Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Hành trình chinh phục Fansipan - Nóc nhà Đông Dương!

Hành trình chinh phục Nóc nhà Đông Dương được một số cán bộ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển chúng tôi ấp ủ từ lâu, đặc biệt sau lần đưa học viên cao học đi thực tế tại Sa Pa (11/2012), khi quan sát thấy sự kỳ vĩ của dãy núi Hoàng Liên. Và dự định đó đã trở thành hiện thực khi chúng tôi tổ chức leo Fan vào xuân Quý Tỵ từ ngày 21/3-25/3/2013.
FANSIPAN(cao 3143m) là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, được mệnh danh Nóc nhà Đông Dương. Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, ở vị trí tiếp giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam.







Hành trình chinh phục Nóc nhà Đông Dương được một số cán bộ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển chúng tôi ấp ủ từ lâu, đặc biệt sau lần đưa học viên cao học đi thực tế tại Sa Pa (11/2012), khi quan sát thấy sự kỳ vĩ của dãy núi Hoàng Liên. Và dự định đó đã trở thành hiện thực khi chúng tôi tổ chức leo Fan vào xuân Quý Tỵ từ ngày 21/3-25/3/2013.
Sau một tuần chuẩn bị và thống nhất kế hoạch, đoàn chúng tôi gồm 10 thành viên (8 nam và 2 nữ) tham gia, đặc biệt trong đoàn có sự đồng hành của GS.TS Trương Quang Hải, năm nay Thầy đã bước sang tuổi 61. Sự có mặt của Thầy chính là nguồn cổ vũ động viên, là động lực cho chúng tôi trong suốt hành trình chinh phục đỉnh Fansipan sau này.
Tối 21/3, chuyến xe Hà Nội-Lào Cai rời bến Mỹ Đình đưa chúng tôi-những con người trẻ trung, đam mê, khát khao chinh phục Fansipan lên đường. Sau một giấc ngủ dài, 8h45 ngày 22/3 xe đưa chúng tôi lên đến Sa Pa. Dừng chân ở Sa Pa một ngày chúng tôi có thời gian để nghỉ ngơi, mua sắm những thứ thiết yếu nhất cho chuyến đi và thăm quan Thành phố trong sương như một sự khởi động cho 2 ngày leo núi tới.
Sáng 23/3, sau bữa sáng tại Sa Pa, chúng tôi lên xe đi thẳng tới trạm Tôn-ở độ cao 1950m, đây chính là địa điểm xuất phát cho chuyến leo Fan lần này. Thời tiết hôm nay ở Sa Pa thật đẹp, nắng nhẹ và trời trong xanh, nét đặc trưng quyến rũ của khung cảnh núi rừng Tây Bắc. Cùng hành trình với chúng tôi còn có 1 tour guide và 03 porters.Tour guide tên là A Chơ có dáng người hơi cao và rắn chắc, nụ cười thân thiện. Những người này trông vóc dáng tầm thước, nhưng trên lưng đều mang hàng chục cân hành lí và thực phẩm của đoàn.
Xe lên đến trạm Tôn lúc 8h58’. Cả đội xuống xe kiểm tra lại hành lý, trang phục và cùng chụp ảnh kỷ niệm trước khi chính thức bước vào chặng đường 2 ngày leo núi chinh phục đỉnh cao Fansipan.

Ngày đầu leo núi, chúng tôi dừng chân để ăn trưa tại trạm 2200m, ăn tối và nghỉ qua đêm tại trạm 2800m. Hành trình bắt đầu trên những con đường mòn, qua bao nhiêu gốc cây đổ, qua những con suối, những cánh rừng cây mọc cao vút. Đoạn đường đầu tiên là xuống dốc, rồi băng qua suối, rồi lại leo dốc, con đường cứ hun hút. Đoạn đường khởi đầu thực sự khá mất sức vì cơ thể chúng tôi chưa quen với việc đi lại đường rừng và vác nặng trên vai. Đi đến đâu cũng thấy một màu xanh, những cây sồi dẻ cổ thụ thân đầy rêu nối tiếp nhau. Nhiều loài cây gỗ, cây bụi, cây hòa thảo và cây hoa chúng tôi chưa một lần nhìn thấy. Hòa nhịp vào tiếng gió rít là tiếng chim hót véo von, tiếng lá cây khô xào xạc dưới bước chân. Qua những con dốc, qua những cánh rừng nguyên sinh bên dưới có thảm cây thảo quả, qua rừng gỗ đang tái sinh xen lẫn trúc và cây bụi, chúng tôi tiếp tục đi men theo con suối ngoằn ngèo, đến khu núi trọc, lúc này từ khu rừng âm u mở ra trước mắt chúng tôi là cả một khoảng trời mây bao la. Con đường trước mặt cứ trải dài, có đoạn đi qua những bề mặt san bằng, có lúc chênh vênh trên sườn núi đá rắn chắc. Hết khoảng không bao la, rồi lại đi men theo con suối trải dài, uốn lượn, rồi lại tiếp tục đi sâu vào rừng. Tầm gần trưa, khu rừng cũng đã sáng hơn vì ánh nắng mặt trời chiếu sáng, hoa Đỗ Quyên với đủ các mầu đỏ, tím, trắng và vàng khoe sắc.Thỉnh thoảng cũng có những thân cây to bắc ngang suối như một cây cầu. Cả đoàn men theo con suối ấy, từ bờ bên này sang bờ bên kia. Cứ đi một đoạn, chúng tôi lại dừng, lại tiếp nước và lương khô, trò chuyện thật rôm rả.... Đây chưa phải là chặng đường khó khăn nhất, nhưng các thành viên trong đoàn đều biết điều tiết cơ thể để giữ sức trong suốt hành trình, mọi ngườiđã rất cố gắng hỗ trợ, bám đuổi nhau…
Trên đường đi, gặp thêm một số đoàn, chúng tôi hòa đồng và giao lưu cởi mở. Tiếng cười và những chuyện trêu đùa làm quên đi cái mệt mỏi và khô khát. Hành trình cùng đoàn khác được một đoạn đường khá dài, sau đó đội bạn vượt lên trước vì họ toàn thanh niên và có thành viên đã từng leo Fan.

Đối với chúng tôi, trên đường đi còn có nhiều sự trải nghiệm thú vị, ngoài việc chăm chú leo qua các con dốc, còn say sưa ghi lại những hình ảnh đẹp của núi rừng Hoàng Liên Sơn, nghe những lời khảo giảng rất tâm huyết về sự phân hóa đai cao của thảm thực vật từ Giáo sư Trương Quang Hải, làm cho hành trình thú vị hơn, tiếng cười cũng nhiều hơn, đỡ mệt mỏi hơn và biết thêm được nhiều điều lý thú.
Ở độ cao 2200m
Sau hơn ba giờ trèo dốc vượt suối, 11h45 chúng tôi đã đặt chân tới độ cao 2200m, thời điểm đó có khoảng 4-5 đoàn đang dừng chân ăn trưa. Gặp lại đội bạn chúng tôi lại trêu đùa, tán tếu cho vơi đi cái mệt sau hơn 3h vượt đường rừng, núi.

Chúng tôi được ăn và nghỉ trưa trong chiếc lều được dựng sẵn cho các đoàn leo núi. Sau khi ăn xuất cơm hộp (cơm, đậu phụ rán, thịt kho nửa tầu, nửa ta) để hồi sức, chúng tôi được nghỉ 15 phút và cuộc chinh phục lại tiếp tục.
Hành trình buổi chiều gian truân hơn buổi sáng rất nhiều, đường đi khó hơn, hết tảng đá này lại tới tảng đá khác, những con dốc nối liền nhau trải dài, có những đoạn dốc như dựng đứng, phải leo ngược cầu thang và bên vực đá chênh vênh! Và cũng từ đây, Trúc lùn mọc nhiều vô kể. Có con dốc chúng tôi cứ bám vào thân cây mà tụt xuống hay leo lên dốc. Nhờ có hàng “lan can” này mà chúng tôi đỡ vất vả hơn, tuy vậy cũng có những khoảnh khắc trông thật “mong manh”. Bởi thế, ở đoạn này một số thành viên trong đoàn đã bắt đầu trở lại với bản ngã “đi bằng 4 chân!”.  
Miệt mài đi, con đường vẫn cứ dốc lên rồi lại xuống, ngoằn nghèo theo sườn núi chênh vênh. Gió rít ngày càng mạnh hơn, bây giờ chúng tôi mới hiểu thế nào là “gió ngàn”, nó không giống gió biển, lại càng không giống gió ở tầng cao nhất của tòa nhà Keangnam. Những lúc leo lên đỉnh các quả núi, gió rít mạnh, cứ ào ào liên tục như muốn hất văng tất cả xuống vực.
Cả hành trình từ 2200m đến 2800m, chúng tôi phải vượt qua 5 đoạn có hàng tay vịn (nói là đoạn nhưng nó rất dài), 3 đoạn có cầu thang sắt và gỗ rất nguy hiểm. Vượt hết con dốc này, lại tới con dốc khác. Có những con dốc chỉ cần trượt chân là có thể lăn xuống vực sâu. Những con dốc nối nhau hết từ quả núi này đến quả núi khác trong không gian bạt ngàn màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Thỉnh thoảng thấy rừng Đỗ Quyên còn sót lại đôi chút với hoa mầu phớt tím hay đỏ như ánh lửa, nhưng cũng đủ làm say lòng người lữ khách.

Trời đã xế chiều, ánh nắng có dịu đôi chút, nhưng những hơi thở trở nên gấp gáp hơn, dồn dập hơn và đầy mệt mỏi hòa vào tiếng gió rít thổi qua buốt lạnh. Vất vả, mệt mỏi nhưng các thành viên luôn nhìn nhau, trò chuyện, nắm chặt tay nhau vượt qua những con dốc hiểm trở. Thỉnh thoảng, anh chị em trêu đùa, không gian lại tràn ngập tiếng cười làm cho cái mệt mỏi tan biến. Vui nhất là trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi gặp một số nhóm Funny Fan, trông họ thật rạng ngời, mãn nguyện khi xuống núi và không quên động viên chúng tôi cố lên. Có nhóm còn dừng lại chỉ dẫn chúng tôi chi ly từng con dốc, từng bậc thang hiểm nguy trên con đường sắp tới. Cả đoàn chúng tôi, ai cũng bắt tay và chúc mừng họ như lấy thêm động lực để tiếp sức cho mình. 
Cảnh núi rừng vào xế chiều thật đẹp, nhất là khi chúng tôi vượt qua những đỉnh dốc cao nhìn xuống những triền núi bạt ngàn màu xanh của trúc, những thung lũng hiện lên dưới ánh nắng vàng nhạt hay khoảng sáng tối của núi rừng đan xen nhau như một kiệt tác của tạo hóa.

Càng về chiều, cái lạnh của núi rừng, cái đói cồn cào ruột gan, cái mệt mỏi rã rời của đôi vai vì mang đồ, đôi chân nặng trịch khiến chúng tôi lê bước theo cái cách mà người ta vẫn hay nói “Đi bằng niềm tin!”
Ở độ cao 2800m
Đúng 16h20 chúng tôi lên đến trạm nghỉ ở độ cao 2800m, nhìn khuôn mặt ai cũng rạng rỡ và vui mừng. Trạm 2800 là một khu đất bằng được bao bọc bởi những rừng trúc lùn và núi non hùng vỹ. Tối đến chúng tôi nghỉ trên những chiếc lều do tour guide và các porters dựng. Đồ ăn tại trạm 2800 chủ yếu được porter gùi lên từ Sa Pa.


Chúng tôi ăn tối lúc 18h30, bữa tối của chúng tôi rất thịnh soạn, có thị gà, thịt bò xào măng, cải xào tỏi, canh bắp cải và quýt tráng miệng, ngoài ra còn có hai chai rượu táo mèo loại 1,5lít. Chúng tôi cùng nhau quây quần bên mâm cơm nơi độ cao 2800m, mặc cho gió rét vẫn đang gầm rít ngoài kia, mặc cho những mệt mỏi của lần đầu leo núi và những thử thách đang chờ đón ngày mai. Bỏ lại hết mọi ưu tư, chúng tôi cùng ăn, cùng uống, trò chuyện rôm rả và cười thật sảng khoái. Niềm vui càng được nhân lên khi cả gia đình anh Chơ ăn cơm và giao lưu cùng đoàn, họ nói về những phong tục truyền thống của người Mông, dạy chúng tôi một số câu giao tiếp trong bàn nhậu, trong tình yêu…làm cho bữa cơm đầy ắp tiếng cười.
Bữa tối kết thúc lúc 21h và chúng tôi thu xếp đi ngủ ngay, để dưỡng sức cho ngày mai. Lúc này thì thuốc, dầu gió, Salonsip…. được sử dụng tối đa, một số người trong đoàn đã có biểu hiện sốt do leo núi quá sức lại gặp nắng và gió lạnh. Đêm nay cả đoàn cùng ngủ trong một túp lều giữa núi rừng Tây Bắc. Mới 10h đêm mà hầu hết các đoàn đều đã yên giấc, không một tiếng người. Ngoài lán, chỉ nghe từng cơn gió lạnh rít liên hồi, mọi người nằm xen nhau, rồi túi ngủ, khăn len, mũ len, áo ấm đều được huy động tối đa nhưng cũng không làm giảm đi được cái giá rét của gió, của sương đêm ở độ cao 2800m. Nhiệt độ về đêm giảm xuống dưới 8o, hơi lạnh buốt thấm dần vào da thịt, thỉnh thoảng gió rít mạnh, hắt những giọt sương đêm ngưng kết trên vải bạt vào mặt chúng tôi buốt lạnh, khiến giấc ngủ chập chờn, mê man, chỉ mong sao trời sáng thật nhanh để tiếp tục hành trình.
Sáng sớm hôm sau, mọi người bị đánh thức bởi tiếng ý ới của các porters, các đoàn đi sớm. 5h sáng tôi bước ra khỏi lều mà cảm giác như ở Nam Cực, nước uống trong balô thậm chí còn lạnh hơn nước đá, sương đêm làm ướt sũng lều và mặt đất, một số ba lô, quần áo để cạnh lều đều bị ướt sũng. Mặt trời lúc này đã ló lên, bình minh nơi độ cao 2800m đẹp đến nao lòng  và bỗng chốc, bầu trời trong xanh không một gợn mây, thoảng xa tiếng chim hót líu lo, rừng trúc bạt ngàn và heo hút, khung cảnh bình yên và đẹp như tranh, khiến mọi lo lắng trong chúng tôi tan biến.
Chinh phục đỉnh Fansipan
Sau bữa sáng gọn nhẹ với mỳ tôm trứng và cafe, chúng tôi xuất phát lúc 6h20, bắt đầu chinh phục đỉnh Fansipan khi trời vẫn còn tờ mờ trong khoảng không gian bao la vô tận. Hành trình sáng nay khá đặc biệt và thú vị, bởi chúng tôi leo lên độ cao 2900m khu vực gần núi Mặt Quỷ, sau đó trườn xuống 2700m, rồi từ đó bắt đầu chặng leo cuối lên thẳng đỉnh Fansipan ở độ cao 3143m.

Đôi chân chúng tôi vẫn mải miết bước đi trên những con dốc đá cheo leo trải dài. Những dốc cao gồm nhiều tảng đá hoa cương lớn xếp chồng lên nhau, bên vực bên đá. Cả cuộc hành trình dài, có lẽ đây là đoạn đường khó khăn nhất, đầy thử thách ý chí con người. Những vách đá dựng đứng sừng sững hiên ngang trước mặt, cảnh vật lúc ấy thật hùng vĩ và khó tả thành lời.
Leo mãi, bò mãi rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi mà hạnh phúc được vỡ òa. Vượt qua một chặng đường rất dốc trên sườn núi cao với rừng trúc phát triển trên đất mùn alít chứa than bùn, rồi những bước nhảy dài qua các tảng đá, đúng 9 giờ đỉnh Fansipan hiện lên trước mắt, cái tháp inox ghi dòng chữ Fansipan-3143m xa lạ mà quen thuộc kia rồi! Vậy là chúng tôi đã nhìn thấy nó, quên mệt mỏi, cả đội trèo luôn lên khối đá cao nhất. Lúc này một cảm giác chung đến với mọi thành viên, một cảm giác cay xè nơi khóe mắt! Xúc động quá! Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, ăn mừng-“thấy phục mình quá!”

Đến đây tôi muốn viết riêng về người Thầy của cả đoàn - GS.TS Trương Quang Hải, Thầy đã ở tuổi 61 mà vẫn sung sức, nhiệt huyết đồng hành cùng chúng tôi trên cả hành trình đầy thử thách. Ở độ tuổi ngoài 60 có lẽ ít ai còn nghỉ đến việc chinh phục đỉnh Fansipan, thế mà Thầy đã cùng và động viên chúng tôi vượt qua những đoạn đường trèo đèo, vượt dốc đầy gian khó. Trên cả hành trình dù không nói ra, nhưng trong mỗi chúng tôi, ai cũng có chung suy nghĩ: Liệu Thầy có đủ sức để leo núi cao? Nếu có việc gì xảy ra thì sẽ giải quyết thế nào?..... Ấy vậy mà trên cả một chặng đường dài đầy gian nan và hiểm nguy Thầy luôn sánh bước cùng đoàn, giảng giải về sự phân hóa cảnh quan, điều kiện khí hậu, thảm thực vật và lớp phủ thổ nhưỡng theo đai cao, tròchuyện và chia sẻ những trải nghiệm trong cuộc sống cũng như công việc. Đoạn gần lên đến điểm 2800m Thầy còn vượt chúng tôi để cán đích, mà chúng tôi thường nói vui với nhau “Giáo sư toàn đá phút 89”. Chứng kiến khoảnh khắc Thầy bước lên đỉnh núi thật xúc động, ở cái tuổi 61 làm cho con người ta thật mãn nguyện và tự hào khi chinh phục đỉnh Fansipan-Nóc nhà của Đông Dương. Đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhìn dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, khảo cứu được toàn bộ hệ thống đai cao đồ sộ nhất Việt Nam, trong khoảnh khắc trên đỉnh Fansipan Thầy im lặng, không nói lên lời, ánh mắt nhìn xa và nhòe đi vì xúc động. Cả đoàn im lặng nhìn Thầy và thầm cảm ơn Thầy vì tất cả!
Trong khoảng không bao la và cái gió lồng lộng của đất trời, mới chợt thấy mọi chuyện ưu phiền đã tan biến mất. Giờ đây chỉ còn lại khung trời rộng lớn và những con người quả cảm! Một hành trình đối với cá nhân tôi đầy cảm xúc và vô cùng đáng nhớ.... Không ai có thể diễn tả được khung cảnh và cảm xúc lúc đó. Chỉ biết nhìn lại, quãng đường hơn một ngày trèo đèo, lội suối, vượt dốc và ăn ngủ trong rừng, mới thấy tình người trong lúc khó khăn. Mới thấy yêu những khoảng trời tự do khoáng đạt. Cảm ơn tất cả những người bạn đồng hành thương yêu!

Sau vài phút như vậy, tôi móc điện thoại gọi về thông báo cho gia đình, bạn thân và đồng nghiệp là mình đã đến nơi an toàn! Sau đó từng thành viên, rồi cả đoàn chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ này là điều chúng tôi không quên làm. Từ đỉnh Fansipan nhìn thấy những đỉnh núi trùng trùng điệp điệp, mây trời lúc ấy cũng đến gần hơn bao giờ hết, cảm giác khi ấy là hạnh phúc tuyệt vời đến vô tận.
Trở về
Sau một giờ trên đỉnh núi, chúng tôi quay về với hành trình trở lại theo lối trạm Tôn. Ban đầu, đoàn có dự định sẽ về theo đường Sín Chải (xa hơn lối trạm Tôn), nhưng sau khi chinh phục xong đỉnh Fansipan, cảm thấy khó khăn dường như đã quá đủ thì ý định ấy nhanh chóng bị quên lãng.
Đường về, cảnh vật chúng tôi đã đi qua lần lượt hiện trở lại. Trời nắng nóng khoảng 32-34o  do trực xạ mặt trời lớn trong điều kiện không khí loãng và độ cao lớn  không làm chúng tôi mệt mỏi. Chúng tôi dừng chân ăn trưa khi đã về đến điểm 2800m, sau đó lại nhanh chóng lên đường, 16h20 thì đoàn về đến điểm 2200m. Khoảng 17h30 thì tốp 4 người chúng tôi về tới trạm Tôn, mọi người tranh thủ ghi lại những hình ảnh cán đích. Đến 18h30 thì đoàn đã tập trung đầy đủ tại trạm Tôn, kết thúc hành trình chinh phục Fansipan đầy gian nan thử thách ý chí con người. Đối với tôi, đây thực sự là trải nghiệm không thể nào quên.
Hành trình chinh phục Nóc nhà Đông Dương của chúng tôi đã thành công rực rỡ, trên suốt đường về Sa Pa cũng như những ngày sau đó, chúng tôi luôn kể về những con đường, những dòng suối, những cánh rừng, những dốc đá, những khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc, của dãy Hoàng Liên Sơn đã qua và không thể tin được là chúng tôi đã có đủ ý chí và sức lực để vượt lên chính mình. Và bạn cũng thế, hãy xách balo lên, đi và ngắm nhìn thiên nhiên đất nước mình thật hùng vĩ và tươi đẹp biết nhường nào!

Bùi Văn, Ivides 





Hẹn gặp lại Fansipan với con đường Cát Cát!Nguồn: http://ivides.vnu.edu.vn/vi-VN/t221c330p807/Hanh-trinh-chinh-phuc-Fansipan--Noc-nha-Dong-Duong.htm#.UVj1xBxA3g8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...