Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

VỀ TẤM BIA THỜI TÙY (601) MỚI PHÁT HIỆ


 VỀ TẤM BIA THỜI TÙY (601) MỚI PHÁT HIỆN

                                                  Nguyễn Quang Hà:


VỀ TẤM BIA THỜI TÙY (601) MỚI PHÁT HIỆN Ở CHÙA GIÀN – HUỆ TRẠCH TỰ
(XÃ TRÍ QUẢ, HUYỆN THUẬN THÀNH, TỈNH BẮC NINH)

Nguyễn Quang Hà[1]

Chùa xã Trí Quả (Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tên chữ là “Huệ Trạch tự”, hay còn có tên Nôm là chùa Giàn - Một trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Lôi, Pháp Vũ) trong tín ngưỡng thờ tự ở vùng Dâu. Hiện nay  các vị trong làng kể lại về lai lịch của chùa: Vào thời Trần, con trai của Đức vua Trần Hưng Đạo là Trần Hồng khi đánh giặc Mông Nguyên được Phật độ cho nên đã đánh thắng giặc do đó ban cho tên chùa là “Huệ Trạch tự) (惠澤寺). Chùa trước đây có gác chuông cổ nhưng đã bị phá đi để làm cầu. Trong chùa còn một chiếc chuông đồng niên đại thời Lê, trên 4 núm có khắc “Huệ Trạch tự chung” (惠澤寺鍾). Ngoài sân, trước tòa Tam bảo hiện còn tấm bia 4 mặt, mặt chính trên trán bia ghi: “Huệ Trạch tự”(惠澤寺), mặt thứ tư phần niên đại ghi: Chính Hòa nhị thập niên (1700) nội dung về việc cúng tiền xây gác chuông và cúng ruộng vào chùa. Ở gian phải của tòa Tam bảo còn một cây hương, trên đó có khắc tên người cung tiến. Chùa còn giữ được hai sắc phong. Đạo sắc thứ nhất phần niên đại ghi 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924). Nội dung ban tặng: (…)“Diệu Cảm Nhiên Phù, Chương Hiển Đôn Ngưng, Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Linh Ứng Tôn Thần”(耀感然孚章顯敦凝翊保中興城皇靈應尊神). Sắc thứ 2 cũng có cùng ngày tháng năm với Đạo sắc trên với đối tượng được ban là: (…) “Phụng sự Đại Thánh Pháp Thông Vương Phật tôn thần”.(奉事大聖法通王佛尊神). Như vậy, Đạo sắc thứ nhất là sắc cho Thành hoàng được thờ ở Đình làng, đạo sắc thứ hai chính là đạo sắc thờ ở chùa. Theo truyền thuyết thì tên gọi “Chùa Huệ Trạch” có từ thời Trần. Tư liệu trên các văn bản, bi ký, minh văn hiện nay chúng ta được biết thì tên gọi “Huệ Trạch tự” sớm nhất qua tấm bia đá 4 mặt niên đại Chính Hòa 20 (1700). Nhưng trước đó chùa có tên là gì (?). Chưa có tư liệu nào giải đáp điều đó.
           
Năm 2004, gia đình ông Nguyễn Văn Đức (Nhà bên cạnh chùa Huệ Trạch) khi đào đất làm lò gạch đã phát hiện được một tấm bia đá cổ. Vì không biết giá trị tấm bia như thế nào nên gia đình đã giữ tấm bia này để ở trong nhà cho đến tháng 8/2012 mới được cán bộ Bảo tàng của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Bắc Ninh xin phép gia đình, nhà chùa cùng chính quyền địa phương chuyển về Bảo tàng tỉnh nghiên cứu. Thật may mắn, khi về chùa Huệ Trạch, chúng tôi cũng có được bản dập thác bản của tấm bia này do ông Nguyễn Đình Nhân (Kỹ sư Nông nghiệp về hưu) - Người cùng thôn Xuân Quan, xã Trí Quả tiến hành in dập trước đó (1). Bia được để trong hộp có mái che nên rất rõ nét, chữ khắc đậm, sâu, còn nguyên vẹn. Lòng bia có kích thước 40 x 40 cm, 13 dòng, trung bình mỗi dòng khoảng hơn 10 chữ, tổng số chữ trên bia là 133 chữ. Dưới đây là toàn bộ nội dung văn bia chữ Hán và phần phiên âm, dịch nghĩa như sau:


Nguyên văn chứ Hán:

舍利塔銘
维大陏仁壽元年歲次辛酉十月辛亥朔十五日乙丑
皇帝普為一协法界幽顯生靈謹於交州龍編縣禪衆寺奉安舍利敬造靈塔願太祖武元皇帝元明皇后皇帝皇后皇太子諸王子孫等并内外羣官爰民庶六道三塗人非人等生生世世值佛聞法永离苦空同昇妙果
勅使大德慧雅法師吏部羽騎慰姜微 送舍利於此造塔.

Phiên âm:
Xá lợi tháp minh
Duy Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên, tuế thứ Tân dậu, thập nguyệt, Tân hợi sóc, thập ngũ nhật, Ất sửu.
Hoàng đế phổ vi nhất, hiệp pháp giới u hiển sinh linh. Cẩn ư Giao Châu, Long Biên huyện, Thiền Chúng tự, phụng an xá lợi, kính tạo linh tháp nguyện. Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử chư vương, tử tôn đẳng tịnh nội ngoại, quần quan viên cập dân thứ, Lục đạo, Tam đồ nhân phi nhân đẳng, sinh sinh thế thế trực Phật văn pháp vĩnh ly khổ, không đồng thăng diệu quả.
Sắc sử Đại đức Tuệ Nhã pháp sư. Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi tống xá lỵ ư thử, tạo tháp.

Dịch nghĩa:
Bài minh bia tháp xá lợi
Ngày Ất sửu (Ngày 15) tháng Tân hợi (Tháng 10) năm Tân Dậu niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên thời Đại Tùy (601).
Hoàng đế cẩn trọng mở dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi kiếp sinh linh. Kính phụng xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. Theo ước nguyện của Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử cùng các chư vương, con cháu nội ngoại, các quan viên cho đến thứ dân, Lục đạo, Tam đồ trên cõi đời cùng sống thuận theo lời dạy của đức Phật, nghe được văn pháp mãi mãi ly rời khổ đau, trầm luân, được nhẹ nhàng lên chốn diệu quả.
Sắc sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư. Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi đem xá lỵ tạo tháp ở đây).

Trên đây, chúng ta gặp phải tên địa danh như: Chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. Bài minh bia này được dựng cách ngày nay đã vừa đúng 1412 năm có những khái niệm, thuật ngữ Phật giáo. Điều khẳng định trước tiên: Đây là tấm bia sớm nhất mà ngày nay chúng ta phát hiện được. Trước đó, chúng ta đã biết đến tấm bia: “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo tràng chi bi văn”(大陏九真郡寶安道場之碑文)do Nguyên Nhân Khí soạn năm Tùy Đại Nghiệp 14 (618)(2).

Về tên gọi chùa Thiền Chúng: Phần ghi về chùa Thiền Chúng (禪衆寺) trong sách “Thiền uyển Tập anh” được biên tập trong phần“Bảy đoạn văn đối thoại trong giới Thiền học Việt Nam” phần viết về La Quý An, Thiền Ông trong bài “Trực minh vương tắc xuất” (直明王則出) (Gặp vua sáng thì ra)có đoạn:“長老羅貴安真人,姓丁氏早嵗遊方,徧参襌匠,歷年滋久,不契法缘,將有退志.後聞禪衆通善會下一語,心地開豁乃復事焉.善將圓寂,謂曰:昔吾 師定公嘗囑云:“汝持吾法,丁人則傳”.汝其當之,吾今逝矣 (Trưởng Lão La Quý An chân nhân, họ Đinh. Hồi còn nhỏ tuổi, đã đi khắp đó đây, tầm sư học đạo, nhưng qua nhiều năm mà không gặp cơ duyên, có phần nhụt chí. Sau khi nghe được một câu nói của Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nhân một ngày hội mà lòng bừng sáng, bèn xin thờ Thông Thiện làm thầy. Khi Thiện sắp viên tịch, có nói với nhà sư rằng: Xưa thầy ta là Định Không từng dặn: “Ngươi gắng giữ lấy phép của ta, gặp người họ Đinh thì truyền”. Nay người hãy nhận lấy, ta đi đây”.

Đoạn truyện trên, đã thuật lại cơ duyên giữa La Quý An với nhà sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng (禪衆). Nhờ câu nói của Thông Thiện mà La Quý An bừng sáng được Đạo và từ đó ông tôn Thông Thiện làm thầy(3). Sư Thông Thiện là học trò của Định Không. Theo mục truyện thiền sư Định Không (?- 808) lại cho biết thiền sư người hương Cổ Pháp, tu ở chùa Thiền Chúng (hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (…) ông là người am hiểu sâu sắc vận số thế cuộc, khi xảy ra việc gì người trong hương thường suy tôn phục tùng, ai nấy đều tôn gọi ông là Trưởng lão”(4). Nhưng người trực tiếp và trụ trì trước Thiền sư Định Không là ai cho đến nay vẫn chưa rõ. Chỉ biết rằng trước nhà sư Định Không gần 200 năm có nhà sư Pháp Hiền (?- 626), họ Đỗ, người huyện Chu Diên trụ trì chùa Thiền Chúng (5).

Qua các đoạn ghi về tiểu truyện các vị thiền sư phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), chúng tôi thử lập phả hệ (không đầy đủ) các vị thiền sư đã từng trụ trì chùa có tên gọi Thiền Chúng để dễ hình dung qua bảng thống kê như sau:

TT
Tên Thiền sư
Năm sinh, năm mất
Trụ trì chùa
Giải thích địa danh thuộc
Ghi chú
1
 PhápHiền(法賢)
(?- 626)
Thiền Chúng (禪衆)
Núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du
TUTA, tr 169, 170.Có lẽ ghi nhầm thành “ChúngThiền” (衆禪)
2
ĐịnhKhông(定空)
(?- 808)
ThiềnChúng
(禪衆)
Hương Dịch Bảng
TUTA,đd, tr 174
3
ThôngThiện(通善)
(?- ?)
Thiền Chúng
(禪衆)

TUTA,đd, tr 177(Thông Thiện là học trò của Định Không)
4
ThiềnNham(禪巖)
(1093- 1163)
Chùa Trí Quả (置果寺)
Hương Cổ Châu, huyện Long Biên
TUTA,đd, tr 212:“Thiền sư người Cổ Châu, họ Khương, húy Thông, tu hành ở chùa Thiên Phúc núi Tiên Du…sau trở về bản hương trùng tu chùa Trí Quả).

Qua bảng thống kê, chúng ta thấy được tên gọi chùa (Thiền Chúng) ghi về các vị Thiền sư sống ở thế kỷ VII - IX trong sách Thiền uyển tập anh. Nhưng phần địa danh lại viết khác nhau: Mục Thiền sư Pháp Hiền (?- 626) ghi: Chùa Thiền Chúng ở núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du; Mục thiền sư Định Không(?- 808) lại ghi: Chùa Thiền Chúng, hương  Dịch Bảng. Về nhà sư Thông Thiện (? - ?) không rõ năm sinh, năm mất nhưng sách viết rõ là học trò của Định Không thì ta cũng có thể ước đoán ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ VIII và mất vào khoảng đầu thế kỷ IX. Địa danh núi Thiên Phúc (huyện Tiên Du) và hương Dịch Bảng đã đề cập ở trên khác xa về vị trí địa lý với vị trí tấm bia được ghi về “chùa Thiền Chúng” (Phát hiện tại chùa Trí Quả) năm 2004. Sự không nhất quán về việc chú thích tên gọi, có khi lấy tên hương, tên núi hoặc tên huyện  thường thấy trong các tư liệu thư tịch cổ. Nhưng ở trên, tôi nghĩ đều chỉ một chùa. Nhưng có lẽ có sự nhẫm lẫn. Ta hãy chú ý đến phần chú thích về mục Thiền sư Thiền Nham (1093- 1163) ghi về nhà sư chùa Trí Quả như sau:“Thiền sư người Cổ Châu, họ Khương, húy Thông, tu hành ở chùa Thiên Phúc núi Tiên Du…sau trở về bản hương trùng tu chùa Trí Quả) (6). Qua ghi chép về Thiền sư Thiền Nham, ta biết được mối quan hệ về thiền phái và tiểu sử, mối quan hệ giữa chùa Thiên Phúc (núi Tiên Du) và chùa Trí Quả - bản hương (quê gốc) của ông. Hiện nay chúng ta chưa biết ở núi Thiên Phúc, hương Dịch Bảng hoặc huyện Tiên Du có chùa Thiền Chúng không?. Nhưng  tại chùa Trí Quả đã phát hiện được tấm bia thời Tùy có ghi bài minh tháp xá lỵ chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu. So sánh những đoạn viết về chùa Thiền Chúng thời Tùy - Đường trong Thiền uyển tập anh với bài minh tháp xá lỵ trên đã khiến tôi không ít phân vân: Vậy có một hay có mấy chùa Thiền Chúng và có phải chùa Huệ Trạch đúng là tên gọi sau này của Chùa Thiền Chúng thời Tùy hay không?. Hơn 1400 năm đã trôi qua, vật đổi sao rời, tư liệu, thư tịch không ghi trực tiếp về lịch sử chùa Huệ Trạch khi đó, nhưng qua tấm bia phát hiện bên cạnh chùa đã giúp cho chúng liên tưởng và có thể đi xa hơn dự đoán rằng rất có thể chùa Thiền Chúng là tên gọi khác của chùa Huệ Trạch và chùa Trí Quả sau này.

-   Trở lại địa danh huyện Long Biên:

