Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Tọa đàm khoa học quốc tế "Văn hóa quản lý làng xã Hà Tĩnh"


Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với tr­ường Đại học Nanzan Nhật Bản, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế về "Văn hóa quản lý làng xã Hà Tĩnh".

Tới dự và tham luận tại buổi tọa đàm có Tiến sỹ Kato Atsufumi, chuyên gia nghiên cứu Đại học Nanzan Nhật Bản; PGS.TS Miyazawa Chihiro, đại diện đại học Nanzan Nhật Bản; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng viện Việt Nam học và KHPT, Phó Chủ tịch Hội KHLS VN; GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lí luận trung ương, Uỷ viên Hội đồng khoa học, Viện Việt nam học Viện VNH & KHPT cùng một số GS, TS và nhà nghiên cứu văn hóa trong, ngoài nước.
Quang cảnh buổi toạ đàm Khoa học quốc tế-Văn hoá quản lý làng xã Hà Tĩnh (Ảnh: Anh Hoài)
Trong lời khai mạc buổi toạ đàm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nêu rõ: Quản lý nông thôn, quản lý làng xã nói riêng và đổi mới quản lý xã hội nói chung cũng là một trong những vấn đề khoa học trọng tâm hiện nay mà Viện VNH & KHPT được giao nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng thực tiễn công cuộc cải cách hành chính, phát triển đất nước trong tình hình kinh tế hiện nay. Cùng với các chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu về Hệ thống chính trị, Văn hóa chính trị, nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhà nước đặc thù cho nông thôn, đô thị…, Viện cũng đồng thời triển khai nhiều đề tài hoạt động thực tiễn tại các địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Tĩnh.
Tiến sỹ Kato Atsufumi, chuyên gia nghiên cứu Đại học Nanzan Nhật Bản trình bày đề dẫn tham luận (Ảnh: Duy Thảo)
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham luận một số vấn đề như: “Cải cách hành chính - Lý luận và thực tiễn” (GS.TS Hoàng Chí Bảo), “Sơ lược lịch sử quản lý làng xã Việt Nam” (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc), “Tiềm năng của cán bộ cơ sở nông thôn Việt Nam: Nhìn từ tiểu sử các cán bộ lãnh đạo xã Thạch Châu” (TS.Kato Atsufumi), “Những đóng góp của tổ chức phát triển quốc tế vào chương trình cải cách hành chính công tại chính quyền cấp xã ở VN” (TS. Thaveeporn Vasavakul), “ Truyền thống quản lý làng xã ở Hà Tĩnh - một số đặc điểm riêng” (Thái Kim Đỉnh), “Một số suy nghĩ bước đầu về mối quan hệ giữa dòng họ với làng xã ở Hà Tĩnh” (Võ Hồng Hải), “Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích và chỉ đạo tổ chức lễ hội truyền thống là một trong những biện pháp quản lý làng xã ở Hà Tĩnh” (Nguyễn Trí Sơn), “Công tác quản lý văn hóa Thạch Châu và văn hóa quản lý làng xã Thạch Châu” (lãnh đạo xã Thạch Châu)…
GS.TS Hoàng Chí Bảo  trình bày tham luận kinh nghiệm làng xã Việt Nam nhìn từ mối quan hệ làng nước (Ảnh: Duy Thảo)
Các bản tham luận đã làm nổi bật 3 vấn đề chính là cải cách hành chính, lịch sử và văn hóa, nghiên cứu trường hợp cụ thể ở Hà Tĩnh, từ đó tạo cơ sở để so sánh nền văn hóa cơ sở ở miền Trung với miền Bắc và miền Nam. Từ nội dung cụ thể của các bản tham luận, nổi bật đặc trưng văn hóa làng xã miền Bắc với tính tự quản cộng đồng mạnh còn văn hoá làng xã miền Nam thì đặc trưng cá nhân và gia đình mạnh hơn.
Tiến sĩ Kato Atsufumi của Đại học Nanzan cho rằng quản lý làng xã là một chủ đề quan trọng đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá và khoa học chính trị Việt Nam cũng như đối với các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế quan tâm đến cải cách hành chính ở Việt Nam. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Hội đồng lý luận trung ương tham luận với tiêu đề: "Cải cách hành chính ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế - lý luận và thực tiễn". Theo Giáo sư, Tiến sĩ thì toàn bộ hoạt động cải cách hành chính phải hướng tới dân, vì dân nên phải chú trọng tới địa bàn cơ sở, nhất là ở nông thôn theo phương châm Hồ Chí Minh "làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, bồi dưỡng dân, phát triển dân, vì dân". Về kinh nghiệm quản lý làng xã của Việt Nam nhìn từ mối quan hệ Làng-Nước, Gs. Ts Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển cho rằng: quản lý hành chính là quản lý bằng pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên trong điều kiện xã hội Việt Nam truyền thống khi luật pháp chưa hoàn chỉnh, không bao quát được hết đời sống xã hội nông thôn và bản thân người nông dân chưa thực sự hiểu biết và quan tâm đến pháp luật thì quản lý hành chính tuyệt đối tránh cực đoan, máy móc, cần các biện pháp linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả. Làng xã Việt Nam có những đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình lịch sử đất nước. Trong công cuộc công nghiệp hoá, xây dựng nông thôn mới ngày nay, chúng ta không thể không quan tâm tới công tác tổ chức làng xã. 

Ts Thaveeporn Vasavakul, Cơ quan phát triển quốc tế tại Việt Nam cho rằng thời gian qua các tổ chức phát triển quốc tế đã có đóng góp lớn vào chương trình cải cách hành chính công tại Việt Nam nhưng còn hạn chế vì chưa quan tâm triển khai một chương trình toàn diện nhằm vào chính quyền cấp xã. Thạc sĩ Nguyễn Trí Sơn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho rằng bảo tồn và phát huy các di tích và chỉ đạo tổ chức lễ hội truyền thống là một trong những biện pháp quản lý làng xã có hiệu quả. Xây dựng làng văn hoá góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn./.( Nguồn:
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.cpv.org.vn/Quan-ly-lang-xa-can-duoc-coi-la-mot-noi-dung-cua-cai-cach-hanh-chinh-cong-tai-Viet-Nam/5880271.epi
Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh  trình bày tham luận về mối quan hệ giữa dòng họ với làng xã ở Hà Tĩnh (Ảnh Duy Thảo)
Cũng qua hội thảo, những nghiên cứu về đặc điểm riêng của quản lý làng xã vùng Hà Tĩnh đã làm phong phú và lý giải thêm về lý luận cũng như thực tiễn trong việc quản lý làng xã Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng. Trong đó, nổi bật lên các vấn đề về lịch sử hình thành, phương thức quản lý làng xã, quan hệ giữa cá nhân và gia đình đối với cộng đồng, đoàn thể và nhà nước, kinh tế thị trường…
Qua một ngày làm việc với hơn 10 bản tham luận công phu, cuộc toạ đàm đã tạo ra một không gian trao đổi thân tình, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các nhà nghiên cứu nhằm thiết thực phục vụ cho việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, hướng tới mục tiêu xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Anh Hoài - Duy Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...