Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Chính sách giáo dục của Pháp và người phụ nữ mới ở Việt Nam thời thuộc địa.

Đặng Thị Vân Chi

Đặt vấn đề
             Trong lịch sử Việt Nam, phụ nữ có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước, tuy nhiên, ảnh hưởng của Nho giáo đã làm cho người phụ nữ chưa bao giờ có vị trí xứng đáng trong xã hội. Vào cuối thế kỷ XIX, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp,[1] chính sách cai trị của Pháp trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa đã tác động tới hầu hết nhân dân Việt Nam, trong đó có người phụ nữ. Trong tất cả những thay đổi dưới tác động của quá trình khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực thì việc giáo dục cho phụ nữ đã mang lại những thay đổi căn bản, cội nguồn của mọi sự thay đổi trong đời sống của người phụ nữ. Đó là nhờ giáo dục, phụ nữ đã thay đổi nhận thức về vai trò và vị trí của mình trong xã hội, để từ đó tham gia vào các hoạt động đấu tranh không chỉ cho quyền của mình trong xã hội mà còn vì quyền tự quyết của dân tộc. Dựa trên nguồn tài liệu chủ yếu là báo chí và những hồi ký của phụ nữ trong giai đoạn này, báo cáo của chúng tôi sẽ làm rõ chính sách giáo dục của Pháp và ảnh hưởng của nó đối với đời sống người phụ nữ, quá trình nhận thức và tái nhận thức của họ về vai trò và vị trí của mình trong xã hội. 

Không có quyền lựa chọn
           Việt Nam là một nước nằm trên bán đảo Đông Dương ở khu vực Đông Nam Á. Những điều kiện tự nhiên của vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều đã đưa đến một hệ quả: đó là người dân sống trên mảnh đất này đã chọn nghề trồng lúa nước làm ngành kinh tế chủ đạo. Bên cạnh đó, do nằm ở vị trí cầu nối giữa lục địa châu Á với vùng Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với những cuộc xâm lăng từ bên ngoài. Trong điều kiện như vậy, người phụ nữ Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải trở thành người có vai trò lớn trong kinh tế gia đình và xã hội khi mà người đàn ông thường xuyên phải vắng nhà để làm nghĩa vụ đi phu, đi lính… Mặt khác, bản thân nghề nông cũng tạo điều kiện cho họ có thể tham gia vào mọi khâu trong quá trình sản xuất [2]. Phụ nữ Việt Nam cũng không đứng ngoài các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Hình ảnh người phụ nữ chiến đấu cũng là biểu tượng được nhắc đến mỗi khi có nạn ngoại xâm.” Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
       Mặc dù có vai trò to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng dưới ảnh hưởng hàng nghìn năm của hệ tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ không có quyền lựa chọn sống theo ý mình mà họ buộc phải đặt cuộc đời mình vào sự may rủi của cuộc hôn nhân do cha mẹ quyết định. Họ thường tự ví mình:
Thân em như tấm lụa đào
        Phất phơ trước gió biết vào tay ai”
                       Hay
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ngoài đồng”
                     Hoặc ngay như nữ sĩ tài danh Hồ Xuân Hương cũng chỉ dám ao ước
                                          “ Ví đây đổi phận làm trai được
                                          Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”
                       Và  giận dữ trong thơ ca
                                           ” Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”….
             Dù là một quốc gia có nền giáo dục Nho học với hàng nghìn năm lịch sử, thì việc giáo dục phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam vẫn chỉ giới hạn trong những lời răn dậy phụ nữ phải làm tròn bổn phận của mình trong gia đình và hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của giáo dục gia đình qua các sách Gia huấn, Nữ huấn. Sách Khuyết Hiến ca, trong bài Bạt đã giải thích rõ quan niệm của các nhà Nho về việc giáo dục phụ nữ: “Người đàn bà có ngoan hay không là do ở gia đình và có quan hệ tới sự thịnh suy của đạo nội trợ. Như vậy thì việc răn dạy không thể bỏ qua được[3]. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều dòng họ lớn, nhiều trí thức lớn như Thượng thư Hồ Phi Tích, Tiến sĩ Bùi Dương Lịch, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê[4]… đã soạn các loại Gia huấn, Nữ huấn để giáo dục con cái trong gia đình. Các bài Gia huấn, Nữ huấn này hầu hết được trình bày dưới dạng văn vần, thể loại lục - bát, dễ nhớ, dễ truyền khẩu. Nội dung của Gia Huấn đề cao chữ Hiếu của Nho giáo, tinh thần gia tộc, tư tưởng từ bi nhân ái của Đạo Phật và tính cộng đồng[5]. Đối với phụ nữ Gia huấn, Nữ huấn không chỉ dạy phụ nữ phải tuân thủ “Tam tòng” và “tứ đức” mà còn là một quyển sách hướng dẫn hành vi cho phụ nữ trong mọi mối quan hệ xã hội từ khi còn nhỏ sống với bố mẹ cho đến khi kết hôn và trở thành bà chủ gia đình. Trong các cuốn Gia huấnNữ huấn này, người phụ nữ được yêu cầu phải sống theo đúng những chuẩn mực của đạo đức phong kiến Nho giáo từ khi còn ở nhà cùng cha mẹ cho đến khi về nhà chồng và cả đến khi đã nhắm mắt xuôi tay. Gia huấn, Nữ huấn vì thế được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và là sách giáo khoa chủ yếu cho giáo dục phụ nữ.
        Trong lịch sử Việt Nam, cho dù nhiều phụ nữ đã được ghi danh bởi những chiến công chống ngoại xâm hào hùng như Hai Bà Trưng[6], Bà Triệu[7], Bùi Thị Xuân[8]… và đi vào huyền thoại nhờ những áng thơ văn tuyệt tác như Hồ Xuân Hương[9], Bà Huyện Thanh Quan[10], Đoàn Thị Điểm[11]… thì hầu hết phụ nữ Việt Nam đều không được đi học, đi thi… Và do đó, cũng không được tham gia vào bộ máy quyền lực cũng như có tiếng nói trong các cuộc thảo luận thậm chí chỉ trong phạm vi làng xã.
          Mặc dù các cuốn sử chính thống không ghi chép nhiều về cuộc sống của người phụ nữ và những đóng góp của họ, nhưng hình ảnh của họ- người đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- cũng như địa vị của họ trong gia đình và xã hội vẫn hiển hiện qua các câu ca dao, tục ngữ,[12] qua những điều luật trong các bộ luật của nhà nước phong kiến [13], trong văn hóa và tín ngưỡng dân gian [14] và in dấu ấn lên bản sắc dân tộc- dấu ấn quyền lực ngầm của những người phụ nữ Việt Nam.
Cơ hội
        Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp và xã hội Việt Nam nhanh chóng nằm trong quỹ đạo của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh các chương trình khai thác thuộc địa, Pháp cũng sớm chú ý đến việc thay đổi hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Việc thay đổi hệ thống giáo dục mà  Pháp thực hiện ở Việt Nam được chia thành nhiều đợt và diễn ra từ từ. Ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp đã cho mở các trường mới và từng bước thay đỏi dần nội dung giáo dục từ các trường làng tới các trường huyện, tỉnh như đưa tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và toán... vào dạy trong nhà trường. Lúc này đào tạo một lớp người cộng tác với Pháp và giúp Pháp trong những vùng Pháp mới chiếm là nhu cẩu của chính chính quyền cai trị mới được thiết lập ở Nam kỳ. Điều này giải thích tại sao ở Nam kỳ số học sinh theo học các trường thường cao hơn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, cũng như chữ quốc ngữ được dùng ở Nam Kỳ từ khá sớm, trước khi các tờ báo tiếng Việt được xuất bản.
          Việc giáo dục cho phụ nữ không hoàn toàn được sự ủng hộ của các quan chức Pháp, song qua báo chí, chúng ta được biết rằng chính một số quan lại Việt Nam như Lương Dũ Thúc (Bến Tre), Petrus Ký đã đề nghị mở trường học cho phụ nữ. Lương Dũ Thúc cho biết, “tôi xin nhà nước giúp sức lập trường dạy con gái. Lúc giữa Hội đồng Quản hạt, tôi xin thì quan Thống Đốc Nam Kỳ vừa lòng hiệp ý, nên ngài tư tờ cho các sở Tham biện, lập trường Sơ học cho con gái”[15]. Mặc dù mục đích của chủ trương giáo dục cho phụ nữ của họ mới chỉ nhằm « nâng cao tinh thần và trình độ đạo đức cho nữ giới, tăng sự đánh giá và tôn trọng cần thiết đối với họ » ( Petrus Ký [16]), và giúp cho họ làm tốt vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình (Lương Dũ Thúc)[NCMĐ-28/8/1902], nhưng chính nhờ ý kiến của các công chức chính quyền có đầu óc cởi mở này mà một số trường học cho nữ giới được mở ở Nam Kỳ.
         Sau khi chiếm được toàn bộ Việt Nam chính sách giáo dục của Pháp được triển khai ra toàn quốc. Đến năm 1886, mặc dù số học sinh theo học các trường của Pháp là 27.473 học sinh thì vẫn còn 8.496 học sinh theo học trong các lớp của các thầy đồ ở các làng quê chiếm tỷ lệ là 31%.
          Mặc dù chính sách văn hóa giáo dục của Pháp còn rất hạn chế và có tính chất nhỏ giọt, nhưng cũng đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội và văn hóa ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ có cơ hội đến trường học tập một cách chính thức. Cho đến năm 1886 ở Nam Kỳ có 7 trường nữ sinh với 922 học sinh nữ.[17] Ở Bắc Kỳ có 4 trường tiểu học cho nữ sinh.[18]
          Nhìn chung hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt có 3 bậc với thời gian là 13 năm. Bậc Tiểu Học có 6 năm[19]). Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire - được gọi là Collège) gồm 4 năm, thường được gọi là bậc trung học, học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung. Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) có 3 năm được gọi là bậc Tú Tài Pháp-Việt.[20] 
Các trường Cao Đẳng Tiểu học (4 năm) dành riêng cho nữ sinh chỉ có ở Hà Nội (trường Trưng Vương), Huế (trường Đồng Khánh), Sài Gòn (trường Gia Long hay còn gọi là trường Áo Tím).  Bậc Trung Học (bậc Tú Tài) chỉ có ở Hà Nội (trường Bưởi), Huế (trường Khải Định), Sài Gòn (trường Pétrus Ký)… 
Trường  nữ học,  trường Brieux, khai  giảng  ngày 6.1.1908  tại Hà Nội có  178 học sinh,[21] năm học 1922-1923 số học sinh học bậc sơ học là 129 người[22]
 Trường Nữ học Đồng Khánh ở Huế thành lập năm 1917. Năm học 1922-1923 số học sinh sơ học là 358 học sinh, học sinh bậc trung học là 35 người.[23] Năm 1930, số học sinh nữ ở Trung Kỳ là 1986 người, trong đó có 47 người học lớp Sư phạm và 494 người học lớp Cao đẳng tiểu học[24].
 Ở Sài Gòn trường dành cho nữ sinh đầu tiên là trường Áo Tím khai giảng ngày 19/9/1915. Năm học đầu tiên có 42 nữ sinh chủ yếu ở khu vực thành phố, cũng có một số nữ sinh đến từ các tỉnh lân cận. Trường có các lớp từ Đồng ấu đến lớp Cao đẳng. Tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng sơ học. Đến tháng 9/1922, trường có  226 học sinh sơ học và có thêm Nữ học đường với 24 học sinh[25].  Lúc đầu,  học sinh vào học chia làm hai ban: ban Sư phạm (học ra làm giáo viên) và ban Phổ thông. Tốt nghiệp, học sinh được nhận bằng Thành chung.
 Năm 1917 quy chế chung về giáo dục Đông Dương- còn gọi là Học chính Tổng Quy- được ban hành đã quy định bên cạnh việc mở các trường tiểu học ở các xã cho con trai thì tại các tỉnh cũng có thể mở ít nhất một trường công cho con gái. Trong trường hợp chưa có trường riêng cho con gái, thì con trai, con gái có thể học chung một trường, nhưng phải tổ chức dạy riêng cho con gái. Chỉ các tỉnh lỵ lớn mới có trường Sơ Học hay Tiểu Học dành riêng cho nữ sinh. Trường Cao Đẳng tiểu học chỉ có ở Hà Nội Huế, Sài Gòn, còn bậc trung học ( Tú tài bản xứ) thì không có trường riêng cho nữ sinh.
Nhìn chung tỷ lệ nữ sinh so với nam sinh là rất thấp[26] :
Năm
Số nữ sinh
Tổng số học sinh
Tỷ lệ
1929
30.000
112.920
24%
1930-1931
38.984
319.792
12%
1938-1939
72.000
524.322
13%
1941-1942
85.447
616.975
13%