Trong tác phẩm “Đất nước Việt Nam qua các đời”, GS. Đào Duy Anh đã khảo cứu công phu về địa danh Giao Châu (交州).Bên cạnh đó, địa danh huyện Long Biên còn nhiều tư liệu chưa thống nhất. Địa danh này được nhắc đến nhiều lần trong các thư tịch cổ thời Bắc thuộc. Tư liệu được nhắc đến có niên đại gần với tấm bia vừa phát hiện ở chùa Thiền Chúng (Chùa Huệ Trạch) đã nhắc đến ở trên là những chi tiết viết về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần. Tên gọi “Long Biên” đã được sáchTư trị thông giám bổ (資治通鑑補) do Tư Mã Quang đời Tống biên tập, Hồ Tam Tỉnh (đời Nguyên, chú âm), đến đời Minh được Nghiên Diên và Đoàn Doãn Hậu đời Minh bổ sung và hiệu đính, ghi như sau:“Tuần thần chí Long Biên nam tân”(循辰至龍編津) (nghĩa là: (Lư) Tuần buổi sớm đến bờ phía nam Long Biên) (7) chua thêm:“Giao Chỉ quận, Long Biên huyện, châu quận giai trị yên” (郊址郡龍編縣州郡皆治焉).(Quận Giao Chỉ, huyện Long Biên, đều đóng trị sở ở đó). Trong sách “Thủy kinh chú” ghi rõ hơn: “Kiến An, nhị thập tam niên lập châu chi thủy, giao long bàn biên ư thủy nam, bắc nhị tân cố cải Long Uyên vi Long Biên (建安二十三年立州之始蛟龍蟠边於水南北二津故改龍淵为龍編). (nghĩa là: Kiến An năm thứ 23(Đời Hán Hiến Đế (218) - Tg) bắt đầu lập châu, giao long chầu hai bên bờ phía nam, bắc nên đổi Long Uyên thành Long Biên (8). Sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm (御批歷代通鑑集覽biên soạn đời Càn Long bổ sung đoạn viết về Lư Tuần(9) và địa danh Long Biên như sau: “Tuần lũ bại, toại bôn Giao Châu chí Long Biên”(Chú: Hậu Hán Thư, Quận Quốc chí, Giao Chỉ trị Long Biên. Thủy Kinh chú, lập châu chi thủy, giao long bàn biên vu thủy nam, bắc nhị tân, cố danh”(循婁敗遂奔交州至龍編(:後漢書郡國誌交址治龍編水經注立州之始蛟龍蟠边于水南北二津故名))(Lư) Tuần mấy lần bị đánh bại, bèn chạy sang Giao Châu đến Long Biên (chú: Hậu Hán thư, phần Quận quốc chí ghi: Giao Chỉ lấy Long Biên làm sở trị. Thủy kinh chú (ghi): Ban đầu lập châu, giao long chầu hai bên bờ nam, bờ bắc của sông, nên đặt tên gọi). Cả hai sách Thủy Kinh Chú (水經注) và Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm đều giải thích việc đổi tên gọi“Long Uyên”(giao long ở vực/sông sâu) thành “Long Biên”(giao long ở bên vực/sông) dựa theo hiện tượng cảnh quan môi trường mà định tên gọi. Cách đặt tên gọi trên gọi là từ nguyên học dân gian. Tuy nhiên, hai cuốn sách trên lại không cho biết cụ thể việc đổi tên đó được tiến hành vào thời gian nào và do ai đổi?. Theo sự khảo cứu của học giả Trần Văn Giáp thì sách: Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm có thể sẽ cho cho chúng ta hiểu lầm sự thay đổi ấy có từ đời Hán (10). Thực ra, không phải thế. Đọc lời khảo cứu của Lê Quý Đôn, ta mới thấy rõ: Sự thay đổi ấy mới có từ đời Đường; mà nhất là trong lời văn của Nhan Sư Cổ và Chương Hoài, Thái tử Lý Hiền. Sư Cổ ( tức Nhan Sư Cổ), người sống vào đời Đường có làm chú thích hai bộ Hán thư của Ban Cố đã nói: Chữ“Uyên” là tên húy vua nhà Đường (11), cho nên  Sư Cổ, Chương Hoài đổi làm“Long Biên”)(12). Theo GS. Đào Duy Anh, cho đến thời Tống huyện Long Biên chỉ có thể còn lại miền Từ Sơn, Tiên Du (tỉnh Hà Bắc) ngày nay (13). Như vậy, căn cứ vào việc đổi tên gọi“Long Uyên” thành“Long Biên” trong phần chú thích sách Hán thư của Sư Cổ - Nhà Huấn hỗ học đời Đường là cách thay đổi tên gọi theo lối tỵ húy. Nhưng ở tấm bia xá lỵ này vẫn viết là “Long Biên”(龍編) mà không viết là “Long Uyên”(龍淵). Vì thế đã không phù hợp với cách giải thích của Sư Cổ, Chương Hoài. Dù thay đổi tên gọi, giải thích tên gọi theo kiểu từ nguyên học dân gian theo cách giải thích của sách Thủy Kinh Chú và sách Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm hay cách lý giải của Nhan Sư Cổ, Chương Hoài, Thái tử Lý Hiền hoặc giải thích sự thay đổi tên gọi do kiêng húy thì tên gọi: Long Uyên rồi sau này là Long Biên đều có ý nghĩa riêng của nó…Từ  cuối thế kỷ XIX, qua các khảo cứu của Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo, cho đến đầu thế kỷ XX, qua các khảo cứu của nhà thư tịch học Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, học giả Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời… cho đến nhiều giáo sư, học giả hiện nay chưa đi đến thống nhất về giới hạn địa danh huyện Long Biên. Thậm chí nhà sử học Đặng Xuân Bảng còn cho rằng địa giới huyện Long Biên đến tận Lạng Sơn, vùng Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Gần đây, qua Những phát hiện mới về khảo cổ học cho thấy vào thời Trần tên gọi  huyện Long Biên còn được nhắc đến trên tấm bia“Hưng Phúc tự bi”(興福寺碑) phát hiện ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, ghi vào thời điểm xây dựng ngôi chùa này vào năm 1351 thuộchuyện Long Biên, Xứ Kinh Bắc (14). Long Biên đã từng là đất đai của các huyện Tiên Du, Yên Phong, Gia Lâm và cả Văn Lâm nữa. Như thế địa danh huyện Long Biên trong lịch sử khá phức tạp. Thời Hán, Long Biên là trị sở xứ Giao Châu. Thời Tùy, Đường có lẽ cũng theo như thế. Nơi ấy có vực sâu, thường có  nhiều Cá Sấu chầu bên từng gây ra nỗi kinh hoàng cho người phương Bắc và đã được sử sách ghi lại. Nhưng cho đến mãi thời Trần theo tư liệu bi ký huyện Văn Lâm (Hưng Yên - ngày nay) vẫn thuộc phạm vi huyện Long Biên, xứ Kinh Bắc... Vị trí xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) với xã Trí Quả (Thuận Thành - Bắc Ninh) khá gần nhau về địa lý. Từ tên gọi huyện Long Biên thời Tùy (Qua bài minh tháp chùa Thiền Chúng), cho đến những ghi chép trong sử sách Trung Quốc về huyện Long Biên, về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần (TK VI), tấm bia thời Trần (TK XIII) đã nhắc đến ở trên…đã cho chúng ta nghĩ đến giới hạn huyện Long Biên rất rộng và có sự thay đổi, diên cách nhiều lần. Qua đó là cơ sở góp thêm bằng chứng cho phép chúng ta nghĩ đến chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên  rất có thể là Huệ Trạch tự (chùa Trí Quả - Thuận Thành, Bắc Ninh) sau này.

Về một số thuật ngữ Phật học và bối cảnh lịch sử ra đời của bài minh tháp.

Trong tấm bia có đề cập đến xá lợi/lỵ. Mọi người đều đã biết, Xá lợi (舍利), tiếng Phạn là “Sarêra”. Nhà sư khi viên tịch, thân xác được thiêu đốt đi, những phần xương còn lại sau khi hỏa táng gọi là xá lợi/lỵ. Nhưng xá lỵ ở đây là xá lỵ của ai, tên là gì. Bài minh tháp không nói rõ. Nhưng có lẽ đây phải là xá lỵ của Phật bởi tháp xá lỵ này được tạo dựng trước tiên là để cầu nguyện cho Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng Thái tử cùng các quần quan nhà Tùy:“Theo ước nguyện của Thái tổ Vũ nguyên Hoàng đế, Nguyên minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử cùng các chư vương, con cháu nội ngoại, các quan viên cho đến thứ dân, Lục đạo, Tam đồ trên cõi đời cùng sống thuận theo lời dạy của đức Phật, nghe được văn pháp mãi mãi ly rời khổ đau, trầm luân, được nhẹ nhàng lên chốn diệu quả”.

Về đối tượng cầu nguyện cũng chính là mục đích dựng bia. Ở đây xuất hiện một số thuật ngữ Phật học. Lục đạo (六道) : Theo nhà Phật, người chết sẽ theo việc làm bình sinh mà chia ra 6 chỗ ở : 1.Thiên đạo; 2. Nhân đạo; 3.A tu la đạo; 4. Quỷ đạo; 5. Súc sinh đạo; 6. Địa ngục đạo (15). Khái niệm Tam đồ (三塗) cũng có sự giải thích khác nhau về thuật ngữ này. Cách giải thích thứ nhất: Ba đường ác nghiệp trong Phật giáo: 1. Địa ngục; 2. Ngạ quỷ (Quỷ đói) và Súc sinh (Thú vật)(16); Cách giải thích khác là: “Ba đường ác (tam ác, tam đồ, tam ác thú, tam ác đạo): Nhà Phật cho rằng những ai khi sống mà phạm vào mười điều ác (Thập ác) thì khi chết sẽ đi vào “ba nẻo dữ”, ba đường ác lụy. Một là đường quỷ đói, (ngạ quỷ đạo), nơi tụ họp của các đường ma quỷ, hình thù xấu xí, dáng mạo dị hợm; tại đây các tội nhân bị đ gánh đập tơi bời, muốn ăn không ăn được, muốn uống không uống được…Hai là đường địa ngục (Địa ngục đạo), nơi các tội nhân bị dày vò bằng đủ cách: Thiêu đốt, cưa xẻ, tra tấn, cùm kẹp…Ba là đường súc sinh (súc sinh đạo), nơi tội nhân phải đầu thai thành súc vật để cho người ta hành hạ, ăn thịt (17). Cách giải thích thứ 2: Tam đồ (Ba đường): Đường lửa (hỏa đồ) ở địa ngục lửa cháy; đường máu (huyết đồ) nơi súc sinh ăn thịt lẫn nhau; đường gươm đao (đao đồ) nơi quỷ đói bị gươm đao bức bách. Trong Bài tựa sách Thiền uyển tập anh có đoạn: “…Thế là Phật giáo được thi hành rộng khắp, thiền tông nối tiếp. Gió đưa hơi thanh mát cho Sáu đạo, tuyết vùi lửa bỏng cháy ở Ba đường. Bí quyết thành Phật, thành Tổ cũng từ đây mở mối (18). Xuất phát từ ý nghĩa đó mà người ta thường gọi là “Ba đường sáu nẻo luân hồi”.
           
Vậy bối cảnh ra đời của bài minh tháp xá lỵ thời Tùy Nhân Thọ (601) trên  như thế nào?.

Trước tiên cần hiểu được tông phái của dòng thiền này qua các vị thiền sư xuất hiện trong thời điểm đó. Trên đây chúng tôi đã thống kê những vị Thiền sư trụ trì đầu tiên gắn với tên gọi chùa Thiền Chúng là Pháp Hiền. Pháp Hiền là học trò của Tỳ Ni Đa Lưu Chi (? – 594). Tỳ Ni Đa Lưu Chi là học trò của Tăng Sán (Người Trung Quốc). Mục truyện về Tỳ Ni Đa Lưu Chi trong sách Thiền uyển tập anh cho biết: Ông trụ trì chùa Pháp Vân, hương Cổ Châu, huyện Long Biên. Thiền sư người nước Thiên Trúc (Ấn Độ), dòng dõi Bà la môn, năm Giáp Ngọ (574) ông lần đầu tiên đến kinh đô Tràng An. Gặp lúc Chu Vũ đế tàn sát Phật giáo ông đi về đất Nghiệp (Hồ Nam). Hồi đó, tổ thứ 3 (của Thiền tông Trung Hoa) là Tăng Xán lánh lạn đến ở ẩn ở núi Tư Không rồi theo lời khuyên của Tăng Xán: “Ngươi mau về phương nam tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở đây lâu”. Trong khoảng 6 năm (574- 580) ông dịch xong bộ kinh Tượng đầu, Báo  nghiệp sai biệt. Tháng 3 năm Canh Tý (580) sang nước ta, trụ trì chùa Pháp Vân (nay là chùa Dâu – Thuận Thành, Bắc Ninh), dịch thêm kinh Tổng Trì. Một đoạn khác viết: Vả lại tổ ta là Tăng Xán truyền tâm ấn ấy cho ta, để ta mau đi về phương nam để giao tiếp với thiên hạ, không nên ở lâu tại đó. Trải từ bấy đến nay với người gặp gỡ, quả là ứng hợp với lời huyền ký. Người phải khéo giữ gìn. Đã đến lúc ta phải đi rồi. Nói xong sư chắp tay mà qua đời. Pháp Hiền làm lễ hỏa táng, thu xá lỵ năm sắc rồi dựng tháp phụng thờ. Bấy giờ là năm Giáp Tý niên hiệu Tùy Khai Hoàng thứ 14 (594).(19).

Như vậy, Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch tại chùa  Pháp Vân (Chùa Dâu- Diên Ứng tự) năm 594 và đã được Thiền sư Pháp Hiền dựng Tháp tại chùa ở đó. Như vậy, tháp xá lỵ của Tỳ Ni Đa Lưu Chi được tạo dựng trước “Xá lợi tháp minh”(năm 601) là 7 năm. Sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch diệt, Pháp Hiền đến núi Thiên Phúc, Thiền uyển tập anh cho biết: Nhà sư tu tập thiền định, quên hết cả vật lẫn bản thân mình, chim rừng bay đến vây quanh, dã thú đùa rỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng, đến học đạo với sư đông không kể xiết. Nhân đó sư dựng chùa Chúng Thiền (có lẽ là Thiền Chúng – N.Q.H) nhận tuyển dạy học trò. Tăng đồ đến lưu học tại chùa có khi đông đến hơn ba trăm người. Dòng thiền nam phương hưng thịnh từ đó. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao Tổ từ lâu đã nghe tiếng người nước Nam này sùng chuộng đạo Phật, đã có các bậc cao tăng đức vọng, bèn sai sứ đem xá lỵ Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng dàng. Sư bèn chia xá lỵ cho chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái để dựng tháp thờ (20). Cho đến ngày nay, ở các vùng Phong Châu (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Trường Châu (Ninh Bình), Ái Châu (Thanh Hóa) chưa tìm thấy các tháp xá lỵ thời Tùy như đã tìm thấy ở chùa Thiền Chúng.Thời nhà Tùy tồn tại ngắn ngủi, sử sách viết về xứ Giao Châu cũng không nhiều. Đại Việt sử ký toàn thư ghi về sự kiện năm Tùy Văn Đế Duy Kiến, niên hiệu Nhân Thọ thứ nhất (601) như sau: “Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thái sử Qua Châu là Lưu Phương người Tràng An có tài thao lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Tố làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng quân lính ai lấy đều mến đức sợ uy (21).

Qua mục tiểu truyện các vị Thiền sư, cao tăng cùng các tăng đồ đến theo học, cho ta biết phương pháp tu luyện đó là phép thiền định, lấy sự tĩnh lặng làm căn bản. Tên gọi “Thiền Chúng”((禪衆)ở đây có thể được hiểu là: “Tứ chúng đồng tu thiền” (四衆同修禪). “Tứ chúng” bao gồm: Tăng, ni, cư sĩ, phật tử. Nhưng khi đó, các nhà sư  chùa Thiền Chúng không chỉ có tu thiền mà còn có sự kết hợp giữa thiền với Đạo giáo: Thiền sư kiêm Pháp sư. Sở dĩ chúng ta biết điều này bởi phần cuối bài minh viết: “Sắc sử Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi tống xá lỵ ư thử tạo tháp”(勅使大德慧雅法師吏部羽騎慰姜微送舍利於此造塔.(Sắc sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Vi đem xá lỵ tạo tháp ở đây). Ở trên đã nói, năm 580, tại chùa Dâu,Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch xong kinh Tổng Trì. Tổng trì tức là  bí mật giáo, mật tông (tantrisme).Từ rất sơm, Phật giáo Thiền tông vùng này đã chịu ảnh hưởng của mật tông. Qua bài tháp minh còn cho chúng ta biết thêm, vào thời Tùy, ở chùa Thiền Chúng – Bên cạnh thiền sư Pháp Hiền còn có thêm một vị cao tăng sống cùng thời: Đại đức Tuệ Nhã pháp sư mà sách Thiền uyển tập anhkhông ghi chép.

