>>> Giáo sư Sakurai Yumio nặng tình với Việt Nam – Phương Thanh - PDF (Bản tin ĐHQGHN số 262 + 263 (2013) Số đặc biệt Xuân Quý Tỵ)
Ngày 31/7/2013, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN tổ chức lễ tưởng niệm và đón tiếp tro cốt của cố Giáo sư Sakurai Yumio về với “quê hương thứ hai” của mình bằng những tình cảm nồng ấm nhất tại Hội trường 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.
GS. Sakurai Yumio là nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, nhà Việt Nam học nổi tiếng ở Nhật Bản và trên thế giới. Ông bắt đầu bén duyên với nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1965, nhưng chủ yếu thông qua các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Đến năm 1985, khi là Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, ông mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt và kể từ đó bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về Việt Nam. Năm 1987, ông nhận bằng Tiến sĩ Sử học tại ĐHQG Tokyo với đề tài “Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam”. Sau 5 năm, năm 1992 ông tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Nông nghiệp với đề tài “Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng”.
Kể từ đó, Giáo sư Sakurai đã dành hầu hết thời gian, trí tuệ và tâm lực để xây dựng thành công các chương trình, dự án nghiên cứu về thủy lợi, nông nghiệp, hợp tác xã điển hình ở châu thổ sông Hồng của Việt Nam theo hướng khu vực học. Ông đã có công rất lớn trong việc giúp đỡ chính phủ Việt Nam phát triển đời sống kinh tế, giáo dục, giao thông ở các vùng nông thôn, miền núi. Bằng những minh chứng khoa học và tình yêu với Việt Nam, ông đã thuyết phục được chính phủ Nhật Bản và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ 100% kinh phí cho các dự án nghiên cứu của Việt Nam, cấp một số học bổng thường niên cho lưu học sinh và nguồn vay vốn ODA cho chính phủ Việt Nam sau này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản
Nghiêm Vũ Khải và Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã trao Huân chương hữu nghị của Chính phủ Việt Nam cho gia đình cố GS. Sakurai Yumio
Trong số các chương trình, dự án nghiên cứu mà giáo sư tâm huyết nhất phải kể đến chương trình nghiên cứu làng cổ Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định). Đây là công trình nghiên cứu của tập thể học giả Nhật Bản dưới sự chủ trì của GS. Sakurai được giới khoa học quốc tế và Việt Nam đánh giá là một trong những nghiên cứu điển hình về nghiên cứu khu vực theo định hướng liên ngành.
GS. Sakurai Yumio còn là một chuyên gia xây dựng các mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai chính phủ Nhật -Việt và giữa các trường đại học ở Việt Nam và Nhật Bản, trong đó đặc biệt phải kể đến là ĐHQGHN với ĐHQG Tokyo, ĐH Kyoto, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto... Năm 1999, ông là người đầu tiên đứng ra vận động thành lập Văn phòng liên lạc của ĐHQG Tokyo tại ĐHQGHN có thời hạn 10 năm. Văn phòng là sự kết nối giữa hai đại học và các cơ quan nghiên cứu nhằm giúp đỡ các nhà khoa học, lưu học sinh Nhật Bản muốn nghiên cứu về Việt Nam và sinh viên Việt Nam muốn nghiên cứu về Nhật Bản. Thành công của chương trình nghiên cứu tại Bách Cốc và một số chương trình khác chính là kết quả hoạt động của Văn phòng liên lạc này.
Chiếc mũ phớt quen thuộc và một số kỷ vật của GS. Sakurai Yumio
Ngoài ra GS. Sakurai Yumio còn là Chủ tịch Hội nghiên cứu Nhật Bản về Việt Nam, chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Ông là một trong những người sáng lập, tổ chức lễ hội Hoa Anh Đào, lễ hội Kimono, lễ hội Trà đạo, lễ hội ẩm thực… và nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức ở Việt Nam hoặc Nhật Bản nhằm tăng cường tình hữu nghị Nhật – Việt. Năm 2003, GS. Sakurai Yumio được tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của ĐHQGHN, một danh hiệu cao quý dành cho nhà khoa học quốc tế có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt cho Việt Nam và ĐHQGHN.
GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ấn tượng sâu sắc mà GS. Sakurai Yumio để lại ngay từ những lần gặp gỡ và trao đổi đầu tiên đó là một học giả uyên bác, rất đam mê khoa học, giàu nghị lực và đầy sức sáng tạo, luôn tìm đến cái mới, một con người lạc quan vui tính, rất tự tin và quyết đoán. “Điều mà tôi cũng như giới khoa học Việt Nam vô cùng cảm kích và trân trọng là tấm lòng của GS. Sakurai Yumio dành cho Việt Nam”, GS. Phan Huy Lê xúc động cho biết.
Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản GS. Furuta Motoo bày tỏ niềm vinh dự và biết ơn chân thành nhất đến Ban tổ chức Lễ tưởng niệm cố GS. Sakurai Yumio. GS. Furuta Motoo cho biết, ngay trước lúc ra đi, GS. Sakurai đã viết tự truyện với nhan đề “Mãi mãi một mặt trời” trên tạp chí Krungthep trong đó có câu: “Kết luận sau 44 năm nghiên cứu của tôi như sau: Tôi kính trọng và yêu quý đất nước Việt nam sâu sắc. Tôi yêu quý người Việt Nam hơn tất thảy”.
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc tới cố GS. Sakurai Yumio. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, ĐHQGHN luôn đánh giá cao và trân trọng ghi nhận tâm huyết, trí tuệ và tình cảm của hàng nghìn nhà giáo, nhà khoa học quốc tế đã và đang dành cho ĐHQGHN. Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, ĐHQGHN vinh dự trao bằng tiến sĩ danh dự cho cố GS. Sakurai Yumio - một trong 3 nhà Việt Nam học nổi tiếng người nước ngoài, nguyên là giáo sư ĐH Tokyo, một trong những đối tác chiến lược của ĐHQGHN. Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, “GS. Sakurai là một tiến sĩ danh dự rất đặc biệt, người đã gắn bó với Việt Nam, với ĐHQGHN không chỉ bằng những cống hiến học thuật lớn lao mà bằng cả trái tim đầy nhiệt huyết và chân tình của mình”.
Tại lễ tưởng niệm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Nghiêm Vũ Khải bày tỏ lòng trân trọng đối với nhân cách, tư duy cũng như những cống hiến khoa học của cố GS. Sakurai Yumio cho Việt Nam. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, buổi lễ này như là sự tôn vinh của nhà nước Việt Nam cũng như lòng yêu mến và kính trọng của đồng nghiệp, bạn bè và học trò dành cho GS. “Tất cả chúng tôi mãi mãi tưởng nhớ và biết ơn giáo sư vì những tình cảm và cống hiến đối với đất nước Việt Nam, đối với tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải chia sẻ.
Phu nhân cố GS. Sakurai Yumio bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm nồng ấm của Chính phủ Việt Nam, các vị khách quý, các tổ chức Việt Nam và Nhật Bản và ĐHQGHN. Bà chia sẻ, GS. Sakurai Yumio khi còn sống đã nhắc đi nhắc lại với sinh viên nghiên cứu khu vực học rằng “muốn thực hiện nghiên cứu khu vực học thì trước hết phải yêu quý khu vực đó bằng tất cả trái tim mình, một cách vô điều kiện”. Bà còn cho biết, GS. Sakurai Yumio luôn yêu quý và kính trọng con người Việt Nam và luôn thấy vinh dự vì là giáo sư nước ngoài đầu tiên giảng dạy môn Khu vực học bằng tiếng Việt cho sinh viên Việt Nam.
Phu nhân cố GS. Sakurai Yumio còn cho biết, ông đã từng tâm sự những mong muốn của mình khi còn sống đó là viết sách về Việt Nam để khái quát lại kết quả nghiên cứu khu vực học; tổng kết lại kết quả nghiên cứu về làng cổ Bách Cốc; có thể truyền tải các kết quả nghiên cứu của mình bằng tiếng Việt để cho người Việt Nam có thể đọc được, hiểu được. GS. Sakurai Yumio có nguyện vọng sau khi mất đi sẽ được hòa mình vào đất nước Việt Nam để báo đáp lại tình yêu của Việt Nam dành cho ông.
Cũng trong buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Nghiêm Vũ Khải đã trao Huân chương hữu nghị của Chính phủ Việt Nam cho gia đình cố GS. Sakurai Yumio nhằm ghi nhận những đóng góp hiệu quả của Giáo sư cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng như những cống hiến to lớn của Giáo sư đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.
|
Sinh Vũ - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media |
Bạn mang trong mình tình yêu của cha mẹ, người thân, truyền thống gia đình là tài sản, là bệ đỡ đưa bạn vào đời. Tình yêu đất nước, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc là sức mạnh, là hành trang để bạn bước ra với thế giới.
Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013
GS. Sakurai Yumio: Về với quê hương thứ hai
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*
Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...
-
Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...
-
Đặng Thị Vân Chi ( Bài đăng trong Việt Nam học và Tiếng Việt- Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, 20 1 1, từ tr 3 1 đến tr43) ...
-
Đặng Thị Vân Chi ( Bài đăng trong Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và Tiếng Việt- Những vấn đề Lý luận và Thực tiễn, NXB Đại học Quốc g...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét