Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Ấn phẩm và quyền lực: Các cuộc thảo luận ở Việt Nam xung quanh vấn đề vị trí của người phụ nữ trong xã hội, 1918-1934(3)

Shawn Mc Hale       
Đặng Thị Vân Chi dịch từ:  Taylor KW  and Jonh. K.Whitmore(1995),  Editor. Essays in to Vietnamse pastsCornel University NewYork.
                                                                           
 3. Các trang báo của Nữ giới chung năm 1918
          Nữ giới chung là tờ báo phụ nữ đầu tiên của của phụ nữ Việt Nam. bà Sương Nguyệt Anh (?-1921), một nhà thơ nổi tiếng, một goá phụ và là con gái thứ năm của nhà yêu nước miền Nam- Nguyễn Đình Chiểu- đã đảm nhận nhiệm vụ  biên tập và vận động cho các bài báo năm 1918. Lúc đầu, dường như Sương Nguyệt Anh muốn tờ báo giữ gìn đạo đức Khổng giáo và tạo nên ý thức cộng đồng độc giả trong khuôn khổ hợp tác Việt- Pháp. Ví dụ bà viết rằng Pháp là “ một người mẹ nuôi dưỡng, yêu thương chúng ta như con gái út” (27). Tuy nhiên các ấn tượng ban đầu đưa đến những ý tưởng sai lầm. trong phần này tôi sẽ bàn đến việc các nhà báo chuyên mục của tờ báo này hành động như những người ủng hộ cho phụ nữ như thế nào, trước hết là thúc đẩy  việc giáo dục cho phụ nữ và sau đó là xem xét một cách thận trọng các ý kiến về việc nam nữ bình quyền và nữ quyền (28)
           Trong phần mở đầu của báo, Sương Nguyệt Anh nêu lên quan điểm  của mình về vai trò của tờ báo dành cho nữ giới.
Khi tờ báo này xuất hiện ngày nay, mục đích chính yếu nhất của nó là khởi xướng phong trào nữ học. Nó sẽ không dám dính líu gì tới chính trị và không có ý tranh đua với nam giới” (29)
 Sợ rằng lời tuyên bố này bị hiểu lầm, bà Sương Nguyệt Anh đã giải thích rõ thêm các quan điểm của mình, cho rằng tờ báo sẽ không bàn đến  nữ quyền mà sẽ tập trung vào vấn đề nữ học, một chủ đề bao gồm moị việc từ đọc sách đến  giữ vững tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh(30). Cũng trong lời  mở đầu bà nói về nhu cầu “ bày tỏ tầm quan trọng của chủng tộc, để đưa Nam, Trung, Bắc về một mối và xây dựng một cộng đồng lớn.” (31)
Nhiều thành viên của tầng lớp thượng lưu ca ngợi sự hợp tác Việt -Pháp và chỉ ra 1 vài lĩnh vực trong đó người Pháp đã gây ảnh hưởng đối với cuộc sống của phụ nữ. Một số nhà báo chuyên mục của Nữ giới chung coi nữ học là vấn đề ưu tiên rõ ràng và hầu như chẳng có lý do gì mà không giáo dục nữ giới. Ngay cả Nguyễn Mạnh Bổng, (dùng một trong những bút danh nữ giới là Nguyễn Song Kim) nói: “ sự thông minh của phụ nữ đất nước ta không thua gì so với nam giới” (32). Nhưng phụ nữ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trước hết, các nhà báo chuyên mục khẳng định phụ nữ không được đánh giá cao như nam giới. Thứ hai, phụ nữ không tìm được những quyển sách thích hợp.
Như mọi người đều biết, các quyển sách cũ dạy phụ nữ và thiếu nữ ( trừ những ngoại lệ là các tác phẩm về đạo đức) chắc chắn ngày nay không còn phù hợp. Thế giới trước đây là thế giới riêng của đàn ông, trong khi đó thế giới ngày nay là thế giới của cả phụ nữ nữa” (33)
Sương Nguyệt Anh cũng chỉ ra rằng lúc đó rất ít sách tiếng Trung Quốc hay tiếng Pháp là phù hợp với phụ nữ và thiếu nữ.
Trong bối cảnh này, các nhà báo của tờ Nữ giới chung bàn luận về chủ đề sự bình đẳng của nữ giới , mà chủ đề này cũng gắn liền với chủ đề nữ học một cách kì lạ. Một mặt nữ học dường như là 1 mục tiêu rõ ràng hiển nhiên, có thể đo bằng số lượng sách cho phụ nữ, số nữ sinh và các biện pháp xác định được số lượng. Ngược lại, quyền bình đẳng của phụ nữ khó hiểu hơn; các nhà báo chuyên mục của Nữ giới chung đã có lúc khó khăn để định nghĩa khái niệm đó. Trong đầu mục của báo, bà Sương Nguyệt Anh đã nói rằng tờ báo sẽ không bàn đến những vấn đề này. Bà nhanh chóng thất hứa. Sau khi chính bà viết về chủ đề đó, các nhà báo chuyên mục khác cũng tham gia bàn luận về nó.
Các tác giả của Nữ giới chung tránh xa các ý nghĩa chính trị cả khái niệm quyền bình đẳng và tập trung  vào ý nghĩa văn hoá của sự bình dẳng trong xã hội giữa hai giới tính. Những tác giả này, nhiều người giống nhau trong quan niệm về các  thứ bậc tự nhiên giữa các nhóm xã hội và giới tính, đã đấu tranh để bảo vệ sự bình đẳng và quyền bình đẳng và mày mò tìm cách giải thích những khái niệm này cho người đọc.
 Trong một bài báo  thời kì đầu, Sương Nguỵêt Anh cho rằng quyền bình đẳng có nghĩa là “phụ nữ cũng có cùng lợi ích như nam giới...” (35) Sương Nguyệt Anh không bao gồm trong đó quan niệm về sự bình đẳng. Giống như những nhà nữ quyền phương Tây, bà tin rằng phụ nữ cũng thông minh như nam giới. Tuy nhiên bà cho rằng những cuộc nói chuyện về bình đẳng vẫn còn là sớm khi phụ nữ chưa được giáo dục đầy đủ. Hơn nữa theo bà các  lĩnh vực của nam và nữ bị chia rẽ và không thể vi phạm; Đối với phụ nữ “ trông coi việc nhà và giúp đỡ chồng dạy dỗ con cái là lẽ tự nhiên.” Sự tổn hại sẽ xảy ra trong xã hội nếu gia đình được coi là một toà án đế quốc mà ở đó hai phe tranh luận để giành quyền kiểm soát.(37). Tóm lại, sự bình đẳng về tri thức không có nghĩa là sự giống nhau về vai trò.
Các nhà báo chuyên mục của Nữ giới chung thường khăng khăng rằng khái niệm “quyền bình đẳng” và “ nam nữ bình quyền”đến từ phương Tây nhưng lại gán cho chúng những ý nghĩa khác nhau đối với sự thật này. Cô Bích Đào cho rằng hai từ “ nữ quyền” xuất hiện ở Đông á khi “con thuyền văn hoá” phương Tây tiến vào khu vực này. (38) Cô Liễu bóng gió dặt câu hỏi về tầm quan trọng của sự kiện này, tranh luận rằng sự bình đẳng nam nữ có từ thời Gia Long lập nước ( năm 1802) (39). Sương Nguyệt Anh chỉ ra rằng nam giới có lẽ là các nhà cải cách Trung Quốc nhận nhiệm vụ thúc đẩy quyền bình đẳng nam nữ. (40). Tóm lại không có thoả thuận nào về việc  quan niệm về quyền bình đẳng đến Việt nam khi nào, mặc dù hầu hết các tác giả cho rằng nó do người phương Tây mang đến. Nói chung các tác giả tranh luận rằng “ “quyền bình đẳng” và “nữ quyền” là những khái niệm bổ xung vào tư cách và đạo đức của người Việt Nam cho dù Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bình đẳng và kiểu sống phương Tây hay chưa thì vẫn  không rõ ràng chút nào.
Những bài báo này cho thấy dấu hiệu căng thẳng giữa việc tuân theo lối sống Khổng giáo và việc chấp nhận các khái niệm về sự bình đẳng của phương Tây. Không có ai cho rằng có thể có sự bình đẳng trong các phương diện của xã hội nông dân ở Việt Nam( như trong các truyền thống, các thừa kế, dân gian hay lệ làng). Nói cách khác, trong thực tiễn của những ai không thuộc tầng lớp thượng lưu có học. Cô Bích Đào đã nói bóng gió dến khó khăn trong việc thực hành theo kiểu phương Tây, cô cho rằng các thói quen của người Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam.
“ Nước ta vẫn còn giáp với biển Đông. Việc học của chúng ta là do người Trung Quốc, nền giáo dục và các giá trị đạo đức của chúng ta giống với của Trung Quốc; chúng ta cư xử với nhau trong xã hội, tai ta nghe, mắt ta thấy, óc ta nghĩ và ta cảm thấy giống người Trung Quốc.”
Cô Bích Đào đồng ý rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã giảm bớt do sự xuất hiện của người Pháp. Hơn nữa, cô thấy trong lịch sử Việt Nam dấu tích của một xã hội bình đẳng: “ phụ nữ như Hai Bà Trưng, Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương đều nắm quyền trong xã hội. Nhưng Bích Đào đau xót lưu ý rằng trong khi những phụ nữ này nắm quyền thì họ lại không bảo vệ nữ quyền” (43). Bà Nguyễn Thị Bổng - có thể là nhà báo nam Nguyễn Mạnh Bổng viết dưới một trong các bút danh của ông lại có một hướng khác. Mặc dù ông tin rằng phụ nữ phải dựa vào “ phái mạnh”, ông lập luận rằng “ ảnh hưởng của chúng ta biểu lộ ra ngoài từ khuê môn của phụ nữ, kết quả là chúng ta có quyền lực lớn trong xã hội”. (44)
Các tác giả của tờ “ Nữ giới chung” đã có những ý kiến trái ngược nhau về dấu hiệu hứa hẹn trong tương lai của những ý tưởng mới về sự bình đẳng. Họ không dám chắc việc tương lai sẽ chỉ mang lại sự tiến bộ được chào đón, hưởng ứng- thực ra, họ không rõ những khái niệm mới nào về nữ quyền sẽ  cần phải có. Thứ hai là ngoài trường học của nữ sinh và báo chí, có rất ít cơ quan cung cấp bối cảnh cho sự phát triển những ý tưởng này.
 Khi đọc những bài báo này, tôi rất ngạc nhiên trước thái độ khó hiểu của các tác giả của chúng. Họ hưởng ứng các quan niệm của Tây phương về sự bình đẳng và sự giáo dục dành cho phụ nữ, trong khi lại bám chặt lấy các ý tưởng về cấp bậc giữa các nhóm xã hội theo Khổng giáo. Trong khi coi những ý tưởng này là những ý tưởng mới nhập từ phương Tây, thì một số tác giả lại lấy làm đau xót chỉ ra rằng mầm mống của sự bình đẳng có thể tìm thấy trong xã hội và trong lịch sử Việt Nam. Các tác giả thường chấp nhận ý kiến rằng nam nữ bình quyền là một mục đích hằng được mơ ước- nhưng họ không chấp nhận ý kiến rằng nam giới và nữ giới nên chia sẻ các công việc và lợi ích như nhau.
Để kết luận phần này, tôi muốn chuyển từ cuộc thảo luận về các cuộc tranh luận xung quanh vị trí của người phụ nữ trong xã hội để nói đến hai vấn đề có liên quan: việc chuyển đổi, các ý nghĩa mơ hồ  (không rõ ràng) của các khái niệm mới được đưa vào ( như là quyền bình đẳng) và cách mà  phương tiện báo chí ảnh hưởng tới việc tiếp nhận các ý kiến đó.
Các nhà báo chuyên mục của tờ Nữ giới chung đấu tranh với vấn đề chủ chốt liên quan tới việc hấp thụ tư tưởng nước ngoài. Những tư tưởng mới này thiếu nghĩa rõ ràng, xác định . Hơn nữa độc giả Việt Nam có khả năng tình cờ bắt gặp tư tưởng phương Tây về sự bình đẳng lần đầu tiên qua các bài viết của các nhà cải cách Trung Quốc, những người này tự đưa ra lời giải thích riêng về ý nghĩa của các khái niệm đó. Quá trình diễn dịch và hấp thu này đã làm biến dạng các quan niệm của phương Tây về sự bình đẳng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tư tưởng về nam nữ bình quyền và nữ quyền đã có những nghĩa  mới- đôi khi mơ hồ. Tính mơ hồ của các khái niệm này được một nhà báo chuyên mục của Nữ giới chung thể hiện:
Cho dù nữ quyền là gì đi nữa, chúng không phải là những viên đá tròn, không phải là những mẩu gỗ dài và không có hình lục giác hay bát giác, nghĩa là có hình dạng và chất... ( nữ quyền) vững chắc như một cơn gió nhẹ thổi trên mặt cỏ và đẹp như bầu trời buổi sáng. Chúng làm cho ta tôn trọng mọi ngươi, chúng làm ta sợ, làm ta yêu..” (45)
 Dù chúng là gì đi nữa, tác giả dường như đang muốn nói rằng, các khái niệm này là tuyệt vời nhưng bí ẩn. Nhiều bài viết trong Nữ giới chung dường như cố gắng xua tan đi điều bí ẩn bao quanh các khái niệm như vậy về sự bình đẳng.
Tính mơ hồ không rõ ràng của những khái niệm mới được hấp thu này lại càng tăng lên do các cách hiểu rất khác nhau của các tầng lớp xã hội về phía đa số độc giả Việt Nam. Nhiều bài báo trong tờ báo này có nhắc đến các quan niệm của Khổng giáo về tầng lớp xã hội, cả về phương diện các nhóm cấu thành xã hội. Khái niệm hiện đại về giai cấp không hiện diện trên các trang của tờ báo. Sương Nguyệt Anh và các nhà báo chuyên mục của bà tin tưởng vào một xã hội được điều tiết tốt không chỉ về mặt kinh tế mà cả phương diện đạo đức cơ bản. Họ tin rằng các vấn đề mà phụ nữ đối mặt đòi hỏi phải có các biện pháp mang tính đạo đức. Hướng giải quyết các vấn đề về phụ nữ này đối lập hẳn với các bài luận có ý thức về giai cấp và các bài luận chiếm ưu thế ở tờ Phụ nữ tân văn trong năm tồn tại cuối cùng (1934).
 Như tôi đã lập luận từ trước, phương tiện báo chí với các nhóm các văn bản riêng biệt ( tiêu đề,  bản quảng cáo...) có ảnh hưởng đối với việc tiếp nhận các văn bản. Trang đầu tiên của Nữ giới chung đem đến cho người đọc ý tưởng rằng tờ báo sẽ kết hợp những điều tốt nhất của phương Đông và phương Tây: tiêu đề của tờ báo được viết bằng tiếng Việt, sau đó là tiếng Pháp, sau đó là mẫu tự tiếng Trung. Ngược lại tiêu đề của mỗi phần thường ( chứ không phải lúc nào cũng vậy) chỉ được viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung mà thôi.
Mỗi kì phát hành, đều có vô số bài báo, bản quảng cáo. Ví dụ kì phát hành ngày 22-12-1918 có một bản quảng cáo kín trang cho một công ty bán hàng Pathé Freres, sữa La Petite Fremiere, xà phòng le Chat và ‘ Whisky Black and White”. các bài báo về cách làm nước si rô và nấu món mì ống ý xuất hiện, cũng như bài luận ngắn về “Các trách nhiệm của phụ nữ” và làm một bài thơ ca ngợi Nữ giới chung. Ví dụ này về các văn bản và bán văn bản, dù không toàn diện nhưng cũng tiêu biểu cho tờ báo. Tổng hợp lại, những đầu mối này đưa ra một thông điệp đầy mâu thuẫn cho người đọc. Tờ báo bản thân là hàng hoá, đã quảng cáo các hàng của giai cấp tư bản phương Tây. các bản quảng cáo cho đủ mọi thể loại hàng tiêu dùng kèm theo những bài viết đắm chìm trong cách nhìn á Đông về thế giới. Nói cách khác, các đầu mối về văn bản và bán văn bản tồn tại trong sự căng thẳng chẳng lấy gì làm dễ chịu.

Phần tiếp theo: "Các trang báo của Phụ nữ tân văn " đọc ở đây:
http://chuyencuachi.blogspot.com/2013/07/an-pham-va-quyen-luc-cac-cuoc-thao-luan_1503.html
Chú thích:
27 Câu truyện đọc sách
28 “ Quyền có nghĩa là quyền, quyền lực, quyền uy” có nhiều nghĩa hơn chữ quyền tiếng Anh. Hơn nữa, vấn đề nữ quyền được thảo luận trong bối cảnh phụ nữ đòi quyền bầu cử ở phương Tây, một vấn đề  quan trọng thứ yếu ở Việt Nam. Do đó phụ nữ Việt Nam hiểu từ “ quyền phụ nữ” như một thuật ngữ mang tính xã hội và văn hoá nhiều hơn là thuật ngữ thuộc sự bầu cử.
29. Sương nguyệt Anh “ Lời tựa đầu”, tr1
30 Như trên
31. Như trên, tr 3
32 Nguyễn Song Kim (tức là Nguyễn Mạnh Bổng), “ Việc nữ học” Nữ giới hung, 19-7-1918, tr3. Các nhà báo chuyên mục khác  cũng đồng thời có cảm giác này. Trong các bút danh của Nguyễn Mạnh Bổng, xem lời giới thiệu  về Nam Phong (1917-1934) của Phạm Thị Ngoan.
33 Sương Nguyệt Anh, “ Xã thuyết”- Bàn về sách dạy đàn bà” NGC, 4-4-1918.tr1.
34, Như trên
35 Sương Nguyệt Anh, “ Nghĩa nam nữ bình quyền là gì?” NGC 22-2-1918, tr1.
36. Như trên tr2.
37. Như trên
38. Mile Bích Đào “ Bàn thêm về chữ nữ quyền” NGC, 15-3-1918, tr1
39 Mile Liễu, “ Nữ quyền tự do luận” NGC 15-3-1918.tr7
 40. Sương Nguyệt Anh, “ Xã Thuyết- Nghĩa Nam nữ bình quyền là gì? tr1.
41. Mile Bích Đào “ Bàn thêm về chữ nữ quyền” tr1
42. Hai Bà Trưng ( mất năm 43 ), nổi tiếng vì đã dẫn đầu đoàn quân Việt Nam chống ngoại xâm Trung Quốc, Đoàn Thị Điểm (1705-1746) được cho rằng đã dịch “ Chinh phụ ngâm” từ bản tiếng Trung Quốc của Đặng Trần Côn sang tiếng Việt, Hồ Xuân Hương ( thế kỉ 19) là một nhà thơ nữ nổi tiếng.
43. Như trên.
44 Nguyễn Thị Bổng, “ Đạo dần bà”-NGC 7-6-1918, tr1
 45. Mile Bích Đào, “ Bàn thêm về chữ nữ quyền” tr1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...