Ngày 21/12/2010 tại Văn Miếu Quốc tử giám đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất danh nhân Đặng Xuân Bảng do Hội sử học Hà Nội tổ chức.
Hội thảo đã nhận được 21 báo cáo của các nhà khoa học trong cả nước. Ngoài một số báo cáo giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Cụ như báo cáo đề dẫn của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, báo cáo của Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Đĩnh Cuộc đời và sự nghiệp nhà Nho Đặng Xuân Bảng (1828-1910, báo cáo của PGS.TS Đặng Việt Bích Danh nhân Đặng Xuân Bảng từ mẫu người cận đại đến mẫu người hiện đại, chủ đề giành được nhiều sự quan tâm và thu hút sự chú ý của các nhà sử học chính là những đóng góp của Cụ trong lĩnh vực sử học. Có 5/21 báo cáo tập trung vào lĩnh vực này như:
- Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng- vị học giả uyên bác, nhà sử học xuất sắc của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX của PGS.TS Nguyễn Minh Tường
-Đặng Xuân Bảng , nhà sử học lớn thời cận đại của PGS.TS Chương Thâu
-Đặng Xuân Bảng, nhà sử học lớn cuối thế kỷ XIX của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn
-Sử quan và phương pháp làm sử của Đặng Xuân Bảng- Tiếp cận từ lời bình trong Việt sử cương mục tiết yếu của PGS.TS Vũ Văn Quân và Th.s Vũ Đường Luân
-Quan điểm sử học tiến bộ của Đặng Xuân Bảng qua bộ Việt sử cương mục tiết yếu của TS Nguyễn Hữu Tâm
Chủ đề được quan tâm thứ hai là đóng góp của Đặng Xuân Bảng trong lĩnh vực giáo dục (3/21 báo cáo)
- Vài nét về quan điểm giáo dục của Đặng Xuân Bảng của Th.s Đỗ Danh Huấn
- Đặng Xuân Bảng với giáo dục gia đình của TS. Đặng Thị Vân Chi
-Đôi điều thu hoạch từ Cổ nhân ngôn hạnh lục của Đặng Xuân Bảng về giáo dục gia đình của PGS.TS Nguyễn Hải Kế và CN Vũ Thị Minh Nguyệt
- Ngoài ra có 2 báo cáo về văn học :Đặng Xuân Bảng- cuộc đời và sự nghiệp qua thơ văn của GS. AHLĐ Vũ Khiêu, Về những bài ký của Đặng Xuân Bảng trong tác phẩm Thiện Đình văn chương của PGS.TS Phạm Thùy Vinh, báo cáo của TS. Đặng Kim Ngọc về Những đóng góp của Đặng Xuân Bảng về quan chế qua sách Sử học bị khảo, Tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của Đặng Xuân Bảng văn bản và dịch thuật của PGS.TS Đinh Khắc Thuần, Tuyên Quang tỉnh phú- một chuẩn mực về nghiên cứu địa phương của Đặng Xuân Bảng của TS. Nguyễn Đức Nhuệ, Tìm hiểu giá trị khoa học trong tác phẩm Nam phương danh vật bị khảo của Đặng Xuân Bảng của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí...
Báo cáo đề dẫn của GS.TS Nguyễn Quang Ngoc- chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội sẽ giới thiệu một cách khái quát về con người và sự nghiệp của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng.
"...Cụ Đặng Xuân Bảng tự là Hy Long, hiệu là Thiện Đình, sinh năm Mậu Tý (năm 1828) trong một gia đình có truyền thống Nho học hàng đầu ở một làng quê lừng lẫy xứ Nam - làng Hành Thiện. Hành Thiện có tên nôm là làng Keo (hay còn gọi là Giao) tức là hương Giao Thủy, nơi không chỉ là kết tinh của văn hóa Xứ Nam, mà còn là biểu trưng của nền văn minh Việt cổ, của tộc người Việt từ thuở các Lạc tướng, Lạc dân mở cõi ở vùng cửa sông ven biển “theo thủy triều lên xuống mà làm ruộng”.
Ngay từ thuở ấu thơ, Đặng Xuân Bảng đã nổi tiếng là người thông minh xuất chúng, chỉ học ở người cha trong cảnh bần hàn, bữa đói bữa no, vừa học vừa phải đỡ mẹ trông nom ruộng vườn và phụ giúp cha dạy cho lớp đàn em, mà thông thiên kinh vạn quyển. Chỉ qua hai vế ứng đối: “Đất không chân, đất biết chạy, quả đất xoay vần”[1] và “Con hơn cha, nhà có phúc, chắc hẳn có cầu, có được, có ước, có nên”[2], cũng có thể nhận thấy không chỉ kiến thức uyên thâm, ý chí và nghị lực phi thường, mà còn là thế đứng và bản lĩnh giữa thời buổi trời đất xoay vần của cậu bé 12 tuổi Đặng Xuân Bảng.
Năm 18 tuổi, Đặng Xuân Bảng đỗ Tú tài[3] và năm 22 tuổi đỗ Cử nhân, bắt đầu thực hiện được ước nguyện của một gia đình đại phúc. Cụ được bổ chức giáo thụ Ninh Giang (Hải Dương), bên cạnh việc dạy học, vẫn chăm chỉ học hành và năm 1856, khi tròn 28 tuổi, thi đậu Tiến sĩ với bài văn đình đối thẳng thắn can vua về thanh sắc và tuần du và với câu trả lời đầy tự hào về người cha, người thầy duy nhất rèn cặp từ những nét chữ đầu tiên cho đến khi trở thành Tiến sĩ. Đây là trường hợp hết sức đặc biệt không chỉ trong khoa thi Bính Thìn (năm 1856), mà trong toàn bộ lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, nên vua Tự Đức mặc dù không khỏi khó chịu về lời can gián của cụ, vẫn khen tặng cho cả hai cha con là “Giáo tử đăng khoa”.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, được tiếp nhận vào guồng máy quan chức cao cấp của triều đình Tự Đức trong bối cảnh vận nước đang vô cùng nguy nan, nhưng cụ Đặng Xuân Bảng dù làm việc trong triều đình Huế, hay được điều đi giữ trọng trách ở các địa phương (như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Yên, Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên, Nam Định…, có nơi đổi đi đổi lại đến vài ba lần), thậm chí có đến 3 lần cầm quân ra trận, ở đâu cụ cũng đều tận tâm, tận lực, nổi tiếng thanh liêm, có nhiều sáng kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân. Sự nghiệp chính trị và quân sự của Đặng Xuân Bảng cần phải được đặt trong bối cảnh đất nước nửa cuối thế kỷ XIX và hoàn cảnh cụ thể của triều Tự Đức để nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, công bằng. Tuy chưa làm được như Phan Đình Phùng, cũng không bị rơi vào hoàn cảnh quá éo le như Phan Thanh Giản, Đặng Xuân Bảng đã tìm được cho mình một lối đi riêng “làm quan trong Kinh, ngoài Trấn 30 năm, đi đến đâu đều có thành tích tốt ở đó”.
