Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

SỰ HÌNH THÀNH ĐỘI NGŨ NỮ TRÍ THỨC Ở VIỆT NAM TRƯỚC NĂM 1945



                                                    Đặng Thị Vân Chi*


                    Đặt vấn đề
   Trước những đòi hỏi mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X họp từ ngày 9 đến ngày 17/7/2008 đã ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập toàn cầu. Hội nghị đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. 
Trong lịch sử cũng như hiện tại phụ nữ Việt Nam luôn là một lực lượng xã hội quan trọng chiếm một nửa dân số và có nhiều đóng góp vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do đó, làm thế nào để huy động được nguồn lực này góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội trong tình hình hiện nay là một vấn đề được Đảng và nhà nước quan tâm.
Để góp phần tìm hiểu vai trò của trí thức trong việc xây dựng đất nước, trong bài viết này chúng tôi xin đi vào tìm hiểu quá trình hình thành đội ngũ nữ trí thức ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm I945.
1.      Khái niệm trí thức
Trước khi đi vào tìm hiểu quá trình hình thành đội ngũ nữ trí thức ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn giới thiệu vắn tắt khái niệm trí thức, nguồn gốc cũng như quá trình hình thành khái niệm này trong lịch sử để có thể trả lời câu hỏi có hay không một tầng lớp nữ trí thức ở Việt Nam và họ là ai trong những năm đầu thế kỷ XX? Trách nhiệm của trí thức đối với xã hội, với quốc gia dân tộc là gì?...
 Một quan niệm được hầu hết các nhà nghiên cứu thừa nhận là từ “trí thức” trong hầu hết các cuốn từ điển của ngôn ngữ  Châu Âu  đều xuất phát từ chữ "intellectualis" (tiếng La Tinh), và chữ này có nguồn gốc từ chữ "intellectus" nghĩa là sự hiểu biết. Chữ "intellectualis" cũng thường được hiểu có ý nghĩa tương đương với chữ "litterati" nghĩa là người có năng lực trí tuệ và học vấn cao.
Trong chữ Hán thì chữ "trí" gồm chữ "nhật" và chữ “tri” (chữ nhật = mặt trời, ban ngày[1] chỉ nghĩa, chữ "tri" = biết, chỉ cả nghĩa và âm đọc. Trong chữ "tri" có chữ "khẩu" = cái miệng). Chữ "thức" (biết) lại có chữ "ngôn" (lời nói). Như vậy có thể hiểu theo chữ Hán “trí thức” là những người có hiểu biết và có ý thức phát biểu ý kiến của mình.[2]
Trong tiếng Anh có hai từ để chỉ trí thức, một là intelligentsia (giới trí thức) và hai là intellectual (người trí thức)
Theo GS.Ye  Qizheng (Diệp Khải Chính)[3] từ intelligentsia (giới trí thức) có nguồn gốc từ nước Nga, do nhà văn Nga Boborykin đề xuất vào năm 1860  dùng để chỉ nhóm nhân vật đã đưa triết học Đức vào nước Nga. Họ là những người có tư tưởng và lối sống phương Tây hoặc là tỏ ra bất mãn với tình trạng nước Nga đương thời, họ truyền bá chủ nghĩa không tưởng, học theo lối sống của xã hội thượng lưu Phương Tây, hoặc bắt tay vào cải cách xã hội thực tế.
       Cũng có ý kiến cho rằng intelligentsia có nguồn gốc từ Ba Lan (intelektualny), được nhà triết học Ba Lan Karol Libelt (1807-1875) sử dụng để chỉ một tầng lớp đặc biệt trong xã hội Ba Lan vốn thuộc giới quí tộc có truyền thống văn hóa, đặc điểm tâm lí, lối sống riêng biệt… Họ cũng chính là những người đã thiết lập nên một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo một tầng lớp ưu tú nắm vững kiến thức thuộc đủ mọi lĩnh vực, có ý thức về vai trò lãnh đạo và trách nhiệm xã hội.
    Tinh thần của giới quí tộc này đã được những người học đại học ở Ba Lan kế thừa và phát huy khi họ dũng cảm phê phán xã hội, tự cho mình phải có trách nhiệm đối với quốc gia.  Họ trở thành lực lượng chủ yếu trong công cuộc cứu nước và chống lại giai cấp thống trị khi Ba Lan bị các cường quốc chia cắt.
