Nguồn: Báo Nhân dân hàng tháng số Xuân Quý Tỵ
Mỗi tấc đất Tổ quốc
là một thước đo phẩm giá con người
Nơi bắt đầu Tổ quốc cũng là nơi bắt đầu của lịch sử một dân
tộc. Những ngày cuối năm, nhớ về nguồn cội, về biên cương hải đảo, GS.TS Nguyễn
Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã dành cho
chúng tôi cuộc trò chuyện dưới góc nhìn lịch sử.
Chủ quyền lãnh thổ
trong tâm thức của nhân dân
- Thưa Giáo sư, qua những cứ liệu lịch sử, ông có thể cho biết sự hình thành lãnh thổ và chủ quyền đất nước
Việt Nam được bắt đầu như thế nào?
- Sau một quá trình phát triển lâu dài của các nền văn hóa
tiền sử, vào sơ kỳ thời đại Đồ Sắt, trên lãnh thổ của nước Việt Nam hình thành
ba trung tâm văn hóa lớn làm cơ sở cho sự ra đời của những nhà nước cổ đại đầu
tiên: văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc dẫn đến sự ra đời của nhà nước Văn Lang, Âu
Lạc; văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung Bộ chuẩn bị cho sự xuất hiện
nhà nước Lâm Ấp, Chămpa và văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ quan hệ với sự ra đời của
vương quốc Phù Nam.
Nước Việt Nam ngày nay bắt đầu quá trình hình thành từ ba vùng
văn hóa lớn đầu tiên ấy. Ý thức truyền thống về chủ quyền lãnh thổ của người Việt
Nam cũng bắt đầu từ quá trình ra đời và hợp nhất của ba nhà nước hết sức sơ
khai này. Nói một cách khác, từ ba vương
quốc đầu tiên làm cơ sở nền tảng, làm cốt lõi, dần dần mở ra quá trình khai phá,
dựng xây, quá trình chinh phục thiên nhiên hoang sơ, núi rừng, biển cả, từng
bước mở cõi và định cõi. Không chỉ trên đất liền, dân tộc Việt Nam là một dân tộc
sinh ra trên bờ Biển Đông, sống cùng biển và sớm vươn ra khai chiếm biển. Và dấu
chân đi mòn mở lối của ông cha từ nghìn đời đã rất tự nhiên - hình thành nên
những vùng biên cương lãnh hải.
- Vậy cũng theo góc nhìn lịch sử, đường biên giới trên biển cũng như
trên bộ, rõ ràng không chỉ là ranh giới hành chính, mà là dấu mốc thiêng liêng
của quá trình hàng nghìn đời khai chiếm và sinh sống của tổ tiên ta. Đó còn là
truyền thống văn hóa, có rất nhiều yếu tố hợp thành?
- Đó là sự ghi dấu quá trình mở đất và giữ đất của các thế hệ
tiền nhân. Ngay buổi đầu khai hoang mở đất, lấn biển, chống chọi với thiên nhiên
hoang dã, lịch sử được viết bằng những trang mồ hôi, nước mắt, máu xương của bao
thế hệ người Việt Nam, thấm đẫm, quấn quyện, chất chồng. Mảnh đất đó vì thế mà
trở thành thiêng liêng, thành gắn bó như bộ phận trong cơ thể, không thể và
không dễ gì lại có thể để rơi vào tay người khác. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt
đầu từ đất đai nơi mình chôn nhau cắt rốn, tình yêu quê hương đất nước bắt đầu
từ những cái hết sức bình dị như vậy. Những vùng đất, vùng biển xa xôi như Hoàng
Sa, Trường Sa chẳng hạn, khi mà tổ tiên chúng ta đi ra đó, thực sự là những cuộc
vật lộn, chống chọi với bão tố, phong ba, dấn thân vào cõi chết và vượt lên cái
chết: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”. Người dân
đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa, Trường Sa là vì lệnh vua, phép nước, vì sự toàn vẹn của
lãnh hải, lãnh thổ của cha ông để lại. Đất đai, biển cả của Tổ quốc, nó đâu chỉ
đơn thuần là đất, là nước, là biển, là đảo đá, bãi ngầm, bãi cạn..., mà còn là
cả núi xương, biển máu của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam kết tinh trong đó.
Vì vậy mà vô cùng thiêng liêng.
- Vâng, biên giới hải đảo của Tổ quốc không chỉ rõ ràng trên bản đồ, văn
bản, mà còn một cứ liệu lịch sử khác vô cùng quan trọng, đó là sự lưu giữ trong
tâm thức của nhân dân…
- Cương vực và lãnh thổ Việt Nam không chỉ được xác định và
cố định lại trong hệ thống bản đồ, tư liệu, cứ liệu lịch sử rõ ràng, minh bạch,
chuẩn xác, mà còn ghi đậm, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.
Điều đó thể hiện xuyên suốt trong lịch sử, thành một ý thức
truyền thống bền chặt. Lý Thường Kiệt và quân dân nhà Lý quyết tiêu diệt đến
cùng quân xâm lược Tống trên chiến tuyến sông Cầu là để khẳng định một chân lý
vĩnh hằng rằng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở). Thời vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết rất rõ: “Từ
Triệu – Đinh –Lý – Trần – Lê bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán – Đường – Tống-
Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Đến Lê Thánh Tông thì việc bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng: “Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái
Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di”. Ông cho khắc tuyên ngôn bất hủ của mình trên
núi Bài Thơ (Hòn Gai, Quảng Ninh): “Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại” (Muôn thuở
Trời Nam núi sông còn mãi). Ý thức chủ quyền quốc gia lãnh thổ đã trở thành một
nguyên tắc tối thượng: nếu một người nào đó, bất kể họ là ai, để mất vào tay kẻ
thù dù chỉ một tấc đất của cha ông thì đều bị khép tội phản quốc và phải chịu
hình phạt cao nhất của triều đình.
Bảo vệ chủ quyền là
trọng trách tối cao của mọi triều đại
- Vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ là trọng trách hàng
đầu của mỗi triều đại trong lịch sử dân tộc?
- Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, gìn giữ toàn vẹn mỗi tấc
đất biên cương của Tổ quốc không chỉ là trọng trách cao cả của mọi vương triều,
mọi thể chế chính trị, mà còn là tiêu chí cao nhất để xác định phẩm giá con người
Việt Nam được ký thác trong dân gian. Bất cứ ai, dù nổi tiếng đến đâu, nhưng nếu
để mất nước, để mất đất thì đều bị lên án gay gắt. Trong lịch sử Việt Nam đầu
thế kỷ XV, Hồ Quý Ly là một bậc anh hùng cái thế, nhưng chỉ vì tiến hành cuộc
kháng chiến chống quân Minh xâm lược không thành, mà đã phải “để hận mấy nghìn
năm”, “để đến nỗi lòng dân oán hận”. Phan Thanh Giản, Tiến sĩ nho học đầu tiên
của Nam Bộ, một trí thức lừng danh của thế kỷ XIX, buộc phải thay mặt triều đình
ký hiệp ước nhượng bộ thực dân Pháp. Dù đã chọn cho mình cái chết, ông vẫn
không khỏi mang tiếng là “mãi quốc” (bán nước). Hay như vua Gia Long, người có tài cầm quân, có tài tổ chức và tập
hợp dân chúng, nếm mật nằm gai mở cõi và định cõi, làm nên một nước Việt Nam
thống nhất, rộng dài và trọn vẹn. Sự nghiệp của ông không thể nói là không lớn
lao và lừng lẫy. Thế nhưng ông vẫn phải chịu trách nhiệm nặng nề trước lịch sử
vì đã từng rước quân ngoại bang về dày xéo bờ cõi, và có thể vì thế mà cho đến
nay vẫn tồn tại nhiều cách đánh giá rất khác nhau về ông. Lịch sử có những
phán quyết nghiệt ngã đến như vậy, bởi vì chủ quyền lãnh thổ quốc gia bao giờ
cũng là vấn đề trọng đại.
- Điều đó cũng một phần bởi lịch
sử đã trao vào dân tộc Việt Nam một số phận khắc nghiệt, luôn phải chống chọi với
các thế lực ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ?
- Đúng vậy. Có một thực tế là lãnh thổ nước ta ở vị trí trọng
yếu, đầu mối của nhiều con đường giao thương, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây,
nơi tiếp xúc giữa đại lục và đại dương… Từ đó, mà đất nước ta luôn bị đe doạ, bị
nhòm ngó bởi các thế lực lớn mạnh, từ nhiều phía, trong điều kiện tương quan
lực lượng hết sức chênh lệch. Vì thế mà trong toàn bộ lịch sử lâu dài và oanh
liệt của dân tộc Việt Nam, lịch sử chống ngoại xâm luôn luôn là nội dung xuyên
suốt, bao trùm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam có truyền thống thờ cúng
những vị anh hùng, những người có công chống giặc ngoại xâm.
Và bài học lịch sử về
khát vọng hoà bình
- Vậy bài học lịch sử cho công cuộc gìn giữ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền
lãnh thổ đất nước là gì, thưa Giáo sư?
- Tôi thấy trong lịch sử, tất cả các vương triều tiến bộ và
hùng mạnh đều giữ được trọn vẹn quốc gia lãnh thổ. Tại sao chúng ta đặc biệt đề
cao nhà Trần? Vì nhà Trần ba lần chiến thắng đại đế chế Mông - Nguyên hùng mạnh
nhất thế giới đương thời. Vó ngựa của chúng đã dẫm nát cả hai đại lục Âu – Á,
nhưng lại bị chặn đứng ở nước ta, không phải một lần mà đến ba lần. Vì sao? Trần
Hưng Đạo đã từng tổng kết: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là
thượng sách giữ nước”. Bài học trong lịch sử giữ nước là giữ dân, là cải thiện
và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân. Giữ nước phải vì dân, vì thế
mới huy động được sức mạnh của toàn dân.
Tất cả các kẻ thù ngoại bang đều nhằm vào lúc đất nước rối
ren mà tấn công, xâm chiếm. Một trong những điểm yếu cơ bản mà kẻ thù dễ lợi dụng,
đó chính là sự chia rẽ, mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ. Trái lại, một khi đã
đoàn kết được toàn dân thì ngay trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp nhất, chúng
ta vẫn hoàn toàn có đủ khả năng lật ngược thế cờ.
Một bài học quan trọng nữa: mặc dù số phận đặt lên vai dân tộc
ta một lịch sử đi liền với đoạn trường chinh chiến như vậy, nhưng không mấy dân
tộc như Việt Nam lại cháy bỏng khát khao hoà bình đến thế. Lê Lợi, Nguyễn Trãi
sau hàng loạt những kỳ tích anh hùng ở Tốt Động – Chúc Động, Chi Lăng – Xương
Giang, đẩy quân Minh trong thành Đông Quan vào thế “kế cùng, lực kiệt”, chỉ còn
chờ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng các vị đã không chọn con đường đánh tiêu diệt,
mà sẵn sàng “giảng hoà” kết thúc chiến tranh dưới hình thức hội thề. Hội thề Đông
Quan thực chất là hiệp ước đầu hàng của quân Minh, bảo vệ được toàn vẹn lãnh
thổ của Đại Việt mà không hao tổn thêm xương máu. Ý chí đó được Nguyễn Trãi
viết: “Sửa hòa hiếu cho hai nước/Tắt muôn đời chiến tranh” - đó mới là mục đích
cao nhất của cuộc chiến. Đây là chiến công của tầm cao trí tuệ, nhân văn, của
“đại nghĩa thắng hung tàn”, của “chí nhân thay cường bạo”, thực hiện trọn vẹn
khát vọng hòa bình của một dân tộc đã phải chịu quá nhiều mất mát thương đau.
- Để có được những bài học từ thế hệ trước như vậy, rõ ràng việc nghiên
cứu lịch sử là hết sức quan trọng. Là chuyên gia về lịch sử Việt Nam Cổ trung đại,
ông có thể cho biết, việc tiếp cận tư liệu cũng như điều kiện nghiên cứu, phổ
biến những công trình khoa học lịch sử có gì khó khăn?
- Có thể nói lịch sử chống ngoại xâm được các nhà nghiên cứu
quan tâm rất sớm và mảng lịch sử chống ngoại xâm đã quy tụ được những thành tựu
to lớn nhất của Sử học Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua.
Tư liệu thì chúng ta không thiếu. Các bộ “Việt sử lược”, “Đại
Việt sử ký”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục” và nhiều
các bộ sử cũ khác ghi chép về các trận đánh khá kỹ càng. Trong các nguồn sử
liệu mà chúng tôi sử dụng, mặc nhiên chính sử, các tư liệu thư tịch cổ, tư liệu
khách quan đương đại phải là quan trọng hơn cả. Tuy nhiên cũng phải thấy một
thực tế là có những câu chuyện lịch sử thật khó có thể tìm thấy trong chính sử,
mà lại ẩn chứa trong các nguồn tư liệu khác như văn bia, thần tích, ngọc phả, sắc
phong, đại tự, câu đối, gia phả, hương ước, địa bạ, tục lệ, địa danh, di tích,
di vật trên mặt đất và trong lòng đất… Vì thế, nhà nghiên cứu bên cạnh việc
khai thác triệt để các nguồn tư liệu thư tịch cổ đã được tập hợp lại trong các
thư viện, các trung tâm lưu trữ, bảo tàng, thì phải đi điều tra điền dã, tìm hiểu
phong tục tập quán, văn hóa dân gian, điều tra khảo cổ học, dân tộc học, xã hội
học... Cũng có nhiều tư liệu quý vì những lý do khác nhau đang được lưu trữ ở nước
ngoài.
Mùa hè năm 2011, đến thăm Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp ở
Aix-en-Provence, tôi có dịp tiếp cận một khối lượng đồ sộ các nguồn tư liệu về
khu vực Biển Đông, trong đó có nhiều bản đồ, ghi chép, công văn giấy tờ... minh
chứng một cách rõ ràng và hiển nhiên chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và
Trường Sa. Tất cả các nguồn tư liệu Việt Nam, Phương Tây và Trung Quốc mà tôi
đã có dịp khai thác ở trong nước và ngoài nước đều thống nhất xác nhận chủ
quyền thật sự và lâu đời của Việt Nam ở đây. Các tấm bản đồ “Hoàng triều trực
tỉnh địa dư toàn đồ”, “Thanh đại đồ”, “Trung Hoa bưu chính dư đồ” cùng hàng
loạt các bản đồ Trung Quốc khác mới được giới thiệu gần đây là thuộc thế hệ các
bản đồ truyền thống của Trung Quốc, xác nhận một cách cụ thể, rõ ràng ranh giới
phía Nam của Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam, ở vào vĩ độ 18 độ 33
phút. Giá trị của hệ thống các bản đồ này là ở chỗ nó đồng thời xác nhận các
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía dưới vĩ tuyến 18, không có liên quan
gì đến phạm vi lãnh thổ, lãnh hải cổ truyền của Trung Quốc. Khi đã có trong tay
tất cả các nguồn tư liệu thì các tư liệu này tự nó có thể kiểm chứng lẫn nhau,
giúp cho chúng ta nhận diện một cách đầy đủ và chính xác đối tượng nghiên cứu.
- Vậy làm thế nào để những cứ liệu lịch sử khoa học và cụ thể ấy đến được
với mỗi người dân Việt Nam?
Trong cuốn “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ viết: “Dân ta phải biết
sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hiểu được gốc tích chủ quyền lãnh
thổ quốc gia là rất quan trọng và thiêng liêng, bởi vì đó là nơi bắt đầu Tổ
quốc, cội nguồn của lòng yêu nước. Còn làm như thế nào, đó là việc mà các nhà
sử học, các nhà giáo dục học, nhà trường và gia đình, bản thân mỗi người, với
lòng yêu nước và trách nhiệm cao cả đều sẽ phải làm.
- Vâng, xin cám ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện.
Xin chúc Giáo sư một năm mới an lành.
HỒNG MINH thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét