Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở HÒANG SA VÀ TRƯỜNG SA- TƯ LIỆU VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ *

PGS.TS Trịnh Vương Hồng 


Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông thật sự gần gũi, thân thiết trong tâm thức người Việt. Bởi Hoàng Sa, Trường Sa đã là một bộ phận, là “cương giới trên biển” của Việt Nam suốt từ thời tiền sử đến ngày nay; cũng nhờ các học giả từ xa xưa, nhiều nhà khoa học và giới truyền thông thời hiện đại, bằng nhiều phương cách khác nhau, đã mang/chở sự thật lịch sử của Hoàng Sa, Trường Sa, vượt qua thời gian, rút giảm không gian về “trình diện” cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Một công trình như thế của GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc  vừa được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngay đầu Xuân 2017: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa-Tư liệu sự thật lịch sử([1]
Công trình gồm 478 trang, khổ sách 17x24cm, trình bày trang nhã và được GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giới thiệu.
Trong Lời nói đầu, tác giả cũng “giải trình” rõ về quá trình khai mở đề tài Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1993 mà ông được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phân công phụ trách. Với “Quan niệm tư liệu là chất liệu cơ bản của toàn bộ công trình” (tr.21), tác giả chỉ rõ các nguồn tư liệu được tiếp cận: tư liệu chữ Hán cổ Việt Nam (trong đó gồm tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam); tư liệu khảo sát thực địa; tư liệu Trung Quốc; thư tịch phương Tây (chủ yếu của Công ty Đông ấn Anh, Hà Lan, Pháp, của người Bồ Đào Nha, Hội truyền giáo Pháp…).
Tác giả cũng thu thập được thông tin từ các kho sách ở Nga, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Bỉ, Hà Lan, Anh, Đức, úc, Hoa Kỳ, Inđônêxia v.v..
Ở trong nước, đó là các nguồn từ các kho lưu trữ Trung ương như ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân và các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, các thư viện ở Trung ương và các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên trách, bộ sưu tập của cá nhân, các nhà khoa học v.v..
Tư liệu tham khảo, liệt kê được 245 đầu mục, gồm tiếng Việt và ngoại văn. Phần Phụ lục in 4 văn bản tiêu biểu, được chọn lọc kỹ lưỡng, ví như nội dung trích từ Báo cáo tổng hợp đề tài Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong Chương trình Biển Đông-Hải đảo giai đoạn 1993-1995 (BĐ-HĐ.01-01), kết tinh thành tựu nghiên cứu đề tài BĐ-HĐ.01-01; hoặc Bộ Atlas Universel của Philipe Vandermaelen-Giá trị toàn cầu, tài sản quốc gia Việt Nam[2]).
Công trình được chia làm 5 chương, chúng tôi xin giới thiệu khái quát, theo bố cục của công trình.
Chương I: Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông và Chương II: Biển Đông trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho đến thế kỷ XVI. Hai chương này trình bày những tiền đề, cơ sở tự nhiên, lịch sử, xã hội và văn hóa cho toàn bộ quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Chương I, ở nội dung Biển Đông-một cái nhìn tổng quan, tác giả phân tích cụ thể về các lĩnh vực địa-tự nhiên, địa-kinh tế, địa-chính trị và địa-quân sự… của vùng biển này. Tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, công trình nêu rõ Biển Đông là một trong năm “bồn trũng” chứa dầu khí lớn nhất thế giới, trữ lượng băng cháy ở đây lớn tương đương với trữ lượng dầu khí, là cầu nối ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nối châu Âu và Trung Đông với châu á, nơi đây có 5 tuyến hàng hải cấp khu vực và nhiều tuyến hàng hải cấp quốc gia. Công trình cũng phác họa Mấy nét về biển Việt Nam (tr.34) và giới thiệu vài lĩnh vực, đặc điểm của Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông
(tr.43). Theo số liệu về địa lý tự nhiên, cứ 100km2 lãnh thổ đất liền, Việt Nam có 1km bờ biển và không một nơi nào trên lục địa của đất liền Việt Nam lại cách bờ biển xa hơn 500km. Như thế, bất cứ một địa điểm nào trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam cũng đều chịu tác động của “yếu tố biển” và cũng có thể phát huy lợi thế của “yếu tố biển”. Bởi lẽ đó, Biển Đông có giá trị chiến lược chính trị-quốc phòng-an ninh-kinh tế vô cùng quan trọng.
