Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

VUA LÝ ANH TÔNG, CHIẾN LƯỢC BIỂN VÀ HÀNH DINH TRẠI YÊN HƯNG


Gần đây trên báo chí và đâu đó có dư luận rằng VN có tâm lý " xa rừng né biển", không có chiến lược khai thác tài nguyên biển, có thực như vậy không? Tôi xin được giới thiệu bài viết này của tác giả Nguyễn Quang Ngọc trong loạt bài đã giới thiệu trước đây về chủ đề này để bạn đọc tham khảo và suy ngẫm. Chi)

http://chuyencuachi.blogspot.com/2011/06/chu-quyen-cua-viet-nam-o-hoang-sa-va.html
 Nguyễn Quang Ngọc
  (Bài tham luận trình bày trong Hội thảo Quảng Yên và đã đăng trên tạp chí NCLS)

       Việt Nam là đầu cầu nối liền Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, là giao điểm của các nền văn hóa, văn minh lớn của Thế giới. Việt Nam nằm trên đường hằng hải quốc tế từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc nên giữ một vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hóa hết sức đặc biệt.
Kết quả khai quật và nghiên cứu Khảo cổ học ở Việt Nam một thế kỷ qua đã xác định được khá rõ ràng những lớp cư dân cổ từ trong các vùng nội địa liên tục tiến ra khai phá, sinh cơ lập nghiệp và làm chủ các vùng đảo, quần đảo ngoài Biển Đông.
Bắt đầu từ khoảng Hậu kỳ Đá cũ và nhất là từ Sơ kỳ Đá mới (khoảng từ 25.000 năm đến 18.000 năm cách ngày nay) đã có những bộ phận cư dân từ lục địa tiến ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo ở khu vực Đông Bắc. Họ định cư tại đây khai phá đất đai, dựng nhà, lập làng và để lại các di tích, di vật thuộc thời đại Đá cũ ở Cồn Cỏ, Quảng Trị, thuộc thời đại Đá mới (các văn hóa Hòa Bình, Soi Nhụ, Đa Bút, Hạ Long, Bàu Tró) trên dải đảo, quần đảo chạy dài từ Móng Cái cho đến Bắc Trung Bộ và văn hóa sơ kỳ Kim khí (văn hóa Hoa Lộc) thuộc khu vực bờ biển Thanh Hóa, Nghệ An. Sự hiện diện của các nền văn hóa khảo cổ ở đây với số lượng, quy mô các di tích như vậy chứng tỏ số lượng người di cư ra các vùng biển đảo không nhỏ và ngay từ đó họ đã thuộc nhiều nhóm người, nhiều lớp người khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên, trận đánh lịch sử kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam lại diễn ra ở vùng cửa sông Bạch Đằng vào những ngày cuối năm 938. Trận thắng này mở ra truyền thống Bạch Đằng, truyền thống thủy chiến, nghệ thuật tiêu diệt thật nhanh chóng và triệt để các đoàn quân xâm lược hùng mạnh ở địa đầu sông biển của Tổ quốc chỉ trong vòng một con nước triều. Cũng từ sau chiến công kỳ diệu này, các nhà nước độc lập Việt Nam từ Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê-Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn luôn luôn ý thức một cách đầy đủ tầm quan trọng của biển, hải đảo và hầu như triều đại nào cũng đều có chiến lược đối với các vùng biển đảo. Tiếc rằng sử sách đời xưa ghi chép quá cô đọng nên dù có cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể nhận ra được một cách chính xác những hoạt động của các chính quyền độc lập đầu tiên trên lĩnh vực này. Mãi đến thời Lý, đặc biệt vào thời vua Lý Anh Tông mới thấy sử cũ chép về các hoạt động của nhà vua và triều đình ở các vùng biển đảo hay có liên quan đến các vùng biển đảo.
Trong bài viết này, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu thư tịch cổ, chúng tôi bước đầu xác định thời kỳ vua Lý Anh Tông (1138-1175) là thời điểm mở đầu của các nhà nước Việt Nam xây dựng và thực thi các chiến lược của Vương triều mình đối với vùng biển đảo thiêng liêng và máu thịt của Tổ quốc.

1. Vua Lý Anh Tông và chiến lược đối với các vùng biển đảo
Lý Anh Tông là vị vua thứ 6 Vương triều Lý, sau Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127) và Lý Thần Tông (1127-1138). Ông sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), lên ngôi Hoàng đế tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138), khi mới chưa tròn 3 tuổi, ở ngôi 37 năm, mất tháng 7 năm Ất Tỵ (1175), thọ 40 tuổi.
Đánh giá về sự nghiệp của Lý Anh Tông cho đến nay trong giới sử học cũng còn có những ý kiến khác nhau về từng lĩnh vực cụ thể, nhưng trên tổng thể đều thống nhất khẳng định thời kỳ Lý Anh Tông trị vì vẫn nằm trong giai đoạn phát triển và thịnh đạt của Vương triều Lý. Trong thời kỳ trị vì của Lý Anh Tông, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước được giữ vững, vị thế của quốc gia Đại Việt, của Vương triều Lý được đề cao, đúng như sử gia Ngô Thì Sĩ thế kỷ XVIII ca ngợi: “Nghi thức khác thường, điển lễ long trọng, hàng mấy ngàn năm về trước chưa từng có. Công gây dựng nước thực bắt đầu từ vua Anh Tông có thể nói là tốt đấy[1].   
Các tư liệu và sự kiện lịch sử dưới đây chính là những minh chứng cho một chiến lược tương đối đầy đủ và hệ thống của triều đình Lý Anh Tông đối với các vùng biển đảo, từ việc xây dựng các cơ sở quản lý, tổ chức các đội tầu thuyền cho đến việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xác định ranh giới trên biển, bảo vệ dân chúng và mở rộng các quan hệ giao thương buôn bán với tầu thuyền ngoại quốc…
- Tháng 10, năm 1147 Lý Anh Tông cho “dựng hành dinh ở trại Yên Hưng[2].
- Tháng 2, năm 1149 nhân việc thuyền buôn 3 nước Trảo Oa (Java, Indonesia), Lộ Lạc và Xiêm La (đều thuộc Thái Lan ngày nay) vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, vua Lý Anh Tông “bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương[3].
- Tháng 11, năm 1161 Lý Anh Tông “sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về[4].
- Tháng 2, năm 1171 “Vua đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân đinh đau khổ và đường đi xa gần thế nào[5].
- Tháng 2, năm 1172 “Vua đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ ghi chép phong vật rồi về[6].
- Thời Lý Anh Tông, nhà vua liên tục cho đóng thuyền lớn tham gia vào việc kiểm tra, kiểm soát, khai thác và bảo vệ các vùng sông nước, biển đảo như đóng 2 thuyền Vĩnh Long, Thanh Lan và 2 thuyền lớn Trường Quyết, Phụng Tiên (1147); đóng 2 thuyền Vĩnh Diệu, Thanh Lan (1151); đóng thuyền Vĩnh Chương (1154); đóng thuyền to bản của ngự trù, thuyền to bản của cung nội (1156); đóng thuyền Nhật Long (1167) và đóng thuyền Ngoạn Thủy (1173)[7]
            Chắc chắn vì những thành công của các chính sách này mà triều đình nhà Tống đã phải phong cho Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương và chính thức công nhận nước ta là An Nam Quốc[8]. Ngô Thì Sĩ đã hoàn toàn có lý khi cho rằng thời vua Lý Anh Tông trị vì: “luyện binh giảng võ, chọn tướng sai sứ khiến cho Chiêm Thành phải giữ lễ phiên thần, nhà Tống phải phong là nước lớn, triều đình sáng sủa, biên giới yên lành, hầu như đem lại được nền thịnh trị như thời Thái Tông, thời Nhân Tông[9] và “nếu không phải là người rất sáng suốt, rất anh dũng thì không được như vậy[10].

2. Hành dinh trại Yên Hưng và vị trí của nó trong chiến lược biển
            Công việc quan trọng đầu tiên của vua Lý Anh Tông (và cũng có thể được coi là của cả Vương triều Lý) đối với các vùng biển đảo là đặt ra hành dinh ở trại Yên Hưng[11] như là một cơ quan quản lý của triều đình trung ương đối với cửa ngõ yết hầu sông nước quan trọng nhất của đất nước, cũng như toàn bộ các vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt nói chung.
Trại Yên Hưng có quy mô và vị trí như thế nào cũng là vấn đề cần phải bàn. Dưới thời Lý, hệ thống hành chính ở các địa phương có 24 lộ (tuy nhiên hiện nay cũng không có tài liệu xác định được đầy đủ cả tên gọi và vị trí của 24 lộ này). Ngoài lộ ra còn có phủ, ở miền núi hay các miền xa xôi còn có các đạo, châu, trại. Bên dưới các phủ, châu, trạihương, giáp… Thật không thể hình dung trại Yên Hưng ở đây lại tương đương với các lộ, phủ giống như các vùng châu Hoan, châu Ái. Chúng tôi cũng không nghĩ quy mô của trại Yên Hưng chỉ như một xóm nhỏ của một đơn vị thôn làng đang hình thành sau này. Sử cũ cũng từng nhiều lần nhắc đến tên trại Yên Hưng như việc đất này từng được Trần Thái Tông cắt ban cho An Sinh Vương Trần Liễu (cha đẻ của Trần Hưng Đạo) vào năm 1237[12]; hay một vùng làng quê trù phú, một cứ điểm mạnh trấn giữ vùng quan ải Bạch Đằng mà sau khi không đón được thuyền lương của Trương Văn Hổ, Ô Mã Nhi đã cho đánh vào trại Yên Hưng vừa để cướp lương thảo về nuôi đội quân đang chết đói ở Vạn Kiếp, vừa triệt phá một cơ sở quân sự trọng yếu của nhà Trần[13]. Theo chúng tôi, trại Yên Hưng tuy không lớn như một đơn vị hành chính ngang với cấp phủ, lộ, nhưng cũng không phải là đơn vị hành chính cấp cơ sở, mà chỉ là tập hợp một số các đơn vị cư trú cả dân sự và quân sự ở khu vực tương đương với các xã Yên Hưng, Quỳnh Lâu tổng Hà Bắc trước đây[14]. Về vị trí của trại Yên Hưng, bản dịch các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên đều thống nhất chú giải “nay là đất huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh”, hay nói một cách cụ thể hơn tức là đất thị trấn Quảng Yên và các xã phụ cận như Yên Giang, Cộng Hòa huyện Yên Hưng.
Thời Lý, để tăng cường cho triều đình kiểm tra, quản lý các địa phương trọng yếu, nhà Lý còn đặt ra các hành cung, hành dinh phủ đệ. Sau hành dinh ở trại Yên Hưng dựng năm 1147, liên tục trong các năm 1154, 1155, 1156, Lý Anh Tông cho dựng các hành cung Ứng Phong ở Nam Định, hành cung Lỵ Nhân ở Hà Nam, hành cung Ngự Thiên ở Thái Bình, phủ đệ ở Phú Lương (Thái Nguyên), phủ đệ ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng)[15]. Phủ đệ ở Phú Lương, Quảng Nguyên để dành riêng cho Phò mã, Công chúa cai quản các vùng biên giới phía Bắc. Hành cung cũng giống như cung điện được xây dựng giữa vùng nông nghiệp trọng yếu để nhà vua mỗi khi đi kiểm tra, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp (như xem cày ruộng, xem gặt lúa…) mà phải nghỉ lại. Còn hành dinh là dinh thự, doanh trại ở ngoài Kinh đô trên nguyên tắc xây dựng phục vụ cho việc quân ở nơi quan yếu, nhưng trong thực tế, người đứng đầu hành dinh thay mặt cho triều đình vẫn phải cai quản những việc dân sự mà triều đình ủy thác. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 8 năm 1044 sau khi đánh thắng Chiêm Thành, trên đường từ Phật Thệ trở về Kinh đô Thăng Long, vua Lý Thái Tông “đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến úy lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây vua ủy cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Ba Hòa khiến cho [trấn ấy] được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế[16].
Tiếc rằng cho đến nay chúng ta chưa có nghiên cứu cơ bản và nhất là chưa từng tổ chức khai quật khảo cổ học quy mô lớn để xác định chính xác vị trí và quy mô của hành dinh Yên Hưng thời Lý. Theo quan sát bước đầu của chúng tôi thì ở vùng cửa sông Bạch Đằng chỉ có hai địa điểm có nhiều khả năng có liên quan đến vị trí hành dinh này:
Thứ nhất là khu vực thành Quảng Yên thời Nguyễn. Tòa thành này nằm trên gò núi Tiên Sơn, xã Quỳnh Lâu, trực tiếp án ngữ cửa sông Bạch Đằng và sông Chanh, là vị trí trọng yếu nhất của toàn vùng[17]. Khi vua Gia Long thành lập Vương triều Nguyễn lập ra trấn Yên Quảng cai quản toàn bộ miền Đông Bắc, năm 1804 đã quyết định chọn gò núi này làm lỵ sở của toàn trấn. Lúc đó trên gò đã có đồn An Bang vốn là trị sở của phủ Hải Đông gồm 2 huyện Yên Hưng, Hoành Bồ và 3 châu Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn. Hơn 2 chục năm đầu dưới thời Gia Long và Minh Mệnh, trấn lỵ Yên Quảng rồi Quảng Yên[18] vẫn chỉ nhân lấy núi làm thành mà hầu như chưa có xây dựng mới. Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) mới đắp thêm lũy đất và năm Tự Đức thứ 12 (1859) mới xây gạch chu vi 295 trượng, mở 3 cửa, mà một phần dấu tích còn lại đến ngày nay. Dưới chân gò là Bến Ngự sông Chanh mà các vị Hoàng đế - Thi nhân lừng danh trong lịch sử như Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông đều đã từng dừng thuyền ngự, làm thơ ca ngợi cảnh sắc và con người của quận trị An Bang.
Chúng tôi hy vọng rồi đây trong chương trình quốc gia bảo tồn và tôn tạo vùng chiến trường Bạch Đằng, các chuyên gia khảo cổ học sẽ có cơ hội khai quật ở khu vực bên trong của tòa thành thời Nguyễn và qua đó có thể tìm ra dấu tích của đồn An Bang xưa. Nếu xác định được chính xác vị trí của đồn An Bang thời Lê thì cũng có nhiều khả năng sẽ tìm được dấu vết các hoạt động của tổ tiên ta ở vị trí được coi là quan trọng nhất của vùng cửa sông Bạch Đằng vào thời điểm của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, cũng như vết tích còn lại của các thời kỳ trước, trong đó không loại trừ hành dinh trại Yên Hưng thời Lý. 
Thứ hai là khu vực núi Dinh chỉ cách thành Quảng Yên khoảng 2 cây số về phía Đông Bắc. Đây cũng là một quả núi thấp, đỉnh núi khá rộng, xưa có Thành Tre, tương truyền là Dinh Phủ vô cùng linh thiêng, hầu như không ai dám đụng tới (nhưng vì quá lâu đời nên cũng không có ai biết đây là dinh hay phủ nào). Thành này nối thông với sông Chanh và sông Bạch Đằng mà dòng sông cổ, bến Xưởng từ đầu núi (nay là xóm Dinh, xã Cộng Hòa) chạy ra Khê Chanh nay vẫn còn nhận được dấu vết.
Tuy chưa biết được vị trí thật chính xác của hành dinh Yên Hưng, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định nó không thể ở ngoài khu vực xã Quỳnh Lâu, tổng Hà Bắc xưa (nay là thị trấn Yên Hưng và xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng). Đây chính là nơi đầu tiên vua Lý Anh Tông, Vương triều Lý và các nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai và thực thi một chiến lược xây dựng và bảo vệ các vùng biển đảo, các kế hoạch chặn đứng và đánh tan các đạo quân xâm lược tại vùng cửa ngõ yết hầu của đất nước, dù chúng hùng hổ kéo quân từ biển vào đất liền hay đã bị đánh bại trong đất liền đang tìm đường tháo chạy ra biển. Truyền thống Bạch Đằng - một truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, tiếp nối, nhân lên và thăng hoa từ vùng cửa sông Bạch Đằng, từ khu vực trại Yên Hưng nổi tiếng này. Đấy cũng chính là chiều sâu lịch sử-văn hóa của đô thị Quảng Yên, đô thị trấn giữ biển đảo, đô thị che chắn cho Kinh đô Thăng Long, hưng vong cùng non sông đất nước nghìn năm qua và mãi mãi về sau.