Số học sinh chủ yếu ở các phố lớn và các thị trấn, ở các làng quê, số học sinh không nhiều. [NP-9/1929]
Năm
Số nữ sinh nông thôn /tổng số nữ sinh
Số học sinh nông thôn/ Tống số học sinh
 1929
965/30.000
                        25.502/112.920

Số lượng nữ sinh càng ở các bậc cao càng thấp. Dưới đây là số liệu của năm học 1941-1942[27]

Năm
Tổng số

Nữ sinh sơ học và Tiểu học
Nữ sinh Cao đẳng tiểu học
 Nữ sinh Trung học
1941-1942
85.447
90.996
1096
37
           Tuy nhiên cũng có nhiều người trong số họ đã tiếp tục vào học ở Đại học Đông Dương (chưa kể nhiều người đi du học tại Pháp). Các Trường Cao đẳng y khoa, Trường cao đẳng sư phạm, Trường Cao đẳng Nông lâm cũng nhận các sinh viên nữ. Trong các trường dạy nghề năm 1941-1942 cũng có khoảng 900 nữ sinh.[28] Nữ giáo viên khoảng 1000 người[29].
           Số lượng nữ sinh này tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số, nhưng thực sự là thay đổi đáng kể trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung.
Trong chương trình giáo dục của Pháp, đối với các trường nữ sinh, Học chính tổng quy quy định mỗi ngày phải dành ra một hoặc hai giờ để học nữ công gia chánh. Trong trường, học sinh bắt buộc phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp[30].
Về việc học tập của nữ sinh ở vùng nông thôn có thể hình dung qua mô tả trong hồi ký cá nhân của một người phụ nữ sinh năm 1935 tại làng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường Nam Định.[31] Vào năm 1942,  trường nữ học của một phủ lỵ ( Xuân Trường) là “một ngôi trường nhỏ có một bãi cỏ rộng làm sân chơi. Lớp học được chia làm ba dẫy bàn kê theo chiều dọc: dẫy ngoài cùng dành cho học trò lớp năm, lớp thấp nhất, dẫy giữa dành cho lớp tư và dẫy trong cùng là dẫy của lớp ba. Mỗi lớp chỉ chừng trên dưới 20 học trò. Bàn ghế của cô giáo đặt đối diện với bàn đầu của dãy giữa. Trên tường treo bức tranh về cơ thể con người dùng cho các môn cách trí. Lớp có 2 bảng đen được đặt ở 2 bên phải và trái. Bảng không đóng cố định vào tường mà có hai chân gỗ, để khi cần cô giáo có thể quay ngược dùng mặt sau của bảng. Cuối phòng là một cái tủ gỗ mộc, trong đó đựng các giáo cụ trực quan. Hai bên tường là những bảng thời gian biểu quy định riêng cho từng lớp trong tuần. (…)Hồi ấy chúng tôi học mỗi ngày hai buổi.Vào lớp, ra chơi và tan học theo tiếng trống… Nghe tiếng trống vào lớp, chúng tôi (…) xếp hàng đôi để vào, cửa phòng có hai học trò được giao kiểm tra tư thế của chúng tôi. Tà áo dài không cài hết cúc, tóc cặp không gọn ghẽ, hai ống quần không ngay thẳng, bàn tay có vết bẩn... đều được nhắc nhở, uốn nắn và nếu cần, người trực nhật thưa lên với cô giáo để cô giáo phạt. Hình thức phạt đối với người có lỗi ở đây, kể cả lỗi không thuộc bài, lỗi gây mất trật tự trong lớp, lỗi thiếu vệ sinh sạch sẽ... là cô giáo bắt quì sau cái bảng đen, hoặc cô dùng thước kẻ gõ lên mu bàn tay. Cứ cuối buổi học chiều chúng tôi lại ra sân tập thể dục, sáng thứ năm hàng tuần những học trò bị ghẻ được đưa xuống bôi thuốc ghẻ ở nhà thương Thượng Phúc (…)Chiều thứ bẩy hàng tuần, cô giáo dành ra một giờ cuối để cả lớp nghe đọc chuyện cổ tích được in ở những cuốn sách dành cho trẻ con, gọi là sách hồng. Cũng có lần cô giáo dạy chúng tôi hát.
Vì cả ba lớp học cùng một phòng cho nên cô giáo của chúng tôi phải soạn ba giáo án, thực hiện nó một cách chặt chẽ cùng một lúc. Ví dụ: mỗi đầu giờ học, cô viết lên bảng cho lớp năm viết tập, cô ra toán cho lớp tư làm, rồi cô đọc chính tả cho lớp ba. Thực hiện cả ba giáo án cùng một buổi học mà không bao giờ gây ra lộn xộn, vẫn đâu vào đấy. Ngay từ lớp năm là lớp đầu tiên, chúng tôi đã phải học tiếng Pháp trong giờ từ vựng. Lên lớp tư tập viết chính tả bằng tiếng Pháp. Và lên lớp ba chúng tôi phải dùng tiếng Pháp để làm văn, những bài văn ngắn, phù hợp với trình độ. Trong cả chục môn học khác nhau (số học, lịch sử, địa lí, cách trí, luận, luân lí, ngữ pháp, nữ công...) tôi thích nhất là môn lịch sử. Hồi đó chúng tôi học sử theo cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim…”



Nguồn: https://www.facebook.com/microstructure.vn/media_set?set=a.391384184397891.1073741869.100005789375280&type=3&pnref=story
Các sách giáo khoa trong nhà trường Pháp-Việt chủ yếu « rập khuôn » theo mẫu sách dùng trong hệ thống giáo dục của  Pháp sau khi đã loại bỏ những nội dung bị coi là nguy hiểm có thể « phá hoại » chế độ thuộc địa, nhất là những sách về lịch sử, địa lý và văn học… Như vậy, với chương trình giáo dục theo lối mới và việc sử dụng tiếng Pháp trong nhà trường đã làm hình thành ở Việt Nam một tầng lớp phụ nữ mới chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp khá đậm nét và vì thế được xã hội gọi dưới tên gọi là các « cô gái mới »  hoặc các « tân nữ lưu ».
 Mặc dù chính sách giáo dục của Pháp còn nhiều hạn chế và  số lượng nữ sinh chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong dân số việt Nam, nhưng cũng đã tạo nên những thay đổi khá cơ bản trong đời sống của phụ nữ Việt Nam qua việc họ đã nhanh chóng sử dụng báo chí làm phương tiện truyền bá những tư tưởng mới, dân chủ và nữ quyền.

Quá trình nhận thức lại về vai trò và địa vị của mình trong gia đình và xã hội
 Việc có một số phụ nữ có học vấn cũng như  biết đọc, biết viết đã là nền tảng cho sự ra đời và tồn tại của những diễn đàn phụ nữ và dòng báo phụ nữ ở Việt Nam. Trong những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới lần thức nhất, hầu hết các báo bằng tiếng Việt ở Việt Nam đều có diễn đàn cho phụ nữ.[32]
Từ tờ báo phụ nữ đầu tiên, báo Nữ giới chung xuất bản năm 1918, trong những năm 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam xuất hiện dòng báo phụ nữ. Ở thời kỳ phong trào phụ nữ phát triển mạnh nhất, cả ba kỳ đều có các tờ báo phụ nữ và nhìn chung không thời kỳ nào không có một tờ báo phụ nữ đang phát hành, tờ này đình bản thì tờ khác ra đời. Các tờ báo phụ nữ đều ghi rõ tôn chỉ là : “Viết cho phụ nữ đọc và do phụ nữ viêt” ( Báo Việt nữ), “ Là cơ quan hành động và hành động theo một chủ nghĩa tân tiến có lợi ích trực tiếp cho chị em chúng ta” (Báo Phụ nữ)…
Các diễn đàn phụ nữ và các tờ nữ báo là nơi phụ nữ tập viết các bài báo  và qua báo chí phụ nữ thể hiện nguyện vọng  của mình và  bày tỏ ý kiến  trước các vấn đề của bản thân giới nữ và của xã hội. Trong điều kiện báo chí quốc ngữ chịu luật kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa thì đây cũng là nơi các trí thức yêu nước mượn lời phụ nữ để bày tỏ thái độ của mình đối với các chính sách của Pháp, đồng thời khích lệ lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của người dân trước vận mệnh dân tộc.  David Marr hoàn toàn chính xác khi cho rằng  “Ph n và xã hi đã tr thành đim tp trung chú ý mà các vn đ khác thường xoay quanh nó. Hàng trăm cun sách, tp sách nh và bài báo đã được xut bn v mi mt. Ph n tr nên có ý thc rng h là mt nhóm người trong xã hi vi các ni bt bình và yêu cu riêng"[33] Qua báo chí , lần đầu tiên phụ nữ có cơ hội được bày tỏ nguyện vọng của mình, cũng như được phát biểu ý kiến về các vấn đề chung của xã hội, của đất nước trong tư cách một lực lượng xã hội có những mối quan tâm và bất bình chung- một sự nhận thức lại dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ, trong bối cảnh của tiếp xúc văn hóa Đông-Tây
Từ hình dung về đất nước, ký ức về lịch sử dân tộc đến sự khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội
Việc phụ nữ được học tập đã giúp họ có tiếng nói trên các diễn đàn dành cho phụ nữ của các tờ báo hàng ngày cũng như trên các tờ  nữ báo về các vấn đề của mình. Những bài viết của họ trước hết cho thấy hình dung của họ về xã hội, về gia đình và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Trên tờ báo phụ nữ đầu tiên- tờ  «Nữ giới chung » [NGC] được xuất bản ngày 1/2/1918, ý kiến của những người phụ nữ cho thấy họ ý thức về  « thiên chức » làm mẹ, làm vợ của mình và cho rằng đóng góp của phụ nữ cho xã hội chính là làm tốt vai trò « nội tướng » trong nhà, thực hiện tốt « đạo đàn bà », «  đạo vợ chồng », «  giúp cha », « giúp mẹ », «  giúp chồng », «  giúp con ». « Nước »- quốc gia, trong hình dung của họ được tạo thành bởi tập hợp các làng xã, các gia đình, và phụ nữ khẳng định giữ cho gia đình hòa thuận chính là đóng góp quan trọng cho đất nước, bởi vì « trong một nhà hoà thuận, thì trong một làng và một nước cũng được hoà thuận, đã được hoà thuận thì phong tục tốt, phong tục tốt thì bề chánh trị dễ xử đoán, chính trị dễ xử đoán thì trong nước được bình an.”[Sương Nguyệt Anh,[34] NGC-15/3/1918].
Cuộc thảo luận về khái niệm « nữ quyền » trên báo « Nữ giới chung » cũng đã cho thấy trong những năm đầu thế kỷ XX này, tư tưởng dân chủ và ảnh hưởng của phong trào nữ quyền thế giới đã tác động đến nhận thức của phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên, nhận thức về quyền bình đẳng của họ mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định quyền được học tập và quyền làm việc của người phụ nữ. Trong bối cảnh hội nhập với thế giới, họ cũng ý thức được rằng những cuốn sách dành cho giáo dục phụ nữ  trước đây chủ yếu là những tác phẩm về đạo đức, dạy phụ nữ phải làm tròn bổn phận của mình theo đạo tam tòng thì “chắc chắn ngày nay không còn phù hợp” vì thế giới trong sự mường tượng của họ đã thay đổi rồi, nó không còn là “Thế giới […] của riêng đàn ông”, “ là thế giới của cả phụ nữ nữa” (NGC-19/7/1918).
NGC chỉ tồn tại trong thời gian hơn 5 tháng, ngày 19/7/1918, báo ra số cuối cùng. Trong suốt khoảng 10 năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), ở Việt Nam không có tờ báo phụ nữ nào ngoài tờ Tạp chí Phụ nữ tùng san xuất bản ở Huế năm 1926 tồn tại như một ấn phẩm riêng của Hội nữ công Huế. Trong thời gian này Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ II ở Đông Dương. Trong đợt khai thác này, chính sách của Pháp có một số thay đổi lớn, đặc biệt là chương trình cải cách giáo dục của Pháp đã làm số lượng nữ sinh tăng lên.
Cùng với những thay đổi trong xã hội vè mặt kinh tế và văn hóa dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa, ảnh hưởng của phong trào nữ quyền thế giới phát triển mạnh sau chiến tranh, phụ nữ Việt Nam cũng có những bước tiến căn bản trong nhận thức về quyền phụ nữ, đăc biệt là đã tiếp cận với những phong trào chính trị trong nhà trường. Thời gian này, những tờ báo do các trí thức yêu nước ấn hành đã củng cố cho họ niềm tin rằng: đất nước của họ có một truyền thống đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc và nhắc nhở họ là con cháu của những nữ anh hùng có truyền thống chống ngoại xâm để giành lại tự do cho dân tộc như Hai Bà Trưng, bà Triệu… Và họ cần phải có trách nhiệm đối với độc lập, tự do của dân tộc. Nam Kiều (tức Trần Huy Liệu[35]) trên tờ Đông Pháp thời báo [ĐPTB] đã phê phán câu ca dao “Thành đổ đã có Vua Chúa xây, Can chi gái goá lo ngày lo đêm” là một câu rất có hại vì cho rằng phụ nữ chỉ cần lo công việc gia đình mà không cần quan tâm tới vận mệnh đất nước. Ông phân tích: “Xin chớ bảo rằng thành đổ mà gái goá không phải lo được. Kìa như Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh giặc, bà Triệu Ẩu một mình đánh với quân Ngô, nếu cứ theo như cái thuyết “thành đổ chúa xây” thì sáu mươi lăm thành Linh biểu can chi phải đến Hai Bà Trưng gánh vác, quân Ngô tàn bạo can chi phải đến Bà Triệu liều mình [ Nam Kiều, ĐPTB- 13/3/1929].
Ý thức về trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc đã thúc đẩy nhiều người phụ nữ  tham gia vào các phong trào đấu tranh chính trị ủng hộ những nhà chí sĩ yêu nước như đòi ân xá cho Phan Bội Châu[36], người bị kết án tử hình vì các hoạt động chống Pháp và kêu gọi đấu tranh giành độc lập dân tộc; Tham gia lễ truy điệu tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ với nhà hoạt động dân chủ Phan Châu Trinh[37]; Họ cũng tham gia trong cuộc biểu tình ủng hộ Bùi Quang Chiêu[38] đòi mở rộng quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam; Tham gia phong trào bạo động Yên Bái của Việt Nam quốc dân Đảng trong một cố gắng giành độc lập cho Việt Nam bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang; Tham gia vào các tổ chức cộng sản, vận động phụ nữ tham gia cách mạng giải phóng dân tộc… Nhiều người trong số họ đã bị chính quyền thuộc địa giam giữ trong nhà tù thực dân như bà Đạm Phương nữ sử[39], Phan Thị Nga[40], bà Trần Thị Như Mân[41], Nguyễn Thị Minh Khai[42], Nguyễn Thị Lựu[43]
Vào những năm 1930, ở Việt Nam đã hình thành một tầng lớp “tân nữ lưu” trong xã hội. Họ tích cực tham gia làm báo, viết báo, truyền bá các tư tưởng mới về dân chủ, nữ quyền cũng như trách nhiệm của phụ nữ đối với xã hội và hoạt động tích cực trong các phong trào chính trị xã hội. Đặc biệt, sau sự ra đời của tờ Phụ nữ tân văn vào tháng 5 năm 1929, từ năm 1930-1945, có khoảng 10 tờ báo phụ nữ ra đời, làm hình thành nên một dòng báo của phụ nữ, cho phụ nữ và vì phụ nữ[44].
Qua những cuộc thăm dò trên báo chí và các bài viết của phụ nữ thời kỳ này có thể thấy một sự thay đổi lớn trong cách người phụ nữ hình dung về vai trò và địa vị của họ trong xã hội. Nếu như trong cuộc thi do báo Phụ nữ tân văn tổ chức năm 1929 về “ Kiều nên khen hay nên chê”, “Cuộc thi viết về người phụ nữ đức hạnh” hình ảnh người phụ nữ lý tưởng chủ yếu vẫn là người phụ nữ của gia đình theo quan niệm Nho giáo với đủ “tam tòng”, “tứ đức”,[45] thì đến năm 1935, cuộc Trưng cầu ý kiến “So sánh bà Jeann D’Arc và Hai Bà Trưng, ai đáng phục hơn” của báo Đàn bà mới tổ chức cho thấy ý thức của người phụ nữ đã có thay đổi đáng kể. Cuộc trưng cầu này có 763 người tham gia trả lời thì có 525 ý kiến cho rằng Hai Bà Trưng đáng phục hơn Jeann D’Arc. Nhìn chung các ý kiến đánh giá Hai Bà Trưng đáng phục hơn là vì Hai Bà Trưng yêu nước hơn, dũng cảm hi sinh vì đất nước hơn. Ví dụ theo cô Bích Thu thì Hai Bà Trưng đáng phục hơn vì bà tin ở sức mình “ liều mình ra báo thù cho nhà, rửa nhục cho nước”, Còn Jeann D’Arc không đáng phục bằng vì bà đã đánh giặc ngoại xâm bằng niềm tin tôn giáo, theo tiếng gọi của Chúa và được Chúa giúp đỡ. Những ý kiến coi Jeann D’Arc đáng phục hơn thì chê nguyên nhân nổi dậy của Hai Bà Trưng chỉ là vì trả thù chống. Có thể thấy xuyên suốt các bài trả lời là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm để giành tự do cho đất nước đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá giá trị các nhân vật lịch sử. Điều này cho thấy trong mường tượng của họ, đất nước, dân tộc là thiêng liêng, nó đòi hỏi người ta hi sinh vì nó một cách, không vụ lợi, không riêng tư.
Trong một cuộc trưng cầu ý kiến khác [46] trên báo Đàn bà mới các câu trả lời của phụ nữ cũng cho thấy quan niệm người phụ nữ bình đẳng với nam giới chiếm ưu thế hơn. Cô Bích Ngọc cho rằng “vợ cũng là người như chồng thì vợ cũng có quyền làm đủ mọi công việc như chồng […] người nào có tài thì đều có quyền ra gánh vác các việc xã hội”
  Nhận thức về quyền con người, đấu tranh cho mục tiêu giải phóng phụ nữ và bình đẳng nam nữ
           Cùng với việc tiếp thu những tư tưởng dân chủ và ảnh hưởng của văn hoá Pháp, nhận thức về quyền tự do cá nhân đã đưa đến việc nhận thức lại các giá trị đạo đức cũ như: quan niệm về sự trinh tiết, luật “tam tòng”, chế độ đa thê, chế độ đại gia đình, hôn nhân tự do và quyền được hạnh phúc của người phụ nữ…
                  Trên báo PNTV xuất hiện một loạt bài phê phán các nguyên tắc đạo đức phong kiến 37 Các tác giả, đặc biệt là Phan Khôi, đã đi từ việc kiểm tra lại học thuyết Nho giáo đối với vấn đề phụ nữ như vấn đề quyền tái giá của phụ nữ goá chồng. Vấn đề “tam tòng”, “tứ đức” ngày nay còn phù hợp không. Cuối cùng ông kết luận: cái luật cấm đàn bà cải giá là bất công, vô đạo cướp mất quyền lợi của đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hoá nên trừ đi là phải” [PNTV–13/8/1931]
         Từ việc nhìn nhận lại quan niệm về trinh tiết, lên án việc bắt phụ nữ goá chồng phải ở vậy, thủ tiết thờ chồng, xã hội cũng xem xét lại thuyết tam tòng đối với phụ nữ và đều cho rằng thuyết này không còn phù hợp nữa vì ngày nay, bất cứ việc gì, chị em phụ nữ cũng đều tham gia vào. “Phụ nữ đã đem sức óc và sức tay ra phấn đấu cạnh tranh với đàn ông mà còn bị bắt buộc theo khuôn khổ chữ Tùng thì thật mâu thuẫn”. Và bài báo đã mượn câu nói trong tác phẩm nổi tiếng của John Stuart Mill làm kết luận của mình: “Đàn ông bắt đàn bà phục tùng là một điều trái với nhân đạo và công lý” [CL-5/5/1932].
          Việc nhận thức lại các giá trị đạo đức thể hiện rõ nét qua kết quả của các cuộc trưng cầu ý kiến độc giả trên báo ĐBM. Báo ĐBM tháng 4/1935 đã khởi xướng cuộc trưng cầu ý kiến các độc giả về vấn đề Đàn bà goá có nên cải giá không”. Kết quả là trong số 24 người tham gia thì có 17 ý kiến cho là phụ nữ goá chồng có thể và nên cải giá. Nhiều ý kiến đã phê phán gay gắt quan niệm bắt phụ nữ goá chồng phải ở vậy nuôi con là “một tội đại ác và vô nhân đạo”.
        Cuộc trưng cầu ý kiến khác của một độc giả về việc “vợ không có con thì có nên lấy vợ lẽ không?” trên Đàn bà mới vào tháng 6/1935  cũng cho thấy nhận thức về chế độ đa thê đã có sự thay đổi vượt bậc so với thời kỳ đầu thế kỷ XX[47]
          Cuộc trưng cầu ý kiến của một người phụ nữ về việc “Có nên tự giải phóng không?” trong trường hợp chồng bỏ đi với vợ bé không đoái hoài gì đến mình thì hầu hết các ý kiến (12/14) ủng hộ người phụ nữ nên tự giải phóng mình với những lời lẽ rất mạnh mẽ.[48]        
         Giữa những năm 1930, một loạt các vụ tự tử đã diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn mà báo chí lúc đó gọi là “nạn dịch tự tử”  được cho có nguyên nhân từ chế độ cưỡng hôn và chế độ đại gia đình. Báo PNTV cho rằng cái chết của những thanh niên, phụ nữ vì chế độ gia trưởng, vì lễ giáo phong kiến phải được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo động trước xã hội về những bất công của lễ giáo phong kiến mà bà Nguyễn Đức Nhuận[49] gọi là “luân lý xã hội chỉ buộc có một mặt mà thôi”, “vì xưa nay chưa hề có một người đàn ông nào tự tử sau khi hợp cẩn vì chuyện trinh tiết cả”. Và bà kêu gọi “lấy tự tử mà chống lại sao cho bằng ta tổ chức nên đoàn thể mạnh để tranh đấu cho kì được một cái luân lý, một cái chế độ cho công bằng” [PNTV-26/11/1931].
        Dưới nhan đề “Đàn bà với ái tình” Thạch Lan cho rằng “chữ ái tình xuất hiện trong xã hội là một điểm tấn bộ về nữ quyền. Đàn bà mà bàn về ái tình, nói đến ái tình đòi cho được quyền yêu thương tức là cũng như đứng giữa xã hội loài người mà nói rõ lên rằng “chúng tôi không phải đồ vật để cho đàn ông tự ý sắp đặt thế nào cũng được. Chúng tôi cũng là người như đàn ông nên phải được quyền chọn bạn trăm năm” [PNTV-13/8/1931]. Thạch Lan còn nói nếu ông Phan Khôi[50] nói rằng tình yêu ngoài hôn nhân là đồ bá láp thì “hôn nhân nào, gia tộc nào không do ái tình gây nên thì cũng là chuyện bá láp” [PNTV-13/8/1931]. Tự do kết hôn còn là khẩu hiệu trong các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo vì vậy đôi khi phong trào cách mạng của nông dân và công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được đồng nhất với phong trào đòi tự do kết hôn, phong trào giải phóng phụ nữ.
          Đến thập niên 1940, lần đầu tiên “quyền của người đàn bà trong ái tình” được đề cập đến như một khía cạnh của bình đẳng nam nữ, nhấn mạnh người phụ nữ cần được hưởng hạnh phúc trong sinh hoạt vợ chồng về phương diện sinh lý [ĐB-1/8/1939]. Bài báo phân tích: trước đây, đặc biệt dưới chế độ phong kiến, theo quan niệm truyền thống người ta chỉ quan tâm tới ý muốn của người đàn ông. Người đàn bà chỉ là kẻ phục tùng. Đó là sự bất công, “một sự miệt thị giá trị của người đàn bà”. Một người chồng tốt, sáng suốt và công bằng phải có rất nhiều nhã ý trong chốn buồng the để giữ cho tinh thần và sức khoẻ của người vợ khỏi bị xúc phạm. Bài báo kết luận “nếu quyền lợi của người đàn bà trong ái tình không được nới rộng, hiểu một cách sáng suốt bởi người đàn ông, nếu nhân cách của người đàn bà trong ái tình không được kính trọng thì nền luân lý luôn trong vòng hỗn loạn đê tiện, cái nạn mãi dâm không bao giờ trừ tiệt và không bao giờ một thứ ái tình thuần tuý nảy nở trong cái xã hội mà đàn ông cứ lạm cái quyền làm chồng của mình” [ĐB-18/8/ 1939]. Báo Đàn bà còn đề cập đến nghệ thuật ứng xử trong sinh hoạt vợ chồng, sự quan tâm tế nhị của người chồng trong đêm tân hôn..
            Xây dựng hình ảnh người phụ nữ lý tưởng- kết quả của quá trình nhận thức lại các giá trị đạo đức cũ
          Cuộc thảo luận về “người đàn bà mới” giữa thập niên1930 đã cho thấy xã hội buộc phải nhìn nhận lại hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, một sự đánh giá lại thế nào là “gái cũ” và “gái mới”. Các tờ báo phụ nữ như Phụ nữ Thời đàm hay Phụ nữ Tân tiến đều mong muốn tạo nên hình ảnh người phụ nữ lý tưởng có thể dung hoà được những truyền thống tốt của phụ nữ phương Đông với tinh hoa của văn minh phương Tây. Báo Đàn bà mới đặt vấn đề “Cần phải định nghĩa chữ gái mới” [ĐBM-26/8/1935], cố gắng tìm hiểu “Trong xã hội ta ngày nay thế nào là một người đàn bà mới [ĐBM-24/8/1936], và Địa vị người đàn bà mới trong gia đình ngoài xã hội quan trọng thế nào?” [ĐBM-5/10/1936].
            Khi so sánh giữa “Đàn bà cũ và đàn bà mới” Chung Thị Vân đã đưa ra hình ảnh người đàn bà cũ đầy đức hy sinh, ngày nào cũng như ngày nào, hết năm này sang năm khác, từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya cặm cụi làm lụng vì gia đình với nhận xét: “Với hình ảnh đó, mọi người đều cảm động và bùi ngùi. Cảm động vì người đàn bà cũ quên mình chỉ vì gia đình. Bùi ngùi vì người đàn bà cũ một đời không có sống.” Còn người đàn bà mới theo tác giả “Trước khi nhận ra nhiệm vụ của mình trong xã hội... cần phải hiểu mình có sống. Đó là bổn phận trọng yếu nhất: bổn phận làm người. Người đàn bà mới thật sự cũng không thua các chị em xưa về các sự quán xuyến trong gia đình. Hơn nưã người đàn bà mới biết trông xa hiểu rộng, rõ địa vị trách nhiệm mình trong xã hội” [ĐBM-24/8/1936].    
             Các tác giả đã cố gắng phân biệt loại “gái mới” vỏ và “gái mới” thật sự, không coi tất cả gái mới đều là hạng đáng phê phán. Mm Kim Châm cho rằng thật sai lầm “khi đem bọn tô son điểm phấn chuyên nghề bán thân nuôi miệng chộn lộn với số đông bạn gái tuy cũng phấn son nhưng không đến nỗi suy đồi phong hoá”, hoặc thấy ai không theo phái bảo thủ liền xếp luôn vào hạng gái kia. Hiện tại có nhiều chị em có chức nghiệp đi làm nhưng vẫn trọn trách nhiệm với gia đình [ĐBM-26/8/1935]. Còn Văn Tâm ở báo ĐP cho rằng một người đàn bà mới phải vừa là một người vợ đảm đang trong gia đình, vừa là một người hoạt động ngoài xã hội [ĐBM-24/8/1936]. Mộng Thu và Nguyễn Thị Minh Ph. cũng cho rằng “chị em ta theo mới được cả hình thức lẫn tinh thần và hiểu rõ chữ mới theo đúng nghĩa của nó” thì thật đáng kính, đáng phục [ĐBM- 5/10/1936].
           Sự kiện cô Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương hoàng hậu được coi là kết quả vẻ vang của bạn tân nữ lưu- những cô gái có học thuật cao nhưng vẫn giữ được tư cách con nhà Hồng Lạc. Tú Hoa cho rằng: nếu cô Lan không phải là một cô gái tân thời, có đi học Tây, hấp thụ cái không khí văn minh, thâu thái được cái tinh thần châu Âu và nhất là không được tự do giao thiệp thì chưa chắc ngôi hoàng hậu đã dành sẵn cho cô. Điều này càng khẳng định xu thế hiện nay ngay cả phụ nữ cũng không thể không chịu ảnh hưởng của văn minh và học thuật phương Tây. Do đó, “Chị em nên ráng học, học cao chừng nào, hay chừng ấy và dù học cao đến đâu cũng rán giữ được cái tinh thần của người dân Việt Nam” [HCTV-12/4/1934].
  Văn Tâm đã đưa ra một số yêu cầu về “Người đàn bà mới trong xã hội ngày nay” trước hết phải bỏ được 4 tâm lý xấu (ỷ lại, ghen ghét, hiếu danh, ích kỷ) và 5 tập quán xấu (đánh bạc, mê tín, xa xỉ, lười biếng, nhắm mắt làm liều) và phải có được bốn điều kiện về đạo đức, trí thức, thể thao và kỹ năng [ĐBM-24/ 8/1936].
Hình ảnh một cô gái tân thời được báo Phụ nữ thời đàm mô tả là “ăn mặc và trang sức theo kiểu mới. Quần trắng áo màu, giày cao gót…để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch… nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình, trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ…” Tuy nhiên bài báo cũng nhấn mạnh “gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là “tân” ( PNTĐ-29/10/1933).
 Ăn mặc đẹp, thời trang cũng là một cách thể hiện mình- một sự cách tân. Phụ nữ đã mạnh dạn lên tiếng bảo vệ nhu cầu làm đẹp chính đáng của mình trước những lời dị nghị  “Chúng em đuổi cái đuôi gà để rẽ lệch tóc, thay bộ răng ngà trắng muốt vào chỗ bộ răng đen ngòm, mượn cây son môi để làm việc của miếng trầu toe toét kia… chúng em ưa chiếc quần lụa bạch êm mát hơn cái quần sồi dày cồm cộp, trên đó người ta không phân biệt được những giống bẩn thỉu gì, nhưng các cụ bảo sạch vì nó đen…” ( Báo Phong hóa).
Những cô gái mới cũng làm thay đổi bộ mặt phố phường với những tà áo dài tân thời nhiều màu sắc, sự kết hợp tuyệt vời giữa y phục truyền thống với phong cách thời trang Paris,[51] tôn vẻ mềm mại quyến rũ của người phụ nữ, hoặc khoẻ mạnh trong bộ quần sooc trắng đạp xe đạp trên đường phố… Phụ nữ không còn tuân theo đòi hỏi khắt khe của Nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân” mà đã dám sánh vai cùng bạn trai tới các rạp chiếu phim, rạp hát, các sàn khiêu vũ, các sân tập thể thao…
             Các cuộc phỏng vấn các nữ trí thức của báo Đàn bà vào năm 1942 cho thấy, hầu hết phụ nữ trí thức đều muốn được tiếp tục học lên cao, muốn được làm nghề đã được đào tạo nhưng họ vẫn ý thức được trách nhiệm đối với gia đình.[52]     
            Nhìn chung, hình ảnh người phụ nữ lý tưởng phù hợp với thời đại mới và nhận thức mới trước hết phải là người đàn bà mới thật sự, là người biết kết hợp hài hoà giữa những yêu cầu đạo đức truyền thống “mẹ hiền vợ đảm” với những đòi hỏi của xã hội hiện đại văn minh, có nghề nghiệp để có thể tự lập, dạy con theo khoa học, bình đẳng với chồng và tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh với sự bất công trong xã hội.
         
 Đấu tranh để giành quyền tự quyết định vận mệnh mình.

Ý thức được vai trò của mình trong xã hội, phụ nữ nhận thức được rằng, để có thể làm chủ vận mệnh của mình, người phụ nữ phải có quyền bầu cử, quyền ứng cử và quyền tham chính, vì vậy họ sớm tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiền đề để thực hiện các quyền của phụ nữ.
Trong cuộc vận động đòi tự do dân chủ thời kỳ 1936-1939, nhiều nữ trí thức đã tham gia viết bài tuyên truyền tư tưởng nữ quyền Mac xít, gắn vấn đề giải phóng phụ nữ với giải phóng dân tộc, vận động phụ nữ đấu tranh, thành lập các Ủy ban hành động, đưa ra những khẩu hiệu hướng dẫn và tập hợp phụ nữ đấu tranh vì quyền lợi của bản thân phụ nữ như: thực hiện quyền phụ nữ phổ thông đầu phiếu, tuyển dụng phụ nữ vào các công sở, làm việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau, mở trường và các nhà dạy thể dục thể thao cho chị em phụ nữ..
Ngày 24/9/1936, tại Hà Nội, 40 phụ nữ đã họp ở trụ sở hội Trí Tri phố hàng Quạt để bàn về việc thảo tập Dân nguyện.  Đoàn Thị Tâm Đan làm chủ tịch và các chị Tâm Kính (tức Trần Thị Trác) và chị Đinh Thị Phượng làm thư ký. Hội nghị đã bàn về những vấn đề: mở trường phổ thông riêng cho phụ nữ, không hạn chế tuổi; Phụ nữ phải có quyền bầu cử, thành lập các tiểu ban để tập hợp nguyện vọng của phụ nữ cho sát với ngành nghề như các ban Lao động, Thương mại, Nông giới, Công giới, Hộ sinh, công chức các sở, giáo giới, báo giới…Trên báo Đông Pháp, cô Song Nga  nhấn mạnh: Phụ nữ cần phải có quyền bầu cử, vì đó chính là điều kiện để phụ nữ tham gia vào việc công ích, cũng như đó chính là lợi khí bênh vực cho mình. “Bao giờ người đàn bà cũng có quyền tự ý kén chọn người thay mặt cho mình thì mới mong thực hành những nguyện vọng chính đáng cho mình được (Đông Pháp-4/10/1936)
Cuộc họp của các Ủy Ban phụ nữ để thảo tập Dân nguyện này được báo chí đánh giá là “Lần thứ nhất ở Đông Dương nữ giới ba kỳ biết hiệp hội để làm chính trị” (Đàn bà mới-26/10/1936). Báo chí trong thời kỳ này đã đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn phụ nữ đấu tranh rõ ràng đã góp phần đưa phụ nữ trở thành một lực lượng chính trị-xã hội quan trọng trong cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc vì sự nghiệp giải phóng dân tộc-tiền đề cho việc thực hiện các quyền của phụ nữ..
Đỉnh cao của quyết tâm khẳng định quyền làm chủ vận mệnh của người “phụ nữ mới” được thể hiện trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Theo lời kể của bà Lê Thi,[53] người đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng như trong cuộc mit tinh tuần hành cướp chính quyền từ ngày 17-19/8 năm 1945, thì phụ nữ Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động của Đảng cộng sản và tham gia vô cùng đông đảo. Trong cuộc mit tinh của Tổng hội công chức của chính quyền Trần Trọng Kim bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đã  “cướp diễn đàn”, giới thiệu về Mặt trận Việt Minh, về kế hoạch tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Cuộc mít tinh đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình tuần hành. Bà Lê Thi nhớ lại : “ Phụ nữ chúng tôi rất đông. Thiếu nữ Hà Nội áo dài quần trắng. Chị em tiểu thương thì mặc quần đen áo cánh…Tôi không tả hết được cảm xúc vui sướng và hào khí cách mạng của ngày ấy. Chỉ có thể nói là: Trước đó ở Hà Nội, chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đông như thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời, mà chẳng thấy xấu hổ gì cả.”…
 Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám của nhân dân Việt Nam đã mang lại nền độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Trong thành tựu này có đóng góp của những người phụ nữ Việt Nam như một lực lượng chính trị quan trọng. Trong lực lượng khởi nghĩa tại các địa phương, nhiều phụ nữ đã trở thành những người lãnh đạo khi tổ chức và đi đầu trong đội quân khởi nghĩa và thiết lập chính quyền cách mạng như Hà Thị Quế (ở Bắc Giang), Trương Thị Mỹ (Hà Đông),  Phan Thị Nể  ở Hội An, chị Nguyễn Thị Định ở thị xã Bến Tre, Trần Thị Nhường ở Sa Đéc...
Thay cho lời kết: “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” - sự tiếp nối truyền thống ?
           Cách mạng tháng Tám thành công, ngày mùng 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, hai người phụ nữ (Dương Thị Thoa (Lê Thi) và Đàm Thị Loan) đã được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong giờ phút thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra chế độ mới. Sau cách mạng, điều 9 của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 quy định: “Sức mạnh của đất nước nằm trong tay người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giới tính, giàu nghèo, đẳng cấp, tôn giáo... Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực”.
Trả lời phỏng vấn trước cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên, bà Đoàn Tâm Đan, ửng cử viên Đại biểu quốc hội khu vực Hà Nội đã cho biết, đối với bà “ làm nghị viên hay là giáo viên tôi cũng vì quốc dân mà tận tâm với chức vụ”.[   ]. Mặc dù đại biểu phụ nữ mới chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn trong Quốc hội đầu tiên, ( 10/333) nhưng cũng đủ đánh dấu một thắng lợi quan trọng của phụ nữ Việt Nam trên con đường đấu tranh vì quyền con người và quyền phụ nữ và là kết quả của cuộc đấu tranh gần nửa thế kỷ của phụ nữ Việt Nam.
Ngay sau khi giành được độc lập, nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành hai cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc (1946-1954) và thống nhất đất nước (1954-1975), phụ nữ Việt Nam ở cả hai miền Nam- Bắc đều không có sự lựa chọn nào khác là vừa đảm đang công việc sản xuất thay nam giới nhập ngũ trong những năm chiến tranh vừa phải cầm súng chiến đấu. Những người phụ nữ dược đào tạo trong nhà trường Pháp cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền giáo dục và khoa học Việt Nam như Bà Hoàng Xuân Sính, Ngô Bá Thành, Đặng Bích Hà, Đặng Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Lê Thi, Đặng Xuyến Như, Nguyễn Thị Kim Chi...Họ xứng đáng được Nhà nước Việt Nam tặng cho tám chữ vàng” Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
  Ngày nay, phụ nữ Việt Nam về mặt pháp lý đã được hoàn toàn bình đẳng so với nam giới. Luật Bình đẳng giới được Quốc Hội thông qua ngày 29/11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007 cũng nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam thực hiện quyền bình đẳng của minh.
Từ năm 1989 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động phong trào thi đua “ giỏi việc nước, đảm việc nhà” nhằm  huy động sự đóng góp của phụ nữ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một lần nữa truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử được khẳng định, ghi nhớ và phát huy trong điều kiện lịch sử mới.
Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội [54] hiện nay  phụ nữ có mặt trong hầu hết các ngành nghề trong xã hội [55], tuy nhiên, các số liệu cụ thể đã cho thấy rằng, ở những công việc lao động giản đơn và ít được đào tạo thì phụ nữ chiếm tỷ lệ cao, còn ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ cao và các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước thì phụ nữ lại chiếm tỷ lệ thấp và thường ở cấp phó hơn là vị trí đứng đầu.[56] Ví dụ tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học so với nam tốt nghiệp đại học không cách xa nhau, thậm chí tỷ lệ sinh viên nữ đang có xu hướng tăng dần và cao hơn sinh viên nam[57], nhưng càng ở trình độ cao như thạc sỹ,  tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, Phó giáo sư, giáo sư so với nam giới thì tỷ lệ nữ càng thấp. Vấn đề đặt ra là liệu có phải việc đặt lên vai người phụ nữ cả nhiệm vụ “giỏi việc nước” lẫn “ đảm việc nhà” đã tạo ra sức ép đối với người phụ nữ và hạn chế khả năng vươn lên đỉnh cao của họ? Và, mặc dù danh hiệu thi đua “ giỏi việc nước, đảm việc nhà” hàng năm vẫn được trao tặng cho những người phụ nữ Việt Nam nhưng đó có thực sự  là cái mà người phụ nữ hiện nay cần hay điều mà họ mong muốn là nhà nước và xã hội có những chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp người phụ nữ phát huy thế mạnh của mình trong cả “ việc nước” và “việc nhà” ?
Tài liệu tham khảo:
     A History of the Roles of Women in Newspapers :Media, Gender, and Journalism
  Nguyễn Anh,( 1967) “Vài nét về giáo dục Việt Nam từ khi Pháp xâm lược  đến cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất”, T/c NCLS, số 98,
 Benedict Anderson (1983) Imagined communities:  reflections on the origin and spread of nationalism
 Đặng thị Vân Chi, (2012)Some remarks on the Formation of  Women Intellectuals in Vietnam before 1945, Journal of Historical Studies, Vol.12, 2012
 Đặng Thị Vân Chi ( 2004) Oriental and Western cultural impacts on Vietnamses women’s status
 Đặng Thị Vân Chi( 2006) The Woman Presses before the August Revolution in 1945]. [Journal of Historical Studies], Vol. 11 (368) 2006, pp. 48-61.
 Đặng Thị Vân Chi ( 2008) . Impact of Confucianism on the Position of Vietnamese Women in HistoryProceeding of the International Conference: Teaching Vietnamese as a Foreign Language: Theoretical and Practical Issues, Vietnam National University, Hanoi Press, 2008
Đặng Thị Vân Chi (2011) Gia huấn”, “Nữ huấn” and education of women under feudal through a number of educational works in family of  Dr Dang Xuan Bang, Vietnamese studies and Vietnamese-The approach, Social sciences Publishers, 2011, pp 33- 43)
Ducker William (2000), Ho Chi Minh -a life, Hyperion, New York  EuanHague, (2005) Key thinkers on space and place, chappter 1 (pp 16-21) published by Sage  
 Phan Đình Giáp (1918), Nữ học luân lý tập đọc,Impr Mạc Đình Tư, H.
McHale.Shawn Frederick (1995), Printing, power, and the transformation of Vietnamese cultture, 1920-1945, dissertation, Cornell University
  Thy Hảo Trương Duy Hy (2003), Nữ sĩ Hùynh Thị Bảo Hoà.-Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên. NXB Văn học..
rịnh Thu Hằng (1992) “Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong điêu khắc đình làng”. T/c. KH & PN. số 2.
 Nguyễn Trung Hiếu (Dịch) (1995), “Phụ nữ ngày nay cần gì”, T/c KH về PN, số1(19), tr11-13, số 3(21           
Nguyễn Trọng Hoàng, (1967), “ Chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam”, T/c NCLS, số 96 (3)
  Trương Hoàn.(1930), Nguyễn Tuyết Hoa-Học sinh nữ học đường, Impr Đức Lưu Phương
  Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, http://www.gialong.org/history.html
  Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2002), Phụ nữ Việt Nam bước vào thế kỉ 21, NXB Chính trị quốc gia,
  Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Dự thảo luật bình đẳng giới,          http://hoilhpn.org.vn/newsdetail.asp? CatId=21&Newslang=3672&lang=VN
Lê Ngọc Hùng (2006), “Dự thảo luật bình ẳng giới nhìn từ  góc độ khoa học”, T/c Nghiên cứu gia đình và giới số1(16), tr3-10
Đỗ Quang Hưng (1995), “Tiếp xúc văn hoá Đông Tây ở Việt Nam”, T/c Xưa nay số 4 (14),tr20-22.
Nguyễn Văn Kí (1995), Lá societé Vietnamienne face à la modernité. Le Tonkin de la fin du XIXe siecle à la seconde guerre mondiale, Paris , L Harmattan,cll, Recherches asiatiques
Khuyết danh (2005), Gia huấn diễn ca, NXB Phương Đông
Đỗ Thị Bích Liên (1938), Vấn đề bình đẳng và tự do, Việt Dân, Phủ Lý
Bà Tùng Long (2003),. Viết là niềm vui muôn thuở của tôi, (Hồi kí)NXB Trẻ.
 Nguyễn Thị Lựu (1985), Tình yêu và ánh lửa, (hồi kí). NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
 Marr David G. (1976), “The 1920s women’s rights debates in Vietnam”, Journalof Asian Studies, Vol 35, No 3 (may) 1976, p 371-389.
MarrDavid G (1995), Vietnamese tradition on Trial.1920-1945, University of California Press.Berkeley. California
 Micheline Lessard, (2007) "The Colony Writ Small: Vietnamese Women and Political Activism in Colonial Schools During the 1920s",Journal of the Canadian Historical Association / Revue de la Sociộtộ historique du Canada, vol. 18, n° 2,  p. 3-23.
  John Stuart Mill (2005), Bàn về tự do, NXB Tri thức.
 Phan Thị Nga (2000), Mười một tháng trong lao Thừa phủ, NXB, Hội nhà văn, H.
Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt (2003), Người con gái Nam Bộ, hồi kí, NXB Văn học
Vũ Thị Phụng (1995), “Phụ nữ Việt Nam qua một số  hương ước và phong tục làng xã cổ truyền,” T/c KH về PN tr 6-10, 18.
 Đạm Phương nữ sử (1999), NXB Văn học.
 Phạm Quỳnh Phương (1994), “Khát vọng của phụ nữ Việt Nam qua truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh”. T/c KH về PN, Số 4 (18), tr4-5.
 Hà Quế (1964), Nữ tự vệ chiến đấu, Hồi kí cách mạng, NXB Phụ nữ,H
 Tôn Thị Quế (1972), Chỉ một con đường, Hồi kí cách mạng,Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ An
 Quốc triều hình luật (2003), Luật hình triều Lê- Luật Hồng Đức, NXB Tp Hồ Chí Minh
 Trịnh Đình Rư (1926), Nữ sinh độc bản. Hải Phòng.
 Sơ lược và lịch sử thành lập và hoạt động của trường Nữ học đường Sài Gòn.http://www.minh khai96.net/líchsu.htm
  Các gia đình trí thức yêu nước ở Hà Nội, Bài viết riêng cho BBC, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2008/08/080826_hanoi_intellectuals.shtml
Susan Ware. Modern American Women. A documenttary history. The Dorsey Press. Chicago, Illinois 60604.
Huệ-Tâm Hồ Tài (1992), Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution   Harvard University Press
Taylor KW  and Jonh. K.Whitmore(1995),  Editor. Essays in to Vietnamse pasts. Cornel University NewYork.
 Thanh Việt Thanh-Thiên Mộc Lan (1988), Nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, NXB Văn Nghệ HCM
 Trịnh Văn Thảo (1995), L école Francaise en Indochine, Paris, Karthala (Bản dịch). Tư liệu Khoa Lịch s
 Nguyễn Thị Thập (1981), Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, T1.PN.
  Anh Thơ (2002), Từ bến sông Thương, NXB Phụ nữ. H.
  Cao Huy Thuần- Nguyễn Tùng- Trần Hải Hạc- Vĩnh Sính (Chủ biên ) (2005), Từ Đông sang Tây, NXB Đà Nẵng
 Tổ sử phụ nữ Nam bộ (1989), Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng, Thành phố Hồ Chí Minh
Lê Thị Nhâm Tuyết (1973), Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại .KHXH,H.
Phạm Thanh Vân (1994), “ Địa vị pháp lý của lao động nữ trong bộ luật lao động mới của nước ta”, T/c KH về PN số 4 (18), tr27-29.
 Phạm Thị Thuỳ Vinh (2003), Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã, NXB Văn hoá thông tin, H.
Trần Quốc Vượng (1972), Truyền thống phụ nữ Việt Nam. NXB Phụ nữ
 Trần Quốc Vượng (1996), “Nguyên lí mẹ của nền văn hoá Việt Nam”.T/c VHNT tháng 12, tr44
 Nguyễn Vỹ (2006), Tuấn- Chàng trai nước Việt, NXB Văn học.
  In sun Yu (2001), “Mô hình xã hội lưỡng hệ và địa vị phụ nữ Việt Nam truyền thống”, Việt Nam học- kỉ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ I, NXB Thế giới, H, tr285-299
Các tờ báo phụ nữ
1. Nữ giới chung Viết tắt NGC
2.Phụ nữ tân văn- PNTV.(1.5.1929-21.4.1935). Sài Gòn.
3. Phụ nữ thời đàm-PNTĐ (8.12.1930- 20.6. 1931)., Hà Nội. PNTĐ tập mới ( 17.9.1933)        
 4.Phụ nữ tân tiến- PNTT (1.7.1932, -15.7.1933., Huế
5. Đàn bà mới- ĐBM. (1.12. 1934-4.6.1937 Sài Gòn.
6.Việt nữ-VN . 7.4.1937,-11. 1937) . Hà Nội
7.Nữ Lưu-NL. (22.5.1936,- 4.6.1937).
8.Nữ công tạp chí-NCTC. (10.1936- 8.1938). Sài Gòn.
9. Nữ giới- NG ( 11.1938- 11.1939)., Sài Gòn
10.Phụ nữ-PN (16.2.1938- 4.1939.) Hà Nội
11. Đàn bà-ĐB. (24.3.1939- số cuối năm 1945, Hà Nội
12. Việt nữ -VN 26.10.1945, - 26.1.1946.
13. Bạn gái -BG. Tuần báo. 1945. Hà Nội
14.Đại Nam Đăng cổ tùng báo-ĐNĐCTB
15.Đông Dương Tạp chí-ĐDTC
16.Trung Bắc Tân văn-TBTV
17.Nam Phong-NP
18.Hà thành Ngọ báo-HTNB
19 Loa.

Và nhiều báo khác xuất bản từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945.






[1] Ngày 1/9/1858 Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng. Năm 1862, nhà Nguyễn ký hiệp ước Nhâm tuất ngày 5/6/1862 công nhận quyền của Pháp ở ba tỉnh Nam kỳ : Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Năm 1867 Pháp chiếm nốt phần còn lại của Nam kỳ và đến năm 1874, Hiệp ước Giáp tuất ngày 15/3/1874 nhà Nguyễn thừa nhận quyền của Pháp ở toàn bộ Nam Kỳ. Năm 1884, nhà Nguyễn  ký với Pháp bản hiệp ước Patenotre ngày 6/6/1884 thừa nhận hoàn toàn quyền của Pháp ở Việt Nam. Theo bản Hiệp ước này Việt Nam bị chia thành ba kỳ : Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine)  dưới ba chế độ khác nhau; mỗi kỳ có một chế độ cai trị riêng như là ba nước riêng biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp; Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát. Năm 1887, Pháp thành lập Liên Bang Đông Dương (  Union Indochinoise) gồm  Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) và Campuchia. Đến năm 1893 Lào cũng được nhập vào Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp.

[2] Đặc điểm của nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông trong đó các gia đình nhỏ là đơn vị sản xuất chủ yếu đòi hỏi sự hợp tác lao động chặt chẽ giữa phụ nữ và nam giới và cho phép phụ nữ tham gia vào mọi khâu trong quá trình sản xuất từ cày, bừa, gieo mạ, cấy, gặt, làm cỏ, bón phân, tát nước... Hình ảnh: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” là hình ảnh tiêu biểu ở nông thôn Việt Nam. Các thương nhân và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam vào thế kỷ 16, 17, 18 đều có chung nhận xét là phụ nữ Việt Nam rất đảm đang. Họ tham gia vào mọi hoạt động sản xuất cũng như hoạt động buôn bán trong xã hội. Linh mục Jean Koffler đến Đàng Trong từ năm 1740 đến 1755 nhận xét: “Họ (phụ nữ) rất khéo léo trong việc dệt vải bông và lụa. Họ cũng nhuộm những thứ này thành nhiều màu khác nhau. Họ cũng rất khéo trong việc làm bánh và mứt kẹo…Phụ nữ trồng thuốc lá, trồng bông, phụ nữ buôn bán ở chợ hay cửa hiệu của người ngoại quốc
[3] Ký hiệu AB.53 kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (44 trang, khổ 20x13) gồm ba tác phẩm Nôm: Khuyết hiếu ca, Trường hận ca (bản dịch Nôm) và Cảnh Phụ Châm. Dẫn theo Hoàng Văn Lâu (1984), Tập san Hán-Nôm, số1.
[4] Theo thống kê của Lê Thu Hương thì trong kho sách Hán Nôm hiện còn lưu giữ 35 tên tài liệu thuộc thể loại Gia huấn, Nữ huấn. Trong số 35 tài liệu này có 9 tài liệu mang tiêu đề tập trung giáo dục phụ nữ như: Giáo nữ di quy của Trần Hoành Mưu, Huấn nữ diễn âm ca của Nguyễn Đình Thiết, và các tác phẩm khuyết danh như Huấn nữ tử ca, Huấn nữ tử giới, Huấn nữ tam tự thư, Nữ học diễn ca, Nữ bảo châm… Các tác phẩm mang tiêu đề Gia huấn thường cũng có phần dành cho con gái, đề cập đến việc giáo dục từ khi còn ở nhà với cha mẹ cho đến khi đi về làm dâu nhà chồng. Xem thêm Lời giới thiệu của Phạm Hòang Quân cho tác phẩm Gia huấn diễn ca , NXN Phương Đông, 2005
[5] Đặng Thị Vân Chi (2011),” Gia huấn, Nữ huấn và giáo dục phụ nữ  dưới thời phong kiến qua một số tác phẩm giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng”, Việt Nam học và tiếng Việt- Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, tr 31-43
[6]. Là Trưng Trắc và Trưng Nhị , hai người phụ nữ đã nổi dậy  chống lại ách thống trị của nhà Hán ở Trung Quốc giành chính quyền vào năm 40 . Chính quyền của Hai Bà tồn tại 3 năm từ năm 40 đến năm 43.
            [7]  Triệu Thị Trinh đã nổi dậy chống chính quyền của nhà Ngô năm 248
[8]  Một nữ tướng trong đội quân của anh em Tây Sơn một triều đại trong lịch sử Việt Nam đã đánh thắng quân  xâm lược Xiêm (1785) và quân xâm lược Mãn Thanh ( năm 1789)
            [9]  Hồ Xuân Hương (1772-1822): một nữ sĩ cuối thế kỷ I8 có nhiều bài thơ thể hiện khát vọng bình đẳng của phụ nữ
            [10]  Tên thật là Nguyễn Thị Hinh (1805-1848) Một nữ sĩ có nhiều bài thơ tuyệt tác về tình yêu quê hương đất nước
[11] Đoàn Thị Điểm (1705-1748), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Hậu Lê. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.
[12] Ca dao tục ngữ Việt Nam viết về vai trò của phụ nữ trong cuộc sống
                                      “Chàng ơi phải lính thì đi
                                 Cửa nhà sau trước đã thì có em”
                                          “ Anh đi em ở lại nhà
                                      Hai vai gánh vác mẹ già con thơ…”
                                  “ Tiền gạo thì của mẹ cha
                                    Cái nghiên , cái bút thật là của em”
                                  “ Sang năm lúa tốt, nhiều tiền
                                     Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng”
[13] Luật Hồng Đức quy định: Con gái có quyền thừa kế tài sản sở hữu của gia đình bình đẳng như con trai( điều 388- tr152). Khi đi lấy chồng phần tài sản này vẫn là của riêng người vợ không bị nhập vào gia sản nhà chồng. Khi chống chêt, nếu không có con phụ nữ được hưởng một nửa tài sản của hai vợ chồng (điều 375). Gia đình không có con trai thì con gái trưởng được hưởng phần ruộng hương hoả ( điều 391-397 ). Về mặt hôn nhân, phụ nữ có quyền từ hôn nếu phát hiện ra người con trai bị ác tật, phạm tội hay phá tán gia sản ( điều 322). Phụ nữ cũng có quyền li hôn nếu người chồng trong năm tháng liền không đoái hoài đến vợ ( điều308). Người chồng không được phép bỏ vợ nếu như người vợ có công lao trong việc gây dựng gia sản cho nhà chồng hoặc đã chịu tang cha mẹ chồng cũng như khi người vợ không còn nơi nươngt tựa
[14] Đạo Mẫu( thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh) ra đời từ thế kỷ XVII vốn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian khá phát triển trong xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó hình ảnh người phụ nữ trong mọi sinh hoạt thường ngày còn xuất hiện khá phổ biến trong các bức điêu khắc của đình làng- nơi được coi là tôn nghiêm mà chỉ có nam giới mới được tới trong những dịp tế lễ Thành hoàng làng hoặc hội họp .

[15] Trên Nông cổ mín đàm ngày 28/8/1902,
[16] Trịnh Văn Thảo (1995) L’ecole Francaise en Indochine, Paris, Karthala ( bản dịch tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH &NV, ĐHQG Hà Nội , tr95.
[17] Theo Paullus và Bouninais  trong La France en Indochine và Paul Bonnetain trong L’extrème Orient ( dẫn theo Nguyễn Anh, (1967), sdd, tr42
[18]  Theo G. Dumoutier- Les defbuts de Lénseignement Francais au Tonkin ( dẫn theo Nguyễn Anh ((1967), sdd, tr44
[19] Trường tiểu học có 6 lớp: lớp  Đồng Ấu (Cours Enfantin) tới lớp Dự Bị (Cours Préparatoire), lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire), lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année), năm thứ hai (Cours Moyen 2è année)[19] và kết thúc ở lớp Nhất (Cours Supérieur). Ba năm đầu thường được gọi là Sơ học. Từ lớp nhi năm thứ nhất đến lớp nhất được gọi là tiểu học.
[20] Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán.         
[21] Theo báo Đàn Bà số Xuân năm 1942 cho rằng đây là trường nữ đầu tiên trong toàn cõi Bắc kỳ và cũng là trường nữ đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương. Có lẽ đây là những trường Cao đẳng tiểu học nữ đầu tiên do chính quyền thuộc địa thành lâp.
[22] Trịnh Văn Thảo, (1995) Nhà trường Pháp ở Đông Dương, tr130
[23] Trịnh Văn Thảo,( 1995)  tr130
[24] Nguyễn Vỹ (2006), Tuấn- Chàng trai nước Việt, NXB Văn học, tr92
[25] Trịnh Văn Thảo, (1995) , tr 130
[26] Tổng hợp từ nhiều nguồn: báo Đàn Bà số Xuân năm 1942, Trịnh Văn Thảo, (1995) Nhà trường Pháp ở Đông Dương
[27] Trịnh Văn Thảo, (1995) , tr 149
[28] Trịnh Văn Thảo, sdd, tr152
[29] Nguyễn Văn Ký, (1995), La societe’ vietnamienne face a` la modernite. le Tonkin de la fin du XIXe sieccle a` la  seconde guerre mondiale, Paris, L Harmattan, ell, Recherches asatiques, tr138
[30] Hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long, http://www.gialong.org/history.html, tr1-2
[31] Đây là hồi ký cá nhân của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (1935-1994), là cháu ngoại của quan Tri phủ Phủ Nho Quan ( Ninh Bình)  Đặng Vũ Trợ.  Ông Nội của bà là Cử nhân Hán học Nguyễn Tất Tái, không ra làm quan mà ở quê hương dạy học và làm nghề thầy thuốc Đông y. Từ năm 1955- 1978, bà Nguyễn Thị Hồng Vấn  làm thư ký đánh máy ở Liên hiệp công đoàn thành phố Hải Phòng, từ 1978-1990 làm thư ký hành chính Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Nguyễn Ái Quốc (thường được gọi là Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc- nay là Học viện hành chính quốc gia)
[32] Trung bắc tân văn  có mục Nhời đàn bà, báo Thần Chung, báo Công luận có mục Lời bạn gái; Khai hoá nhật báo có mục Văn nữ giới và mục Phụ nữ diễn đàn, Đông Pháp thời báo cũng có mục Văn nữ giớiLời đàn bà, Hà thành Ngọ báo có mục Tiếng oanh; Báo Văn minh có mục Phụ nữ diễn đàn...
[33] .David G.Marr, (1981)Vietnamese Tradition on trial, 1920-1945, University of California press.
[34] Sương Nguyệt Anh ( 1864 - 1921) là chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam
[35] Trần Huy Liệu (1901 -1969) là một nhà báo, chủ bút báo Đông Pháp thời báo (1923 - 1929) là một nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đông Đức. Năm 1945 ông là phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam
[36] Phan Bội Châu (1867  1940) tên thật là Phan Văn San, còn gọi là Phan Sào Nam và nhiều tên hiệu khác. Ông là nhà cách mạng nổi tiếng đầu thế kỷ XX, người khởi xướng và tổ chức phong trào Đông Du (1905 1908) đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật du học và thành lập Việt Nam Quang phục hội- một tổ chức yêu nước chủ trương đấu tranh vũ trang chống Pháp giành độc lập cho Việt Nam
[37] Phan Châu Trinh (18721926) là nhà cách mạng đầu thế kỷ XX , lãnh đạo nhiều phong trào vận động dân chủ đầu thế kỷ XX
[38] Bùi Quang Chiêu (1872-1945)một nhà chính trị tranh đấu đòi độc lập cho Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông là chủ tịch Đảng Lập hiến. Làm chủ bút  3 tờ báo: La Tribune Indochinoise, L'Echo Annamite  Đuốc Nhà Nam
[39] Đạm Phương nữ sử (1881-1947) tên thật là Tôn nữ Đồng Canh, bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên viết báo ở Việt Nam, chủ bút từ tạp chí Phụ nữ Tùng san, Hội trưởng Hội nữ công huế, là tổ chức đầu tiên của phụ nữ đầu thế kỷ XX
[40] Phan Thị Nga là nhà báo và nhà vận động nữ quyền đầu thế kỷ XX
[41] Trần Thị Như Mân Tham gia làm tạp chí Phụ nữ tùng san, phó chủ tịch Hội nữ công Huế
[42] Nguyễn thị Minh Khai, đảng viên cộng sản, luôn viết báo vận động phụ nữ theo khuynh hướng nữ quyền Mác xít, chuyên công tác vận động phụ nữ, bị Pháp bắt và kết án tử hình năm 1941
[43] Nguyễn Thị Lựu là một người hoạt động cách mạng, cũng tham gia viết báo vận động phụ nữ.
[44] Phụ nữ tân văn (1929-1935) ở Sài Gòn, Phụ nữ thời đàm( 1930-1934) ở Hà Nội, Phụ nữ tân tiến (1932-1934) ở Huế, Đàn bà mới (1934-1936) ở Sài Gòn, Nữ lưu  (1936-1937)  ở Sài Gòn, Việt nữ (1937) ở Hà Nội, Phụ nữ (1938-1939) ở Hà Nội, Nữ công tạp chí(1936-1938) ở Sài Gòn, Nữ giới ( 1938-1939) ở Sài Gòn, Đàn bà (1939-1945), Bạn Gái (1945), Việt nữ ( 1945) ở Hà Nội.
[45] Trong 18 bài tham gia cuộc thi đánh giá về nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du thì chỉ có 4 bài nói Kiều đáng khen, còn 14 bài đều cho Kiều đáng chê. Những bài khen Thuý Kiều đều đứng trên quan điểm đề cao tự do cá nhân, tự do yêu đương và khát vọng được hạnh phúc của phụ nữ. Còn hầu hết các bài đều phê phán Thuý Kiều dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, quan niệm về trinh tiết... Hoặc những bài viết về người phụ nữ đức hạnh là những bài ca ngợi người phụ nữ đảm đang, tần tảo, kiên trinh thủ tiết thờ chồng, nuôi nấng cha mẹ già và dậy dỗ con nên người... Các báo cũng thường đăng những câu chuyện về người phụ nữ tiết liệt như là một tấm gương cho hậu thế...
[46] Cuộc trưng cầu ý kiến“Vợ tài giỏi hơn chồng, chồng tài giỏi hơn vợ, hai vợ chồng tài trí ngang nhau, gia đình nào hạnh phúc hơn?” [ĐBM- 1935]
[47] Theo điều tra của Nguyễn Văn Vĩnh  trên Đăng cổ tùng báo năm 1907 thì trong số 200 người được hỏi không có ai phản đối nam giới lấy nhiều vợ
[48] Trong số các ý kiến ủng hộ người phụ nữ nên tự giải phóng mình, có ý kiến cho rằng: “ Chỉ có bọn cổ hủ khư khư giữ cái luân lý cũ kĩ mới đem chị ra mà chỉ trích nhục mạ, buộc người ở mãi trong vòng nô lệ của chế độ gia đình chuyên chế là một điều nên bài trừ”…
[49] Bà Nguyễn Đức Nhuận tên thật là Cao thị Khanh, chủ nhiệm báo Phụ nữ tân văn.
[50] Phan Khôi là nhà báo lão luyện thời kỳ thuộc địa.
[51] Nguồn gốc của chiếc áo dài tân thời, theo báo Tân Á là do một người Việt Nam tạo ra  năm 1921, có ảnh hưởng của phong cách thời trang của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Pháp Doenillet. Đến năm 1929 mẫu áo dài này được nhà thiết kế thời trang Chu Hương Mẫu đưa về Hà Nội và được họa sĩ Cát Tường lăng xê gọi là kiểu áo dài Lemur. Đến năm 1933-1934 thì phụ nữ Hà Nội bắt đầu mặc nhiều và dần dần lan ra cả nước. ( Phạm Thu (1997), Phụ nữ Việt nam với ý thức về cái đẹp và lịch sử chiếc áo dài dân tộc” Kỷ yếu Hội nghị khoa học cán bộ nữ  Đại học quốc gia Hà Nội)
[52] .Báo Đàn Bà ngày 9/2/1942 có bài phỏng vấn cô Vũ Thị Hiền có bằng cử nhân luật của Pháp và cô Kim Oanh, kỹ sư Canh nông. Cô Vũ Thị Hiền cho biết: “ Sau khi đỗ xong cử nhân Luật tooi còn muốn theo học nữa[…] tôi cũng còn mong được học mãi mãi..[…]học để cho có tài lực, cho thêm năng lực để hòng giúp ích được đôi chút cho gia đình, cho xã hội”(tr22), cô Kim Oanh cho biết “ tôi rất trọng cái quyền lực và giá trị gia đình. Và tuy rằng tôi làm việc bên ngoài, song tôi vẫn giữ điều tin tưởng rằng muốn gia đình được hung thịnh người đàn bà phải chủ trương lấy gia đình…”(tr23)
[53] Bà Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới,). Bà là người tham gia cả hai sự kiện lớn trong Cách mạng Tháng Tám: cuộc mít tinh 17/8 và ngày tổng khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội. Bà cũng là một trong hai thiếu nữ được vinh dự kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. (Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái). Theo bài trả lời phỏng vấn trên tuần Việt Nam 18.8 2006, “19/8 - cuộc khởi nghĩa của những người tay không” do Doan Trang thực hiện.18/08/2009 06:11
[54] Báo cáo  kết quả giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới và việc triển khai luật bình đẳng giới  năm 2007
[55] Số phụ nữ tham gia lao động sản xuất là 83% so với nam giới là 85%., số phụ  nữ công chức làm công ăn lương là 46%, phụ nữ kinh doanh là 41,12%, nhưng phụ nữ tham gia lao động giản đơn chiếm đến 53,64%
[56] tỷ lệ sinh viên nữ ngày càng tăng trong các năm từ 2004-2007 là 47,79%, 48,49%, 53,32%,
[57]   Tỷ lệ đại biểu nữ trong quốc hội khoa XI (2002-2007) là, 27%, khóa XII (2007-2011)  là 25,76%, khoa XIII (2011-2015) là 24, 4%. Trong các cơ quan quản lý nhà nước, phụ nữ thường giữ chức phó , rất hiếm giữ chức trưởng.

1 nhận xét:

  1. Các tác giả phụ nữ rất ít, các chị trong nước vẫn dè dặt và chưa viết ra được các viễn tượng phụ nữ Việt Nam trong tương lai.Khai phóng và tự do.
    Văn sĩ nước ngoài viết truyện tiếng Việt tôi biết có chị Tâm Phan, ở Thụy sĩ. Tôi về Việt Nam hỏi một cô nhân viên bán sách, cô ta chối không có truyện của Tâm Phan, vì có thể cô nghĩ tôi có ý trêu ghẹo. Buồn cười. Và lấy đưa cho cô sách trên kệ của Tâm Phan.

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...