    Như vậy, xét từ ý nghĩa lịch sử của từ intelligentsia, thì trí thức là lớp người riêng biệt trong xã hội,  được đào tạo ở một trình độ nhất định, có óc phê phán và có tinh thần phản kháng đối với hiện trạng xã hội.
    Ở Tây Âu tử “trí thức” (Intellectual) xuất hiện lần đầu tiên trong bức thư ngỏ có tựa đề “Tôi lên án” gửi Tổng thống của Zola ngày 13/01/1898 nhằm kêu gọi xét xử lại Vụ án Dreyfus được đăng trên tờ “Tia sáng”, (chủ bút là Clémenceau[4]) như chữ ký ở bên bên dưới bức thư “Tuyên ngôn của những người trí thức” (Manifeste des intellectuels).
Phần lớn những người này không thuộc giới học thuật, mà tự coi mình là những người có sứ mệnh phải giải quyết những vấn đề lớn lao của xã hội. Vì vậy, trong tiếng Anh hiện đại thường dùng intellectual để chỉ “người trí thức”, và dùng intelligentsia để chỉ “tầng lớp trí thức”. 
 Như vậy, xét về nguồn gốc của từ “trí thức” thì “trí thức” là những người được đào tạo,  nhưng không phải là những người lao động trí óc được hiểu theo cách thông thường, mà là một bộ phận người trong số người lao động trí óc quan tâm đến các giá trị văn hóa của nhân loại, đặc biệt là có ý thức trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, có thái độ phê phán đối với nền chính trị đương thời và thường tỏ ra không hài lòng với hiện trạng.
 Theo những ý nghĩa đó, trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Pháp thuộc, đã xuất hiện một tầng lớp trí thức hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí, và từ lĩnh vực báo chí họ đã mở rộng ra các hoạt động thực tiễn khi dùng tòa báo của mình để tập hợp, vận động và hướng dẫn quần chúng đấu tranh cũng như trực tiếp dấn thân vào các cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc.
2.      Nền giáo dục Nho học và việc giáo dục phụ nữ trước khi Pháp xâm lược.
Ở Việt Nam, mặc dù Nho giáo được du nhập vào ngay từ đầu thời kỳ Bắc thuộc, nhưng những cứ liệu lịch sử cho thấy trong thời kỳ này Nho giáo chỉ có ảnh hưởng trong tầng lớp quan lại Hán tộc mà hoàn toàn không có chỗ đứng trong dân gian Việt Nam. Sang thời kỳ độc lập từ thế kỷ X, nhà nước phong kiến Việt Nam bắt đầu quan tâm tới Nho giáo. Ngay từ đầu thời Lý, Văn miếu- Quốc tử giám đã được xây dựng và các kỳ thi Nho giáo cũng đã được tổ chức, nhưng phải tới đầu thời Trần, Nho giáo mới bắt đầu được đề cao qua việc nhà Trần cho đặt tượng Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử …và giảng dạy “tứ thư lục kinh” trong Quốc tử viện. Nho giáo cũng trở thành bộ phận quan trọng trong các kỳ thi.[5] Đến thời Lê, Nho giáo được đề cao, việc thi cử theo Nho giáo được đẩy mạnh nhằm đào tạo một tầng lớp quan lại đáp ứng cho nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Xuất phát từ quan niệm: “Muốn có được nhân tài, trước hết phải chọn lựa kẻ sĩ, mà kén chọn kẻ sĩ, phải lấy thi cử làm đầu”... (Lê Thánh Tông). Dưới thời Lê, khoa cử Nho giáo đặc biệt phát triển.
 Từ thời Lê sơ, nền giáo dục Nho học phát triển với ba năm một kì thi Hương ở các đạo và ba năm một kì thi Hội- thi Đình ở kinh thành. Nội dung thi gồm các môn: kinh nghĩa, chiếu chế biểu, thơ phú và văn sách. Trong toàn thời Lê sơ có 29 khoa thi, lấy đỗ 988 tiến sĩ. Chính sách giáo dục và khoa cử của nhà Lê đã làm hình thành nên một tầng lớp Nho sĩ đông đảo có mặt ở khắp nơi.
Giáo dục Nho học đề cao tinh thần hiếu học, tôn sư trong đạo, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng đạo lý đã tạo nên một tầng lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời phong kiến.  Trong  tình trạng Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ mất nước cuối thế kỷ XIX và tình trạng thuộc địa đầu thế kỷ XX, tầng lớp trí thức Nho học này đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp[6] cũng như đi tiên phong trong việc tiếp thu những tư tưởng mới, phê phán xã hội cũ, khởi xướng những phong trào cải cách, duy tân cuối thế kỷ XIX[7], đầu thế kỷ XX.[8]
   Đối với phụ nữ, Nho giáo coi phụ nữ là loại “tiểu nhân khó dạy” nên dưới chế độ phong kiến phụ nữ không được đi học, đi thi và vì thế không được tham gia vào bộ máy quyền lực cũng như có tiếng nói trong các cuộc thảo luận thậm chí chỉ trong làng xã. Vì vậy, việc giáo dục phụ nữ hoàn toàn giới hạn trong những lời răn dậy phụ nữ phải làm tròn bổn phận của mình trong gia đình và hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của giáo dục gia đình qua các sách Gia huấn, Nữ huấn.
Nội dung của Gia Huấn đề cao chữ Hiếu của Nho giáo, tinh thần gia tộc, tư tưởng từ bi nhân ái của Đạo Phật và tính cộng đồng. Đối với phụ nữ Gia huấn, Nữ huấn dạy phụ nữ phải tuân thủ “Tam tòng” và “tứ đức”.
Gia huấn, Nữ huấn vì thế có thể được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và là sách giáo khoa chủ yếu cho giáo dục phụ nữ.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều gia đình trí thức cũng cho con gái học chữ Hán và trong lịch sử Việt Nam đã từng xuất hiện nhiều phụ nữ có học và tham gia vào đời sống chính trị và văn hóa của dân tộc như Nguyên phi Ỷ Lan, Nguyễn Thị Lộ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh quan Nguyễn Thị Hinh… song trong số họ rất ít người có điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình như những người trí thức, góp phần phản biện xã hội.
3.      Chính sách giáo dục của Pháp ở Đông Dương và tình hình giáo dục phụ nữ ở Việt Nam thời Pháp thuộc
           Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Ngay sau khi đặt được ách thống trị lên toàn cõi Việt Nam việc làm đầu tiên của Pháp là đào tạo một tầng lớp quan lại chịu ảnh hưởng của Pháp thay thế cho tầng lớp sĩ phu luôn nổi dậy chống Pháp. Pháp cho rằng, nền giáo dục Nho học lấy đạo Trung quân làm cốt lõi là nguyên nhân của các phong trào chống Pháp do các sĩ phu phong kiến lãnh đạo. Vì vậy, sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp đã cho mở các trường mới và từng bước thay đổi dần nội dung giáo dục từ các trường làng tới các trường huyện, tỉnh như đưa tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và toán... vào dạy trong nhà trường, tiến tới xóa bỏ các kì thi Hán học và thay vào đó là nền giáo dục Pháp- Việt.
          Mục đích của Pháp khi thực hiện chương trình giáo dục mới này trước hết là để đào tạo lớp người thừa hành các chính sách của Pháp trong việc cai trị và khai thác ở Việt Nam và cả Đông Dương, đồng thời truyền bá tư tưởng và văn hóa Pháp làm cơ sở nền tảng cho sự trung thành với chính quyền thực dân Pháp. 
          Ngày 21/12/1917 toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định ban hành Học Chánh Tổng Qui ở Đông Dương (Règlement Général de l'Instruction Publique en Indochine) nhằm mục đích thực hiện một cách qui mô chính sách của Pháp ở Đông Dương.  Sau đó,  Qui Chế Tổng Quát về Giáo Dục Cao Đẳng ở Đông Dương (Règlement Général de l'Enseignement Supérieur en Indochine) được toàn quyền Đông Dương ban hành bằng nghị định ngày 25/12/1918.
          Theo quy chế Tổng quát về Giáo dục Cao đẳng ở Đông Dương, hệ thống giáo dục của Pháp ở Việt Nam được điều chỉnh cho phù hợp với các mục đích  cũng như tình hình thực tế ở Việt Nam thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt. Đây là hệ thống Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ" (Enseignement Franco-Indigène).  Trong nền giáo dục này tiếng Pháp được dùng để trao đổi trong lớp học (giảng bài, làm bài, sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp).  Riêng ba lớp đầu tiểu học là được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, sau đó tiếng Việt được học như một ngoại ngữ. Ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc Tú Tài. Chữ Hán được học như một môn học tự chọn, một tuần một giờ ở các lớp trên của bậc tiểu học nếu có thày dạy.