Là người mê đọc binh thư, chăm chú tổng kết và vận dụng lý giải trên thực địa những trận đánh nổi tiếng của tổ tiên và trực tiếp điều quân khiển tướng đánh tan giặc cướp giữ yên vùng duyên hải Đông Bắc, Đặng Xuân Bảng được người đời ngợi ca là bậc “văn võ toàn tài”. Sự nghiệp của Đặng Xuân Bảng bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nói đến Đặng Xuân Bảng trước hết phải nói đến một học giả kiệt xuất mà số lượng công trình dù đã bị thất lạc thì ngày nay vẫn có thể thống kê được không dưới 20 tác phẩm. Trước tác của của Đặng Xuân Bảng rất đa dạng gồm nhiều các lĩnh vực chuyên môn như Sử học, Địa lý, Thiên văn học, Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Giáo dục học, Y dược và thơ ca. Chẳng hạn trong lĩnh vực Địa lý học lịch sử, một ngành học của Việt Nam được mở đầu bằng tác phẩm Dư địa chí của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thế kỷ XV, được tiếp nối bằng nghiên cứu của các nhà bác học hàng đầu như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, được các Vương triều chú trọng tổ chức và quy vào nhiệm vụ của Quốc sử quán để có thể huy động cao độ trí tuệ của cả nước, thế mà khi làm tác phảm Đất nước Việt Nam qua các đời, GS Đào Duy Anh vẫn hoàn toàn có lý khi nhận định “Tác phẩm của Đặng Xuân Bảng có thể xem là một công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử quan trọng nhất trong học giới nước ta ở thời phong kiến”[4]. Không chỉ riêng mảng sách Địa lý học lịch sử, các mảng Văn thơ, Ngôn ngữ học, Triết học, Giáo dục học… ở mảng sách nào Đặng Xuân Bảng cũng đều có những thành công nổi bật. Nhưng dù có được đánh giá cao đến mức nào đi chăng nữa, thì các mảng sách chuyên môn này vẫn không thể sánh ngang với các công trình Sử học của cụ. Đặng Xuân Bảng vượt lên trên các nhà Sử học cùng thời, bên cạnh thái độ khách quan, tôn trọng sự thật, khảo cứu đến ngọn nguồn các chứng cứ lịch sử, là một cái nhìn khoa học tổng thể và phương pháp tiếp cận hệ thống và liên ngành, đúng như GS Hà Văn Tấn nhận xét Đặng Xuân Bảng “là một nhà Sử học có phương pháp gần với phương Tây hiện đại”[5]. Sử học Việt Nam thế kỷ XX và thập kỷ đầu thế kỷ XXI càng ngày càng chứng minh tính ưu việt của phương pháp nghiên cứu liên ngành và vì thế có thể hình dung Đặng Xuân Bảng là một nhà Sử học đi trước thời đại.
Đặng Xuân Bảng sở dĩ cùng một lúc chiếm lĩnh được nhiều đỉnh cao, vì ông được tôi rèn trong một môi trường giáo dục chuẩn mực của truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương và trở thành một người thầy mẫu mực “học vấn uyên bác, đức hạnh thuần khiết”. Theo cụ, cái gốc của giáo dục là sự rèn luyện tư cách phẩm chất cá nhân, là giáo dục gia đình, dòng họ và làng xóm. Cụ dạy người không biết mệt mỏi, nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có đến 200 Cử nhân, Tú tài. Cụ thúc đẩy truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện kết quả, khai hoa; đưa truyền thống dòng họ, gia đình sang một trang sử mới, mà cháu nội của cụ, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) là đại diện tiêu biểu nhất. Nói như Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đồng chí Trường Chinh có một sự hòa quyện giữa tính cách của một người sĩ phu với phẩm chất của người cách mạng và trong con người Trường Chinh luôn luôn tỏa sáng những đặc trưng đáng kính của một nhà Nho “tu thân, tề gia, trị quốc”. Dòng họ Đặng và làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có những đóng góp to lớn và nổi bật vào trong dòng chẩy của lịch sử cách mạng Việt Nam, hẳn có công lao đắp móng, xây nền của cụ. Đây cũng chính là nét hết sức đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp Đặng Xuân Bảng.
Không có mấy nhân vật lịch sử sau cả một thế kỷ trôi qua mà con người và sự nghiệp vẫn còn rõ ràng và hiển hiện như cụ Đặng Xuân Bảng. Bên cạnh những tác phẩm để lại cho đời đã in đậm dấu chân cụ ở Huế, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Yên, Hải Dương, Hà Nội và khắp mọi miền đất nước, đã đột khởi thăng hoa ở Đồn Vàng nơi cụ biến những năm tháng bị đày ải thành cơ hội chuyên tâm khảo cứu sách vở, đã lắng kết lại ở quê hương với cả một biển sách trong thư viện Hy Long, với lớp lớp học trò rợp bóng sân trường và và những tháng ngày mải mê trước tác..., còn có không ít các nguồn tài liệu khác.
Châu bản triều Tự Đức lưu trữ được ít nhất cũng với tới 36 văn bản gồm các loại dụ, tấu, tư, phúc của Nội các và các bộ Lại, Lễ, Hộ, Binh… do cụ soạn thảo hay nói về cụ hoặc có liên quan đến cụ.
Vì công lao trời biển của cụ đối với địa phương mà cụ đã được dân làng Tả Hành (thuộc Vũ Thư, Thái Bình) thờ làm Thành hoàng. Ngã ba Xuân Bảng ở địa đầu của thị trấn Xuân Trường chính là được đặt theo tên cụ. Hình ảnh cụ Bảng đã khắc đậm vào ký ức dân gian, thành huyền thoại, thành thơ ca, thành niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.
Cụ Đặng Xuân Bảng có lẽ cũng là trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam được khảo cứu và đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp dưới góc độ học thuật từ rất sớm. Năm 1897, khi cụ bắt đầu bước sang tuổi “cổ lai hy” thì con rể của cụ là Nguyễn Xuân Chức biên soạn cuốn sách Hành Thiện Đặng công hành trạng nói về công danh, sự nghiệp và các tác phẩm của cụ. Năm 1925, sau khi cụ qua đời 15 năm, con trai cụ là Đặng Xuân Viện (lấy bút danh Đặng Nguyên Khu) đã hoàn thành cuốn sách Hy Long di thặng gồm 23 hồi, bắt đầu “từ thưở nhỏ hàn vi” và kết thúc khi “lâm chung di chúc”, đã kể lại đầy đủ và khá chi tiết lịch sử một con người trải qua 8 triều vua nhà Nguyễn, cả thọ, cả danh, cả phúc đều trọn vẹn và đã để lại một tấm gương đạo đức cao thượng cho thiên hạ cùng soi.
Kính thưa toàn thể quý vị,
Năm 2008, kỷ niệm tròn 180 năm năm sinh của cụ, cũng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên đường phố Đặng Xuân Bảng tại khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, vinh danh cụ, một danh nhân Văn hóa lớn Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Ngày hôm nay, kỷ niệm tròn 100 năm ngày mất của cụ, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi hội tụ nguyên khí quốc gia gần một thiên niên kỷ, Hội Sử học Hà Nội, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - thành cổ Hà Nội và Ban Đại diện dòng họ Đặng Xuân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học bước đầu giới thiệu những tư liệu, thông tin và kết quả nghiên cứu mới về con người và sự nghiệp của cụ Đặng Xuân Bảng. Chúng tôi đã nhận được 20 báo cáo và sơ bộ biên tập, tập hợp trong Kỷ yếu nội bộ Hội thảo theo thứ tự từ những nhận xét, đánh giá chung cho đến sự nghiệp của cụ trên các lĩnh vực Sử học, Văn chương, Giáo dục và các lĩnh vực khác. Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng do thời gian chuẩn bị quá gấp gáp và do chưa có điều kiện đầu tư nghiên cứu cơ bản, nên một số báo cáo mới còn đang ở dạng phác thảo, một số lĩnh vực hoạt động của cụ vẫn chưa được đề cập đến. Chúng tôi trông đợi các ý kiến bổ sung để hoàn chỉnh các báo cáo trước khi xuất bản chính thức tập Kỷ yếu và hoàn chỉnh quá trình chuẩn bị cho một kế hoạch xuất bản Toàn tập Đặng Xuân Bảng trong tương lai."
[1] Để đối lại câu “Trời có mắt, trời không xa, đèn trời soi xét”.
[2] Để đối lại câu “Bé chẳng vin, cả gẫy cành, nên phải học ăn, học nói, học gói, học mở”.
[3] Cùng khoa này người cha của cụ lại tiếp tuc đỗ Tú tài lần thứ 3 và thậm chí 4 lần tiếp sau vào các năm 1847, 1848, 1850, 1842 cũng vẫn chỉ dừng lại ở bậc Tú tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét