Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

VỀ NẠN CỐNG VẢI- ĐÔI ĐIỀU CẦN TRẢ LỜI



  GS Phan Huy Lê

Trên báo Đại biểu nhân dân ( ĐBND) số13 (2492) ngày 13-1-2011,  có bài Đôi điều về nạn cống vải của ông Lê Mạnh Chiến và đây là lần đầu tiên tôi đọc báo này. Trước đây tôi có đọc một số bài viết của ông Lê Mạnh Chiến về nạn cống vải trên Thế giới mớiVăn nghệ tp Hồ Chí Minh. Tôi rất quan tâm đến vấn đề ông nêu lên, nhưng qua mấy bài trên Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh thì tôi tự thấy không thể thảo luận những vấn đề học thuật khá sâu, đi vào phân tích giám định, xử lý những cứ liệu trong thư tịch cổ của ta và Trung Quốc trên những báo không chuyên môn. Còn ĐBND là một tờ báo chính trị xã hội của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân nên tôi thấy có trách nhiệm trả lời hết sức vắn tắt đôi điều cần thiết để làm sáng tỏ đúng sai, phải trái trước công luận. 
Tôi xin gạt bỏ tất cả những lời lẽ không lấy gì làm văn hóa, những chuyện xa xôi bên Nga, bên Hàn, cố lọc lấy những thông tin cần thiết trả lời để  người đọc thấy được thực chất của vấn đề và kết quả nghiên cứu khoa học cho đến nay.

1. Ông Lê Mạnh Chiến coi tôi là "người đứng đầu giới sử học mấy chục năm nay". Tôi xin trả lời ngay trong giới sử học không có ai là người đứng đầu cả và cũng không hề có chức danh đó. Còn Chủ tịch Hội KHLS mà Đại hội bầu thì chỉ đứng đầu Ban CH Hội, sau nhiệm kỳ bầu lại. Hội hoạt động theo tôn chỉ mục đích được quy định rõ ràng trong điều lệ do chính phủ phê duyệt và chỉ chịu trách nhiệm về những hoạt động của Hội, không thể gán mọi ấn phẩm về lịch sử của các cơ quan, các tác giả vào trách nhiệm của Hội hay chủ tịch Ban chấp hành Hội. tục ngữ có câu " Giơ cao đánh sẽ" còn ở đây tôi biết dụng ý "nâng cao" để qui tất cả trách nhiệm vào một người mang tính đại diện rồi "hạ gục" hay " làm mất mặt" cả giới sử học như một vài "ngón võ" trên đấu trường. Cách "tranh luận" đó thật xa lạ với hành xử văn hóa trên diễn đàn khoa học chân chính.
2. Về thuật ngữ "thời đại đồng thau", ông cho rằng đưa ra thuật ngữ sai lầm này là "công trình tập thể, trong đó có đóng góp to lớn của các GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê...". Xin ông hãy dẫn chứng? Đây là thuật ngữ khảo cổ học do các nhà khảo cổ học đưa ra tương ứng với thuật ngữ "bronze age" trong tiếng Anh từ những năm 1960. Tôi là một nhà sử học, không liên quan gì đến sự ra đời của thuật ngữ này. Đúng là thuật ngữ này được giới khảo cổ học sử dụng phố biến và  khi khai thác các tư liệu khảo cổ học, người nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác trong đó có tôi, cũng dùng theo. Tôi rất kinh ngạc, ông dựa vào đâu để cho rằng khi biên soạn Từ điển bách khoa VN, tôi đã "cương quyết đưa thuật ngữ sai trái này vào" và đã bị cố GS Nguyễn Văn  Chiển ngăn cản. Sách TĐBKVN còn đó và trừ một ít nhà khoa học cao tuổi đã ra đi, phần lớn tác giả cùng Ban biên soạn, Ban biên tập còn đó, thế mà ông dám dựng lên chuyện bịa đặt 100% như thế. Ban biên soạn TĐBKVMN có 36 Tiểu ban với hàng trăm nhà khoa học trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có Tiểu ban khảo cổ học. Các Tiểu ban chịu trách nhiệm về các mục từ trong phạm vi chuyên môn của mình. Trong T.I  có thuật ngữ "Đồng thau" tương ứng với từ "Brass" trong tiếng Anh hay "Laiton" trong tiếng Pháp (TĐBKVN, T.I, tr. 876) do Tiểu ban Hóa biên soạn, Tiểu ban Khảo cổ học lúc đầu  biên soạn mục từ "Thời đại đồng thau" tương ứng với "Bronze age". Như vậy là có sự khác biệt về thuật ngữ giữa hai Tiểu ban trong cùng một công trình. Chính GS Nguyễn Văn Chiển là người phát hiện ra vấn đề này và theo GS, "Bronze age" nên dịch là "Thời đại đồ đồng" tương ứng với thuật ngữ "Bronze age". Tôi với tư cách Phó trưởng ban biên soạn thứ nhất đã cùng GS Nguyễn Văn Chiển là Ủy viên Ban thường trực, mời đại diện Tiểu ban Khảo cổ học lên làm việc và sau khi trao đổi, Tiểu ban đã chỉnh sửa lại thành mục từ "Thời đại đồ đồng", trong đó có ghi chú "Trước đây trong ngành khảo cổ học VN quen gọi là thời đại đồng thau" (TĐBKVN, T.IV, tr.262). Theo tôi Tiểu ban Khảo cổ học chỉnh sửa như vậy là cần thiết để đảm bảo sự nhất quán trong bộ TĐBKVN và thêm ghi chú như vậy là thỏa đáng. Tuy nhiên, trong khi trao đổi, chúng tôi thấy cụm từ  " Thời đại đồ đồng " còn chung chung, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa "đồng" ( đông nguyên chất hay đồng tự nhiên) và các hợp kim "Bronze" , "brass" trong nghiên cứu khảo cổ học, nên cần tiếp tục nghiên cứu. Cho đến nay, trong các công trình khoa học hay bài viết về khảo cổ học vẫn có người dùng "đồ đồng", có người dùng "đồng thau". Tôi xin nói thêm, các thuật ngữ khoa học, nhất là về KHXH&NV, cho đến nay còn chưa được chuẩn hóa nên còn có sự khác biệt giữa các nhà khoa học và giữa các ngành. Trong Lời nói đầu của TĐBKVN tập IV có nhận xét: "Các thuật ngữ khoa học do các chuyên  ngành sử dụng chưa có sự thống nhất và chuẩn hóa mang tính quốc gia". Công việc chuẩn hóa không thể do một cá nhân quyết định mà cần được sự tham gia, đồng thuận trong giới chuyên môn và nên do một Ủy ban hay Hội đồng nhà nước nghiên cứu trình Quốc hội quyết định như nhiều quốc gia trên thế giới.
3. Về "nạn cống vải" trong thời thuộc Đường liên quan đến nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, ông Chiến đã viết nhiều bài và phê phán, thách đố giới sử học đủ điều với lời lẽ nào là "bịa đặt", "xuyên tạc", "tà thuật", "đánh lừa độc giả"..., trong đó cũng qui trách nhiệm chủ yếu cho tôi. Tôi chỉ trả lời mấy điểm cụ thể:
            3.1. Ông đã dẫn ra 7 cuốn sách và trong bài trên ĐBND bổ sung thêm cuốn Lịch sử Hà Tĩnh, và muốn qui trách nhiệm chính cho tôi. Trong 8 cuốn sách đó, tôi có tên trong 2 cuốn: Lịch sử VN, T.I và Lịch sử Hà Tĩnh. Trong cuốn thứ nhất, tôi là người chủ trì (không phải chủ biên) và tác giả từng chương được ghi rõ trong sách, tôi không viết về thời Bắc thuộc và khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Trong cuốn thứ hai, tôi không phải là chủ biên mà là một thành viên biên soạn được phân công viết các chương từ thế kỷ XV đến XIX. Điều này trong Ban biên soạn ai cũng biết và tôi đã viết rõ trong Lịch sử và văn hóa VN, tiếp cận bộ phận (2007, tr. 564). Tôi không phủ nhận trách nhiệm liên đới trong một công trình chung, nhưng ông Chiến qui kết "là người "cao giá" nhất trong số tám nhà sử học viết Lịch sử Hà Tĩnh tập I, ông Phan Huy Lê không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ sáng tác sử liệu này" thì thật là áp đặt vô căn cứ. Như vậy là trước cuộc hội thảo về "Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu" ngày 8 và 9-11-1208, tôi chưa hề viết một bài báo hay một chương nào trong bất cứ cuốn sách nào về nạn công vải, thế mà ông Chiến cố tình qui kết trách nhiệm cho tôi, vậy trung thực ở đâu và mục tiêu là gì xin để mọi người phán xét.
            3.2. Giới sử học, trong đó có tôi, không muốn tranh luận với ông trên các báo không chuyên môn nhưng không hề né tránh vấn đề khoa học ông đã nêu lên trước công luận. Cụ thể là ngày 8 và 9-11-2008, Viện sử học và Đại học Vinh đã phối hợp tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học mang tiêu đề "Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu" tại thành phố Vinh. Ban tổ chức nhận được hơn 30 báo cáo và số người tham gia hội thảo đến trên 100 người, trong đó có nhiều nhà sử học đến từ các viện, các trường đại học ở trung ương và địa phương. Sau hai ngày làm việc, nghe báo cáo và thảo luận về hầu như tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, trong đó có chế độ cống vải trong thời Bắc thuộc nói chung và thời khởi nghĩa họ Mai nói riêng. Hội thảo thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thu thập và xác minh tư liệu, nhưng đã thống nhất được nhiều vấn đề cơ bản, nâng hiểu biết về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lên một trình độ mới so với trước. Một kỷ yếu tạm thời đã in, phát trong hội thảo và sau khi biên tập, Ban tổ chức đã xuất bản thành sách mang tên Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc: Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu do Nxb Khoa học xã hội in, phát hành quý III-2010.
Về các truyền thuyết đi phu cống vải, bản tổng kết Hội thảo đã nhận định và đánh giá "Trong các truyền thuyết về Mai Thúc Loan có truyền thuyết đi phu cống vải và từ dạng truyền khẩu đã đi vào hát chầu văn, vào thơ khá phố biến ở vùng Nghệ Tĩnh nhất là vùng Nam Đàn. Đó là một bộ phận trong kho tàng truyền thuyết dân gian mà giá trị của nó cần được nhìn nhận và đánh giá theo tiêu chí của thể loại văn học dân gian. Những truyền thuyết đó ít nhiều có xuất phát từ lịch sử và phản ánh những khía cạnh khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, thực tế lịch sử đã qua được lưu giữ hay ảnh xạ qua ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng coi truyền thuyết như lịch sử là một sai lầm về nhận thức và phương pháp luận sử học. Một số tác giả khi biên soạn sách giáo khoa hay lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, không nghiên cứu, đối chiếu với các sử liệu đáng tin cậy, đem các truyền thuyết Mai Thúc Loan đi phu cống vải vào lịch sử là sai lầm" (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 226).
Về chế độ cống vải thời Bắc thuộc, Hội nghị xác nhận, " căn cứ vào ghi chép của Kê Hàm trong Nam phương thảo mộc trạng thì năm 111 TCN, Hán Vũ đế sau khi chiếm Nam việt đã sai đem cây vải từ Giao chỉ về trồng, nhưng thất bại nên bắt cống vải hàng năm (tuế cống) . Giao Chỉ  ở đây là Quận Giao chỉ ở miền Bắc nước ta, chứ không thể là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền Lĩnh Nam (Nam Trung Quốc) vì đơn vị này lập ra sau đó, vào năm 106 TCN ( Tiền Hán Thư,Q 6).  Hơn nữa Cổ Kim sử loại văn tùng ( Q25) còn cho biết đến thời Tam quốc vua Ngụy Văn Đế (220-226) hạ chiếu bắt Giao Chỉ và Cửu Chân hàng năm phải cống nạp quả lệ chi (vải) và long nhãn ( nhãn). Từ những cứ liệu đó, có thể xác định chế độ cống vải đã từng tồn tại ở nước ta, bắt đầu từ thời Tây Hán  và ít nhất cho đến đầu thời Tam quốc vẫn còn. Còn cách thức bảo quản và vận chuyển như thế nào, sử sách không ghi chép và chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.(Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 227). Xin lưu ý kinh đô nhà Tây Hán và nhà Đường đều ở Tràng An. 
Về chế độ cống quả vải thời Đường, Hội nghị kết luận:"Nhưng đến thời Đường, theo Tân Đường thư (Q.43 thượng), Tư trị thông giám (Q.250), Thông giám tổng loại (Q.6) thì vải cống lấy từ Lĩnh Nam, chủ yếu từ Nam Hải, và vận chuyển khẩn cấp bằng ngựa trạm. Sau đó nhà Đường cho ngâm vải vào nước muối hay mật để bảo quản. Đến đời vua Đường Ý Tông (860-874) thí có lệnh đình chỉ chế độ tiến vải (Đường đại chiếu lệnh tập, Q. 86). Như vậy vào thời nhà Đường, chế độ cống vải không còn thi hành ở nước ta nữa và dĩ nhiên, không thể dựa vào truyền thuyết để cho rằng Mai Thức Loan đã từng đi phu cống vải và cũng không thể coi chế độ lao dịch cống vải là nguyên nhân, dù là nguyên nhân trực tiếp, của cuộc khởi nghĩa. Truyền thuyết này có thể phản ánh chế độ lao dịch hà khắc của thời Bắc thuộc nói chung" (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 227).    
Về chế độ cống vải, thái độ của giới sử học, ít nhất là tập thể những nhà sử học tham gia Hội thảo ở Vinh rất rõ ràng. Nội dung quan trọng bậc nhất của Hội thảo này là xác định năm mở đầu cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan là năm 713 và năm kết thúc là năm 722, chứ không phải cuộc khởi nghĩa bùng nổ rồi thất bại trong năm 722. Đây là một thành tựu lớn nhất của Hội thảo và là một thành tựu quan trọng của sử học VN nói chung. Với thành tựu này, khởi nghĩa Mai Thúc Loan trước đây thường chỉ được coi là một cuộc khởi nghĩa địa phương giới hạn trong năm 722 thì nay được nhìn nhận là một cuộc khởi nghĩa qui mô lớn, sau khi bùng nổ ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), đã tiến ra Bắc, chiếm lĩnh phủ thành, giải phóng cả nước và xây dựng, bảo vệ chính quyền độc lập Mai Hắc Đế trong gần 10 năm. Đây là một trong bốn cuộc khởi nghĩa lớn nhất thời chống Bắc thuộc trước khi thành lập chính quyền của họ Khúc: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bý, khởi nghĩa Mai Thúc Loan, khởi nghĩa Phùng Hưng. 
Hội thảo cũng đã thông qua kiến nghị gửi đến các cơ quan có trách nhiệm về khoa học và giáo dục, nhất là về biên soạn sách giáo khoa và lịch sử trong đó kiến nghị thứ nhất như sau:
" Các cơ quan có trách nhiệm về biên soạn sách giáo khoa, về biên soạn lịch sử cần đính chính  lại các sai lầm trước đây về khởi nghĩa Mai Thúc Loan  như cho rằng cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thất bại trong năm 722 , về truyền thuyết đi phu cống vải, đồng thời cần viết lại cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (7I3-722) với quy mô to lớn
4. Nhận thức lịch sử là một quá trình tiến dần tới chân lý, càng ngày càng tiếp cận sự thật lịch sử một cách khách quan và xác thực hơn. Trên con đường vạn dặm đó, mỗi nhà sử học, mỗi thế hệ sử gia có những tìm tòi, khám phá đóng góp vào sự phát triển chung và lúc này lúc khác, người này người khác, khó tránh khỏi những sai lầm, hạn chế. Trước một  thành tựu, một bước tiến của nhận thức sử học được coi là công lao nhiều người, mỗi người tự nhìn vào đó dể khắc phục những sai lầm và vui mừng về phần cống hiến của mình. Dĩ nhiên qua sự sàng lọc của thời gian và công luận, một số phát hiện, một số công trình có giá trị sẽ được nhìn nhận và tôn vinh bằng những giải thưởng khoa học. Đấy là chuyện khác, còn trong nghiên cứu và tranh luận, không nên vội vàng tự khẳng định mình rồi ồn ào thách thức, phê phán mọi người, đòi hỏi phải công nhận thành tựu của mình. Đó là động cơ và thái độ xa lạ với lao động khoa học chân chính và phẩm chất của nhà khoa học thực sự. Trong kết quả xác định lại qui mô và ý nghĩa lịch sử lớn lao của khời nghĩa Mai Thúc Loan, dĩ nhiên có đóng góp của những nhà khoa học cụ thể qua báo cáo và  thảo luận của họ mà ai cũng biết, nhưng bản Tổng kết không nêu tên tuôi của cá nhân và không có nhà khoa học nào đòi hỏi phải nêu tên mình. Có lẽ ông Lê Mạnh Chiến cũng không nên tách mình ra khỏi giới khoa học và nhìn vào kết luận của hội thảo, ông cũng dễ nhận thấy phần đóng góp của ông và cả phần chưa đúng, chưa thỏa đáng của ông.
      Tôi cần nói thêm, tuy hội thảo đã đi đến một số kết luận được mọi người nhất trí, nhưng bên cạnh còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp và ngay cả kết luận đạt được đến lúc nào đó, với những tư liệu mới phát hiện hay với trình độ tiếp cận mới, cũng có thể đưa ra thảo luận để xác nhận, bổ sung thêm hay nhận thức lại. Trong khoa học không bao giờ có kết luận cuối cùng và mọi vấn đề luôn luôn để mở cho sự khám phá mới, nhận thức mới cao hơn. 

1 nhận xét:

  1. Kiểu viết bài như ông Lê Mạnh Chiến thiệt mệt. Sao lại có thể khẳng đinh chắc chắn được chuyện gì cơ chứ. Đọc bài này càng khẳng định quyết tâm lao vào thời kỳ Bắc thuộc. Nhưng .... lừoi wá :)

    Trả lờiXóa

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...