          Hệ thống giáo dục Pháp-Việt gồm 2 phần: giáo dục phổ thông và giáo dục cao đẳng chuyên nghiệp, đại học.
           Đối với giáo dục phổ thông, Pháp thành lập một số trường làm nòng cốt như trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879)[9], trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908)[10]. Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới có các bậc cao hơn. Riêng trường Quốc Học Huế và trường Bưởi sau này có đến bậc Tú Tài. 
            Nhìn chung, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với thời gian là 13 năm. Bậc Tiểu Học có 6 năm bắt đầu từ lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) và kết thúc ở lớp Nhất (Cours Supérieur). Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) gồm 4 năm, học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Sau khi có bằng Thành Chung học sinh có thể dự thi vào bậc Trung Học tức bậc Tú Tài gồm chương trình  Tú Tài phần thứ nhất (học xong 2 năm đầu). Sau khi đỗ tú tài phần một có thể học tiếp năm thứ ba. Năm thứ 3 có 2 ban: ban Triết và ban Toán.        
          Từ niên học 1937-1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp-Việt đủ 3 ban: Toán, Khoa Học, Triết. Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng Tú Tài Pháp[11] sẽ được ưu tiên khi thi vào các trường Đại Học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội. Trong các trường Cao đẳng có trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Supérieure de Pédagogie) thành lập ngày 15/10/1917, nhằm đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm sơ cấp và các trường cao đẳng tiểu học, chương trình học là 3 năm cũng đã góp phần đào tạo nhiều nữ giáo viên cho hệ thống các trường nữ học, cơ sở để hình thành đội ngũ nữ trí thức Việt Nam.
           Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine) cũng góp phần đào tạo các nữ họa sĩ, mà nổi bật là nữ Họa sĩ Lê Thị Lựu trong năm 1932-1933 đã có tranh triển lãm trong các kỳ Hội chợ phụ nữ…
  Mặc dù chính sách văn hóa giáo dục của Pháp còn rất hạn chế và có tính chất nhỏ giọt, nhưng cũng đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội và văn hóa ở Việt Nam. Việc giáo dục cho phụ nữ không hoàn toàn được sự ủng hộ của các quan chức Pháp, song qua báo chí, chúng ta được biết rằng chính một số quan lại  Việt Nam như Lương Dũ Thúc ( Bến Tre), Petrus Ký đã đề nghị mở trường học cho phụ nữ. Lương Dũ Thúc cho biết, “tôi xin nhà nước giúp sức lập trường dạy con gái. Lúc giữa Hội đồng Quản hạt, tôi xin thì quan Thống Đốc Nam Kỳ vừa lòng hiệp ý, nên ngài tư tờ cho các sở Tham biện, lập trường Sơ học cho con gái”[12]. Mặc dù mục đích của chủ trương giáo dục cho phụ nữ của họ mới chỉ nhằm « nâng cao tinh thần và trình độ đạo đức cho nữ giới, tăng sự đánh giá và tôn trọng cần thiết đối với họ » ( Petrus Ký [13]), và giúp cho họ làm tốt vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình (Lương Dũ Thúc)[NCMĐ-28/8/1902], nhưng chính nhờ ý kiến của các công chức chính quyền có đầu óc cởi mở này mà một số trường học cho nữ giới được mở ở Nam Kỳ. Cho đến năm 1886 ở Nam Kỳ có 7 trường nữ sinh với 922 học sinh nữ.[14] Ở Bắc Kỳ có 4 trường tiểu học cho nữ sinh.[15]
Các trường Cao Đẳng Tiểu học dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Trưng Vương), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long còn gọi là trường Áo Tím).  Bậc Trung Học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký)…Trường  nữ học, trường Brieux, khai giảng ngày 6.1.1908 tại Hà Nội có  178 học sinh,[16] năm học 1922-1923 số học sinh học bậc sơ học là 129 người[17]
 Trường Nữ học Đồng Khánh ở Huế thành lập năm 1917. Năm học 1922-1923 số học sinh sơ học là 358 học sinh, học sinh bậc trung học là 35 người.[18] Năm 1930, số học sinh nữ ở Trung Kỳ là 1986 người, trong đó có 47 người học lớp Sư phạm và 494 người học lớp Cao đẳng tiểu học[19].
