Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

VỊ TRÍ CỦA MÔN LỊCH SỬ TRONG NỀN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP


VỊ TRÍ CỦA MÔN LỊCH SỬ TRONG NỀN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP


GS. NGND. Vũ Dương Ninh
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
( Tham luận tại Hội thảo của Hội sử học Việt Nam về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông ngày 15/11/2015) 
Trong nhiều năm gần đây,việc dạy và học Lịch sử luôn trở thành đề tài được xã hội quan tâm, nhất là vào mỗi dịp thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học. Không ít học sinh chán môn Sử, không thích học Sử và tỏ ra vui mừng khi môn Sử không còn là môn học bắt buộc trong các kỳ thi.
Trăn trở nhiều về hiện trạng này, giới sử học đã có nhiều cuộc hội thảo trên quy mô cả nước hoặc trong phạm vi từng địa phương để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Có nhiều lý do khách quan và chủ quan, dẫu sao những người làm công tác giáo dục lịch sử cũng thấy rõ trách nhiệm của mình, cần có sự thay đổi lớn từ việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy trên lớp và hoạt động ngoại khóa. Nhiều dự định được chuẩn bị cho đợt “cải cách căn bản và toàn diện” của ngành giáo dục nói chung và môn lịch sử nói riêng.
*
Bên cạnh sự nỗ lực của các thày cô giáo giảng môn Lịch sử, không thể không nói đến một lý do vô cùng quan trọng có tác động bất lợi đối với vị trí của môn Lịch sử trong nhà trường. Đó là trong một vài thập kỷ qua, cách đối xử không đúng đắn, thiếu công bằng, có phần tùy tiện của cấp quản lý Bộ Giáo dục đối với môn học này. Không nhớ từ năm học nào, lấy lý do “giảm tải” cho học sinh, môn Lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức như các môn học khác trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông.
Số phận long đong của nó bắt đầu từ chỗ quy định Sử và Địa là hai môn thi “luân phiên” – năm nay thi Sử, năm sau thi Địa, rồi lại quay vòng như vậy. Không có một cơ sở khoa học nào cho chủ trương này.
Nhưng chưa dừng lại ở đó. Tiếp theo, môn Lịch sử được quy định là môn “thay thế”, nghĩa là chỉ nơi nào, học sinh nào không thi ngoại ngữ thì có thể thi môn Sử. Thế là số đông học sinh ở các thành phố, các vùng tương đối phát triển chọn thi ngoại ngữ, còn vùng sâu, vùng xa và những học sinh không học hoặc học kém ngoại ngữ mới thi môn Sử. Điều đó có nghĩa môn Lịch sử tuy còn đó nhưng đã mất địa vị của một môn học độc lập, bắt buộc, ngang bằng với các môn học khác.
Vẫn chưa hết, trong những kỳ thi gần đây, Lịch sử được coi là môn “tự chọn” nghĩa là hoàn toàn không bắt buộc. Tuyệt đại đa số học sinh chuẩn bị thi khối A hoặc khối B sẽ bỏ rơi môn Lịch sử, do vậy mới có hiện tượng nhiều hội đồng thi chỉ có một số rất ít em thi Sử, nhà trường vẫn phải lập ban bệ đầy đủ theo đúng quy chế.
Và cho đến hôm nay, dưới danh nghĩa “tích hợp”, môn Lịch sử đã biến mất khỏi chương trình với tư cách một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng. Được giải thích rằng nó được vận dụng vào môn “Công dân và Tổ quốc”. (Quả thật, tôi không biết trên thế giới có nước nào dạy môn học mang tên này không?)
Điểm lại quá trình trên, có thể thấy rất rõ môn Lịch sử đã bị đẩy lùi từng bước, loại bỏ từng bộ phận, và cuối cùng không còn vị thế của một môn học riêng biệt ngang bằng như các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
*
Trong lời phát biểu trên báo chí tuần qua, vị lãnh đạo Bộ Giáo dục tuyên bố: “ Tôi khẳng định Bộ Giáo dục – Đào tạo không bỏ môn lịch sử, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới” (Báo Tuổi trẻ ngày 4-11-2015, tr. 13). Đúng vậy, từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giáo dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử.
Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Đáng lẽ “học gì thi nấy” thì với chủ trương của Bộ, các trường và cả xã hội đã vận dụng thành “thi gì học nấy”. Bởi vì mục đích của người học là thi đỗ, tiêu chí của nhà trường là tỷ lệ số học sinh đỗ thật cao. Cho nên, các môn thuộc loại thi “luân phiên”, thi ‘thay thế” …, được Ban Giám hiệu các trường chỉ đạo dạy dồn, học dồn để dành hầu hết thời gian cho các môn thi tốt nghiệp, thi tuyển đại học. Vị trí của môn Sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ trên thực tế và đến nay, nó mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”. Nó bị lẫn vào môn Khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội. Có nghĩa rằng lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình.
Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, môn Lịch sử được giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến trung học, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách cẩn thận, có hệ thống. Môn Lịch sử đã giáo dục niềm tự hào chính đáng về truyền thống văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại, về công cuộc xây dựng đất nước Trung Quốc, kể cả khơi gợi nỗi nhục vì một thế kỷ bị phương Tây thống trị. Qua đó, môn Lịch sử đã thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới đưa đất nước lên vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Đồng thời, môn Lịch sử cũng gieo mầm tư tưởng bá quyền, nước lớn với địa vị thượng đẳng giữa các dân tộc, các quốc gia. Các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải cùng bộ máy tuyên truyền của họ đi đâu cũng nói các đảo ở Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại. Sách Lịch sử Trung Quốc khai thác về “con đường tơ lụa”, về cuộc hành trình trên biển của Trịnh Hòa và nhiều sự kiện lịch sử khác để gieo rắc vào đầu một tỷ rưỡi người dân của họ về chủ quyền mênh mông của Trung Quốc, về đường ranh giới “hình chữ U”, “hình lưỡi bò” đầy ngụy tạo trên Biển Đông. Các sách sử Trung Quốc đều nói về cuộc chiến tranh năm 1979 như một cuộc “phản kích tự vệ”, một đòn trừng phạt đối với Việt Nam, một bài học “dạy cho Việt Nam”. Rất rõ ràng, môn Lịch sử  đã thực sự được sử dụng như một vũ khí tinh thần để phục vụ tiến trình “trỗi dậy”, cho ý đồ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam đã giữ một thái độ im lặng đến khó hiểu về những sự kiện trên. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ được viết về cuộc chiến tranh biên giới vỏn vẹn 12 dòng, nhiều bài viết về cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc năm 1979 được các tạp chí lớn của đất nước từ chối không đăng vì “lý do tế nhị” (?!). Cho đến hôm nay, tình trạng này vẫn không thay đổi nếu không muốn nói là có xu hướng nặng thêm. Và cuộc Hội thảo được tổ chức hôm nay là một minh chứng cho tình trạng đó mà các nhà sử học, với trách nhiệm nặng nề của mình buộc phải lên tiếng.
*
Vào thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, trong điều kiện gian khổ của cuộc kháng chiến, sách in lèm nhèm, đèn dầu tù mù, ăn không đủ no, lại vừa học vừa sơ tán … nhưng môn Lịch sử cũng như các môn học khác được thày dạy, trò học một cách nghiêm túc, hào hứng và có hiệu quả. Từ những tấm gương anh hùng của các sự kiện lịch sử qua hàng ngàn năm đấu tranh vì độc lập, thế hệ thanh niên thời đó đã hăng hái lên đường đi cứu nước. Và đến lượt họ lại nêu lên nhiều tấm gương hy sinh vì nước, hình ảnh của họ lại bước vào “trang sách những em thơ”.
Nhớ lại thời đó, hai vị Bộ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng bộ Đại học Tạ Quang Bửu rất quan tâm đến môn Lịch sử. Các vị đã có nhiều buổi làm việc với Hội đồng ngành Sử, luôn nhắc nhở sứ mệnh của việc giáo dục lịch sử, và đã từng đích thân xuống dự giờ giảng môn Sử ở các trường để góp ý kiến. Giáo sư Tạ Quang Bửu – một nhà toán học lỗi lạc đã có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và sự quan tâm đặc biệt đối với sử học. Ngay sau Hiệp định Paris, Giáo sư chỉ thị tổ chức ngay một đoàn cán bộ sử học của hai trường Tổng hợp và Sư phạm vào vùng Đông Hà (Quảng Trị) vừa được giải phóng để đi thực tế về cuộc kháng chiến, qua đó suy nghĩ về nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Rõ ràng là dưới sự lãnh đạo của những vị cố bộ trưởng tài cao đức trọng, có tầm nhìn xa rộng và sự hiểu biết sâu sắc, môn Lịch sử đã được dặt đúng vị trí của nó, đã gánh vác trách nhiệm nặng nề và đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
*
Từ những điều trên, có thể đi đến một vài giải pháp thiết yếu sau đây:
Một, khẳng định rằng môn Lịch sử phải là một môn học độc lập, có vị trí ngang bằng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông.
Hai, quy định dứt khoát rằng môn Lịch sử phải là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Cần tiến tới coi Lịch sử Việt Nam như một môn thi trong kỳ thi tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, doanh nghiệp… và sẽ trở thành môn thi đối với những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Ba, giới sử học cần mạnh dạn cải cách, xây dựng hệ thống chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, có sức hấp dẫn phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh. Đồng thời bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ các thày cô giáo thực sự có tâm  huyết và năng lực trong việc truyền đạt tinh thần và kiến thức lịch sử đến thế hệ trẻ. Nghĩa là làm thế nào để học sinh thực sự yêu thích môn Lịch sử, hiểu biết về lịch sử và vận dụng kiến thức lịch sử vào công cuộc dựng xây đất nước.
Chỉ có nhận thức đúng đắn về vị trí môn Lịch sử và chuyển đổi mạnh mẽ trong cách dạy và  học từ cả hai phía – người lãnh đạo, quản lý và người trực tiếp giảng dạy – thì môn Lịch sử mới làm trọn nhiệm vụ trong nền giáo dục nước nhà.
Tháng 11 – 2015

GS. Vũ Dương Ninh

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

VỀ MỘT QUÃNG THỜI GIAN" TRỐNG" TRONG TIỂU SỬ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH *





                                                                      Nguyễn Quốc Phong

   Không chỉ với những nhà nghiên cứu mà bất kể ai đọc tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có chung một nhận xét (cũng là một nỗi băn khoăn) về một thời đoạn lịch sử hầu như có rất ít thông tin. Đó là thời gian của các năm từ 1914 đến 1917. Bộ sách "Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử" (Nhà xuất bản Sự thật, bản 2006), có tới 9 tập, thời gian từ 1914 đến 1917 thuộc về tập I (1890-1929) dày 436 trang (không kể phần sách dẫn) thì 4 năm này chỉ chiếm có...6 trang và với...3 sự kiện. Năm 1916 không có sự kiện nào và 3 năm còn lại mỗi năm có đúng 1 sự kiện.

   Nội dung các sự kiện ấy gồm: Năm 1914  (tháng 8, đầu tháng) thư Nguyễn Tất Thành từ thủ đô nước Anh (London) gửi tới "Nghi bá đại nhơn" (Phan Châu Trinh) nội dung chủ yếu nói cảm nghĩvề cuộc Đại chiến thứ Nhất vừa bùng nổ ở châu Âu (và trong lá thư này cũng nhắc lại rằng trước đó vài tháng cũng đã gửi một lá thư); Năm 1915  (tháng 4 ngày 16) Nguyễn Tất Thành ký tên "PaulThành" từ Anh viết thư cho Toàn quyền Đông Dương qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn nhờ chuyển cho cha đang sống ở Nam Kỳ (nhưng không đến tay vì không tìm thấy địa chỉ); Năm 1917 (khoảng cuối năm) Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. Về nguồn thông tin thì 2 sự kiện vào năm 1914 và 1915 căn cứ vào các hiện vật gốc của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ; riêng thông tin của năm 1917 thì căn cứ vào sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (tác giả : Trần Dân Tiên).

  Trước thời gian đó, năm 1913, Biên niên tiểu sử cho biết Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ trở về cảng Le Havre (Pháp) sau đó sang Anh (khoảng quý I) và vẫn duy trì thư từ với Phan Chu Trinh đang ở Pháp. Khoảng cuối năm (1913) thì có một chi tiết đáng chú ý : Để kiếm sống, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho khách sạn và chuyển tới làm phụ bếp cho Khách sạn Carlton tọa lạc tại đường Haymarket nổi tiếng ở London. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý là "Anh làm việc dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Étcốpphiê (Escophier)". 

   Mục sự kiện này còn mô tả : "Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa và đồ đạc. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc làn một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bit- tết để đưa lại cho nhà bếp.
   Ông già Étcốpphiê chú ý tới việc làm đó và hỏi anh : Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác ? Tất Thành trả lời : Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy. 

     Étcốpphiê vừa nói vừa cười có vẻ bằng lòng : Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dậy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Những người trong khách sạn cho đó là một việc lớn vì lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế". Nội dung này những người làm sách Biên niên trích ra cũng từ cuốn sách của Trần Dân Tiên (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).


  Về nhân vật "Vua đầu bếp" Étcốpphiê có rất nhiều tài liệu giới thiệu vì ông vốn là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử ẩm thực thế giới.Georges Auguste Escoffier sinh ngày 28-10-1846 tại Villeneuve-Loubet và mất vào ngày 12-2-1935 tại Monaco, là một đầu bếp người Pháp nổi tiếng, từng được vị Hoàng đế nước Đức đánh giá là "vị vua của các đầu bếp, đầu bếp của các vị vua"...Tiểu sử của nhân vật này cũng xác nhận là từ năm 1899 Étcốpphiê chuyển sang hành nghề tại Khách sạn  Carlton ở kinh đô nước Anh và làm việc cho tới năm 1919 thì về hưu. Vì thế chi tiết : vào năm 1913, Nguyễn Tất Thành đến làm việc tại khách sạn này có cơ hội được gặp và được vị đầu bếp nổi tiếng nhận làm học trò là hoàn toàn có cơ sở và cũng được hồi ức của hậu duệ Vua Bếp ghi nhận (tham khảo bài "Vua đầu bếp người Pháp Écoffier" của Chu thị Ngọc Lan, Xưa&Nay 9-2015).

   Cũng liên quan đến khoảng thời gian này, có một tư liệu có giá trị và chứa đựng một thông tin rất quan trọng được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm từ các cơ quan lưu trữ ở Nga (12-2006) và được công bố trong cuốn sách "Hồ Chí Minh với nước Nga"do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tổ chức xuất bản năm 2013( sách có lời giới thiệu của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh). 

     Đó là Bản khai lý lịch được lập theo lời củachính Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-9-1934 để đến tháng 10 năm đó được nhập học Trường Quốc tế Lênin. Với bí danh Linôp (Linof) có năm sinh là 1894, bản khai này đề cập tới nhiều chi tiết (xem ảnh 1&2) trong đó có một chi tiết đáng chú ý tại mục khai về công việc (nghề nghiệp) qua từng thời gian hoạt động : "Làm lính (tại) Pháp (vào thời gian) 1914-1918 (xem ảnh 3& 4)".






Chú Thích 3 - 4

     Thời gian 1914-1918 là lúc cuộc Chiến tranh thế giới đang diễn ra chủ yếu tại Châu Âu mà hai nước Anh và Pháp là đồng minh chủ chốt (trong khối Entente gồm nhiều nước như Nga, Italia, Mỹ, Bỉ v.v...) chống lại Liên minh Trung tâm gồm Đức, Áo-Hung, Ôttôman, Bungari...). Cuộc Đại chiến này nổ ra vào ngày 28-6-1914 và ngưng chiến ngày 11-11-1918 với chiến thắng của phe Entente.

   Liên quan đến Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Paul Thành, thì trong sách "Biên niên tiểu sử" ghi nhận thêm nột số chi tiết : Khoảng cuối năm 1917 Nguyễn Tất Thành từ Anh trở về Pháp (trang 58) ; trong năm 1918, Theo lời kể của Misen Decsini (Michele Zecchini), đảng viên Đảng Xã hội Italia thì Nguyễn Tất Thành lúc đó đang là "đại diện được ủy quyền của Hội Lao động hải ngoại đang náu mình trong một căn phòng cho thuê ở phố Charrone" và chưa có giấy tờ hợp pháp mà vào thời điểm này chiến tranh chưa kết thúc nên chính quyền Pháp đang tăng cường vây ráp, bắt bớ lính thuộc địa đào ngũ, do vậy Nguyễn Tất Thành phải ẩn náu kín đáo trong căn nhà một người bạn gốc Tuynidi tên là Moktar (trang 59). Và cũng trong năm 1918, theo một tài liệu được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 6-11-1947 thì Cựu hoàng Thành Thái cho biết Nguyến Tất Thành có gặp Ngài tại nơi cư ngụ là đảo Réunion cũng là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp (trang 60) rồi đến đầu năm 1919 thì gia nhập Đảng Xã hội Pháp (trang 61). 

  Tất cả những dữ kiện ấy cho thấy khớp với lời khai trong Lý lịch được lập vào năm 1934, Nguyễn Tất Thành đã "làm lính" tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sau khi đã làm việc tại bếp của Khách sạn Carlton ở Thủ đô nước Anh vào thời điểm Vua Bếp Escoffier đang điều hành tại đây. Những dữ kiện tuy ít ỏi nhưng cũng cho thấy mối quan tâm bao trùm của Nguyễn Tất Thành là cuộc chiến tranh. 

     Trong lá thư gửi Phan Châu Trinh đầu tháng 8-1914, Nguyễn Tất Thành viết : "Tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vòng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người chiến thắng... Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều" (trang 55).

   Còn trong lá thư gửi cho Toàn quyền Đông Dương để nhờ liên hệ với người cha của mình đang sống ở Nam Kỳ đề ngày 16-4-1915, Nguyễn Tất Thành ký với cái tên mới là "Paul Thành". Cả 2 lá thư này đều được gửi từ nước Anh. Và đến cuối năm 1917, người thanh niên Việt Nam này mới trở lại nước Pháp vào thời điểm cuộc chiến chưa kết thúc và lâm vào hoàn cảnh phải "ẩn náu" để tránh các cuộc truy lùng của chính quyền Pháp đối với những binh lính đào ngũ ...Như thế, có thể giả thiết rằng Nguyễn Tất Thành đã tham gia lực lượng quân đội của nước Anh trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh thế giới và với một cái tên mới là "Paul Thành".

  . Giai đoạn 1914-1918 này tuy không dài nhưng nó ở vào một thời điểm có ý nghĩa như một bước ngoặc quan trọng đối với Nguyễn Tất Thành ở độ tuổi xấp xỉ 30 (theo tiểu sử chính thức có năm sinh 1890 thì ở độ tuổi từ 24 đến 28 tuổi), chuẩn bị cho những hoạt động chính trị diễn ra ngay sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới chấm dứt. Cùng với cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở Pháp (cùng ký tên Nguyễn Ái Quốc trong Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam); và với tên gọi Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, tất cả chỉ diễn ra trong 2 năm 1919 và 1920. Dù mới chỉ là giả thiết thì việc nhận thức về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh  trong giai đoạn lịch sử này vẫn còn cần được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa trên cơ sở phát hiện thêm những sử liệu mới. 

    Bài viết này được viết bởi một sự thôi thúc sau khi tác giả được tiếp xúc với những thông tin đáng tin cậy từ những nguồn đáng tin cậy. Cách đây 5 năm, tôi được gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình, người đã gắn bó cả cuộc đời nghề nghiệp công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và từng đảm nhận những cương vị quan trọng, là Phó giám đốc (1997-1999) rồi Giám đốc (1999-2007). Chồng bà, ông Nguyễn Văn Đoàn, từ lúc còn trẻ đã có vinh dự được giao nhiệm vụ  bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng có mặt vào thời điểm các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ túc trực bên giường bệnh chứng kiến giây phút Bác Hồ ra đi đến "thế giới người hiền" vào ngày 2-9-1969. Sau này, ông cũng tốt nghiệp ngành Lịch sử rồi trở thành Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
 Ông Nguyễn Văn Đoàn, người đứng góc trái ảnh, sau Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn cùng các vị trong Bộ Chính trị lúc Bác chuẩn bị trút hơi thở cuối cùngẢnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

    Chính tại cuộc tiếp xúc này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình đã hé cho tôi biết một câu chuyện nghề nghiệp mà bà giữ kín từ lâu. Đó là những lời căn dặn của một trong những người gần gũi nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cương vị là thư ký riênggắn bó suốt từ thời kỳ Cách mạng mới thành công,đó là ông Vũ Kỳ. Một thời gian, ở cương vị Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như sau này khi đã nghỉ hưu, ông Vũ Kỳ cũng đã công bố một số thông tin mà ông nắm được cũng như viết hồi ức liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng với một nguyên tắc rất cẩn trọng, điều mà ông luôn truyền lại cho các đồng nghiệp trẻ trong cơ quan...

Chú thích: Tổng Biên tập Xưa & Nay Dương Trung Quốc trong lần tiếp xúc vợ chồng ông bà Đoàn – Tình để xác minh thêm tính xác thực của tư liệu.
Ảnh: Quốc Phong

  15 giờ chiều ngày 24-6-2004, nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, cảm thấy thời điểm "đi theo Bác Hồ" đã đến gần, ông Vũ Kỳ đã triệu tập Giám đốc Nguyễn Thị Tình và một số cán bộ chủ chốt của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến để căn dặn lại những điều cần thiết. Tựa như lời "trăn trối" với các đồng nghiệp có trách nhiệm của mình, ông Vũ Kỳ nêu một số vấn đề liên quan đến tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có một nội dung gắn với giai đoạn 1914-1918 mà bài viết này quan tâm.

   Trong câu chuyện của mình, ông Vũ Kỳ có nhắc đến việc Bác Hồ mời cơm "Anh Cả" Nguyễn Lương Bằng, một nhà lãnh đạo gương mẫu được Bác Hồ quý trọng và tin cậy. Ông Vũ Kỳ có mặt trong bữa cơm đó và nghe được câu chuyện trao đổi riêng tư giữa hai nhà cách mạng lão thành. Bác Hồ kể cho "Anh Cả" câu chuyện việc mình đã nhận đi lính thay cho con trai Vua Bếp Escoffier khi Chiến tranh thế giới bùng nổ. A.Escoffier là người Pháp đến hành nghề ở nước Anh và có một con trai tên là Paul Escoffier vào thời điểm ấy đến tuổi đăng lính nghĩa vụ. Vua bếp là người giàu có và e ngại con trai của mình phải ra mặt trận. Người phụ bếp "An Nam" trẻ tuổi từng gây ấn tượng và được Vua Bếp giành những ưu ái (như sách của Trần Dân Tiên đã thuật lại), đã nhận lời đi lính thay cho anh con trai của Vua Bếp với lời hứa sẽ giữ kín vụ việc.

  Bữa cơm Bác Hồ mời Anh Cả Nguyễn Lương Bằng theo ông Vũ Kỳ thuật lại thì diễn ra vào những năm cuối đời của Bác, tức là câu chuyện về việc đi lính của Bác đã diễn ra, cùng lời hứa đã được giữ kín hơn nửa thế kỷ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình cũng cho biết nội dung toàn bộ những lời của ông Vũ Kỳ đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh báo cáo bằng văn bản gửi tới các cơ quan có trách nhiệm.  Ông Vũ Kỳ cũng còn cung cấp thêm chi tiết là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám và đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập, nhưng ngay cả các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp cũng còn chưa biết "Hồ Chí Minh" là ai ? Để giúp các đồng chí Pháp nắm được thông tin nhằm tạo mối liên hệ giữa cách mạng hai nước, Bác Hồ đã tìm cách thông tin theo những phương thức rất truyền thống mà khi hoạt động ở Pháp với các đồng chí quốc tếcủa mình vẫn sử dụng. Một "bức thư tăm" (viết trên giấy rồi vê nhỏ lại như que tăm) đã được bí mật chuyến tới Maurice Thorez lúc đó đã là Tổng bí thư Đảng Cộng san Pháp vốn quen biết Nguyễn Ái Quốc trong các hoạt động của Đảng ở Pháp hay ở Quốc tế Cộng sản và lúc này cũng tham gia Chính phủ của nước Pháp sau khi được giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít. Bức thư tăm chỉ mang môt nội dung ngắn gọn : "Gửi đồng chí Thorez/ Paul chính là Hồ Chí Minh"...

    Cách đây 5 năm, khi Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình kể lại cho tôi câu chuyện này với lời căn dặn là chỉ biết vậy. Còn việc công bố, cứ theo quy cách của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì rất nghiêm nhặt. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, việc công bố những chi tiết này sẽ góp phần định hướng cho các nhà nghiên cứu có cơ hội đào sâu hơn các nguồn tư liệu để làm sáng tỏ hơn các hiểu biết về một thời kỳ rất quan trọng trong quá trình hình thành một "nhà cách mạng chuyên nghiệp" để rồi trở thành một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng rộng lớn vượt khỏi khuôn khổ quốc gia, dân tộc của mình. Mọi chi tiết chỉ góp phần làm đậm nét hơn những trải nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ đã trải qua một cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất với tích lũy những tri thức về chiến tranh và cách mạng để sau này đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong việc biến Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thành cơ hội cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc Việt Nam thành công cũng như trong chỉ đạo các cuộc kháng chiến sau này. Những chi tiết ấy cũng làm sáng tỏ hơn phẩm chất của một con người hành động vì nghĩa tín với những người cùng thời như gia đình của Vua Bếp Escoffier. 

Nghĩ vậy mà tôi quyết định viết bài này sau 5 năm cân nhắc và tôi rất mừng khi thấy ông bà Nguyễn Thị Tình là những người có những tình cảm , cũng là trách nhiệm sâu sắc với Bác Hồ, đồng tình với mong muốn giúp các nhà nghiên cứu có định hướng tìm hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và hành trang của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử này với niềm tin vững chắc rằng kết quả của nó càng làm sáng hơn tấm lòng và phẩm cách của Bác Hồ vĩ đại

*. Bài sđăng trên Xưa & Nay", số tháng 10/2015

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

NHẬN THỨC VỀ NỮ QUYỀN Ở VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX *


(QUA  MỘT SỐ SÁCH CHUYÊN KHẢO  VỀ VẤN ĐỀ PHỤ NỮ)

 Đặng Thị Vân Chi
Kỷ yếu HT quốc gia"" Nữ quyền- những vấn đề lý luận và thực tiễn" ngày 8/10/2015, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, từ tr 173-186,



I.                   Mở đầu
             Cho tới thời Cận thế, địa vị của phụ nữ ở cả Phương Đông và Phương Tây đều vô cùng thấp kém. Phụ nữ không có bất cứ một quyền lợi nào trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và văn hoá cũng như tôn giáo. Bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, đặc biệt trong thế kỷ 18 trào lưu tư tưởng “ánh sáng[1] của Pháp với những tác phẩm Tinh thần luật pháp của Môngtecxkiơ, hay Luận về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng, Khế ước xã hội của Rútxô đã liên tiếp tấn công vào thành trì quân chủ chuyên chế bằng những học thuyết mới, tiến bộ và cách mạng. Trong thời kì khủng hoảng của chế độ phong kiến, trào lưu tư tưởng tiến bộ và cách mạng đó đã trở thành cương lĩnh chính trị của phong trào cách mạng, có ảnh hưởng khắp châu Âu và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội, chính trị…lúc đó đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như: vai trò phụ nữ, sự bất lợi về kinh tế của phụ nữ do bắt buộc phải phụ thuộc vào đàn ông, việc phụ nữ bị loại ra khỏi môi trường xã hội, vị trí thấp kém của phụ nữ về mặt pháp luật so với nam giới … 
Đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ở phương Tây và đặc biệt là ở Mỹ đã xuất hiện các lý thuyết về nữ quyền. Đó là lý thuyết nữ quyền tự do (hay còn gọi là nữ quyền tư sản) và đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX xuất hiện lý thuyết.nữ quyền mác xít ( hay nữ quyền  xã hội chủ nghĩa). Nhìn một cách đại thể, lý thuyết nữ quyền tự do vận động đấu tranh cho quyền được học tập, quyền làm việc và quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ… Còn lý thuyết nữ quyền mác xít hay nữ quyền xã hội chủ nghĩa thì gắn việc giải phóng phụ nữ với cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc cách mạng để xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Cùng với sự phát triển của báo chí và kỹ thuật in ấn, xuất bản… tất cả những vấn đề trên đã nhanh chóng trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận trong xã hội, trên báo chí và các xuất bản phẩm... từng bước làm thay đổi nhận thức của xã hội và bản thân người phụ nữ về quyền con người và quyền phụ nữ.
Các tác phẩm về nữ quyền [2] của các nhà tư tưởng lớn qua nhiều con đường khác nhau đã được các trí thức Việt Nam tiếp thu, ủng hộ và giới thiệu trên báo chí cũng như xuất bản thành sách để phổ biến trong nhân dân. Những bài báo và các tác phẩm này đã phản ánh quá trình phát triển về mặt nhận thức của giới trí thức Việt Nam về vấn đề nữ quyền và bình đẳng nam nữ. Vào những năm nửa đầu thế kỷ XX, những cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ và cuộc vận động giải phóng phụ nữ ở Việt Nam đều xoay quanh và chịu ảnh hưởng bởi hai khuynh hướng vận động nữ quyền này.
II.               Những nhận thức ban đầu và cuộc thảo luận về nữ quyền trên báo chí  trong 25 năm đầu thế kỷ XX
Trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, với thể chế chính trị quân chủ chuyên chế và hệ tư tưởng Nho giáo là bệ đỡ cho chính quyền thì người dân Việt Nam chỉ là những “thần dân” của Hoàng đế, đặc biệt phụ nữ hoàn toàn không có bất cứ quyền lợi nào về kinh tế, chính trị và văn hóa. Vì vậy, những tư tưởng về nữ quyền và bình đẳng nam nữ là một khái niệm hết sức xa lạ.  Ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ trên thế giới qua các “tân thư” cùng với sự xuất hiện của báo chí, lần đầu tiên người dân Việt Nam được tiếp cận với các tư tưởng mới và có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị.
  Khái niệm nữ quyền lần đầu tiên được nhắc đến trong bài Về thói trọng nam khinh nữ của ta trên Đông Dương Tạp chí (ĐDTC) ngày 11/2/1914. Trong bài này, sau khi phân tích thực trạng địa vị phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội, tác giả kêu gọi phụ nữ đấu tranh “sao cho nữ quyền chúng ta ngày càng nhớn để cho các thầy nó đố dám lên mặt tu mi mà bắt nạt cân quắc”.  Như vậy, “nữ quyền” trong bài báo này chỉ là để cho nam giới không thể “bắt nạt” phụ nữ được nữa. Lần thứ hai “nữ quyền” được nhắc đến trong mục Nhời đàn bà số 5 ngày 21/1/1915 trên Trung Bắc TânVăn (TBTV) khi đặt vấn đề “muốn mang tư tưởng cùng chị em bàn bạc để đúc lấy nữ quyền dạy bảo nhau chóng nên người khôn ngoan, tài đảm để gây nên một giống nòi mạnh bạo, mai sau này chiếm lấy một phần nữ sử với hoàn cầu.”
Năm 1916, trên TBTV trong mục Nhời đàn bà, Nguyễn Văn Vĩnh có Bàn về nữ quyền cho rằng “người đàn bà trời sinh ra để làm bạn, để gánh vác một công việc với người đàn ông chứ không phải để làm thân trâu ngựa” và việc coi thường phụ nữ của người đàn ông Việt Nam xưa nay là một cách tự làm thiệt mình vì đã coi thường một người làm bạn với mình, một người cùng gánh vác công việc với mình.
Cũng trong năm 1916, trong bài Sự giáo dục đàn bà con gái  trên ĐDTC (bài này được đăng lại trên báo Nam Phong tháng 10/1917), Phạm Quỳnh đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và  trong nền sản xuất xã hội nhưng cho rằng phụ nữ từ trước tới nay bị đánh giá thấp “suy cho cùng  chỉ vì không có học thức mà thôi”. Và quyền bình đẳng nam nữ lúc này chỉ được hiểu là “phải lưu tâm vào sự giáo dục đàn bà”.
 Như vậy cho đến năm 1917, trước khi chiến tranh thế giới I kết thúc, khái niệm nữ quyền chỉ được nhắc đền một cách hời hợt trong khi kêu gọi phụ nữ thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới, chưa ai đưa ra được định nghĩa “ Nữ quyền” là gì?
Năm 1918, tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, báo Nữ giới chung  (NGC) phát hành số đầu tiên vào ngày1/2/1918.  Ngay sau khi ra đời, NGC đã có một cuộc thảo luận về khái niệm nữ quyền và quyền bình đẳng nam nữ. Các tác giả NGC  đã bàn đến  Nghĩa nam nữ bình quyền là gì (của Sương Nguyệt Anh) trên báo ra ngày 22/2/1918, Bàn thêm về chữ nữ quyền (của cô Bích Đào)  trên báo ngày 15/3/1918 hay Nữ quyền bình đẳng luận (của cô Liễu) trên báo ngày 15/3/1918 và Nữ quyền (của Cự Hải Nguyễn Hồng Nguyên.)..[3]
     Trong cuộc thảo luận này, mỗi người đều cố gắng đưa ra những lời giải thích riêng về nghĩa của các khái niệm. Một số người cho rằng tư tưởng này là những tư tưởng mới được du nhập từ phương Tây, trong khi đó một số người khác lại chỉ ra mầm mống của sự bình đẳng có thể tìm thấy trong xã hội Việt Nam truyền thống. Cuộc thảo luận cho thấy quá trình diễn dịch, hấp thu này đã làm biến dạng các quan niệm phương Tây về sự bình đẳng Nhìn chung lại, về nguồn gốc của khái niệm nữ quyền hầu như­ các tác giả đều thống nhất cho rằng đó là một khái niệm đến từ phư­ơng Tây và thực hành ở Việt Nam thì chưa thích hợp. Họ cho rằng “Đáng sợ thay con gái không có giáo dục mà lại chuyên quyền gia thất, thời bại hoại cang thường, cầm quyền quốc gia, thời đảo điên chánh sự” và nếu “đem cái gương nữ quyền mà treo ở các nước giáo dục chưa phổ cập, khác gì mượn đường cho hươu chạy, mà tưới thêm dầu vào đống lửa cháy để cái thói hư càng ngày càng tệ hại”...
Tuy nhiên, qua các bài báo, các tác giả đã thừa nhận vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và địa vị tương đối được tôn trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thái độ vừa phản đối việc tuyên truyền cho tư tưởng nữ quyền phương Tây đồng thời vừa cổ suý việc giáo dục dành cho phụ nữ và đẩy mạnh phụ nữ chức nghiệp - những nội dung căn bản của lý thuyết nữ quyền tự do trong thời kì đầu của phong trào nữ quyền phương Tây của các tác giả trên NGC đã cho thấy nhận thức về khái niệm nữ quyền và bình đẳng nam nữ của các tác giả trên NGC vẫn còn khá mơ hồ. Tính mơ hồ của các khái niệm này có nguyên nhân từ việc tiếp nhận các khái niệm từ các nhà cải cách Trung Quốc theo những cách khác nhau.
Báo NGC phát hành được 22 số thì bị đình bản vào ngày 19 tháng 7 năm 1918. Sau khi NGC đình bản năm 1918 đến khi cuốn sách đầu tiên về chủ đề Nữ quyền và Bình đẳng nam nữ ra đời, các cuộc thảo luận trên báo chí về chủ đề phụ nữ chủ yếu xoay quanh việc nhìn nhận lại vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, vấn đề giáo dục cho phụ nữ và những thay đổi trong đời sống phụ nữ trước sự tác động của những thay đổi trong xã hội và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây …Cho đến cuối thập niên 1920, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các cuốn sách viết về nữ quyền và bình đẳng nam nữ của các tác giả Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, các cuốn sách chuyên khảo về đề tài này chính là di sản về tinh thần của giới trí thức Việt Nam trong một giai đoạn có tính bản lề của toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc.
III.            Sự phát triển nhận thức về nữ quyền và bình đẳng nam nữ qua những cuốn sách chuyên khảo.
a.      “Nam nữ bình quyền” của Đặng Văn Bảy, cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về vấn đề bình đẳng nam nữ ở Việt Nam
Sau chiến tranh thế giới thứ I, Pháp thực hiện cuộc cải cách về giáo dục, cuộc cải cách giáo dục này thường được biết tới dưới tên gọi là “Học chính tổng quy”. Theo quy định của chính quyền thực dân Pháp, phụ nữ được theo học tại các trường Pháp- Việt đang mọc lên trên khắp cả nước. Tại các làng quê, trẻ em gái cũng được tới trường. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, phụ nữ chính thức được tới trường học tập. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những trí thức trong nhà trường Pháp Việt đã làm hình thành nên tầng lớp nữ sinh Tây học, những “cô gái mới”… Trên báo chí thời kỳ này xuất hiện nhiều bài viết về giáo dục cho phụ nữ, phụ nữ học để làm gì và học như thế nào? Từ thực tế lịch sử, dưới thời phong kiến phụ nữ không được đi học, nên hầu hết các trí thức Việt Nam tiến bộ coi việc giáo dục cho phụ nữ là một biện pháp để thực hiện nữ quyền. Tuy nhiên, những thay đổi trong cuộc sống của người phụ nữ có học, những “cô gái mới” đã trở thành một thách thức đối với nếp sống và các giá trị đạo đức truyền thống. Trong bối cảnh đó, cuốn Nam nữ bình quyền của Đặng Văn Bẩy được coi là cuôn sách đầu tiên bàn về chủ đề này.
Đặng Văn Bẩy (1903-1983) là một giáo viên dạy học tại tỉnh Vĩnh Long. Năm  1925, ông viết cuốn Nam nữ bình quyền và hoàn thành nó vào năm 1927. Năm 1928 cuốn sách được xuất bản lần đầu  tại nhà in Tam Thanh (Sài Gòn).  Sách gồm 60 trang, ngoài phần mở đầu và kết luận, sách có 6 chương: chương 1: Công lý và nhơn đạo;  chương 2: Gia đình khảo lược; chương 3: Nữ lưu giáo dục sơ lược; chương 4: Bàn về chữ trinh; chương 5: Hôn nhân;  chương 6. Đạo vợ chồng.
Các chương của cuốn sách đã phản ánh bối cảnh xã hội và văn hóa cũng như nhận thức về tư tưởng nữ quyền và bình đẳng nam nữ trong xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, thực trạng địa vị bất bình đẳng của phụ nữ và ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ mới, cũng như những thách thức của quá trình tiếp nhận những tư tưởng mới này. Ngay từ lời mở đầu, tác giả đã thể hiện một tinh thần phản tư, thừa nhận có những nhận thức sai lầm: “Ta không phải thánh hiền từ trong bụng mẹ, nên sanh ra ta đã xa thánh hiền, mà thánh hiền còn nhận rằng mình nhiều khi lỗi, thời ta cũng chẳng ra ngoài lẻ kia… Vì xưng tội, vì đau-đớn, vì thương xót, tôi góp ý thành sách.”
Những cái lỗi mà tác giả nhận ra đó chính là quan niệm sai lầm dẫn đến cách đối xử bất bình đẳng với phụ nữ.
 Đặng Văn Bày đã phân tích tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ trong cách nhìn nhận địa vị của phụ nữ trong xã hội, sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con gái và con trai… trong gia đình.  Theo ông sự bất bình đẳng này là không hợp với công lý và nhân đạo. Tên cuốn sách là Nam nữ bình quyền, nhưng toàn bộ nội dung cuốn sách và các chương mục thể hiện thái đô phê phán quan niệm coi thường phụ nữ và thực trạng bất bình đẳng nam nữ trong xã hội. Ông viết: “Tôi đề xướng nam nữ bình quyền là do thấy phần nhiều đàn bà con gái bị chê bỏ, hiếp đáp, còn đàn ông con trai lại quá tự do. Phép công bình là đôi bên phải đồng, không khinh không trọng, không thấp không cao. Ai đã mến phép công bình cũng chẵng ghét vơ gì đến cái Nam Nử bình quyền nầy. Ai biết rằng bị người đè ép mình là thiệt thôi, đau đớn cho mình, thời cũng nên biết rằng đè ép người là làm cho người phải thiệt thòi đau đớn[4] Ông phân tích lý do cần phải thực hiện “ bình đẳng nam nữ” trên 2 phương diện, lẽ tự nhiên và đạo đức. Xét về lẽ tự nhiên” Sanh ra, dầu trai dầu gái, cũng đồng là người, thời cái quyền của con người chẳng phải riêng để cho một phe trai, mà cũng chung cho phe gái”, xét về đạo đức, “gái đã có người gánh việc nước nhà rạng danh anh liệt như Trưng –Trắc, Trưng-Nhị, Triệu-Ẩu, theo nghề nghiên bút, rền tiếng văn chương như Chi-Lan, Thị-Điểm, Xuân-Hương. Thế gái có kém gì trai, có khác gì trai”.  Những luận điểm của Đặng Văn Bảy trong các chương thường gắn với các câu chuyện thực tế xoay xung quanh trục chính là quan hệ trong gia đình, giữa chồng và vợ, giữa con gái và con trai. Các câu chuyện này phản ánh thực trạng quan hệ bất bình đẳng giữa vợ và chống như “chồng chúa vợ tôi”, “ xuất giá tòng phu”, “ trọng nam khinh nữ”… và quan điểm về giáo dục dành cho phụ nữ: “Thế nào là thương con”, giáo dục về thể chất ( thể dục), giáo dục tri thức ( Trí dục), giáo dục tư cách ( Đức dục)… cho phụ nữ như thế nào... Ông phản bác quan niệm coi thường phụ nữ bằng một thực tế lịch sử. Theo ông, phụ nữ được giáo dục sẽ là nguồn lực to lớn trong sự nghiệp giành độc lập và kiến tạo đất nước… “ lúc ông Phan-Sào-Nam về nước, đám tang ông Phan-tây-Hồ, lễ rước ông Bùi-quang-Chiêu, ta lại muốn có mặt đàn bà dự vào đấy? Nếu ta xưa nay một lòng cho con gái đi học như con trai, thời lẽ khi số người đàn bà đến trong mấy hội ấy còn đông gấp mười, gấp trăm số ta đó thấy.”[5] Tác phẩm của Đặng Văn Bảy cũng phản ánh ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ phương Tây và phong trào giải phóng phụ nữ khi đề cập đến khái niệm trinh tiết và quyền của phụ nữ trong hôn nhân,” hôn nhân tự do” và “đạo vợ chồng”…Nhà Nghiên cứu Bùi Trân Phượng đánh giá tác phẩm Nam nữ bình quyền của Đặng Văn Bẩy là một “tư tưởng nữ quyền tiên phong và thấu đáo”.[6]
3.2. Phan Bội Châu và cuốn “Vấn đề phụ nữ”
 Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà yêu nước và cách mạng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, linh hồn của phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX. Những hoạt động cách mạng của ông có ảnh hưởng lớn và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Chính vì lẽ đó mà trong phiên toà xử Phan Bội Châu, luật sư Bôna (Bonard) đã phải thừa nhận: “Trong mấy chục năm gần đây, lịch sử Phan Bội Châu đã lẫn lộn với lịch sử của dân tộc’’.[7] Mặc dù, trong suốt 20 năm hoạt động của mình, Phan Bội Châu chưa có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về những lực lượng xã hội cơ bản như nông dân và công nhân nhưng Phan Bội Châu lại có quan điểm tiến bộ về phụ nữ và sớm có ý thức vận động phụ nữ tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc. Có thể nói đề tài phụ nữ là một trong những mảng đề tài lớn trong các tác phẩm của ông.[8]
Năm 1929, Duy Tân thư xã ở Huế đã xuất bản cuốn Vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu.[9]
Cuốn Vấn đề phụ nữ có 31 trang khổ 14cm X 20,5cm gồm 3 chương: Chương 1: Địa vị với lịch sử phụ nữ; chương 2: Nữ quyền; và chương 3: Phụ nữ vận động
 Mở đầu cuốn Vấn đề phụ nữ  Phan Bội Châu đã khẳng định quyền của phụ nữ với tư cách là con người cũng như với tư cách là dân của một nước bằng cách đặt câu hỏi: “Đàn bà con gái có phải cũng loài người hay không?”, “Đàn bà con gái có phải cũng quốc dân hay không?” và tự khẳng định “Chắc không ai trả lời rằng “không phải được” [10]. Với 3 chương sách, Phan Bội Châu đã đi từ lịch sử loài người đến lịch sử phụ nữ để từ đó chỉ ra những nguyên nhân lịch sử dẫn tới địa vị bất bình đẳng của phụ nữ. Ông cho rằng phụ nữ có những đặc điểm riêng về sinh học, thể chất yếu ớt hơn nam giới, lại phải mang chức năng sinh nở nên trong điều kiện lịch sử phải cạnh tranh gay gắt để sinh tồn, chiến tranh giữa các bộ lạc…  đã khiến phụ nữ ở vị thế kém so với nam giới. Mặt khác, chính chiến tranh đã làm cho phụ nữ trở thành đồ vật khi phụ nữ bị coi như một thứ chiến lợi phẩm của bên thắng trận hoặc vì phụ nữ là mục đích của hành động cướp bóc trong chiến tranh nên để tránh “cái hoạ cướp mới nảy ra một cái lễ cho loài phụ nữ tức là một câu: “Phụ nữ bất xuất khuê môn”- Đàn bà con gái không được đi ra khỏi cửa buồng.”[11] Một lí do quan trọng làm cho phụ nữ có địa vị thấp kém, theo Phan Bộ Châu đó là vì tư tưởng phong kiến  “quyền vua quá nặng nên mới sinh ra học thuyết tam cương”, “ vua bảo tôi chết, tôi phải chết; cha bảo con chết, con phải chết; chồng bảo vợ chết, vợ phải chết”.[12]
 Về nữ quyền, Phan Bội Châu đặt nữ quyền trong phạm trù chung về quyền con người. Ông nói: “nữ quyền” nghĩa là quyền đàn bà con gái cũng như “nam quyền” nghĩa là quyền người con trai, nhưng xét cho đến gốc chân lý, thăm cho đến  nguồn triết học , thời “nữ quyền” với “nam quyền”  tất cả thu nạp trong hai chữ “nhân quyền”, nghĩa là quyền của người , mà cũng là quyền làm người”[13]. Điểm đặc biệt trong tác phẩm Vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu là gắn quyền của phụ nữ với nghĩa vụ của phụ nữ với tư cách một con người trong xã hội, và gắn với thực tế lịch sử Việt Nam đang nằm dưới sự cai trị của ngoại bang. Những phân tích của Phan Bội Châu về nữ quyền cuối cùng để đi đến kết luận: “Gánh việc quốc gia, trả thù đánh giặc, con trai làm được lẽ đâu lại cấm con gái không được làm” và “khi ta hết lòng gánh việc xã hội tức là hết nghĩa vụ làm người mà quyền người mới có thể khôi phục được. Quyền người đã khôi phục được thời quyền gái chẳng cần nói nữa” [14].     
Một bước tiến trong nhận thức về nữ quyền trong tác phẩm Vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu đó là ông dành 1 chương cho vấn đề vận động phụ nữ. Ở thời điểm này, Phan Bội Châu là người duy nhất đặt vấn đề vận động phụ nữ và liên kết đoàn thể phụ nữ.
Phan Bội Châu cho rằng: Phụ nữ vận động là một việc cần thiết trong xã hội đời bây giờ” và muốn bắt tay vào việc vận động phụ nữ trước hết phải nhận thức được vai trò của phụ nữ trong xã hội, trong quốc gia, trong loài người. Chủ trương vận động phụ nữ của Phan Bội Châu gồm 4 nội dung:
        “1. Mở mang về đường trí thức của phụ nữ
          2. Liên kết đoàn thể phụ nữ.
          3. Chấn hưng chức nghiệp của phụ nữ.
          4. Nâng cao địa vị của phụ nữ.”[15]
           Trong 4 nội dung trên theo Phan Bội Châu quan trọng nhất là việc nâng cao trình độ trí thức cho phụ nữ vì chỉ có trên cơ sở nâng cao trình độ trí thức cho phụ nữ mới có thể thực hiện nâng cao địa vị phụ nữ. Và ông cho rằng: “mình giáo dục lấy mình đó là thượng sách”. Vì vấn đề phụ nữ phải do chính phụ nữ tự quyết định.
            Đặt trong bối cảnh nhận thức về nữ quyền và bình đẳng nam nữ ở Việt Nam những năm 1920 quan điểm về nữ quyền và bình đẳng nam nữ của Phan Bội Châu đã vượt lên trên các trí thức tư sản trong việc tiếp nhận các tư tưởng dân chủ tư sản trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất[16].
3.3. “Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam” của Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc và khuynh hướng phê bình nữ quyền
            Sang những năm 1930, sau 2 cuộc khai thác thuộc địa cùng với kết quả của chương trình cải cách giáo dục của Pháp, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong xã hội Việt Nam trở nên sâu rộng hơn. Thời kỳ này được coi là thời kỳ “Âu hóa” triệt để. Đối với phụ nữ, đây cũng là thời kỳ phong trào phụ nữ có nhiều hoạt động sôi nổi. Sự ra đời của tờ báo Phụ nữ tân văn mở đầu cho sự xuất hiện dòng báo phụ nữ trong giai đoạn này đã kéo theo nhiều cuộc tranh luận về nữ quyền, bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ khi đề xướng trưng cầu ý kiến của các danh nhân về vấn đề phụ nữ. Nội hàm của khái niệm nữ quyền lúc này đã được mở rộng ra với đầy đủ nội dung: quyền học tập, quyền làm việc và quyền chính trị của phụ nữ. Bên cạnh những ý kiến kêu gọi đấu tranh đòi nữ quyền, giải phóng phụ nữ, cũng có không ít ý kiến phê phán phong trào này và hiện tượng các cô gái mới, coi đó như một sự đe dọa đối với nền tảng gia đình và đạo đức xã hội. Cuốn sách Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam của Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc là một cuốn sách theo khuynh hướng phê bình nữ quyền này.
            Cuốn Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam của Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc xuất bản năm 1932 [17]  gồm 7 chương[18]. Trong lời mở đầu, các tác giả xác nhận:“Xưa kia phụ nữ chỉ biết có bổn phận của mình mà thôi và cho sự làm vẹn bổn phận là cái danh dự tối cao của mình! Cái mục đích duy nhất trong đời là lo sao cho tròn các bổn phận ấy:bổn phận đối với cha mẹ, bổn phận đối với chồng con, bổn phận  đối với ông bà nội ngoại… Ngày nay không như thế nữa, theo ngọn gió Tân trào người đàn bà An Nam đã đổi mới. Bắt chước chị em Âu Mỹ chị em chẳng kể chi buổi quá vãng, ầm ầm cổ động nữ quyền[19]. Các tác giả phê phán phong trào nữ quyền, và những người cổ súy phong trào nữ quyền là họ đã làm cho con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng, đàn ông đối với đàn bà trở nên thù địch… và kết tội: “ làm cho 2 phần tử quốc gia trở nên ghen ghét nhau là không biết thương nước thương nòi, một việc phá hoại xã hôi. Sau này đứng trước lịch sử các ngài hãy tự lãnh cái trách nhiệm nặng nề ấy[20]… Các tác giả đã phân tích và tìm ra những hạt nhân hợp lý để lý giải cho việc phụ nữ có địa vị thấp kém trong xã hội của một số quốc gia như  Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ và Trung Hoa. Đó là vấn đề tôn giáo, tục thờ cúng tổ tiên, vấn đề duy trì nòi giống và cấu trúc gia đình truyền thống… Các tác giả cũng phân tích địa vị của phụ nữ Pháp và cho biết, phụ nữ Pháp hiện cũng chưa có quyền lợi gì cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hóa. Địa vị phụ nữ Việt Nam tuy theo luật Gia long còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng của Luật nhà Thanh ở Trung Quốc, nhưng trên thực tế, những luật lệ ở địa phương vẫn vận dụng luật Hồng Đức ( thế kỷ 15)  và vì vậy so với các nước khác,  địa vị phụ nữ Việt Nam  có phần rộng rãi hơn và bình đẳng hơn. Các tác giả cũng đề cập đến các vấn đề đang gây tranh cãi trên các diễn đàn báo chí như : Phụ nữ giáo dục, phụ nữ chức nghiệp và hôn nhân tự do… Các tác giả không ủng hộ việc phụ nữ đi làm, cho rằng phụ nữ đi làm sẽ không quán xuyến gia đình vốn là bổn phận của họ, còn trong vấn đề hôn nhân, các tác giả đưa ra một quan điểm trung dung hơn, đó là cha mẹ cũng cần quan tâm đến nguyện vọng của con cái khi quyết định việc hôn nhân cho con cái... Riêng vấn đề giáo dục cho phụ nữ các tác giả cho rằng đây là một việc hết sức cần thiết, và học không chỉ để chăm lo gia đình mà cần nâng cao trình độ cho phụ nữ… Để kết luận các tác giả cho rằng: “Phái nữ quyền có hô hào sao đi nữa cũng không cải được lẽ của tạo hóa. Một người tôi mọi thuở xưa còn có thể nên người tự do được. Nhưng một người đàn bà dẫu có quyền đến đâu nữa cũng vẫn là người đàn bà.”[21]
            Cuốn sách Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam của Trần Thiện Ty và Bùi Thế Phúc đã gây nên cuộc thảo luận trên báo chí và Nguyễn Thị Chính[22] đã viết bài phê phán những luận điểm trong cuốn sách này. Bài phê phán của Nguyễn Thị Chính cũng mở ra một cuộc tranh luận trên báo chí giữa Nguyễn Thị Chính và Phan Khôi “Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh quan” đăng trên báo Phụ nữ Tân văn ngày 7-14/7/1932. Cuộc tranh luận này được Shawn Mc. Hale đánh giá là “làm nền cho nhiều cuộc thảo luận về “cô gái mới” và gia đình- hai chủ để rất được tầng lớp phụ nữ thượng lưu thời bấy giờ quan tâm”[23].
3.4. “Vấn đề phụ nữ” của Nguyễn Thị Kim Anh [24]do nhà xuất bản Thân dân ấn hành vào năm 1938.    
            Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng cộng sản đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ và ra nhiều nghị quyết về công tác vận động phụ nữ. Trong Án nghị quyết về công tác vận động phụ nữ, Đảng cộng sản đã nhấn mạnh  một trong những nhiệm vụ của Đảng là “làm cho phụ nữ thoát khỏi tư tưởng tư bổn, đánh đổ cái mộng tưởng “nam nữ bình quyền” trong vòng tư bổn chủ nghĩa” và lưu ý cần tuyên truyền cho phụ nữ nhận thức được rằng: Chỉ khi nào nước nhà được độc lập, chế độ phong kiến bị xoá bỏ thì phụ nữ mới có cơ hội được bình đẳng thực sự, được giải phóng thực sự, do vậy việc vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động cách mạng là vô cùng quan trọng, “nếu phụ nữ đứng ngoài cuộc đấu tranh cách mạng của công nông thì không bao giờ đạt mục đích giải phóng được”[25]. Để tthực hiện chủ trương vận động phụ nữ của Đảng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều phụ nữ được cử chuyên trách công tác vận động phụ nữ, không chỉ viết bài trên các báo công khai phổ biến tư tưởng nữ quyền mác xít, phê phán các quan điểm nữ quyền tư sản mà còn đi sâu vận động nữ công nhân, nông dân.
            Theo nhiều nhà nghiên cứu [26] Nguyễn Thi Kim Anh chính là bút danh của Nguyễn Thị Minh Khai- một nữ trí thức cách mạng nổi bật trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc của nhân Việt Nam trước năm 1945.
            Nguyễn thị Minh Khai tham gia cách mạng từ sớm, bà đã tham dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu. Năm 1934, bà là đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương sang Nga tham dự đại hội quốc tế cộng sản lần thứ 7. Tại Đại hội này bà đã đọc tham luận về “Vai trò của của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đé quốc và bảo vệ hòa bình”. Sau đó bà ở lại học ở Đại học Phương Đông. Năm 1937 bà về Sài Gòn làm bí thư thành ủy Sài Gòn và phụ trách công tác vận động phụ nữ của Đảng. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, dưới bút danh Kim Anh, Nguyễn Thị Kim Anh bà viết nhiều bài báo phổ biến quan điểm nữ quyền Mac xit, đấu tranh với những quan niệm sai lầm trong việc nhận thức các vấn đề về nữ quyền và giải phóng phụ nữ… trên các báo Dân chúng, Đời nay. .. Năm 1938, nhà xuất bản Thân dân Chợ Lớn đã xuất bản cuốn sách Vấn đề phụ nữ của bà.         
           Tác phẩm “Vấn đề phụ nữ của bà gồm có 8 chương. Trong Lời nói đầu ( chương 1) Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh “Vấn đề phụ nữ là một vấn đề quan trọng trong những vấn đề xã hội, có mật thiết liên lạc với nền tảng kinh tế chính trị của xã hội loài người”. Từ chương 1 đến chương 6, bà trình bày quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê nin về địa vị của người phụ nữ trong lịch sử loài người, từ xã hội nguyên thủy cho tới xã hội nô lệ, phong kiến, tư bản và  xã hội xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, bà dành nhiều trang để giới thiệu về địa vị của phụ nữ trong xã hội Xô viết: Sự bình đẳng về chnh trị, tỷ lệ phụ nữ trong Đảng Cộng sản Liên Xô ngày càng tăng, về kinh tế thì phụ nữ tham gia vào khắp mọi ngành nghề; Về văn hóa, số phụ nữ có bằng đại học cũng tăng lên nhanh chóng từ 28% vào năm 1930 đến năm 1936 đã lên 36%. Phụ nữ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực y tế (chiếm 45%) và lĩnh vực giáo dục (chiếm 90%) phụ nữ làm khoa học chiếm 30,2%, trong Viện hàn lâm phụ nữ cũng chiếm tới 28%...
            Chương 7 và chương 8 bà đi vào phân tích “Hai xu hướng vận động đàn bà hiện nay” (chương 7) và tình hình “Phụ nữ ở Đông Dương” (chương 8). Ở chương 7 bà vạch rõ  xu hướng vận động phụ nữ tư sản có điểm tiến bộ là chống phong kiến, nhưng vẫn là cuộc vận động giải phóng phụ nữ trong “trật tự  của tư bản  nhằm giữ đặc quyền bóc lột của tư bản” Còn cuộc vận động phụ nữ của phụ nữ lao động là nhằm “chống lại chế độ người bóc lột người- nguyên nhân sanh ra sự bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, giữa người với người, tranh đấu để thực hiện chế độ Xã Hội chủ nghĩa”. Bà cũng phân tích đặc điểm, ý nghĩa cuộc vận động của phụ nữ phú hào, phụ nữ lao động, thái độ của quốc tế Cộng sản đối với vấn đề phụ nữ từ đệ nhất quốc tế tới đệ nhị, đệ tam quốc tế…Chương 8 là chương phân tích tình hình và nhiệm vụ của cuộc vận động phụ nữ ở Đông Dương. Cuối cùng bà kết luận: “Vấn đề phụ nữ là vấn đề xã hội, cần phải đưa nó ra giải quyết ở phạm vi một nước, một xã hội”.
3.5. Bộ sách “Đời chị em”và “Chị em phải làm gì” của Cựu Kim Sơn và Văn Huệ
               Cũng trong năm 1938, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi dân chủ lên cao, Đảng cộng sản ra hoạt động công khai, đẩy mạnh tuyên truyền vận động quần chúng tham gia đấu tranh. Cùng với cuốn Vấn đề phụ nữ của Nguyễn Thị Kim Anh phổ biến tư tưởng nữ quyền mac xit, Cựu Kim Sơn[27] và Văn Huệ[28] viết bộ sách ”Đời chị em” và “Chị em phải làm gì” góp phần tuyên truyền hướng dẫn phụ nữ đấu tranh. Hai quyển sách này được xuất bản bởi nhà in Dân chúng.
               Mở đầu cuốn Đời chị em các tác giả khẳng định “vấn đề phụ nữ, một vấn đề gay gắt đòi phải giải quyết ngay. Vấn đề phụ nữ, thật vậy, là một vấn đề khá quan trọng”. Vì “hiểu rõ sự quan trọng của nó, chúng tôi mới xuất bản cuốn Đời chị em này”.[29]
               Các tác giả cũng cho biết “Đời chị em mới là một cuốn sách đầu tiên trong loại sách phụ nữ. Nó đặt cuộc đời của chị em phụ nữ Đông Dương dưới ánh sáng thực tế, sau nó còn sách phụ nữ khác bày tỏ phương pháp chị em phải dùng, con đường chị em phải đi để tới cõi hoàn toàn bình đẳng tự do.” [30] Ngay trang cuối cuốn Đời chị em, có bài giới thiệu cuốn “Chị em phải làm gì?” là cuốn sách “nói rõ tại sao phải giải phóng phụ nữ Đông Dương”[31]
               Cuốn “Đời chị em” 41 trang, khổ nhỏ 14cmX 20,5cm, gồm 6 chương. Chương 1: “Sinh hoạt của các chị em”, các tác giả đã mô tả thực trạng đời sống khó khăn khốn cùng của các tầng lớp phụ nữ trong xã hội từ chị em vô sản, tới những phụ nữ  phải đi làm con sen, con ở, vú em, phụ nữ nông dân, phụ nữ tiểu thương, phụ nữ trí thức, phụ nữ phong kiến và phụ nữ tư sản dưới chế độ phong kiến cũng như dưới chế độ thuộc địa. Chương 2, chương 3 và chương 4  các tác giả trình bày về các hủ tục phong kiến, chế độ hôn nhân và gia đình trói buộc phụ nữ, lý do vì sao phụ nữ Đông Dương phải tham gia phong trào vận động giải phóng phụ nữ…Chương 5 về thực trạng mãi dâm trong xã hội thuộc địa và chương 6  nói về  tình cảnh chị em thất học. Ở chương này, các tác giả nhấn mạnh vào những di hại của việc thất học đối với đời sông của phụ nữ.
              Cuốn Chị em phải làm gì do Đồng Xuân thư quán phát hành có  69 trang gồm 2 phần :
               Phần 1: Chị em phải làm gì trog thời kỳ hiện tại. Phần này có 7 mục đặt vấn đề “Tại sao phải giải phóng phụ nữ Đông Dương” và phân tích cuộc vận động giải phóng phụ nữ Đông Dương, ở mỗi tầng lớp phụ nữ ( bình dân, phụ nữ tư sản,) các tác giả phân tích hoàn cảnh cụ thể  của họ và gợi ý những mục tiêu đấu tranh, những khẩu hiệu phù hợp với điều kiện và mục đích đấu tranh của họ. Các tác giả cũng vạch ra hững nhiệm vụ hiện nay của phụ nữ, các khẩu hiệu đấu tranh, việc tổ chức và cách làm việc…
               Phần 2 của cuốn sách có tiêu đề Chị em phải làm gì về tương lai đã đưa ra đường hướng phát triển của cuộc vận động phụ nữ, những mục tiêu cần đạt tới và đặc biệt nhấn mạnh phải gắn cuộc vận động giải phóng phụ nữ với việc giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và xây dựng một xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực sự mang lại tự do và bình đẳng cho phụ nữ…
               .
   
