng, thanh niên Đoàn, công hội và nông hội thường phải nói
đến việc thiết thực cho phụ nữ hoặc để riêng một chương đăng những bài ấy”[32]… Các báo của Đảng cộng
sản thời kì này chủ yếu phát hành bí mật, nhiều khi chỉ giống như tờ truyền
đơn, nhưng trong các tờ báo này vấn đề phụ nữ vẫn được quan tâm đến. Ví dụ trên
báo Thùng dầu, khổ nhỏ như một tờ truyền đơn, vẫn có một cột dành cho
mục Lời bạn gái.
Trong cao trào cách mạng
1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, lần đầu tiên công
nông đoàn kết trong một mặt trận tranh đấu. Trong phong trào đấu tranh này,
Đảng cũng có sự chỉ đạo kịp thời và chặt chẽ công tác phụ nữ. Hầu hết các
truyền đơn cách mạng của Đảng thời kì này đều có các khẩu hiệu yêu cầu những
quyền lợi cho phụ nữ như:
“1.
Quyền đàn bà ngang quyền đàn ông;
2. Phản đối cha mẹ ép gả;
3. Phản đối chế độ nhiều vợ
Có
thể thấy, báo chí cách mạng là loại báo chí quan tâm nhiều nhất đến các quyền
lợi của phụ nữ. Các báo Búa liềm (ngày 1/11/ 1930), báo Cờ vô sản
(ngày 1/2/1931) đều kêu gọi công nhân đưa yêu sách đòi “đàn ông, đàn bà, người trẻ làm ngang nhau thì tiền lương cũng ngang
nhau”. Báo Công nông
binh số ra ngày 6/2/1931, sau khi phân tích tình hình, kêu gọi “Anh chị em hãy theo Đảng Cộng sản Đông Dương
làm cách mạng để: đánh đổ đế quốc quan lại địa chủ, làm cho nước nhà hoàn toàn
độc lập... nam nữ được quyền ngang nhau...”
Đặc biệt, báo chí cách
mạng trong giai đoạn này thường phân tích và vạch rõ tình trạng bị áp bức, bóc
lột của phụ nữ dưới chế độ thuộc địa.
Tháng
8 năm 1935, Mặt trận Bình dân Pháp được thành lập. Thắng lợi
của Mặt trận Dân chủ Đông Dương trong cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí là một
thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh với những tư tưởng sai lầm
trong nhận thức vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ, tuyên truyền tư tưởng
cách mạng, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh... Nhiều nữ trí thức đã
tham gia vào mặt trận báo chí, viết bài tuyên truyền quan điểm của Đảng về công
cuộc vận động phụ nữ, đấu tranh với những quan điểm sai lầm trong phong trào
phụ nữ giải phóng như Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thu... Đặc biệt
các bài viết của Nguyễn Thị Minh Khai dưới bút danh Nguyễn Thị Kim Anh, Kim
Anh... đã góp phần giác ngộ phụ nữ và thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển.
Trong
phong trào Đông Dương Đại hội, nhiều phụ nữ viết bài trên các báo nêu lên thực
trạng đời sống của phụ nữ ở Đông Dương và kêu gọi phụ nữ tham gia đấu tranh như
trên Hồn trẻ tập mới số ra ngày 20/8/1936 Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị
Thu, Mai Huỳnh Hoa viết về Phụ nữ với Đông Dương đại hội, Nguyễn Thị
Lựu, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Kiêm và Mai Huỳnh Hoa viết Phụ
nữ Đông Dương có những nguyện vọng gì…Hai bài này
sau có đăng lại trên Nữ lưu ngày 21/8/1936 [34].
Các
bài báo hướng dẫn “chị em thượng lưu, trung lưu, chị em lao động hãy đoàn kết
lại, lo lập từng Uỷ ban hành động, cử đại biểu liên lạc trực tiếp với nhau,
thảo luận bản yêu cầu của mình và hiệp với anh em nam giới vận động để thành
lập Đại hội Đông Dương”. Báo Nữ lưu
ngày 14/9/1936 đăng Lời thiết tha kêu gọi phụ nữ Đông Dương đã hướng
dẫn: Khẩu hiệu của phụ nữ phải gắn với những yêu cầu thiết thực như:
“1. Tự do và cơm áo
2.
Thực hiện quyền phụ nữ phổ thông đầu phiếu
3. Giáo dục nhân dân: Thành lập các
trường dạy nghề.
4. Tuyển dụng phụ nữ vào các công sở
5. Làm việc ngang nhau, tiền lương
ngang nhau
6. Mở trường và các nhà dạy thể dục
thể thao cho chị em phụ nữ
Các nữ nhà báo trở thành những người lãnh đạo
chủ yếu trong cuộc vận động thành lập các ủy ban phụ nữ để thảo tập Dân nguyện.[36]
Các cuộc họp của các Uỷ ban phụ nữ để thảo tập Dân nguyện này được báo chí đánh
giá là Lần thứ nhất ở Đông Dương nữ giới ba kỳ biết hiệp hội để làm
chính trị [Đàn bà mới -26/10/1936].
Để hướng dẫn quần chúng lập hội, báo Lao
động (1938-1939) đăng nhiều số về cách lập
các hội hợp pháp, ý nghĩa của các hội hợp pháp, trong các buổi khai hội cần
phải tổ chức ra sao, tuyên bố lý do khai hội như thế nào, tuyển cử chủ tịch
đoàn và thư ký đại hội, đọc chương trình nghị sự…các biện pháp đối phó với thủ
đoạn ngăn cấm, giải tán các hội ái hữu của chính quyền thực dân...
Bên cạnh các Hội ái
hữu của phụ nữ lao động và buôn bán nhỏ, phụ nữ tư sản và tiểu tư sản cũng
kêu gọi thành lập Nữ lưu văn học hội. Bà Ngọc Hùng cho rằng đó là chìa
khoá mở rộng cánh cửa xã hội để phụ nữ có thể tham gia vào mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội. “Nó sẽ là một cái lò rèn đúc
cho chủ nghĩa phụ nữ được hoàn thành rồi theo lẽ tự nhiên, nó sẽ là một ngọn
đuốc tiên phong đưa đường chỉ lối cho chị em tiến bước đặng đuổi kịp phụ nữ thế
giới” [Đàn bà mới-11/11/1935]
Năm 1940, phát xít Đức
tấn công nước Pháp, chính phủ Pháp do Reynaud cầm đầu nhanh chóng sụp đổ. Chính
phủ Bình dân của Pháp không còn tồn tại, Đảng Cộng sản bị giải tán, phải đi vào
hoạt động bí mật. Việc nước Pháp bị Đức xâm chiếm ảnh hưởng mạnh mẽ đến những
diễn biến chính trị tại Đông Dương.
Trong điều kiện Đảng Cộng
sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật, báo chí cách mạng phát hành bí mật và
lưu hành chủ yếu ở vùng miền núi căn cứ địa cách mạng và vùng nông thôn với đối
tượng chính là nhân dân lao động, đặc biệt là phụ nữ lao động nghèo, phần lớn
bị thất học, nên các bài báo vận động phụ nữ được thể hiện dưới dạng văn vần,
dễ nhớ, dễ thuộc và có khả năng lưu truyền trong nhân dân.
Dưới hình thức hỏi đáp về Công
tác phụ nữ , báo Việt Nam độc lập đã giải đáp những vấn đề cụ thể
như: Phụ nữ không những có thể vào các đội vũ trang mà còn làm tốt công việc
như đồng chí K.H..., nếu không vào đội vũ trang, phụ nữ cũng có thể tham gia
sản xuất, cung cấp quân trang, quân dụng cho các đội vũ trang.
Thời kì này báo chí cách mạng cũng đóng vai
trò quan trọng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phong trào, đặc biệt có tác động
rất lớn trong việc tuyên truyền và giác ngộ phụ nữ. Một số tỉnh còn ra báo
riêng cho phụ nữ như tờ Gái ra trận, cơ quan của đoàn phụ nữ cứu quốc
tỉnh Thanh Hoá... Đặc biệt trong cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
tháng Tám năm 1945, báo chí là nơi phát ra những mệnh lệnh, tuyên bố Tổng khởi
nghĩa và phụ nữ trở thành một lực lượng quan trọng trong Tổng khởi nghĩa giành
chính quyền.
Sự
phát triển của báo chí cách mạng đã tác động sâu sắc đến tình hình báo chí nói
chung và vấn đề phụ nữ trên báo chí nói riêng. Có thể nói trong thời kì này,
qua báo chí, những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền mác-xit được truyền
bá rộng rãi, vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ được gắn chặt với vấn đề giải
phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
* Sự tham gia của phụ nữ vào cuộc đấu
tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương.
Từ chỗ nhận thức được vai
trò và vị trí của mình trong xã hội, phụ nữ Việt Nam đã dấn thân vào các hoạt
động thực tiễn, trở thành một lực lượng chính trị trong các cuộc đấu tranh đòi
quyền dân sinh, dân chủ cũng như trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kì 1930-1945.
Năm 1935, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương
toàn quốc lần thứ nhất đã đánh giá cao các hoạt động của phụ nữ Việt Nam thời
kì 1930-1935: “Cờ vận động dân tộc và xã hội giải phóng xuất hiện thì có phụ nữ
tham gia cách mạng. Thời kỳ cách mạng cao nhất của phụ nữ lao động là năm
1930-1931. trong hai năm ấy không có cuộc bãi công nào mà không có phụ nữ tham
gia. Có lúc phụ nữ dẫn đạo các cuộc đấu tranh, có nơi đã tổ chức các cuộc biểu
tình, bãi công hoàn toàn chỉ có đàn bà…”[37]
Thời kỳ vận động dân chủ 1936-1939, ý thức về
nữ quyền cũng như phong trào đòi nữ quyền của phụ nữ Việt Nam có một bước phát
triển mới so với trước. Hầu hết các cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trong thời
kỳ này đều có sự tham gia của đông đảo phụ nữ như: các cuộc đón tiếp phái viên
Godart, Toàn quyền B’revie’, biểu tình ở Sài Gòn đòi thi hành luật lao động,
đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị phạm… Trong cuộc biểu dương lực lượng
ngày 1/5 tại nhà đấu xảo Hà Nội, phụ nữ đã tham gia như một lực lượng chính trị
riêng biệt với gần 5000 người gồm mọi tầng lớp: học sinh, công chức, công nhân,
tiểu thương…
Tháng 5/1941, mặt trận
dân tộc thống nhất rộng rãi được thành lập lấy tên là Việt Nam độc lập đồng
minh (gọi tắt là Việt Minh). Một trong mười chương trình lớn của Việt Minh
là “nam nữ bình quyền”. Hội phụ nữ
cứu quốc nằm trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Điều lệ của hội nêu rõ: “Đoàn kết hết thảy các chị em phụ nữ ái quốc
Việt Nam để mưu lợi ích hàng ngày cho phụ nữ, để cùng các đoàn thể cứu quốc
khác đánh Pháp, đánh Nhật, làm cho nước Việt Nam ta được hoàn toàn độc lập”
[38]. Cũng trong năm 1941,
trước tình hình khẩn cấp của phong trào vận động phản đế, Nghị quyết hội
nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ chỉ đạo: Không nên dùng cán bộ phụ vận làm công
tác giao thông. Cần “phải đào tạo cán bộ
giao thông khác để cho các nữ đồng chí chuyên môn tiến hành công tác phụ vận
của họ”, “cần đào tạo thêm cán bộ phụ nữ bằng cách huấn luyện cho các nữ đảng
viên từ đoàn viên phụ nữ cứu quốc… cần phát hành truyền đơn kêu gọi chị em phụ
nữ thành thị. Phải dùng mọi hình thức liên hiệp các tầng lớp phụ nữ” [39], “cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc phải có phụ nữ tham gia mới dễ thắng
lợi” [40].
Trong cuộc vận động Cách mạng
tháng Tám năm 1945, nhiều phụ nữ đã dẫn đầu các cuộc biểu tình thị uy, cướp
chính quyền ở các địa phương trên khắp cả nước. Ở Hà Nội, Nguyễn Khoa Diệu Hồng
đã diễn thuyết kêu gọi mọi người ủng hộ Việt Minh trong cuộc mít tinh ngày 17/8
của Tổng hội viên chức và biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình tuần hành
trên đường phố ngay trước đêm Tổng khởi nghĩa nổ ra. Ở Bắc Giang, Hà Thị Quế
trực tiếp chỉ huy du kích đánh chiếm đồn Nhật, tham gia lãnh đạo cướp chính
quyền ở tỉnh. Trương Thị Mỹ lãnh đạo đoàn quân biểu tình chiếm huyện Hoài Đức
(Hà Đông) ở sát cửa ngõ Hà Nội. Phan Thị Nể tham gia lãnh đạo cướp chính quyền
ở Hội An, Nguyễn Thị Định lãnh đạo cướp
chính quyền ở thị xã Bến Tre, Trần Thị Nhường lãnh đạo khởi nghĩa ở Sa Đéc...
Trong khí thế sôi sục của những ngày Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, hàng
trăm phụ nữ được bầu vào Uỷ ban nhân dân cách mạng các tỉnh, huyện …là bằng
chứng hùng hồn về vai trò thực sự và những đóng góp to lớn của phụ nữ vào cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Kết luận
“Vấn đề phụ nữ” rõ ràng là một thực tế trong
xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ sau Chiến tranh Thế giới I, cùng với sự phát triển mạnh mẽ phong trào phụ nữ
thế giới, tác động của các chính sách kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của
Pháp, vấn đề phụ nữ ngày càng trở thành một vấn đề bức xúc trong xã hội đòi hỏi
phải giải quyết ngay.
Cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ đã thúc đây xã hội quan
tâm hơn tới phụ nữ, cũng như quan tâm hơn tới những vấn đề mà người phụ nữ phải
đối mặt trong một xã hội đang thay đổi để hòa nhập với thế giới: Phụ nữ học gì
và học để làm gì? Quyền lao động, chế độ bảo hiểm và tiền lương, tư cách công
dân với quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ, quyền tự do kết hôn…
Nhiều trí thức yêu nước đã
bắt đầu sử dụng báo chí như một phương tiện nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước
của nhân dân. Trong điều kiện báo chí bị chính quyền thực dân kiểm duyệt chặt
chẽ, đề tài về phụ nữ có vẻ như là một đề tài an toàn hơn cả. Giải pháp cho vấn
đề phụ nữ ở Việt Nam trở thành trọng tâm thu hút các cuộc thảo luận trên báo
chí cũng như cương lĩnh hoạt động của nhóm xã hội và tổ chức chính trị đương
thời.
Năm
1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày mùng 2/9/1945, tại quảng trường Ba
Đình, hai người phụ nữ (Dương Thị Thoa (Lê Thi) và Đàm Thị Loan) đã được vinh
dự kéo lá cờ đỏ sao vàng, lá Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong
ngày lễ độc lập. Sau cách mạng, điều 9 của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 quy định: “ Sức mạnh của đất nước nằm trong
tay người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giới tính, giàu nghèo, đẳng cấp,
tôn giáo... Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực”.
Trong
Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, 10 phụ nữ đã trúng cử đại
biểu Quốc hội. Đây là thắng lợi của đường lối vận động cách mạng của Đảng Cộng
sản Đông Dương, trong đó việc giải quyết đúng đắn vấn đề phụ nữ là một nhân tố quan
trọng. Đồng thời thắng lợi này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng của toàn
thể phụ nữ Việt Nam trên con đường đấu tranh gần nửa thế kỷ vì quyền
con người và quyền phụ nữ.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Kim Anh (2003), “Về một thư quán của nữ lưu
Nam Bộ đầu thế kỷ XX”, T/c KHXH số 2 (60), tr.88-94.
2 Nguyễn Thị Kim Anh (1938), Vấn đề phụ nữ,
NXB Thân Dân, Chợ Lớn
3
Đặng Văn Bẩy (1928), Nam
nữ bình quyền, Da kao .
4 Phan Bội
Châu (1929), Vấn đề phụ nữ, Duy Tân thư xã, Huế.
5 Cục
lưu trữ nhà nước-Trung tâm lưu trữ quốc gia I (2001), Tuyên truyền cách mạng
trước năm 1945, (Sưu tập tài liệu lưu trữ), NXB Lao động, H.
6 Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn
kiện Đảng toàn tập T1, T2, NXB Chính
trị QG, H.
7. Đảng
Cộng sản Việt Nam
(1999), Văn kiện đảng toàn tập T3,T4, NXB Chính trị QG, H
8 Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn
kiện đảng toàn tập T5, NXB Chính trị QG, H
9. Đảng
Cộng sản Việt Nam
(2000), Văn kiện đảng toàn tập T6, T7, NXB Chính trị QG, H .
10. Hội
ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, http://www.gialong.org/history.html
11
. Nguyễn Văn Khánh (1999), Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc
địa (1858-1945), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
12. Đinh Xuân Lâm (CB) (2005), Lịch sử Việt
Nam (1858-1945), t 3, Đề tài độc lập cấp nhà nước.
13.
Trần Huy Liệu (1960), “30 năm đấu tranh của phụ nữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”, T/c
NCLS Số 4, tr1-12.
14. TrÇn Huy
LiÖu- V¨n T¹o. C¸ch m¹ng ViÖt Nam cËn ®¹i T5 NXB V¨n sö ®Þa H.1958
15. Nguyễn Thị Lựu (1985), Tình yêu và
ánh lửa (Hồi kí), NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
16. Bảo Lương Nguyễn
Trung Nguyệt (2003), Người con gái Nam Bộ (Hồi ký), NXB Văn học.
17
. Cựu Kim Sơn và Văn Huệ (1938), Đời chị em, Dân chúng.
18.
Cựu kim Sơn và văn Huệ (1938), Chị em phải làm gì, Dân chúng.
19.
Nguyễn Thành (1985), Cuộc vận động Đại hội Đông Dương năm 1936,
NXB TP HCM.
20.
Nguyễn Thị Thập (1981), Lịch sử phong
trào phụ nữ Việt Nam
T1, NXB PN.
21
. Trần Thiện Tỵ , Bùi Thế Phúc (1932), Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam
22
.Ducker William (2000 ), Ho Chi Minh -a life, Hyperion, New York
23.
McHale.Shawn Frederick (1995), Printing, power, and the transformation of
Vietnamese cultture, 1920-1945, dissertation, Cornell University
24.
Marr David G. (1976), “ The 1920s women’s rights debates in Vietnam ”, Journalof Asian
Studies, Vol 35, No 3 (may) 1976, p 371-389.
25.
Marr David G (1995), Vietnamese tradition on Trial.1920-1945, University of California Press Berkeley ,
California .
26. Judge.
Sophia Quinn, “Wommen in the early Vietnamese communist movement:sex,
lies, and liberation” South Asia Research, November, 2001
27 Nguyễn Văn Ký
(1995), Lá societé Vietnamienne face à la modernité. Le Tonkin de la fin du
XIXe siecle à la seconde guerre mondiale, Paris, L Harmattan,cll,
Recherches asiatiques
28. Trịnh Văn Thảo (1995), L école
Francaise en Indochine, Paris, Karthala. ( bản dịch của phòng tư liệu Khoa
Lịch sử-ĐHKHXH&NV)
Và nhiều tờ báo tiếng Việt trước Cách mạng tháng Tám năm
1945 như :
Nông
cổ mín đàm, Nam phong, Đông Pháp thời báo, Tân dân,Phụ nữ tân văn, Phụ nữ tân
tiến, Đàn bà mới, Đàn bà, Hạnh phúc, Công luận, Tiếng dân, Hoàn Cầu tân văn, Hồn trẻ, Dân chúng, Ngày
mới, Lao động, Búa Liềm, Cờ Vô sản, Nhành lúa, Việt Nam độc lập, Cứu quốc…
[1] Nguyễn Thị Thập (CB), Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam ,
T1, NXB Phụ nữ, 1981, tr171.
[2]
Lương công nhân nữ giao động trong khoảng từ 55.55% (năm 1931) đến
74,19% (năm 1932) so với lương công nhân
nam: Theo niên biểu thống kê Đông Dương năm 1939-1940 [ Nguyễn Thị Thập, sách
đã dẫn, tr171].
[3] Báo Trung Bắc chủ nhật ngày 27/9/1942 , bài “Nạn hoa liễu do các
nhà cô đầu gây ra” đã giới thiệu cuốn
sách của Đốc lý Hà Nội Virgitti và bác sĩ Joyeux - về tình trạng mãi dâm và
bệnh hoa liễu ở Hà Nội. Những số liệu này được lấy từ cuốn sách của họ.
[4] Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia long,
http:/www.gialong.org/history.html, tr1-2
[5] Bà Henriette
Bùi, tốt nghiệp đại học y khoa Pari (năm 1934), bà Nguyễn Thị Sương (năm 1940),
bà Lê Thị Hoàng tốt nghiệp cao đẳng y khoa Hà Nội (năm 1937); bà Dương Thị Liễu
(năm 1940), bà Lý Thị Nguyệt tốt nghiệp Cao đẳng bào chế Hà Nội, bà Phan Thị
Liệu tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông Hà Nội; bà Phạm Thị Mỹ rốt nghiệp Cao đẳng
Sư phạm Hà Nội (năm 1928), bà Nguyễn Thị Châu tốt nghiệp cử nhân Văn khoa ở Đại
học Pari (năm 1936); bà Bùi Thị Cầm tốt nghiệp Đại học Luật khoa Pari và bà
Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội..
[6]
Henritte Bùi làm phó giám đốc Nhà Bảo sanh Chợ Lớn, Phan Thị Liệu làm ở
Sở nghiên cứu nông nghiệp Sài
Gòn, Phạm
Thị Mỹ và Nguyễn Thị Châu làm giáo sư ở
Trường “Áo Tím”...[Đàn bà -số đặc biệt năm 1941].
[7]
Nam phong tháng 6/1918.
[8] Đặng Văn
Bẩy , Nam nữ bình quyền, Da kao, 1928, tr4.
[9]
Phan Bội Châu, Vấn đề phụ nữ,
Duy tân thư xã, Huế, 1929, tr1
[10]
Phan Bội Châu , sách đã dẫn, tr
14.
[11] Trần Thiện Tỵ , Bùi Thế Phúc, Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam , 1932, tr65.
[12] Cựu Kim Sơn , Văn Huệ Đời chị em, Dân chúng, 1938, tr 2.
[13] Trần Huy Liệu, V¨n T¹o (1958). C¸ch m¹ng ViÖt Nam cËn ®¹i T5,
NXB V¨n sö ®Þa H.1958 tr 118)
[14]
Văn kiện Đảng toàn tập
( tập 2),1998 tr 2
[15]
Văn kiện Đảng toàn tập:
tập 2,1998, tr 14
[16]
Văn kiện Đảng toàn tập:
tập 2, 1998 tr 95
[17]
Văn kiện Đảng toàn tập:
tập 2, 1998, tr 88.
[18]
Nuyễn Bá Học ( 1857-1921) là nhà giáo đồng thời là nhà báo, cộng tác
viên đắc lực của báo Nam phong,, Vũ Ngọc Liễn, Giáo học Nam Định ( Nam phong-11/1919), Giáo học Thái Bình
Trịnh Thu Tâm ( Nam phong 5/ 1918), Tổng
đốc Thân Trọng Huề ( Nam phong-2/1918),
Trần Thúc Cáp, Giáo học Thái Nguyên ( Nam phong-8/1919)…
[19] Marr David G, “ The 1920s
women’s rights debates in Vietnam ”,
Journalof Asian Studies, Vol 35, No 3 (may) 1976, tr 380
[20] Cuốn sách có 60 bài, bên cạnh
nội dung cơ bản nhằm dạy cho nữ sinh đạo đức, biết cách cư xử đúng mực, là mẹ
hiền, vợ đảm sau này, ngay từ bài đầu tiên tác giả đã khẳng định “đời nay con
gái cũng trọng như con trai, muốn cho sau này cũng ra gánh vác việc đời thì
cũng cần phải cho học để mở mang trí thức. Và một nước muốn cho thoát khỏi ngu
hèn thì không những con trai cần phải học, mà con gái cũng cần phải có học”. Sách còn có bài giới thiệu về Hai Bà Trưng, Bà
Triệu, về các nữ tướng của Hai Bà Trưng, đặt vấn đề “con gái yêu nước là thế
nào”
[21]
Đó là
chủ nhiệm các tờ báo phụ nữ như bà Sương Nguyệt Anh (báo Nữ giới chung), bà Nguyễn Đức
Nhuận (báo Phụ
nữ tân văn), bà Lê Thành Tường (báo Phụ
nữ tân tiến), bà Thụy An (báo Đàn bà
mới, Đàn bà), bà Nguyễn Thanh Tú (báo Phụ
nữ)... và các nữ phóng viên như Nguyễn Thị Kiêm, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê
Thị Huỳnh Lan, Phan Thị Nga, Trần Thị Hường, Thu Vân, Mộng Tuyết, Huỳnh Thị Bảo
Hòa...
[22] Chị em ta nên học những nghề nghiệp để mưu
tự lập lấy thân.[PNTV-4/7/1929 ] Nghĩa vụ của chị em là
phải lo cho có nghề nghiệp [PNTV-20/3/1930], Chị em ta đừng ăn bám chồng
con nữa [PNTV-7/8/1930], Mở cứa sở cho đàn bà vô [PNTV-2/8/1931],
Cái hại ăn dưng ngồi rồi của chị em ta [PNTV-5/11/1931], Cuộc vận động
cho đàn bà có chức nghiệp [PNTV-7/12/193], Phụ nữ chức nghiêp [PNTV-6/9/1934],
Một điều cần thiết cho tư cách độc lập của phụ nữ chức nghiệp
[PNTĐ-22/1/1931], Chị em bạn gái nên chú trọng về đường thực nghiệp [PNTĐ-19/3/1931],
Chức nghiệp và địa vị của phụ nữ trong xã hội [PNTT-1/10/1932], Thực
nghiệp với phụ nữ [PNTT-1/4/1932],
Chị em phụ nữ Trung kỳ với phong trào lao động [ĐBM-29/12/1934], Một
vấn đề thiết thực:Phụ nữ với chức nghiệp [ĐBM-5/10/1936], Phụ nữ với
chức nghiệp [DB-8/7 và 22/7/1933], Phụ nữ chức nghiệp [DB-14/10/1933],
Phụ nữ lao động với chế động gia đình [ANTC-2/4/1932], Vấn đề phụ nữ
chức nghiệp [HCTV-30/10/1933-11/1/1934], Phụ nữ với chức nghiệp [TA-12/3/1935],
Cần phải có một nghề [TL-23/3/1933]..
[23]
Trong 18 bài tham gia cuộc
thi đánh giá về nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du thì chỉ có 4 bài nói Kiều đáng
khen, còn 14 bài đều cho Kiều đáng chê.Những bài khen Thuý Kiều đều đứng trên
quan điểm đề cao tự do cá nhân, tự do yêu đương và khát vọng được hạnh phúc của
phụ nữ. Còn hầu hết các bài đều phê phán Thuý Kiều dựa trên những nguyên tắc và
chuẩn mực đạo đức phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, quan niệm về trinh
tiết... Hoặc những bài viết về người phụ nữ đức hạnh là những bài ca ngợi người
phụ nữ đảm đang, tần tảo, kiên trinh thủ tiết thờ chồng, nuôi nấng cha mẹ già
và dậy dỗ con nên người... Các báo cũng thường đăng những câu chuyện về người
phụ nữ tiết liệt như là một tấm gương cho hậu thế...
[24] Đến năm 1934-1935 báo Đàn bà mới đặt vấn đề Cần phải định
nghĩa chữ gái mới [ĐBM-26/8/1935], cố gắng tìm hiểu Trong xã hội ta ngày
nay thế nào là một người đàn bà mới [ĐBM-24/8/1936], và Địa vị người đàn
bà mới trong gia đình ngoài xã hội quan trọng thế nào? [ĐBM-5/10/1936].
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị quốc gia, H, 1998, tr 190-191.
[26]Judge. Sophia Quinn, “Wommen in
the early Vietnamese communist movement:sex, lies, and liberation” South
Asia Research, November, 2001, tr 248
[27] Judge. Sophia Quinn, sách đã
dẫn, tr 261.
[28] Judge. Sophia Quinn , sách đã
dẫn, tr256
[29]
Nguyễn Trung Nguyệt sau khóa huấn luyện ở Quảng Châu đã
trở về nước hoạt động cách mạng và bị Pháp bắt trong vụ án đường Barbier. Tại
phiên toà, Nguyễn Trung Nguyệt đã khẳng định: “Mục đích của Đảng mình là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp..”. Nguyễn
Trung Nguyệt đã dùng toà án để tuyên truyền tư tưởng bình đẳng nam nữ khi thẳng
thắn thừa nhận mình hoạt động cách mạng để đòi lại quyền lợi cho đàn bà, trước
hết là quyền được nói hoặc viết những ý tưởng của mình, quyền được đi học... Bà cũng tố cáo
Pháp đã bỏ tù vô cớ những phụ nữ xin giảm hoặc hoãn thuế cho chồng vì nghèo mà
không lo đủ thuế nộp cho chính phủ... Khi bị chất vấn tại sao không lo bổn phận
của mình trong gia đình mà lại đi làm cách mạng Nguyễn Trung Nguyệt đã tuyên
bố: “Tôi không phải có cái bổn phận gia
đình thôi đâu, tôi còn có cái bổn phận đối với xã hội nữa” [Tiếng dân
-2/8/1930].
[30]
Nguyễn Thị Minh Khai sau thời gian hoạt động trong nước
đã sang Quảng Châu làm nhiệm vụ liên lạc, rồi được cử sang Nga dự Đại hội Quốc tế cộng
sản, học tập tại trường Đại học Phương Đông. Tại Đại hội VII Quốc tế cộng sản,
Nguyễn Thị Minh Khai đã có bài phát biểu về tình cảnh phụ nữ ở thuộc địa Đông
Dương. Năm 1937 bà tham gia Thành uỷ Sài Gòn, phụ trách chỉ đạo phong trào ái
hữu và nghiệp đoàn.
[31]Đảng cộng sản Việt Nam Văn kiện
Đảng toàn tập: tập 3, 1999, tr 117
[32]
Đảng cộng sản Việt Nam Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, 1999, tr191
[33] Bảo
tàng cách mạng, Truyền đơn cách mạng,
ký hiệu –1873/Gy574.
[34] Nguyễn Thành Cuộc vận động Đại
hội Đông Dương năm 1936, NXB, TP
HCM, 1985, tr 47, 48
[35] Nguyễn Thành , Cuộc vận động
Đại hội Đông Dương năm 1936, NXB TP
HCM, 1985,
tr48
[36] Ngày 24/9/1936, phụ nữ Bắc Kỳ họp đại biểu ở trụ sở hội
Trí Tri phố Hàng Quạt có khoảng 40 người dự để bàn việc thảo tập dân nguyện. Ở
Sài Gòn, Uỷ ban phụ nữ Sài Gòn thành lập giữa tháng 8 có sự tham gia của
các cô Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Kiêm.
Uỷ ban phụ nữ Trung Kỳ cũng họp ở Huế ngày 20/9/1936 với sự có mặt của các cô
Phan Thị Nga, Nguyễn Thị Nhã và Lê Thị Ngọc Sương.
[37]
Nguyễn Thị Thập (1981), Lịch
sử phong trào phụ nữ Việt Nam, tập 1, NXB Phụ nữ, Tr176.
[38] Trần Huy Liệu, “30 năm đấu tranh
của phụ nữ Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của Đảng”, T/c NCLS Số 4, 1960, tr8..
[39] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện đảng toàn tập T7, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2000, tr 198.
[40] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện đảng toàn tập T7, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2000, tr 301.
*. Bài trình bày tại Đại Hội lần thứ nhất Hiệp hội châu Á các nhà sử học thế giới (AAWH) tháng 5/2009 tại Đại học Osaka. Bài này được bổ sung và điều chỉnh từ bài tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 tháng I2/2008 và đã công bố trong Kỷ yếu HT Việt Nam học lần thứ 3, tập I, NXB Đại học quốc gia, năm 20II.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét