Đinh Xuân Lâm - Phạm Hồng Tung |
Ảnh hưởng và uy tín của Trần Văn Giàu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận - hiện đại được khẳng định trước hết không phải bởi số lượng khổng lồ các công trình đã công bố, mà chính là ở cách tiếp cận và thái độ nghiêm túc nghề nghiệp ông thể hiện nhất quán trong tất cả các công trình đó. Có thể nói, Trần Văn Giàu là một sử gia mác-xít. Chất mác-xít - nói như lời của một học trò của ông, GS Trần Quốc Vượng, đã “ăn” vào máu thịt ông. Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Trần Văn Giàu là tác giả của những công trình được tuyển chọn và giới thiệu trong tập I và tập II của bộ sách quý Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) ấn hành năm 2003. Các công trình được tuyển chọn và công bố trong tập I và II của bộ sách Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đương nhiên là những công trình tiêu biểu nhất của ông. Mặc dù hai tập sách đã rất đồ sộ (với tổng cộng 3.558 trang), nhưng đó cũng chỉ thể hiện được một phần những cống hiến học thuật mà Trần Văn Giàu đã dâng tặng cho cách mạng, dân tộc và nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Điều cần nói rõ ở đây là: thế giới quan mác-xít được thể hiện theo một cách rất riêng trong phương pháp mà Trần Văn Giàu tiếp cận và nghiên cứu lịch sử. Chắc chắn là ông thuộc vào thế hệ những trí thức Tây học đầu tiên tự nguyện tiếp nhận phương pháp tư duy mác-xít một cách hoàn toàn duy lý, khoa học và đối xử học thuyết Mác – Lê-nin một cách khoa học - đúng như Mác từng đòi hỏi. Nguyên tắc quan trọng nhất trong nhận thức và trình bày lịch sử của Trần Văn Giàu là tôn trọng sự thực. Đó là cách viết sử mà ông gọi là “việc có ngày tháng, người có tên tuổi”. Sách ông viết, từ Chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam (hai bộ) đến Miền Nam giữ vững thành đồng và Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam cứ ngồn ngộn tư liệu, tư liệu từ nhiều phía, khai thác từ nhiều nguồn. Ông lại vốn rất cẩn trọng trong sưu tầm và sử dụng sử liệu, luôn luôn phê phán, so sánh, định rõ độ xác tín của chúng. Tư liệu ông đã dùng thường phải có chú dẫn rõ ràng. Phần nào chưa rõ, còn nghi ngờ, ông cũng nói rõ để người đọc thận trọng, tự kiểm chứng. Công trình của ông, dù ăm ắp những tư liệu nhưng người đọc không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại bị cuốn hút mạnh mẽ do cách ông biện giải rất hùng hồn, mạch lạc. Hai bộ sách của ông viết về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam là những công trình được tham khảo và trích dẫn nhiều nhất ở cả trong nước và nước ngoài. Người ta tham khảo hai bộ sách này trước hết vì nó sống động và ngồn ngộn tư liệu, như đã nói ở trên. Nhưng điều làm cho các bộ sách này được đánh giá cao, tham khảo rộng rãi còn chính là vì phương pháp, cách tiếp cận mà Trần Văn Giàu thể hiện trong các công trình nghiên cứu này. ở nước ngoài và nhất là ở Việt Nam có nhiều người đã tìm cách trình bày, lý giải các quá trình, sự kiện của lịch sử cận - hiện đại Việt Nam theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, trong phần lớn các công trình được phát hành bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước ấy đều có chung cách nhìn, cách trình bày khiến cho lịch sử chỉ còn là lịch sử của các chính đảng, các lãnh tụ, các tôn giáo và các nhóm thượng lưu đủ loại. Chỉ có trong các công trình nói trên của Trần Văn Giàu thì lịch sử mới thực sự được trình bày như là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, trong đó diện mạo, hình hài, tâm tư, nguyện vọng, hoạt động của quần chúng đã được tái hiện sinh động và cụ thể. Cách viết sử ấy của Trần Văn Giàu rõ ràng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức luận và các tiếp cận của nhiều học giả trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, kế tiếp công trình của ông đã xuất hiện một số nghiên cứu khác rất có giá trị về công nhân, nông dân, phụ nữ... được thực hiện theo cách tiếp cận này. Ngày nay, việc áp dụng các cách tiếp cận của nhân học, xã hội học và trình bày lịch sử theo kiểu “bottom up” (nhìn từ dưới lên) đang ngày một trở nên thịnh hành trong giới sử gia nhiều nước, và đã bắt đầu có dấu hiệu trở thành xu hướng cực đoan, “thấy cây mà không thấy rừng”. Chính trong bối cảnh này bộ sách Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần Văn Giàu lại càng khẳng định được giá trị có tính phương pháp luận của nó. Trong khi viết sử, dù lấy phong trào quần chúng làm đối tượng chính, Trần Văn Giàu vẫn duy trì được cái nhìn đa diện; đa chiều, không cực đoan, không thiên lệch. Nghiên cứu về công nhân mà chỉ ra cái ranh giới chính trị-xã hội vừa rõ ràng, vừa mong manh giữa hai lớp người, một lớp là “thầy”, lớp kia là “thợ”; chỉ ra được mối tương tác giữa chính thể, đoàn thể quần chúng và giai cấp công nhân thì ở Việt Nam chỉ có Trần Văn Giàu làm được. Bộ sách khác của Trần Văn Giàu cũng rất nổi tiếng cả ở trong nước và ở nước ngoài chính là công trình gồm ba tập Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám mà ông công bố trong khoảng thời gian 1973-1993. Đây chính là bộ công trình mà ông dụng công, dụng tâm, dụng trí nhiều hơn cả để hoàn thành. Vốn chuyên viết giáo trình, khảo cứu và dựng lại lịch sử các phong trào quần chúng, khi bắt đầu bước sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Văn Giàu biết rất rõ rằng ông đang tự mình đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. GS Đinh Xuân Lâm - TS Phạm Hồng Tung Báo Sài Gòn giải phóng ngày 21/11/2004 Vào lúc 17h20 ngày 16/12/2010, GS Trần Văn Giàu đã từ biệt thế giới này để đi vào cõi vĩnh hằng. GS Trần Văn Giàu là người thầy lớn của nhiều thê hệ những người làm sử Việt Nam, cũng là người Thầy của cha tôi. Kỷ niệm của tôi về Ông và cha tôi là cha luôn gọi Ông là thầy và xưng con với một sự kính trọng đặc biêt. Những cựu sinh viên khoa sử cũng sẽ nhớ mãi lời dặn dò và tâm sự của Ông trong buổi lễ Khoa Sử đón nhận danh hiệu anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và tiếng hô của GS Trần Quốc Vượng " Trần Văn Giàu muôn năm" trong buổi lễ hôm ấy... Nhưng tất cả đều hiểu rằng đó chỉ là mong muốn của chúng ta - còn sinh- tử là chuyện của muôn đời.. Đã có rất rất nhiều bài báo viết về Ong, nhưng tôi chọn đăng bài viết này ở đây vì đó là bài viết của những người đại diện cho hai thế hệ những người làm sử Việt Nam. Giáo sư Đinh Xuân Lâm, người học trò được GS Trần Văn Giàu trực tiếp đào tạo và PGS.TS Phạm Hồng Tung, thế hệ sau chỉ học Ông qua các công trình của ông và đã tu nghiệp 10 năm ở Cộng hòa Liên bang Đức nhìn nhận những công trình của GS Trần Văn Giàu dưới góc độ đóng góp về mặt lý thuyết và phương pháp. Có thể đọc thêm tâm sự của GS Đinh Xuân Lâm về người Thầy lớn của mình ở đây: Và một số bài viết khác ở đây: |
Bạn mang trong mình tình yêu của cha mẹ, người thân, truyền thống gia đình là tài sản, là bệ đỡ đưa bạn vào đời. Tình yêu đất nước, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc là sức mạnh, là hành trang để bạn bước ra với thế giới.
Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010
Giáo sư Trần Văn Giàu- Một học giả lớn!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
PHONG TRÀO TẨY CHAY HOA KIỀU Ở VIỆT NAM NĂM 1919 (qua nguồn tư liệu báo chí đầu thế kỷ 20)*
Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...
-
Đặng Thị Vân Chi * Đặt vấn đề T...
-
Đặng Thị Vân Chi ( Bài đăng trong Việt Nam học và Tiếng Việt- Các hướng tiếp cận, NXB KHXH, 20 1 1, từ tr 3 1 đến tr43) ...
-
Đặng Thị Vân Chi ( Bài đăng trong Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và Tiếng Việt- Những vấn đề Lý luận và Thực tiễn, NXB Đại học Quốc g...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét