Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Bài báo về phiên tòa xử vụ án giết người dưới thời Pháp thuộc


Điên vì tình: Cô  Vũ Thị Cúc là người bị hại về ái tình hay là kẻ đã phạm một tội ác của văn minh
 ( Báo Trung Bắc chủ nhật năm I940)


Câu chuyện cô Vũ Thị Cúc đâm chết tình nhân sảy ra đã năm rưỡi nay mà dư luận xứ này, nhất là trong đám phụ nữ vẫn chú ý đến một cách đặc biệt và hôm thủ phạm ra trước Tòa Đại hình số người nhất là các bà các cô kéo đến xem đông đặc chật hết vòng trong vòng ngoài trong phòng tòa xử lại đầy cả phòng nghỉ chân liền đấy. Quan chánh án phải ra lệnh đuổi bớt đi một phần rôi mới bắt đầu xử đến. Tại sao vụ án mạng này lại được dư luận chú ý đến thế?
       Trước hết vì vụ  này là một vụ án mạng vì tình, những án vì tình bao giờ cũng li kỳ.
       Điều làm cho người ta để ý hơn là kẻ bị giết, một người có học thức và có một địa vị khá cao trong xã hội. Sau cùng người ta lại muốn biết mặt nữ thủ phạm, một thiếu nữ chân yếu tay mềm đã dám đâm tình nhân một lúc 35-36 nhát dao cho đến chết, đầy tớ trong nhà cũng phải sợ không dám can thiệp để cứu chủ.
       Đã mười tám tháng nay người ta nóng lòng mong đợi kết quả  vụ án mạng vì tình này trước pháp luật.  Trong số những người đi xem  xử án hôm 7 tháng 6  ( I940) vừa rồi chia làm 2 phái: phái cổ thì mạt sát nữ thủ phạm đã giết tình nhân một cách có thể gọi là tàn nhẫn. Theo như tập quán của ta xưa, người đàn bà dù có bị hắt hủi, bạc đãi hay bị thất vọng vì tình đến đâu chăng nữa, cũng phải cắn răng mà chịu không được phép tiết lộ ra, nhất là bằng một cách khác thường như cô Cúc, nhất là cô này chỉ là tình nhân của ông huyện Nguyễn Xuân Trường, một người đã có vợ cả rồi. Bổn phận một người đàn bà Việt Nam dẫu ở giai cấp nào trong xã hội cũng phải lấy nhẫn nại, nhu mì làm đầu. Các bà thuở xưa có bà bị chồng duồng bỏ, nịch ái hầu thiếp, tuy bề trong uất ức đến cực điểm nhưng lúc nào cũng phải điềm đạm vui vẻ trước mặt đức lang quân để lấy đức mà hóa người chồng
       Phái thứ hai là phải mới thì thương hại và bênh vực cho thủ phạm và hi vọng thủ phạm trắng án hoặc kết án rất nhẹ. Phái này dựa vào mối tình chân thật của cô Cúc đối với tình nhân trong bao nhiêu năm. Vì mối tình đó mà Cúc đã hi sinh tất cả thân thể và cái quý nhất của một thiếu nữ là trinh tiết. Cúc đã quá yêu tình nhân, đem hết cả vốn liếng tư  cấp cho người tình  khỏi thiếu thốn trong  lúc còn là một học trò nghèo. Cúc lại còn tin vào lời thề trước đền Hàng Trống, một ngôi đền rất linh thiêng, thờ một vị linh thần chuyên  chủ trương về  ái tình nên đã yên trí từ bao giờ rằng  tình nhân không thể phụ bạc mình được . Trong cái óc non nớt và quá tin vào sự thần bí kia chỉ biết có tình nhân, chỉ nghĩ đến ông Huyện Nguyễn Xuân Trường mà cô đã hi sinh hết mọi thứ ở đời. Những người thương hại cho Cúc lại nghĩ đến sự phụ bạc của tình nhân cô, một người đã yêu vì tiền chứ không phải vì tình. Đã chơi hoa rồi lúc chán thì bỏ mặc cho hoa tàn nhị rữa, một tay chơi đã mấy cánh phù dung. Người ta đã nghĩ đến sự đau đớn uất ức của cô Cúc  khi bị tình nhân dày vò để tống tiền và nhất là khi biết tình nhân đã duồng bỏ mình để định lấy một thiếu nữ khác hợp hơn giàu có hơn. Thôi thế là hết cả một đời cái xuân xanh của người con gái đã qua không bao giờ trở lại nữa. Sự thất vọng của Cúc khi đó đã lên tới cực điểm.
       Trở về trên là ý kiến của 2 phái mới cũ và cái cảm tưởng của 2 phái với  cái tình cảnh  và sự hành động của cô Cúc. Nhưng Tòa Đại hình xử vụ này đâu có dựa vào dư luận mà chỉ bằng vào pháp luật. Trước khi kết luận, tòa đã xét hết cả những trường hợp trước và trong khi sảy ra vụ án mạng này. Tòa lại cần xét xem trong khi phạm tội giết người Cúc có đủ trí khôn chăng hay chỉ hành động dưới một dục vọng mãnh liệt và đã bị cảm xúc một cách quá đáng. Cúc có phải chịu hoàn toàn trách nhiệm mà cô đã gây ra chăng? Đó là câu hỏi mà các vị quan tòa và các vị bồi thẩm băn khoăn tìm câu giả lời trong  khi ngồi xử cô thiếu nữ yếu ở  kia.
       Sau khi Tòa kết án cô hai năm tù án treo, ở phòng án bước ra có người phụ nữ đã hỏi bà Tạ Thị Lan vợ cả của ông huyện Trường, kẻ bị giết:” Sao tòa lại xử nhẹ thế?” Tôi dám chắc trong người đi xem, nhiều người đồng ý với bà kia. Chắc các bà đã không để ý Tòa đã miễn nghị  cho cô Cúc tội cố ý sát nhân và cả tội ám sát mà chỉ xử cô về tội đâm chết người, một khinh tội có thể xử ở tòa tiểu hình và chỉ có thể kết án từ 6 tháng đến 2 năm tù. Quan tòa lại xét ra trong vụ này có trường hợp giảm đẳng nên mới cho  thủ phạm hưởng án treo.
        Trong khi ngồi xem xử vụ án vì tình này, nhiều người khác  chắc cũng như tôi để ý ( kiểm duyệt xóa)… những tiếng khóc nức nở đầy sự uất ức của cô (… kiểm duyệt xóa) Những tiếng khóc đố Luật sư Mayet bênh vực cho cô đã nói đến và viện ra để tỏ ra cô Cúc đã quá cảm  xúc và thất vọng vì tình mà sinh điên,  mất cả lương tri mà chính sự điên đó đã làm cho cô phạm tội. Luật sư Mayet đã nói: “ tôi đã dò xét để ý thiếu nữ có tấm linh hồn trong sạch và huyền bí kia, tôi đã cố hỏi cô nhiều lần trong nhà pha, trong phòng dự thẩm, ở nhà thương,  và trong phòng giấy của tôi, lúc nào tôi cũng chỉ thấy cô khóc nức nở không già lời ra tiếng. Mà thực thế, ngay trước vành móng ngựa cô Cúc vừa khóc vừa đáp lại câu hỏi của quan tòa, không mấy lúc là mắt cô ráo nước mắt. Một lần tôi đã gặp cô ở phòng quan dự thẩm Hà Nội đi về nhà pha Hỏa Lò, tôi nhận thấy mắt cô đỏ hoe và vẫn đầy, ngấn lệ. Có lẽ sau ngày I8tháng II, năm I938 cô phạm vào tội giết tình nhân, suốt I9 tháng cho đến khi cô bị đem ra tòa xử, cô Cúc đã khóc cho đến hết nước mắt, và có lẽ từ nay cho đến về sau cô sẽ còn khóc mãi, mỗi khi nghĩ đến lời thệ hải minh sơn và mối tình rất nặng của cô  cùng sự  phụ bạc của tình nhân. Luật sư Mayet đã kết luận lời cãi  cho cô bằng câu sau này:” Một người như thế không thể đem xử ở các tòa án mà chỉ nên đem chưa bệnh ở các bệnhviện, cô Cúc chỉ là người đáng thương không phải người đáng tội. Thủ phạm vụ này là người đã quá cố chúng tôi không muốn nói đến. Cô Cúc là một người bị hại về ái tình chứ không phải là người đã phạm một “ tội ác của văn minh” ( Creamede le civilization) như lời luật sư Tavernier bênh vực cho bên nguyên đơn đã nói."

(Bài chép lại nguyên văn trên báo nên có nhiều từ quy cách về chính tả hiện nay đã thay đổi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...