            Kết luận
               Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, cùng với sự phát triển của báo chí và kỹ thuật in ấn, xuất bản, người dân Việt Nam đã có điều kiện được tiếp cận với những tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ, nữ quyền và bình đẳng nam nữ …
Quá trình nhận thức tư tưởng nữ quyền, bình đẳng nam nữ ở Việt Nam chịu tác động và được quy định bởi những ảnh hưởng lâu dài của hệ tư tưởng Nho giáo lên đời sống xã hội, đặc biệt là những định kiến của xã hội về địa vị và thân phận họ  trong xã hội. Sự nhận thức này ngày càng trở nên đầy đủ hơn, đặc biệt trong điều kiện của một nước thuộc địa, nhận thức về nữ quyền và bình đẳng nam nữ sớm chuyển biến gắn cuộc vận động giải phóng phụ nữ với giải phóng dân tộc. Từ những nhận thức đầy mơ hồ những năm đầu thế kỷ XX, chỉ 30 năm sau đó các trí thức Việt Nam đã thể hiện sự hiểu biết của mình về nữ quyền và bình đẳng nam nữ từ điều kiện thực tiễn của Việt Nam qua những cuốn sách chuyên khảo về nam nữ bình quyền, nữ quyền và cuộc vận động giải phóng phụ nữ…
 Các sách chuyên khảo về chủ đề nữ quyền và bình đẳng nam nữ được xuất bản trong thời kỳ này không chỉ phản ánh quá trình nhận thức về những tư tưởng tự do và bình đẳng mà còn là di sản về tinh thần của người dân Việt Nam và là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu  khi tìm hiểu về lịch sử tư tưởng Việt Nam cũng như lịch sử phong trào nữ quyền, cuộc vận động giải phóng phụ nữ ở Việt Nam trong những năm nửa đầu thế kỷ XX.

*. Bài đã đăng trong Kỷ yếu HT quốc gia"" Nữ quyền- những vấn đề lý luận và thực tiễn" ngày 8/10/2015, NXB Đại học sư phạm Hà Nội, từ tr 173-186


Tài liệu tham khảo và trích dẫn
1.Nguyễn Thị Kim Anh ( 1938) Vấn đề phụ nữ, NXB Thân dân, Chợ Lớn
2.      Đặng Văn Bảy(1928) Nam nữ bình quyền, Nhà in Tam Thanh, Da Kao
3.      Phan Bội Châu ( 1929) Vấn đề phụ nữ, NXBDuy tân thư xã, Huế
4.      Đặng Thị Vân Chi,(1998), “Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX” trong  Phan Bội Châu con người và sự nghiệp, Đại học quốc gia Hà Nội
5.      Đặng Thị Vân Chi,  (2001) “Vấn đè nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, t4, NXB Thế giới
6.      Đặng Thị Vân Chi, “Đường lối vận động phụ nữ của Đảng cộng sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1945)” Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ 2: Việt Nam trên đường phát triển và Hội nhập: truyền thống và hiện đại," t2, NXB Thế giới,
7.      Đặng Thị Vân Chi, “Dòng báo phụ nữ ở Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945”, T/c NCLS  tháng  6 /2006
8.      Đảng cộng sản Việt Nam,( 1998), Văn kiện Đảng toàn tập, t2, NXB Chính trị quốc gia
9.      Trần Hàn Giang,( 2003) “Lịch sử phát triển của lý thuyết nữ quyền và Lý thuyết giới””, T/c Khoa học về phụ nữ số 6  (161)
10.  Nguyễn Thị Ttường Khanh (2004) Nữ giới chung, tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Đại học Khoa học Xã hội và  Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.
11.  Tôn Quang Phiệt ( 1958), Phan Bội Châu và mỗi giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, NXB Văn Hóa, H,
12.  Cựu Kim Sơn, Văn Huệ( 1938) Đời chị em, NXB Dân Chúng
13.  Cựu Kim Sơn, Văn Huệ, (1938) Chị em phải làm gì, NXB Dân chúng,
14.  Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc ( 1932) Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam, Sàigòn
15.  McHale Shawn Frederick ( 1995) Priting, power and the transformation of vietmames , 1920-1945 Dissertation, Cornell University
16.  Các tờ báo xuất bản trước năm 1945 đang được lưu giữ tại thư viện quốc gia Việt Nam







[1] Những đại diện xuất sắc của trào lưu triết học ánh sang là Môngtextkiơ (Charles Louis Montesquieu ) (1689-1755),  Vôn te (Voltaire ) (1694-1778) và  đặc biệt là Giăng Giắc Rút xô (-Jacques Rousseau) (1712-1778)

[2] Sự biện minh cho các quyền của phụ nữ” (1792) của Mary Wollstonecraft (1759-1799); “Sự khuất phục của phụ nữ”” (1869), của John Stuart Mill và  Harriet Taylor
[3] Xem Đặng Thị Vân Chi ( 2001) Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, Kỷ yếu HT quốc tế Việt nam học lần thứ I, , T4, NXB thế giới
[4] Đặng Văn Bảy (1928), Nam nữ bình quyền, Tam Thanh, Sài Gòn, tr4
[5] Đặng Văn Bảy ( 1928) Nam nữ bình quyền, tr 39
[6]  Bùi Trân Phượng ( 2014) ” Một tư tưởng nữ quyền tiên phong và thấu đáo” Nguồn: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/mot-tu-tuong-nu-quyen
[7] Tôn Quang Phiệt ( 1958), Phan Bội Châu và mỗi giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam, NXB Văn Hóa, H, tr 236
[8] Xem thêm Đặng Thị Vân Chi ( 1998) “Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX” trong “ Phan Bội Châu- con người vầ sự nghiệp” Đại học quốc gia Hà Nội , tr 303-318).
[9] Vào năm 1997, GS.TS ( lúc đó là PGS.TS) Trần Chí Dõi, trong chuyến công tác tại Pháp đã tìm thấy cuốn Vấn đề phụ nữ của Phan Bội Châu do Duy Tân thư xã ở Huế xuất bản năm 1929 tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp. GS Trần Chí Dõi đã photo cuốn này mang về Việt Nam. Cuốn sách này của Phan Bội Châu đã được Đặng Thị Vân Chi đề cập đến trong bài “Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX” và  đã được công bố trong cuốn “ Phan Bội Châu- con người vầ sự nghiệp” Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 1998.
[10] Phan Bội Châu (1929),Vấn đề phụ nữ, Tân dân thư xã, tr1
[11] Phan Bội Châu (1929),Vấn đề phụ nữ tr4
[12] Phan Bội Châu, ( 1929) Vấn đề phụ nữ… tr 4
[13] Phan Bội Châu,(1929) Vấn đề phụ nữ… tr 8
[14] Phan Bội Châu, ( 1929), Vấn đề phụ nữ, tr 10
[15] Phan Bội Châu ( 1929) Vấn đề phụ nữ, tr 11
[16] Xem thêm bài “Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ XX “của Đặng Thị Vân Chi trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tập 4, NXB Thế giới năm 2001.
[17] Cuốn sách này hiện còn lưu dưới dạng Microfilm  tại Thư viện Quốc gia  In bằng 2 thứ tiếng Pháp và tiếng việt, phần tiếng Việt bắt đầu từ trang 62 đên trang 105, khổ nhỏ, Trang bìa :La question Fe’minine en pays  D’Annam par Trần Thiện Tỵ, Diplome’ des Hautes E’tudes Indochinoises.
[18] 1: Địa vị của phụ nữ ở Hy Lạp- La mã, Ấn độ và Trung Hoa; 2: Địa vị đàn bà ở Châu Âu bây giờ; 3: Địa vị đàn bà Việt Nam;4: Vấn đề hôn nhân cha mẹ nên nghe ý kiến con cái; 5: Vấn đề phụ nữ giáo dục; 6: Vấn đề phụ nữ chức nghiệp; 7: Kết luận
[19] Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc, (1932) Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam, tr64
[20] Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc ( 1932) Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam, tr 66
[21] Trần Thiện Tỵ và Bùi Thế Phúc ( 1932) Vấn đề phụ nữ ở Việt Nam, tr 105
[22] Nguyễn Thị Chính là vợ của nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, người đã từng du học ở Pháp và tham gia viết báo.
 [23] Taylor KW and Jonh K. Whitmore ( 1995) Editor . Essays  in to Vietnamse Pasts Cornel University New York, tr88,
[24] Ngoài Nguyễn Thị Kim Anh còn có 2 tập sách” Đời chị em”, Chị em phải làm gì” của Cựu Kim Sơn và Văn Huệ cũng giới thiệu quan điểm nữ quyền Mác xít cũng như vận động phụ nữ ở Đông Dương, ngoài ra cũng có công trình “ vấn đề phụ nữ ở Việt Nam” của Trần Thiện tỵ và Bùi Thế Phúc
[25] Đảng cộng sản Việt Nam ( 1998), Văn kiện Đảng TT: tập 2, tr 189
[26] Các tác giả Wiliam Ducker, David Marr, Sophie Qinn Judge và TS Nguyễn Văn Khoan trong các công trình nghiên cứu của mình đều cho rằng Nguyễn thị Kim Anh là bút danh của Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi ( Đặng Thị Vân Chi) cũng đồng ý với nhận định này.
[27] Cựu Kim Sơn tên thật là Trần Đức Sắc, được biết đến nhiều dưới tên Văn Tân- một nhà cách mạng và là nhà nhà sử học
[28] Văn Huệ tên thật là Phạm Văn Hảo có thời kỳ làm Giám đốc Bảo tang Cách mạng Hà Nội.
[29] Cựu Kim Sơn và Văn Huệ ( 1938) Đời chị em, Nhà in Dân Chúng, tr 2
[30] Cựu Kim Sơn và Văn Huệ ( 1938) Đời chị em, Nhà in Dân Chúng, tr2
[31] Cựu Kim Sơn và Văn Huệ ( 1938) Đời chị em, Nhà in Dân Chúng, tr 41

PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*

                                                                                                          Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...