Chùa Dâu thời Bắc thuộc - Trung tâm Phật giáo Giao Châu giữ vị trí rất quan trọng. Nhưng những tư liệu gốc (tư liệu đương thời) phản ánh về lịch sử  Phật giáo ở vùng này thật ít ỏi. Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư…và một số tư liệu thư tịch Trung Hoa chỉ ghi lại vài dòng ngắn ngủi nên chúng ta không biết được nhiều hơn về các vấn đề Kinh tế, chính trị, văn hóa… thời đó như thế nào. Trước đây, khi viết về Lịch sử chùa Dâu đặc biệt là thời Bắc thuộc, tôi vẫn mong có nhiều cuộc khảo cổ học tương đối quy mô để thêm những phát hiện mới mong lấp đầy khoảng trống trong nhận thức lịch sử. Tấm bia tháp xá lợi phát hiện ngẫu nhiên nhưng đã đem đến cho chúng ta nhiều hứng thú. Bài minh tuy ngắn ngủi nhưng đã cung cấp một số thông tin thú vị. Tuy nhiên, nội dung tấm bia đặc biệt là qua nghiên cứu địa danh chùa Thiền Chúng, tên gọi huyện Long Biên… đã không ngăn được những phân vân về nên đại của chúng. Liệu tấm bia đó có được khắc ngay năm Đại Tùy Nhân Thọ nguyên niên (601) hay mãi sau này mới khắc theo một văn bản bằng chất liệu nào đó có sẵn để lại?. Dù vậy, qua nội dung bài minh tháp xá lợi đã giúp cho người đọc có thể hình dung được phần nào về lịch sử hình thành chùa Thiền Chúng (Huệ Trạch tự ?) cũng như về tông phái Phật giáo vùng Dâu, Long Biên, Giao Châu.
N.Q.H

Chú Thích
(1). Nhân đây chúng tôi xin được cảm ơn đến ông Nguyễn Đình Nhân, thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã cung cấp cho chúng tôi bản dập thác bản  bài minh văn này.
(2) Bản dập thác bản văn bia số kí hiệu 20945, thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, trong Tổng tập thác bản Hán Nôm Việt Nam, Tập 21. Bản gốc tấm bia này được lưu giữ tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Theo PGS Trần Nghĩa, bài văn bia này có đến 6 dị bản được sao chép lại  vào các năm 1731, 1842, 1962, bản sao lục lại thác bản năm 1931(VHv. 2369), bản in trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập I từ Bắc thuộc đến thời Lý, Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Paris - Hà Nội, 1998, tr 7- 9; Cũng xem Trần Nghĩa/ Tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (phần I), Nxb Thế giới, 2000, tr  262- 271.
(3) Xem Trần Nghĩa/ Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (Phần II), Nxb Thế giới, tr 358- 361); Thiền uyển tập anh,(Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu, Phân viện nghiên cứu Phật học, Nxb Văn học- 1990, tr 177).
(4) Thiền uyển tập anh , đd, tr 174.
 (5) Sách Thiền uyển tập anh có lẽ viết nhầm thành “Chúng Thiền” (衆禪), núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du). (Thiền uyển tập anh, đd, tr 169).
(6)Thuyền uyển tập anh, đd tr 212
(7) Long Uyên (có nghĩa là: Giao long ở dưới vực/sông sâu), Long Biên (Giao Long ở bên vực/sông sâu).
(8) Viết về cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần có bài của GS Hà Văn Tấn /Viên gạch có chữ trong ngôi mộ thời Nam Tề và cuộc khởi nghĩa của Lư Tuần, NPHMVKCH, 2001, tr 711,712,713.
(9) Lê Quý Đôn/ Vân đài loại ngữ (Trần Văn Giáp biên dịch và khảo cứu, Trần Văn Khang làm sách dẫn; Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu), Tập I, NXB Văn Học, 1962, tr 151.
(10) Đường Cao Tổ họ Lý tên là Uyên, tự là Thúc Đức, người Lũng Tây.
(11) Lê Quý Đôn/ Vân đài loại ngữ, đd tr 152,153
 (12) Đào Duy Anh/ Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb văn hóa Thông tin, 2005, tr 86)
(13) Xem Phạm Thùy Vinh/Văn bia thời Trần chùa Hưng Phúc và địa danh hành chính huyện Long Biên, Những phát hiện mới về Khảo cổ học (NPHMVKCH), 2003, tr 553,554.
(14) Theo Đào Duy Anh/ Hán Việt từ điển, Quyển Thượng, N xb Khxh, 1996, đ d, tr 523).
(15) Đào Duy Anh/ Hán Việt từ điển,Q Hạ, đd tr, 226
(16) Cách giải thích trong tác phẩm “Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chứ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X, đd, trong “Sáu bức thư tranh luận về Đạo Phật” phần chú giải cũng thống nhất với cách giải thích trong Hán Việt từ điển của GS. Đào Duy Anh.
(17) Xem chú thích thứ 20 bài Đáp Lý Giao châu thư, đd tr 257.
(18) Thiền uyển tập anh, đd, tr 165, 166, 167.
(19) Thiền uyển tập anh, đd, tr 169, 170.
(20). Thiền uyển tập anh/Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và chú thích) Ngô Đức Thọ giới thiệu, Phận viện Nghiên cứu Phật học, NXB Văn học, H, 1990, tr 24.
(21) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb Khxh, H, 1998, Ngoại kỷ, Q IV, tờ 22a, Bd, tr 186

[1] Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội; ĐT: 0984. 871. 786
http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/10/nguyen-quang-ha-ve-tam-bia-thoi-tuy-601.html


VIỆC XÂY DỰNG THÁP XÁ LỢI DƯỚI THỜI TÙY VĂN ĐẾ VÀ MINH VĂN THÁP XÁ LỢI MỚI PHÁT HIỆN TẠI BẮC NINH

Phạm Lê Huy
Khoa Đông phương họcĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

Nhân Thọ xá lợi tháp và các tư liệu liên quan

Trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại các châu thuộc bản đồ đế quốc. Do cùng được xây dựng dưới niên hiệu Nhân Thọ, hệ thống tháp xá lợi này thường được biết đến dưới tên gọi “Nhân Thọ xá lợi tháp”. Sự kiện xây dựng các tháp xá lợi dưới thời Tùy Văn Đế được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo và mỹ thuật Trung Quốc. Chính vì vậy, nó đã sớm nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả Trung Quốc và Nhật Bản.

Xét thấy các tư liệu và kết quả nghiên cứu về “Nhân Thọ xá lợi tháp” chưa được biết đến rộng rãitại Việt Nam, trong khuôn khổ bài thông báo này, chúng tôi mạn phép trích dẫn và giới thiệu một số tư liệu cơ bản, chủ yếu là tư liệu chữ viết (tài liệu thư tịch và tư liệu kim thạch văn) xung quanhviệc xây dựng “Nhân Thọ xá lợi tháp” vào thời Tùy. Trên cơ sở đó, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận định góp phần nhận diện minh văn tháp xá lợi mới được phát hiện tại Bắc Ninh trong thời gian gần đây[1].

Nhìn chung, các nghiên cứu về “Nhân Thọ xá lợi tháp” đều được triển khai trên cơ sở các ghi chép trong các sách Tập thần châu Tam bảo Cảm thông lục 集神州三宝感通録 (dưới đây gọi tắt là Cảm thông lục), Quảng hoằng minh tập廣弘明集Tục cao tăng truyện 續高僧傳 (đều do sư Đạo Tuyên 道宣 biên soạn vào thời Đường, trong đó Quảng hoằng minh tập được hoàn thành năm Lân Đức nguyên niên – 664, Tục Cao tăng truyện hoàn thành năm Trinh Quán 19 - 645). Theo các nguồn tư liệu đó, “Nhân Thọ xá lợi tháp” được xây dựng vào 3 thời điểm như sau:

Lần thứ nhất vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601), trên phạm vi 30 châu.
Lần thứ hai vào năm Nhân Thọ 2 (602), trên phạm vi 50 (có tài liệu cho là 53) châu.
Lần thứ ba vào năm Nhân Thọ  4 (604), trên phạm vi hơn 30 châu.

Trong ba lần này, hệ thống tư liệu về hoạt động năm 601 là đầy đủ nhất. Theo Cảm thông lục, Tùy Văn Đế đã xuống chiếu về việc phân phát xá lợi và xây dựng bảo tháp an trí xá lợi vào ngày 13 tháng 6 năm 601. Nội dung bài chiếu cũng như tên các châu được phân phát xá lợi khi đó được ghi chép cụ thể trong sách Quảng hoằng minh tập.

Sử liệu 1: Quảng hoằng minh tập, quyển 17, Phật đức thiên đệ tam chi tam

正 覺大慈大悲、救護群生、津梁庶品、朕歸依三寶重興聖教、思與四海之内一切人民俱發菩提共修福業、使當今現在、爰及來世、永作善因、同登妙果、宜請沙門三十 人、諳解法相、兼堪宣導者、各將侍者二人、并散官各一人、薰陸香一百二十斤、馬五匹、分道送舍利、往前件諸州起塔、其未注寺者、就有山水寺所、起塔依前 山、舊無寺者、於當州清靜寺處建立其塔、所司造様送往當州、僧多者三百六十人、其次二百四十人、其次一百二十人、若僧少者、盡見僧、為朕、皇后、太子廣、諸王子孫等、及内外官人、一切民庶、幽顯生靈、各七日行道并懺悔、起行道日打、莫問同州異州、任人布施、錢限止十文已下、不得過十文、所施之錢以供營塔、若少不充役正丁、及用庫物、率土諸州僧尼、普為舍利設齋、限十月十五日午時、同下入石函、總管刺史已下縣尉已上、息軍機停常務七日、專檢校行道及打等事、務盡誠敬、副朕意焉、主者施行、仁壽元年六月十三日,史令豫章王臣宣。

Tạm dịch:
Kẻ môn hạ kính ngưỡng nghĩ rằng: đức đại từ đại bi của bậc Chính Giác cứu giúp cho chúng sinh, là cầu nối cho vạn vật. Trẫm nay qui y tam bảo, trùng hưng thánh giáo, muốn cùng tất thảy nhân dân trong bốn bể, cùng phát nguyện bồ đề, cúng tu phúc nghiệp, để cho đương kim hiện tại, cùng với vị lai, vĩnh tạo thiện nhân, cùng lên diệu quả. Nên mời 30 vị sa môn thông tuệ Pháp tướng [tức Phật pháp], kiêm kham truyền đạo, mỗi vị dẫn theo tùy tùng 2 người, tản quan 1 người, đem theo huân lục hương 120 cân, ngựa 5 con, chia ra các đạo hộ tống xá lợi đến các châu trên đây dựng tháp. Đối với các nơi không ghi chú tên chùa, chọn nơi chùa có sơn thủy, dựng tháp dựa vào núi phía trước. Những nơi vốn không có núi, dựng tháp tại chùa ở nơi thanh tịnh trong châu. Sở ty tạo “dung” [thiết kế] gửi cho các châu. Nơi có nhiều sư lấy 360 người, mức tiếp theo là 240 người, mức nữa là 120 người. Nếu có ít sư, huy động tất cả các sư hiện có. [Các sư] phải vì Trẫm, Hoàng hậu, Thái tử [Dương] Quảng, các vương tử tôn, nội ngoại quan nhân, tất thảy dân thường, sinh linh hai cõi u huyền, mỗi nơi hành đạo, sám hối trong vòng 7 ngày. Vào ngày hành đạo tiến hành “đả sát”, không kể người trong châu ngoài châu, đều phải bố thí. Tiền [bố thí] phải dưới 10 văn, không được quá 10 văn. Lấy tiền bố thí cúng cho việc tạo tháp. Nếu thiếu không được sung chính đinh, dùng đồ trong quan khố. Tăng ni các châu đều phải làm trai lễ cho xá lợi. Hạn vào giờ Ngọ ngày 5 tháng 10, các nơi cùng hạ nhập hộp đá. Từ chức tổng quản, thứ sử trở xuống đến chức huyện úy trở lên, đều phải nghỉ việc quân cơ, tạm dừng thường vụ trong 7 ngày, chuyên tâm đôn đốc việc hành đạo và “đả sát”, hết sức thành kính, không được phụ ý trẫm. Nhất nhất phải thi hành. Nhân Thọ nguyên niên, tháng 6 ngày 13. Nội sử lệnh Dự Chương vương thần [Dương] Giản tuyên đọc.

Quảng hoằng minh tập cũng ghi danh sách 30 châu được phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng tháp. Tương ứng với chiếu thư của vua Tùy, có thể thấy danh sách này chia làm 2 nhóm. Bên cạnh 17 châu có ghi rõ tên chùa, ví dụ Ung châu Tiên Du tự, có 13 châu chỉ ghi tên châu mà không ghi tên chùa, trong số đó có Giao châu. Như vậy, đối với Giao châu, vua Tùy không chỉ định địa điểm cụ thể, mà để cho Giao châu lựa chọn chùa xây tháp. Tiêu chuẩn lựa chọn là chùa phải ở nơi có danh sơn danh thủy, tháp phải được xây dựa vào núi phía trước, hoặc với những châu không có núi thì phải là chùa chiền ở nơi thanh tịnh. Tiếp theo chiếu thư của Tùy Văn Đế, Đạo Tuyên cũng chép các nơi có tấu báo về việc xuất hiện “cảm ứng” khi xây tháp. Ví dụ như tại Ung châu xây tháp tại chùa Tiên Du, trời mây mù đổ mưa, nhưng đến khi đưa xá lợi xuống thì trời quang mây tạnh, đến khi đưa xá lợi vào hộp thì trời lại đổ mưa[2]. Trong danh sách “cảm ứng” đó cũng có nhắc đến Giao châu, nhưng chỉ ghi đơn giản ở Giao châu khởi dựng tháp tại Thiền Chúng tự (交州於禪眾寺起塔) mà không nhắc đến “cảm ứng” cụ thể[3].

Khi chôn xá lợi, người ta thường chôn kèm minh văn. Hiện nay, người ta đã tìm thấy 12 minh văn liên quan đến việc xây dựng "Nhân Thọ xá lợi tháp", trong đó có 6 minh văn về lần xây dựng năm 601, 3 minh văn về lần xây dựng năm 602, 3 minh văn về lần xây dựng năm 604.


Bảng: Các minh văn liên quan đến "Nhân Thọ xá lợi tháp đã phát hiện được 
tại Trung Quốc (tham khảo Oshima Sachio, 2012)

STT
Địa điểm
Thông tin
1
Ung châu Tiên Du tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng Tiên Du tự


Ảnh thác bản
Chưa có thông tin


Kích thước
Chưa có thông tin
2
Kỳ châu Phượng Tuyền tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng huyện Phù Phong


Ảnh thác bản
Bắc đồ[4] (t9), tr.143


Kích thước
32x34cm
3
Đồng châu Đại Hưng quốc tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Uỷ ban quản lý văn vật huyện Đại Chi tỉnh Thiểm Tây


Ảnh thác bản
Thiểm Tây bi thạch tinh hoa, tr.30


Kích thước
Chưa có thông tin
4
Thanh châu Thắng Phúc tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng Thành phố Thanh châu


Ảnh thác bản
Bắc đồ (t9), tr.144


Kích thước
63x77cm (trán bia: 31x27cm)
5
Đại Hưng huyện Long Trì tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Không rõ


Ảnh thác bản
Bắc đồ (t9), tr.142


Kích thước
35x30cm
6
Tín châu Kim luân tự
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)


Nơi lưu giữ
Bạch Đế thành Tây Bi Lâm


Ảnh thác bản
Bắc đồ (t.9), tr.153


Kích thước
43x46cm
7
Lộ châu Phạn Cảnh tự
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)


Nơi lưu giữ
Không rõ


Ảnh thác bản
Chưa có thông tin


Kích thước
Chưa có thông tin
8
Đặng châu Đại Hưng quốc tự
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng Thành phố Khai Phong


Ảnh thác bản
Bắc đồ (t.9), tr.156
9
Tử châu Hoa Lâm tự
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)


Nơi lưu giữ
Không rõ


Ảnh thác bản
Nakamura Nobuo (2004)
10
Nghi châu Thần Đức tự
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng Diệu huyện


Ảnh thác bản
Thiểm Tây bi khắc tinh hoa, tr.32
11
Liêm châu Hoa Thành tự
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)


Nơi lưu giữ
Không rõ


Ảnh thác bản
Bắc đồ, tr.166
12
Kinh thành Diên Hưng tự
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)


Nơi lưu giữ
Bảo tàng Hàm Dương


Ảnh thác bản
Hàm Dương bi thạch, tr.18

Minh văn tháp xá lợi tại Bắc Ninh 

Theo báo cáo của TS. Lê Viết Nga (Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh), thời gian vừa qua tại Bắc Ninh đã phát hiện được một tấm bia, theo minh văn có niên đại vào năm 601. Ngày 29 tháng 8 năm 2012, chúng tôi đã có dịp cùng GS.Phan Huy Lê, PGS.TS.Tống Trung Tín, TS.Nguyễn Văn Sơn đến Bảo tàng Bắc Ninh và trực tiếp quan sát tấm bia này dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Viết Nga.

Minh văn tổng cộng có 133 chữ, được chia làm 13 dòng, mỗi dòng về cơ bản có 13 chữ. Nguyênvăn như sau:

1          舍利塔銘
2          [5]酉十月
3          辛亥朔十五日乙丑
4          皇帝普為一切法界幽顯生靈謹
5          於交州龍編縣禅衆寺奉安舍利
6          造靈塔願
7          太祖武元皇帝元明皇后皇帝皇
8          后皇太子諸王子孫等並外羣
9          爰及民庶六道三塗人非人等
10        生生世世佛聞法永離苦空同
11        昇妙果
12        勅使大德慧雅法師吏部羽騎尉
13        姜徽送舎利於此起塔

Phiên âm:
1          Xá lợi tháp minh văn
2          Duy Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt
3          Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu
4          Hoàng đế[6] phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn
5          ư Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi
6          kính tạo linh tháp nguyện
7          Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu[7], Hoàng đế, Hoàng
8          hậu, Hoàng thái tử[8], chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại quần
9          quan, viên cập[9] dân thứ, lục đạo, tam đồ nhân, phi nhân đẳng
10        Sinh sinh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng
11        thăng diệu quả
12        Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ [10]
13        Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi tháp 
           
Qua so sánh, có thể thấy minh văn tìm được tại Bắc Ninh (dưới đây tạm gọi là minh văn Giao châu) có nội dung về cơ bản giống với các minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" có niên đại 601 đã phát hiện được tại Trung Quốc, chỉ tồn tại một số khác biệt nhỏ như sau:

Thứ nhất, trong minh văn Giao châu, dòng đầu tiên ghi chữ "Xá lợi tháp minh". Trong khi đó, một số minh văn Trung Quốc lại ghi là "Xá lợi tháp hạ minh" (Ung châu, Kỳ châu, Thanh châu, Đại Hưng huyện). Vị trí khắc dòng tiêu đề này cũng khác nhau tùy theo từng bia, minh văn Ung châu và Thanh châu ghi ở dòng đầu, minh văn Kỳ châu và Đại Hưng huyện ghi ở dòng cuối cùng. 

Thứ hai là sự phân bố các chữ trên một dòng. Về cơ bản, minh văn Kỳ châu mỗi dòng có 11 chữ, minh văn Thanh châu và Đại Hưng huyện mỗi dòng có 12 chữ. Trong khi đó, minh văn Giao châu mỗi dòng có 13 chữ.

Thứ ba là minh văn Giao châu sử dụng một số chữ dị thể khác với các minh văn khác. Ví dụ chữ Tân xuất hiện hai lần trong minh văn ở dạng dị thể   . Đây là một dạng dị thể khá hiếm xuất hiện trên bia Nghĩa Kiều thạch tượng thời Đông Ngụy (東魏義橋石像碑.

Thứ tư là sự khác biệt về địa điểm xây tháp (đây là điều đương nhiên). Địa điểm xây tháp là "Giao châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự", phù hợp với ghi chép của Quảng hoằng minh tập, nhưng có điểm riêng là đặt chùa Thiền Chúng tại huyện Long Biên, Giao châu.

Thứ năm là trong khi các minh văn khác chỉ có phần chính văn, riêng minh văn Giao châu và Thanh châu có thêm phần chú thích về "sắc sứ". Minh văn Giao châu ghi tên sắc sứ là "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư"[11] và "Vũ kỵ uý Khương Huy". Minh văn Thanh châu ngoài 2 sắc sứ là "Đại đức Trí Năng" và "Vũ kỵ uý Lý Đức Kham". Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế, có thể xác định "Đại đức Tuệ Nhã pháp sư" và "Đại đức Trí Năng" là 2 trong số 30 sa môn được Tuỳ Văn Đế cử về địa phương, Khương Huy và Lý Đức Kham là 2 "tản quan" tháp tùng. Ngoài ra, minh văn Thanh châu còn ghi thêm tên người viết chữ là "Mạnh Bật" . Bên cạnh đó, phần ghi chú về sắc sứ của minh văn Giao châu cũng có điểm khác biệt với minh văn Thanh châu. Minh văn Thanh châu ngoài sắc sứ còn ghi thêm tên 2 người tuỳ tùng (tòng giả) và 2 viên chức Tư mã và Lục sự tham quân của Thanh châu. Minh văn Giao châu lại có thêm dòng chữ "tống xá lợi ư thử khởi tháp" (送舎利於此起塔). Dòng chữ này có khả năng là sao chép từ sắc chỉ của vua Tùy gửi đến Giao châu.
 .
Xung quanh thông tin nắp bia và bia được kết dính bằng một chất đặc biệt, chúng ta cũng tìm thấy trường hợp tương tự tại Trung Quốc. Theo văn bản khai quật minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" tại chùa Hoằng Nghiệp ở U châu năm 846, hộp đá lớn được phong bằng "hương nê" (bùn hương), phía trên có minh văn (Kosugi Kazuo, 1934).

Sự thống nhất trong nội dung minh văn với các tấm bia tìm được tại Trung Quốc cũng như sự trùng khớp thông tin (ngày 15 tháng 10 năm 601, xây tháp tại chùa Thiền Chúng ở Giao châu) với các tư liệu như Quảng hoằng minh tập và Cảm thông lục giúp chúng ta khẳng định tấm bia tìm được tại Bắc Ninh thuộc nhóm minh văn "Nhân Thọ xá lợi tháp" liên quan đến sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao châu năm 601.

Về niên đại bia, hiện nay tồn tại một số quan điểm như sau:

(1) Bia được khắc vào năm 601, cùng thời điểm với niên đại "Nhân Thọ nguyên niên" ghi trên bia.
(2) Bia được khắc sau nhưng không xa với niên đại "Nhân Thọ nguyên niên" - 601 ghi trên bia.
(3) Bia mới được làm giả cổ.

Để đưa ra câu trả lời cuối cùng, cần có nghiên cứu chuyên ngành với sự tham gia của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên. Ở đây, từ góc độ nghiên cứu tư liệu văn bản, chúng tôi chỉ đưa ra một số ý kiến như sau:

Xác suất xảy ra khả năng thứ ba, tức bia mới được làm giả cổ là rất thấp. Như đã trình bày ở trên, mặc dù có sự tương đồng với các văn bia đã được tìm thấy tại Trung Quốc, nhưng minh văn Giao châu cũng có nhiều điểm khác biệt. Điều đó cho thấy ít nhất văn bia này không phải là sự sao chép rập khuôn một mẫu văn bia nào đã được biết đến trước đó. Hơn nữa, để làm giả được tấm bia như thế này, người chế tác phải có trình độ hiểu biết rất sâu về Hán văn, lịch sử, sưu tầm được tư liệu từ nhiều nguồn tản mác khác nhau. Ví dụ như dị thể của chữ "Tân", hay tên gọi chùa "Thiền Chúng" không xuất hiện trong sắc chỉ của vua Tùy mà có trong phần "cảm ứng" của các địa phương. 

Để trả lời quan điểm thứ hai, cần nghiên cứu tổng hợp về mối quan hệ giữa nhà Tiền Lý với nhà Tùy khi đó. Do hạn chế của thông báo, chúng tôi xin phép trình bày vấn đề này chi tiết hơn trong một bài viết khác.

Nói tóm lại, với những tư liệu hiện có, có thể tạm thời xác nhận minh văn mới tìm thấy tại Bắc Ninh là tấm bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam, trước bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn trước đây đã được GS.Đào Duy Anh phát hiện tại Thanh Hóa năm 1960.

Sự thống nhất về câu chữ trong minh văn cho thấy bên cạnh thiết kế tháp xá lợi, qui cách tổ chức nghi lễ, chính quyền trung ương của nhà Tùy đã biên soạn trước nội dung minh văn để phân phát cho các địa phương. Mặt khác, kích thước bia, kiểu chữ khắc lại khác nhau tùy từng địa phương. Việc tìm thấy minh văn Giao châu giúp tái khẳng định ý kiến của Kegazawa cho rằng nhà Tùy chỉ đóng vai trò biên soạn nội dung minh văn, còn việc khắc bia giao cho các địa phương (Kegasawa Yasunori, 2011). Nói cách khác, nhiều khả năng minh văn Giao châu đã được khắc tại Việt Nam.

Đánh giá về tấm bia phát hiện tại Bắc Ninh:

Minh văn tháp xá lợi tìm thấy tại Bắc Ninh đã thay thế bia Trường Xuân, trở thành tấm bia có niên đại cổ nhất Việt Nam hiện còn lưu giữ được.

Đây là nguồn tư liệu kim thạch văn quí giá, bên cạnh bia Trường Xuân và tấm bia được cho là tìm thấy tại khu vực Vạn Xoan trước đây, giúp nghiên cứu về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Liên quan đến lịch sử Phật giáo, nó giúp chúng ta có được nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời thuộc Tùy - Đường[12].

Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, tấm bia này cũng là nguồn tư liệu quí giá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng "Nhân Thọ xá lợi tháp" nói riêng cũng như chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung. Cụ thể, nó giúp xác nhận lại địa điểm xây dựng tháp xá lợi tại Giao châu (chùa Thiền Chúng), sứ giả hộ tống (Tuệ Nhã pháp sư, Vũ kỵ úy Khương Huy), tái xác nhận cách thực hiện (triều đình trung ương gửi mẫu văn bản, chính quyền địa phương tự khắc bia).

Tấm bia này cũng là một tài liệu bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Chiếu thư Tùy Văn Đế phát ra vào ngày 13 tháng 6, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá lợi vào ngày 15 tháng 10. Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc quãng thời gian cần thiết để sứ giả di chuyển từ kinh đô Đại Hưng (Trường An) đến các địa phương. Nói cách khác, quãng thời gian 124 ngày (từ 13 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10) là quãng thời gian tối đa để di chuyển từ Trường An đến Giao châu. Trước đây, qua nghiên cứu về trường hợp của khởi nghĩa Dương Thanh, chúng tôi đã tính toán di chuyển từ Trường An đến Giao châu (An Nam Đô hộ phủ) mất khoảng 59-70 ngày nếu di chuyển bằng đường biển và dịch trạm, khoảng 124 ngày nếu di chuyển với tốc độ thông thường (Phạm Lê Huy, 2012).

Tài liệu tham khảo
Kosugi Kazuo, Về việc an trí xá lợi Phật tại các tháp Phật thời Lục triều, Hiệp hội Học thuật Đông phương, 1934
Kegasawa Yasunori, Việc cắt giảm học hiệu và Cúng dường xá lợi năm Nhân Thọ nguyên niên (601) thời Tùy, Tạp chí Sử học Surudai, 111 (2), 2001
Nakamura Nobuo, Khảo sát về minh văn Nhân Thọ xá lợi tháp - Xung quanh minh văn Đại Tùy hoàng đế Tử châu xá lợi tháp, Tập san Nghiên cứu Mỹ thuật, 25, 2004
Phạm Lê Huy, Nghiên cứu giao thông thời Đường qua trường hợp An Nam Đô hộ phủ, Kỷ yếu Hội thảo Giao hưởng Cổ đại II, Đại học Meiji, 2012
Oshima Sachio, Manno Keisuke, Tùy Nhân Thọ xá lợi tháp nghiên cứu dự thuyết (Chú thích và nghiên cứu tác phẩm Tập thần châu Tam bảo Cảm thông lục với tư cách là một nguồn sử liệu mỹ thuật - 5): Xá lợi Cảm ứng lục, Nhân Thọ xá lợi tháp thiên (phần đầu)), Nghiên cứu Mỹ thuật Nara, 12, 2012
Phạm Lê Huy, Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh (819-820), Tạp chí NCLS (sắp đăng)
Phụ chú: Xung quanh việc tìm hiểu tư liệu về Nhân Thọ xá lợi tháp, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của TS. Kawakami Mayuko (cán bộ nghiên cứu Đại học Kyoto), xin chân thành cảm ơn.



[1] Về lịch sử nghiên cứu và các kết quả mới nhất, xin tham khảo Oshima Sachio (2012).
[2]「雍州於仙遊寺起塔、天時陰雪、舍利將下日便朗照、始入函、雲復合」(『集神州三寶感通錄』卷上)。
[3] Việc riêng Giao châu không có tấu chương về "cảm ứng" cụ thể mà chỉ ghi về việc xây tháp phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa nhà Tiền Lý và vương triều Tùy khi đó. Do giới hạn bài viết, chúng tôi chưa đề cập sâu về vấn đề này, xin dành cho một bài viết khác sắp công bố.
[4] Bắc đồ: Bắc Kinh đồ thư quán lịch đại thạch khắc thác bản vựng biên 北京図書館歴代石刻拓本彙编。
[5] Chữ Tân được viết dưới dạng dị thể
[6] Hoàng đế tức Dương Kiên, Hoàng hậu tức Độc cô thị.
[7] Thái Tổ Võ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu chỉ bố mẹ của Tùy Văn Đế là Dương Trung và Lữ thị. Theo Tùy thư (Q.1, Cao Tổ kỷ thượng), tháng 2 năm 581 (Khai Hoàng 1), Tùy Văn Đế truy tôn cha (hoàng khảo) là Võ Nguyên Hoàng đế, đặt miếu hiệu là Thái Tổ, mẹ là Nguyên Minh Hoàng hậu. 「(開皇元年二月)乙丑、追尊皇考為武元皇帝、廟號太祖、皇妣為元明皇后」(『隋書』卷一、高祖上、開皇元年二月乙丑条)。
[8] Hoàng thái tử vào thời điểm này là Dương Quảng. Trước đó, năm 600 (Khai Hoàng 20), tháng 10, Tùy Văn Đế phế Hoàng thái tử Dương Dũng và các con làm thứ dân, sang tháng 11 lấy Tấn vương Dương Quảng làm Hoàng Thái tử. 「乙丑,皇太子勇及諸子並廢為庶人」、「晉王廣為皇太子」(『隋書』 卷二、 高祖下、 開皇二十年十月乙丑条、十一月戊子)。
[9] Viên cập (爰及):
[10] Vũ kỵ uý là chức tản quan thời Tuỳ, đến niên hiệu Võ Đức thời Đường mới đổi làm Tướng sĩ lang .「其散官文騎尉為承議郎、屯騎尉為通直郎、雲騎尉為登仕郎、羽騎尉為將仕郎」(『舊唐書』卷四十二)。
[11] Về nhân vật Tuệ Nhã pháp sư, chúng tôi xin trình bày trong một bài viết khác.
[12]  Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn trong một bài viết khác.

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...