ĐÀO HÙNG
Tạp chí XƯA & NAY
Số 362 Tháng 8 – 2010
TƯỞNG NIỆM 55 NĂM NGÀY QUA ĐỜI CỦA LINH MỤC CADIÈRE (1955-2010), MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN ĐẶT NỀN MÓNG CHO NGHIÊN CỨU DÂN TỘC HỌC Ở VIỆT NAM, ỦY BAN VĂN HÓA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VÀ TÒA TỔNG GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HUẾ, SẼ TỔ CHỨC CUỘC HỘI THẢO VỀ “THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA LÉOPOLD CADIÈRE” TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ GIÁO PHẬN HUẾ. HỘI THẢO DIỄN RA TỪ NGÀY 7 ĐẾN NGÀY 9-9-2010, VỚI SỰ THAM GIA CỦA NHIỀU NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI. NHẰM THÔNG TIN CHO BẠN ĐỌC VỀ CUỘC HỘI THẢO TRÊN, CHÚNG TÔI SẼ ĐĂNG MỘT SỐ BÀI THAM LUẬN TRÌNH BÀY TRONG HỘI THẢO NÀY.
Léopold Cadière được đào tạo tại Chủng viện của Hội Truyền giáo hải ngoại Paris (MEP) và được thụ phong linh mục năm 1892. Ông xuất thân trong một gia đình trại chủ bình thường, không có truyền thống bác học, cũng không gần những trung tâm nghiên cứu khoa học của Pháp. Vốn tri thức của ông chắc cũng không ngoài những điều mà Hội truyền giáo hải ngoại cung cấp cho các giáo sĩ thừa sai để đi làm nhiệm vụ truyền giáo. Tuy không tiếp cận được chương trình đào tạo của các chủng viện, nhưng qua những gì đã được nhìn thấy, tôi có thể hình dung chương trình đào tạo phong phú và chặt chẽ của các chủng viện Pháp thời bấy giờ.
Đến Việt Nam một tháng sau khi thụ phong linh mục, ông được đưa về Tiểu chủng viện An Ninh thuộc Quảng Bình, rồi tiếp tục làm cha xứ ở vùng quê này, xa các trung tâm tri thức của Việt Nam thời bấy giờ, nên chắc cũng không có dịp tiếp xúc nhiều với giới khoa học người Âu ở đất nước thuộc địa này. Nhưng với một giáo sĩ thừa sai thì điều quan trọng nhất là được tiếp xúc với những người dân mà mình có bổn phận chăn dắt.
Vậy mà chính tại giáo xứ Cù Lạc, Cadière đã được gặp Louis Finot và thiếu tá Lunet de Lajon-quière trong chuyến đi công cán cho Học viện Viễn ĐÔng Bác cổ Pháp (EFEO) vừa mới thành lập. Louis Finot (1864-1935) là giám đốc đầu tiên của EFEO từ 1898 đến 1904, một nhà cổ tự học, chuyên gia về chữ Phạn, đã có nhiều công trình nghiên cứu văn bia Khmer, Lào và Chăm… Còn thiếu tá Lunet de Lajonquière là sĩ quan thuộc Trung đoàn 3 thuộc địa Bắc kỳ, cộng tác viên đầu tiên của EFEO từ 1899, nhà dân tộc học đã có nhiều công trình nghiên cứu về các tộc người thiểu số miền Bắc Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa các học giả đã thành danh với một vị cha xứ trẻ tuổi vô danh ở cái xứ hẻo lánh này đã để lại những ấn tượng sâu đậm với các nhà nghiên cứu trên đường đi khảo sát văn hóa và lịch sử Việt Nam. Dù lúc đó Cadière chưa có công trình nghiên cứu gì đáng kể, nhưng chỉ qua tiếp xúc ban đầu, Louis Finot đã nhìn thấy ở ông một tài năng nghiên cứu đầy triển vọng. Họ đã kết bạn, và có lẽ đó sẽ là niềm khích lệ cho Cadière thêm tin tưởng trên bước đường nghiên cứu của mình. Sau này Louis Malleret, giám đốc EFEO từ 1950-1956, đã ghi lại rằng “Louis Finot thường nói, phát hiện đẹp nhất của mình trong chuyến công cán đầu tiên khảo sát Đông Dương chính là cha Cadière” (la plus belle découverte qu’il avait faite ló de son premier voyage d’exploration de l’Indochine était le R.P.Cadière).
Ngay từ số đầu tiên của tập san Học viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO), Cadière đã có bài viết nhan đề Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian ở thung lũng Nguồn Son, ra mắt năm 1901. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, sau khi đặt chân đến đất nước này, Cadière đã thông thạo tiếng Việt và đi vào nghiên cứu văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam. Thông thạo tiếng bản địa là yêu cầu đầu tiên đối với các giáo sĩ thừa sai trong nhiệm vụ truyền giáo, đó cũng là chỗ khác nhau giữa những nhà nghiên cứu trong giáo hội với nhiều nhà nghiên cứu Pháp thời bấy giờ. Vì hầu như các nhà nghiên cứu Pháp thời đó, mặc dầu đã viết rất nhiều sách về Việt Nam nhưng vẫn chưa đọc được các tư liệu tiếng Việt mà phải dựa vào phần lớn là thư tịch Pháp hoặc Anh, tất nhiên trừ người rất thông thạo Hán Nôm chuyên về cổ tự học.
Các công trình nghiên cứu đầu tiên của Cadière là về ngôn ngữ học, như ngữ âm học tiếng Việt, phương ngữ Mường, đồng thời nghiên cứu nhiều văn bản về lịch sử, như đã cộng tác với Paul Pel-liot để viết về Nghiên cứu bước đầu về nguồn tư liệu An Nam trong lịch sử An Nam đăng trên BEFEO năm 1094. Nhưng phải nói ông là người đặt nền móng cho nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, đặc biệt các công trình của ông về tín ngưỡng dân gian ở địa phương nơi ông làm việc là những công trình có giá trị đổi mới, khác với nhiều trước tác của các nhà nghiên cứu trước đó thường nhìn các tín ngưỡng bản địa bằng con mắt kỳ thị. Cadière còn quan tâm đến việc sưu tầm cây cỏ, và đã có một vài nghiên cứu trong lĩnh vực này. Ông đã cung cấp cho Bảo tàng lịch sử tự nhiên Pháp và nhiều cộng tác viên trên thế giới hàng nghìn mẫu cây cỏ tìm thấy ở Việt Nam, chủ yếu là tại Quảng Bình.
Dù đã được công nhận là thành viên thông tấn của EFEO từ 1906, rồi đến tháng 10-1918 lại được công nhận là thành viên hưởng trợ cấp (pensionnaire), nhưng ông chỉ giữ danh nghĩa đó có 2 năm, vì ông từ chối không ra làm việc tại Hà Nội, mà vẫn tiếp tục giữ nhiệm sở tại Cửa Tùng. Tại đây ông đã xây dựng một nhà thờ, mở một trường học và lập nên một vườn bách thảo nổi tiếng vì những cây có dầu và cây dương xỉ hiếm.
Trong hơn 30 năm (từ 1913-1944), AAVH mặc dầu với số người ít ỏi, phương tiện làm việc chưa phải đầy đủ, nhưng đã gánh vác sứ mệnh “truyền đến cho các thế hệ mai sau tầm nhìn chân chính về Việt Nam xưa trước khi nó bị biến mất hẳn”. Tập san của Hội cùng với các tập san của EFEO và Hội Nghiên cứu Đông Dương đã trở thành nguồn tư liệu phong phú nhất để tìm hiểu Việt Nam xưa, mà Cadière đã có lý khi nói rằng: “Những ai muốn nghiên cứu các sự vật ở Huế và cả Việt Nam, đều phải tham khảo Tập san, nếu họ muốn làm một công việc đến nơi đến chốn” (báo cáo năm 1933).
Sau cách mạng tháng Tám, linh mục Cadière vẫn tiếp tục ở lại Quảng Bình. Nhưng khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng 6 linh mục người nước ngoài khác bị chính quyền cách mạng quản thúc tại Vinh từ tháng 1-1947 đến tháng 6-1953. Trong thời gian đó, ông đã tranh thủ lúc bị giam giữ để ghi lại hồi ký của mình. Đó là hơn 1.500 trang viết bên lề của những cuốn sách in một cách thận trọng. Chính trong thời gian bị quản thúc đó mà ông đã được EFEO công nhận là thành viên danh dự năm 1948. Sau khi được trao trả về Huế năm 1953, linh mục Cadière từ chối không hồi hương, vì lúc đó ông đã 84 tuổi. Cadière qua đời tại Huế năm 1955.
Cuộc đời của Léopold Cadière là cuộc đời của một linh mục cống hiến cho giáo dân, vì đó vẫn luôn luôn là mục đích chính của ông. Tìm hiểu và nghiên cứu về con người và văn hóa của những người dân mà mình có nhiệm vụ chăn dắt, cũng là một trách nhiệm trong công việc mục vụ, mà bất cứ một linh mục nào cũng phải làm. Nhưng với Cadière, ông đẩy cao lên đến mức nghiên cứu khoa học, mà vẫn không mâu thuẫn với công việc thường ngày của một cha xứ.
Cùng thời với Cadière, thiết tưởng cũng nên nhắc đến linh mục Francois – Marie Savina (1876-1941), thụ phong linh mục tháng 6-1901, một tháng sau thì đến Bắc kỳ để được đưa lên Lào Cai tại vùng người Hmông, Từ 1906-1924, ông tiếp tục truyền giáo với người Hmông ở Vân Nam. Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, ông là một trong những người Âu thời đó thông thạo tiếng Hmôngm và là tác giả của nhiều cuốn từ điển song ngữ như Từ điển Mèo – Pháp, Sách vỡ lòng Mèo – Pháp, Từ điển Tày – Việt – Pháp, Từ điển Pháp – Mán, Từ điển từ nguyên Pháp – Nùng – Hoa…
Nhưng điều quan trọng là trong công việc mục vụ, ông đã trở thành người hiểu sâu về người Hmông, quan tâm đến những khát vọng của họ, và đã phát hiện ra những căng thẳng trong quan hệ giữa người Hmông với người Thái và người Giáy ở dưới thung lũng, để đi đến dự báo sắp có cuộc nổi dậy của người Hmông ở vùng này từ năm 1914. Những nhận định của ông về quan hệ bóc lột đối với người Hmông của các thổ ty Thái ở Lào Cai và Hưng Hóa là chính xác, nhưng lúc đầu chưa được nhà chức trách thuộc địa quan tâm. Bốn năm sau, cuộc khởi nghĩa của người Hmông bùng nổ, bắt đầu ở Lào Cai tháng 7-1918 và mãi đến tháng 3-1921 mới kết thúc ở Luang Prabang, mà tài liệu thuộc địa thời đó gọi là “cuộc chiến giữa các phù thủy”. Nhưng thực chất đó là một hiện tượng cứu thế (mesianique), do một thủ lĩnh Hmông là Pa Chay khởi xướng.
Savina là người đã từng tiếp xúc với Pa Chay và là nhân chứng sáng suốt nhất của hiện tượng này ngay từ đầu. Chính vì vậy mà ông đã được Toàn quyền Đông Dương nhờ viết một báo cáo mật năm 1920 là “Báo cáo chính trị về cuộc nổi dậy của người Mèo ở Bắc kỳ”. Nhưng đáng tiếc là quan điểm của Savina đối với các hiện tượng tôn giáo và tín ngưỡng của người bản địa còn mang nhiều thành kiến của người Kitô giáo thời bấy giờ. Khi phân tích hiện tượng xưng vua của người Hmông – một hiện tượng cứu thế – thì ông lại đi đến chỗ gần như châm biếm, coi đó là những biểu hiện dị giáo. Ông không phân biệt được những nghi thức và biểu hiện của saman giáo với tín ngưỡng cứu thế, và đánh đổ đồng tất cả những thầy pháp Hmông là “phù thủy” mê tín dị đoan. Thái độ nghiên cứu của Savina vẫn là thái độ của người quan sát bên ngoài để đánh giá văn hóa của người bản địa, chưa hòa nhập được vào thế giới tâm linh của người Hmông, mặc dầu ông rất thông thạo tiếng nói và hiểu biết phong tục tập quán của người bản địa. Nên dù Savina đã để lại những công trình nghiên cứu dân tộc về người Hmông như Histoire des Miao (1924), nhưng đến nay ít được giới nghiên cứu nhắc đến.
Là hai người cùng thời, có lẽ cũng được đào tạo gần như nhau, nhưng cách tiếp cận với đối tượng nghiên cứu của mỗi người một khác. Ta thấy ở Léopold Cadière một thái độ dấn thân hiếm có ở các nhà nghiên cứu đương thời, dù là nhà khoa học chuyên nghiệp hay là một giáo sĩ thừa sai làm nghề tay trái. Ngày nay, phương pháp nghiên cứu của Cadière không còn xa lạ với các nhà nhân học, mà sau Thế chiến thứ hai mới xuất hiện những đồ đệ của phương pháp “quan sát tham dự” (observation participative), nhưng với Cadière từ những năm giữa hai cuộc Thế chiến, mà đã có một thái độ nghiên cứu như vậy thì quả thật là hiếm có.
Sau Thế chiến thứ hai, khi Việt Nam đang bước vào cuộc chiến tranh giải phóng, thì đã có những nhà dân tộc học tình nguyện đến sống với các tộc người Tây Nguyên, như Jean Boulbet đến với người Mạ năm 1946, Georges Condomi-nas đến với người Mnông Gar năm 1948, và đã để lại nhiều công trình nghiên cứu dân tộc học có giá trị. Trong khi Condominas sống với người Mnông suốt một chu kỳ sản xuất trong một năm, thì Boulbet lại đưa cả gia đình đến sống với các tộc người thiểu số trong nhiều năm trời, cùng chia sẻ những suy nghĩ và thế giới quan của đối tượng được nghiên cứu, mà trước hết là phải thông thạo ngôn ngữ của người dân địa phương.
Trong những người thuộc thế hệ nghiên cứu sau chiến tranh này phải kể đến Jacques Dournes. Ông tham gia MEP sau khi được thụ phong linh mục năm 1945 lúc 24 tuổi, và được bổ nhiệm đến vùng người Srê ở Kala gần Di Linh. Ông đã ở lại Việt Nam 25 năm trên cao nguyên và trong thời gian đó đã hoàn thành 250 công trình. Ngoài những luận văn về thần học, ông còn để lại một kho tàng đồ sộ về dân tộc học Đông Nam châu Á với các tộc người chưa có chữ viết. Với ý thức dấn thân vào cuộc sống của cư dân bản địa, từ 1946 đến 1952, ông đã lần theo những con đường mòn của người địa phương, đi từ buôn nọ đến buôn kia bằng đôi chân như những người bản địa, suốt từ Phan Thiết đến Đà Lạt và Kontum. Sau này ông đã cho ra mắt cuốn Đi theo con đường của những người trên Cao Nguyên Việt Nam (Nxb Julliard, Paris, 1955, 251 trang), một cuốn sách trình bày về lịch sử, con người, những kiến thức về thực vật, các kỹ thuật và lối suy nghĩ của cư dân miền núi. Ông đã đi qua vùng trồng lúa nước của người Srê, vùng làm rẫy của người Raglai, Mạ và Nup. Những đêm thức nghe kể khan bên bếp lửa với tiếng cồng chiêng, cùng uống rượu cần, đã gợi lên cho Dournes những không gian tinh tế, những nghi thức và biểu tượng của phút giây cộng cảm. Ngoài những tìm hiểu về dân tộc học tôn giáo của người dân trong vùng, ông còn nắm bắt những khía cạnh kinh tế như con đường vận chuyển muối, những kho tàng Chăm ở vùng người Raglai, kỹ thuật canh tác, khoa học về chiêm tinh, so sánh về ngôn ngữ… Cho đến nay, ký ức của người dân Tây Nguyên về linh mục Dournes vẫn chưa phai mờ. Đó là vì cách nhìn của ông khác hẳn những nhà di thực hay các quan cai trị cũ ở vùng này: “Còn về cái mà ta thiếu để có thể thực sự đi vào bên trong, ta có thể bù lại bằng sự nhạy cảm thường trực và một mối thiện cảm vĩnh cửu. Ta chỉ có thể hiểu những người mà ta quí mến, bằng tình yêu thúc đẩy ta trở nên giống như họ, đi vào con người họ”.
Đặc biệt về vấn đề tôn giáo, Jacques Dournes có một cái nhìn bao dung đối với tín ngưỡng của những người mà người Kitô giáo cho là “ngoại đạo” (les paiens). Một câu nói của ông đối với cư dân Tây Nguyên “Chúa yêu những người ngoại đạo” (Dieu aime les paiens), sau này trở thành nhan đề của một cuốn sách ông viết về thần học và dân tộc học.
Trở về Pháp năm 1970, ông làm việc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia CNRS, sau đó lui về miền tây – nam nước Pháp cho đến khi qua đời năm 1993. Ở Tây Nguyên, người dân đã làm cho ông một nhà mồ để tưởng nhớ đến người đã gắn bó cuộc đời với họ.
Đưa ra sự so sánh giữa hai nhà nghiên cứu cũng xuất thân là giáo sĩ thừa sai, nhưng sống cách nhau một nửa thế kỷ, tôi luôn nhấn mạnh đến những điểm tương đồng giữa hai người trong phương pháp nghiên cứu. Quả thật từ nửa sau của thế kỷ XX, về mặt phương pháp luận, ngành nhân học đã có những bước tiến dài, thoát khỏi quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm (eurocentrisme). Khái niệm về “văn hóa” cũng được nhìn nhận lại, với những định nghĩa mới của Clifford Geertz, nhất là trong những phân tích về tôn giáo. Mặc dầu bước vào con đường nghiên cứu trong thời gian đầu của sự hình thành bộ môn dân tộc học, nhưng Cadière đã tránh khỏi những lầm lẫn của nhiều tác giả đương thời, chính là vì ông biết hòa nhập vào với đối tượng được khảo sát, bằng tình yêu chân thực đối với họ. Đấy là cái đáng trân trọng đối với di sản nghiên cứu về Việt Nam mà Cadière đã để lại cho chúng ta.
Từ tập sách đầu tiên do Đỗ Trình Huệ dịch thuật (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, 1997), đến nay đã có thêm nhiều bản dịch khác. Nhưng vẫn còn nhiều di cảo của Cadière chưa được dịch thuật và chưa được công bố (kể cả bản tiếng Pháp). Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục khai thác tập hồi ký mà ông đã viết trong thời gian ở Vinh, cùng với những ghi chép trong “ký ức của một ông già Việt hóa” (Souvenirs d’un vieil annamisant) đã từng đăng tải trên các tập san nghiên cứu ở Hà Nội. Đó cũng là cách tưởng niệm thiết thực đối với Cadière, một người đã có nhiều đóng góp cho kho tàng nghiên cứu về Việt Nam.
—–
Xin giới thiệu bà con cuốn: Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857 -1914) của GS Cao Huy Thuần.
BONUS
Người chuyên dịch tác phẩm của nhà nghiên cứu Léopold.Cadière:“Đọc công trình của ông, tôi thấy bóng dáng ông bà mình, cha mẹ mình, nguồn cội mình...”
NDĐT - Đầu tháng 9, dịch giả Đỗ Trinh Huệ vừa ra mắt bạn đọc ba tập sách (1.000 trang theo nguyên tác) với tựa đề: Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt do NXB Thuận Hóa ấn hành. Đây là tập hợp những bài viết đặc sắc trong số 250 bài và công trình nghiên cứu của L. Cadière, chủ bút tập sách Đô Thành Hiếu Cổ (Những người bạn Cố Đô Huế). Ông Đỗ Trịnh Huệ cho biết:
Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt có 19 chương, gồm các phần: Nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng; Gia đình và Đạo giáo của người Việt; Lăng tẩm vua chúa kể cả mộ phần thứ dân; ngoài ra còn một số chương mục bàn về tập tục và ngạn ngữ dân gian, đặc biệt về vũ trụ luận và nhân sinh quan người Việt qua ngôn ngữ... Dịch giả Đỗ Trinh Huệ đã làm việc cật lực suốt một năm liền để hoàn thành tập sách. Có lúc ông dịch đến sáng. Thậm chí cả lúc đi xa, ông cũng mang theo chiếc máy tính để tranh thủ làm việc.
Điều gì khiến ông gắn bó với các bài viết của L.Cadière?
Tôi tiếp cận những bài viết, công trình (tạm gọi là bài viết-BV) của L. Cadière từ lâu và bị hấp dẫn bởi những thông tin thú vị về văn hóa, dân tộc học. Năm 1997, tôi dịch Tế Nam Giao và in sách song ngữ Pháp - Việt. Năm 2000, lúc còn giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Huế, tôi thực hiện đề tài cấp Bộ Nghiên cứu cách tiếp cận của L. Cadière với văn hóa Việt Nam, sau đó tôi ra quyển Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Quyển này được đông đảo bạn đọc đón nhận, sau đó phải tái bản thêm 1.000 cuốn. Ba tập sách tiếp theo là bản dịch thứ 5 của tôi nhân hội thảo Thân thế và sự nghiệp của L. Cadière được tổ chức tại Huế vào ngày 7, 8, 9 tháng 9.
Nhiều dịch giả cho rằng, giỏi tiếng Pháp chưa chắc đã dịch đuợc những BV của L. Cadière?
Đúng như vậy. Tôi đã nỗ lực hết mình mong truyền đạt đúng, đủ ý nghĩa những bài viết của L. Cadière. Dịch BV của ông phải am tường văn hóa Việt Nam, biết một ít thuật ngữ Latinh, Hy Lạp vì nhiều ý niệm, trích dẫn, L. Cadière dùng nguyên bản bằng Latinh hay Hy Lạp mà không dịch ra tiếng Pháp. Biết thêm chữ Nho thì càng hữu ích. Chẳng hạn, trong bài viết về hệ thống Ngự Hà ở Kinh thành, nếu không tìm hiểu thực địa hoặc không tìm đọc những chú thích bằng chữ Nho thì sẽ vội vã dịch theo tiếng Pháp Porte des Eaux là Thủy Môn thay vì Thủy Quan. Một số bài, ông thể hiện tiếng Pháp theo cách nói và tâm tư người Việt.
Đọc công trình của ông, tôi thấy bóng dáng ông bà mình, cha mẹ mình, nguồn cội mình với tất cả vẻ đẹp nguyên sơ. Trong lúc dịch, tôi chợt nhớ đến câu nói của Phạm Quỳnh đại ý: Văn hóa Tây phương có thể làm cho văn hóa Việt Nam giàu thêm mà thôi chứ không thể thay thế được. Nếu đánh mất văn hóa, nghĩa là đánh mất linh hồn mình.
Ông thấy cách tiếp cận và thể hiện L. Cadière có điểm gì đặc biệt so với các nhà nghiên cứu khác?
Ngày trước, dù còn nhiều khó khăn nhưng ông đi bộ, quan sát vẽ, ghi chép tỉ mỉ... từng địa danh, phong tục. Trong bài nghiên cứu về việc thờ cây thờ đá, ông đã minh hoạ với trên 50 hình ảnh thực địa, có ghi rõ địa danh và cách bài trí. Rất ít người được như L. Cadière, ông tiếp cận văn hóa Việt Nam với sự tôn trọng, thiện cảm. Ông từng viết: Tôi hiểu người Việt bởi vì tôi nghiên cứu kỹ về họ... Nghiên cứu và hiểu họ nên tôi yêu mến họ... Tôi yêu mến họ vì họ thông minh... Tôi yêu mến họ vì những đức hạnh tinh thần... Ngay những tập tục mà người Tây phương khó lòng chấp nhận, L. Cadière không chê bai mà tìm nguyên nhân, nhìn nhận vấn đề rồi kết luận: Cũng do từ tâm mà ra cả. Có ý thức về văn hóa đúng đắn mới hiểu và nhìn được như vậy. Cái hay của ông là tránh được sự đụng chạm trong khác biệt văn hóa. Nếu rơi vào kích điểm này, dễ nảy sinh nhiều tranh cãi vô cùng. Những BV của ông phần lớn là được trình bày trước một cử tọa Pháp thoại như biện minh, để người nước ngoài tránh cái nhìn lệch lạc về văn hóa Việt. Bao trùm trong các BV của ông là tinh thần: Nếu chưa hiểu thì đừng vội bài xích.
Ông muốn gửi gắm gì đến người đọc?
Tôi muốn lớp trẻ được đọc và hiểu về cội nguồn. Văn hóa thường biến động và ngày càng thăng hoa. Giới trẻ nên chọn cho mình một hướng đi như thế nào để không lệch khỏi quỹ đạo văn hóa dân tộc. Tập sách là công trình lớn của L. Cadière, tôi chỉ làm công việc nhỏ bé là giúp người đọc tiếp cận nó một cách thuận tiện hơn. Làm văn hóa nên hết mình, tôi không đặt nặng vấn đề thành công hiện thời, cũng như L. Cadière đã dè dặt chưa nghĩ những luận cứ của mình đã hoàn toàn xác thực, còn đợi người sau bổ khuyết.
L. Cadière là một linh mục người Pháp được cử đến phục vụ tại Việt Nam. Ông là chủ bút của tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Những người bạn Cố đô Huế) suốt 30 năm (1914-1944). Ông sống và gắn bó với Việt Nam trong suốt 63 năm; nói tiếng Việt sành rõi từ năm 26 tuổi. L. Cadière có khoảng 250 công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực: ngôn ngữ, xã hội học, dân tộc học, khảo cổ học, môi trường và kể cả du lịch... Nhiều bài viết còn có giá trị cho đến ngày nay. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ 20.
LÔ DINH (thực hiện)
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=0&article=183200
Nguồn :