         Ở Sài Gòn trường dành cho nữ sinh đầu tiên là trường Áo Tím khai giảng ngày 19/9/1915. Năm học đầu tiên có 42 nữ sinh chủ yếu ở khu vực thành phố, cũng có một số nữ sinh đến từ các tỉnh lân cận. Trường có các lớp từ Đồng ấu đến lớp Cao đẳng. Tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng sơ học. Đến tháng 9/1922, trường có  226 học sinh sơ học và có thêm Ban trung học Nữ học đường với 24 học sinh[20].  Lúc đầu học sinh vào học chia làm hai ban: ban Sư phạm (học ra làm giáo viên) và ban Phổ thông. Tốt nghiệp, học sinh được nhận bằng Thành chung.
        Năm 1917 quy chế chung về giáo dục Đông Dương thường được gọi là Học chính Tổng Quy được ban hành quy định bên cạnh việc mở các trường tiểu học ở các xã cho con trai thì tại các tỉnh cũng có thể mở ít nhất một trường công cho con gái. Trong trường hợp chưa có trường riêng cho con gái, thì con trai, con gái có thể học chung một trường, nhưng phải tổ chức dạy riêng cho con gái. Huyện lỵ lớn có trường Tiểu Học, nhưng chỉ các tỉnh lỵ lớn mới có trường Sơ Học hay Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh. Cho đến những năm 1929, số lượng học sinh khoảng 434.335 và có 551 học sinh cao đẳng và đại học với khoảng 12.000 người là giáo viên các cấp[21] Trong toàn cõi Đông Dương số nữ sinh khoảng hơn 30 ngàn người chủ yếu ở các thành phố và thị trấn [ĐB số đặc biệt năm 1941]. Tại các làng quê trong cả nước vào cuối tháng 5.1929 có 25.502 học sinh, thì chỉ có 965 học sinh nữ [NP- 9/1929].
Năm 1930-1931 số nữ sinh ở Việt Nam là 38.984 (trên tổng số 292.694 học sinh)[22], đến năm 1937-1938 số học sinh nữ lên tới khoảng 60.000 và tới năm 1940-1941 số học sinh nữ đã lên tới 85.447 người (ở Bắc Kỳ: 24.658 người, Trung Kỳ: 15.436 người, Nam Kỳ: 43.353 người). Số nữ sinh học lên cao (sau sơ học) vào năm 1941-1942 là 1096 người trong đó có 37 người học ở bậc cuối cấp, nhiều người trong số họ đã tiếp tục vào học ở Đại học Đông Dương (chưa kể nhiều người đi du học tại Pháp). Các Trường Cao đẳng y khoa, Trường cao đẳng sư phạm, Trường Cao đẳng Nông lâm cũng nhận các sinh viên nữ. Trong các trường dạy nghề năm 1941-1942 cũng có khoảng 900 nữ sinh.[23] Nữ giáo viên khoảng 1000 người[24].
Trong chương trình giáo dục của Pháp, đối với các trường nữ sinh, Học chính tổng quy quy định mỗi ngày phải dành ra một hoặc hai giờ để học nữ công gia chánh. Trong trường, học sinh bắt buộc phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp[25].
Các sách giáo khoa trong nhà trường Pháp-Việt chủ yếu « rập khuôn » theo mẫu sách dùng trong hệ thống giáo dục của  Pháp sau khi đã loại bỏ những nội dung bị coi là nguy hiểm có thể « phá hoại » chế độ thuộc địa, nhất là những sách về lịch sử, địa lý và văn học… vì vậy có thể nói ảnh hưởng Phương Tây đối với các nữ sinh khá đậm nét. Những nữ sinh này vì thế được xã hội gọi dưới tên gọi là các «  cô gái mới »  hoặc các «  tân nữ lưu »…
4.      Sự hình thành đội ngũ nữ trí thức ở Việt Nam
        Dưới thời Pháp thuộc, chỉ có 10% dân số nhận được nền giáo dục mới theo hướng hiện đại của Pháp, số phụ nữ được đi học càng ít hơn, chiếm chưa đến 10% trong tổng số người được đi học. Tuy nhiên, trong số những người được nhận sự giáo dục của hệ thống giáo dục Pháp-Việt, nhiều người đã tốt nghiệp trung học, có người tốt nghiệp đại học...Như cô Henriette Bùi, tốt nghiệp đại học y khoa Pari (năm 1934), bà Nguyễn Thị Sương (năm 1940), cô Lê Thị Hoàng tốt nghiệp cao đẳng y khoa Hà Nội (năm 1937); cô Dương Thị Liễu (năm 1940), cô Lý Thị Nguyệt tốt nghiệp Cao đẳng bào chế Hà Nội, bà Phan Thị Liệu tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông Hà Nội; cô Phạm Thị Mỹ rốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (năm 1928), cô Nguyễn Thị Châu tốt nghiệp cử nhân Văn khoa ở Đại học Pari (năm 1936); bà Bùi Thị Cầm tốt nghiệp Đại học Luật khoa Pari và bà Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội...Đặc biệt trong những năm 1930, phụ nữ Việt Nam đã có người đậu bằng tiến sĩ  khoa học (Doctores es sciences) của Pháp. Đó là cô Hoàng Thị Nga. Báo Đàn bà mới ngày 17/6/1935 giới thiệu cô là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng tiến sĩ Etat. Cô đã phải viết hai bản luận án “Proprfetes photo voltaiques des substances organiques” và “Structure des molecules et spectres d’absorption”. (Nếu cô lấy bằng Doctorat d’ Universite thì cô chỉ phải viết một bản luận án )...
Có thể thấy trừ một số rất ít những phụ nữ có bằng cấp cao cam lòng làm người nội trợ, còn hầu hết đều hành nghề bằng chính ngành nghề đã được đào tạo như Cô Henritte Bùi làm phó giám đốc nhà bảo sanh Chợ Lớn, bà Phan Thị Liệu làm ở Sở nghiên cứu nông nghiệp Sài Gòn, cô Phạm Thị Mỹ và cô Nguyễn Thị Châu làm giáo sư ở Trường “áo Tím”...[ĐB-số đặc biệt năm 1941]. Và dù ít ỏi, số phụ nữ được đào tạo này đã có đóng góp quan trọng trong phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ cũng như phong trào vận động giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
          Họ làm báo, viết báo và  góp phần làm hình thành nên dòng báo phụ nữ trước cách mạng tháng Tám[26]. Qua các bài báo, họ góp phần đấu tranh cho sự tiến bộ  và quyền bình đẳng của phụ nữ, dấn thân vào cuộc vận động vì quyền lợi và sự tiến bộ của phụ nữ. Đó chính là những chủ báo như Bà Sương Nguyệt Anh, bà Đạm Phương nữ sử, bà Nguyễn Đức Nhuận, bà Lê Thành Tường, bà Thuỵ An, bà Nguyễn Thị Thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, các cô như Nguyễn Thị Kiêm...
          Bằng báo chí và các hoạt động xã hội, họ đã làm dấy lên phong trào phụ nữ vận động ở Đông Dương.  Họ không chỉ ra báo, viết báo, sáng tác các tác phẩm văn học, mà còn tham gia tổ chức hội chợ, tổ chức diễn thuyết, vận động quyên góp giúp đồng bào bị nạn, giúp học sinh nghèo du học, giúp Hội Dục anh chăm sóc trẻ mồ côi, đi diễn thuyết khắp nơi nhằm tuyên truyền vận động phụ nữ...Xuất thân từ tầng lớp trên, dù sao họ cũng không thoát khỏi hạn chế của giai cấp mình, và phong trào do họ vận động  cũng chỉ trong khuôn khổ của cuộc vận động nữ quyền tư sản. Nhiều người tham gia vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, viết văn, làm thơ, diễn kịch…
          Kết luận
          Như vậy, theo định nghĩa về giới trí thức, người trí thức đã nêu ở trên, có thể kết luận : mặc dù số lượng những người phụ nữ được đào tạo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số, nhưng bằng những hoạt động cụ thể của mình trong bối cảnh đất nước những  năm nửa đầu thế kỷ XX  ở Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp nữ trí thức.        
          Là những người có tri thức, bên cạnh việc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ Việt Nam vì một xã hội tự do, dân chủ và công bằng, họ cũng tiếp thu những tư tưởng mới từ bên ngoài : tư tưởng dân chủ và chủ nghiã xã hội. Chịu ảnh hưởng của truyền thống yêu nước của dân tộc, nhiều phụ nữ trong số họ đã tiếp thu chủ nghĩa Mác Lê nin và nhận thức rõ, muốn giải phóng phụ nữ thực sự trước hết phải giải phóng dân tộc và phải mang lại quyền lợi cho phần đông phụ nữ Việt Nam, đó là phụ nữ lao động. Tiêu biểu trong số này là Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thị Như Mân, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lựu, Mai Huỳnh Hoa, Bà Đoàn Tâm Đan, bà Nguyễn Thị Thục Viên, bà Vân Đài,  Phan Thị Nga... Qua họ trên các tờ báo phụ nữ dần dần cũng xuất hiện nhiều bài báo phản ánh cuộc sống lao động vất vả, những thiệt thòi bất công của phần đông phụ nữ lao động đang làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền dưới chế độ thuộc địa. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực báo chí, truyền bá tư tưởng dân chủ và cách mạng, nữ trí thức Việt Nam thời kỳ này còn dấn thân vào các hoạt động cách mạng, vận động và tổ chức phụ nữ vào các tổ chức cách mạng và hướng dẫn phụ nữ  đấu tranh vì độc lập dân tộc cũng như vì quyền của phụ nữ trong xã hội. Họ thực sự đã đảm nhận vai trò như những người trí thức trong xã hội.

        




[1] Lý Lạc Nghị, (1997) Tìm về cội nguồn chữ Hán: gồm nhiều từ đã gia nhập vào kho tiếng Việt, Jim Waters biên soạn, Nguyễn Văn Đổng dịch (Hà Nội: Thế Giới), 585.
[2]Hoàng Ngọc Tuấn,  “Vấn đề trí thức và phản trí thức” http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=662#top
[3]  Giáo sư Diệp Khải Chính ở Khoa xã hội Trường Đại học Đài Loan http://zhidao.baidu.com/question/35269408
[4]  Georges Clemenceau;( 1841-1929 ) là  nhà báo cũng là một chính trị gia người Pháp. Clemenceau từng giữ vị trí Thủ tướng Pháp trong khoảng thời gian 1906-1909 và 1917-1920. Cuối Thế chiến thứ nhất, Clemenceau là người đứng đầu phái đoàn Pháp, một trong những tiếng nói chính trong Hiệp định Versailles. Ông còn thường được gọi bằng biệt danh  Le Tigre (Con hổ) hay Le Père-la-Victoire (Người cha chiến thắng). Georges Clemenceau cũng từng là thành viên của Hàn lâm viện Pháp.
[5] Dưới thời Lý- Trần các kỳ thi là thi tam giáo: Nho- Phật-  đạo
[6] Phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX do các trí thức phong kiến lãnh đạo như Phan Đình Phùng, Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Mậu Kiến…
[7] Các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ…
[8]  Phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can …  khởi xướng.
[9] Sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu
[10] Bưởi là tên làng Thụy Khê gần Hà Nội, trường Bưởi là tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay.
[11] Bằng Tú Tài Pháp-Việt hoặc Tú Tài Bản Xứ có giá trị như bằng Tú Tài Pháp (sắc lệnh của Toàn Quyền Đông Dương ký ngày 12/10/1930) nhung nhờ chương trình học của Tú Tài Pháp-Việt và Tú Tài Bản Xứ nặng hơn chương trình học của Tú Tài Pháp nên có nhiều học sinh trường Bưởi và Pétrus Ký một năm đỗ 2 hoặc 3 bằng Tú Tài như các ông Nguyễn Quang Xước (Luật Sư), Nguyễn Hữu (Thạc Sĩ Y Khoa), Hoàng Cơ Thuỵ (Bác Sĩ), Phạm Biểu Tâm (Thạc Sĩ Y Khoa), Vũ Văn Mẫu (Thạc Sĩ Luật), Chương Văn Vĩnh (Dược Sĩ) v.v.
