Đặng Thị Vân Chi
(Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 1 năm 2008 từ tr 34 đến tr 43)
Vấn đề mãi dâm là một vấn đề được đề cập khá nhiều trên báo chí trong thời kì từ năm 1930. Có thể nói đây là vấn đề xã hội liên quan tới nhiều khía cạnh của cuộc sống phụ nữ: vấn đề nhân phẩm, vấn đề việc làm, vấn đề đạo đức, vấn đề sức khoẻ... Theo sự khảo sát của chúng tôi, vấn đề mãi dâm được báo chí đề cập đến lần đầu tiên là trên báo Phụ nữ tân văn ngày 12.12.1929. Lúc này, báo chí mới đề cập một cách dè dặt “Có nên trừ bỏ cái nghề mãi dâm không” xuất phát từ nhận thức đây là một cái nghề có thể mang lại bệnh tật, dẫn đến chết yểu và nhục nhã. Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà chứa và các cô gái sống bằng nghề mãi dâm trong những năm sau này đã khiến dư luận xã hội ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này.
Vấn đề mãi dâm là một vấn đề được đề cập khá nhiều trên báo chí trong thời kì từ năm 1930. Có thể nói đây là vấn đề xã hội liên quan tới nhiều khía cạnh của cuộc sống phụ nữ: vấn đề nhân phẩm, vấn đề việc làm, vấn đề đạo đức, vấn đề sức khoẻ... Theo sự khảo sát của chúng tôi, vấn đề mãi dâm được báo chí đề cập đến lần đầu tiên là trên báo Phụ nữ tân văn ngày 12.12.1929. Lúc này, báo chí mới đề cập một cách dè dặt “Có nên trừ bỏ cái nghề mãi dâm không” xuất phát từ nhận thức đây là một cái nghề có thể mang lại bệnh tật, dẫn đến chết yểu và nhục nhã. Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà chứa và các cô gái sống bằng nghề mãi dâm trong những năm sau này đã khiến dư luận xã hội ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề này.
Trong những năm 1930 báo chí bắt đầu có những bài viết nghiêm túc trình bày thực trạng đời sống của những người phụ nữ phải bán thân nuôi miệng, tìm hiểu nguyên nhân của nạn mãi dâm và cố gắng đề xuất các biện pháp giải quyết.
1. Tình trạng mãi dâm trong xã hội và thân phận của những người phụ nữ làm nghề mãi dâm.
Vào những năm 1930, vấn đề mãi dâm ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Các báo đã mô tả tình trạng “lúc nhúc xóm bình khang, đầy rẫy phường bán phấn” trong các đô thị Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. “Nếu đi qua các ngõ Sầm Công ở Hà Nội, phố Hạ lý Hải Phòng, phố Bến Củi Nam Định... ta sẽ thấy một cảnh tượng đau lòng, một sự mãi dâm đê tiện hơn hết trong sự mãi dâm, vì tôi chắc không có nước nào mà nghề mãi dâm lại đê tiện quá hơn nghề mãi dâm ở nước ta: Họ ra tận đường phố lôi kéo khách hàng, họ nói những câu, hát những giọng khiêu dâm tục tằn...” [CL-7.3.1932].
Dưới chế độ thuộc địa, chính quyền thực dân duy trì chế độ mãi dâm để thu thuế. Vì vậy trong xã hội nảy sinh hai loại gái mại dâm. Một loại có giấy phép hành nghề và phải nộp thuế cho chính quyền thuộc địa, một loại hành nghề tự do mà báo chí thường gọi là loại “gái không có giấy”, “gái đi ăn mảnh”, “gái lậu” (Lậu thuế). Hầu hết gái mãi dâm ở Việt Nam thuộc loại không có giấy phép và tự kiếm khách. Giải thích vấn đề này, một số tác giả cho rằng do quan niệm đạo đức truyền thống mà cả người mua dâm lẫn người bán dâm thường không muốn lộ mặt, công khai. Đối với người mua dâm, về tâm lý họ cảm thấy xấu hổ khi vào các nhà chứa hợp pháp.
Ở Sài Gòn có khoảng 400 gái mãi dâm "đóng thuế" thì có tới hàng ngàn gái mãi dâm "lậu thuế". Khách hàng của những “gái lậu” này là những người nghèo nên nơi "hành nghề" thường là những “xó tối, ngõ hẻm”, “vườn rậm đồng không” chẳng có vật gì che đỡ với “thứ gió sương lạnh buốt”, đầy uế khí và rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, tình trạng mắc bệnh hoa liễu trong gái mãi dâm rất cao. Theo điều tra của “Uỷ ban xét các vấn đề mại dâm” thì năm 1933 ở Sài Gòn, một bệnh viện chuyên chữa trị các bệnh hoa liễu đã phải chữa trị cho hơn 20.000 người [ĐBM-16.2.1935]. Một bệnh viện chuyên chữa bệnh lậu “một ngày không dưới 30 đàn ông đến chữa bệnh, đàn bà là 150 người” (chỉ là chữa bệnh lậu, chưa kể các bệnh khác). Ở bệnh viện Bạch Mai thì cứ 100 người làm nghề mãi dâm, thì có đến 70 người mắc bệnh [PNTV-16.6.1933]. Còn ở Hà Nội cũng có khoảng 5000 gái mãi dâm mà trong đó tới 99% mắc bệnh hoa liễu [VB-3.3. 1937]. Tình trạng này còn biểu hiện ở chỗ trên các báo nhan nhản những quảng cáo thuốc chữa bệnh lậu. Và mãi dâm là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Tình cảnh của những người làm nghề mãi dâm hết sức đau lòng. Có người vì nhà nghèo phải đi ở từ nhỏ, lớn lên bị chủ ép phải bán mình; có người phải bán thân vì giao kèo vay nợ... Với những cô gái phải sống trong các nhà chứa thì tất cả đều phải “sống dưới quyền mụ chủ một cách đê nhục, mất hết tự do, có khi bị đánh đập, chửi mắng là thường’’[ĐP- 20.12.1936]. Các báo cũng viết về “Một hạng phụ nữ phải làm hai nghề” do đồng lương quá thấp không đủ sống. Đó là những người phụ nữ làm ở các nhà hàng giải khát, ăn uống, [ĐBM-20.5.1935].
Nhiều tờ báo đã thực hiện các bài phóng sự “Điều tra cái nạn mãi dâm” [ ĐBM-8.6.1936], “Vấn đề đĩ điếm ở xã hội ta” [PNTV-7.1.1932] “Bề trái Sài Gòn-Lạc bước vào xóm Bình Khang” [CL-17-19.8.1932], Gái truỵ lạc [VB-3.7. 1937]... Qua các bài báo trên, cuộc đời của các cô gái phải làm nghề mãi dâm vô cùng nhục nhã. Hầu hết những cô gái hành nghề "lậu" không có giấy phép không dám đòi giá. Khách trả bao nhiêu biết vậy, nhiều khi bị quỵt tiền. Cô nào dám đòi hỏi thì không bị khách đánh đập dã man cũng bị “mắng chưởi tơi bời”... Những người phụ nữ làm nghề mãi dâm không những bị hành hạ về thể xác, mà họ còn phải chịu nỗi khổ tâm về tinh thần. Bởi vì họ bị coi là nguyên nhân mọi tội lỗi của xã hội: từ việc các gia đình không hạnh phúc, các ông chồng bỏ bê vợ con... đến thanh niên quen sống dựa dẫm, không có lý tưởng nên sa vào vòng truỵ lạc... Các báo cho rằng xã hội đã “buộc muôn nghìn tội lỗi vào đám phụ nữ giang hồ, họ nguyền rủa rồi tìm ra bao lời xảo trá để bào chữa cho công việc xấu xa” mà họ đã làm.
Trong những năm cuối thập niên 1930 và đầu những năm 1940 của thế kỷ XX, tại các đô thị một biến tướng khác của hình thức mãi dâm là “hát cô đầu” mà báo chí cho là đã trở thành “một cái ung nhọt” của xã hội. Báo Trung Bắc chủ nhật năm 1942 dành cả hai số chuyên san khảo cứu về lịch sử “hát ả đào”, hiện trạng của các nhà hát cô đầu, thực trạng đời sống của các cô đầu trong các thành phố lớn và hậu quả của nó đối với xã hội, đặc biệt là “Nạn hoa liễu do các nhà cô đầu gây ra” [TBCN-27.9.1942]. Các bài báo trên TBCN cho biết ở vùng ngoại ô Hà Nội năm 1938 có tới 216 nhà hát cô đầu và gần 2000 cô đầu. Theo ước đoán của các tác giả thì cho đến năm 1942 “số đó tăng gấp 20-30” thậm chí có thể lên tới “ 60 -70 lần”. Bài báo cũng giới thiệu công trình nghiên cứu của Henri Virgitti và bác sĩ B. Joyeux về tình trạng nhiễm bệnh hoa liễu ở Hà Nội. Hai tác giả này cho biết ít nhất ở Hà Nội vào những năm 1938 có khoảng 250 nhà hát cô đầu với khoảng 1100 người và số phụ nữ sống bằng nghề mãi dâm có từ 1500 tới 2000 người. Hầu hết trong số họ mắc bệnh hoa liễu mà chính phủ thực dân không thể kiểm soát được bệnh tật và sự lây lan của nó. Còn ở Vinh, một thị xã nhỏ cũng có tới 8 nhà hát cô đầu với khoảng hơn 300 cô đầu. Các cô đầu ở Vinh tiếp khách cả ngày, cả đêm mà hầu như không hề được kiểm tra, khám xét về tình trạng bệnh tật. Nhiều “nhà hát” bắt cả trẻ em vị thành niên (14, 15”) tiếp khách. Và hầu hết số cô đầu này đều mắc bệnh hoa liễu [TBCN-27.9.1942]. Dưới tiêu đề “Nói có sách, mách có chứng” báo Trung Bắc chủ nhật số chuyên san đã trích đăng một loạt các ý kiến của các tờ báo khác về thực trạng đời sống của các cô đầu, tình trạng tha hoá của các cô đầu về đạo đức như lừa lọc, ăn trộm, ăn cắp, gây gổ đánh chửi nhau... Nguyễn Doãn Vượng đã nhận xét về tác hại của việc đi hát cô đầu là “hầu hết những kẻ đi hát bây giờ đều là thanh niên... do đó sự kém sút về sức khoẻ, sự truỵ lạc về tinh thần, những bệnh hoa liễu cũng từ đó mà về thăm gia đình và vợ con những thanh niên đó; lại còn bao nhiêu kẻ trong cơn mê muội đớn hèn lỗi đạo vì đi hát, ăn trộm, ăn cắp vì mê hát và khuynh gia bại sản vì những cô đầu hát”... [TBCN-27.9.1942].
2.Nguyên nhân của vấn đề mãi dâm.
Năm 1932, trước tình trạng nạn mãi dâm ngày càng phát triển, báo Công luận phê phán: xã hội chỉ có “lắm tiếng khinh rẻ, nhiều lời doạ nạt mà không thấy có một ông hoặc bà trí thức đạo đức nào truy nguyên từ nơi đâu xã hội tư tài lại có hạng người bán máu suốt đêm để đổi chác vật chất che thân, lấy thực phẩm nuôi miệng”. Mặc dù bài báo bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều đoạn nhưng cũng cho thấy quan điểm của tác giả về nguyên nhân của nạn mãi dâm trong xã hội tư hữu tài sản là vì: có hạng người giàu có “tiền sài không hết, đổ ra mua những cuộc hoa nguyệt thâu canh”, nhưng cũng có hạng người thì “thiếu ăn, mặc, làm mướn mệt nhọc suốt ngày mà không đủ nuôi miệng, con ma đói kêu gọi, nạn kinh tế áp bức mới xui nên làm việc nhỡ nhàng nhơ nhớp ấy.” Và “sở dĩ có hạng phụ nữ ra thân làm đĩ” bị “tiếng đời dị nghị chê bai...xã hội mỉa mai, miệt thị, nhà đạo đức luân lý gọi là thứ vô giáo dục, kém đạo đức làm rối loạn lễ giáo phong tục” đó, “không phải tội lỗi nơi họ” mà là “tội ác của xã hội” [CL-7.3.1932].
Năm 1934, các báo Phụ nữ tân văn và báo báo Việt dân đã làm cuộc phỏng vấn điều tra về vấn đề mãi dâm. Hầu hết những phụ nữ làm nghề mãi dâm đều nói rằng họ vì sinh kế khó khăn, vì bị lợi dụng, vì cuộc mưu sinh mà phải “cam bề tủi nhục, chịu mang lấy cái nghề xấu xa này” [HCTV-20.11.1934]. Phụ nữ tân văn phân tích: nạn mãi dâm là sản phẩm của một xã hội có giai cấp, có người giầu, kẻ nghèo, nhất là trong thời kì kinh tế khủng hoảng, người lao động bị thất nghiệp, nạn mãi dâm càng phát triển. Trong xã hội có giai cấp đó, phụ nữ trở thành người bị lợi dụng để đem lại khoái lạc cho những kẻ có tiền của, “biết bao nhiêu là đàn bà, con gái lao công, thợ cu ly, bồi, may, đứng bán... chỉ vì mưu sanh, chỉ vì bị ép uổng, chỉ vì không được luật pháp ủng hộ mà phải làm đĩ”. Bài báo kết luận: xã hội có giai cấp thì có nạn mãi dâm, kinh tế khủng hoảng, nhiều người thất nghiệp thì mãi dâm càng phát triển. Cần phải vạch cho xã hội rõ nguyên nhân của nạn mãi dâm không phải là do luân lý suy đồi, phong tục bại hoại như các báo ca thán... Trong tình trạng kinh tế khủng hoảng ở Việt Nam, một số lớn phụ nữ lao động đang có nguy cơ trở thành gái mãi dâm [PNTV-16.8.1934].
Báo Hoàn cầu tân văn đặt vấn đề “Mãi dâm có phải là một chức nghiệp không ?” với một hàm ý tố cáo chế độ thuộc địa ở Đông Dương. Bài báo cho rằng ở Việt Nam đó là một nghề bởi chính phủ thực dân cho hoạt động hợp pháp và thu thuế. Và phần đông phụ nữ cần đến “chức nghiệp” này là hạng người nghèo khổ. Dưới nhan đề “Vấn đề mãi dâm” báo Phụ nữ tân văn năm 1933 phân tích 4 nguyên nhân dẫn dến việc người phụ nữ phải làm nghề mãi dâm. Đó là: do áp chế (vì nhà nghèo phải đi ở, rồi bị cưỡng bức, hoặc cha mẹ nghèo phải vay nợ chủ đất, khi con gái đến tuổi phải bán đứng cho ông chủ nếu không sẽ bị đuổi nhà), do bị dụ dỗ (ham muốn ăn diện, không người chỉ bảo), do có hạng Tú Bà luôn đi lừa gạt con gái, do có hạng công tử nhà giầu mà “phần lớn đeo mặt nạ xa hoa, học vấn ở ngoài” [PNTV-22.6.1933]. Còn trên báo Đông Pháp ngày 20.12.1936, Văn Tâm giải thích: Có ý kiến cho rằng lúc đầu nó chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà ở đó nữ giáo sĩ hiến thân cho thượng đế hay một nữ dâm thần giao hợp với một người đàn ông đi đường để tế lễ... Mặc dù có thể chưa hẳn đã đúng nhưng theo một vài vở kịch La Mã thì nghề này có từ cách đây hàng ngàn năm rồi. Cũng có ý kiến cho nghề mãi dâm có nguồn gốc từ thú vui thưởng thức âm nhạc của những gia đình giàu có ở Trung Quốc cổ đại. Những gia đình này nuôi ca nữ trong nhà làm hình thành nên tầng lớp kỹ nữ còn gọi là gia kỹ. Sau này các nguyên nhân này mất đi thì xuất hiện các nguyên nhân kinh tế. Đó là do nghèo túng, người phụ nữ phải bán thân nuôi miệng, ngoài ra còn có nguyên nhân vì dục tình, do lầm lỡ sa chân vào nghề này, cũng có người do lười biếng mà lại muốn ăn chơi xa xỉ. Trọng Quỳnh trên Đông Pháp năm 1940 đã phân tích quá trình “từ ngây thơ đến bán dâm” của một số cô gái quê nghèo vì quá đua đòi "theo mới", kém suy nghĩ, yếu linh hồn, đã bỏ nhà ra đi và cuối cùng sa vào con đường lầm lạc. Bài báo cho rằng con đường từ một cô gái quê đến một cô gái bán dâm là rất gần và vạch rõ sự cám dỗ của cuộc sống tiêu thụ nơi thành thị đã biến một cô gái quê trong trắng trở thành một cô gái làng chơi với bộ cánh tân thời choáng lộn, sánh vai cùng các công tử ra vào tiệm khiêu vũ, khách sạn, nhà hát...[ĐP-23.3.1940]. Cũng có ý kiến cho rằng vì chế độ hôn nhân ép gả, hôn nhân không có tình yêu nên thanh niên tìm đến các nhà chứa để thoả mãn nhu cầu sinh lý...
Nhìn chung các ý kiến đều cho nạn mãi dâm phát triển là do nguyên nhân kinh tế, là sản phẩm của xã hội có giai cấp và của chế độ tư bản. Những nguyên nhân khác chỉ là phụ.
3. Báo chí với việc đề xuất giải pháp cho vấn đề mãi dâm
Trước tình hình nạn mãi dâm phát triển, báo Đông Pháp cho biết “nước ta trong khoảng ít năm gần đây cũng có nhiều người nhất là những nhà ngôn luận có quan tâm đến vấn đề phụ nữ đều hô hào thảo luận để mong các nhà cầm quyền chính trị, các nhà săn sóc đến vấn đề xã hội kiếm cách bài trừ nạn mãi dâm ở xã hội ta” [ĐP-20.12.1936]
Các tờ báo phụ nữ là những tờ báo quan tâm nhiều đến vấn đề này. Phụ nữ tân văn liên tiếp lên tiếng: "Có nên trừ bỏ cái nghề mãi dâm không” [PNTV-12.12. 1929], “Bao giờ xứ này bỏ đặng nhà điếm” [PNTV-24.4.1930], “Nạn mãi dâm” [PNTV-16.8. 1934].., Báo Phụ nữ thời đàm, Đàn bà mới tìm hiểu về “Số phận của hạng chị em lỡ bước” [PNTĐ-15.1.1931], “Ai đẩy chị em vào vòng truỵ lạc” [PNTĐ-11-12.5. 1931], ,“Thân phận chị em hồng lâu”... [PNTĐ-13.5.1931] “Một hạng chị em phải làm hai nghề [ĐBM-20.5.1935], “Cái nạn mãi dâm” [ĐBM-8.6.1936],.. Phụ nữ tân tiến kêu gọi “Chị em ta nên trừ cái nạn mãi dâm” [PNTT-1.4.1933]...
Các báo khác như: Hoàn cầu tân văn, Thời báo, Việt báo, Công luận, Đông Pháp... cũng quan tâm và đề xuất cần giải quyết nạn mãi dâm ra sao? Có thể bài trừ được không?... Các ý kiến đều phản đối chế độ mãi dâm, bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng bệnh hoa liễu lây lan trong xã hội mà họ cho rằng sẽ làm yếu giống nòi, hạ thấp nhân cách phụ nữ... Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “nếu con người trên trái đất này còn đứng dưới chế độ phong kiến, chế độ phú hào” thì đó là một việc không thể bài trừ. Bản thân các cô gái khi đã trót mang nghiệp này vào thân sẽ trọn đời theo nghiệp ấy vì định kiến xã hội mà họ không thể hoàn lương...
Có ý kiến lại cho rằng mãi dâm tồn tại là do nhu cầu khách quan, phần đông những người lao động nghèo nên không lấy được vợ mà họ cũng có nhu cầu sinh lý như mọi người... Ngoài ra còn có những người bất mãn về đường tình duyên, nếu không có nghề này họ sẽ trở thành những người gian dâm (!) [ĐP-20.12.1936]. Hoặc có ý kiến cho rằng có nghề mãi dâm vì có người mua dâm, vì giáo dục gia đình còn có chỗ khiếm khuyết, vì chế độ hôn nhân ép gả, vì phụ nữ không có việc làm...
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng: vấn đề mãi dâm là một vấn đề xã hội, một vấn đề không dễ giải quyết. Muốn cấm nghề mãi dâm “ trước hết phải cải tạo xã hội, cải tạo kinh tế” [ĐP-20.12.1936], phải “giải quyết từ căn nguyên sự tổ chức xã hội”...Trong khi chưa thể bài trừ được ngay thì cần “phải tìm cách ngăn ngừa sự hại của nó”. Có ý kiến cho rằng cần phải kiểm soát việc hành nghề, kiểm tra về mặt y tế... đối với gái mãi dâm [ĐBM- 16.2.1935], phổ biến cách chữa các bệnh do nạn mãi dâm gây ra... Và để hạn chế nạn mãi dâm phát triển, trước hết tìm việc làm cho phụ nữ, đẩy mạnh giáo dục gia đình và quan trọng là hạn chế người mua dâm “cổ động đừng ai dùng thứ đó nữa” “anh em thiếu niên ai cũng luyện tập lấy lòng quả quyết tự chủ” vì “bài trừ nghề mãi dâm là bổn phận của anh em đó”. Tác giả đề nghị phải có sự hợp tác của toàn xã hội trong việc vận động bài trừ nạn mãi dâm bằng cách “tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về cái hại son phấn để giắt(dắt) nhau xa cái xóm bình khang, cũng như chỉ vào bát thuốc độc bảo nhau rằng “này thuốc độc đấy, đừng ai uống” [TB- 31.1-1.2.1931]. Phụ nữ tân tiến đề nghị “mãi dâm còn lưu ngày nào thì ta đánh đổ cho tới kì cùng”. Để làm được điều đó phụ nữ cần “phải có năng lực, phải bồi bổ tinh thần, đào luyện tư tưởng xa đường mộng mị, tìm đường thực nghiệp”, khuyên răn dạy bảo nhau. “Đối với hạng vô giáo dục, ta phải làm sao cho họ được giáo dục, với người không có nghề ta phải làm cho có nghề, có nghiệp”, còn hạng có học vấn mà sa ngã thì lấy lẽ phải trái phân giải cho rõ ràng... [PNTT-1.4.1934].
Đối với tình trạng “hát cô đầu”- một dạng của mãi dâm, báo Trung Bắc chủ nhật làm một cuộc trưng cầu ý kiến về các giải pháp nhằm khắc phục và hạn chế những tác hại của nó đối với xã hội đã nhận được 1061 ý kiến gửi đến góp ý. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải bắt các cô đầu đi khám bệnh để ngăn chặn tình trạng bệnh hoa liễu lây lan trong xã hội. [TBCN-27.9 & 4.10.1942]
Trong thời kỳ này, Đảng cộng sản cũng đề ra chủ trương “chống chế độ nhiều vợ, phản đối chính phủ Pháp duy trì và lợi dụng chế độ làm đĩ để thu thuế” [42, tr66,67]. Vì vậy, trên các báo Đảng và trên truyền đơn của Đảng cộng sản thường đề ra các khẩu hiệu như: chống nạn mãi dâm và tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới văn minh, bình đẳng. Đây được coi là con đường thiết thực nhất để xoá bỏ nạn mãi dâm trong xã hội, nâng cao địa vị của phụ nữ cũng như tôn trọng
nhân cách của họ.
nhân cách của họ.
Kết luận
Từ những năm 1930, cùng với sự phát triển của báo chí tiếng Việt, nhiều vấn đề xã hội được báo chí quan tâm, trong đó có vấn đề mãi dâm. Vấn đề mãi dâm trên báo chí đã phản ánh thực trạng mãi dâm- một thực trạng đen tối, đáng lo ngại và đời sống tủi nhục của tầng lớp phụ nữ hành nghề mãi dâm trong xã hội Việt Nam dưới chế độ thuộc địa. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà báo đã cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của hiện tượng mãi dâm trong xã hội, cũng như những nguyên nhân dẫn đến nạn mãi dâm. Đặc biệt báo chí thời kỳ này đã đề xuất những giải pháp cho việc bài trừ nạn mãi dâm và hạn chế những tác hại do nạn mãi dâm gây ra.
Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, vấn đề mãi dâm là một vấn đề xã hội rất phức tạp, không đơn giản chỉ là vấn đề kinh tế và có thể giải quyết nó bằng một cuộc cách mạng xã hội. Bên cạnh đó, những vấn đề đặt ra trên báo chí tiếng Việt trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa ra những gợi ý đáng quan tâm về việc tuyên truyền chống nạn mãi dâm, cũng như vai trò của báo chí trong việc bài trừ nạn mãi dâm và xây dựng xã hội mới.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
1.Báo Phụ nữ tân văn (1929-1935) Viết tắt : PNTV
2. Phụ nữ thời đàm (1930-1934) PNTĐ
3. Phụ nữ tân tiến (1932-1934) PNTT
4. Đàn bà mới (1934-1937) ĐBM
5. Thời báo (1931) TB
5 Công luận(1916-1939) CL
6. Việt báo (1936-1942) VB
7. Hoàn cầu tân văn (1933-1938) HCTV
8. Đông Pháp (1925-1945) ĐP
9. Trung Bắc chủ nhật(1940-1945) TBCN
10. Đảng cộng sản Việt Nam (1999), Văn kiện Đảng toàn tập, t4, NXB Chính trị Quốc gia.