Cụ thể, theo Điều 121, Khoản 3, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nếu một bãi san hô, đảo đá ngoài khơi xa lục địa này không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng, thì ít nhất cũng mang lại cho quốc gia sở hữu 1.543km2 lãnh hải. Có nghĩa là, với bất kỳ một đảo [đá] nào cũng mang lại cho vùng biển xung quanh giá trị gấp nhiều lần so với giá trị của bản thân đảo [hay đá] đó. Hơn nữa, các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi, nửa chìm của Hoàng Sa, Trường Sa lại nằm giữa Biển Đông và rải rác trên một vùng biển rộng lớn, giá trị tổng hợp của hai quần đảo càng được nhân lên. Về quân sự-quốc phòng, Trường Sa và Hoàng Sa có giá trị như “một tàu sân bay không chìm”, là căn cứ để đóng quân, tiếp dầu, sửa chữa; để luyện tập; thử nghiệm vũ khí, khí tài và tác chiến. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là phòng tuyến bảo vệ đất nước từ xa, là tiền tiêu canh giữ và khởi động phản công/tiến công; kiểm soát bảo vệ các tuyến giao thông hàng hải và hàng không trong khu vực… Hẳn rằng, loại thông tin như trên cũng như một thông điệp giải thích tại sao Biển Đông những thập kỷ gần đây luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, do có những thế lực nhòm ngó, gây ra tranh chấp.
Công trình cũng điểm lại nhiều loại cứ liệu, từ truyền thuyết (theo Vũ Quỳnh, Kiều Phú với Lĩnh Nam chính quái), kể chuyện Lạc Long Quân hóa phép diệt trừ Ngư tinh ngoài Biển Đông (Đông Hải), khai thông đường biển. Kế đến là cứ liệu về khảo cổ học với không gian văn hóa Sa Huỳnh-Nhà nước Lâm ấp, Champa; không gian văn hóa óc Eo-Vương quốc Phù Nam và Đế quốc Phù Nam. Căn cứ vào kết quả của các cuộc khai quật khảo cổ học, với sự khảo cứu của các nhà khảo cổ học và sử học Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, Trịnh Sinh, Lâm Thị Mỹ Dung… cùng nhiều học giả quốc tế, tác giả khẳng định: “Hoàn toàn có cơ sở để có thể khẳng định trên các đảo thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có người từ thời tiền sử cho đến người Việt Nam trong nhiều thế kỷ liên tục cho đến ngày nay qua lại, làm ăn và cư trú” (tr.89).
Kế theo đó, nội dung Biển Đông và con đường Nam tiến của quốc gia Đại Việt thế kỷ XI-XVI, điểm lại diễn trình khai mở, khai chiếm, khai thác, từng bước làm chủ biển đảo/Biển Đông của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, óc Eo, Phù Nam.
Vậy là, lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của ba vương quốc cổ đại đầu tiên là nước Văn Lang-Âu Lạc ở miền Bắc, nước Lâm ấp-Champa ở miền Trung và nước Phù Nam ở miền Nam. Lịch sử Việt Nam được tích hợp ít nhất từ ba dòng như thế. Các vương quốc nói trên cùng có chung một dải Biển Đông, đều có nguồn gốc biển của mình và trong thực tế, biển đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, là nhân tố quyết định cả sự hình thành, hưng thịnh hoặc/và sự suy tàn của mỗi vương quốc. Nguyễn Bỉnh Khiêm, bậc hiền triết, một đại diện kiệt xuất của trí tuệ Việt Nam thế kỷ XVI, thấu hiểu nguồn năng lượng dồi dào từ Biển Đông mang lại và cái căn cốt sức sống đất nước, cần phải cậy nhờ ở biển cả, nên đã nêu thành minh triết, thành nguyên tắc sinh tồn Việt Nam:
“Biển Đông vạn dặm giang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình” (tr.122).
Chương IIIChương IV, tác giả nêu bật một sự thực lịch sử là: từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình và không hề gặp sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ quốc gia nào. Đây là hình thức thiết lập chủ quyền của nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, hoàn toàn không có liên quan gì đến chủ quyền của quốc gia khác, nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Chương III: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn thế kỷ XVII-XVIII.
Nhiều nhà hàng hải phương Tây đương thời ghi lại thực tế từ thế kỷ XVI, cư dân duyên hải miền Trung Việt Nam (tức cư dân Chăm, có cư dân Việt và có cư dân hòa huyết Chăm-Việt), từ Thuận Hóa-vốn là đất cũ của Vương quốc Champa, vươn ra biển và Nam tiến tìm sinh kế mới. Nhiều bản đồ hàng hải phương Tây đánh dấu nhóm bãi cạn ở phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa (được gọi chung là Pracel hay Paracels), trong đó phải kể đến tấm bản đồ hoàn chỉnh, chính xác nhất đương thời của nhà địa lý học Hà Lan G. Mercator, vẽ năm 1569, xuất bản khoảng những năm 1585-1595. Vùng biển đảo duyên hải kể trên đến đầu thế kỷ XV đã từng bước được tích hợp vào lãnh thổ nước Đại Việt.
Năm 1620, Nguyễn Phúc Nguyên trả lại sắc của chúa Trịnh, cắt đứt hẳn mọi quan hệ lệ thuộc với chính quyền Lê-Trịnh, khẳng định dứt khoát quyền độc lập thật sự của chính quyền chúa Nguyễn ở phương Nam. Theo đó, Nguyễn Phúc Nguyên-vị chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng An Nam Quốc vương đã xử lý quan hệ quốc tế trong tư thế một quốc gia độc lập, có chủ quyền, như GS Kawamoto Kuniye nhận xét, điều này đã “biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn trước thời đại mới” (tr.137). Dù vẫn cần thời gian để khảo cứu tư liệu dị bản, vẫn có thể thấy rõ chúa Tiên (Nguyễn Hoàng Thái Tổ) khi vào Nam dựng nghiệp phải xử lý nhu cầu chiếm lĩnh các quần đảo ở giữa Biển Đông và ông đã chuẩn bị những bước đi đầu tiên cho việc chiếm lĩnh các quần đảo giữa Biển Đông. Nhưng, cũng theo tư liệu, đến cuối thập niên 20 và đầu thập niên 30 của thế kỷ XVII, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chính là người lập ra Đội Hoàng Sa-một hình thức khai chiếm-xác lập và thực thi chủ quyền hết sức độc đáo trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông. Đây cũng là dấu mốc lịch sử và pháp lý về chủ quyền Nhà nước của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chương IV: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ nhà Nguyễn thế kỷ XIX.
Công trình điểm lại các hoạt động thể hiện việc tiếp tục sự nghiệp khai chiếm-xác lập và thực thi chủ quyền của các triều vua Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Vu Hướng Đông, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về biển đảo Việt Nam cho biết: “Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thế lực cát cứ các chúa Nguyễn… Vua Gia Long nhờ vào biển để phát triển thế lực của mình…” (tr.191). Giáo sư Vu Hướng Đông dành nhiều dòng nói về những công tích lẫy lừng trên biển của vua Gia Long; nhưng điều quan trọng mà ông chưa nói tới, đó là hoạt động xác lập tuyệt đối và thực thi đầy đủ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của vua Gia Long với tư cách là người sáng lập và đứng đầu vương triều Nguyễn. Theo đó, hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tích hợp với đội thủy quân, dần dần được điều chỉnh nâng cấp thành một đội thủy quân thống nhất, từ dân binh Quảng Ngãi, Bình Thuận thành lực lượng quân đội chính quy của Nhà nước đặc trách công việc bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo giám mục người Pháp Jean Louis Taberd, người từng nhiều năm truyền giáo ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, năm 1816 nhà vua [Gia Long] đã long trọng cắm lá cờ của mình và chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này [Pracel và xung quanh], mà chắc chắn là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành (tr.200). Năm 1850, cũng miêu tả sự kiện trên, M. A Dubois de Jancigni, phái viên của Chính phủ Pháp tại Trung Quốc và Đông Dương đã viết, nhà vua Gia Long đã chủ tâm “đính thêm đóa hoa độc nhất vô nhị đó” (tức Paracels-Cát Vàng) vào chiếc vương miện của ông… chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó (tr.204). Tiếp theo Gia Long, Minh Mệnh đặt ra nguyên tắc vẽ bản đồ chính thức của vương triều phải bao bọc được cả Biển Nam (Hoàng Sa, Trường Sa), Biển Tây (vịnh Thái Lan) và dứt khoát phải mang tên Đại Nam. Như thế, đến đây người Việt Nam vừa xác lập, khẳng định và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, vừa thể hiện nó rõ ràng, minh bạch trên bản đồ quốc gia chính thức và thống nhất.
Trong suốt gần 150 năm vương triều Nguyễn (1802-1945), ngay cả đến thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi đất nước không còn độc lập, không có bất cứ một vị vua nào nhân danh đất nước hoặc nhân danh vương triều tuyên bố từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Giữa lúc đó, cả Pháp và Trung Quốc đều chưa quan tâm [hay chưa có điều kiện quan tâm] đến vùng biển đảo “hoang vu và cằn cỗi nhất địa cầu” này, thì thế kỷ XIX lại là thế kỷ huy hoàng của lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa một cách thật sự, trọn vẹn trong hòa bình và hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.
Chương V: Tranh chấp, tranh biện về chủ quyền và thực trạng chiếm đóng ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1909 đến nay.
Đặt trong lôgíc của công trình này, sách giới thiệu một cách khái lược và làm nổi bật một chân lý lịch sử là mặc dù trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp, ngay cả khi đất nước đã bị mất quyền độc lập, nhưng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt Nam nêu cao và gìn giữ bằng mọi giá.
Ngay ở đầu chương này, tác giả luận giải về quá trình tranh chấp, tranh biện về chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ năm 1909 đến năm 1939. Tác giả vạch rõ, mặc dù Sách trắng của Trung Quốc khẳng định từ thời Hán Vũ Đế (140 Tr.CN-88 Tr.CN), Trung Quốc đã phát hiện ra hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), nhưng hoàn toàn không có bất kỳ tư liệu nào chứng minh cho luận điểm hoang tưởng này. Bản đồ Trung Quốc cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XX vẫn chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam với những lời giải thích tuyệt đối chính xác rằng “điểm tận cùng của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu trên quần đảo Quỳnh Châu tức 18o13’ Vĩ độ Bắc” (tr.261). Và, không chỉ bản đồ Trung Quốc mà bản đồ phương Tây cũng vẽ và giải thích về phạm vi lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc hoàn toàn đúng như vậy. Ví như, tại Thư viện Menzies (Đại học Quốc gia úc), lưu giữ tấm bản đồ Trung Quốc của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông ấn Hà Lan thế kỷ XVII trong một bộ sách đồ sộ, khi mô tả địa lý Trung Quốc, cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam với lời giải thích rất cụ thể và chính xác là “nơi xa nhất của Trung Quốc (tính theo chiều ngang)” (tr.264). Thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả thập niên đầu của thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua đảo Hải Nam.
Lần theo lịch sử chiếm hữu các quần đảo giữa Biển Đông, tác giả cho biết “Mãi cho đến năm 1919, Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông nước Trung Hoa Dân quốc cho biên soạn và xuất bản bộ bản đồ Trung Quốc các thời đại trong lịch sử, mặc nhiên các thời đại trước từ Tần, Hán cho đến Đường, Tống, Nguyên, Minh… không có tấm bản đồ nào có đánh dấu khu vực Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt, tấm bản đồ Thanh đại đồ cũng chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đến cực Nam của đảo Hải Nam” (tr.269-270).
Đến cuối những năm 1930, Trung Quốc bắt đầu đề cập đến các tên Đoàn Sa, Nam Sa, nhưng thực tế họ chưa có một biểu hiện cụ thể nào có thể được coi là hành động chiếm hữu dù chỉ là bộ phận rất nhỏ thuộc các quần đảo này. GS Monique Chemillier-Gendreau xác nhận, từ những hành vi trong năm 1909, dù có bổ sung thêm vài đặc nhượng, đánh dấu một sự quan tâm nhất định nhưng không đủ cấu thành một sự chiếm hữu lâu dài, thật sự, hòa bình và liên tục (tr.273).
Vẫn lần theo lịch sử, công trình tóm lược những hoạt động của Pháp. Từ thái độ “nhắm mắt làm ngơ” cho đến quyết tâm của Pháp giành và giữ chủ quyền của các quần đảo giữa Biển Đông trên cơ sở chủ quyền thật sự và lâu đời của Vương quốc An Nam.
Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đơn vị đồn trú của Trung Hoa Dân quốc phải rời khỏi đảo Phú Lâm, nhưng không có lực lượng quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thay thế. Từ đó, đến năm 1954, chỉ còn quân đội Pháp là lực lượng duy nhất đại diện cho quân đội Liên hiệp Pháp độc chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao lại cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Tại diễn đàn Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu, với tư cách thành viên chính thức của Hội nghị, đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hai quần đảo này luôn luôn là một phần của Việt Nam” (tr.301).
Chủ quyền của Việt Nam và thực trạng chiếm đóng của các bên tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa từ 1956 đến nay, là nội dung độc giả có nhiều điều kiện tiếp cận từ các ấn phẩm và phương tiện truyền thông.
Trong thời kỳ chính thể Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam từ 1956 đến 1975, cả về ngoại giao và quân sự, Chính phủ VNCH luôn thể hiện quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 13-7-1971, tại Hội nghị ASPECT Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm tuyên bố khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (tr.307). Ngày 11-1-1974, do bị Trung Quốc chủ động tiến công trước trong bối cảnh Hải quân VNCH đang gặp quá nhiều khó khăn, nên bị thất thủ. Trong khi chiến sự đang diễn ra, ngày 19-1-1974, Bộ Ngoại giao VNCH ra tuyên cáo: “Với tư cách một nước nhỏ bị cường quốc vô cớ tấn công, VNCH kêu gọi toàn thể các dân tộc trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó” (tr.308).
Ngày 20-1-1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (tr.308).
Trong thời kỳ đất nước Việt Nam thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế từ năm 1975 đến nay. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, trong đó có quần đảo Trường Sa.
Ngày 24-9-1975, trong chuyến thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam dẫn đầu, khi thảo luận về vấn đề bất đồng quan điểm giữa hai nước ở Hoàng Sa, Trường Sa, Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Vấn đề tất nhiên sẽ được đưa ra thảo luận trong tương lai” (tr.312). Ngày 1-1-1986, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang đã ra tận Hoàng Sa khảo sát, chuẩn bị cho chủ trương phiêu lưu mới của Trung Quốc (tr.314-315). Từ đây, mật độ các cuộc xâm nhập vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, chiếm giữ trái phép các bãi đá (Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi…) và cản trở Việt Nam hoạt động bảo vệ và sinh sống trong khu vực chủ quyền của Việt Nam liên tục diễn ra, đặc biệt nghiêm trọng như vụ Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ vệ tên lửa đến Gạc Ma ngăn cản bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ và cho lính xông lên chiếm Gạc Ma (3-1988); hoặc vào đầu tháng 5-2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HD981) nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (tr.321)…
Bất chấp những thương lượng và phản đối của Việt Nam cùng áp lực từ quốc tế, tính đến tháng 7-2015 [thời điểm công trình này tổng kết], Trung Quốc đã hủy hoại hàng trăm km2 bề mặt của các thềm rạn san hô, biến các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, diện tích nhô lên khỏi mặt biển lúc thủy triều lên cao thành các đảo nhân tạo, ước tính khoảng trên 128.000.000m2 trên bề mặt của các đảo nhân tạo này có thể dễ dàng nhận ra các đường băng sân bay, bến cảng, hải đăng, trạm rađa, căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự hiện đại. Và, tình hình tranh chấp, căng thẳng ở Biển Đông chỉ được giải quyết khi, cùng với các nước liên quan, cùng cộng đồng quốc tế và nhân loại tiến bộ, bằng nỗ lực phi thường, trên nguyên tắc tôn trọng triệt để, thực sự, và thực hiện nghiêm chỉnh Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; đặc biệt hơn cả phải là sự “tỉnh mộng” và hành xử tuân thủ luật pháp quốc tế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tr.325).
Gấp lại cuốn sách, xin mượn Lời giới thiệu của GS, NGND Phan Huy Lê để khép lại cảm nhận và ấn tượng của một người được đọc trước công trình này: “Cuốn sách đã cung cấp những chứng cứ khoa học vững chắc, trong đó có những chứng cứ lịch sử và những chứng cứ lịch sử-pháp lý, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Cuốn sách cũng trình bày những tranh chấp, tranh biện về chủ quyền hai quần đảo do Trung Quốc dấy lên từ năm 1909 cùng những hành động xâm lược và mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ năm 1946 đến nay. Đây là một công trình nghiên cứu rất công phu và có hệ thống. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo giữa Biển Đông, cung cấp các chứng cứ khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam” (tr.17)


 * Có thể xem thêm giới thiệu của GS Phan Huy Lê tại đây:
http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N20275/Sach-moi:-Chu-quyen-cua-Viet-Nam-o-Hoang-Sa,-Truong-Sa-%E2%80%93-Tu-lieu-va-su-that-lich-su.htm


[1] Nguyễn Quang Ngọc (2017) Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa- Tư liệu và sự thật lịch sử, NXB Đại học quốc gia Hà Nội

[2] Phát biểu của GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc tại Lễ bàn giao Bộ Atlas Universel giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...