[12] Trên Nông cổ mín đàm ngày 28/8/1902,
[13] Trịnh Văn Thảo (1995) L’ecole Francaise en Indochine, Paris, Karthala ( bản dịch tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH &NV, ĐHQG Hà Nội , tr95.
[14] Theo Paullus và Bouninais  trong La France en Indochine và Paul Bonnetain trong L’extrème Orient ( dẫn theo Nguyễn Anh, (1967), sdd, tr42
[15]  Theo G. Dumoutier- Les defbuts de Lénseignement Francais au Tonkin ( dẫn theo Nguyễn Anh ((1967), sdd, tr44
[16] Theo báo Đàn Bà số Xuân năm 1942 cho rằng đây là trường nữ đầu tiên trong toàn cõi Bắc kỳ và cũng là trường nữ đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương. Có lẽ đây là những trường Cao đẳng tiểu học nữ đầu tiên do chính quyền thuộc địa thành lâp.
[17] Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, tr130
[18] Trịnh Văn Thảo, sdd tr130
[19] Nguyễn Vỹ (2006), Tuấn- Chàng trai nước Việt, NXB Văn học, tr92
[20] Trịnh Văn Thảo, sdd, tr 130
[21] Nguyễn Văn Khánh, (1999), Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945) NXB Đại học Quốc gia HN, tr152
[22] Trịnh Văn Thảo, sdd, tr138
[23] Trịnh Văn Thảo, sdd, tr152
[24] Nguyễn Văn Ký, (1995), La societe’ vietnamienne face a` la modernite. le Tonkin de la fin du XIXe sieccle a` la  seconde guerre mondiale, Paris, L Harmattan, ell, Recherches asatiques, tr138
[25] Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, http://www.gialong.org/history.html, tr1-2
             [26] Đặng Thị Vân Chi ( 2006) “Dòng báo phụ nữ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, T/C NCLS số 11 ( 367)

Tài liệu tham khảo
1.Nguyễn Anh, (1967) “Vài nét về giáo dục Việt Nam từ khi Pháp xâm lược  đến cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất”, T/c NCLS, số 98, (5)
2Đặng Xuân Bảng, Huấn tử quốc âm ca, Tư liệu gia đình do Ông Đặng Xuân Phi, cháu nội Cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
3. Đặng Xuân Bảng, Cổ Huấn nữ ca, Tư liệu gia đình do ông Đặng Xuân Phi, cháu nội cụ Đặng Xuân Bảng cung cấp
4. Đặng Xuân Bảng, Cư gia khuyến giới tắc, tư liệu của phòng tư liệu Viện Triết học
5. Đặng Xuân Bảng, Cổ nhân ngôn hạnh lục.
 6. Gia huấn diễn ca, NXN Phương Đông, 2005
 7. Gia Huấn Ca (bản được coi là của Nguyễn Trãi- đăng trên mạng Việt Nam thư quán)
 8.  Lê Thu Hương (1996), “Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ trong kho sách Hán Nôm”, Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3
9. Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Longhttp://www.gialong.org/history.html 10.Nguyễn Văn Khánh, (1999), Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945) NXB Đại học Quốc gia HN
11. Đinh Xuân Lâm (CB) (2005), Lịch sử Việt Nam (1858-1945), t 3, Đề tài độc lập cấp nhà nước
12. Hoàng Văn Lâu (1984), “Ai viết Gia huấn ca”, Tập san Hán -Nôm, số1.
13.Hoàng Ngọc Tuấn (2002)"Vấn đề trí thức và phản trí thức" trong cuốn Văn Học Hiện đại và Hậu Hiện đại Qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết , California:Văn Nghệ, tr 517-565.]
14. 织ゆ梦什么Trí thức là gì?  :http://zhidao.baidu.com/question/35269408 ( (theo bản dịch trên blog của TS Nguyễn Hồng Kiên).
15. Trần Bích San, Thi cử và nền giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=278&Itemid=49
         16. Nguyễn Vỹ (2006), Tuấn- Chàng trai nước Việt, Nxb Văn học
         17. Trịnh Văn Thảo ( bản dich), Trương học Pháp ở Đông Dương, Tư liệu Khoa Lịch sử.
          18. Các tờ báo Nông cổ mín đàmPhụ nữ tân văn, Đàn bà mới, Đàn bà…

* Bài đã đăng trong Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, NXB Khoa học Xã hội, tr11-25

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...