Hòa vào xu thế phát triển của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến đổi toàn cầu, Quảng Yên - Yên Hưng không thể không gồng mình lên, triệt để huy động mọi nguồn lực, phát triển đô thị bền vững, nâng tầm đô thị theo hướng tự chủ cao về tài chính và chuyển mạnh ra đại dương, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, thực hiện sứ mệnh cao cả mà cách đây 864 năm vua Anh Tông nhà Lý trong chiến lược biển đảo đầu tiên của quốc gia Đại Việt đã tìm chọn và ủy thác vào hành dinh trại Yên Hưng.

                                                Quảng Yên - Hà Nội 1/1/2011



[1] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 294.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch Nxb Khoa  học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 316.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 317.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 323.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 324.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 325.
[7] Thống kê theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn từ trang 316 đến trang 325.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 323.
[9] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch đã dẫn, tr 295. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng nhận xét tương tự: “Vua cũng răn việc trước, cẩn thận việc sau, đức nghiệp ngày một tiến; luyện binh, giảng vũ, chọn tướng sai sứ [khiến cho] Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, nhà Tống sách phong coi như nước lớn. Trong triều lúc ấy, ai cũng khen là minh trị” (TI, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr 194-195).
[10] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch đã dẫn, tr 295.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 316. Nguyên văn chữ Hán tờ 6a, quyển 4 là “tạo Yên Hưng trại hành dinh” (造安興寨行營). Bản dịch sách Đại Việt sử ký tiền biên, cũng sự kiện này nhưng lại dịch là “Đinh Mão, năm thứ 8 [1147] (……), mùa đông, tháng 10, dựng hành cung ở trại Yên Hưng” (tr 282). Theo chúng tôi chuyển dịch “hành dinh” (行營)  thành “hành cung” (行宮) là làm sai đi nội dung và ý nghĩa của sự kiện.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư, T II, Bản dịch đã dẫn, tr 16. Sách chép: “Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương”. Như thế rõ ràng Yên Hưng (cùng Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang) không phải là những trại nhỏ như các thôn trại hiện nay.
[13] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 61.
[14] Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo, Bản dịch Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr 427 lại cho trại Yên Hưng thời Trần tương đương với huyện Yên Hưng thời Nguyễn.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 321-322. Cũng cần phải nói thêm là các hành cung Ứng Phong và Lỵ Nhân vốn đã rất nổi tiếng từ dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), bây giờ Lý Anh Tông chỉ cho dựng lại hay tu sửa lại, chứ không phải là xây dựng hoàn toàn mới.
[16] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 266.
[17]Theo sách Đại Nam thực lục, T IV, Bản dịch Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr 1032-1033 thì vào năm 1836, nhân việc Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ đề nghị mở rộng thành Quảng Yên, Hộ phủ Lê Dục Đức tâu không nên tiếp tục ở lại Quảng Yên mà cần phải chuyển sang địa điểm mới thuộc huyện Thủy Đường (nay là Thủy Nguyên, Hải Phòng), vua Minh Mệnh giao cho Bộ Công xem xét lại việc này. Sau khi tính toán kỹ lưỡng một cách tổng thể, Bộ Công cho rằng: “Xây dựng thành trì, có quan hệ đến sự che chống ở biên cương. Địa thế tỉnh thành Quảng Yên, trong có thể khống chế được cả hạt, ngoài có thể trấn áp được vùng hải cương, thực là nơi hình thế đẹp. Lời của đốc thần có định kiến đấy”. Bộ Công sau khi xác định vị trí không thể thay thế được của tỉnh thành Quảng Yên, đã khuyên vua Minh Mệnh không nên nghe theo lời tâu thiên kiến của Lê Dục Đức và vua Minh Mệnh đã y theo lời bàn của Bộ Công. Điều này góp phần lý giải tại sao từ rất sớm, các nhà nước phong kiến Việt Nam đều chọn Quảng Yên (mà cụ thể là khu vực tỉnh thành Quảng Yên) làm trung tâm trấn giữ vùng cửa sông Bạch Đằng và mở rộng ra toàn tuyến duyên hải, biển và hải đảo khu vực Đông Bắc.
[18] Thật ra đây cũng chỉ là tên gọi khác nhau của cùng một địa điểm. Tên lộ An Bang đã có từ thời Trần. Năm 1466 Lê Thánh Tông đặt An Bang thừa tuyên. Đến đời vua Lê Anh Tông mới đổi An Bang làm An Quảng và năm 1822, vua Minh Mệnh đổi An (Yên) Quảng thành Quảng Yên.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Báo chí Việt Nam thời thuộc địa ( nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6

Bài này đã được bổ sung chỉnh sửa lại, đã xuất bản và đăng ở đây:
http://chuyencuachi.blogspot.com/2016/02/mot-vai-net-ve-bao-chi-viet-nam-thoi.html
Mời các bạn đọc ở bài mới để có được thông tin đầy đủ hơn. Xin cám ơn!- Đặng Thị Vân Chi)
Tặng các nhà báo Việt Nam- bạn tôi.
Đặng Thị Vân Chi
Những tờ báo đầu tiên
        Ngay từ những ngày đầu xâm lược Việt Nam, báo chí đã được thực dân Pháp sử dụng như một công cụ phục vụ quá trình xâm lược của Pháp. Lịch sử cũng như nội dung các báo thời kì này phản ánh rõ quá trình xâm lược của thực dân Pháp cũng như vai trò phục vụ công cuộc xâm lược của báo chí. Ví dụ ngay trong quá trình xâm lược Nam Kỳ, Pháp đã ra tờ Nam kì viễn chinh công báo năm 1861. Đến năm 1865 sau khi ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ bị thôn tính thì tên báo được đổi là Nam Kỳ thuộc Pháp công báo và đến năm 1889, khi nền thống trị của Pháp được xác lập trên toàn cõi Việt Nam thì báo lại được đổi tên Đông Dương thuộc Pháp công báo...
         Các tờ công báo này đăng tải các  nghị định, công văn, đạo luật, các chỉ thị của bộ máy thực dân, các bài diễn văn của thống đốc Nam Kỳ lưu hành chủ yếu trong đám sĩ quan và viên chức thực dân, vì vậy tất cả đều là báo bằng tiếng Pháp.
        Bên cạnh những tờ công báo bằng tiếng Pháp naỳ, Pháp còn cho ra tờ báo chữ Hán Xã thôn công báo để phổ biến những quyết định, những mệnh lệnh của đội quân xâm lược tới đám chức sắc bản xứ cộng tác với Pháp. Ngoài ra, Pháp còn cho xuất bản những tờ báo phục vụ công cuộc khai thác kinh tế  như tờ Tập san của Uỷ ban canh nông Nam Kỳ) năm 1865Công báo của Uỷ ban nghiên cứu nông, công, thương Trung Kỳ và Bắc Kỳ năm 1889
        Theo bài báo “Thử tìm long mạch của tờ báo ta” do tác giả Quán Chi khảo cứu đăng trên Trung Bắc chủ nhật từ số 101(3.3.1942) đến số 104 (29.3.1942) thì chữ quốc ngữ đã được dùng khá phổ biến ở Nam Kỳ từ trước khi tờ báo Tiếng Việt đầu tiên ra đời là tờ Gia Định báo xuất bản ngày 15/4/1865. Gia định công báo lúc đầu chỉ là một tờ tuần báo chủ yếu đăng những thông tư, chính luận của chính quyền thực dân, một số bài thơ, vài câu chuyện hài đàm, chuyện cổ tích... chưa phải là một tờ báo có tính chất thông tin và truyền bá tư tưởng. Sau Gia định báo, tờ báo tiếng Việt thứ hai là tờ Phan Yên báo xuất bản năm 1868 và Nam Kỳ địa phận xuất bản  năm 1883 cũng có nội dung tương tự.
Về thực chất các tờ báo này cũng chỉ là công cụ của Pháp trong quá trình xâm lược. Nội dung của các tờ báo chỉ đơn giản là dịch đăng  những tờ công báo tiếng Pháp sang tiếng Việt cho người Việt đọc như các công văn, giấy tờ, các văn kiện của chính quyền thực dân hoặc những tờ thông báo, cáo thị, tình hình giá cả, thuế khoá của sở thuế, phòng thương chánh, toà thị chánh... Shawn.F.Mc. Hale trong công trình nghiên cứu  “n phẩm và quyền lực”của mình đã nhận xét : “Chính quyền thuộc địa Pháp cần rất nhiều tài liệu in ấn (mẫu đơn từ, hoá đơn, baó cáo...) để hoạt động một cách trôi chảy (có người đã cho rằng chính phủ thực dân cần giấy nhiều như vũ khí để giữ người dân dưới sự kiểm soát của họ)”[1].
        Những người Việt tham gia viết báo thời kỳ này hầu hết là những viên chức của chính quyền thực dân thông thạo chữ Hán, chữ Pháp, chữ quốc nhữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Lương Khắc Ninh...
       Cùng với báo chí, thực dân Pháp đã sớm ban hành những đạo luật, sắc lệnh về báo chí cho Đông Dương. Sắc lệnh ngày 30/12/1898 đã đình chỉ việc thi hành luật tự do báo chí ngày 29/7/1881 của chính phủ Pháp ở Đông Dương. Theo sắc lệnh này việc thành lập một tờ báo  hay xuất bản phẩm định kì bằng bất cứ thứ tiếng nào đều có thể  bị đình chỉ bởi nghị định của quan Toàn quyền và không một tờ báo tiếng Việt nào có thể xuất bản nếu không được phép của quan Toàn quyền. Giấy phép xuất bản chỉ được cấp với điều kiện là văn bản các bài đem đăng báo phải được quan Toàn quyền Đông Dương duyệt y. Giấy phép này có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Việc cấp giấy phép cũng rất hạn chế. Ví dụ ở Nam Kì từ năm 1927 đến năm 1933 có hơn 77 đơn xin ra báo nhưng chỉ có 13 tờ báo được xuất bản [2] các tờ báo đều phải nộp tiền kí quỹ. Các bài báo đều bị sở báo chí của chính quyền địa phương kiểm duyệt trước. ( Các bài báo được Sở mật thám Pháp dịch sang tiếng Pháp rồi đưa sang sở báo chí kiểm duyệt). “Khi báo lên khuôn, thanh tra nhà in đến nhà in đọc từng dòng những bài bình luận, phần tin tức quốc tế và các bài tường thuật những cuộc du hành quan phương”[2]. Cho đến năm 1914, ở Đông Dương có tới 16 sắc lệnh của Tổng Thống Pháp và 20 nghị định của Toàn quyền và Thống sứ có liên quan tới báo chí đã được ban hành. Như vậy thực tế là đã không có tự do báo chí mà chỉ có lưỡi kéo của chế độ kiểm duyệt.
        Tình trạng này được duy trì và khẳng định lại một lần nữa bằng luật báo chí ngày 4/10/1927 và kéo dài cho đến năm 1938 mới được bãi bỏ nhờ phong trào bình dân những năm 1936-1939.
Báo chí tiếng Việt những năm đầu thế kỷ XX
         Sang đầu thế kỉ XX, quá trình đô thị hoá cũng như sự phát triển của tầng lớp thị dân, lối sống thị dân, những hoạt động công thương nghiệp...đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển phong phú hơn. Báo chí thời kì này không còn là của riêng chính quyền thực dân nữa mà đã xuất hiện những tờ báo tư nhân. Về nội dung, các báo cũng không đơn thuần là những tờ công báo nữa mà phản ánh quyền lợi của giới kinh doanh công thương nghiệp cũng như phản ánh những chuyển biến trong tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của Việt Nam lúc bấy giờ. Đáng chú ý là một số tờ như Nông cổ mín đàm, Đại Nam Đăng cổ tùng báo, Đại Việt tân báo đã bàn nhiều về vấn đề văn hoá xã hội như tuyên truyền cho xu hướng canh tân hoặc đả phá chế độ khoa cử lỗi thời, những hủ tục...Tờ Đại Việt tân báo do E. Babut sáng lập và Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Theo Quán Chi thì Đào Nguyên Phổ là người có công đầu trong việc dịch đăng các tư tưởng mới và các sách Tân thư phổ biến trên báo. Có một hiện tượng đáng chú ý là ngay từ rất sớm vấn đề phụ nữ đã được đưa lên mặt báo, vừa là bàn về vấn đề của phụ nữ nhưng cũng từ vấn đề của phụ nữ và mượn lời phụ nữ để bàn về những vấn đề chung của xã hội.
        Đại Nam Đăng cổ tùng báo chỉ tồn tại khoảng 10 tháng trong năm 1907. Sau khi  Đại nam Đăng cổ tùng báo đóng cửa trong suốt 6 năm từ 1907 tới 1913 ở Việt Nam chỉ còn lại hai tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Nam Kì là tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn.
        Năm 1913, Đông Dương tạp chí được xuất bản ra số đầu tiên ngày 15/5 tại Hà Nội. Người sáng lập và chủ nhiệm báo là Schneinder, người đã từng ở Việt Nam từ năm 1882 và đã xuất bản tờ Lục tỉnh tân văn và Đại nam đồng văn nhật báo . Vì vậy lúc đầu Đông Dương tạp chí được coi là một chi nhánh của Lục tỉnh tân văn ở Bắc và Trung Kỳ. Chủ bút báo là Nguyễn Văn Vĩnh với sự cộng tác của các tác giả Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Hiếu...
       Trong 2 năm đầu 1913-1914 Đông Dương tạp chí (ĐDTC) mang tính chất một tờ báo ngôn luận thông thường tổng hợp, đăng tải các bài về tin tức thời sự chính trị xã hội lẫn văn chương học thuật. Tháng 1-1915 báo Trung bắc tân văn (TBTV) xuất bản ở Hà Nội, chủ nhiệm báo vẫn là Schneider và Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút với các cộng tác viên như của ĐDTC. Và để phục vụ chính sách động viên cho chiến tranh của Pháp, TBTV sẽ chuyên “nghị luận về những việc thời vụ”  còn ĐDTCí sẽ chuyển thành một tờ báo có tính chất văn học chuyên giới thiệu và dịch các tác phẩm văn học nước ngoài và các bài về khoa sư phạm. Cũng như ĐDTC, TBTV lúc đầu là một tờ tuần báo, đến năm 1916 thì 3 ngaỳ ra một số và đến năm 1919 khi Nguyễn  Văn Vĩnh mua lại tờ báo và nhà in từ Schneider thì báo ra hàng ngày.
Từ sau chiến tranh thế giới I đến I930
        Cũng từ sau chiến tranh thế giới I báo chí phát triển mạnh hơn do Pháp không giữ độc quyền báo chí như trước nữa. Nhiều người Việt Nam được phép xuất bản báo chí và đương nhiên là phải tuân theo pháp luật của chính quyền thực dân và phải chịu sự kiểm soát của chúng. Đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới I tới những năm đầu thập niên 30, báo tiếng Việt phát triển nhanh chóng cả về số lượng và nội dung. Năm 1922, cả nước chỉ mới có 19 tờ báo tiếng Việt thì đến năm 1925 đã có 25 tờ, năm 1927 có 36 tờ và năm 1929 lên tới 47 tờ. Các tờ báo tiêu biểu thời kì này là: Đông Dương tạp chí (1913-1918),Trung Bắc tân văn (1915-1945), Nam Phong (1917-1935), Nữ giới chung (1918), Thực nghiệp dân báo(1920-1933), Khai hoá nhật báo (1921-1927), Hữu thanh tạp chí (1921-1924), Đông Pháp thời báo(1923- 1928), An nam tạp chí (1926-1930), Thần chung (1929-1930), Trung lập báo (1924-1933), Tân dân báo (1924-1925) Pháp Việt nhất gia (1927), Tiếng dân (1927-1943), Hà thành ngọ báo (1927-1929), Báo Đông -Tây (1929-1932), Phụ nữ tân văn (1929-1935), Kì lân báo (1928-1929), Văn minh(1926-1931)...
Từ năm I930 đến I945
        Sang những năm 1930, báo chí Tiếng Việt có sự phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh khoảng 30 tờ báo và tạp chí có từ trước vẫn đang tiếp tục lưu hành thì có khoảng 180 tờ báo và tạp chí mới ra đời. So với trước đây số lượng các tờ báo xuất bản trong thời kì này tăng lên gấp đôi, đặc biệt bên cạnh báo chí hợp pháp phát hành công khai còn xuất hiện dòng báo bí mật của Đảng Cộng sản Việt Nam và dòng báo lưu hành trong các nhà tù của thực dân.
        Báo chí thời kì này phản ánh khá rõ nét tình hình kinh tế xã hội và chính trị tư tưởng đương thời. Đó là bên cạnh trào lưu Âu hoá và lối sống tư sản trong các đô thị là tin tức về các hoạt động cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, các cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng như cuộc thảo luậncủa Hải Triều và Thiếu Sơn về “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” [ Đời Mới-24/3-27/3/I933] ,  cuộc thảo luận của Hải Triều và Phan Khôi về “Duy vật và Duy tâm” [ Phụ nữ thời đàm- 8 và 29/I0/ I933]; cuộc thảo luận của Phan Khôi và Nguyễn Thị Chính  về “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan” [ Phụ nữ tân văn- 7 và I4/7 và  4/8/I932], cuộc tranh luận về “Phổ thông đầu phiếu” trên báo Công luận năm 1932 và các bài về quyền bầu cử của phụ nữ...
            Thắng lợi của Mặt trận dân chủ Đông Dương trong cuộc đấu tranh đòi tự do báo chí, Pháp đã phải thừa nhận hiệu lực của Luật tự do báo chí ban hành năm 1881 được áp dụng ở Đông Dương. Đó là bộ luật quy định báo chí phát hành chỉ cần báo trước 24 giờ. Chính thắng lợi này đã làm báo chí giai đoạn 1936-1939 phát triển mạnh mẽ,  nhiều tờ báo cách mạng được phát hành công khai. Theo Daniel Hemery, Sở An ninh Đông Dương ước tính vào tháng 11/1938, chỉ riêng Nam Kỳ có tới 18 tờ báo cộng sản, trốtkit, hoặc thân cộng. Số in của báo tiếng Pháp giảm chỉ còn 30.580 bản trong khi số in của báo tiếng Việt là 153.000 bản. Tính đến ngày 1/1/1939 trên toàn cõi Đông Dương số báo tiếng Việt và song ngữ Pháp Việt  là 120 tờ trong khi số báo tiếng Pháp chỉ còn 69 tờ.[3]
        Thời kì từ năm 1939, do điều kiện chiến tranh, kinh tế suy thoái, mực và giấy là hai nguồn vật liệu phục vụ cho ngành in ấn trở nên khan hiếm và đắt đỏ đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất bản, trong đó có báo chí. Nhiều tờ báo phải đóng cửa hoặc giảm trang, in trên giấy xấu. Mặc dù vậy, do nhu cầu tìm hiểu tình hình trong nước và quốc tế tăng, độc giả ngày càng nhiều, tình hình phát hành báo chí vẫn được duy trì với một số lượng khá lớn. Tất cả báo chí cách mạng phải phát hành bí mật song cũng không vì thế mà báo chí cách mạng không phát triển. Tiêu biểu cho báo chí cách mạng thời kì này là các tờ Tạp chí Cộng sản, Cờ giải ghóng, Cứu quốc, Việt Nam độc lập, Kèn gọi lính, Mê Linh, Phá ngục, Kháng địch, Cởi ách, Chiến đấu, Tiên phong, Dân tộc, Tiếng súng khởi nghĩa…
         Dòng báo chí công khai cũng bị phân hoá thành nhiều khuynh hướng: báo chí thân thực dân như các tờ: Đông Pháp (ĐP), Tin mới, Đàn bà (ĐB), Tân Việt Nam, Nỗ lực. Báo chí cấp tiến như các tờ Ngày nay, Thanh nghị, Tri tân... Ngoài ra còn có một số tờ báo của nhóm Trốtkít như tờ Văn mới, Tân thời...,các loại báo văn học, tôn giáo và các loại báo chuyên biệt khác như báo thể thao, báo kinh tế, báo trẻ em... Một đặc điểm đáng chú ý là hầu hết các báo xuất bản thời kì này đều có dành riêng một mục cho phụ nữ hoặc có các trang phụ nữ như Công luận, Đông Pháp, Tân thời tuần báo (TT), Dân hiệp (DH), Nam Kỳ tuần báo (NKTB)... Đặc biệt thời kì này còn hình thành cả một dòng báo phụ nữ.
       Năm 1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp, chính phủ Pháp do Reynaud cầm đầu nhanh chóng sụp đổ. Chính phủ mới do Thống chế Philippe Petain thành lập tuyên bố đầu hàng phát xít Đức. Một nhóm khác do tướng Charles de Gaulle lãnh đạo chạy sang Anh và thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Pháp. Chính phủ bình dân của Pháp không còn tồn tại, Đảng Cộng sản bị giải tán, phải đi vào hoạt động bí mật. Việc nước Pháp bị Đức xâm chiếm ảnh hưởng mạnh mẽ đến những diễn biến chính trị tại Đông Dương. 
         ở Đông Dương, từ tháng 7/1939 chức vụ Toàn quyền Đông Dương cũng thay đổi từ một quan toàn quyền dân sự là Brevie chuyển sang cho một quan toàn quyền quân sự, tướng Catroux và sau đó là Đô đốc Jean Decoux. Pháp đã chuẩn bị cho tình trạng chiến tranh ở các nước thuộc địa. Hành động đầu tiên của chính quyền thuộc địa là ra sức đàn áp Đảng Cộng sản. Sắc lệnh ngày 28/9/1939 cấm ngặt tất cả hành vi tuyên truyền về Quốc tế III và các tổ chức có liên quan. Đảng Cộng sản, các đoàn thể và các nhóm liên quan đều bị giải tán. Thực dân Pháp đã quy định kiểm duyệt toàn bộ báo chí nước ngoài trong các khu vực thuộc địa của Pháp. Trong vòng 4 tháng cuối năm 1939, Pháp đã ký tới 10 Sắc lệnh và Nghị định về báo chí và liên quan đến báo chí. Giấy và mực in cũng được chính quyền quản lý chặt chẽ thông qua phòng kiểm duyệt Liên đoàn giấy. Năm 1943, Toàn quyền Đông Dương ra một nghị định mới về việc phát hành báo chí. Nghị định này quy định: khuôn khổ báo sẽ bị hạn chế để tiết kiệm giấy. Nếu báo xuất bản hàng ngày thì phải nghỉ ngày chủ nhật. Nếu phát hành ngày chủ nhật thì không được phát hành các ngày khác trong tuần, không được in báo trên giấy khổ 23 x 2000 cm2, nên dùng khổ báo không cần phải cắt giấy để tiết kiệm... [HP-1/5/1945]
         Ngay từ trước khi có sắc lệnh trên, một loạt tờ báo đã bị khám xét, bắt bớ và đóng cửa. Tờ Ngày mới bị đóng cửa ngày 26.8.1939, Dân chúng ngày 30/8/1939, Người mới ngày 5/9/1939, Thế giới ngày 13/9/1939, Đời nay ngày 29/9/1939. Trước tình hình đó Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, ra chỉ thị cho những người làm báo và các tờ báo Đảng rút vào bí mật.
         Ngày 23/9/1940, Nhật vào Đông Dương đặt thêm một ách thống trị mới lên xã hội Việt Nam và từng bước ép Pháp phải nhường cho Nhật một số quyền lợi về kinh tế chính trị, quân sự. Đồng thời Nhật cũng ráo riết tuyên truyền chính sách Đại Đông á, văn hoá Nhật... nhằm gây ảnh hưởng trong dân chúng. Nhật cũng thành lập văn phòng kiểm duyệt báo chí, ra thông báo về việc kiểm duyệt toàn bộ báo chí, xuất bản phẩm và các phương tiện tuyên truyền kể cả áp phích quảng cáo và các kịch bản... Dựa vào Nhật, một số đảng phái mới ra đời như Đại Việt dân chính, Đại Việt quốc xã, Phục quốc... và đều ra báo để gây ảnh hưởng. Tháng 5/1941 quyết nghị thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh)
       Phong trào Việt Minh phát triển, ở các vùng căn cứ địa cách mạng, báo chí cách mạng cũng được xuất bản góp phần tuyên truyền và vận động nhân dân như tờ: Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng... ở các địa phương cũng có báo cách mạng để vận động tuyên truyền nhân dân. Như báo Đuổi giặc nước của cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Minh Thanh Hoá, báo Hiệp lực, cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Ninh ...



[1]McHale.Shawn Frederick (1995), Printing, power, and the transformation of Vietnamese cultture, 1920-1945, dissertation, Cornell University 

[2]  Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, vĩnh Sính, (2005) Từ Đông sang Tây,NXB Đà Nẵng, tr90

[3]Cao Huy Thuần...Từ Đông sang tây.. tr88

Giới thiệu một bài báo đăng trên báo Đàn Bà mới năm I935.

Bạc bẽo thay nghề làm báo ở xứ này
 Tờ báo là một bó đuốc để tìm Chân Lý.
Người làm báo là kẻ cầm bó đuốc ấy, là kẻ thờ Chân lý một cách chánh đại quang minh, không sợ kẻ lớn quyền nhiều thế, bao giờ cũng muốn làm cho rõ trắng đen, dầu có phải gặp nguy hiểm cũng cam. Tóm lại người làm báo là kẻ có thể nói như Zola: " Tôi tố cáo đây nè!"
Tố cáo những kẻ lạm quyền.
Tố cáo những tội nhân của xã hội mà pháp luật chưa tìm ra được.
Tố cáo những vụ áp chế mà kẻ bị húng hiếp do ngắn cổ mà không kêu được tới các nhà cầm quyền. Nhà làm báo không để cho một việc gì còn được lẩn khuất trong só ( xó) tối.
Vì vậy mà ở các nước nghề làm báo là một cái quyền: quyền thứ tư trong nước. Tờ báo ở Âu Mỹ là một sức mạnh. Chính nhờ cái sức mạnh của báo giới đã bênh vực cho mình mà quan ba Dreyfus ở Pháp vốn bị xử oan, bị khép lầm vào tội phản quốc, sau được luật pháp xét xử lại, tuyên bố ông vô tội. Ta còn thấy cái sức mạnh của báo giới làm cho nội các của nước Pháp phải đổ nhào sau vụ án Dreyfus và chính trị nước Pháp xoay về phía tả. Ở bên Mỹ, Hearst, ông vua làm báo bị Nội các Tardieu trục xuất ra khỏi nước Pháp một cách vô lý, sau về nước cổ động dân Mỹ công kích nước Pháp dữ quá đến đỗi nghị định trục xuất ông Hearst phải hủy đi.
Nhưng nếu ở các nước nghề làm báo là một sức mạnh mà kẻ cầm quyền phải vì nể thì ở xứ Đông Dương này, ngựơc lại, nghề làm báo mới bạc bẽo làm sao!
Không những báo giới quốc âm đã bị khép vào một chế độ riêng về mặt chánh trị, đến báo giới viết bằng chữ Pháp cũng phải giảm thế lực trước những kẻ lớn quyền mạnh thế.
Vụ án Populaire đã tỏ rõ sự ấy. Đây chúng tôi không tường thuật vụ ấy vì luật pháp không cho thuật những vụ án phỉ báng. Chúng tôi chỉ tỏ ít cảm tưởng đối với bạn đồng nghiệp Bonvicini chẳng may đã đụng chạm tới ông vua tiền tỉnh Bạc Liêu là ông Hội đồng Trần Trinh Trạch
Sau khi Tòa án đại hình tuyên bố không có quyền xử vụ án ông Trần kiện báo Populaire, dầu ông này đã làm Hội đồng quản hạt, đã có chân trong Hội đồng tư vấn, có Bắc Đẩu Bội tinh, sau khi tòa đưa trả vụ này cho Tòa Trừng trị, thì chúng tôi chắc thế nào ông Bonivicini cũng bị án rồi.
Vì ở Tòa Trừng trị, điều luật thứ 35 trong Đạo luật năm 1881 không cho viện bằng cớ ra, sự tuyên phạt đã thành một lẽ dĩ nhiên đi rồi. Tòa chỉ cần xét xem bị cáo nhơn có phải vì công tâm mà viết bài báo phạm tới danh giá bên nguyên không? Thì các người làm chứng đều công nhận rằng ông Boncini vì công tâm mà chỉ trích ông Trần Trinh Trạch, rằng ông chủ bút báo Populaire là một người chân chánh.
Nhưng ông Biện lý Serrau khép tội trong vụ án này nói rằng: Dầu có vì công tâm mà chỉ trích bên nguyên ông Bonvicini cũng không được trắng án nào; sự công tâm chỉ là trường hợp được giảm đẳng ( circonstaince atte'nuante) mà thôi.
Thế nghĩa là ở tòa trừng trị, luật pháp đã sẵn sàng để phạt kẻ đã viết báo phạm tới danh giá người ta, dầu là một kẻ viết báo chân chánh, muốn tố cáo việc ám muội, hay một kẻ viết báo chuyên môn làm nghề "thầy hót" cũng để ngang hàng với nhau cả. Quan Biện lý và Quan chánh á trong vụ Populaire cũng chỉ làm đúng pháp luật mà thôi, chúng tôi biết vậy lắm. Nhưng đạo luật về tôi phỉ báng như vậy đối với nghề viết báo mới khắt khe làm sao!
Rồi đây, có một ngày kia, có một thằng điếm móc túi - nếu có muốn, cũng có thể đem một nhà báo ra trước pháp xin được bồi thường danh giá vì nhà báo đó đã đăng tin...nó ăn cắp.
Nghề làm báo như vậy thì còn gì đáng gọi là một quyền nữa?
Tờ báo là mảnh gương phản chiếu dư luận của quần chúng.
Quần chúng bị điều gì áp bức ; sự công phẫn bị đè nén trong lòng không dám lộ ra ngoài, nhưng có một ngày kia nó sẽ bung ra. Khi đó nó sẽ như một thùng thuốc đạn đã bị đè nén lâu rồi, khi nổ ra gây sự hại không phải ít. Rồi nó sẽ gây ra lắm việc đáng tiếc như việc ngày 6 Fe'vrier năm ngoái ở Pháp vậy.
Nay nếu pháp luật hay nhà cầm quyền không cho tờ báo chiếu ra ngoài ánh sáng sự công phẫn ấy thì có khác nào một việc thất sách, một việc thất sách rồi đây khó mà chữa sửa được. Trạng sư Gallet bênh vực cho ông Bonvicini, có tỏ cái nhiệm vụ quan trọng của nhà báo như vầy:
" Dư luận của công chúng mà báo giới làm tiêu biểu, là một sự mà ta không thể nhãng bỏ được, vì sự ấy làm ta tránh được nhiều việc tai biến. Báo giới báo trước cho ta biết những sự nguy hiểm khó tránh nó sắp xảy tới nơi.
Các ngài không thấy ở bên Pháp đó sao? Chẳng phải Báo giới đã kêu: "Phải coi chừng" mỗi khi mà dư luận công chúng bị đè nén sắp sửa bung ra bằng sự biểu tình ghê gớm.
Người ta thấy rằng nhờ Báo giới mà nước Pháp đã tra xét ra được bao nhiêu vụ ám muội nó đem nước Pháp chỉ còn hai bước thì đến cuộc cách mạng. Nếu người ta bịt miệng Báo giới thì sẽ ra sao?"
Nhưng than ôi ! Những lời lẽ hùng hồn của Trạng sư Gallet không đủ làm cho tòa lưu tâm đến cái nghề làm báo ở xứ này, một cái nghề có lợi ích cho chính phủ, cho trật tự trong nước, đáng hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trạng sư biết rằng quan tòa không thể tha cho ông Bonvicini vì luật pháp đã bắt buộc thế, nên ông Gallet xin tòa xử hết sức nhẹ cho bị cáo nhơn.
Vậy mà sau khi nghị án có tới một giờ đồng hồ, tòa tuyên phạt ông chủ nhiệm báo Populaire 1000 quan tiền, và bồi thường danh giá cho bên nguyên 3000 đồng.
Ba ngàn đồng phạt bồi thường danh giá, 1000 quan tiền phạt! những người đi xem xử vụ ấy đều tỏ ý ngạc nhiên vì có lẽ từ trước tới giờ họ chưa thấy một nhà báo nào bị xử nặng đến thế.
Nhưng thôi, luật pháp đã tuyên án, không còn có thể bình phẩm được nữa...

(Bài đăng ở báo Đàn bà mới năm 1935)

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII, XIX: TƯ LIỆU VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ


Nguồn: Báo Giác Ngộ ( VietNam net)

Nguyễn Quang Ngọc
( Bài  gửi đăng trên Tạp chí Xưa & Nay)                                              
          Việt Nam có bờ biển dài, với vùng biển rộng. Biển và đảo suốt tiến trình lịch sử luôn luôn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
         Từ thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ  các thời Lý - Trần - Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để trong bối cảnh lịch sử mới, các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
1. TỔ CHỨC CÁC ĐỘI HOÀNG SA VÀ BẮC HẢI, HÌNH THỨC ĐỘC ĐÁO DUY NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC VÙNG QUẦN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC THẾ KỶ XVII-XVIII
          Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lụccủa nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách chép: “Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... . Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...
       Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...
…  Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Cát Vàng?) huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời” [1].
         Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn đã giớí thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải.
Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa củaĐại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.
          Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khácPhủ Biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên
            Toản tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc. Khoảng một thập kỷ sau, vị Hoà thượng Trung Quốc Thích Đại Sán sau khi sang Đàng Trong, trên đường trở về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: “các Quốc vương [Chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào”[2].
            Thật ra từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hằng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa)[3] và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa)[4]. Như thế từ rất lâu đời các nhà hằng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong. Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”[5].
            Như thế các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa.
            Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ trong thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa được đề cập đến sớm nhất vào thời điểm nào và trong nguồn sử liệu nào?
            Sử sách nhà Nguyễn đều chép thống nhất đội Hoàng Sa được tổ chức ngay từ thuở quốc sơ,tức là từ thời các Chúa Nguyễn đầu tiên. Tuy nhiên sách cũng không xác định rõ là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Nguyên hoặc Nguyễn Phúc Lan…?
          Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15/Giêng/1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: “Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...”. Tư liệu cho phép suy đoán lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa.
         Năm 1636, ng­uời Hà Lan đã đu­ợc phép mở một th­uơng điếm ở Hội An, d­ưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6-3, tại Hội An chúa Thư­ợng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc “chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã đ­ược các ng­ười Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nh­ưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux”. Ông có nhiệm vụ xin đ­ược bồi hoàn số tiền đó. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng “những việc đó đã đ­ược xảy ra từ thời chúa tr­ước (tức chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ng­ược lại, ng­ười Hà Lan từ nay sẽ đ­ược hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, đ­ược miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá đ­ược cứu hộ nữa". Phải chăng những người Việt cứu giúp tầu Grootenbroeck bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, và như vậy càng có cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). 
            Bước sang thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa biển Đông càng trở nên nhộn nhịp thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong ngoài và nước.
            Cũng đúng vào năm 1776 khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa, thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: “Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp...”[6].
            Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Hoàng Sa đi có về không; Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”.
2. TRIỂN KHAI HÀNG LOẠT CÁC HÌNH THỨC THỰC THI CHỦ QUYỀN Ở CẢ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG GẦN TRỌN THẾ KỶ XIX
         Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả.
Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục Chính biên. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đôi Hoàng Sa” năm 1803; “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817...
          Nhưng hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...
         Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soan bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836 thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua “sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn…”. Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của vùng biển đảo  này.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật.... được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851. Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục Chính biên.
          Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục Chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tầu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định.
           Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống nhưPhủ biên tạp lục.
         Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa...
         Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục. Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: “Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2000 cân”.
           Nhiều công trình chuyên khảo hay những ghi chép khách quan của các quan chức, học giả đương thời khác cũng cung cấp thêm những thông tin có giá trị.
Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép “đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm).”
           Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn. Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hằng hải các nước phương Tây đương đại.
Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được...
           Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Thật ra vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.
        Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp tryền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục... Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng lại xác nhận một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất.
           Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục công cuộc thám sát và phòng thủ biển nhằm củng cố chính quyền. Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: "Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này".
           Các tác giả phương Tây lúc đó, trong các tác phẩm của mình, cũng đều công nhận chủ quyền pháp lý của các vua nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.
Giám mục Jean Louis Taberd người Pháp, người nhiều năm truyền giáo ở Đàng Trong cho rằng: "Quần đảo Pracel… Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta". Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ, trong đó ở khoảng vĩ tuyến 170 bắc và kinh tuyến 1100 đông, bản đồ có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng.
          Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography of the Cochinchinese Empire cho biết: "Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ".
           Năm 1850, M. A Dubois de Jancigny, cựu đại uý, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã viết sách nói rõ: "Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó".
           Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình Tự Đức không còn đủ sức chống lại đã lần lượt để mất chủ quyền về tay Thực dân Pháp, trong đó có cả chủ quyền các vùng biển đảo. Tuy nhiên vùng đất máu thịt của tổ tông vẫn là niềm thôi thúc các thế hệ con dân đất Việt đấu tranh đến cùng để giành lại chủ quyền bằng mọi giá.
                                                                                  *
                                                                        *                *
            Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải (trong đó đặc biệt là đội Hoàng Sa) càng ngày càng được tập hợp phong phú hơn, đa dạng hơn. Chúng ta không chỉ biết về các đội Hoàng Sa Bắc Hải trong chủ trương thành lập và chỉ đạo hoạt động của các chúa Nguyễn, của vương triều Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, mà còn biết khá cụ thể các chủ trương ấy đã được chính quyền và nhân dân các địa phương tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ và hết sức nghiêm chỉnh. Đây không chỉ dừng lại ở những văn bản chính thức của Nhà nước và những hoạt động phong phú đa dạng ở các địa phương, mà còn được tập hợp trong những ghi chép của các học giả, các nhà chức trách Việt Nam, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây, thậm chí đến cả nhà sư Trung Quốc đương đại, những người đã thông qua quan sát trực tiếp hay khảo cứu công phu từ những văn bản gốc về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà ghi chép lại một cách khách quan, trung thực.
             Tất nhiên các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân. Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đôi Thuỷ quân. Chúng ta từng biết có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập trở lại... Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dù hoạt động độc lập hay phụ thuộc vào đội Thuỷ quân, thậm chí có là hoạt động dưới danh nghĩa của đội Thuỷ quân đi nữa, thì cứ vẫn là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có được.
             Đến giữa thế kỷ XIX trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, mặc dù dân các đảo Lý Sơn, Phú Quý, các xã An Vĩnh, An Hải, Bình An... vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hoá vật, hải sản dâng nộp cho triều đình Huế - nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa, nhưng chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân. Đến khi triều đình Huế thất thủ, không còn khả năng tổ chức lại quân đội, củng cố các đội Thuỷ quân để bảo vệ trực tiếp kinh thành Huế, thì đương nhiên họ cũng không còn khả năng khôi phục hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải nữa. Sự chấm dứt hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyệt nhiên không phải là do Nhà nước phong kiến Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông.
            Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận. Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi  người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là lẽ sống của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế.
           Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau.



[1] Lê Quý Đôn: Toàn tập (Phủ Biên tạp  lục), T.1, Bản dịch Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr 116.

[2] Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế tr.125.

[3] Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) 1606, in lại trong cuốn Asia in Maps from Ancient time to the Mid-19th Century, Lepzig, 1989.  

[4] Bản đồ Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin, Paris, 1972; Bản đồ Van Langren 1598, in trong cuốnIconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và  A.Masson, Paris, 1931.

[5] Jean.Yves Clayes: Journal de Voyage aux Paracels (Indochine No 45, 1941, tr.7).

[6] Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15 tháng Giêng năm 1776 (lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Xem thêm: http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2004/02/47501/

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...